Thời gian gần đây, các ngân hàng đã chuyển hướng mạnh sang khuyến khích các khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số để thay thế tin nhắn dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, một số ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì trên kênh ngân hàng số. Điều này là cần thiết giúp ngân hàng tiết giảm được chi phí, đồng thời hạn chế thấp nhất việc thu phí đối với khách hàng, hơn nữa các dịch vụ trên lại an toàn và bảo mật.
Ngân hàng bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho dịch vụ thông báo thay đổi số dư
Trước đây, các ngân hàng thường thông qua dịch vụ tin nhắn (SMS) để thông báo biến động số dư cho khách hàng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng đã rà soát và thấy rằng chi phí để duy trì dịch vụ tin nhắn này là quá cao. Trên cơ sở kiến nghị của các tổ chức tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông; các tổ chức tín dụng cũng đã kiến nghị với các nhà mạng viễn thông xem xét, điều chỉnh lại cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng cho phù hợp với thực tiễn.
Ảnh: Nguồn Internet
Hiện nay, khách hàng vẫn sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP (One time password - mật khẩu giao dịch một lần) qua tin nhắn SMS. Ngân hàng thường chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP.
Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ gửi SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông. Mặc dù là các khách hàng lớn nhất, nhưng có một nghịch lý, đó là mức phí gửi tin nhắn SMS đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng cao hơn nhiều so với mức phí tin nhắn thông thường của khách hàng cá nhân hoặc tin nhắn áp dụng cho các lĩnh vực khác. Khi lượng giao dịch online tăng trưởng, các ngân hàng cũng phải gửi tin nhắn OTP và tin nhắn thay đổi số dư nhiều hơn, đồng nghĩa với mức chi phí tin nhắn cũng tăng theo.
Theo thống kê, cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao hơn gấp 3 lần so với phí tin nhắn bình thường. Đặc biệt, khi lượng giao dịch online tăng trưởng, các ngân hàng cũng phải gửi tin nhắn OTP và tin nhắn thay đổi số dư nhiều hơn, đồng nghĩa với mức chi phí tin nhắn cũng tăng theo. Với mức giá hiện nay, hằng năm các ngân hàng đã phải chi một khoản tiền lớn để trả cho các nhà mạng viễn thông nhưng lại không nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn ngân hàng quy mô lớn phát sinh 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng. Nếu tính mức giá trung bình là 800 đồng/tin nhắn SMS, thì mỗi tháng một ngân hàng quy mô lớn sẽ trả cho nhà mạng khoảng 64 tỷ đồng cước phí tin nhắn, tương đương 786 tỷ đồng/năm. Với ngân hàng quy mô nhỏ, cước phí tin nhắn phải trả hằng tháng cho khoảng 20 triệu tin là khoảng 16 tỷ đồng, tương đương 192 tỷ đồng/năm. Với số lượng 49 ngân hàng tại Việt Nam như hiện nay, ước tính số tiền cước phí mà các ngân hàng phải trả cho nhà mạng có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng/tháng.
Theo chia sẻ từ một ngân hàng lớn trong nhóm Big 4, chỉ tính riêng trong năm 2021, ngân hàng này đã phải chi trả gần 1.000 tỷ đồng chi phí gửi SMS, khoảng hơn 70% là chi phí cho các tin nhắn thông báo số dư, còn lại là chi phí gửi mã OTP. Chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng này phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ, nếu các tổ chức tín dụng thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của khách hàng cao tương ứng thì rất mang tiếng, nhưng nếu miễn phí cho khách hàng thì các tổ chức tín dụng cũng không thể “gánh” được cước phí của nhà mạng thu. Trong bối cảnh hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay, các tổ chức tín dụng đã rà soát và xem xét lại để hạn chế đến mức tối đa sử dụng dịch vụ tin nhắn, chuyển sang thông báo số dư qua App ngân hàng. Đây cũng là một giải pháp để giảm được chi phí cho người dân.
Hơn nữa, tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các ngân hàng nhằm trộm tiền tài khoản của khách hàng đã bùng phát mạnh trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng tới uy tín của các ngân hàng, trong khi ngân hàng lại phải trả phí dịch vụ cao cho nhà mạng. Thực tế các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các ngân hàng, mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo. Do vậy, các nhà mạng cần có trách nhiệm trong việc gia tăng bảo mật, ngăn ngừa và phối hợp với các ngân hàng "vá lỗ hổng" dịch vụ tin nhắn nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hiện nay, các ngân hàng đang phải trả phí rất cao cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ SMS Brandname thì phải nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng và nhà mạng phải có trách nhiệm phối hợp xử lý vấn đề tin nhắn giả mạo một cách triệt để. Trước hết, các nhà mạng cần nâng cao mức độ bảo mật của dịch vụ, không thể để tình trạng các ngân hàng không phát tin nhắn gửi mà khách hàng là chủ các số thuê bao di động vẫn nhận được tin nhắn với Brandname của ngân hàng. Trong quá trình tìm giải pháp thì trước mắt, trong các hợp đồng ký với ngân hàng, các nhà mạng cần dành một lượng tin nhắn miễn phí đủ lớn để các ngân hàng dùng nhắn tin cảnh báo tới khách hàng khi xuất hiện tình trạng giả mạo mới hoặc nhắc lại tình trạng giả mạo cũ đang có mức độ gia tăng trong những thời điểm nhạy cảm.
Ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ trên kênh ngân hàng số
Nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, một số ngân hàng vừa điều chỉnh tăng phí tin nhắn thông báo số dư tài khoản và mật khẩu OTP. Đây là việc làm “cực chẳng đã”, bởi dù đã có nhiều kiến nghị từ Hiệp hội Ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa có phản hồi về đề xuất giảm phí SMS tin nhắn để hỗ trợ ngân hàng và khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Song song với việc làm “cực chẳng đã” trên, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh truyền thông khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác thay thế như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (App) và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP. Đặc điểm chung của các hình thức này là có độ bảo mật cao và đều miễn phí.
Bên cạnh đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu xác thực giao dịch bằng OTP gửi qua tin nhắn SMS truyền thống, hạn mức giao dịch tối đa chỉ là 100 triệu đồng/giao dịch, nhưng nếu xác thực bằng Smart OTP, khách hàng có thể giao dịch với hạn mức lên tới cả tỷ đồng/giao dịch.
Để đáp ứng sự thay đổi thị trường và nhu cầu của khách hàng, trong năm vừa qua, các ngân hàng đã tăng tốc đầu tư cho công nghệ số, hướng tới chuyển đổi số hóa toàn diện. Nổi bật là hệ sinh thái tiện ích của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) với nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên kênh ngân hàng số OCB OMNI. Cụ thể, khách hàng dễ dàng thực hiện các thao tác trên tài khoản ngân hàng như kiểm tra số dư tài khoản, dư nợ vay, gửi tiết kiệm, vay ngân hàng,… mà không cần phải đến quầy. Bên cạnh đó, OCB OMNI thường xuyên ra mắt các tính năng mới đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch trực tuyến của khách hàng như: Đặt vé xem phim, vé tàu/xe/máy bay, mua vé số online, quét mã QR Code để chuyển khoản dễ dàng mà không cần nhập liệu thủ công,… Nhờ vào việc ứng dụng mô hình ngân hàng mở với nền tảng API, người dùng còn được trải nghiệm sản phẩm dịch vụ từ các đối tác liên kết, giúp khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet; tiếp cận với nhiều sản phẩm đầu tư tài chính như mua bảo hiểm (du lịch, xe máy, tai nạn) hay đầu tư chứng chỉ quỹ VinaCapital hoàn toàn trực tuyến ngay trên ứng dụng OCB OMNI.
Đặc biệt, khách hàng đăng ký gói tài khoản trực tuyến được miễn hầu như các tất cả các loại phí khi giao dịch trên ngân hàng số như miễn 100% phí thường niên, phí duy trì tài khoản, phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống OCB, miễn phí SMS trong suốt thời gian sử dụng. Hạn mức giao dịch trong ngày lên đến 20 tỷ đồng cho mỗi khách hàng cá nhân.
Trong xu hướng miễn phí dịch vụ ngân hàng để thu hút khách hàng, gia tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với chi phí thấp, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) khuyến khích khách hàng chuyển sang nhận biến động số dư qua App MBBank, thay vì qua SMS Banking như trước. Với xu hướng này, người dùng không còn phải bận tâm về phí dịch vụ SMS Banking.
Tại MB, khách hàng đã có thể chủ động đăng ký nhận biến động số dư trên App MBBank mà không phải ra quầy, nhanh chóng, tiện lợi với mức phí 0 đồng, không giới hạn số lần biến động số dư. Đồng thời, MB cũng triển khai miễn 07 loại phí cho khách hàng, cụ thể: Miễn phí quản lý tài khoản - không yêu cầu số dư tối thiểu; miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng trên App MBBank và Internet Banking; miễn phí duy trì dịch vụ ngân hàng điện tử; miễn phí rút tiền không cần thẻ tại ATM của MB; miễn phí phát hành, phí thường niên, phí rút tiền Thẻ ghi nợ quốc tế tại ATM của MB; miễn phí mở tài khoản số đẹp tứ quý, số tài khoản thần tài, số tài khoản trùng số điện thoại; miễn phí thông báo biến động số dư trên App MBBank…
Để giảm gánh nặng chi phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng cho cả khách hàng và ngân hàng, Vietcombank cũng ra mắt phương thức xác thực giao dịch Smart OTP được tích hợp ngay trên ứng dụng VCB Digibank với nhiều ưu điểm vượt trội so với hình thức xác thực bằng SMS truyền thống như hạn mức giao dịch cao lên đến 3 tỷ đồng, giao dịch mọi lúc mọi nơi, xuyên biên giới, có thể lấy mã OTP ngay cả khi thiết bị không có kết nối trực tuyến; an toàn và bảo mật hơn nhiều với nhiều lớp bảo mật (mật khẩu điện thoại, mật khẩu ứng dụng, bàn phím hiển thị ngẫu nhiên,…).
Bên cạnh Vietcombank, các ngân hàng như: VietinBank, BIDV, VIB, VPBank, MSB, PVcomBank… cũng đều tích hợp phương thức xác thực giao dịch Smart OTP ngay trên các ứng dụng ngân hàng do ngân hàng phát triển.
Đại diện lãnh đạo của PVcomBank chia sẻ, để giảm chi phí này, khách hàng chỉ dùng tài khoản thanh toán có thể thay thế tin nhắn SMS truyền thống bằng cách đăng ký để sử dụng dịch vụ nhận biến động số dư trên App PV-Mobile Banking của PVcomBank. Đây là dịch vụ hoàn toàn miễn phí và dễ dàng đăng ký nhanh chóng, giúp khách hàng nhận được các biến động số dư trên tài khoản của mình mà không cần phụ thuộc vào mạng viễn thông (thiết bị có kết nối Internet) ngay khi có phát sinh.
Không chỉ vậy, để giảm chi phí cho khách hàng, mới đây, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cũng mở rộng chính sách miễn phí chuyển tiền trên kênh ngân hàng số hay các ứng dụng do ngân hàng phát triển, ví như: Vietcombank miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh ngân hàng số VCB Digibank cho khách hàng cá nhân;BIDV miễn toàn bộ phí trên kênh ngân hàng số BIDV SmartBanking (phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống BIDV; phí duy trì dịch vụ; phí quản lý 1 tài khoản; phí tin nhắn OTT…); VietinBank miễn toàn bộ các loại phí trên kênh ngân hàng số VietinBank iPay… Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như: VIB, VPBank, TPBank, Techcombank, SeABank, PVcomBank… cũng thực hiện miễn phí chuyển tiền cho khách hàng trên các kênh ngân hàng số.
Sự vào cuộc của các nhà mạng
Việc các ngân hàng đang khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác thay thế như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP là cần thiết và thuận tiện cho khách hàng. Việc chuyển sang sử dụng các tiện ích của ngân hàng số sẽ giúp ngân hàng và khách hàng giảm chi phí, đặc biệt là các chi phí viễn thông đối với các dịch vụ ngân hàng.
Ngày 26/02/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp trao đổi giữa các ngân hàng hội viên và đại diện của 03 nhà mạng lớn tại Việt Nam (Viettel, VNPT và Mobifone) về việc điều chỉnh tính phí dịch vụ SMS Banking.
Cụ thể, tại cuộc trao đổi này, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, hiện nay, các ngân hàng đang phải trả phí rất cao cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ SMS. Trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đã miễn phí toàn bộ cước phí cho khách hàng, cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của các nhà mạng cần phải xem xét lại. Đồng thời, mong muốn các đơn vị viễn thông trao đổi, đồng thuận cùng ngân hàng, kịp thời điều chỉnh cước phí dịch vụ SMS cho phù hợp, để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ khách hàng tốt hơn, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của chính các nhà mạng, của các tổ chức tín dụng và của khách hàng.
Ông Trần Duy Hải - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) mong muốn các ngân hàng cùng các doanh nghiệp viễn thông cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và khách hàng.
Các ý kiến tại cuộc trao đổi đều cho rằng, việc thông báo số dư qua App ngân hàng hay thông qua các hình thức thanh toán điện tử khác vẫn đảm bảo được sự an toàn, thông suốt, không ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Tuy nhiên, tác dụng của việc sử dụng tin nhắn dịch vụ ngân hàng cũng không thể phủ nhận nhưng cần phải đảm bảo mức phí đó ở mức tương xứng. Sự đồng thuận, hỗ trợ của các nhà mạng rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều chỉnh cước phí dịch vụ SMS.
Kết thúc cuộc trao đổi, các nhà mạng cùng các ngân hàng đã đồng thuận giải pháp tính phí trọn gói với mức phí hợp lý để áp dụng cho khách hàng trong thời gian tới, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của chính các nhà mạng, của các tổ chức tín dụng và của khách hàng.
Tài liệu tham khảo:
1. Vietcombank.com.vn
2. Ocb.com.vn
3. Mbbank.com.vn
Phạm Anh (Ngân hàng Nhà nước)