Cách đây 22 năm (ngày 09/11/1999), Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Đây là cột mốc đánh dấu bước đi quan trọng của Chính phủ nhằm hoàn thiện mạng lưới bảo đảm an toàn tài chính - ngân hàng trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa...
Thành lập tổ chức Bảo hiểm tiền gửi - gìn giữ niềm tin của người gửi tiền
Hồi tưởng về quá trình thành lập BHTGVN, ông Nguyễn Văn Sản - Nguyên Trưởng Ban trù bị thành lập Công ty BHTGVN (1999 - 2000), Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTGVN (2000 - 2001) chia sẻ: Cuối những năm 90, khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng và tác động mạnh đến Việt Nam. Tại thời điểm đó, ngành Ngân hàng còn non trẻ, phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: Hoạt động tín dụng đứng trước thách thức lớn, tình hình lạm phát cao có chiều hướng trở lại, nợ xấu tăng. Mô hình quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) mới được thí điểm thành lập và hoạt động từ năm 1993, có nhiều quỹ đứng trước nguy cơ mất khả năng chi trả, gây mất niềm tin của người dân và ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội tại một số địa phương. Trong bối cảnh ấy, các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng khuyến nghị và hối thúc Việt Nam tổ chức lại hệ thống ngân hàng, xây dựng cơ chế bảo hiểm tiền gửi. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thành lập Ban trù bị thành lập Công ty BHTGVN vào giữa năm 1999.
Ban trù bị thành lập Công ty BHTGVN đã nhanh chóng nghiên cứu, khảo sát các mô hình bảo hiểm tiền gửi đã và đang hoạt động trên thế giới, đề xuất NHNN và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thành lập tổ chức Bảo hiểm tiền gửi. Sau quá trình chuẩn bị, ngày 09/11/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg về việc thành lập BHTGVN. Theo đó, Điều 1 của Quyết định này nêu rõ: “Thành lập BHTGVN nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng”. Nhà nước cấp vốn điều lệ của BHTGVN là 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn được bổ sung từ nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm và các nguồn vốn khác.
Ông Nguyễn Văn Sản nhớ lại: “Thời điểm đó, không phải là không có những nghi ngại, vì đây là lĩnh vực mới mẻ, tình thế lại hết sức gấp rút, hệ thống ngân hàng đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng, trong khi tổ chức Bảo hiểm tiền gửi được thành lập với nguồn lực có hạn. Tuy nhiên, chúng tôi xác định rằng, việc thành lập BHTGVN trước hết là một “liều thuốc tinh thần” để lấy lại niềm tin của người dân, đặc biệt là những người gửi tiền quy mô nhỏ tại các QTDND”.
BHTGVN chính thức đi vào hoạt động từ ngày 07/7/2000. Ngay từ những ngày đầu, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi còn non trẻ đã phải tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế hoạt động, quy chế, quy trình nội bộ… Đồng thời, ngay lập tức tham gia tìm hiểu, đánh giá các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp vấn đề, đặc biệt là các QTDND có nguy cơ đổ vỡ để chuẩn bị phương án hỗ trợ, giải cứu hoặc xử lý. Năm 2001, BHTGVN đã chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền tại QTDND Rạch Sỏi và Giồng Riềng thuộc tỉnh Kiên Giang và một số QTDND tại các địa bàn khác.
Điểm sáng của công tác bảo vệ người gửi tiền là BHTGVN đã kịp thời chi trả đúng đối tượng, đủ số tiền theo hạn mức quy định. Đặc biệt, sau khi quản lý, thanh lý tài sản của các TCTD bị đổ vỡ, BHTGVN đã thu hồi đủ nguồn tài chính để tiếp tục chi trả cho người gửi tiền có số tiền gửi vượt hạn mức, đảm bảo quyền lợi gần như tuyệt đối cho họ. Việc chi trả nhanh chóng, kịp thời đã trấn an tâm lý, củng cố niềm tin của người gửi tiền, tránh những tác động dây chuyền ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo trật tự, an ninh xã hội tại các địa phương.
Để xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng
Hiện nay, BHTGVN là tổ chức bảo hiểm tiền gửi duy nhất tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Từ nguồn vốn ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 09/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, trong đó, Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt gần 74 nghìn tỷ đồng. BHTGVN đã xây dựng mạng lưới bảo hiểm tiền gửi với trụ sở chính tại Hà Nội và 08 chi nhánh tại các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhằm theo sát bước phát triển của các TCTD. Hiện BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 QTDND, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ định hướng phát triển BHTGVN trong những năm tới là áp dụng mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, NHNN là cơ quan đại diện chủ sở hữu; thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống các TCTD, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Chiến lược nói trên khẳng định cần tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các TCTD yếu kém; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, quản lý nguồn vốn đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi; chi trả bảo hiểm theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định pháp luật của Việt Nam.
Đặc biệt, vai trò của BHTGVN trong việc đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND cũng được nhấn mạnh tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Cụ thể, BHTGVN sẽ tăng cường phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND; tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các TCTD yếu kém.
Có thể nói, vai trò của BHTGVN trong thời gian tới là rất quan trọng. Chính phủ, NHNN cũng như yêu cầu từ thực tế không chỉ đòi hỏi BHTGVN luôn sẵn sàng thực hiện tốt công tác chi trả khi phát sinh nghĩa vụ, mà còn phải đảm bảo các hoạt động nghiệp vụ như cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thu phí bảo hiểm tiền gửi, kiểm tra, giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt, hỗ trợ tài chính… nhằm hạn chế tối đa nguy cơ đổ vỡ TCTD.
Trong thời gian tới, BHTGVN sẽ rà soát, đánh giá quá trình thực thi Luật Bảo hiểm tiền gửi từ khi được ban hành tới nay nhằm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, trình Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật này. Cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam cần hướng tới thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD nhằm bảo vệ tốt hơn, kịp thời hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời để Luật Bảo hiểm tiền gửi thống nhất với các luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần quy định cụ thể việc BHTGVN phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND; tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các TCTD yếu kém… Việc luật hóa các quy định này sẽ đảm bảo hành lang pháp lý để BHTGVN phát huy vai trò đối với việc bảo vệ người gửi tiền, với hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế nói chung.
Về phần mình, để tiếp tục gìn giữ và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, BHTGVN cần không ngừng phát triển nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, nguồn lực hệ thống để song hành cùng sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, BHTGVN tham gia phối hợp với NHNN trong việc nâng cao nhận thức công chúng, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi, qua đó, xây dựng nền tảng cho một thị trường tài chính - ngân hàng minh bạch, hiệu quả, đảm bảo kỷ luật thị trường. Có như vậy, BHTGVN sẽ phát huy hơn nữa vai trò là công cụ hữu hiệu của Chính phủ, NHNN nhằm bảo vệ hiệu quả người gửi tiền và giữ an toàn hệ thống, để ngọn lửa niềm tin công chúng tiếp tục cháy mãi không ngừng.
BT