Từ năm 2014, Diễn đàn Toàn cầu về Bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã trở thành sự kiện thường niên do Học viện Quốc tế về người tiêu dùng tài chính (IAFICO) tổ chức.
Tiếp nối thành công của những năm trước, trong hai ngày 04 - 05/8/2022, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng (HVNH) phối hợp với IAFICO và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UEB) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính và phát triển bền vững”. PGS., TS. Đỗ Thị Kim Hảo - Phó Giám đốc phụ trách HVNH dự và phát biểu khai mạc. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đông đảo các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đang công tác tại các trường đại học trong nước. Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả chính là những chuyên gia đến từ các nước có nền kinh kế hàng đầu trên thế giới như Anh, Mỹ, Hàn Quốc… trình bày và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất.
PGS., TS. Đỗ Thị Kim Hảo - Phó Giám đốc phụ trách HVNH phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS., TS. Đỗ Thị Kim Hảo - Phó Giám đốc phụ trách HVNH nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã kéo theo sự gia tăng của số hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Sự chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 đã mang đến cho người dùng nhiều sản phẩm và dịch vụ mới khác nhau như dịch vụ tài chính trực tuyến và di động, ngân hàng kỹ thuật số, ví điện tử, tiền điện tử…, có thể mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng tài chính. Những kết quả tích cực này bao gồm khả năng tiếp cận và lựa chọn nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ có sẵn với chi phí thấp hơn, tốc độ và sự tiện lợi được mở rộng. Tuy nhiên, công nghệ mới cũng đi kèm với những rủi ro mới bao gồm các hình thức trộm cắp hoặc gian lận mới được thực hiện trực tuyến, vi phạm dữ liệu, thiếu quyền riêng tư và các sự cố an ninh mạng. Những rủi ro này phần lớn là do sai sót của các tổ chức tài chính - công nghệ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người tiêu dùng, các chính sách, quy định hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc nghiên cứu và điều tra vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính là thực sự cần thiết, để có thể đưa ra nhiều khuyến nghị hơn. Từ đó, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải thiết lập các chính sách và quy định mới về hoạt động tài chính nhằm góp phần phát triển thị trường tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh tế.
PGS., TS. Đỗ Thị Kim Hảo cho biết, Hội thảo năm nay được tổ chức khi tài chính toàn diện tiếp tục phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc tiếp cận tài chính của người tiêu dùng vẫn còn nhiều thách thức, điều này cho thấy sự cần thiết phải có các quy định để bảo vệ người tiêu dùng tài chính và duy trì sự ổn định tài chính. Một khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng tài chính hiệu quả sẽ giúp mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, từ đó thúc đẩy việc ra quyết định tài chính tốt nhất.
Năm 2022, đánh dấu là năm thứ 9 của Diễn đàn Toàn cầu về Bảo vệ người tiêu dùng tài chính, Việt Nam được chọn là nước chủ nhà. Mục tiêu của Hội thảo năm nay là tạo ra một diễn đàn học thuật cho các học giả, nhà nghiên cứu và nhà quản lý thảo luận về các vấn đề trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Các bài trình bày tại phiên chính của Hội thảo bàn luận về các vấn đề liên quan đến việc tạo điều kiện cần thiết để mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho họ có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định sử dụng các dịch vụ tài chính một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Trình bày tham luận tại phiên chính của Hội thảo với chủ đề: “Những xu hướng toàn cầu trong chính sách hiểu biết về tài chính: Tập trung vào hai thay đổi trong thời gian gần đây”, Giáo sư Adele Atkinsons đến từ Đại học Birmingham (Anh) gợi ý rằng: (i) Cần tiếp tục quan tâm đến vai trò của giáo dục, thông tin và hướng dẫn về kiến thức tài chính cho người tiêu dùng, nhưng cũng cần có những thay đổi nhỏ ở cấp chính sách; (ii) Chú trọng hơn nữa vào cải thiện mức độ sức khỏe tài chính của người dân; (iii) Các nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng sức khỏe tài chính có liên quan nhiều hơn đến sự hiểu biết hoặc khả năng tài chính (điều này có thể dẫn đến việc tập trung rộng rãi hơn vào việc phối hợp hoạch định chính sách); (iv) Số hóa cũng đã tác động đến đời sống tài chính của mọi người, trong khi nó vẫn chưa được thảo luận rộng rãi vì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tài chính, rõ ràng là các chính sách được thiết kế để cải thiện kiến thức tài chính kỹ thuật số sẽ có một vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng tài chính trong tương lai; (v) Tập trung học thuật nhiều hơn vào các chủ đề này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đạt được tiến bộ.
Toàn cảnh Hội thảo
Với tham luận “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong thời đại chuyển đổi số - Một số vấn đề đặt ra và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nêu một số khuyến nghị sau: Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng tài chính cho cả dịch vụ tài chính truyền thống và kỹ thuật số (sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Chứng khoán); hai là, về mô hình giám sát: Tiếp tục theo cách tiếp cận theo ngành, nhưng các giám sát viên liên quan nên thành lập một bộ phận chuyên trách; nên ban hành một khuôn khổ điều phối chung; ba là, áp dụng chương trình giáo dục tài chính quốc gia như một phần của chiến lược tài chính toàn diện.
TS. Phạm Bảo Khánh - Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trình bày tham luận: “Hiểu biết tài chính và tài chính toàn diện từ góc độ của người bảo biểm tiền gửi” đề cập đến vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong tài chính toàn diện và hiểu biết tài chính; qua đó, nêu một số hàm ý chính sách như sau: (i) Giáo dục tài chính cho người gửi tiền và người gửi tiền tiềm năng nên là một phần việc của nâng cao nhận thức cộng đồng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; (ii) Cần có một cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực giáo dục tài chính; (iii) Các giao dịch viên ngân hàng cần có chứng chỉ về bảo vệ người tiêu dùng tài chính và hiểu biết về tài chính.
Các đại biểu, diễn giả tham gia Hội thảo chụp hình lưu niệm
Tại Hội thảo, các diễn giả tập trung vào các vấn đến lớn như: (1) Thực tiễn bảo vệ người tiêu dùng tài chính trên thế giới (thực trạng bảo vệ quyền lợi khách hàng; minh bạch thông tin sản phẩm, dịch vụ tài chính; khung khổ pháp lý; fintech và các ảnh hưởng tới người tiêu dùng tài chính như đại dịch Covid-19, các quỹ tài chính xã hội, quỹ bền vững…); (2) Kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về khung khổ pháp lý quy định việc bảo vệ người tiêu dùng; (3) Đề xuất các khuyến nghị và giải pháp chính sách phù hợp nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam.
Hội thảo đã thực sự thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học trong nước và quốc tế. Mặc dù vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Hội thảo đã nhận được gần 100 bài nghiên cứu giá trị gửi về từ các nhà khoa học trong nước và các quốc gia trên thế giới. Ban Tổ chức đã phản biện và lựa chọn được 56 bài viết có chất lượng để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo và mời đến trình bày trong 10 phiên thảo luận song song về các chủ đề liên quan đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính; với sự chủ trì của các nhà khoa học hàng đầu được mời đến tham dự.
XM