Chương trình sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: (i) Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2021, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Chỉ thị số 01/CT- NHNN ngày 07/01/2021 của NHNN; (ii) Quản lý tài chính chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định; quản lý, sử dụng kinh phí trong phạm vi kế hoạch tài chính, dự toán hoặc kinh phí khoán được giao. Tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát các nhiệm vụ trùng lặp, kém hiệu quả, sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm 2021 để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (iii) Xây dựng và quản lý chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn vay ODA và hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ nước ngoài; Đảm bảo thực hiện dự án theo văn kiện đã ký kết với nhà tài trợ; phân bổ và giải ngân nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng theo đúng kế hoạch và đúng quy định của pháp luật và nhà tài trợ; (iv) Quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; quản lý, giám sát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả, tiến độ và chất lượng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trong hệ thống NHNN, các TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước do NHNN quản lý; (v) Thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn để góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công; chống lãng phí trong mua sắm tài sản công thông qua việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung, mua sắm thông qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; thực hiện nghiêm túc quy trình thanh lý tài sản công để tránh thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước; (vi) Tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, mạng lưới hoạt động nhằm giảm đầu mối, tránh chồng chéo, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao năng suất lao động. Triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công có chất lượng ngày càng cao.
Chương trình cũng đề ra giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Ngân hàng trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đó xác định các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể cho từng lĩnh vực gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Phân công rõ ràng trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc; đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá trong công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Ngân hàng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để đẩy mạnh thông tin, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và NHNN có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân trong ngành Ngân hàng; Các cơ quan báo chí, truyền thông của NHNN và của các TCTD nêu cao tinh thần trách nhiệm và vai trò trong việc tuyên truyền, vận đồng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đưa tin bài về gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương nơi sinh sống; Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền;
Tăng cường công tác tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Đổi mới công tác lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của các TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước; kế hoạch kinh phí khoán, kế hoạch mua sắm tài sản và đầu tư xây dựng của các đơn vị NHNN nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ hoàn thành kế hoạch, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tổ chức quản lý, điều hành vể tài chính chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; Tiếp tục hoàn thiện các quy định nội bộ về quản lý tài chính, tài sản; Tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng trong hệ thống NHNN;
Đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thực hiện trách nhiệm công khai theo đúng quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật chuyên ngành; trong đó chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao theo đúng quy định của pháp luật; Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong mỗi cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thực hiện công khai hành vi lãng phí và kết quả hành vi lãng phí theo quy định;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn kết thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chương trình hành động cũng quy định rõ về công tác tổng hợp, báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Hà My