Ổn định kinh tế vĩ mô là cơ sở rất quan trọng tạo lòng tin cho nhà đầu tư và là tiền đề quan trọng cải cách, cơ cấu.
Củng cố lòng tin
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng Việt Nam liên tục được các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng tín nhiệm. Không phủ nhận một hậu thuẫn lớn để các ngân hàng được nâng hạng là do xếp hạng tín nhiệm của quốc gia được cải thiện, nhưng giới chuyên gia cũng cho rằng, đằng sau những thành công của nền kinh tế như tăng trưởng cao, vĩ mô ổn định lại có phần đóng góp quan trọng của điều hành chính sách tiền tệ (CSTT).
Thanh khoản được điều tiết hợp lý giúp các TCTD ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ DN
Đánh giá tổng thể gần 11 tháng qua, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, về cơ bản, CSTT được điều hành khá tốt khi đã góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, duy trì tương đối ổn định lãi suất, tỷ giá trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động. Từ đầu năm đến nay, tín dụng cũng tiếp tục tăng trưởng tương đối phù hợp ở mức khoảng 11%. Tuy nhiên do dòng tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, nên dù tín dụng tăng thấp, song vẫn phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế.
Không chỉ vậy, TS. Lực bổ sung, thời gian qua CSTT còn phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa. Chính sự ăn ý này đã giúp cho mặt bằng lãi suất không bị lệch pha, cũng như giảm lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng của thị trường trái phiếu, thay vào đó hiện một số định chế tài chính khác đã và đang đầu tư mạnh vào thị trường này. Cụ thể, nếu như trước đây vốn đầu tư của hệ thống NHTM vào thị trường trái phiếu chiếm khoảng hơn 80% giờ chỉ còn 54 – 55%.
Cũng đánh giá cao điều hành tỷ giá của NHNN, TS. Võ Trí Thành dẫn chứng, thời gian qua một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… đã điều chỉnh mạnh tỷ giá nội tệ. Tuy nhiên, lợi ích thu về từ xuất khẩu chưa thấy đâu, nhưng các nước này đang phải đối mặt với nỗi lo lớn khi lạm phát liên tục tăng cao, đẩy lãi suất cho vay tăng mạnh. Trong khi đó, ở Việt Nam, kể từ đầu năm đến nay VND mới giảm giá chưa tới 1,5% so với USD, ít hơn nhiều so với các đồng tiền trong khu vực.
Bên cạnh đó, cán cân thanh toán và kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá tốt, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng ổn định, lãi suất cũng đang giữ ở mức hợp lý. Tất cả những điều đó đã góp phần củng cố niềm tin của các NĐT, đặc biệt là các NĐT nước ngoài vào nền kinh tế. “Điều đó cho thấy, thời gian qua, NHNN đã xử lý rất bình tĩnh và linh hoạt với tỷ giá”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Có được kết quả này cũng nhờ NHNN đã sử dụng hết sức linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết lượng tiền cung ứng với mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thanh khoản của hệ thống TCTD. Một chuyên gia dẫn chứng, tổng phương tiện thanh toán của tháng 7 đạt 8.842.552 tỷ đồng, giảm hơn 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 6 (8.879.582 tỷ đồng). Đây là lần đầu tiên tổng phương tiện thanh toán của một tháng không những không tăng mà còn giảm. Động thái giảm tổng phương tiện thanh toán đặt trong bối cảnh NHNN bán ra lượng lớn USD để can thiệp ổn định tỷ giá đồng nghĩa với việc cùng lúc hút về một lượng tiền đồng rất lớn.
Việc điều tiết cung tiền ra vào hợp lý, cùng với việc đảm bảo tính kỷ luật đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã giúp NHNN chủ động giữ được lạm phát cơ bản như mong muốn đặt ra từ đầu năm 1,8 - 2%. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 1,43% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. “Lạm phát cơ bản là phần rất nhạy cảm đối với CSTT. Chỉ số này giữ được tốt cho thấy hiệu lực CSTT trong ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng cao. Mà ổn định kinh tế vĩ mô là cơ sở rất quan trọng cho tăng trưởng đầu tư, tạo lòng tin cho NĐT và nó là tiền đề quan trọng cải cách, cơ cấu”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Thách thức trong điều hành CSTT
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, những kết quả đạt được trong điều hành CSTT đã được cử tri cả nước ghi nhận, thể hiện qua số phiếu tín nhiệm rất cao người đứng đầu ngành Ngân hàng, cũng như những đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế về hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Niềm tin đó, quay trở lại, sẽ lại có hiệu ứng hết sức tích cực đối với điều hành CSTT thời gian tới. “Khi niềm tin được củng cố, kỷ luật thị trường được nâng lên, hiệu lực, hiệu quả điều hành CSTT cũng tăng cao hơn”.
Thế nhưng, khó khăn phía trước vẫn còn nhiều khi mà thị trường thế giới vẫn biến động khó lường theo diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như động thái thắt chặt tiền tệ của Fed. Trong nước, áp lực lạm phát năm 2019 cũng được dự báo sẽ lớn hơn nhiều so với năm nay. Bởi vậy, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, Chính phủ cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với NHNN Việt Nam tiếp tục điều hành CSTT linh hoạt, thận trọng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, đồng thời chủ động điều hành thanh khoản, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường trong và ngoài nước, ứng phó kịp thời với những tác động bất lợi của thị trường tài chính thế giới và cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc…
Có thể thấy nhiệm vụ trong thời gian tới đối với cơ quan điều hành CSTT tương đối nhiều và không hề dễ dàng nhất là liên quan đến tỷ giá, lãi suất. Trước những bất định của kinh tế toàn cầu cũng như áp lực lạm phát trong nước, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong thời gian tới, về cơ bản vẫn phải ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách là phải tiếp tục phối hợp tốt với chính sách tài khóa, chính sách giá cả. Đối với chính sách tỷ giá, theo quan điểm của vị chuyên gia này là tiếp tục kiên định triển khai như thời gian qua, nhưng cần có sự linh hoạt hơn. Ví như, cân nhắc lại trọng số của các loại tiền tệ trong rổ tiền tệ mà NHNN làm căn cứ xác định tỷ giá trung tâm. Trọng số này áp dụng được gần 3 năm nay. Trong rổ tiền tệ này, mức độ biến đổi tỷ giá của nhiều đồng tiền khá mạnh trong thời gian qua cũng là yếu tố cần xem xét để thay đổi.
Để điều hành CSTT hiệu quả hơn, giới chuyên môn đề xuất cần phải đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, nếu không sẽ cản trở điều hành chính sách của NHNN. “Vì tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém chậm, trong trường hợp thanh khoản có vấn đề sẽ phải đẩy lãi suất lên cao để huy động vốn, khiến cho mặt bằng lãi suất tăng lên”, TS. Cấn Văn Lực lý giải.
Theo Thoibaonganhang.vn