Không chỉ mang chính sách tín dụng ưu đãi tới các hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tạo sinh kế để các đối tượng này tự vươn lên bằng chính khả năng của bản thân... Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) còn giúp người nghèo, người yếu thế biết cách quản lý, sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả; hướng đến mục tiêu cuối cùng là tự tin hòa nhập, làm chủ cuộc sống
Không chỉ trao chiếc “cần” để câu
Hành trình trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi của ông Huỳnh Văn Trung ở thôn An Thành 2, xã Bình Phú, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) luôn có sự đồng hành của nguồn vốn ưu đãi. Ông Trung kể, đã nhiều lần trăn trở với các phương án SXKD nhưng ngặt nỗi vốn không có nên cơ hội cũng cứ thế tuột dần. Năm 2009, thông qua Hội Nông dân, ông Trung được tiếp cận với NHCSXH và làm đơn vay 30 triệu đồng chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn để chăn nuôi lợn thịt. Chăn nuôi thuận lợi, 5 năm sau gia đình ông đã trả hết nợ ngân hàng và xin vay tiếp để phát triển chuồng trại, mở rộng chăn nuôi.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng đã giúp các hộ đồng bào Chăm, tỉnh Ninh Thuận làm giàu trên chính quê hương mình. Hộ gia đình anh Ea-Xít Thơ ở thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc là một ví dụ. “Đi lên” từ 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện, đến nay, gia đình anh đã sở hữu gần 1ha điều; 3,5 sào lúa và 6 con bò sinh sản. Số tiền thu được từ trồng trọt, chăn nuôi sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Hay gia đình chị Phú Thị Tráng ở khu phố 12, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cũng đã duy trì và phát triển nghề làm gốm truyền thống của gia đình nhờ vào những đồng vốn vay từ NHCSXH huyện. Chị Tráng chia sẻ, năm 2019, sau khi được NHCSXH huyện tạo điều kiện vay 50 triệu đồng, chị đã nâng cấp sân phơi và xây dựng lò nung. Nhờ đó, sản phẩm gốm làm ra nhanh hơn, cải thiện đáng kể thu nhập, tạo thêm việc làm thường xuyên cho 4 lao động trong vùng.
Với người dân nghèo Quảng Ngãi, Ninh Thuận hay bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng luôn là người bạn, là bệ đỡ vững chắc cho họ vươn lên, ổn định cuộc sống và quay trở lại đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Mỗi chương trình đều hướng về người nghèo
Tên gọi hay đối tượng có thể khác nhau nhưng dù là chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn hay bất cứ một chương trình tín dụng ưu đãi nào do NHCSXH thực hiện cũng đều có điểm chung là hướng về người nghèo, người yếu thế.
Trên thực tế, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và các đơn vị, trong những năm qua, hàng triệu lao động đã có việc làm, hàng trăm nghìn hộ gia đình đã phát triển kinh tế hiệu quả, hàng nghìn mô hình SXKD đã thành “những điểm sáng” trong việc sử dụng vốn vay chính sách, góp phần không nhỏ vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn hoạt động của NHCSXH và qua các kiến nghị, đề xuất của người dân, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của người lao động trong thời gian tới, cần có cơ chế tạo lập nguồn vốn cho NHCSXH. Đồng thời, NHCSXH cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng giao dịch, ứng dụng công nghệ hiện đại vào nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân vay vốn.
Riêng đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, hiện mức cho vay tối đa cho cơ sở SXKD đã nâng lên 2 tỷ đồng/dự án và 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Người lao động cũng được nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/người. Việc điều chỉnh này đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn đang ngày một tăng cao, khi mà quy mô SXKD của các cơ sở SXKD và người lao động từng bước dịch chuyển từ hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ sang quy mô lớn, gắn với quy hoạch phát triển vùng; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư dây chuyền sản xuất với khoa học kỹ thuật hiện đại; định hướng tiêu thụ sản phẩm theo các mô hình chuỗi giá trị.
Không chỉ vậy, thời hạn cho vay giải quyết việc làm cũng tăng lên 2 lần so với trước. Nếu trước đây thời hạn cho vay tối đa chỉ dừng lại 60 tháng thì đến nay thời hạn cho vay đã được điều chỉnh nâng lên 120 tháng, đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng đầu tư có thời gian thu hồi vốn dài trên 5 - 10 năm như chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng…
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Điều này sẽ tạo sự công bằng giữa các đối tượng được vay vốn của chương trình này với các đối tượng của các chương trình khác tại NHCSXH như chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo. Mặt khác, việc tăng lãi suất vay vốn sẽ làm giảm kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách.
Bình Nhi
TCNH số 13/2020