Trong bối cảnh dịch COVID-19, bên cạnh những mặt bất lợi, khu vực ASEAN đang đứng trước những thời cơ phát triển, có điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy tiến trình số hóa nền kinh tế. Quan trọng là cần có tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước để ASEAN để tận dụng cơ hội.
Đây là ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị cấp cao với chủ đề “Đảm bảo Tăng trưởng và Tự cường trong Khu vực ASEAN: Những Chính sách cho một thế giới hậu COVID-19”, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức ngày 10/11.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị. Ảnh:VGP.
Từ khi đại dịch bùng phát, trong những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các giải pháp ngăn chặn, đảm bảo cho mục tiêu kép là vừa chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người và mạng sống và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Nhiều đơn vị xã hội đã chung tay với trọng tâm vào những biện pháp ngăn ngừa mạnh mẽ ở mức độ cao hơn và cũng nhanh chóng hơn cả những biện pháp được khuyến nghị từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bao gồm giãn cách xã hội, truy vết nguồn lây nhiễm, kịp thời cung cấp các thiết bị y tế và cung cấp cho các bệnh viện, thành lập nhiều cơ sở y tế…
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Về chính sách tiền tệ, NHNN đã thực hiện các chính sách tiền tệ một cách đồng bộ hóa để hỗ trợ kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này như: 3 lần giảm lãi suất để hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay; hướng dẫn các TCTD cơ cấu khoản nợ gốc và lãi doanh nghiệp, miễn và giảm lãi suất và phạt, phí cho những đối tượng bị ảnh hưởng; duy trì tín dụng để hỗ trợ sản xuất và doanh nghiệp; giảm phí chuyển đổi và phí thông tin tín dụng để giúp TCTD giảm chi phí và lãi suất cho vay…
Về phía chính sách tài khóa, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các công cụ để hỗ trợ những cá nhân bị ảnh hưởng, gia đình và doanh nghiệp với gói hỗ trợ tổng cộng lên đến 120 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 2% GDP như: hỗ trợ gia đình, cá nhân và người lao động bị ảnh hưởng từ đại dịch, bao gồm hộ gia đình nghèo; những doanh nghiệp bị ảnh hưởng để trả lương cho nhân viên dưới hình thức cho vay lãi suất 0% bởi ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam; giảm, miễn, hoãn và gia hạn thuế, phí, phí cho thuê đất…
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cả về tài khóa và tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam mặc dù giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước do tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhưng vẫn ở mức dương 2,12% trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực ghi nhận tăng trưởng âm.
Trong khi đó, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức mục tiêu dưới 4%.
Đáng chú ý, Việt Nam vẫn tiếp tục đón được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mặc dù có sự suy giảm so với năm trước. 10 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 23,5 tỷ USD.
Mặc dù vậy, Chính phủ Việt Nam xác định không chủ quan trước đại dịch. Chính phủ một mặt tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, kể cả phạt những người không tuân thủ các quy định phòng dịch nơi công cộng, mặt khác tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Các đối tác ASEAN tham gia họp qua phương thức trực tuyến. Ảnh:VGP.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, người Việt Nam có câu ngạn ngữ, “trong nguy có cơ”. Cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện tại là thách thức lớn nhất từ trước tới nay. Nhưng nhìn từ góc độ tích cực, cuộc khủng hoảng cũng mang lại những cơ hội.
Từ góc nhìn trong nước, dù dịch bệnh còn hiện hữu, Việt Nam tiếp tục duy trì niềm tin vào môi trường chính trị ổn định, Chính phủ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, xuất khẩu được kì vọng sẽ tăng mạnh và Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút FDI khi EVFTA và EVIPA chính thức có hiệu lực.
Đầu tư công được kì vọng sẽ củng cố khi khuôn khổ pháp lý tiếp tục được cải thiện, theo đó nâng cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong quản lý đầu tư công.
Thị trường tài chính trong nước được dự đoán sẽ cân bằng hơn, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, vị thế của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trên bảng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn quốc tế, giảm chi phí trả nợ nước ngoài.
Riêng đối với ASEAN, khu vực đang đứng trước những thời cơ phát triển quan trọng. Thứ nhất, ASEAN đang có điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai, khủng hoảng do COVID-19 là nhân tố thúc đẩy tiến trình số hóa và sự phát triển của kinh tế không tiếp xúc.
“Chúng ta có thể thấy tiến trình số hóa đang diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, từ sản xuất, tài chính ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, quản lý hành chính nhà nước, cung cấp dịch vụ công..., tạo thành động lực mới cho tăng trưởng, nâng cao năng suất, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích.
Lãnh đạo NHNN tin tưởng, tuy mỗi nước thành viên đều gặp những khó khăn nhất định khi đối phó với đại dịch COVID-19, ASEAN vẫn là một khối thống nhất đoàn kết mạnh mẽ hơn bao giờ.
Anh Minh
Theo baochinhphu.vn