Lần đầu tiên NHNN đã có những chương trình truyền thông chính sách bằng hình thức Trò chơi truyền hình giúp công chúng rất dễ làm theo, điển hình là chương trình “Tiền khéo tiền khôn” trên VTV3
Thuở sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Công tác tuyên giáo phải xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng mà xác định nhiệm vụ, nội dung, phương pháp hoạt động, phải phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng ta, dân tộc ta”. Đồng thời công tác tuyên giáo, tuyên truyền luôn được khẳng định là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Bác còn nói “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách nào? cần phải được xác định rõ ràng”. Hơn thế nữa, Bác còn căn dặn “Nói hay mà không hiểu” thì không bằng “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên giáo, tuyên truyền được nhấn mạnh là nhân tố quan trọng đối với sứ mệnh của Đảng và Người đã để lại bài học vô cùng giá trị về công tác này đối với Đảng ta nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Tư tưởng đó vẫn là kim chỉ nam trong việc thực hiện công tác tuyên giáo và truyền thông của ngành Ngân hàng, đặc biệt trong việc xây dựng nội dung và hình thức tuyên truyền thông về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Bài học về nội dung truyền thông phải gắn bó và phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của Ngành
Truyền thông được hiểu là quá trình trao đổi, tương tác thông tin với nhau giữa hai hoặc nhiều đối tượng nhằm tăng cường sự hiểu biết thông tin và thay đổi nhận thức.
Tuyên truyền là việc đưa ra thông tin với mong muốn đối tượng tiếp nhận thông tin hiểu theo hướng người đưa ra thông tin.
Tuyên giáo là chỉ các hoạt động tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra của tổ chức Đảng về lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và khoa giáo. Mục tiêu của công tác tuyên giáo là góp phần đưa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Công tác tuyên giáo, truyền thông, tuyên truyền và chính trị tư tưởng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Truyền thông được hiểu có tính tương tác cao hơn so với tuyên truyền và được dùng phổ biến trong những năm gần đây đặc biệt là truyền thông chính sách.
Hoạt động truyền thông chính sách của ngành Ngân hàng là hoạt động truyền thông chính sách trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Hoạt động truyền thông chính sách có ý nghĩa quan trọng trong mối tương quan chặt chẽ để góp phần phục vụ cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành ngân hàng.
Trong thực tế, để ban hành, thực thi và giám sát chính sách liên quan đến điều hành chính tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiệu quả, việc lắng nghe, giải quyết vấn đề dư luận quan tâm, phân tích và tiếp thu hợp lý chính sách có ý nghĩa quan trọng. Giải quyết mối quan hệ trong quá trình ban hành - thực thi - giám sát chính sách đặc biệt chính sách tác động đến đông đảo người dân và ảnh hưởng lớn trong xã hội trong lĩnh vực ngân hàng, công tác tư tưởng, tuyên giáo và truyền thông cần được thực hiện tốt. Bởi trong thực tế, có những chính sách tốt nhưng nếu không tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên nói riêng và công chúng nói chung sẽ giảm hiệu lực, hiệu quả và giá trị chính sách.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động truyền thông của ngành Ngân hàng cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và gắn chặt chẽ với nhiệm vụ trọng tâm của ngành về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Trong những năm qua, ngành Ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do tác động bối cảnh trong nước và quốc tế như cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, tình hình biển Đông, đại dịch Covid 19… Những sự kiện đó tác động rất lớn đến tâm lý của người dân vì hoạt động ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm. Điều đó đòi hỏi công tác truyền thông cần chủ động, chuyên nghiệp để góp phần tạo niềm tin công chúng trước những cú sốc của bối cảnh kinh tế nằm ngoài kịch bản điều hành của các quốc gia. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện, phương thức truyền thông mới trên nền tảng công nghệ mới cũng đặt ra thách thức lớn với việc giải quyết vấn đề dư luận quan tâm.
Những nội dung truyền thông chính sách được xây dựng trên nền tảng các chủ trương về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, lắng nghe, phản hồi chính sách từ công chúng.
Có thể nói trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực để đạt được những kết quả tích cực nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vĩ mô vững chắc để nền kinh tế có thể chống đỡ vững hơn trước vô vàn khó khăn và thách thức. Đặc biệt, thành công rất lớn được đánh giá là NHNN đã có những phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả, đặc biệt có những chính sách nhận được sự quan tâm rất lớn trong xã hội. Nhiệm vụ của truyền thông chính sách cần làm xã hội hiểu, chia sẻ và ủng hộ những chính sách đó. Bên cạnh việc bám sát nhiệm vụ trọng tâm để truyền thông kịp thời, chính xác những chính sách liên quan đến điều hành tỷ giá, tín dụng, lãi suất, thanh toán, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu và những vấn đề khác, thì công tác truyền thông đã có sự kết hợp tốt để thực hiện công tác tuyên giáo của Đảng.
Đại hội Chi bộ Vụ Truyền thông lần thứ II, Nhiệm kỳ 2020 – 2022
Công tác truyền thông đã thực hiện truyền thông kịp thời về những chủ trương, Nghị Quyết của Đảng như về Nghị Quyết TW4 khóa XI, XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng; về các chương trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập Di chúc Hồ Chí Minh….
Đối với truyền thông nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, công tác truyền thông đặc biệt chú trọng truyền thông về chính sách và chính sách mới liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Kết quả đã tạo được sự đồng thuận chia sẻ của dư luận điển hình như: Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Luật số 17/2017/QH14); Thông tư 19/2018/TT-NHNN về Hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam- Trung Quốc; Thông tư 48/2018?TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm; Thông tư 01/2020/TT-NHNN Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 ngày 13/3/2020…
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông đã cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về điều hành chính sách tiền tệ như các đợt giảm lãi suất, sự ổn định tỷ giá, chính sách nhất quán trong quản lý thị trường vàng, chính sách tín dụng phù hợp, hoạt động thanh toán đặc biệt liên quan đến phí và các phương tiện thanh toán mới, các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật; quá trình triển khai tái cơ cấu với nguyên tắc tối cao tăng cường quản trị, giảm sở hữn chéo đảm bảo an toàn hệ thống; triển khai quyết liệt việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42; cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu cốt lõi là tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn với kết quả nổi bật là NHNN 5 năm liên tếp đứng đầu chỉ số PAR INDEX, những đóng góp của ngành ngân hàng trong việc tăng chỉ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia… Kết quả nổi bật của công tác truyền thông là góp tạo niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng, thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính để yên tâm với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế khi có những sự kiện hoặc hoàn cảnh tác động đến tâm lý của công chúng.
Bên tương tác ngược lại, công tác truyền thông cũng là nơi để lắng nghe dư luận về các chính sách của NHNN. Những ý kiến đóng góp sẽ là kênh quan trọng để NHNN phân tích, nghiên cứu và điều chỉnh nếu hợp lý.
Tư tưởng của Bác Hồ về nhiệm vụ, nội dung, phương thức tuyên truyền phải gắn với chủ trương, chính sách đã được vận dụng một cách sáng tạo trong công tác truyền thông của NHNN. Không chỉ có vậy, tư tưởng của Bác về hình thức truyền thông đến nay vẫn là bài học vô cùng quý giá.
Bài học về hình thức truyền thông ngành Ngân hàng phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực” để quần chúng hiểu đúng về đường lối chính sách của Đảng từ đó tự giác tham gia công việc cách mạng. “Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại” và “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”. Hoặc Bác dạy “đồng bào ta phần lớn là nông dân thì phải lấy hình ảnh cụ thể để đồng bào dễ hiểu…”. Hay đối với người làm tuyên truyền Bác nhấn mạnh: “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm…”. Không chỉ có vậy, Bác còn để lại bài học quý báu và đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác truyền thông trong việc xác định đối tượng, mục tiêu, phạm vi tuyên tuyền: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”…
Có thể nói, tư tưởng và những bài học Bác để lại cho hậu thế về công tác tuyên truyền trường tồn với thời gian và không gian. Dù với kiến thức truyền thông hiện đại có thể thay đổi do tình hình xã hội thay đổi, phương tiện truyền thông thay đổi, sự thay đổi của các phương thức truyền thông trong giao thoa văn hóa và kiến thức của toàn cầu hóa, thì những bài học của Bác vẫn sâu sắc và mang tính ứng dụng cao.
Đối với ngành Ngân hàng, công tác truyền thông và tuyên giáo nhằm đến mục tiêu để cán bộ, đảng viên hiểu về các chủ trương định hướng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Ngành, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Khi thực hiện truyền thông chính sách, NHNN luôn xác định nội dung, mục tiêu và phương thức truyền thông theo từng nhóm đối tượng công chúng để đạt được hiệu quả cao với nội dung và hình thức đơn giản, dễ hiểu.
Nội dung đơn giản: Thông thường truyền thông chính sách về tài chính ngân hàng sẽ có nhiều từ ngữ chuyên môn và quy định có thể gây khó hiểu đối với đa số công chúng. Nhiệm vụ của truyền thông là phải làm đơn giản hóa tối đa những ngôn ngữ khó hiểu về Ngành để người dân bình thường không có kiến thức chuyên sâu về ngân hàng vẫn hiểu và dễ áp dụng. Ví dụ, khi truyền thông để công chúng hiểu về Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, các nội dung đưa ra công chúng phải rất đơn giản để trả lời cho những câu hỏi như: Ai được hưởng chính sách này? Điều kiện nào được áp dụng? Thời gian bao lâu? Thủ tục phải làm gì? Những tổ chức tín dụng nào thực hiện việc hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ? Khách hàng đang có khoản vay ngân hàng có được vay mới không? Cách trả nợ thế nào? Lãi suất tính ra sao?
Về hình thức dễ hiểu: Bác Hồ dạy không chỉ nội dung đơn giản dễ hiểu mà hình thức cũng phải đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với từng đối tượng tiếp cận thông tin. Tư tưởng này cũng được áp dụng trong quá trình thực hiện truyền thông của NHNN. Bên cạnh những hình thức truyền thông truyền thống như thông qua báo viết, các phóng sự trên truyền hình, đài phát thanh…, lần đầu tiên NHNN đã có những chương trình truyền thông chính sách bằng hình thức Trò chơi truyền hình với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng thông qua trả lời các câu hỏi đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, trong đó có hướng dẫn sử dụng dịch vụ tài chính như hướng dẫn quy trình gửi tiết kiệm, vay vốn, thanh toán… mà công chúng rất dễ làm theo. Điển hình là chương trình “Tiền khéo tiền khôn” trên VTV3, chương trình “ Đồng tiền thông thái” trên VTV1 và các cuộc thi cho học sinh phổ thông như Cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”…
Trong mối quan hệ biện chứng của công tác truyền thông và tuyên giáo của Đảng, thời gian tới, công tác này tiếp tục có sự đổi mới để thực hiện được mục tiêu góp phần tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của ngành Ngân hàng liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong toàn thể cán bộ, đảng viên Ngành nói riêng và công chúng nói chung. Những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền mãi là những bài học quý để công tác truyền thông của NHNN được áp dụng trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, triển khai các giải pháp truyền thông để góp phần thực hiện công tác tuyên giáo của Đảng và mang lại những giá trị trong việc xây dựng, thực thi chính sách của NHNN, góp phần nâng cao niềm tin công chúng với ngành Ngân hàng và nền kinh tế./.
Chi bộ Vụ Truyền thông
Theo sbv.gov.vn