Keywords: Digital transformation, banking and finance, post-Covid-19.
1. Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen thanh toán của người dân. Điều này đã tạo thêm động lực cho ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam tích cực trong việc chuyển đổi số, hoạt động trực tuyến, ứng dụng số và thanh toán điện tử. Trong thời gian giãn cách xã hội, khách hàng buộc phải lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và trực tuyến vì chính sách hạn chế đi lại. Giai đoạn hậu Covid-19, mặc dù việc di chuyển đã thuận tiện hơn nhưng người dân đã hình thành được thói quen trong việc thanh toán và thực hiện các giao dịch bằng phương thức trực tuyến. Do vậy, việc đẩy nhanh các ứng dụng và công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một xu thế tất yếu hiện nay. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (Digital Banking) là việc ứng dụng nền tảng công nghệ số đối với các chức năng, sản phẩm, dịch vụ ở mọi cấp độ trong hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng. Đây là xu hướng của thời đại kỷ nguyên số và cũng là mục tiêu chung của toàn ngành Ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải là một công việc đơn giản, ngược lại, hoạt động này cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả hệ thống ngành tài chính - ngân hàng. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá, chỉ ra những cơ hội, thách thức về chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam, liên hệ với kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới từ đó đưa ra một số giải pháp kiến nghị hoàn thiện về vấn đề này là điều rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hậu Covid-19.
2. Cơ hội và thách thức của chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được hiểu là việc tích hợp số hóa và công nghệ vào mọi lĩnh vực, dịch vụ của ngân hàng. Ý nghĩa của sự chuyển đổi này sẽ giúp cho ngân hàng hòa nhập với xu hướng chung của thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tối ưu hóa được các chính sách khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại ngân hàng. Hơn nữa, nó còn giúp cho các ngân hàng tiết kiệm được chi phí và hợp lý hóa các quy trình hoạt động. Chính sự thay đổi và ứng dụng nhanh chóng các tiện ích của công cuộc chuyển đổi số, nhiều ngân hàng đã đạt được một số kết quả ban đầu như: Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay có 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng triển khai chiến lược chuyển đổi số. Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Ngoại thương Việt Nam thử nghiệm mô hình kinh doanh số (Vietcombank Digital); NHTMCP Tiên Phong triển khai Livebank giúp khách hàng đăng ký vân tay, nhận diện khuôn mặt chỉ mất 3s và định danh điện tử giúp khách hàng đăng ký, đăng nhập tài khoản và xử lý giao dịch chỉ mất 30s; NHTMCP Quốc tế Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quy trình phát hành thẻ tín dụng dành riêng cho hoạt động mua sắm trực tuyến Online Plus; NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo; NHTMCP Phương Đông ra mắt ngân hàng số OMNI; NHTMCP Kỹ thương Việt Nam chú trọng phát triển trải nghiệm của khách hàng trên ngân hàng trực tuyến (Ebanking), giảm thiểu thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng
1; NHTMCP Quân đội đã triển khai tích hợp tất cả các giao dịch ngân hàng và quản lý tài chính hoàn toàn miễn phí trên app MBBank và Biz MBBank; NHTMCP Nam Á là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam khi đã hình thành hệ sinh thái số ONEBANK - thiết lập việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm liền mạch và toàn diện trên mọi lĩnh vực cho người dùng. Đây là hệ sinh thái tạo lập thói quen mới cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng mà không cần trực tiếp đến ngân hàng
2. Có thể thấy rằng, hàng loạt các ngân hàng hiện nay đã tích cực chuyển đổi số với các ứng dụng hỗ trợ trực tuyến. Một số ngân hàng vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, một số ngân hàng đã bước vào giai đoạn triển khai áp dụng trên phạm vi rộng khắp. Điều này chứng tỏ rằng, chuyển đổi số hay ngân hàng số không còn quá xa lạ và dần trở thành công cụ chính của ngành Ngân hàng.
Chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng được xem là hệ quả tất yếu từ sự tác động của CMCN 4.0
cũng như sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay
2.1. Cơ hội
Những cơ hội nhận được từ việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Thứ nhất, chuyển đổi số giúp ngân hàng tối đa hóa lợi nhuận bởi nhờ những thành tựu khoa học kỹ thuật, thời gian và chi phí cung cấp dịch vụ cho khách hàng sẽ được cắt giảm. Điều này phù hợp với thực tiễn hiện nay khi không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng mà tất cả các lĩnh vực khác đều phải giải quyết bài toán làm cách nào để tối đa hóa lợi nhuận, và chuyển đổi số là cách thức tất yếu, vừa duy trì được hoạt động của khách hàng cũng như hỗ trợ khách hàng trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng, trong nửa đầu năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt gần 23.100 tỷ đồng, tăng tới 22,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ chuyển đổi số, tự động hóa vào khâu vận hành, chí phí của NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng được tiết giảm 7,4% hay NHTMCP Tiên Phong cũng đã tiết kiệm được khoản chi phí quản lý lớn, chỉ bằng 1/30 - 1/50 so với kênh giao dịch truyền thống3. Nhờ việc chuyển đổi số nhanh chóng nên những tác động của đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng là không đáng kể.
Thứ hai, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Có nghĩa là, nếu như trước đây, việc tìm kiếm và xây dựng mạng lưới khách hàng được thực hiện một cách truyền thống, thụ động thì hiện nay, dưới sự tác động của ngành công nghệ kỹ thuật số đã làm thay đổi cách thức hoạt động này. Hàng loạt các cổng thông tin điện tử, kênh xã hội và ứng dụng di động tích hợp đã giúp cho ngân hàng tiếp cận với khách hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Trong thời gian giãn cách xã hội, sinh hoạt, mua sắm của người dân đa phần đều phải thực hiện thanh toán trực tuyến, chính vì điều này đã tác động đến tâm lý của người tiêu dùng thời gian hậu Covid-19. Họ nhận thấy rằng, việc thực hiện và thanh toán trực tuyến rất thuận tiện, đây cũng chính là cơ hội mà ngành Ngân hàng phải tận dụng. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tiếp cận các nền tảng số ngày càng tăng khi nước ta có cơ cấu dân số trẻ cùng tỷ lệ sử dụng smartphone tăng nhanh. Theo báo cáo thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota vào tháng 7/2020, Việt Nam có đến 43,7 triệu người đang sử dụng các thiết bị smartphone, đạt tỷ lệ 44,9%; Việt Nam nằm trong 15 thị trường có số người dùng cao nhất thế giới4.
Thứ ba, tiếp cận với công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số. Bởi lẽ, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu và thu thập nguồn thông tin đa dạng. Các phần mềm và hệ thống thông minh sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cho ngành tài chính - ngân hàng khi nó thay thế cho quy trình truyền thống bằng các phương thức tự động hóa. Chính nhờ những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ sẽ là cơ sở thúc đẩy sự hình thành các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới trong ngành Ngân hàng như: M-POS, ví điện tử, công nghệ thẻ chíp, Mobile Banking, Internet Banking5... Hàng loạt các sản phẩm kỹ thuật số ra đời không chỉ là công cụ hỗ trợ các ngân hàng trong việc tìm kiếm và nâng cấp chất lượng khách hàng mà còn mở ra nhiều triển vọng trong nền kinh tế hội nhập quốc tế như hiện nay.
Thứ tư, chuyển đổi số là điều kiện để ngân hàng hợp tác cùng các công ty cung cấp giải pháp công nghệ và các doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ6. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ là cơ sở để đẩy mạnh sự cạnh tranh cũng như thu hút các công ty cung cấp giải pháp công nghệ hay các doanh nghiệp bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ hợp tác, liên kết với ngân hàng để thực hiện các giao dịch thông qua việc thanh toán ví điện tử hay thẻ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu các sản phẩm tiện ích ngày càng cao cho khách hàng, từ đó có thể tối đa hóa được lợi nhuận như đã đề cập ở trên. Hiện nay, có nhiều ngân hàng như NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, NHTMCP Công thương Việt Nam, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, NHTMCP Tiên Phong, NHTMCP Sài Gòn Thương Tín, NHTMCP Quốc tế Việt Nam, NHTMCP Phương Đông, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng, NHTMCP Á Châu... đã liên kết với ví MoMo để phát triển ví điện tử, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng hợp tác với công ty Fintech thành lập không gian làm việc chung cao cấp UP@VPbank, NHTMCP Công thương Việt Nam đang lập Fintech Lab - không gian trao đổi giữa NHTMCP Công thương Việt Nam và công ty Fintech, nơi gặp gỡ, trao đổi ý tưởng công nghệ và kinh doanh.
2.2. Thách thức
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức mà lĩnh vực tài chính - ngân hàng phải đối mặt khi thực hiện chuyển đổi số, cụ thể:
Thứ nhất, khung pháp lý về ngân hàng số còn chậm so với tốc độ phát triển công nghệ. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng được xem là ngành có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, điều hòa và vận hành dòng tiền trong lưu thông. Do vậy, tất cả các ngân hàng hoạt động phải tuân theo pháp luật một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thực tế, việc ban hành các quy định pháp lý lại đòi hỏi nhiều thời gian, quy trình, thủ tục ban hành lại phức tạp và việc triển khai tương đối lâu, điều này trái ngược với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Cụ thể, nhiều vướng mắc xoay quanh những quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa được giải quyết triệt để. Hơn 15 năm thi hành, đến nay, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã lạc hậu nhiều so với thực tiễn. Một số văn bản pháp luật đã trao quyền cho các tổ chức tín dụng được quyết định phương thức thực hiện trên cơ sở tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, một số nghiệp vụ có văn bản hướng dẫn có quy định cụ thể về việc áp dụng phương thức điện tử, một số nghiệp vụ khác chưa có quy định về việc áp dụng phương thức điện tử7. Đây chính là lý do vì sao mà các tổ chức tín dụng vẫn còn lo ngại về rủi ro pháp lý. Ngoài ra, hàng loạt các vấn đề khác cũng đang cần được quy định cụ thể như giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu8. Một vấn đề pháp lý khác xoay quanh Luật An ninh mạng, mặc dù Luật này đã có những quy định khá mới về bảo mật thông tin trên không gian mạng nhưng phạm vi chỉ giới hạn trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan mà chưa đề cập đến một số vấn đề liên quan đến các dịch vụ tài chính như: (i) Quy định về kiểm soát và xử lý dữ liệu khi thực hiện các hợp đồng thuê ngoài; (ii) Quy định về chuyển dữ liệu xuyên biên giới; (iii) Quy định về báo cáo vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân9...
Thứ hai, thách thức trong việc giải quyết các vấn đề bảo mật. Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi hơn. Bởi vì, công nghệ, kỹ thuật càng cao thì sự tấn công càng lớn do cấu trúc và mục đích của Internet là một mạng mở nên các giao dịch tài chính sẽ gặp các rủi ro nhiều hơn. Cụ thể, theo một thống kê, lĩnh vực tài chính chiếm khoảng 51% các vụ lừa đảo trên mạng trong năm 2019 (năm 2018 là 44,7%); động cơ chính của tội phạm mạng xuất phát từ lợi ích tài chính chiếm đến 86%; sự cố an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính do cuộc tấn công ứng dụng web chiếm khoảng 30%10. Vấn đề bảo mật không chỉ là nỗi lo của chính các ngân hàng mà nó còn là nỗi lo chung của cả hệ thống nền kinh tế trong giai đoạn kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Thông tin của khách hàng có thể bị đánh cắp một cách rất nhanh chóng và dễ dàng, chỉ một vài cú nhấp chuột và hậu quả của vấn đề này để lại là không hề nhỏ, tài sản bị mất, danh tính, thông tin cá nhân bị rao bán trên các trang mạng xã hội, quyền bảo mật về thông tin cá nhân của con người bị xâm phạm.
Thứ ba, chi phí đầu tư trang thiết bị cao và vấn đề đảm bảo chất lượng nhân sự trong quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được xem là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, quá trình này cần nhiều thời gian, sự đầu tư và tốn nhiều chi phí và là vấn đề đáng quan tâm của toàn ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực chuyên sâu gắn với ngân hàng và công nghệ bị thiếu hụt. Việc chuyển đổi số đòi hỏi lực lượng nhân sự phải nắm vững các công nghệ mới của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), phân tích dữ liệu (Data Analytics) hay Blockchain.
3. Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng của một số quốc gia trên thế giới
3.1. Mỹ
Mỹ là quốc gia đã có những thành công lớn về quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech trong bối cảnh chuyển đổi số. Nắm bắt được sự tác động mạnh mẽ của đổi mới công nghệ và nền kinh tế kỹ thuật số, các ngân hàng ở Mỹ đã tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các công ty tài chính ở Anh. Sự chuyển dịch sang kỹ thuật số trong ngành tài chính - ngân hàng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Để đối phó với những thay đổi về văn hóa và thị trường, các ngân hàng tại Mỹ đã tìm kiếm một nền tảng số mới - Fintech với tư cách là nhà cung cấp, là đối tác xây dựng các giải pháp kỹ thuật số trong việc đáp ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng đến khách hàng. Ví dụ, giữa năm 2020, ngân hàng cho vay của Hoa Kỳ đã ký hợp tác với công ty tín dụng OakNorth với mục đích là cải thiện dịch vụ, sản phẩm cho vay đối với khách hàng11. Do bối cảnh Covid-19, các ngân hàng không phân biệt quy mô lớn hay nhỏ cũng đều ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực cho vay, thanh toán số nhằm cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số tốt hơn cho nhóm khách hàng từ xa với hàng loạt các công nghệ cụ thể như công nghệ cho vay (hỗ trợ mô hình tín dụng, quản lý danh mục đầu tư, bảo lãnh phát hành, quyền truy cập vào dữ liệu...), công nghệ thanh toán (các cổng và trung tâm thanh toán, thanh toán trong nước, thanh toán xuyên biên giới...), công nghệ Horizonta12 (áp dụng cho nhiều ứng dụng bao gồm AI, các ứng dụng Blockchain).
Tuy nhiên, để hình thành nên mối quan hệ giữa ngân hàng tại Mỹ với các công ty Fintech thì phải tuân theo một số điều kiện nhất định, thể hiện trong mối quan hệ hai chiều13, cụ thể: (i) Đối với các lĩnh vực trong ngân hàng thì không phải tất cả đều được áp dụng công nghệ như nhau mà có những lĩnh vực sẽ ưu tiên và cần đề xuất các dịch vụ công nghệ kỹ thuật số để giải quyết trước; (ii) Chuyển đổi số không hoàn toàn, tức là các công ty Fintech cần hiểu rằng, việc đổi mới và áp dụng một cách tức khắc thì có thể gây ra những gián đoạn không cần thiết. Đối với một phân khúc lớn của thị trường ngân hàng, các quy trình truyền thống vẫn cần được duy trì; (iii) Cần căn cứ vào nguồn lực, chi phí đầu tư khi chuyển đổi số của các ngân hàng.
3.2. Trung Quốc
Cũng như Mỹ, các ngân hàng thương mại ở Trung Quốc đã nhanh chóng bước vào giai đoạn chuyển đổi số với sự đồng hành của Fintech. Theo đó, Fintech đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh tài chính, đặc biệt là hậu Covid-19. Nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã chuyển đổi nhanh chóng trong năm 2019 khi giá trị gia tăng đã đạt 35,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ, chiếm 36,2% GDP và 67,7% tăng trưởng GDP14. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ không tiếp xúc trong lĩnh vực tài chính và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, điện toán đám mây, công nghệ Blockchain. Minh chứng điển hình cho những thành tựu của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Trung Quốc chính là ngân hàng kỹ thuật số lớn nhất nước này lọt vào danh sách 50 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ Blockchain tốt nhất theo Forbes15.
3.3. Kinh nghiệm cho Việt Nam
Nhìn chung, việc chuyển đổi kỹ thuật số của các ngân hàng thương mại sẽ có những đặc trưng riêng, tuy nhiên, vẫn có một số điểm chung nhất định như sau:
Một là, xây dựng chiến lược16. Cụ thể, theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tháng 9/2020, 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược thực hiện chuyển đổi số hoặc dự tính sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch này trong thời gian tới, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số để phát triển kinh doanh cũng như công nghệ thông tin và 42% đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số17. Có thể thấy rằng, chiến lược số hóa đóng vai trò quyết định để các ngân hàng dành nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ. Do đó, các ngân hàng cần phải xây dựng các kế hoạch chiến lược trung và dài hạn. Điều này không chỉ tập trung vào việc cải thiện sản phẩm, dịch vụ hiện có mà nó còn liên quan đến việc xây dựng và nâng cấp toàn bộ hệ thống, hạ tầng. Bằng cách xác định vấn đề nào là ưu tiên trước, các ngân hàng sẽ phân bổ được nguồn vốn, nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên công nghệ một cách phù hợp, từng bước cải thiện, kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả và hạn chế trường hợp thiếu hụt chi phí, nguồn lực cục bộ.
Hai là, cơ sở hạ tầng trong chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại17. Đây được xem là bố cục và cấu trúc công nghệ cơ bản cho việc thực hiện chiến lược số hóa của ngân hàng. Không có cơ sở hạ tầng sẽ rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng của dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng. Những cơ sở này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành Ngân hàng và các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung cấp dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng. Ngoài ra, nó còn giúp cho việc thu thập dữ liệu người dùng một cách nhanh chóng và chính xác, phân tích và kiểm soát rủi ro tiềm ẩn một cách thông minh liên quan đến thông tin của khách hàng.
Ba là, sản phẩm và dịch vụ số hóa. Quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại thường bắt đầu và kết thúc bằng số hóa các sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình này, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Để giảm thiểu vấn đề này, các ngân hàng thương mại sẽ thúc đẩy việc thu hút sản phẩm và quảng bá hình ảnh thông qua các phương tiện số. Ngoài ra, các ngân hàng có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn khi thay thế các cách truyền thống bằng sự hỗ trợ của các công ty Fintech18. Nhờ sự hỗ trợ của các công ty này, ngành Ngân hàng có nhiều thay đổi đáng kể với ứng dụng chuyển đổi số, thay đổi thị trường với sự xuất hiện của Blockchain và tiền điện tử. Đây được xem là những chuyển biến lớn của ngành Ngân hàng trong bối cảnh CMCN 4.0 như hiện nay.
4. Một số giải pháp cho ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam về chuyển đổi số trong bối cảnh hậu Covid-19
Chuyển đổi số đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chung của toàn cầu. Tuy nhiên, những thách thức mà ngành này phải đối diện và vượt qua cũng không hề ít. Theo đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng như sau:
Thứ nhất, giải quyết bất cập xoay quanh khung pháp lý. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 những nội dung cơ bản sau để phù hợp hơn với những thay đổi nhanh chóng trong quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính - ngân hàng. Cụ thể:
Một là, quy định rõ ràng về các cấp độ của chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Các cấp độ của chữ ký điện tử có thể được hiểu là việc chữ ký điện tử sẽ được áp dụng cụ thể cho những loại hợp đồng, giao dịch nào, có phải hợp đồng thông minh nào cũng bắt buộc phải có chữ ký điện tử.
Hai là, vấn đề giao kết hợp đồng điện tử. Luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành cần có những quy định rõ ràng và cụ thể hơn về hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Hiện tại, những quy định liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử chỉ được quy định khá chung từ Điều 33 đến Điều 38 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, chưa bao quát hết các vấn đề liên quan của loại hợp đồng này. Đa phần những quy định này theo hướng ưu tiên sự thỏa thuận của các bên, còn những trường hợp nào quy định mang tính bắt buộc các bên phải sử dụng hợp đồng điện tử khi giao kết, hoặc khi xảy ra sự xung đột pháp lý giữa hai loại hợp đồng là hợp đồng truyền thống và hợp đồng điện tử khi cùng có chung một nội dung sẽ giải quyết như thế nào thì còn là một vấn đề còn bỏ ngỏ cần phải tiếp tục quy định hướng dẫn cụ thể hơn.
Thứ hai, giải quyết vấn đề về bảo mật. Liên quan đến vấn đề này là bất cập xoay quanh khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng trong giao dịch tài chính, ngân hàng. Như đã đề cập, chuyển đổi số bên cạnh mang lại nhiều thuận lợi thì vẫn còn một số hạn chế liên quan đến bảo mật thông tin của người dùng. Về vấn đề này, pháp luật hiện hành đã có những quy định tương đối cụ thể để điều chỉnh như Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành khác. Tuy nhiên, việc bảo mật thông tin vẫn gặp nhiều hạn chế. Theo quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (GDPR), vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân được quy định rất cụ thể, tuy nhiên, có những quyền mà pháp luật nước ta chưa quy định hoặc có quy định nhưng chỉ theo hướng thông tin. Do vậy, cần bổ sung theo hướng tiếp cận kinh nghiệm của GDPR như quyền được thông báo của chủ thể dữ liệu. Ngoài ra, việc cải thiện tính bảo mật không chỉ nằm ở khía cạnh xây dựng và bổ sung khung pháp lý mà nó còn phụ thuộc lớn vào cơ chế bảo mật của các ngân hàng. Theo đó, ngân hàng cần xây dựng một hệ thống mạng an toàn, có thể tránh được những rủi ro tiềm ẩn từ đối tượng xâm phạm. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhân viên ngân hàng, khách hàng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin, cần phân tách các vùng mạng và có phương án bảo vệ riêng cho vùng mạng, thiết lập các hệ thống phòng, chống xâm nhập cho các vùng thông tin, xác thực mạnh và chữ ký số để bảo đảm giao dịch trực tuyến, duy trì việc kiểm tra các lỗ hổng trong ứng dụng phát triển.
Thứ ba, về tầm nhìn vĩ mô, cần có chiến lược chuyển đổi số. Như đã đề cập trước đó, để thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng một cách thành công thì các ngân hàng thương mại ở Trung Quốc đã xây dựng các chiến lược ngắn hạn và dài hạn để phù hợp với thực tiễn của từng giai đoạn. Thiết nghĩ, các ngân hàng Việt Nam cũng nên xây dựng chiến lược và thực hiện đúng theo như kế hoạch. Chuyển đổi số là rất quan trọng và cần thiết, tuy nhiên, cần thực hiện có kế hoạch, lộ trình chi tiết thì việc chuyển đổi số mới tạo được kết quả. Điều này cũng giải quyết được vấn đề chi phí đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cho quá trình chuyển đổi số. Tức là, việc nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển đổi số một cách cụ thể thì mới có thể kiểm soát và điều chỉnh được chi phí đầu tư cần thiết, hạn chế tình trạng như thiếu hụt nguồn vốn, nguồn nhân lực.
5. Kết luận
Có thể thấy rằng, xu thế hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại ngày càng sâu rộng, thêm vào đó là bối cảnh hậu Covid-19 đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được thực hiện một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết. Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng mà ngành Ngân hàng có thể nhận được do quá trình chuyển đổi số mang lại thì vẫn còn nhiều thử thách phải vượt qua mà tiêu biểu là các vấn đề xoay quanh khung pháp lý. Do vậy, các ngân hàng cần phải tận dụng tối đa những cơ hội hiện có, nghiên cứu và tiếp cận cách thức, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng lớn trên thế giới để từ đó rút ra kinh nghiệm cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở nước ta.
1 Nguyễn Hưng (2021), Cơ hội và thách thức trong phát triển ngân hàng số Việt Nam, Tạp chí Tài chính, truy cập ngày 10/5/2022, <https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/co-hoi-va-thach-thuc-trong-phat-trien-ngan-hang-so-o-viet-nam-335140.html>
2 Minh Thành (2022), Năm 2021, ngân hàng nào thành công nhất trong chuyển đổi số, Báo Tuổi trẻ, truy cập ngày 10/5/2022, <https://tuoitre.vn/nam-2021-ngan-hang-nao-thanh-cong-nhat-trong-chuyen-doi-so-20211231211757901.htm>
3 Phạm Linh Anh (2021), Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Tạo sân chơi bình đẳng, không ngừng đổi mới, lấy khách hàng làm trung tâm, Tạp chí điện tử Ngân hàng, truy cập ngày 10/5/2022, <https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-tao-san-choi-binh-dang-khong-ngung-doi-moi-lay-khach-hang-lam-trung-ta.htm>
4 Nguyễn Hưng (2022), Cơ hội và thách thức trong phát triển ngân hàng số Việt Nam, Tạp chí Tài chính, truy cập ngày 10/5/2022,<https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/co-hoi-va-thach-thuc-trong-phat-trien-ngan-hang-so-o-viet-nam-335140.html>
5 Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lê Thu Hoài (2021), Đẩy mạnh ứng dụng CMCN 4.0 trong lĩnh vực ngân hàng, Tạp chí Tài chính, truy cập ngày 10/5/2022, <https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/day-manh-ung-dung-cach-mang-cong-nghiep-40-trong-linh-vuc-ngan-hang-333620.html>
6 Phan Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thúy Hằng (2022), Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số đối với ngân hàng Việt Nam, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, truy cập ngày 10/5/2022, <https://thitruongtaichinhtiente.vn/co-hoi-va-thach-thuc-trong-chuyen-doi-so-doi-voi-ngan-hang-viet-nam-39223.html>
7 Ngô Hải, Bùi Trang (2021), Nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, truy cập ngày 10/5/2022, <https://thitruongtaichinhtiente.vn/nhieu-kien-nghi-nham-hoan-thien-khung-phap-ly-cho-giao-dich-dien-tu-trong-linh-vuc-ngan-hang-38394.html>
8 Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử (Khoản 2 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử năm 2005).
9 Lê Thị Thùy Vân (2022), Chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra trong phát triên dịch vụ tài chính - ngân hàng ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, số kỳ 2 tháng 10.
10 Thúy Hà (2021), Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: An toàn thông tin là thách thức, truy cập ngày 10/5/2022, <https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-an-toan-thong-tin-la-thach-thuc/690804.vnp>
11 Department for International Trade (2021), Landing a Successful Bank-Fintech Partnership in the US, truy cập ngày 10/5/2022, <https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/980174/landing-a-successful-bank-Fintech-partnership-in-the-us.pdf>
12 Department for International Trade (2021), Landing a Successful Bank-Fintech Partnership in the US, truy cập ngày 10/5/2022, <https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/980174/landing-a-successful-bank-Fintech-partnership-in-the-us.pdf>
13 Trần Chí Nam (2021), Trung Quốc thúc đấy kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới, truy cập ngày 10/5/2022, <https://aita.gov.vn/trung-quoc-thuc-day-kinh-te-so-tro-thanh-dong-luc-tang-truong-moi>
14 WeBank Co Ltd (2022), Ngân hàng kỹ thuật số lớn nhất Trung Quốc lọt vào Danh sách 50 doanh nghiệp ứng dụng Blockchain tốt nhất theo Forbes, truy cập ngày 10/5/2022, <https://vn. prnasia.com/story/71667-11.shtml>
15 Phan Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thúy Hằng (2022), Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số đối với ngân hàng Việt Nam, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, truy cập ngày 10/5/2022, <https://thitruongtaichinhtiente.vn/co-hoi-va-thach-thuc-trong-chuyen-doi-so-doi-voi-ngan-hang-viet-nam-39223.html>
16 VGP News (2021), Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngân hàng: Cơ hội và thách thức, truy cập ngày 10/5/2022, <https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/chuyen-
doi-so/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-ngan-hang-co-hoi-va-thach-thuc-24454.html>
17 M.P (2021), Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Bước đi cụ thể hóa và triển khai các Nghị quyết của Đảng, truy cập ngày 10/5/2022, <https://dangcongsan.vn/tai-chinh-va-chung-khoan/ chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-buoc-di-cu-the-hoa-va-trien-khai-cac-nghi-quyet-cua-dang-581542.html>
18 Lê Cẩm Tú (2021), Chuyển đổi số trong ngân hàng: Cơ hội và thách thức, Tạp chí điện tử Ngân hàng, truy cập ngày 09/5/2022, <https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-trong-ngan-hang-co-hoi-va-thach-thuc.htm>