(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia đánh giá tích cực cách tiếp cận về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Chính phủ, quyết tâm đạt tăng trưởng 6,7% là hoàn toàn chính đáng song cũng cần thận trọng để tránh các rủi ro.
Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Xác định và tháo gỡ những điểm nghẽn, những nút thắt
Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững” được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, bước ra khỏi chiến tranh, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế kể từ Đổi mới năm 1986.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng cần nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay. Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu trao đổi cởi mở, khách quan và đưa ra những đánh giá thẳng thắn, toàn diện về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 6 tháng đầu năm; nhận diện những thuận lợi, khó khăn sẽ phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm 2017 và định hướng cho cả năm 2018. Qua đó xác định những điểm nghẽn, những nút thắt và đề xuất những giải pháp mang tính trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung vào thảo luận những nội dung lớn liên quan đến đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017; tác động của tình hình thương mại thế giới đến tăng trưởng của Việt Nam; các biện pháp thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, thị trường tài chính, thị trường vốn tại Việt Nam; việc cải thiện nền quản trị quốc gia, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn mới; việc kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế;…
Chính phủ luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững lên hàng đầu
Tăng trưởng phải trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô
Trong bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều thuận lợi, song Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, các đại biểu đánh giá rất cao những kết quả toàn diện mà Việt Nam đã đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2017 và thời gian qua; quyết tâm về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, tạo mọi thuận lợi cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Là quốc gia tài trợ cho diễn đàn, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittich nhận định: “Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo của Chính phủ Việt Nam có sức lan tỏa ngày càng lớn trong xã hội. Tinh thần phục vụ, tạo thuận lợi của các cơ quan hành chính Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó các các doanh nghiệp tư nước ngoài ngày càng tốt hơn”.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, Chính phủ Việt Nam đã nhất quán thực hiện quan điểm không thực hiện tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường, cũng như bất ổn kinh tế vĩ mô để lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng phát triển. Chính phủ luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững lên hàng đầu.
Đặc biệt, cách tiếp cận về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Chính phủ là nỗ lực tối đa khơi dậy tiềm năng, tận dụng cơ hội để tăng trưởng ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, không dựa vào một ngành, một lĩnh vực, một vài dự án hay một vài doanh nghiệp nào đó; tất cả đều phải đóng góp vào tăng trưởng trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô..., qua đó tạo sức lan tỏa để cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành với Chính phủ, các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách hết sức hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về vấn đề phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017 là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Nhiệm vụ là rất khó khăn, song sẽ thực hiện được nếu quyết tâm, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Mục tiêu, giải pháp đã rõ ràng, nhưng thực hiện cũng không đơn giản và cần phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Vượt qua được các khó khăn này để thực hiện mục tiêu tăng trưởng mới có thể có động lực và mục tiêu, niềm tin thực hiện các khát vọng lớn hơn trong dài hạn.
Chuyên gia kinh tế trưởng WB Sebastian Eckardt, Giám đốc Đầu tư Vinacapital Andy Ho, Giám đốc Phát triển chương trình kinh tế Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) Nguyễn Xuân Thành đề xuất việc cần làm hiện nay là phải duy trì được tinh thần vào cuộc, cũng như động lực phấn đấu của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra.
Cùng với đó, thường xuyên theo dõi những biến động của tình hình trong nước, khu vực và thế giới để có những phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả, kịp thời. Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng phải trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc “bơm” tín dụng vào nền kinh tế phải luôn đi liền với bảo đảm chất lượng tín dụng.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là hoàn toàn chính đáng để bảo đảm cho kinh tế không tụt hậu, không rơi vào nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình, tránh tâm lý bi quan về tăng trưởng của nền kinh tế, vì nếu năm nay không đạt được mục tiêu tăng trưởng thì sẽ là năm thứ 2 không đạt và như thế sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác tác động đến tiêu dùng và đầu tư.
Ông Sơn đề xuất, trong thực hiện các giải pháp trước mắt về tăng trưởng cần hết sức tránh các rủi ro có thể xảy ra, nhất là rủi ro về thị trường, về môi trường - những rủi ro có thể làm phát sinh tăng chi phí của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Sơn cũng nêu lên quan điểm, nhà nước kiến tạo thị trường là tạo dựng mọi điều kiện cần thiết, thuận lợi để thị trường thực sự hoạt động theo đúng quy luật, trước mắt là xóa bỏ các rào cản đối với phát triển. Nhà nước điều tiết thị trường là nhà nước giúp cho thị trường hoạt động hiệu quả. Còn nhà nước thân thiện với thị trường là nhà nước phải dựa vào thị trường, theo tín hiệu thị trường để phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, hiệu quả.
Nguyễn Hoàng
(Nguồn: http://baochinhphu.vn)