Hoạt động KHCN ngành Ngân hàng thời gian qua đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo NHNN. Sự tham gia nhiệt tình của thành viên Hội đồng khoa học ngành, các đơn vị vụ, cục NHNN, các NHTM, tổ chức tín dụng, cộng tác viên, các nhà khoa học trong và ngoài ngành, trong nước và ngoài nước...
Nhằm hưởng ứng, chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2019 (18/5/2019), được sự đồng ý của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ (KHCN) ngành Ngân hàng, ngày 16/5/2019, Viện Chiến lược ngân hàng - cơ quan thường trực của Hội đồng KHCN ngành Ngân hàng đã tổ chức Toạ đàm khoa học chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và quản lý giữa các hội đồng KHCN của các ngân hàng thương mại nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
Hoạt động KHCN ngành Ngân hàng thời gian qua đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo NHNN. Sự tham gia nhiệt tình của thành viên Hội đồng khoa học ngành, các đơn vị vụ, cục NHNN, các NHTM, tổ chức tín dụng, cộng tác viên, các nhà khoa học trong và ngoài ngành, trong nước và ngoài nước... Nhờ nhiều yếu tố cộng sinh như vậy mà hoạt động khoa học của Ngành đã có nhiều đổi mới từ việc hoàn thiện, kiện toàn môi trường pháp lý theo quy định của Luật Khoa học công nghệ và đặc thù của Ngành tới việc thay đổi công tác quản lý khoa học theo hướng huy động, động viên, khuyến khích nhiều nguồn lực nghiên cứu.
TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Uỷ viên thư ký Hội đồng KHCN ngành Ngân hàng chia sẻ: Thành viên nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài hiện nay không chỉ là lãnh đạo mà còn có cả các chuyên viên không chỉ trong ngành mà có cả ngoài ngành. Việc xác định danh mục nghiên cứu hàng năm được xây dựng bài bản, công phu, đúng quy trình, quy định. Các đề xuất nghiên cứu đều xuất phát từ cơ sở, căn cứ trên định hướng nghiên cứu đã được xây dựng trước khoảng 1 năm.
“Các đề xuất nghiên cứu ngoài định kỳ theo thông lệ thì tại bất kỳ thời điểm nào trong năm, chúng tôi cũng linh hoạt tiếp nhận các đăng ký đột xuất để bổ sung vào danh mục, nhiệm vụ. Việc xét duyệt nghiệm thu các đề tài đều thông qua Hội đồng tư vấn trước khi Thống đốc phê duyệt. Các hội đồng có các thành phần đảm bảo bao gồm đơn vị đại diện đặt hàng, đại diện cơ quan nghiên cứu, đại diện đơn vị thụ hưởng kết quả nghiên cứu và các chuyên gia có năng lực chuyên môn phù hợp”, bà Hiền cho biết.
Một trong các tiêu chí để các đề xuất, nhiệm vụ thông qua là phải chỉ rõ kết quả nghiên cứu được áp dụng ở đâu, làm gì để phù hợp với đặc thù và công tác chuyên môn, chủ đề nghiên cứu đặt hàng được phân thành ba nhóm rõ rệt. Thứ nhất là các nhiệm vụ đối với vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN: chủ yếu tập trung liên quan đến hoạt động thực tiễn và tìm kiếm các giải pháp chính sách cho các hoạt động nghiệp vụ của NHNN. Thứ hai, các nhiệm vụ đối với hai cơ sở đào tạo là Học viện Ngân hàng và Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh: đối với hai cơ sở này các chủ đề đặt hàng tương đối đa dạng, do đặc thù là các cơ sở đào tạo đa ngành, lực lượng nghiên cứu đông, các nhiệm vụ được giao chủ yếu là nghiên cứu lý luận cơ bản, kinh nghiệm quốc tế nhằm đưa ra gợi ý chính sách cho Việt Nam. Và thứ ba, là các nghiên cứu đối với các TCTD, các NHTM: tập trung vào nghiên cứu các tác động hỗ trợ cho công tác quản trị kinh doanh của đơn vị mình hoặc nhằm đưa ra đề xuất chính sách đối với NHNN. Các đề tài nghiên cứu có mức kinh phí khác nhau, không cào bằng tuỳ theo nội dung đặt hàng và có hội đồng xét duyệt riêng.
Đối với công tác quản lý khoa học, đại diện Viện Chiến lược ngân hàng cho biết: những năm vừa qua nhằm nâng cao chất lượng kết quả đầu ra, nhiều giải pháp đã được thực hiện như tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá tiến độ giữa kỳ nhằm giảm thiểu số lượng các đề tài gia hạn, đẩy mạnh việc phổ biến các đề tài nghiên cứu... Bên cạnh việc chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các đơn vị thụ hưởng, tóm tắt các kết quả nghiên cứu trên các chuyên trang của NHNN, Viện Chiến lược đã triển khai thêm hình thức hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu, không để các đề tài sau khi nghiệm thu, quyết toán và đóng bìa mà đưa ra phổ biến, ứng dụng kết quả nghiên cứu. Việc này cũng nhận diện ra các thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai, các giải pháp và có những kiến nghị phù hợp.
Một điểm nữa là bắt đầu từ năm 2008, các nghiên cứu của Viện Chiến lược ngân hàng cũng được bóc tách ra thành các báo cáo chuyên đề chuyên sâu, nghiên cứu kịp thời các vấn đề có tính trọng tâm, trọng điểm của Ngành, đưa ra các kiến nghị đối với Ban Lãnh đạo NHNN. Với sự thay đổi trong cách thức hoạt động như vậy, có thể khẳng định hoạt động KHCN ngành Ngân hàng đang từng bước tạo dựng được niềm tin đối với Ban Lãnh đạo NHNN, đóng góp được cơ sở lý luận vào thực tiễn, phục vụ cho công tác hoạch định ban hành chính sách của NHNN cũng như NHTM, TCTD, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, chất lượng giảng dạy cho các cơ sở đào tạo.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận mặc dù đã đạt được nhiều thành tích, hoạt động KHCN ngành Ngân hàng cũng còn một số hạn chế, điển hình như trong hoạt động hợp tác quốcc tế mới chỉ diễn ra ở mức độ tổ chức khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật, hội thảo, tham gia nghiên cứu một số chuyên đề nhỏ. Việc phối hợp với các tổ chức quốc tế cùng nghiên cứu một vấn đề, một chương trình lớn của Ngành chưa được triển khai thực hiện, chưa thiết lập được mối quan hệ trao đổi thông tin công nghệ thường xuyên với các tổ chức, các trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học nước ngoài cũng như trong nước, chưa cam kết được nhiều lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học của các đơn vị dẫn tới cơ chế chia sẻ thông tin khoa học còn thiếu và yếu. Việc tăng cường liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu, các đơn vị thụ hưởng kết quả nghiên cứu để triển khai hợp tác đề tài, đa dạng hoá nguồn kinh phí cho hoạt động KHCN, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước còn ở mức hạn chế và khiêm tốn.
Tại toạ đàm, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ về kinh nghiệm quản lý NCKH và đề xuất các giải pháp cải tiền công tác nghiên cứu, quản lý khoa học cho ngành Ngân hàng. TS. Cấn Văn Lực Giám đốc Trung tâm đào tạo BIDV chia sẻ: BIDV rất chú trọng công tác NCKH và tích cực đầu tư cho hoạt động NCKH bằng các cơ chế chính sách ghi nhận, đánh giá các nghiên cứu và các sáng kiến cải tiến đội ngũ cán bộ, quản lý BIDV toàn hệ thống. Để công tác NCKH được hiệu quả, chuyên nghiệp, theo ông Lực cần xây dựng được đội ngũ NCKH có trình độ, có tâm huyết, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, BIDV cũng rất coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiên cứu, cơ sở dữ liệu NCKH đã được BIDV xây dựng giúp cho các nghiên cứu có cơ sở vững chắc, thuyết phục hơn. Văn hóa học hỏi sáng tạo cũng được hình thành và phổ biên trong toàn hệ thống BIDV, giúp hoạt động khoa học thêm sôi nổi và hỗ trợ cho công tác chuyên môn.
Thảo luận tại toạ đàm, ông Nguyễn Hữu Ý, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đề xuất các giải pháp thu hút nguồn lực nhân tài cho các cơ sở đào tạo nghiên cứu KH, tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Đồng thời, ông cho rằng NHNN cần thường xuyên trao đổi và có định hướng công tác NCKH để các TCTD, các cơ sở đào tạo có căn cứ triển khai công tác NCKH kịp thời và hiệu quả.
Trong bối cảnh cả nước đang coi KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu chung vì sự phát triển khoa học của ngành, với tinh thần cầu thị cao, toạ đàm là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khao học chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, cởi mở các kinh nghiệm nghiên cứu, kết quả quản lý khoa học giữa các hội đồng khoa học để phát huy tiềm lực nghiên cứu, nâng cao chất lượng nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Hiền đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, trong đó có các đề xuất liên quan tới việc ứng dụng công nghệ để đổi mới và phát triển công tác nghiên cứu và quản lý NCKH; sự cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu NCKH của ngành NH và của từng NHTM; công tác phát triển hợp tác quốc tế và hợp tác giữa các cơ đào tạo trong nước để hoạt động NCKH ngành Ngân hàng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu hoạt động của NHNN nói riêng và của ngành Ngân hàng nói chung.
Theo thoibaonganhang.vn