Trong năm 2021, nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đối với ngành Ngân hàng là sự kiện đặc biệt kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành cùng nhiều sự kiện quan trọng khác. Tạp chí Ngân hàng điểm 10 sự kiện nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2021 đáng ghi nhớ này.
1. Ngành Ngân hàng kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho NHNN Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 - 2020
Ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày nay. Trong chặng đường 70 năm qua, ngành Ngân hàng luôn tự hào về những thành tích, đóng góp của Ngành đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 05/5/2021, NHNN đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (06/5/1951 - 06/5/2021) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tại Lễ kỷ niệm, ngành Ngân hàng đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, ngành Ngân hàng đã hòa nhịp cùng với sự đi lên của đất nước, trong chiến tranh cũng như hòa bình, trong dựng xây cũng như đổi mới, phát triển và hội nhập. Có thể nói, dù ở giai đoạn nào, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng Việt Nam cũng đã nỗ lực và cống hiến hết mình, góp phần quan trọng vào thành tựu đáng tự hào của Ngành và đất nước nói chung.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, cảm ơn và biểu dương những thành tích đã đạt được, những đóng góp to lớn và sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Ngân hàng trong suốt 70 năm qua. Tổng Bí thư đánh giá cao các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Ngân hàng đã luôn luôn cố gắng, nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không quản ngại gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc nền tiền tệ độc lập, tự chủ của quốc gia, thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn lực tài chính, tín dụng, dịch vụ ngân hàng phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững, góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta như ngày hôm nay.
2. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế
NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế
Trước bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).
NHNN cũng đã điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Lãnh đạo NHNN, với những giải pháp đồng bộ, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến ngày 30/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 13,47% so với cuối năm 2020, tăng 13,79% so với cùng kỳ năm 2020. Qua đó, đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
3. Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ
Với nhiều nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và NHNN, ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, xác định không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho thấy Việt Nam thao túng tiền tệ. Tháng 7/2021, NHNN đã thống nhất được thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ để giải quyết các vấn đề về thao túng tiền tệ. Trên cơ sở đó, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ đã thông báo quyết định không có hành động trừng phạt thương mại với Việt Nam. Đây là kết quả có ý nghĩa tích cực, được Chính phủ, dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, không chỉ giúp Việt Nam tránh được thiệt hại về kinh tế mà còn góp phần tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
4. Thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên toàn thế giới. Đối với ngành Ngân hàng, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, đặc biệt là rà soát và chỉnh sửa hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số như: Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng; trình Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng…
Năm 2021, Việt Nam được Công ty Tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
5.
Các ngân hàng thương mại giảm hơn 20.000 tỷ đồng lãi vay cho khách hàng
Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, cũng như chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cam kết giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 04 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách xã hội.
Tính chung, từ khi có dịch bệnh Covid-19, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay các tổ chức tín dụng (TCTD) đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng, tương ứng với 2 triệu khách hàng bị ảnh hưởng, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.
6. Ngân hàng Nhà nước có 02 Phó Thống đốc mới
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh tặng hoa chúc mừng đồng chí Phạm Thanh Hà và đồng chí Phạm Tiến Dũng
Đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định bổ nhiệm 02 Phó Thống đốc NHNN là đồng chí Phạm Thanh Hà và đồng chí Phạm Tiến Dũng .
Đồng chí Phạm Tiến Dũng bắt đầu công tác tại Cục Công nghệ tin học, NHNN từ tháng 11/1991. Từ tháng 4/2009, Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Công nghệ tin học, NHNN. Từ tháng 4/2014, Đồng chí được điều động, giao làm Người đại diện 100% phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Napas. Từ tháng 6/2017, Đồng chí được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN. Từ ngày 11/11/2021, Đồng chí được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Thống đốc NHNN.
Đồng chí Phạm Thanh Hà bắt đầu công tác tại NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từ tháng 8/1994. Từ tháng 8/2010, Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Vietcombank. Từ tháng 8/2017, Đồng chí được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN. Từ ngày 11/11/2021, Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Thống đốc NHNN.
7. Ngành Ngân hàng đồng hành cùng cả nước phòng, chống đại dịch Covid-19
Mặc dù hoạt động ngân hàng phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng với trách nhiệm xã hội rất cao, ngành Ngân hàng vẫn luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội. Tính từ đầu năm đến nay, ngành Ngân hàng đã dành hơn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ triển khai các hoạt động an sinh xã hội trên toàn quốc. Tính riêng công tác phòng, chống Covid-19, ngành Ngân hàng đã ủng hộ hơn 3.500 tỷ đồng với nhiều chương trình ý nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ hơn 700 tỷ đồng, ủng hộ 250 tỷ đồng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Đây là sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 trong khi vẫn phải tập trung nguồn lực cho việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
8. Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD đạt được những kết quả quan trọng
Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững… Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng từng bước được hạn chế và kiểm soát.
Tính đến cuối tháng 10/2021, vốn điều lệ của 04 NHTM Nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 159,7 tỷ đồng, tăng 9,93% so với cuối năm 2020; tổng tài sản đạt 6.155,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm 2020.
Cũng tính đến cuối tháng 10/2021, vốn điều lệ của các NHTM cổ phần đạt 352,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2020; tổng tài sản đạt 6.617,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,33% so với cuối năm 2020.
9. Các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn điều lệ
Để nâng cao năng lực tài chính, 04 NHTM Nhà nước đã được bổ sung vốn điều lệ, trong đó: Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ; Vietinbank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án; Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.327 tỷ đồng; BIDV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018 - 2020, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.
Việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước có ý nghĩa quan trọng đảm bảo cho nhóm ngân hàng Top đầu này duy trì được động lực tăng trưởng, đồng thời đảm bảo được các chỉ số an toàn vốn.
10. Điều chỉnh lại hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD
Ngày 10/11/2021, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Có 2 điểm đáng chú ý của Thông tư là: (1) TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi TCTD đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp: (2) TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Thông tư này được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là một trong những động thái bước đầu nhằm kiểm soát chặt dòng vốn không chảy vào lĩnh vực “nóng” như bất động sản, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và thực chất hơn.