Hội thảo còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ông Hà Minh Hải, lãnh đạo Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông, Văn phòng (NHNN), đại diện Bộ Khoa học và công nghệ, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (C06) - Bộ Công An, Sở Giao thông vận tải, đại diện các ngân hàng thương mại (NHTM), Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), các trung gian thanh toán, các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, tổ chức thẻ quốc tế…
Hội thảo cho thấy một bức tranh Hà Nội mới, phát triển và hiện đại theo đúng mục tiêu hướng tới mô hình thành phố thông minh, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Bên cạnh đó là bức tranh về hệ sinh thái ngân hàng mở.
“Để công dân Hà Nội có thể thực hiện các dịch vụ trên ứng dụng thông minh”
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc cho biết, dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và NHNN, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển mình, thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở gắn liền với sự kết nối và tích hợp nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu… nhằm phát triển một hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mở.
Phó Thống đốc giải thích thêm, trong kỷ nguyên số này, ngân hàng mở có thể hiểu: chúng ta nhìn thấy ứng dụng của Hà Nội (iHanoi), không nhìn thấy ngân hàng nhưng chúng ta có thể làm được các dịch vụ ngân hàng trên ứng dụng Hà Nội, ví dụ thanh toán các dịch vụ công. Và ngược lại ứng dụng ngân hàng hiện nay có nhiều dịch vụ đã được tích hợp, tạo điều kiện để hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Phó Thống đốc chia sẻ mong ước “công dân Việt Nam, công dân của thành phố Hà Nội có thể thực hiện được các dịch vụ ngân hàng, các dịch vụ của cuộc sống trên thiết bị mobile". Hiện nay, tại nhiều NHTM, trên 90% giao dịch ngân hàng thực hiện trên kênh số. Người dân có thể không phải đến ngân hàng nhưng vẫn thực hiện được nhiều giao dịch.
Ông khẳng định: "Nói đến Hà Nội - thành phố thông minh không thể tách rời hoạt động ngân hàng. Bởi lẽ, tất cả hoạt động trong cuộc sống này, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hóa dịch vụ đều gắn với hoạt động ngân hàng (trong đó có hoạt động thanh toán). Nếu chúng ta không tích hợp được thành phố thông minh với hoạt động ngân hàng thì có lẽ người dân cũng chỉ làm được một phần của thành phố thông minh thôi, ngược lại hoạt động ngân hàng không tích hợp được hoạt động của thành phố thông mình thì chúng ta không tạo thành một chu trình khép kín... Tất cả cùng hướng tới mục tiêu: Để công dân Hà Nội có thể thực hiện các dịch vụ của mình trên các ứng dụng thông minh”.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện bảo lãnh điện tử, bên cạnh đó, NHNN đã có Thông tư cho phép TCTD triển khai cho vay trên phương tiện điện tử. Theo đó tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng, có thể vay các món nhỏ lẻ dễ dàng trên kênh số.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Nếu không có tài khoản ngân hàng thì không làm được dịch vụ gì. Đến nay, có trên 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, đây là điểm sáng của phổ cập tài chính, thước đo của tài chính toàn diện. Để làm được điều này, truyền thông có vai trò quan trọng".
Vừa qua NHNN đã phối hợp C06 (Bộ Công an) triển khai Đề án 06 (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), cùng phối hợp làm sạch tài khoản. NHNN đã ban hành Quyết định 2345/2023/QĐ-NHNNtriển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, trong đó có quy định khi chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần thì khách hàng phải xác thực sinh trắc học. Ngoài ra, theo quy định, từ 1/1/2025 nếu tài khoản của khách hàng chưa được xác thực với căn cước công dân do Bộ Công an cấp thì sẽ phải dừng các giao dịch ngân hàng trên phương tiện điện tử.
Phó Thống đốc đề nghị các NHTM tiếp tục phối hợp C06 để triển khai, đảm bảo tài khoản của ngân hàng phải là dữ liệu sống, đối chiếu với dữ liệu tại căn cước công dân, qua đó tiến tới loại trừ việc cho thuê, mượn, mua/bán tài khoản ngân hàng hoặc mở tài khoản “rác”, tài khoản ảo, góp phần ngăn chặn việc sử dụng các tài khoản này cho mục đích lừa đảo, bất hợp pháp.
Hệ sinh thái ngân hàng mở - góp phần giúp Hà Nội giải bài toán đô thị thông minh
Phát biểu tại sự kiện, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết, Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Đây là một sự kiện quan trọng và rất có ý nghĩa, là dịp để cùng trao đổi, thảo luận về những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và hệ sinh thái ngân hàng mở; đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội
Cũng theo ông Hà Minh Hải, trong chiến lược phát triển đô thị thông minh, hệ thống thanh toán thông minh, hệ sinh thái ngân hàng mở đóng vai trò trụ cột, là yếu tố thiết yếu trong việc kết nối các dịch vụ công và xã hội, cho phép tạo ra các dịch vụ và sản phẩm tài chính sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh cùng phát triển trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hệ thống này không chỉ đơn thuần phục vụ cho các giao dịch tài chính, mà còn mở rộng đến mọi lĩnh vực đời sống, sản xuất kinh doanh, từ thương mại điện tử, dịch vụ công, y tế, giáo dục đến giao thông.
Đặc biệt, tại Hà Nội, việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR và thanh toán qua di động đã mang lại nhiều lợi ích to lớn. Thanh toán thông minh giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao tính an toàn và tiện lợi cho người dân, giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả hơn, và hỗ trợ chính quyền thành phố trong việc quản lý ngân sách, thu chi minh bạch, hiệu quả.
Ông Phùng Công Sưởng - Tổng biên tập Báo Tiền phong
Về phía Ban Tổ chức, ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Ngày thẻ Việt Nam 2024 cho biết, Ngày thẻ Việt Nam 2024 đánh dấu lần đầu tiên UBND TP. Hà Nội tham gia với vai trò đồng chỉ đạo Hội thảo. “Sở dĩ ban tổ chức đưa câu chuyện Hà Nội xây dựng thành phố thông minh là bởi Hà Nội là trái tim của cả nước, là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực. Hà Nội đã tiên phong xây dựng thành phố thông minh từ nhiều năm trước, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị gần đây được thể hiện qua Nghị quyết số 18 ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ông Sưởng nói.
Sau 3 mùa tổ chức thành công, Ngày thẻ Việt Nam 2024 luôn kiên định tiêu chí tiếp cận và lan tỏa những công nghệ thanh toán tiên tiến nhất, tiệm cận xu hướng thế giới. Ngân hàng mở (Open Banking) là xu hướng nổi bật trong ngành tài chính, ngân hàng mang đến nhiều cơ hội phát triển và cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua sự kết nối giữa ngân hàng và các bên thứ ba. Ban tổ chức nhận thấy, đây là một trong những nội dung quan trọng giúp Hà Nội giải bài toán đô thị thông minh, bởi lãnh đạo thành phố xác định lấy người dân làm trung tâm, hướng đến người dân để tạo dựng được thành phố thông minh bền vững, phát triển.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn cho biết, trong xu thế ngân hàng mở của những năm gần đây, chiến lược của các ngân hàng hiện nay là mở rộng, phát triển những kênh mới để phục vụ khách hàng thông qua việc kết hợp với các đối tác, các công ty Fintech, các bên thứ ba trong các ngành nghề khác nhau. Dựa vào mô hình kết nối này, các ngân hàng có thể liên kết với các bên thứ ba/Fintech, các tổ chức cung ứng dịch vụ (điện, nước, viễn thông…) hay các Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương… để cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ, tiện ích hay dịch vụ công một cách liền mạch, toàn trình.
Các đại biểu chụp ảnh cùng Ban Tổ chức
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Thực tế thị trường cho thấy Việt Nam mặc dù chưa có tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật API chung cho ngân hàng mở nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động mở một phần dữ liệu của mình với bên thứ ba, triển khai API tương đối phổ biến. Các ngân hàng thời gian qua đã triển khai các Cổng API mở (Open API Portal) cho phép các bên thứ ba đăng ký kết nối, sử dụng API để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng đổi mới sáng tạo như VietinBank iConnect (2019), BIDV Open API (2023), OCB API Developer Portal,… Hiện nay, ứng dụng Mobile Banking, Ví điện tử của nhiều TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi như vấn tin, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp, mở/ khóa/ đóng thẻ/ tài khoản, thiết lập hạn mức…, các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như gọi xe/gọi đồ ăn, giao hàng, mua sắm trực tuyến, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn/tour du lịch....
Lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết, thời gian tới, để triển khai và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số, hướng đến ngân hàng mở thành công, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ, phát triển API mở để gia tăng khả năng tích hợp kết nối liên thông với các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành; tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng theo đúng quy định. Đồng thời truyền thông, giáo dục tài chính tiếp tục được đẩy mạnh để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo, qua đó hỗ trợ khách hàng nhận biết những phương thức, thủ đoạn lừa đảo, gian lận,.. Ngoài ra, ngành Ngân hàng phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bên để kịp thời hỗ trợ, giải đáp những vướng mắc, sự cố phát sinh cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" gồm 2 phiên thảo luận, với các chủ đề như sau:
Phiên 1: Hà Nội - Thành phố thông minh thúc đẩy kinh tế số. Phiên thảo luận 1 với nhiều ý kiến chia sẻ của các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp là kênh tham khảo để Hà Nội có thêm cơ sở giải bài toán phát triển đô thị thông minh.
Phiên 2: Hệ sinh thái ngân hàng mở - tương lai của ngành ngân hàng. Phiên 2 nhấn mạnh ngân hàng hàng mở đang trở thành một xu hướng nổi bật mang đến nhiều cơ hội phát triển và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Điều này có được là nhờ sự kết nối giữa ngân hàng và các bên thứ ba.
|
Theo Phương Linh/sbv.gov.vn