“Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH theo Quyết định số 852/QĐ-TTg, ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, do đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình cần rà soát các nội dung công việc theo Chiến lược, kế hoạch thực hiện Chiến lược của NHCSXH để chuẩn bị cho công tác đánh giá, tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030”. Đây là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt và các đơn vị trực thuộc Chi nhánh tỉnh Quảng Bình vào chiều 23/7/2020.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết, đến ngày 30/6/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 3.443 tỷ đồng, tăng 176 tỷ đồng so với 31/12/2019; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 72 tỷ đồng, tăng 16,3 tỷ đồng (ngân sách tỉnh tăng 10,2 tỷ đồng, ngân sách huyện, thị xã, thành phố tăng 6,1 tỷ đồng).
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30/6/2020 đạt 3.411 tỷ đồng, tăng 160 tỷ đồng (tăng 4,9%) so với cuối năm 2019, với 83 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, bình quân dư nợ 41,2 triệu đồng/hộ. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,12% tổng dư nợ.
Những tác động của dòng vốn chính sách càng thêm rõ khi nhìn lại hành trình thực hiện Chiến lược 10 năm phát triển, với 300 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh; trong đó, đã cho vay được 71.123 lượt hộ nghèo, 44.083 lượt hộ cận nghèo, 18.906 lượt hộ mới thoát nghèo để đầu tư sản xuất kinh doanh với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu; giúp trên 16.263 lượt hộ vay thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm; xây dựng 7.031 căn nhà cho hộ nghèo; trên 35.779 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập. Vì vậy, đến cuối năm 2019, số hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Bình giảm từ 14,42% xuống còn 4,97%.
Thời gian qua, Chi nhánh cũng đã làm tốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn; tăng cường huy động các nguồn vốn trên địa bàn; thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, duy trì lịch trực giao dịch tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh tuyên truyền, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi nhằm động viên cán bộ, viên chức, người lao động phấn đấu vượt khó, yêu ngành, yêu nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH theo Quyết định số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình cần rà soát các nội dung công việc theo Chiến lược, kế hoạch thực hiện Chiến lược của NHCSXH để chuẩn bị cho công tác đánh giá, tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030.
“Chi nhánh cần xác định rõ mục tiêu thực hiện Chiến lược, trong đó bám sát mục tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc; tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và giải ngân vốn kịp thời cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách”, Tổng Giám đốc chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc yêu cầu Chi nhánh phải coi trọng các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, duy trì lịch trực giao dịch tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ xuyên suốt và tăng cường kiểm tra giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền tín dụng chính sách xã hội, phát động các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
TCNH số 15/2020