Đồng hành cùng các tổ chức tín dụng từ năm 1999 tới nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã đóng góp vào sự phát triển an toàn, lành mạnh của ngành Ngân hàng cũng như bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Người gửi tiền luôn được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ
Ông Vũ Văn Long - Phó Tổng giám đốc BHTGVN cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 5,7 triệu tỷ đồng tiền gửi tại 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG). BHTGVN đã chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ như giám sát thường xuyên, liên tục, kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG.
Sau hơn 20 năm hoạt động, tới nay, quy mô tổng tài sản của BHTGVN đã đạt hơn 72 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong từng thời kỳ, đảm bảo chi trả chính xác, kịp thời cho người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã trao cho BHTGVN nhiều nhiệm vụ mới nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các đơn vị quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn có thể phục hồi, trở lại hoạt động bình thường. Điều này giúp tối thiểu hóa chi phí của tổ chức BHTG, cũng như giảm thiểu thiệt hại đối với xã hội và nền kinh tế nói chung.
TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, BHTGVN đã “xung trận” mạnh mẽ hơn thông qua những công cụ như cho vay đặc biệt, mua trái phiếu đặc biệt của tổ chức tín dụng hỗ trợ, hay tham gia vào Ban kiểm soát đặc biệt và đánh giá phương án phục hồi của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, với tầm nhìn dài hạn, BHTGVN cần có nhiều công cụ, nhiều phương án hơn để lựa chọn trong quá trình gìn giữ an toàn hệ thống.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động
Trong năm 2020, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm được công bố để lấy ý kiến góp ý. Theo đó, hạn mức dự kiến là 125 triệu đồng có thể bảo vệ toàn bộ 90,94% người gửi tiền. Dù tăng hạn mức, phí BHTG vẫn được giữ nguyên nhằm tránh tạo áp lực tài chính lên các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động từ đại dịch Covid-19.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm được điều chỉnh tăng sẽ mang tới mức độ bảo vệ cao hơn đối với người gửi tiền. Cùng với đó, một việc không kém phần quan trọng là nâng cao hiệu quả hoạt động BHTG thông qua đổi mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật, hành lang pháp lý về BHTG, cụ thể là sửa Luật BHTG.
Theo đó, Luật BHTG sửa đổi cần theo hướng để BHTGVN có vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hướng tới các thông lệ quốc tế; tăng cường năng lực tài chính cho BHTGVN để thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu; nâng hạn mức BHTG phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng.
TH
Tạp chí Ngân hàng số 10/2021