Triển khai từ tháng 9/2019, Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã cung cấp cho nông dân sản phẩm dịch vụ cho vay thấu chi qua thẻ ATM với hạn mức 30 triệu đồng và công cụ chấp nhận thanh toán thẻ POS với nhiều tiện lợi và hoàn toàn miễn phí.
Việc triển khai Đề án này của Agribank có ý nghĩa quan trọng trong đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen, góp phần gia tăng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Đề án đã bước đầu phát huy được hiệu quả với lợi thế rõ rệt về chính sách hỗ trợ sâu, rộng, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, thủ tục đơn giản, linh hoạt.
“Thực sự, tôi chẳng nghĩ có ngày nông dân như chúng tôi được cầm thẻ thấu chi ra đại lý mua hàng. Trước nay, tôi nghĩ thẻ thấu chi chỉ dành cho cán bộ, công chức, chứ ai nghĩ nông dân giờ cũng... “sang” thế này!”, vừa thanh toán hơn chục bao phân bón cho đại lý, anh Nguyễn Công Bằng, nông dân xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường (Long An) vừa hồ hởi chia sẻ.
Vốn ngân hàng đã giúp anh Nguyễn Công Bằng, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường (Long An) chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Hơn 2,5 ha đất trồng lúa của gia đình anh Nguyễn Công Bằng nay đang được dần chuyển đổi sang trồng cây ăn quả theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của thị xã Kiến Tường. Vốn là khâu đầu tiên phải giải quyết. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được gửi vào ngân hàng, gần 300 triệu đồng vay Agribank thị xã Kiến Tường đã được anh Bằng đổ xuống vườn chanh tứ quý, tắc (quất) và một chiếc xe ô tô vận tải chuyên phục vụ việc thu gom sản phẩm của anh em trong tổ liên kết cùng trồng chanh, tắc ở các xã lân cận để bán cho đầu mối. Phát sinh thêm bất cứ chi phí sản xuất nào, anh Bằng lại cầm tấm thẻ thấu chi của Agribank ra đại lý vật tư nông nghiệp mà không phải lo khi trong nhà không còn tiền mặt.
“Có cái này đỡ nhiều lắm!”, xoay xoay tấm thẻ trên tay, đôi mắt hiền lành, chân chất trên khuôn mặt đen sạm của người nông dân miền Tây này như vương sự xúc động. “Không chỉ là vấn đề tiền bạc đâu, trong tấm thẻ này, thực sự tôi còn thấy cả sự thấu hiểu, chia sẻ của ngân hàng với người nông dân chúng tôi”, anh Nguyễn Công Bằng cho biết.
“Nông dân chúng tôi thấy đất rộng, lúa nhiều đấy, nhưng nói thật là anh nào mà ngày có trong túi đôi ba trăm nghìn đã được coi là nhà giàu rồi đó. Không có đâu! Ngày dưng tiền mặt hiếm lắm, tất cả chỉ trông vào ngày mùa, có lúa thu về thì mới có tiền, trong khi nhu cầu phát sinh thì trăm thứ bà rằn.
Thanh toán vật tư nông nghiệp với thẻ thấu chi Agribank
Nào nay thêm dăm bao phân bón, chục gói thuốc trừ sâu, mai phát sinh vài công be lại khúc mương dẫn nước vào ruộng. Rồi chưa kể con cái, người thân ốm đau, bệnh tật hay đủ thứ phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Từ ngày tôi chuyển đổi sang trồng chanh, tắc còn đỡ, ngày nào hái thì ngày đó có tiền thu về, chứ như bà con rặt làm lúa thì chỉ chạy ra đại lý ký nợ hoặc vay nóng. Mà thực sự, đại lý có tâm cũng tính lãi suất ít nhất 2%/tháng, tức 24%/năm. Chưa kể nhiều người không có tâm, biết thế khó của mình thì trừ tới trừ lui, đến cuối vụ, tiền thu về có khi không đủ trả cả gốc, cả lãi.
Làm 2 công lúa mà chỉ làm lúa không, 2 - 3 năm sau không chừng phải bán đi 1 công vì nợ. Thế nên chẳng có cách nào khác là phải chuyển đổi cây trồng. Mà để chuyển đổi phải có vốn, nên nói gì thì nói, không có ngân hàng, chúng tôi không có cửa đi lên đâu!”, anh Bằng khẳng định.
Đó cũng là lý do mà anh Nguyễn Công Bằng cũng như nhiều nông dân Kiến Tường nói riêng hay nông dân vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long nói chung quyết chí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không thể chỉ trông chờ vào cây lúa.
Theo ông Nguyễn Văn Nhiều, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, là xã biên giới thuần nông đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ chuyên trồng lúa sang trồng cây ăn quả như chanh, mít, bưởi, thanh long và chăn nuôi trâu, bò, nhu cầu vốn cho bà con nơi đây luôn trong tình trạng “nóng”.
“Cách đây 3 - 4 năm, tình trạng nông dân mất đất, mất vườn vì tín dụng “đen” không hiếm. Chính quyền địa phương đã phải rà soát, nắm từng đối tượng cho vay nặng lãi, từng trường hợp vướng vào tín dụng “đen”, rồi cho gỡ lột từng tờ rơi trên “ngân hàng cột điện”. Cùng với đó là sự tích cực vào cuộc của Agribank Kiến Tường trong việc tiếp cận khách hàng đáp ứng nhu cầu về vốn và cung cấp dịch vụ, nên chỉ trong vòng 2 năm nay, toàn xã đã chuyển đổi gần 50 ha đất lúa sang trồng cây ăn trái và chăn nuôi trâu, bò với thu nhập tăng gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Nhờ đó, đời sống người dân đi lên trông thấy...”, ông Nguyễn Văn Nhiều cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó giám đốc Agribank Kiến Tường cho biết, cứ 2-3 tháng một lần, Agribank Kiến Tường tổ chức xuống từng xã phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho vay vốn, phát triển dịch vụ. Riêng với Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, Agribank Kiến Tường hiện đã phát hành 283 thẻ trong tổng số 300 thẻ theo chỉ tiêu được giao, đạt 94% kế hoạch.
Nhận thấy hình thức tổ vay vốn rất phù hợp ở địa bàn nông thôn, Agribank Kiến Tường đã kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ triển khai 28 tổ vay vốn với trên 5.000 hộ tham gia. Đây là cơ sở để vốn ngân hàng đến với người dân nhanh nhất, thuận lợi nhất, đồng thời cũng là sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng vốn vay trong các hộ
nông dân.
Theo ông Nguyễn Kim Thài, Giám đốc Agribank Long An, việc thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank Long An với hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng dành cho các đối tượng là khách hàng cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc cá nhân cư trú ngoài địa bàn nhưng có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp và đặc biệt là sự quan tâm của nông dân.
Dễ dàng tiếp cận với thủ tục mở thẻ đơn giản, không cần thế chấp, chính sách lãi suất ưu đãi khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, việc sử dụng thẻ thấu chi để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, thanh toán mua hàng tại các cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, bách hóa, cơ sở sửa chữa máy nông ngư cơ, siêu thị... đã giúp nông dân giải quyết cơ bản những nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong lúc chờ tới mùa vụ thu hoạch. Từ đó, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Được giao nhiệm vụ thí điểm, đến nay, Agribank Long An đã phát hành trên 3.500 thẻ thấu chi, đạt 70% kế hoạch phát hành đến 30/9/2020 là 5.000 thẻ. Agribank Long An cũng đã đặt 82 máy POS tại tất cả các huyện, thị trong tỉnh, đồng thời đa dạng hóa danh mục sản phẩm dịch vụ, tạo điều kiện để liên kết với các nhà cung ứng dịch vụ giúp mở rộng thị trường, thị phần thanh toán thẻ của Agribank tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
“Đề án đã bước đầu phát huy được hiệu quả với lợi thế rõ rệt về chính sách hỗ trợ sâu, rộng, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, thủ tục đơn giản, linh hoạt. Thời gian tới, Agribank Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát hành thẻ, đồng thời tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS để đáp ứng nhu cầu và tiện lợi cho khách hàng, đồng thời xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, góp phần đẩy mạnh thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn”, ông Nguyễn Kim Thài cho biết.
Thanh Hương
Agribank
TCNH số 14/2020