Ngày 20/4/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (Viện Đào tạo và Nghiên cứu chủ trì) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023”. Sự kiện đánh dấu năm thứ hai liên tiếp ADB và BIDV đồng tổ chức Hội thảo công bố báo cáo có chất lượng và chuyên sâu.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV chia sẻ: “Tiếp nối thành công của năm 2022, năm nay BIDV tiếp tục phối hợp với ADB đồng tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023”. Theo như chúng tôi được biết, cho đến nay đây là Báo cáo duy nhất đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao hàm đầy đủ các lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm với sự cộng tác nghiên cứu của ADB. Tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, Báo cáo năm nay tập trung đưa ra những nhận định về xu hướng của thị trường tài chính trong và ngoài nước năm 2022 và triển vọng năm 2023, đặc biệt là nhìn nhận, đánh giá thực trạng, xu hướng và tiềm năng phát triển tài chính xanh”.
Ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV phát biểu khai mạc Hội thảo
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu trình bày tóm tắt Báo cáo về thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023 tập trung với ba nội dung chính như sau:
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu trình bày tóm tắt nội dung Báo cáo
Một là, nhận định về thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023
Thị trường tài chính Việt Nam vẫn trong giai đoạn phát triển, dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Năm 2022, hệ quả từ các gói kích thích kinh tế trước đó và xung đột tại Ukraine, lạm phát toàn cầu tăng nhanh khiến ngân hàng trung ương các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách tăng nhanh lãi suất, khiến tỉ giá biến động, rủi ro tài chính - tiền tệ toàn cầu gia tăng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, khi mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải nâng lãi suất điều hành, can thiệp thị trường ngoại hối, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở… để giảm áp lực tỉ giá và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, với kinh nghiệm điều hành, chính sách linh hoạt và phối hợp đồng bộ, thị trường tài chính Việt Nam đã cơ bản ổn định trở lại, góp phần tăng khả năng cung ứng vốn, đầu tư và phân bổ vốn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Sang năm 2023, trước bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, tăng trưởng chậm, lạm phát đã dịu đi, tỉ giá ổn định hơn và lãi suất chững lại nhưng vẫn còn ở mức cao, thị trường tài chính, ngân hàng có nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhất là sau sự cố sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng chậm lại (5,5 - 6%) với mức lạm phát có thể sẽ cao hơn năm 2022 (4 - 4,5%). Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang chủ động, linh hoạt, thích ứng, ưu tiên hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, hạ dần lãi suất nhưng không chủ quan với lạm phát. Chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm với việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tiếp tục một số chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng. Các điều chỉnh chính sách mới của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường bất động sản hay sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, Đề án Phát triển nhà ở xã hội… được kì vọng ổn định và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, bất động sản nhưng vẫn cần theo dõi sát sao và phản ứng chính sách kịp thời. Cùng với đó, hành vi người dùng đã thay đổi nhiều sau dịch Covid-19 với việc ưu tiên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, quản lí đầu tư và chi tiêu chặt chẽ hơn. Các nhà quản lí cũng cần có chính sách thúc đẩy hành vi không dùng tiền mặt của người tiêu dùng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lí (kể cả cơ chế Sandbox) để phát triển tài chính số và Fintech.
Hai là, đánh giá về thực trạng, cơ hội và thách thức trong phát triển tài chính xanh tại Việt Nam
Tài chính xanh đang là một xu hướng lớn trên toàn thế giới với sự vào cuộc của các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Việt Nam cũng đang thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và chứng kiến thị trường tài chính xanh phát triển nhanh hơn trong thời gian gần đây.
Các cơ chế, chính sách cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang được dần hoàn thiện với từng loại công cụ như trái phiếu xanh - xã hội - bền vững (GSS), cổ phiếu xanh, thị trường carbon cũng như tín dụng xanh. Môi trường pháp lí hiện nay đang tương đối mở với các sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết hơn.
Mặc dù vậy, những kết quả đến nay của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu thu hút được nguồn vốn trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế, thị trường carbon hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu mới, bền vững cho nông, lâm nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Trong thời gian tới, Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh quốc tế với môi trường pháp lí đang được hoàn thiện, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để kinh doanh tuần hoàn, phát triển tài chính xanh nhiều hơn, hiệu quả hơn nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển và hội nhập quốc tế về phát triển bền vững.
Ba là, một số kiến nghị chính sách
Hai nhóm kiến nghị chính sách đối với Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan được đề cập tại Hội thảo là: (i) Ổn định và phát triển thị trường tài chính; (ii) Phát triển tài chính xanh.
Kiến nghị nhằm ổn định và phát triển thị trường tài chính có thể kể đến như: Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa; tiếp tục đẩy nhanh giải ngân Chương trình phục hồi 2022 - 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng nhu cầu cung ứng và phân bổ vốn cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn; tăng năng lực quản trị, tài chính, chuyển đổi số, quản lí rủi ro; quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống, nhất là rủi ro liên thông giữa tài chính và bất động sản…
Để phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, các nhóm giải pháp chính được đưa ra bao gồm: Đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh để các chủ thể nhất quán áp dụng; với thị trường tín chỉ carbon, cần phát triển, hoàn thiện Sàn giao dịch tín chỉ carbon, các sản phẩm giao dịch (tín chỉ carbon bắt buộc/tự nguyện quốc tế, tín chỉ carbon nội địa tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam), thành viên thị trường và môi giới giao dịch, đối tượng giao dịch; phát triển hạ tầng công nghệ, dữ liệu, thị trường thứ cấp và kể cả phái sinh cho những sản phẩm xanh này về lâu dài; tăng cường truyền thông, phổ cập, hướng dẫn bằng nhiều hình thức khác nhau, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hành động.
Bảo Ly