Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tổ chức phát hành thẻ (TCPHT), tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT), tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ vẫn đang nỗ lực thực hiện lộ trình chuyển đổi thẻ chip theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 41). Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn nhất định, những tác động từ dịch Covid-19 có thể làm chậm lại tiến độ thực hiện lộ trình chuyển đổi, do đó, cần có các giải pháp tổng thể, sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan liên quan, quyết tâm của các ngân hàng.
Theo quy định tại Điều 27a Thông tư 41, đối với tổ chức thanh toán thẻ: Đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của TCTTT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa; Đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của TCTTT tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa.
Tại Điều 27b: Đối với tổ chức phát hành thẻ: Đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, ít nhất 30% số thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp đang lưu hành của TCPHT tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa; Đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, ít nhất 60% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của TCPHT tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa; Đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, 100% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của TCPHT tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa.
Ngân hàng đã nỗ lực chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip
Thời gian qua, hoạt động thẻ ngân hàng tại Việt Nam đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Việc sử dụng thẻ thanh toán tại Việt Nam đang dần trở nên phổ biến ở các thành phố. Nhận thức chung của xã hội về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nói chung và thanh toán bằng thẻ ngân hàng nói riêng đang thay đổi, xu hướng thanh toán bằng thẻ của người dân cũng bắt đầu gia tăng. Tuy nhiên, đối với thẻ nội địa, các tổ chức chủ yếu phát hành và thanh toán thẻ từ, sử dụng phương thức xác thực trực tuyến (online) với mã PIN và ghi nợ tài khoản khách hàng theo thời gian thực; việc sử dụng thẻ từ trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ có một số nhược điểm, như: dễ bị lộ dữ liệu cá nhân, dễ bị làm giả và tiện ích đi kèm chưa phong phú.
Do vậy, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là một nhu cầu tất yếu, cần thiết và phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới; qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, chống giả mạo, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ. Đồng thời, việc chuyển đổi cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho thẻ thanh toán, mở rộng và phát triển các dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam; tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng, bảo đảm cho các thành viên thị trường có thể liên kết, chia sẻ, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng công nghệ liên quan tới phát hành, thanh toán và sử dụng thẻ.
Có thể nói, cơ hội mở ra cho thị trường TTKDTM Việt Nam khi triển khai thành công chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là rất lớn. Cùng với đó là cơ hội để thẻ nội địa tham gia hội nhập quốc tế khi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật khắt khe của các tổ chức quốc tế. Với hạ tầng thanh toán không tiếp xúc của thẻ chip nội địa, cộng với việc ứng dụng công nghệ để số hóa thông tin thẻ lên thiết bị di động, tương lai thị trường sẽ đón nhận trào lưu thanh toán “chạm” ngày càng phổ biến.
Triển khai các nhiệm vụ của NHNN được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa (cho thẻ tiếp xúc - contact và phi tiếp xúc - contactless).
Tiếp sau đó, ngày 05/10/2018, NHNN đã ban hành Quyết định 1927/QĐ-NHNN công bố Bộ TCCS về thẻ chip nội địa; trong đó, quy định chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa tại Việt Nam theo công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc, theo hướng tương thích với chuẩn EMV. Ngoài việc giúp hạn chế rủi ro ăn cắp và giả mạo thông tin hơn so với thẻ từ, thẻ chip còn có khả năng lưu trữ thông tin lớn và có thể giúp ứng dụng vào các lĩnh vực khác như thanh toán trong bảo hiểm, giao thông, các dịch vụ công. Việc ban hành Bộ TCCS về thẻ chip nội địa nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thẻ ngân hàng, tạo thuận lợi cho việc gia tăng các tính năng, tiện ích cho chủ thẻ.
Để triển khai TCCS về thẻ chip nội địa, ngày 28/8/2018, NHNN đã ban hành Thông tư 41, trong đó, có quy định về lộ trình chuyển đổi thẻ ngân hàng sang thẻ tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa, đồng thời, quy định lộ trình chuyển đổi đối với TCTTT là đến ngày 31/12/2020 và đối với TCPHT là đến ngày 31/12/2021.
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch cho các ngân hàng tham gia hoặc hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa từ 01/5/2019. Đồng thời, NHNN đã yêu cầu các TCTTT, TCPHT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ tổ chức triển khai áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa theo đúng lộ trình chuyển đổi đã quy định.
Theo báo cáo của các TCPHT, TCTTT tại Việt Nam gửi NHNN, phần lớn các tổ chức đã có sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về nhân sự, tài chính (hầu hết các tổ chức báo cáo đáp ứng đủ nguồn lực) và xây dựng được phương án chuyển đổi sơ bộ (đa số tổ chức đã xây dựng phương án chuyển đổi sơ bộ) cho hệ thống phát hành, thanh toán thẻ để thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các TCPHT, TCTTT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ vẫn đang nỗ lực thực hiện lộ trình chuyển đổi thẻ chip theo quy định tại Thông tư 41.
Theo lộ trình quy định tại Thông tư 41, đến ngày 31/12/2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của TCTTT tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa. Theo Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến cuối tháng 6/2020, các TCTTT đã chuyển đổi được hơn hơn 10 nghìn máy ATM và hơn 176 nghìn POS, đạt tương ứng 55% máy ATM và 66% POS trên tổng số lượng thiết bị đang hoạt động trên thị trường (trong đó: có 10 TCTTT đã hoàn thành chuyển đổi 100% về ATM, 05 TCTTT hoàn thành chuyển đổi về POS). Đối với việc chuyển đổi thẻ nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip, theo quy định tại Thông tư 41, đến ngày 31/12/2021, 100% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của TCPHT phải tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa. Tính đến ngày 30/6/2020, các TCPHT đã chuyển đổi được khoảng 4,4 triệu thẻ nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip (một số TCPHT đã hoàn thành chuyển đổi 100% thẻ chip¹).
Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 8/2020, tổng lượng thẻ lưu hành đạt khoảng 109 triệu thẻ, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện nay, các TCPHT, TCTTT đang khẩn trương làm việc cùng các đối tác thẻ cùng các đối tác tiêu chuẩn kỹ thuật của TCCS về thẻ chip nội địa.
Việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là một nhu cầu tất yếu, cần thiết và phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới
Cần các giải pháp hỗ trợ để có thể theo đúng lộ trình chuyển đổi
Theo báo cáo của các TCPHT, TCTTT, đa phần các thiết bị ATM/POS tại Việt Nam đã chấp nhận thẻ chip (phần lớn ATM và hầu hết POS đã chấp nhận thẻ chip); do đó, trong quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, các TCPHT, TCTTT không phải đầu tư mua mới nhiều, tránh được tình trạng phải nâng cấp toàn bộ, chắp vá. Bên cạnh đó, đa phần thẻ quốc tế đã phát hành là thẻ chip EMV; nhiều TCPHT, TCTTT tại Việt Nam đã có kinh nghiệm nhất định trong việc triển khai phát hành, nâng cấp thiết bị ATM/POS chấp nhận thẻ chip EMV cũng như phát hành thẻ chip EMV.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là một quá trình phức tạp, đòi hỏi thời gian, đầu tư chi phí, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực (chi phí chuyển đổi lớn, riêng chi phí phôi thẻ có thể gấp 6 lần so với thẻ từ). Ngoài ra, ngân hàng còn phải có các hình thức liên hệ phù hợp đến khách hàng để thực hiện việc chuyển đổi nên khó thực hiện nhanh.
Mặt khác, do tình hình dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới tiến độ công việc các đơn vị nhà thầu. Các nước đóng cửa biên giới, hoạt động nhập khẩu các thiết bị phục vụ chuyển đổi bị đình trệ, cùng những khó khăn chung đối với các ngành và lĩnh vực liên quan cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Hơn nữa, số lượng thẻ ATM đã phát hành khá lớn nên việc chuyển đổi cần phải có thời gian và kế hoạch tỉ mỉ để bảo đảm không gây bất tiện cho chủ thẻ, đồng thời, ngân hàng có thể chuẩn bị ngân sách cho việc chuyển đổi này.
Để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, an ninh, độ an toàn và tăng thêm tiện ích sử dụng thẻ, NHNN đã đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ Kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam. Ngày 28/8/2020, NHNN đã có Công văn số 6220/NHNN-TT gửi các TCPHT, TCTTT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, trong đó, yêu cầu các đơn vị cần tích cực, chủ động và nghiêm túc tổ chức triển khai áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Thông tư 41.
Cùng với đó, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tăng tính an toàn, bảo mật cho cả ngân hàng và khách hàng trong việc sử dụng thẻ, cơ quan quản lý cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip như: (i) cân nhắc khả năng của từng ngân hàng, đặc biệt là lộ trình chuyển đổi cho khách hàng hiện hữu; (ii) việc chuyển đổi sẽ được thực hiện theo từng bước để giảm áp lực tài chính cho ngân hàng và khách hàng cũng như có thời gian để tiếp cận đầy đủ thông tin, tránh ảnh hưởng đến việc sử dụng thẻ của khách hàng và đảm bảo đủ thời gian cho các ngân hàng chuẩn bị và thực hiện bước chuyển đổi; (iii) tiến hành mảng chấp nhận thanh toán trước, sau đó mới tiến đến mảng phát hành thẻ để đảm bảo được triển khai hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường thông tin truyền thông về việc chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, định hướng, tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình các ngân hàng thực hiện chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan (như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế,...) nghiên cứu, mở rộng ứng dụng thẻ chip hỗ trợ cho phát triển các hệ thống ứng dụng Internet Banking, thương mại điện tử, thanh toán tầm gần (NFC), cũng như cho phép sử dụng để trả phí giao thông...
Hơn nữa, dịch vụ thẻ ở Việt Nam ra đời muộn hơn các nước trong khu vực đã và đang chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip (Nhật Bản; Hàn Quốc; Malaysia; Đài Loan), do đó, các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể học hỏi thêm kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi của một số nước có điều kiện phát triển tương đương.
¹ Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương tín.
Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
2. Kế hoạch số 16/KH-NHNN ngày 30/12/2015 về chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ gắn vi mạch điện tử.
Phan Linh Anh
Chuyên đề Công nghệ và Ngân hàng số, số 08/2020