Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối tháng 6/2022, có gần 5,5 triệu tài khoản mở bằng phương thức trực tuyến (eKYC) đang hoạt động, gần 8,9 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành và khoảng 123 triệu tài khoản thanh toán. Với sự phát triển của thương mại điện tử, thanh toán điện tử cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng từ đó, kẻ gian lợi dụng lỗi bất cẩn hay nhẹ dạ của khách hàng khi sử dụng tài khoản ngân hàng và khi giao dịch trên môi trường điện tử để lừa đảo.
Đảm bảo an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) cung cấp dịch vụ ngân hàng là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của ngành Ngân hàng. Đặc biệt, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu khách hàng luôn được các ngân hàng quan tâm. Đây còn trách nhiệm của các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Nhiều chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, đánh cắp thông tin
Gần đây, Bộ Công an đã cảnh báo, qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, các thiết bị công nghệ cao được sử dụng phổ biến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Công an Thành phố Đà Nẵng phát hiện các đối tượng hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo. Đa phần các tài khoản này là của người dân vì hoàn cảnh khó khăn hoặc do bị dụ dỗ, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật. Từ đó, tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng làm công cụ thực hiện lừa đảo trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, thời gian qua xuất hiện nhiều thủ đoạn đối tượng giả danh là cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... không làm việc trực tiếp mà điện thoại hoặc thông qua mạng xã hội Zalo, Viber... liên lạc, hù dọa, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mở tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP (mật khẩu chỉ sử dụng 01 lần được ngân hàng tạo ra gửi đến số điện thoại chủ tài khoản nhằm xác nhận giao dịch) hoặc yêu cầu người dân nộp tiền, chuyển tiền để xác minh, giải quyết các vụ án nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Thực tế, do chưa nắm được quy định pháp luật, người dân dễ bị dụ dỗ bán hoặc cho mượn tài khoản ngân hàng, không những thế, tình trạng bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng cũng có nguyên nhân từ chính khách hàng.
Khi hàng rào bảo mật của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã được nâng cấp, chặt chẽ hơn, tội phạm công nghệ sẽ tấn công vào những lỗi bất cẩn của khách hàng. Theo các chuyên gia về an ninh bảo mật, có rất nhiều cách mà dữ liệu tài khoản ngân hàng của người dùng bị đánh cắp. Theo đó, các đối tượng lừa đảo, hacker lập ra những trang web giả mạo ngân hàng với tên miền gần giống, chỉ thay đổi một vài ký tự. Điều này khiến người dùng dễ dàng bị đánh lừa khi đăng nhập tài khoản ngân hàng khiến việc lộ thông tin một cách dễ dàng. Các hacker sẽ thu thập mọi dữ liệu của người dùng tại đây. Ngoài ra, người dân hiện đang mua bán trực tuyến khá nhiều nên khi thanh toán sẽ phải đăng nhập tài khoản ngân hàng. Nếu không có các kỹ năng bảo mật thì đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc lộ thông tin các tài khoản ngân hàng.
Chẳng hạn, đối tượng sẽ gửi email hoặc tin nhắn giả mạo của ngân hàng, gọi điện yêu cầu khách hàng truy cập vào các đường link xác nhận chuyển tiền. Sau khi có được số tài khoản của “con mồi”, kẻ gian sẽ chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của người này, sau đó giả làm nhân viên ngân hàng gọi điện, gửi tin nhắn cho khách hàng để thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link trong tin nhắn để xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền... Đường link này sẽ dẫn dụ khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật như: Tên truy cập, mật khẩu, mã OTP… sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản và rút tiền.
Hoặc kẻ gian giả mạo ngân hàng gửi email để thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào tệp hoặc đường link có chứa mã độc gửi kèm trong email nhằm chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản. Các đối tượng này tìm những shop bán hàng online trên Facebook, sau đó nhắn tin hỏi mua hàng và nói dối là đang ở nước ngoài, yêu cầu các shop bán hàng đưa số tài khoản để họ chuyển tiền từ nước ngoài về. Tiếp theo, chúng sẽ gửi cho các shop đường link, nói là truy cập vào đường link đó để nhận tiền chuyển khoản từ nước ngoài về, trong đường link này sẽ yêu cầu nhập số tài khoản và mã OTP…
Cách khác, kẻ gian lừa đảo bằng thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản. Theo đó, các đối tượng sẽ vờ chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản của khách hàng với nội dung cho vay, sau một thời gian, người này sẽ gọi điện đòi tiền cùng với lãi vay. Hoặc, đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách hàng và hướng dẫn thủ tục hoàn trả, sau đó gửi đường link yêu cầu khách hàng điền thông tin cá nhân gồm các thông tin bảo mật và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
An toàn thông tin là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của ngân hàng
Về phía ngành Ngân hàng, đảm bảo an toàn cho các hệ thống CNTT cung cấp dịch vụ ngân hàng là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của ngành Ngân hàng. Đặc biệt, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu khách hàng luôn được các ngân hàng quan tâm.
Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử. Đồng thời, NHNN đã rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới nhiều văn bản hướng dẫn các TCTD triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử đảm bảo an toàn, bảo mật.
Ngày 13/01/2022, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, NHNN yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố: Tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng điện tử và công tác đảm bảo an ninh, an toàn tài sản, bảo mật thông tin khách hàng; yêu cầu các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán: Thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo về các sự cố an toàn thông tin theo quy định tại Thông tư số 09/2020/TT-NHNN ngày 21/10/2020 của Thống đốc NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng; tăng cường chia sẻ thông tin về các mối đe dọa an ninh mạng giữa các thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố an ninh CNTT ngành Ngân hàng.
Tại Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD phải bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ, cụ thể bao gồm: Cung cấp thông tin dịch vụ Internet Banking trước khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Trong đó bao gồm các điều kiện cần thiết về trang thiết bị sử dụng; cách thức truy cập dịch vụ; hạn mức giao dịch và các biện pháp xác thực giao dịch; các rủi ro liên quan đến sử dụng dịch vụ; hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ an toàn, bảo mật; cung cấp cho khách hàng thông tin về đầu mối tiếp nhận thông tin, số điện thoại đường dây nóng và chỉ dẫn cho khách hàng quy trình, cách thức phối hợp xử lý các lỗi và sự cố trong quá trình sử dụng dịch vụ.
NHNN cũng chủ động theo dõi và nắm bắt tình hình an ninh mạng trong Ngành và là đầu mối thường xuyên tiếp nhận các cảnh báo về lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an toàn CNTT từ các đơn vị, đối tác và cảnh báo các đơn vị trong Ngành kịp thời cập nhật các lỗ hổng bảo mật và sẵn sàng các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sự cố (nếu có phát sinh). Hằng năm, NHNN tổ chức kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật tại các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán để đánh giá, phát hiện và xử lý sớm các rủi ro, sai phạm cũng như khuyến nghị, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại hạn chế về an ninh, bảo mật tại các TCTD.
Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân, với các chương trình như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”... nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho khách hàng trong sử dụng dịch vụ ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn thông tin tài khoản khách hàng.
Về phía các NHTM, để đảm bảo an toàn, bảo mật cho giao dịch ngân hàng và thông tin, tài khoản khách hàng trước nguy cơ tấn công mạng, các NHTM đã tăng cường phối hợp với NHNN để thực hiện các chính sách đã ban hành về CNTT trong lĩnh vực ngân hàng; chủ động trong việc giám sát hoạt động hệ thống CNTT và xử lý các sự cố phát sinh (nếu có); tăng cường các biện pháp giám sát, theo dõi hoạt động và nhật ký của các hệ thống thông tin quan trọng, các cổng, trang tin điện tử, hệ thống Internet Banking để kịp thời phát hiện và xử lý sự việc nghi ngờ là hành động tấn công (nếu có); thực hiện sao lưu và lưu trữ đầy đủ dữ liệu cũng như sẵn sàng kịch bản và phương án đảm bảo hoạt động liên tục cho các hệ thống thông tin quan trọng, các cổng, trang tin điện tử, hệ thống Internet Banking.
Theo thống kê của NHNN, việc đầu tư của các NHTM cho an toàn thông tin chiếm 15% đầu tư cho CNTT ứng dụng công nghệ mới (AI, Big Data...) hoặc thuê ngoài để giám sát an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, các NHTM cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc sử dụng ngân hàng điện tử, khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ ngân hàng trực tuyến; đồng thời tiếp nhận ý kiến trực tiếp từ khách hàng nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng phức tạp, tinh vi, có phạm vi toàn cầu, vấn đề an ninh, bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng và ngân hàng đang là thách thức với ngành Ngân hàng.
Đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, tài khoản khách hàng và hoạt động ngân hàng
Trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục rà soát và ban hành các chính sách đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số và các giải pháp xác thực mạnh trong các loại hình dịch vụ điện tử. NHNN tiếp tục phối hợp Bộ Công an triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025); Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), tập trung vào kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ công tác quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ trên môi trường điện tử. Đồng thời, NHNN tiếp tục phối hợp các bộ, ngành khác trong xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Nghị định Định danh và xác thực điện tử, Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Về phía các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số. Lấy người dân làm mục tiêu, động lực cho sự phát triển, theo đó đặt vấn đề an toàn, bảo mật, tiện ích, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng lên trên hết. Áp dụng những giải pháp, công nghệ tiên tiến và các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin. Triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện, báo cáo, ngăn ngừa kịp thời các giao dịch vượt ngưỡng, giao dịch đáng ngờ, các giao dịch thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong nghiên cứu, triển khai các phương án kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân, thông tin trên Căn cước công dân gắn chíp để phục vụ việc định danh, xác minh chính xác thông tin nhận biết khách hàng.
Công tác truyền thông, giáo dục tài chính cần được đẩy mạnh trên toàn hệ thống TCTD. Hình thức thể hiện cần đa dạng, ứng dụng công nghệ mới nhằm tăng sự tương tác và lan tỏa tới khách hàng, đặc biệt hướng tới người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, giới trẻ… qua đó hướng dẫn và nâng cao kỹ năng cho khách hàng khi mở và sử dụng tài khoản ngân hàng cũng như thực hiện các giao dịch tài chính được an toàn. Cụ thể: Tăng cường công tác truyền thông về những sản phẩm, dịch vụ đổi mới, an toàn, tiện ích; nâng cao nhận thức khách hàng trước rủi ro an ninh mạng, hoạt động gian lận, lừa đảo trên không gian mạng; hướng dẫn khách hàng về các kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn, hợp lý và giải đáp kịp thời các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng; chủ động áp dụng các hình thức khuyến nghị, cảnh báo kịp thời, hiệu quả tới khách hàng về các phương thức, thủ đoạn gian lận, lừa đảo của tội phạm công nghệ cao.
Bên cạnh đó, các TCTD cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; báo cáo kịp thời NHNN về những vấn đề phát sinh mất an ninh, an toàn trong quá trình cung ứng dịch vụ.
Những vấn đề khách hàng cần lưu ý khi sử dụng tài khoản ngân hàng
Tuyệt đối không thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản ngân hàng, tuyệt đối không mua, bán thông tin tài khoản ngân hàng. Đây là hành vi bất hợp pháp, sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán thẻ cho người khác. Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản có thể là hình thức tiếp tay cho kẻ lừa đảo.
Trường hợp đã từng mở tài khoản ngân hàng sau đó chuyển cho người khác sử dụng, người dân cần mang giấy tờ cá nhân đến ngân hàng để làm thủ tục đóng tài khoản đó nhằm bảo vệ mình, đồng thời ngăn chặn các đối tượng sử dụng tài khoản làm công cụ phạm tội. Song song đó, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử và mã OTP cho những người lạ hoặc chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục pháp lý, từ đó đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài sản...
Chủ động giữ kín các thông tin cá nhân/thông tin tài khoản, không tiết lộ cho bất kỳ ai để tránh các trường hợp chủ quan, bị lợi dụng gây mất tiền, tài sản.
Nếu phát hiện đối tượng có hành vi nhờ mở tài khoản ngân hàng, mở thẻ hoặc mua bán tài khoản ngân hàng với số lượng lớn thì cần kịp thời báo cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý.
Ngoài ra, khách hàng cần nắm được các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đặc biệt trong việc sử dụng tài khoản thanh toán tại Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: (i) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (ii) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: (i) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán; (ii) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (iii) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (iv) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (v) Hoạt động không đúng nội dung chấp thuận của NHNN về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.
Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: (i) Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (ii) Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; (iii) Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: Sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; (iv) Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Để đảm bảo an ninh, bảo mật thông tin tài khoản, an toàn trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền, người sử dụng dịch vụ cần lưu ý như sau:
Trong quá trình sử dụng dịch vụ, khách hàng cần tuân thủ theo các hướng dẫn của tổ chức cung ứng dịch vụ. Đặc biệt, khách hàng cần nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn của tội phạm trên mạng. Ngoài ra, khách hàng cần bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài khoản... để tránh bị đánh cắp, lợi dụng (không cung cấp tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã OTP trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu để nhận/nạp tiền; không sử dụng mã PIN gắn liền với các thông tin cá nhân như số di động, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, ngày sinh, ghi số PIN bỏ vào ví; không nạp/chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ khi nhận được các cuộc gọi lạ...). Khách hàng không mở hộ thẻ/tài khoản cho người khác, kể cả cho mượn hoặc bán.
Đối với mật khẩu truy cập dịch vụ giao dịch trực tuyến cần đặt mật khẩu khó đoán, thay đổi mật khẩu thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động. Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực một lần (OTP), cũng như số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội, website.
Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ Tên đăng nhập/Mật khẩu, khách hàng cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời; trường hợp bị mất thẻ, cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ bị mất tiền trong tài khoản thẻ.
Hạn chế dùng máy tính công cộng, thiết bị di động kết nối với mạng không dây (Wifi) công cộng để truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử. Khách hàng nên gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn, chỉ đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng; luôn đăng xuất khỏi các website đã nhập thông tin cá nhân.
Phạm Hà (Ngân hàng Nhà nước)