Khó khăn chồng chất khó khăn
Sau gần 100 ngày không xuất hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, những tưởng dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát. Thế nhưng dịch bệnh đã âm thầm quay lại. Kể từ khi ca lây nhiễm mới ngoài cộng đồng được phát hiện tại Đà Nẵng hôm 25/7, đến nay đã có 11 địa phương ghi nhận ca mắc Covid-19 có liên quan tới Đà Nẵng gồm:Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. HCM, Hà Nội, Quảng Ngãi, Thái Bình, Đắk Lắk, Hà Nam, Đồng Nai, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Đầu ra của sản xuất vẫn gặp khó vì đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã âm thầm quay lại đã khiến việc thực hiện mục tiêu kép trở nên khó khăn, gian nan hơn thời gian trước rất nhiều lần. Việc vẫn có thêm người nhiễm bệnh và có thêm số tỉnh có người nhiễm bệnh càng làm tăng nỗi lo kinh tế bị tổn hại khi phải khoanh vùng dập dịch mặc dù Chính phủ đã xác định “Tinh thần là bảo đảm hoạt động kinh tế, xã hội, chung sống của người dân trong trạng thái mới”.
Nhiều ý kiến lo ngại khi chưa có vaccine chống virus corona thì tình hình còn khó khăn, chưa thể mở cửa nền kinh tế, cũng chưa biết khi nào mới kết nối lại được chuỗi sản xuất và cung ứng đã bị đứt gãy. Tinh thần chung là người dân ủng hộ Chính phủ quyết tâm dùng mọi hình thức dập dịch bằng được. Nhưng nếu dịch bệnh lan rộng ở trong nước, thì các biện pháp dập dịch và phát triển kinh tế sẽ như thế nào? Kết quả tăng trưởng kinh tế quý II cho thấy tác động ghê gớm do dịch bệnh, đợt giãn cách toàn quốc 22 ngày. Nhưng cách thực hiện giải pháp trong phòng chống dịch hiện nay và những chỉ đạo trong phiên họp Chính phủ vừa qua cho thấy cách chống dịch hiện nay đã khác giai đoạn trước.
“Thiệt hại kinh tế là không tránh khỏi, nhưng việc đầu tiên là phải khống chế dịch. Hiện nay chúng ta quyết liệt dập dịch bằng cách khoanh vùng dập dịch, chỉ tập trung phong tỏa những nơi có dịch, cách ly nguồn dịch. Những nơi không có lây nhiễm trong cộng đồng mà chỉ có người trở về từ các vùng dịch thì khoanh vùng phạm vi ở mức độ vừa đủ. Như vậy tác động đến kinh tế cũng sẽ khác giai đoạn trước”, TS.Võ Trí Thành – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận.
Tình hình đòi hỏi phải có đối sách phù hợp với những chính sách đặc biệt, kịp thời, hiệu quả. Giới DN và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế đang cần nhiều giải pháp hỗ trợ, kích thích mạnh hơn nữa để phục hồi.
“Gói hỗ trợ đang thực hiện chưa thấm vào đâu so với những thiệt hại mà sản xuất, kinh doanh đã phải hứng chịu”, TS. Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng bình luận. Một thành viên khác của Tổ tư vấn của Thủ tướng, TS. Trần Đình Thiên cũng nói rằng “gói hỗ trợ hiện chỉ là cầm hơi”, vì thế cần có gói kích thích kinh tế mới với liều lượng mạnh hơn để vực dậy nền kinh tế, vừa tránh tạo ra đáy tăng trưởng mới, vừa không rơi vào mô hình tăng trưởng nhiều đáy.
Hỗ trợ phải đủ liều
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, có thể sẽ đề xuất các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mới. Nhưng để làm được việc đó cần xác định đối tượng thụ hưởng là ai? Các ngành kinh tế nào cần tập trung? Thời gian thực hiện là như thế nào? Nguồn lực ra sao? Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện tại cần thực hiện tốt các chính sách đã ban hành; có thể xem xét kéo dài thời gian thực hiện các chính sách đã ban hành.
Giới DN và các chuyên gia đề nghị phải thực hiện nhanh và kéo dài gói hỗ trợ hiện nay và cần thêm gói kích thích mới mạnh mẽ hơn và tính cả tầm nhìn 2021. Các chuyên gia đề nghị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế mới tháng 9 kịp trình Trung ương xem xét, một số nội dung cần thì phải trình Quốc hội thông qua.
Các gói hỗ trợ hiện nay đang thực hiện có quy mô vào khoảng 3,5% GDP, quá nhỏ so với nhiều quốc gia trong khu vực chứ chưa nói gì đến thế giới. Bởi vậy theo TS. Võ Trí Thành, cần có thêm các gói kích thích mới để nâng quy mô các gói kích thích sẽ lên tới 4%-5% GDP năm nay. Gói kích thích kinh tế mới phải đủ liều lượng và phải tính cả cho năm 2021 nữa. Điều đó cũng có nghĩa phải chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn, chấp nhận nới trần nợ công. TS. Võ Trí Thành bổ sung trong gói kích thích kinh tế sẽ chú trọng các yếu tố liên quan đến sáng tạo, đổi mới, kỹ năng… gắn với những lĩnh vực mới, xu hướng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng mới và có thể thêm gói hỗ trợ lao động mới.
TS. Trần Đình Thiên và TS. Nguyễn Đình Cung cũng cùng quan điểm chấp nhận tăng nợ công, phải chấp nhận tăng bội chi lên tới 3-4% GDP để có thêm nguồn lực cho tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Với chính sách tiền tệ, giới chuyên gia cũng đồng tình tăng trưởng tín dụng năm 2020 và đầu năm 2021 là hơn 10%.
Đưa ra ý kiến về gói kích thích kinh tế mới, các chuyên gia khẳng định, so với nhiều năm trước, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, thì kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã thể hiện sức chống chịu tốt hơn rất nhiều, dư địa chính sách đang vẫn còn để có thể ứng phó với các kịch bản kinh tế trong thời gian tới. “Việt Nam đang có dư địa đáng kể và lượng ngân quỹ cỡ khoảng 8 tỷ USD nên có thể chi nhiều hơn để giúp tăng cầu và tăng cả cung cho nền kinh tế. Đây là điều mà không phải quốc gia nào cũng có được”, ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam phát biểu.
WB cũng khuyến nghị Việt Nam nên đưa ra gói chính sách “không hối tiếc”, trong đó bên cạnh thúc đẩy đầu tư công cần có gói chính sách hỗ trợ tài chính và khuyến khích thông minh dành cho những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Giới chuyên gia cũng khuyến nghị, bên cạnh nỗ lực phục hồi kinh tế, cố gắng để có được mức tăng trưởng cao nhất, nhưng cần duy trì tốt ổn định vĩ mô. Vì vậy các gói kích thích cần được cân nhắc thấu đáo theo nhiều chiều cạnh, phải được tính đủ tính đúng liều, thực hiện có trọng tâm trọng điểm, tránh tràn lan để không để lại những hệ quả xấu khó gỡ như đã từng có khi tung ra gói kích cầu trước đây.
Theo quan điểm của TS. Trần Đình Thiên, nếu không đúng thuốc, đúng liều thì hậu quả còn nặng hơn. Theo ông phải có cách tiếp cận cứu DN hiệu quả hơn, để cả nền kinh tế đứng dậy sớm và chớp thời cơ, không bỏ sót nhưng phải ưu tiên cứu DN nào giúp nền kinh tế đứng dậy được, chứ không phải để tất cả cùng thoi thóp.
Cũng cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu DN lớn mà thất bại thì khó quay trở lại thị trường thì nhiều người bị ảnh hưởng hơn. Ông cũng lưu ý các nước đang làm nhiều hơn và làm nhanh hơn Việt Nam. Còn ở Việt Nam gói hỗ trợ đã được ban hành đến nay thực hiện vẫn rất chậm. Vì vậy cần tăng tốc thực hiện gói này đồng thời kéo dài gói này sang năm 2021. Bên cạnh đó, phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn, phải quản lý bằng cách thức sáng tạo.
“Chúng ta đang ở trong tình hình mới, vì vậy đừng đặt ra điều kiện, quy định để những chính sách hỗ trợ đưa ra lại không được hiện thực trên thực tế. Nếu gói hỗ trợ lại đi kèm quy định đòi hỏi nhiều thủ tục mà những thủ tục đó làm được cũng mất thời gian tính bằng tháng thì có khi DN phá sản, lao động mất việc làm rồi cũng chưa được cứu”, ông Cung nói.