Tín dụng đen thời gian gần đây được coi là vấn nạn mà Chính phủ đang nỗ lực tìm cách đẩy lùi. Bên cạnh các giải pháp đấu tranh, xử lý được triển khai, chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một trong những nhân tố góp phần tích cực nhằm thúc đẩy hoạt động ngân hàng chính thức, giúp người dân ý thức được cần tránh xa “tín dụng đen”.
Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành triển khai các giải pháp hạn chế “tín dụng đen”, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với các nhóm giải pháp nhằm tạo điều kiện để người dân thuận lợi tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Chung tay cùng Chính phủ, NHNN, hướng tới đẩy lùi “tín dụng đen”, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) thời gian qua đã tích cực triển khai chính sách BHTG, từ đó đóng góp tích cực vào việc nâng cao khả năng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có địa bàn hoạt động đa phần tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thông qua triển khai các hoạt động nghiệp vụ, BHTGVN đã góp phần thúc đẩy việc phát triển kênh huy động, tín dụng chính thức vào hệ thống ngân hàng nói chung và QTDND nói riêng.
Với nghiệp vụ giám sát, kiểm tra giúp BHTGVN kịp thời phát hiện các QTDND có biểu hiện bất ổn về hoạt động, vi phạm quy định an toàn về ngân hàng, từ đó có biện pháp kiểm soát rủi ro kịp thời, tránh những đổ vỡ dây chuyền.
Quy định về bắt buộc niêm yết chứng nhận tham gia BHTG giúp người gửi tiền nhận diện các QTDND đã tham gia BHTG để gửi tiền an toàn, tránh xa những lời mời chào lãi suất cao từ “tín dụng đen” núp bóng có thể khiến họ mất toàn bộ số tiền mồ hôi công sức dành dụm được. Khi QTDND gặp sự cố và mất khả năng thanh khoản, BHTGVN sẽ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền với hạn mức 125 triệu đồng theo quy định của pháp luật. Theo tính toán của BHTGVN, hạn mức này hiện đang bảo vệ toàn bộ cho gần 91% người gửi tiền của toàn hệ thống ngân hàng.
Nhận thức việc tuyên truyền hiệu quả chính sách BHTG sẽ góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn “tín dụng đen” tại khu vực nông thôn, thời gian qua BHTGVN thông qua mạng lưới 08 chi nhánh BHTG trên cả nước đã tích cực phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh thành phố, hệ thống các QTDND, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ… các địa phương tổ chức sự kiện tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chuyển tải chính sách BHTG đến người gửi tiền bằng các hình thức dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ ghi nhớ.
Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, BHTGVN lựa chọn kênh truyền thông độc quyền của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) để tuyên truyền chính sách BHTG qua phong bì chi trả lương hưu tại các điểm bưu điện văn hóa xã; qua standee và poster để người dân hiểu rằng, tiền gửi của họ tại các tổ chức tham gia BHTG luôn được pháp luật đảm bảo an toàn, cũng như cần tuân thủ đúng quy định pháp luật khi gửi tiền để trong trường hợp xảy ra sự cố sẽ được BHTGVN đứng ra bảo vệ.
Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền với số tiền gửi được bảo hiểm là gần 7 triệu tỷ đồng tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, trong đó có 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 QTDND, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Bằng việc ngày càng đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tham gia BHTG, kết hợp với tuyên truyền hiệu quả chính sách BHTG, người dân ngày càng yên tâm khi mang tiền tới các QTDND hay tổ chức vi mô gửi tiết kiệm, từ đó góp phần duy trì an ninh, trật tự xã hội; đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen” tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Phương Vy