Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tác động đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng. Dòng chảy này tạo thêm nhiều cơ hội, động lực mới cho các ngân hàng thương mại trong việc tự động hóa quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, tạo sự minh bạch số liệu, cung ứng nhiều dịch vụ ngân hàng số mới, hiện đại, phá vỡ mọi hạn chế về không gian và thời gian trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng đến khách hàng.
Chủ động ứng dụng công nghệ trong hoạt động
Để bắt kịp xu thế của CMCN 4.0, trong thời gian qua, Agribank đã chủ động tiếp cập với cuộc cách mạng công nghệ thông qua việc chủ động nghiên cứu, tham dự các hội thảo chuyên đề về CMCN 4.0 do nhiều đơn vị, hãng công nghệ uy tín trên thế giới (PwC, IBM…) và cơ quan trong nước (Triển lãm Smart Industry World 2017, Industry 4.0 Summit 2018 của Ban Kinh tế Trung ương; Hội thảo, triển lãm Banking hàng năm; các hội thảo về CMCN 4.0, FinTech, blockchain của Ngân hàng Nhà nước…) tổ chức.
Agribank đã tích cực nghiên cứu chuyển đổi mô hình kinh doanh, nghiên cứu mô hình ngân hàng số, tập trung dữ liệu toàn ngành, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ, an toàn thông tin mạng, đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để phát triển mảng ngân hàng bán lẻ và triển khai mạnh mẽ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Agribank chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới
vào sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại
Về đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank đã triển khai hàng loạt hệ thống công nghệ, sản phẩm dịch vụ thanh toán hiện đại như: Thanh toán biên mậu với các quốc gia có chung đường biên giới; thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại, với Kho bạc Nhà nước; thu ngân sách nhà nước với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước; thanh toán hóa đơn (thu tiền điện, nước, cước viễn thông… tự động qua tài khoản ngân hàng); chuyển khoản, thanh toán hóa đơn qua tin nhắn SMS; Internet Banking; E-Mobile Banking (chuyển khoản, nạp tiền điện thoại, ví điện tử, thanh toán bằng QR); thẻ thanh toán…, góp phần tích cực cùng ngành Ngân hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Về ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, Agribank đã nghiên cứu, phát triển và cung cấp nhiều sản phẩm ngân hàng tiện ích dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại đến khách hàng như: Dịch vụ ngân hàng lưu động, Internet Banking, MobileBanking, QR Pay, Samsung Pay, rút tiền bằng mã code, gửi tiền và mở sổ tiết kiệm qua kênh ATM/CDM…, giúp khách hàng thực hiện được các giao dịch một cách đơn giản, an toàn, nhanh chóng và tiện lợi hơn. Agribank cũng hợp tác chặt chẽ với các công ty tài chính - công nghệ FinTech như VNPay, Momo, ZaloPay, BankPlus, Payoo, SamsungPay…, nhằm tận dụng mô hình kinh doanh tinh gọn, hướng tới trải nghiệm khách hàng và sự đổi mới, sáng tạo của FinTech.
Agribank kết hợp khai thác ưu thế quản trị rủi ro với hệ thống khách hàng rộng lớn để có được sức mạnh tổng hợp trong cung ứng dịch vụ, cung cấp sản phẩm dịch vụ hiện đại, tăng cường ứng dụng những giải pháp kinh doanh sáng tạo và công nghệ đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng và nâng cao sự hài lòng của khách hàng, nhất là đối tượng khách hàng nhạy bén với các công nghệ mới. Số lượng khách hàng sử dụng các kênh điện tử Internet Banking, Mobile Banking đã lên đến hơn 6 triệu người, số lượng giao dịch qua các kênh điện tử khoảng 1 triệu giao dịch/ngày.
Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng của Agribank -
“Ngân hàng lưu động” của người dân tại các điểm vùng sâu, vùng xa
Agribank cũng đã thực hiện tập trung toàn bộ các cơ sở dữ liệu của ngân hàng (hệ thống Core Banking, hệ thống MIS, hệ thống phát hành và thanh toán thẻ chip theo chuẩn EMV, hệ thống E-Banking, các hệ thống ngoài Core Banking), chủ động nắm bắt các xu hướng công nghệ mới, nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu tập trung để đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng phân tích dữ liệu lớn theo các chuyên đề khác nhau, phục vụ cho công tác quản trị điều hành, dự đoán, dự báo, đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt nhất với tính cá nhân hóa cao.
Trong thời gian qua, Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường an toàn thông tin như: Hệ thống PKI (Public key infrastructure), hệ thống điều hành an toàn thông tin (SOC – Security Operation Center), giải pháp mật khẩu một lần (OTP – One Time Password) bảo mật cho các ứng dụng, hệ thống AD/Antivirus, hệ thống bảo mật cho các thiết bị điểm cuối, phối hợp với các cơ quan cảnh báo an ninh mạng đảm bảo an ninh an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin. Nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, Agribank đã ban hành nhiều cơ chế chính sách riêng cho sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường công tác quản trị, theo dõi, giám sát và thực thi các quy định nội bộ.
Gia tăng trải nghiệm cho khách hàng
Kết quả khảo sát “Dịch vụ ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) cho thấy các giải pháp về ngân hàng điện tử (E-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp E-banking (năm 2019) so với tỷ lệ này là 21% trong năm 2015. Bắt nhịp xu thế này, Agribank đã nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đáp ứng kịp thời nhu cầu phong phú, đa dạng của đông đảo khách hàng. Cụ thể, thời gian qua, nhóm dịch vụ ngân hàng điện tử E-banking của Agribank có sự tăng trưởng mạnh mẽ, phát huy đà tăng trưởng tốt của những năm trước. Thông qua việc triển khai các chương trình khuyến mại, kết hợp triển khai bán theo gói (mở tài khoản và đăng ký sử dụng các dịch vụ), Agribank đã phát triển các tiện ích dịch vụ Mobile Banking, Internet Banking đã thu hút khách hàng mới mở tài khoản và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử E-banking. Đến nay, số khách hàng sử dụng đạt khoảng 5,8 triệu khách hàng.
Dịch vụ Agribank E-Mobile Banking là một trong số dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank được đông đảo khách hàng lựa chọn bởi nó cho phép khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ tài chính ngân hàng như: Vấn tin tài khoản đăng ký dịch vụ của khách hàng (kiểm tra số dư, xem thông tin tài khoản và tra cứu lịch sử giao dịch gần nhất trong thời gian 1 tháng); chuyển khoản trong hệ thống Agribank và liên ngân hàng; nạp tiền điện thoại trả trước; mua thẻ game, thẻ điện thoại; thanh toán hóa đơn; thông tin về ngân hàng; nộp tiền ví điện tử VnMart; báo cáo giao dịch…; đồng thời cho phép khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ phi tài chính ngân hàng như: Trao đổi thông tin; đặt vé máy bay; quản lý đầu tư; tra cứu thông tin…
Trong thời gian tới, để chủ động nắm bắt cơ hội, ứng dụng nền tảng của CMCN 4.0 trong hoạt động kinh doanh, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện kết hợp với các đơn vị tư vấn, các đối tác tập trung nghiên cứu, cập nhật, đánh giá khả năng ứng dụng, tổ chức đào tạo, triển khai ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: Xây dựng lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số (digital transformation); cập nhật mô hình hoạt động công nghệ thông tin (quản trị công nghệ thông tin, tổ chức công nghệ thông tin, quy trình công nghệ thông tin, kiến trúc công nghệ thông tin); ứng dụng rộng rãi mô hình điện toán đám mây, kiến trúc hướng dịch vụ, trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kinh doanh; quan tâm đầu tư đặc biệt cho an ninh mạng; đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, kỹ năng phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của các xu hướng công nghệ của CMCN 4.0.
Dẫn đầu trong việc đưa công nghệ số về nông thôn
Agribank là ngân hàng giữ vai trò chủ lực trong đầu tư hỗ trợ phát triển và cung cấp dịch vụ tài chính tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn. Do đó, Ngân hàng xác định mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động là phát huy lợi thế về mạng lưới, đa dạng hóa, cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ với chất lượng cao dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, giữ vững vị trí là ngân hàng hàng đầu về cung cấp dịch vụ ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Trên cơ sở các bước chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống các văn bản quy trình nghiệp vụ thanh toán từ giai đoạn trước, ngay từ năm 2008, Agribank đã xây dựng mục tiêu phát triển, hoàn thiện hệ thống kênh phân phối, đa dạng hóa, gia tăng tiện ích sản phẩm dịch vụ gắn liền với nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác khách hàng và quảng bá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng khu vực này.
Đến nay, Agribank có hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp vùng miền cả nước, trải rộng từ địa bàn đô thị, thành phố lớn đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và được đầu tư lớn về cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thiết bị kỹ thuật và phần mềm ứng dụng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thanh toán của khách hàng. Bên cạnh đó, Agribank tập trung nghiên cứu, triển khai các sản phẩm dịch vụ hướng tới đối tượng khách hàng cá nhân, hộ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghiên cứu phát triển các gói sản phẩm riêng biệt cho nhóm khách hàng trong mô hình chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chính sách tín dụng xanh.
Đi đôi với nâng cao năng lực cạnh tranh hệ thống mạng lưới chi nhánh, Agribank chú trọng phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối điện tử tự động phù hợp với xu thế phát triển dịch vụ trong môi trường công nghệ mới, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của khách hàng. Đến nay, Agribank đã trang bị 2.900 máy ATM trên khắp toàn quốc và hơn 20.000 máy EDC/POS cung ứng sản phẩm thẻ của Agribank với tính năng tiện ích phong phú về chuyển tiền, thanh toán… đến hơn 11 triệu khách hàng, góp phần khẳng định vị thế hàng đầu của Agribank về thị phần số thẻ phát hành và số lượng máy ATM.
Với mục tiêu đưa dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với khách hàng, nhất là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu và tạo thuận tiện cho người dân nông thôn nơi chưa có trụ sở ngân hàng, từ cuối năm 2017, Agribank đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng có thể thực hiện nhiều nghiệp vụ như giải ngân, cho vay, thu nợ, nhận tiền gửi, chuyển tiền, mở tài khoản, phát hành thẻ… Từ năm 2018, điểm giao dịch lưu động được triển khai bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã có mặt tại 62 chi nhánh, phục vụ hơn 85 nghìn khách hàng ở phạm vi 198 xã.
Trong giai đoạn tới, Agribank phát triển và hoàn thiện các kênh phân phối theo hướng mở rộng mạng lưới kênh phân phối truyền thống kết hợp với đẩy mạnh phát triển các kênh giao dịch ngân hàng điện tử E-banking, Mobile banking, Internet banking… trên nền tảng công nghệ hiện đại; hoàn thiện hệ thống sản phẩm dịch vụ và nâng cao chất lượng và an toàn giao dịch trên kênh phân phối điện tử; nghiên cứu, phát triển kênh phân phối ngân hàng tự động (Auto Banking) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và đúng định hướng về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Anh Thư
Nguồn: TCNH số 3/2020