Ngày 06/12/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo “Tăng cường kết nối các trung tâm nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng và phổ biến Thông tư số 45/2024/TT-NHNN”. TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, có đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; đại diện Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; các chuyên gia đến từ một số ngân hàng thương mại và tổ chức có hoạt động nghiên cứu khoa học khác.
TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo NHNN và hoạt động tư vấn của Hội đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Ngân hàng, hoạt động KH&CN của Ngành đã đạt được những kết quả nhất định:
(i) Cơ chế quản lý đối với nhiệm vụ KH&CN của ngành Ngân hàng được chú trọng hoàn thiện, cụ thể: Thông tư số 45/2024/TT-NHNN ngày 30/8/2024 của Thống đốc NHNN quy định về quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của NHNN được ban hành thay thế Thông tư số 37/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Thống đốc NHNN quy định về quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của NHNN đã cải thiện những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý theo hướng nâng cao chất lượng các đề xuất nhiệm vụ KH&CN, nâng cao hơn trách nhiệm của những tổ chức có cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm nhiệm vụ; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 957/QĐ-NHNN ngày 24/5/2023 của Thống đốc NHNN; hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thông tin, thống kê đối với nhiệm vụ KH&CN được triển khai đồng bộ, trong đó cơ sở dữ liệu các nhiệm vụ KH&CN của ngành Ngân hàng được chủ động cập nhật liên tục lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN.
“Từ nay đến năm 2030, lần đầu tiên, hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng đã có một kế hoạch, định hướng hoạt động dài hạn, xuyên suốt tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ bám sát Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của quốc gia”. TS. Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh.
(ii) Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN các cấp ngày càng được đẩy mạnh. Các cá nhân, đơn vị trong ngành Ngân hàng đã chủ trì và triển khai thực hiện một số đề tài KH&CN cấp quốc gia và hơn 100 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ/cơ sở tính từ năm 2019 đến nay, đóng góp tích cực không chỉ cho hoạt động của Ngành mà có ý nghĩa cả đối với nền kinh tế nói chung. Việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê nhiệm vụ KH&CN, công tác phổ biến thông tin về kết quả nhiệm vụ KH&CN có những chuyển biến tích cực với nhiều hình thức đa dạng như: Việc kết nối giữa các nhóm nghiên cứu với đơn vị có khả năng thụ hưởng kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN bước đầu được thực hiện thông qua những buổi Hội thảo phổ biến kết quả các nhiệm vụ KH&CN nghiệm thu đạt loại Xuất sắc và Giỏi; kết quả đề tài/dự án đã nghiệm thu thường xuyên được đăng tải trên chuyên mục nghiên cứu trao đổi của website NHNN; các chủ đề mới, chủ đề có tính thời sự thường xuyên được cập nhật và công bố rộng rãi qua các bản tin điện tử KH&CN ngành Ngân hàng và các ấn phẩm KH&CN.
(iii) Các sự kiện KH&CN và hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng đa dạng. Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm… với quy mô cấp cơ sở, cấp ngành, quốc gia, quốc tế đã được triển khai tổ chức với những nội dung mang tính thời sự; công tác tổ chức đổi mới, hoàn thiện theo hướng ngày càng chuyên nghiệp. Cùng với đó, NHNN tham gia tích cực và chủ động vào hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện tốt vai trò đại diện của Chính phủ Việt Nam tại những tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế; các đơn vị trong NHNN đã tận dụng được chương trình hợp tác đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để trao đổi, học hỏi chuyên môn nhằm áp dụng nhiều tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất của quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ.
(iv) Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng luôn tích cực hưởng ứng ngày KH&CN, Thường trực Hội đồng KH&CN Ngành luôn chủ động phối hợp với các thành viên trong Hội đồng tham mưu, đề xuất tổ chức đánh giá, khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích và vinh danh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho hoạt động KH&CN ngân hàng, tạo động lực phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN trong ngành Ngân hàng.
Tuy nhiên, các nhiệm vụ đặt ra cho hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng ngày càng nhiều và đòi hỏi cao hơn, đặc biệt là những nhiệm vụ đã được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Do đó, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng, thực hiện thành công Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Viện Chiến lược ngân hàng đã phối hợp với Vụ Pháp chế NHNN hoàn thiện, tham mưu Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 45/2024/TT-NHNH. Theo đó, Thông tư 45/2024/TT-NHNH đã kiện toàn quy trình quản lý các nhiệm vụ KH&CN với những điểm thay đổi chính là: (i) Bổ sung hội đồng cấp cơ sở để rà soát, điều chỉnh các đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, hỗ trợ các đơn vị bảo đảm số lượng và chất lượng đề xuất trước khi trình Lãnh đạo NHNN thành lập Hội đồng xét duyệt các đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp bộ; (ii) Gia tăng vai trò của các tổ chức có cá nhân đề xuất nhiệm vụ KH&CN, trong đó có cả những vụ, cục của NHNN trong việc rà soát các đề xuất trước khi gửi Viện Chiến lược ngân hàng tổng hợp và trong việc bảo đảm chất lượng trước và sau khi gửi Viện Chiến lược ngân hàng để thực hiện thủ tục nghiệm thu.
Tại Hội thảo, các diễn giả khách mời đã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nghiên cứu KH&CN và cùng nhau tập trung thảo luận về hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng… Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và sự đóng góp hoạt động KH&CN ngân hàng; tăng cường việc kết nối giữa các đơn vị, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để có thể triển khai hiệu quả trong toàn ngành Ngân hàng.
Toàn cảnh Hội thảo
Mai Lâm