Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động và cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại của hệ thống ngân hàng, hình thành những sản phẩm dịch vụ tài chính mới như M-POS, Internet banking, Mobile banking, thanh toán qua thẻ visa, thanh toán qua liên kết với các ví điện tử, công nghệ thẻ chíp, ngân hàng tự động Autobank CDM… tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm được chi phí giao dịch.
Chuyển sang hệ thống không dùng tiền mặt chính là một ưu tiên trong quá trình nâng cao hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh doanh và kinh tế, giảm nghèo tại những vùng nông thôn hẻo lánh - nơi các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống khó vươn tới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
1. Thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam
Tài chính toàn diện có thể hiểu là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững, trở thành tầm nhìn chung của toàn thế giới trong sứ mệnh xóa đói giảm nghèo, hướng tới xã hội ổn định, công bằng và thịnh vượng, nơi mọi người đều được thụ hưởng những thành quả do phát triển kinh tế đem lại.
Tài chính toàn diện mang lại những lợi ích không nhỏ về kinh tế, có thể kể đến: (i) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua việc gia tăng tiết kiệm và đầu tư; (ii) Cung cấp một nền tảng thúc đẩy giáo dục tài chính, tạo thói quen tiết kiệm, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, luôn sống dưới áp lực tài chính, thiếu kỹ năng quản lý dòng tiền, làm cho họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương; (iii) Tạo điều kiện phát triển tín dụng lành mạnh tới những nhóm đối tượng trước đó bị phụ thuộc vào những nguồn tiền vay khác từ gia đình, bạn bè hay tín dụng đen…; tạo ra những kênh thanh toán, chuyển tiền tới những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng và phải sử dụng các loại hình chuyển tiền phi chính thức tốn kém và rủi ro khác; (iv) Tạo niềm tin thúc đẩy nhu cầu đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; (v) Là một phương thức chống thất thoát trong việc phân phối những khoản trợ cấp và các khoản phúc lợi khác của Chính phủ thông qua tài khoản.
Mục tiêu của tài chính toàn diện là mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.
Tài chính toàn diện được Chính phủ quan tâm chú trọng từ nhiều năm nay. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những chủ trương quan trọng nhằm thúc đẩy Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp trong các chiến lược phát triển lớn của Việt Nam như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam đều hướng tới việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của Nhân dân; tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội; thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; có chính sách và các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, giảm chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị; xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - cơ quan đầu mối về tài chính toàn diện đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan để nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện cũng như các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. Những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ của công nghệ, dịch vụ ngân hàng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Các NHTM Việt Nam đang có sự chuyển biến rõ rệt, quan tâm nhiều hơn tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho những thành phần kinh tế trước đây vốn không phải là đối tượng chú trọng của ngân hàng. Các ngân hàng chú trọng hơn trong việc cung cấp giải pháp thúc đẩy phổ cập tài chính thông qua việc xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ cho doanh nghiệp, đặc biệt là gói giải pháp tài chính toàn diện. Phần lớn các ngân hàng đã cung cấp các dịch vụ tiện ích như thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, phí bảo hiểm, thu học phí thông qua kênh Internet banking và Mobile banking. NHTM cũng phối hợp Tổng cục Hải quan cho việc nộp thuế, tỷ lệ nộp thuế điện tử chiếm khoảng 90% tổng thu ngân sách Nhà nước của ngành Hải quan… Các ngân hàng cũng tích cực hợp tác với các doanh nghiệp lớn để tận dụng lợi thế của mỗi bên trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới số đông khách hàng.
Công tác truyền thông về hoạt động thanh toán và dịch vụ ngân hàng được đẩy mạnh, qua đó giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ tài chính trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ tài chính. Thông qua đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
Theo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), trong 5 tháng đầu năm 2021, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỷ đồng, tăng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt so với cùng kỳ năm 2020. Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) và tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng tương ứng là 50% và 125% so với năm 2020. Như vậy, người dân đã lựa chọn phương thức mua sắm, chi tiêu trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn và giãn cách trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tuy đạt những thành công trên nhưng rào cản lớn trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam là thói quen dùng tiền mặt. Khi thói quen dùng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến thì con đường thanh toán phi tiền mặt là trở ngại rất lớn. Trong nông nghiệp, thanh toán tiền mặt lại càng phổ biến, tới hơn 90% các sản phẩm nông nghiệp được giao dịch bằng tiền mặt. Thậm chí với các phân khúc thị trường đang lớn mạnh như thương mại điện tử, nhiều giao dịch vẫn được thanh toán bằng tiền mặt (thanh toán khi giao hàng).
Khuôn khổ pháp luật đảm bảo sự cam kết theo đuổi và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện ở Việt Nam đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân cũng là thách thức đang phải đối diện. Sự cởi mở của NHNN với việc tham gia của các tổ chức phi ngân hàng như nhà mạng viễn thông trong việc cung ứng dịch vụ tài chính số đến số đông người dân ở vùng sâu, vùng xa mà vẫn đảm bảo quản lý, giám sát hiệu quả các tổ chức này cũng cần được thúc đẩy cho phù hợp.
Các chính sách, chương trình chưa được đặt trong một khuôn khổ chung mang tính hệ thống, mới chỉ được các bộ, ngành triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của mình nên thiếu sự đồng bộ, sự gắn kết chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan theo một mục tiêu nhất quán nên kết quả các chính sách, chương trình mới chỉ giải quyết phần nào nội dung của tài chính toàn diện.
Khó khăn nữa nằm ở việc cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính nói riêng và tài chính toàn diện nói chung còn thiếu. Cơ sở hạ tầng tài chính còn thiếu, chưa được kết nối đồng bộ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thông tin (thông tin tín dụng, hệ thống định danh…), chất lượng mạng, tốc độ đường truyền còn yếu,…
2. Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian tới
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bùng nổ và tác động sâu rộng đến các hoạt động ngân hàng. Khi công nghệ phát triển, việc thanh toán không dùng tiền mặt là tất yếu. Đây là phương thức thanh toán trong đó không có sự xuất hiện của tiền mặt; việc thanh toán được thực hiện bằng cách trích chuyển trên tài khoản của các chủ thể liên quan đến số tiền phải thanh toán. Nó giữ một vị trí cực kỳ quan trọng trong việc luân chuyển tiền tệ và trong thanh toán giá trị của nền kinh tế.
Với những yêu cầu đặt ra từ phía Chính phủ và các biện pháp của NHNN cũng như các bộ, ngành liên quan đang triển khai, chắc chắn tại Việt Nam sẽ có những chuyển biến rõ rệt trong thanh toán không dùng tiền mặt thời gian tới. 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường ở đô thị… phải phối hợp với ngân hàng để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tổng số thiết bị chấp nhận thẻ và ATM trên cả nước ngày càng tăng.
Thúc đẩy tài chính toàn diện được xem là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới. Một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện hiệu quả sẽ giúp Việt Nam có thể thực hiện thành công các cải cách trên cơ sở một lộ trình được đặt ra trong chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện.
Để thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới nền kinh tế không dùng tiền mặt hiệu quả, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, triển khai và ứng dụng công nghệ ngân hàng số một cách tổng thể nhằm tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ và trải nghiệm cho khách hàng. Công nghệ mới đang thay đổi cách người tiêu dùng muốn trả tiền bởi tiện lợi và tốc độ trở thành kỳ vọng cơ bản của người tiêu dùng đối với trải nghiệm thanh toán của họ vì họ mong đợi có thể trả tiền cho bất kỳ thứ gì, bất cứ lúc nào hay bất cứ ở đâu. Họ có thể đặt hàng trước và thanh toán tại các nhà hàng; yêu cầu một chuyến đi chỉ trong vài phút; mua một món quà trực tuyến được chuyển đến ngay chỉ trong một thời gian nhất định.
Thanh toán di động được thúc đẩy với các công nghệ như mã phản hồi nhanh (Quick response code - QR Code, mã QR), số hóa thông tin thẻ trong đó thanh toán qua QR là phổ biến. Phát triển các hình thức thanh toán trên nền tảng di động như thanh toán QR Code sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam.
Hai là, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cần giải quyết các vấn đề: Giảm chi phí, thời gian với thanh toán điện tử liên ngân hàng; quy định pháp luật với xác thực điện tử; đồng bộ cơ sở hạ tầng thể hiện qua việc thống nhất ban hành chuẩn quốc gia về mã QR thay vì để tồn tại nhiều tiêu chuẩn mã QR; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ POS; xây dựng lộ trình cụ thể cho từng đơn vị cung ứng dịch vụ công trong việc xóa bỏ thu tiền mặt; chuẩn hóa hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ba là, mang dịch vụ tài chính chính thức đến với hàng triệu người hiện chưa hoặc còn ít sử dụng dịch vụ tài chính sẽ đạt được cả hai mục đích giảm nghèo và tiếp tục tăng trưởng năng động, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu thịnh vượng, toàn diện.
Bốn là, công nghệ, tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt có sự gắn kết chặt chẽ, bổ trợ cho nhau, tác động qua lại lẫn nhau và tạo tiền đề giúp cho việc thực hiện các mục tiêu nhanh và hiệu quả hơn. Để có thể đưa ra các chiến lược, lộ trình, giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện thiết thực, hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải có một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chi tiết theo chuỗi thời gian từ bên cung và bên cầu giúp đo lường, đánh giá chính xác thực trạng tài chính toàn diện, nguyên nhân của thực trạng này và khả năng hấp thụ giải pháp.
Số liệu bên cung được hiểu là những số liệu được thu thập từ các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính về mạng lưới giao dịch, hệ thống thanh toán, dịch vụ tín dụng, huy động vốn…; số liệu bên cầu gồm những số liệu thu thập trực tiếp từ đối tượng dịch vụ tài chính hướng tới phục vụ cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình… được sử dụng để hiểu, đánh giá về nhận thức, nhu cầu, rào cản tiếp cận tài chính của người sử dụng dịch vụ. Giải pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu bên cung cần yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo một số chỉ tiêu chọn lọc, đảm bảo khả năng thống kê từ Core banking của tổ chức tín dụng như số lượng ATM, chi nhánh, điểm giao dịch, POS… Việc lập mẫu biểu yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cần phải cân nhắc kỹ đảm bảo tính khoa học, chi tiết; chỉ chọn lọc những chỉ tiêu trọng yếu; thiết kế bao gồm cả cách thức các tổ chức tín dụng truyền dữ liệu về NHNN, cách thức loại trừ lặp và phần mềm tổng hợp dữ liệu.
Năm là, xây dựng một hệ sinh thái về dịch vụ tài chính vượt trội và toàn diện bởi Việt Nam đang bước lên một bậc cao mới về tăng trưởng. Để thực hiện tốt điều này cần đẩy mạnh ứng dụng thanh toán kỹ thuật số và tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả người dùng được hưởng lợi từ nền kinh tế kỹ thuật số.
Sáu là, thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân. Đây vẫn là bài toán khó từ nhiều năm nay, là “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và không thể làm được trong thời gian ngắn. Mặc dù hiện nay đã có nhiều phương tiện thanh toán như chuyển khoản qua ngân hàng, dùng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng rồi các ứng dụng khác dùng cho ví điện tử, tuy nhiên những phương tiện này vẫn chưa được phổ biến và dùng một cách rộng rãi. Phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng để họ thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử mọi lúc, mọi nơi. Khi người sử dụng thấy được sự tiện ích họ sẽ dần thay đổi thói quen không dùng tiền mặt.
Bảy là, cần tăng cường thu hút nguồn lực và sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế; ưu tiên nguồn kinh phí cho việc phát triển công nghệ, đào tạo cán bộ trong lĩnh vực thanh toán; trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý chi tiêu công của các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực.
3. Một số khuyến nghị
Một là, NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi và ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc tăng cường đảm bảo an ninh, bảo mật các giao dịch ngân hàng và hệ thống thanh toán.
Hai là, NHNN tiếp tục triển khai một số định hướng giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó giúp định hình và từng bước tạo dựng một xã hội không dùng tiền mặt. Cụ thể, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn cơ sở mã QR đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền
mã QR.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân; theo đó, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho khách hàng, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Có thể nói, chiến lược tài chính toàn diện có ý nghĩa lớn về mặt phát triển xã hội, giảm bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, giúp cho mỗi người dân có thể được hưởng thụ thành quả phát triển kinh tế đem lại, thông qua tiếp cận tài chính, họ có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ theo nhu cầu. Việc đẩy lùi tiền mặt trong thanh toán là điều hoàn toàn có thể thực hiện qua sự đồng tâm hiệp lực hỗ trợ và hợp tác từ người dùng, nhà cung cấp dịch vụ và Chính phủ… Dưới áp lực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và Việt Nam, thì mở rộng dịch vụ tài chính hướng tới nền kinh tế không dùng tiền mặt là bước đi của hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Eduardo Cabral Jimenez (2014), “Role of smart policies and regulation in financial inclusion”, Alliance for Financial Inclusion (AFI), Bangkok.
2. The Secretariat of the third ASEAN Financial Inclusion Conference (2014), “Yangon Outcomes for financial Inclusion in ASEAN”.
3. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (2017), “Tài liệu tài chính toàn diện tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017”.
4. Nguyễn Thanh Thảo (2020), Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2020.
5. http://www.agribank.com.vn
6. http://www.ifc.org
7. www.tapchitaichinh.vn
8. http://www.thoibaonganhang.vn
TS. Phạm Hoài Bắc
Đại học Đại Nam