Việc phát triển thanh toán điện tử qua ngân hàng đối với dịch vụ công không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ, ngân hàng mà còn có ý nghĩa, vai trò tích cực đối với nền kinh tế và xã hội
Sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của hoạt động thanh toán điện tử ở Việt Nam luôn song hành cùng sự phát triển bùng nổ của công nghệ, thông tin, viễn thông trên thế giới. Phát triển thanh toán điện tử (TTĐT) luôn được các NHTM đầu tư, ứng dụng công nghệ số, công nghệ mới, công nghệ cao, thông tin, viễn thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vào sản phẩm TTĐT để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả, uy tín, phát triển bền vững của mỗi ngân hàng. Phát triển thanh toán điện tử đối với dịch vụ công qua Ngân hàng đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải nắm bắt những cơ hội, thách thức và có những giải pháp để phối hợp với chính quyền, đơn vị cung cấp dịch vụ công cùng với khách hàng sử dụng phương thức thanh toán mới, hiện đại trong thanh toán các dịch vụ công khi ứng dụng internet banking, mobile banking, ví điện tử... Qua đó, góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế và hướng đến xây dựng chính quyền đô thị thông minh, chính phủ điện tử hiện nay.
1. Thanh toán điện tử đối với dịch vụ công qua ngân hàng thương mại
Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển, đẩy mạnh TTĐT phục vụ dịch vụ công tại Việt Nam, thể hiện:
NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy TTKDTM nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng; Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng, nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với các cơ quan liên quan, như: Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, Bệnh viện… đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công.
NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công với các yêu cầu triển khai như: xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chương trình phần mềm phục vụ thanh toán điện tử; ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình nghiệp vụ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại và tiện ích, nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi về phí hợp lý để khuyến khích TTKDTM đối với dịch vụ công để thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí,...Việc NHNN đã hoàn tất xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam” là tiền đề cho hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt mục tiêu đề ra trong thúc đẩy TTKDTM.
Về phía Ngân hàng thương mại: Hiện nay, các NHTM ở Việt Nam đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển TTĐT một cách đồng bộ và tổng thể, nhằm tạo ra hệ sinh thái đầy đủ, tiện ích và đem lại trải nghiệm cho khách hàng từ sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông,…
Hệ thống NHTM Việt Nam đã, đang phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ công để phát triển TTĐT đối với dịch vụ công qua ngân hàng như: thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội, điện, xăng dầu, viện phí, học phí, bưu chính viễn thông, bảo hiểm xã hội, truyền hình cáp,….
Hệ thống NHTM đã phối hợp với chính quyền, đơn vị cung cấp dịch vụ công cung cấp tạo sự thuận lợi cho khách hàng khi thực hiện thanh toán dịch vụ công bằng việc sử dụng phương thức thanh toán mới, hiện đại của NH như: dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM, POS, QR code sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử... Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước đẩy mạnh triển khai với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ cao nhất (mức độ 4), tạo thuận lợi tối đa cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến.
Một số NHTM đã phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công trực tuyến và hàng nghìn loại thuế, phí, quét mã QR Code tại các cơ quan hành chính tại chính quyền để người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán các loại thuế, phí qua internet banking, mobile banking… Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, hiện nay, đã có khoảng 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai phối hợp với các ngân hàng thực hiện dịch vụ thanh toán tiền khám chữa bệnh và dịch vụ y tế.
Việc phát triển thanh toán điện tử qua ngân hàng đối với dịch vụ công không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ, ngân hàng, mà còn có ý nghĩa, vai trò tích cực đối với nền kinh tế và xã hội.
2. Cơ hội và thách thức về phát triển thanh toán điện tử đối với dịch vụ công qua ngân hàng thương mại
2.1. Cơ hội
Ngân hàng có cơ hội phát triển và ứng dụng các phương thức thanh toán hiện đại đối với dịch vụ công qua ngân hàng trong hoạt động TTKDTM cùng với phát triển khu đô thị thông minh, chính phủ điện tử. NHTM phát triển hoạt động TTĐT đối với dịch vụ công dựa vào ba công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0. NHTM phát triển hệ thống sản phẩm TTĐT và mô hình TTĐT trên nền tảng công nghệ số, công nghệ cao, hiện đại như: dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán di động qua QR Code, giao dịch tại ATM, POS, chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 qua sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử... để phục vụ nhu cầu khách hàng. Các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử đối với dịch vụ công qua ngân hàng đã và đang là công cụ đắc lực phục vụ cho sự vận hành của nền kinh tế, hoạt động của các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI (AI - Artificial Intelligence) NHTM xây dựng và tự động hóa quy trình nghiệp vụ thanh toán điển tử các dịch vụ công qua ngân hàng; đồng thời, định hình lại mô hình quản trị TTĐT, quản lý danh mục rủi ro, quản lý khách hàng, quản lý cơ sở dữ liệu… hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số, ngân hàng điện tử. Hiện, nay, để xây dựng chính quyền đô thị thông minh, chính phủ điện tử, không thể thiếu các dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử đối với dịch vụ công qua ngân hàng.
Ngân hàng có cơ hội phát triển phương thức thanh toán chủ yếu thanh toán bằng thẻ, thanh toán QR code trong thanh toán điện tử đối với dịch vụ công. Các dịch vụ NH qua Internet, Mobile, mạng xã hội và giao dịch không giấy tờ, sử dụng hình thức thanh toán bằng thẻ, thanh toán QR code ngày càng phát triển, sử dụng trong các dịch vụ công qua ngân hàng. NHTM có cơ hội phát triển TTĐT đối với dịch công qua sử dụng thẻ thông minh như: thẻ sim tích hợp thanh toán trong viễn thông; các ứng dụng trong việc tự động hóa thanh toán vé xe bus, tàu điện trong giao thông; chứng minh thư điện tử trong lĩnh vực quản lý nhà nước đang là xu hướng và cơ hội cho mỗi ngân hàng. Nhiều loại thẻ thanh toán của ngành ngân hàng (Euro Pay, MasterCard và Visa) được xem là nền tảng để nhiều ngân hàng đầu tư và triển khai giải pháp phát hành thẻ thông minh trong dịch vụ công.
Sự ra đời các công ty sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán liên kết với NHTM cùng thực hiện TTKDTM nói chung và TTĐT đối với dịch vụ công. Điều này cũng tạo cơ hội cho ngân hàng phát triển TTĐT đối với dịch vụ công cùng thực hiện hợp tác, liên kết để chia sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dữ liệu khách hàng... với chính quyền địa phương,đơn vị cung cấp dịch vụ công.
2.2. Thách thức
- Thách thức về thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt của người dân. Sự thuận tiện của tiền mặt và thói quen của người dân, tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng đã cản trở việc phát triển TTKDTM. Thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt của người dân còn khá phổ biến; vẫn còn có tâm lý e ngại về an ninh, an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử. Đồng thời, một số trường hợp khách hàng còn phải trả phí khi thanh toán qua ngân hàng cũng là rào cản khiến khách hàng ưu tiên sử dụng thanh toán bằng tiền mặt.
- Thách thức trở ngại về việc sắp xếp lại vị trí việc làm đối với đơn vị cung cấp dịch vụ công khi thực hiện tự động hóa quy trình nghiệp vụ thanh toán điển tử với ứng dụng AI qua ngân hàng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ công chưa thực hiện đồng bộ và quyết liệt sử dụng thanh toán điện tử đối với dịch vụ công qua ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến phát triển TTKDTM, đến sự phát triển chính quyền đô thị, chính phủ điện tử. Đây là thách thức, trở ngại thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng hiện nay trong xu hướng hiện nay.
- Thách thức trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, quản lý về thanh toán điện tử đối với dịch vụ công qua ngân hàng. Chính sách quản lý cũng chưa theo kịp sự phát triển TTĐT qua ngân hàng như: cấp phép, hành lang pháp lý quản lý, chính sách quản trị, quy trình sản phẩm của các NHTM. Sự phát triển mạnh, nhanh chóng của công nghệ và quá trình hội nhập đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hệ thống thanh toán, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đổi mới, sáng tạo, vừa đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước.
- Thách thức về mặt kỹ thuật, cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ chưa chặt chẽ giữa ngân hàng, trung gian thanh toán với đơn vị cung ứng dịch vụ công.
+ Hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan chưa đáp ứng được việc kết nối với hạ tầng kỹ thuật của ngân hàng. Sự tương thích về mặt kỹ thuật giữa ngân hàng, trung gian thanh toán với đơn vị cung ứng dịch vụ công về chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ chưa chặt chẽ. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế. Một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thanh toán điện tử đòi hỏi phải có sự phối hợp, xử lý của nhiều Bộ, ngành liên quan.
+ Thách thức về mạng lưới ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán phân bố chưa đồng đều. Hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tốt. Sự tương thích về mặt kỹ thuật giữa ngân hàng, trung gian thanh toán với đơn vị cung ứng dịch vụ công như chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ chưa chặt chẽ và đồng bộ ở mỗi địa phương.
- Thách thức tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao: Thách thức trong lĩnh vực thanh toán chính là vấn đề an toàn cho hệ thống ngân hàng, vấn đề bảo mật thông tin, về các loại tội phạm công nghệ cao. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Rủi ro về công nghệ thông tin rất lớn, rủi ro an ninh mạng trong ngành Ngân hàng vẫn chưa được an toàn như: nguy cơ bị tấn công mạng, lợi dụng sơ hở để phạm tội, bảo mật thông tin, sai sót trong tác nghiệp. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật cũng phải đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin và cho phép thanh toán trên nhiều phương tiện máy tính, điện thoại di động, thông qua nhiều kênh giao dịch khác nhau như Internet Banking, SMS, Mobile Banking, thẻ thanh toán..
- Thách thức về chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin và vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Chất lượng nguồn nhân lực CNTT còn hạn chế, việc vận hành hệ thống CNTT, có thể dẫn đến nhiều sai sót, đã khiến cho các giải pháp CNTT chưa phát huy hết tính năng kể cả phía ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng nói chung và mỗi NHTM nói riêng phải có vốn để đầu tư và liên kết hạ tầng kỹ thuật nhằm kết nối được với nhiều đối tác như: ngân hàng, các công ty viễn thông, công ty điện, nước, các đơn vị công quyền như thuế, hải quan, các cơ sở công như bệnh viện, trường học, các hãng vận tải...Thách thức về vốn để đầu tư đồng bộ với hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để kết nối với hạ tầng kỹ thuật của ngân hàng hiện nay chưa đáp ứng được đang là thách thức cho ngân hàng.
3. Kiến nghị
3.1. Đối với NHNN
(1) NHNN phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán điện tử nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh. Qua đó, có văn bản định hướng việc xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính - fintech, tạo ra các dịch vụ, giải pháp số ngày càng tiện lợi, an toàn hơn trong thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, có văn bản tạo ra kênh huy động vốn đầu tư hiệu quả cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán tài chính - ngân hàng; hình thành nên nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các mô hình kinh doanh mới với sự hỗ trợ của giao dịch số, thanh toán số...
(2) NHNN cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như cơ chế chính sách về thanh toán điện tử các dịch vụ công qua ngân hàng.
Hoàn thiện môi trường, thể chế chính sách, pháp luật, văn bản hướng dẫn để theo kịp sự bùng nổ của tài chính số. NHNN xây dựng ban hành, bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển thanh toán điện tử; triển khai biện pháp hành chính kết hợp với các biện pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế, nhằm phát triển thanh toán điện tử, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; giao dịch TMĐT…
Tăng cường chỉ đạo đôn đốc các NHTM hoàn thành kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam với lộ trình thích hợp. Đồng thời tăng cường công tác giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả trong TTĐT nói chung và TTĐT các dịch vụ công.
NHNN có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển TTĐT trong khu vực nhà nước và dịch vụ hành chính công. NHNN có văn bản hướng dẫn NHTM chủ động nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, chủ động cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hóa quy trình xử lý nhằm cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán chất lượng, phù hợp với nhu cầu của các tổ chức, cá nhân với chi phí hợp lý để thanh toán thuận tiện, nhanh chóng, an toàn đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí...
(3) NHNN phối hợp với các Bộ, ban, ngành, chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ công đẩy mạnh TTĐT đối với dịch vụ công qua ngân hàng.
Cần triển khai mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán, cùng với đó đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.
NHNN phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cùng với NHTM hợp tác, liên kết tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tài chính, công ty trong nước tài trợ nguồn vốn “xanh” cho đầu tư công nghệ thông tin viễn thông trong xây dựng TTĐT đối với dịch vụ công qua ngân hàng góp phần xây dựng chính quyền đô thị thông minh, chính phủ điện tử.
3.2. Đối với các ngân hàng thương mại
(1) NHTM khai thác huy động nguồn vốn “xanh” để đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong TTĐT, hay hợp tác với công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán cùng liên kết với đơn vị cung cấp dịch vụ công, đầu tư công nghệ để phát triển TTĐT đối với dịch vụ công. Xu hướng phát triển TTĐT hiện đại cần có sự đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ tại mỗi NHTM. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển TTĐT nói chung và TTĐT đối với các dịch vụ công đến khách hàng đòi hỏi NHTM phải đầu tư: về phần mềm thế hệ mới, triển khai các công nghệ mới trên nền tảng số với mục tiêu cuối cùng là những trải nghiệm về công nghệ, sự tiện dụng, tiện lợi cho khách hàng với các phương thức thanh toán hiện đại.
(2) NHTM phát triển ứng dụng kênh Mobile Banking trong thanh toán QR code trở thành một kênh chính của ngân hàng trong phát triển TTĐT đối với dịch vụ công.
Tiến bộ công nghệ cũng là lý do khiến thanh toán bằng QR Code ngày càng được ưa chuộng. Phương thức này khá đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng và thân thiện cho người tiêu dùng. Tính năng QR Code hiện đang được tích hợp sẵn trên ứng dụng di động của các ngân hàng, các sản phẩm và dịch vụ của Google như Google Chart hay Google Map, trên bảng hiệu, xe buýt, danh thiếp, tạp chí, website, hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… Các NHTM phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử, tăng tốc độ thanh toán qua internet, đảm bảo tiện lợi trong giao dịch thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc trên các thiết bị di động khác, thanh toán qua QR Code, Tokenization...
Các NHTM cần nghiên cứu triển khai thêm các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, hướng tới việc cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí rẻ và thân thiện, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp và khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng. NHTM triển khai ứng dụng dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money) cũng sẽ góp phần giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn có thể sử dụng tài khoản điện thoại di động để chuyển tiền cho nhau và thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, qua đó, trao cơ hội cho người dân tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần thúc đẩy TTKDTM, trong đó có thanh toán dịch vụ công.
(3) Xây dựng quy trình thanh toán tự động dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại đơn vị cung cấp dịch vụ công. NHTM nghiên cứu ứng dụng quy trình để thực hiện kiểm tra, giám sát và kiểm soát rủi ro trong hoạt động TTĐT nói chung và TTĐT đối với dịch vụ công. Đồng thời, quy trình đó phải đảm bảo quản lý, bảo mật thông tin khách hàng. Triển khai hệ thống quản lý thông tin quan hệ khách hàng; Mở rộng thực hiện công nghệ hóa, số hóa tại các chi nhánh; áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an ninh an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý.
(4) Phát triển nguồn nhân sự có nghiệp vụ chuyên môn cao biết vận hành CNTT. Phát triển nguồn nhân sự có nghiệp vụ chuyên môn cao, biết vận kiến thức CNTT trong lĩnh vực TTĐT để phục tốt công tác Thanh toán dịch vụ công.
3.3. Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ công: Các đơn vị cung ứng dịch vụ công: Đẩy mạnh việc lựa chọn sử dụng dịch vụ TTKDTM khi thực hiện thanh toán dịch vụ công. NHTM cùng với đơn vị cung cấp dịch vụ công sử dụng phương thức TTKDTM phù hợp với vùng miền, địa phương việc phát triển thanh toán dịch vụ công còn khó khăn. Đơn vị cung cấp dịch vụ công hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán dịch vụ công. Chủ động bồi dưỡng cán bộ nhân việc thực hiện nghiệp vụ về TTKTM, công nghệ thông tin, tin học để đáp ứng việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ công cần nâng cấp, mở rộng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, đẩy mạnh TTĐT trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công như thuế, điện nước, học phí và thanh toán bằng viện phí không dùng tiền mặt trong khám, chữa bệnh.
3.4. Đối với Chính phủ, Chính quyền các cấp: Chính quyền, Bộ ngành phải thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4 cho phép người dân, doanh nghiệp TTKDTM bằng nhiều phương tiện khác nhau. Cần quy định cụ thể ràng buộc hành chính đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ công và người dân về thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng; Cần có chế tài đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ né tránh các hoạt động TTKDTM. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng có khả năng kết nối với phần mềm ứng dụng của các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tổ chức, cá nhân sử dụng phương thức TTKDTM đối với dịch vụ công.
Các sở, ban, ngành, đơn vị cung cấp dịch vụ công như trường học, bệnh viện... phải thông báo số tài khoản của đơn vị mình mở tại ngân hàng để tổ chức, cá nhân thanh toán dịch vụ công bằng các dịch vụ TTĐT mà ngân hàng đang cung ứng. Các trường học, bệnh viện và đơn vị cung ứng dịch vụ công lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR để cho phép phụ huynh, học sinh, người bệnh, người dân,.. sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán (tương tự như việc thanh toán tiền mua hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị).
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc gia “ Cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng”- Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân ngày 12/6/2018.
2. http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Day-manh-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-doi-voi-dich-vu-cong/
3. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thuc-day-thanh-toan-dien-tu-doi-voi-linh-vuc-dich-vu-cong-
4.http://cafef.vn/day-manh-thanh-toan-dich-vu-cong-qua-ngan-hang-can-thay-doi-thoi-quen-dung-tien-mat-cua-nguoi-dan-
5.http://vnba.org.vn/index.php?option=com_k2&view=item&id=11739:thuc-day-thanh-toan-dich-vu-cong-qua-ngan-hang-chi-ngan-hang-thoi-chua-du&lang=vi
Một số nguồn khác.
TS. NguyễnThị Thu Đông
Theo TCNH số 7/2020