Chiều ngày 29/3/2024, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương (NHTW) tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề quý I năm 2024.
Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Thường vụ Đoàn Khối các Cơ quan Trung ương; Tiến sĩ Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên NHTW; các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành các chi đoàn trực thuộc đoàn cơ sở, đoàn viên của các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên NHTW.
Chia sẻ tại Hội nghị, Tiến sĩ Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trao đổi cụ thể về cuốn sách: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiến sĩ Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội nghị
Cuốn sách có dung lượng 807 trang gồm 85 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện đối ngoại… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tổng hợp 52 ý kiến của các nhà chính trị, chuyên gia, học giả, bạn bè quốc tế với kết cấu gồm có ba phần chính:
Phần thứ nhất: “Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” gồm 07 bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị Trung ương Đảng, hội nghị ngoại giao, đối ngoại toàn quốc. Thông qua đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” với những đặc tính “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thể hiện trên ba phương diện đó là: Bản sắc ngoại giao; đường lối, chiến lược và chính sách ngoại giao; phong cách ngoại giao.
Phần thứ hai: “Đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” gồm 78 bài nói, bài viết, bài phát biểu… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị, diễn đàn. Trong phần này, cuốn sách nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa ba trụ cột: Đối ngoại Đảng - Ngoại giao Nhà nước - Đối ngoại Nhân dân trong chính sách đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam.
Phần thứ ba:“Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao” gồm 52 ý kiến về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển đường lối đối ngoại Việt Nam. Các ý kiến đã đánh giá cao tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, những kỷ niệm, những ấn tượng hay những câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao, nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến thăm, làm việc ở trong và ngoài nước… đã thể hiện tình cảm, sự kính trọng, niềm tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng và Tổng Bí thư.
Đoàn viên thanh niên NHTW chăm chú lắng nghe nội dung cuốn sách
Những bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tuyển chọn trong cuốn sách là sự tổng kết những bài học kinh nghiệm đầy giá trị của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, thể hiện bước phát triển, tư duy chiến lược của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại, ngoại giao trong giai đoạn mới. Cuốn sách không chỉ là cẩm nang về hoạt động đối ngoại cho các cơ quan, cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao mà còn cung cấp cho mỗi đoàn viên, thanh niên những tri thức và hiểu biết về truyền thống, trường phái đối ngoại, ngoại giao của dân tộc, qua đó phát huy tinh thần vừa bền bỉ vừa linh hoạt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Để hiểu rõ hơn về những nội dung sâu sắc đúc kết trong cuốn sách, Hội nghị đã triển khai sinh hoạt chuyên đề “Thanh niên gắn với gương mẫu giữ phẩm chất, đạo đức, lối sống theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo đó, các đoàn viên thanh niên đã cùng nhau theo dõi phóng sự “Việt Nam hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển” do Truyền hình Nhân dân thực hiện.
Đồng chí Trần Hoài Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên NHTW, Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng điều phối buổi sinh hoạt chuyên đề
Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là với đường bờ biển dài khoảng 3.260 km, khoảng hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ, trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược rất quan trọng. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam hiện nay không chỉ có phần lục địa “hình chữ S” mà còn có cả vùng biển rộng lớn hơn 1 triệu km2, gấp hơn ba lần diện tích đất liền. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ bao đời nay, biển luôn gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất, đời sống của người dân Việt Nam. Xác định tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Với sự quan tâm, đầu tư trọng tâm của Đảng và Nhà nước vào kinh tế biển, trong thời gian tới, kinh tế biển hứa hẹn sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.
Thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề, đoàn viên, thanh niên NHTW nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế biển một cách bền vững, khai thác hết tiềm năng, sức mạnh để kinh tế biển góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam. Qua đây, mỗi đoàn viên, thanh niên thấu hiểu hơn tiềm lực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, từ đó không ngừng phấn đấu, thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành quả của ngành Ngân hàng nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Ngọc Linh