Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng
thành kính dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò
Luôn coi trọng việc đổi mới nội dung, hình thức, từ đó giúp nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ, Chi bộ Tạp chí Ngân hàng đã thường xuyên đổi mới các buổi sinh hoạt chuyên đề dưới hình thức trải nghiệm thực tế, tổ chức tham quan các khu di tích lịch sử, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước. Việc đổi mới hình thức sinh hoạt này đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động trong đơn vị.
Sinh hoạt chuyên đề quý III/2022, Chi bộ Tạp chí Ngân hàng đã tổ chức cho toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động trong đơn vị tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, nằm trên phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Phút tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc tại Nhà tù Hỏa Lò.
Tại đây, các thành viên trong đoàn đã thành kính làm lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị bắt, tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò. Tiếp đó, đoàn đảng viên, viên chức và người lao động Tạp chí Ngân hàng đã được tận mắt chứng kiến các phòng giam tăm tối, mô hình tái tạo hình ảnh các chiến sĩ cách mạng trong lao tù, nhiều hiện vật lịch sử như gông cùm, máy chém mà thực dân Pháp đã dùng để hành quyết các chiến sĩ yêu nước, cách mạng… và được nghe những câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ yêu nước, kiên trung khi bị địch bắt giam trong ngục Hỏa Lò.
Nhằm đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Pháp đã tăng cường bộ máy đàn áp bằng cách bổ sung cảnh sát, hoàn chỉnh hệ thống tòa án và xây dựng mạng lưới nhà tù. Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây năm 1896 và lấy tên là “Nhà tù Trung ương”, có tên tiếng Pháp là Maison Centrale, nằm trên khu đất thuộc làng Hỏa Lò (chuyên làm các loại ấm đất, siêu đất và các loại hỏa lò bằng đất, đem bán khắp kinh kỳ) lúc đó là ngoại vi thành phố với quy mô lớn và kiên cố vào loại bậc nhất ở Đông Dương, có tổng diện tích là 12.908 m2. Đây là ngục thất trung ương của cả hai xứ Trung và Bắc Kỳ.
Nhà tù Hỏa Lò - “địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” là nơi thực dân Pháp giam giữ hàng nghìn chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Dù sống trong nhà tù với chế độ giam cầm hà khắc, sinh hoạt đọa đày, các chiến sĩ vẫn giữ vững khí tiết, bất khuất đấu tranh đến những giây phút cuối cùng cho niềm tin bất diệt:
Quyết hy sinh phá tan hết gông xiềng
Cho Tổ quốc muôn muôn năm độc lập!
(Quyết hy sinh - Tố Hữu)
Trong tận cùng khó khăn, gian khổ, bị tra tấn cả về thể xác và tinh thần nhưng những chiến sĩ cách mạng vẫn nêu cao chí khí, một lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, thể hiện khát vọng độc lập cháy bỏng cho non sông Việt Nam.
Nhà tù Hỏa Lò là một di tích lịch sử ghi dấu nhiều đau thương nhưng cũng là “chứng nhân lịch sử” đại diện cho tinh thần bất khuất, kiên cường khi phải đối mặt với nhục hình và sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng; đồng thời là bản án tố cáo chế độ nhà tù man rợ của chế độ thực dân Pháp trong thời kỳ đô hộ ở Việt Nam.
Buổi sinh hoạt chuyên đề đồng thời là lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ, qua đó, đảng viên, viên chức và người lao động Tạp chí Ngân hàng nhận thức đầy đủ hơn về giá trị lịch sử của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, khắc ghi sâu sắc hơn truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đảng viên, viên chức và người lao động đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bằng cách tổ chức sinh hoạt chuyên đề ý nghĩa này, Chi ủy, Chi bộ Tạp chí Ngân hàng đã tạo sự gắn kết hơn giữa các đảng viên, viên chức và người lao động trong đơn vị; giúp đảng viên mở rộng hiểu biết, sáng tạo hơn trong cách nghĩ, cách làm, từ đó thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.
Dưới đây là một số hình ảnh chuyến thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò của Chi bộ Tạp chí Ngân hàng:
Các đảng viên, viên chức, người lao động Tạp chí Ngân hàng chăm chú lắng nghe những câu chuyện
về cuộc sống của các chiến sĩ tù chính trị bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò
Đảng viên, viên chức, người lao động Tạp chí Ngân hàng tham quan phòng biệt giam chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái - vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Các thành viên trong đoàn thăm quan cống ngầm - chứng tích về câu chuyện vượt ngục
của các chiến sĩ cách mạng kiên trung.
Minh Tâm