Báo cáo trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Chính phủ cho biết tăng trưởng kinh tế năm nay ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%. Hầu hết các dự báo kinh tế mới nhất của các tổ chức trong và ngoài nước cũng sát với mức này nhưng vẫn đưa kèm rất nhiều “điều kiện”, giả định cùng với khuyến nghị các giải pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy đầu tư công là một trong những giải pháp khá quan trọng, giúp "kích cầu" nền kinh tế sau dịch
Kinh tế đã tăng tốc trở lại
Nghiên cứu Toàn cầu vừa công bố của Ngân hàng Standard Chartered dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 nhờ những động lực chính là tâm lý thị trường được cải thiện, lĩnh vực sản xuất tăng tốc và đầu tư vào hạ tầng được đẩy mạnh. Theo ông Chidu Narayanan - Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Standard Chartered, Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay, bất kể những ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ hai. “Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn”, ông Chidu Narayanan cho biết.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 10 của WB cũng ghi nhận, kinh tế Việt Nam đã tăng tốc trở lại trong quý III. Tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng gấp đôi trong tháng 9 so với tháng 8. Xuất khẩu - đặc biệt từ khu vực DN trong nước - tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ; dòng vốn FDI tăng trở lại mức tháng 4 và tháng 5 vào tháng 9 vừa qua. Du lịch và vận tải hành khách trong nước cũng đang trên đà tăng trở lại… Theo WB, tất cả những dấu hiệu đó cho thấy sự phục hồi kinh tế dường như ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn, và tăng trưởng GDP 2020 có thể đạt trong khoảng 2,5-3%.
Mới nhất, Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020 vừa công bố ngày 21/10/2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam. Trong đó kịch bản cơ sở dự báo tăng trưởng 2020 sẽ đạt trong khoảng 2,6-2,8% trong điều kiện bệnh dịch Covid-19 sẽ không tái bùng phát trong nước thời gian còn lại của năm nay và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Đồng thời bệnh dịch ở các trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể chỉ tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ thì mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành/lĩnh vực sẽ không nghiêm trọng hơn so với hiện tại.
Ở kịch bản bất lợi hơn, VEPR dự báo mức GDP của năm 2020 chỉ tăng ở mức 1,8-2% nếu bệnh dịch trong nước vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường nhưng, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trong quý IV/2020, xuất nhập khẩu của Việt Nam không có khả năng hồi phục trong năm 2020, sản xuất trong nước tăng trưởng yếu, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng thiếu động lực hồi phục.
“Chúng tôi vẫn nghiêng về khả năng cao sẽ đạt được kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, lưu ý rằng cả hai kịch bản nêu trên đều giả định dịch bệnh được kiềm chế một cách tích cực ở trong nước cho đến hết năm 2020. Ngược lại nếu dịch bùng phát trở lại trong nước trong quý IV thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề”, PGS. TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VERP nhận định.
Ưu tiên ổn định vĩ mô và an sinh xã hội
Các chuyên gia của VERP cho rằng, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ (CSTT) bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, nên Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn. Thêm vào đó, việc phòng chống dịch Covid-19 và trợ cấp an sinh xã hội (ASXH) do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. Đặc biệt lưu ý là không nên dựa quá nhiều vào CSTT, công cụ giảm lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ ít hiệu quả. Bởi khi dịch bệnh còn tồn tại thì nhu cầu cho một số ngành đặc thù sẽ biến mất, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để DN vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
“Dư địa CSTT có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm nào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ, vì CSTT còn đối mặt với ràng buộc về lạm phát và tỷ giá”, PGS. TS. Phạm Thế Anh cảnh báo và lưu ý, trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ hiện nay, tiếp tục thúc đẩy đầu tư công và cần tính tới các biện pháp, chính sách hỗ trợ mới với ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo ASXH, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và giảm mọi gánh nặng chi phí có thể giảm cho doanh nghiệp. VEPR nhấn mạnh các chính sách ASXH vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng và cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Với các DN thì cần phải giảm mọi gánh nặng có thể, như giảm lãi vay, giảm tiền thuê đất, giảm thuế phí và đặc biệt là một nửa mức phí công đoàn đang đóng hiện nay.
Chính phủ đã xác định đầu tư công là động lực cho tăng trưởng và đã rất quyết liệt đốc thúc. Tuy nhiên đầu tư công vẫn đang gặp nhiều khó khăn do cơ chế, do chính sách, do cách làm. Hiến kế cho đầu tư công, VEPR đề xuất dùng giải pháp chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn nên được cân nhắc. Cùng với đó, cắt giảm ngân sách thường xuyên tối thiểu 10% cũng nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra.
Theo báo cáo của VERP, trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới. Báo cáo của WB cũng cùng quan điểm khi cho rằng, trong môi trường nhiều bất định hiện nay, cần quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu rủi ro mà lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính đang phải đối mặt.