ISO 20022 là bộ tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho giao tiếp trong các lĩnh vực thanh toán, chứng khoán, đầu tư cũng như thương mại quốc tế. ISO 20022 có lợi thế thúc đẩy hội nhập doanh nghiệp và hội nhập về địa lý, theo đó cho phép nhiều quốc gia có tiếng nói chung trong giao dịch.
Việc áp dụng chuẩn ISO 20022 vào hạ tầng thị trường tài chính sẽ mang lại các lợi ích nổi bật như: Kết nối liên thông với thị trường tài chính toàn cầu; Cung cấp nền tảng chiến lược cho các ngân hàng và tổ chức tài chính đổi mới sản phẩm, dịch vụ nhờ trường dữ liệu chuyển tiền lớn hơn, có chiều sâu và dễ tùy chỉnh; Khả năng tái sử dụng thông tin cho nhiều mảng nghiệp vụ, lĩnh vực kinh doanh khác nhờ tính thống nhất của tin điện và có tiềm năng đem lại chi phí vận hành thấp hơn. Từ đó, mang lại những bước tiến đáng kể cho nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính - ngân hàng nói riêng trên toàn thế giới.
Sự cần thiết của tiêu chuẩn ISO 20022
Một lợi thế chính của ngân hàng đại lý với tư cách hệ thống thanh toán toàn cầu là nó có thể tiếp cận hầu hết mọi tài khoản trên thế giới. Trải nghiệm của khách hàng cũng được cải thiện trong những năm gần đây, khi các khoản thanh toán trở nên nhanh hơn và minh bạch hơn nhờ sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu (GPI) của SWIFT, và điều này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những thách thức cần có các cải tiến mới để đáp ứng nhu cầu và mong đợi của người dùng thanh toán, cho dù là doanh nghiệp hay cá nhân. Các thách thức có thể kể đến như sau:
- Các quy trình Tuân thủ và Chống rửa tiền (AML) dẫn đến sự chậm trễ thường xuyên, đặc biệt là khi thông tin giao dịch bị thiếu. SWIFT ước tính rằng khoảng 10% các khoản thanh toán quốc tế được giữ ở đâu đó trong suốt hành trình của họ để kiểm tra tuân thủ, hầu hết trong số đó là báo động giả và điều tra có thể tránh được;
- Người thụ hưởng có ít thông tin để thúc đẩy việc đối chiếu công nợ tự động, dẫn đến các quy trình thủ công tốn kém và không hiệu quả, cũng như giảm khả năng quản lý dòng tiền và nắm rõ trạng thái tiền mặt cho thủ quỹ của công ty;
- Các tình huống thanh toán phổ biến ở các nước phát triển như Thanh toán thay mặt (Payment on behalf of - POBO) không được hỗ trợ đầy đủ, dẫn đến việc phải sử dụng các biện pháp giải quyết thủ công;
- Các ngân hàng ít hiểu biết về mục đích kinh doanh của thanh toán, điều này cản trở khả năng phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng của họ;
- Người dùng hệ thống thanh toán bị hạn chế tương tự trong phân tích kinh doanh dựa trên dữ liệu thanh toán của mình, trong khi đáng lẽ đây phải là một nguồn thông tin chuyên sâu về hành vi của khách hàng.
Những thách thức này đều xuất phát từ một nguyên nhân chung: Dữ liệu không đủ hoặc kém chất lượng. Để khắc phục, dữ liệu cần phải được cải thiện một cách có hệ thống từ đầu đến cuối trên toàn bộ hệ thống ngân hàng đại lý, bao gồm các ngân hàng, hệ thống thanh toán thời gian thực (RTGS), các cơ chế thanh toán và bù trừ tức thời và khác. Chúng ta cần nhiều dữ liệu hơn, dữ liệu được định nghĩa tốt hơn, chi tiết hơn và cần tính nhất quán từ đầu đến cuối để đảm bảo dữ liệu không bị mất hoặc bị hỏng khi chuyển qua hệ thống.
Tiêu chuẩn thanh toán xuyên biên giới (SWIFT MT) đã được hình thành vào những năm 1970, khi băng thông và lưu trữ là hàng hóa có giá cao, khối lượng thanh toán thấp hơn nhiều và chưa tồn tại các yêu cầu sàng lọc có hệ thống. Các thông điệp được tối ưu hóa với kích thước nhỏ, mang theo các bộ dữ liệu tối thiểu để có thể xử lý dễ dàng bởi các máy tính lớn thời đó.
Để giải quyết vấn đề dữ liệu của ngành công nghiệp, cần có một tiêu chuẩn hiện đại. Một tiêu chuẩn ưu tiên sự phong phú của dữ liệu hơn là kích thước tin nhắn và chi phí xử lý. Tiêu chuẩn ISO 20022 ra đời, tạo ra một tiêu chuẩn dữ liệu quốc tế mở đang được áp dụng trên toàn thế giới cho các hệ thống thanh toán tức thời và theo lô trong nước và RTGS có giá trị cao. Năm 2018, cộng đồng SWIFT đã đưa ra quyết định áp dụng ISO 20022 cho ngân hàng đại lý, bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2021.
Phương pháp áp dụng tiêu chuẩn ISO 20022
Như mô tả về tin điện tử trong các tiêu chuẩn tài chính khác, mô tả trong ISO 20022 cũng gồm phần định dạng thông tin (format) và ý nghĩa thông tin (meaning). Format là những quy ước về cấu trúc lưu trữ dữ liệu, còn meaning đảm bảo các hệ thống có thể hiểu ý nghĩa của từng dữ liệu trong cấu trúc thông tin trong giao tiếp. Một tin điện tử tài chính ngân hàng được chia làm 3 tầng: Tầng trên cùng dành cho các khái niệm và các quy trình nghiệp vụ; tầng giữa phục vụ việc mô hình hóa thông điệp và tầng cuối cùng là cấu trúc lưu trữ vật lý của thông điệp. ISO 20022 giúp việc phân chia rõ ràng giữa nghiệp vụ và cách thể hiện nó trong thông điệp. Những đối tượng nghiệp vụ được tổ chức trong các thành phần nghiệp vụ; các thành phần này lại chứa các cấu phần nhỏ hơn. Điều này được minh họa thông qua việc mô tả thành phần trong nghiệp vụ là đối tượng khách hàng như sau:
:59:/1234567890
Cuba Libre Bar and Grill
1234 Ocean Drive
90099 LA
Còn đây là tên và địa chỉ của người thụ hưởng trong định dạng cấu trúc của ISO 20022:
<Cdtr>
<Nm>Cuba Libre Bar and Grill</Nm>
<PstlAdr>
<StrtNm>Ocean Drive</StrtNm>
<BldgNb>1234</BldgNb>
<PstCd>90099</PstCd>
<TwnNm>Los Angeles</TwnNm>
<CtrySubDvsn>CA</CtrySubDvsn>
<Ctry>US</Ctry>
</PstlAdr>
:
...
:
</Cdtr>
Trong định dạng này, khả năng điện thanh toán sẽ là một trong 10% bị chặn bởi bộ lọc cấm vận và dẫn đến một cuộc điều tra. Điều này là do từ Cuba xuất hiện trong tên và địa chỉ. Trong định dạng theo ISO 20022, địa chỉ bưu chính (PstlAdr) xác định rõ ràng quốc gia - ‘US’ - mã quốc gia gồm hai ký tự tiêu chuẩn. Nội dung cũng nói rõ rằng Cuba là một phần của tên (Nm) của doanh nghiệp và do đó không dẫn đến báo động giả. Việc thanh toán có thể được xử lý suôn sẻ, tiền đến đúng hạn và ngân hàng được hưởng lợi từ việc giảm chi phí bằng cách tránh xử lý thủ công. Thông tin quốc gia chính xác cũng cho phép các nhà quản lý rủi ro và tuân thủ hiểu chính xác tiền bắt nguồn từ đâu và chuyển tới đâu trong các khoản thanh toán mà ngân hàng xử lý. Các ngân hàng cũng có thể xác định chính xác các thông tin quan trọng khác như mã bưu điện (PstCd), có thể được sử dụng để xây dựng dữ liệu nhân khẩu học để phân tích...
ISO 20022 hỗ trợ cùng mức chi tiết với thông tin cho ‘các bên cuối cùng’ - khách hàng đặt lệnh (con nợ cuối cùng) và người thụ hưởng (chủ nợ cuối cùng). Điều này đặc biệt quan trọng đối với các tập đoàn đa quốc gia đang điều hành trung tâm thanh toán và thu nợ (POBO và COBO) chia sẻ - xu hướng của các tổ chức toàn cầu.
Những cải thiện dữ liệu tương tự có thể được nhìn thấy trong các lĩnh vực khác, bao gồm chi tiết tính phí, mã mục đích thanh toán và thông tin chuyển tiền. Ví dụ: trong tiêu chuẩn MT, thông tin chuyển tiền gồm tối đa 140 ký tự. Một hóa đơn có thể được tham chiếu như sau:
:70:/INV/Date 01/02/2019 Ref ABC1234567890
Hãy hình dung một doanh nghiệp gửi một hóa đơn cho nhiều món hàng thuộc nhiều loại khác nhau. Nếu một vài món bị hỏng trong quá trình vận chuyển thì số tiền thanh toán sẽ không khớp với hóa đơn. Cần có sự can thiệp thủ công từ cả hai phía - các cuộc gọi điện thoại, email, fax - để làm rõ sự khác biệt. Thông tin chuyển tiền mở rộng trong ISO 20022 (ERI) cho phép thông tin đầy đủ và chi tiết về giao dịch được bao gồm trong điện thanh toán, bao gồm các tham chiếu có cấu trúc đến các tài liệu liên kết, chi tiết đơn hàng... giúp mở rộng đáng kể khả năng đối chiếu tự động. Trong một nghiên cứu gần đây của Payments Canada và EY, chi phí ước tính 5 năm cho tỷ lệ đối chiếu tự động thấp ở Canada nằm trong khoảng từ 7,4 đến 13,6 tỷ đô CAD, vì vậy, tiềm năng tiết kiệm toàn cầu là rất lớn.
Xét tổng thể, ISO 20022 dựa trên 3 lớp riêng:
1. Các quy trình và khái niệm kinh doanh - Một đặc điểm chính trong phương pháp luận của ISO 20022 là sự tách biệt giữa khái niệm kinh doanh và cách nó được thể hiện trong một thông điệp (cú pháp). Vì vậy, phương pháp luận của ISO 20022 bắt đầu bằng việc xác định hoạt động hoặc quy trình kinh doanh, vai trò và các tác nhân liên quan, cũng như thông tin cần thiết cho hoạt động diễn ra. Dữ liệu này sau đó được tổ chức thành các thành phần có chứa các yếu tố kinh doanh.
2. Thông điệp logic không phụ thuộc vào cú pháp: Một tính năng chính của ISO 20022 là khả năng sử dụng lại các thành phần trên tất cả các thông điệp - bất kể nó là khoản tín dụng, thanh toán thẻ tín dụng hay giao dịch FX. Vì vậy, thông điệp logic là một mô tả của thông tin cần thiết để thực hiện một hoạt động kinh doanh cụ thể, không phụ thuộc vào cú pháp và được tạo thành từ các thành phần thông điệp được tổ chức theo cấu trúc phân cấp.
3. Cú pháp - Điều này liên quan đến biểu diễn vật lý của thông điệp logic. XML được chỉ định làm cú pháp chính, nhưng các loại phổ biến khác có thể được sử dụng - tức là cú pháp độc quyền SWIFT hoặc cú pháp FIX. Tất cả được lưu trữ trong một kho lưu trữ chung, trong đó cũng bao gồm một từ điển ISO 20022. Giống như Từ điển tiếng Anh Oxford, nó liệt kê các thành phần, cấu trúc, định nghĩa và bối cảnh mà chúng nên được sử dụng hoặc diễn giải. Hơn nữa, vì ISO 20022 là một tiêu chuẩn miễn phí và mở, bất kỳ ai, bất cứ nơi nào cũng có thể đóng góp vào từ điển để giúp xây dựng các tiêu chuẩn kinh doanh vững chắc trên toàn cầu.
Tất cả các lợi ích được nêu đều đi kèm cái giá của nó: Các kênh truyền điện thanh toán bao gồm nhiều bước kiểm tra định dạng và do đó, đối với tất cả các ứng dụng xử lý ở phía gửi và nhận phải được sửa đổi theo đúng các tài liệu đặc tả kỹ thuật. Theo sau đó, để chuyển sang ISO 20022 “đúng” đòi hỏi tuân thủ các hướng dẫn thực hiện 100% và các chi tiết sẽ rất khó để theo dõi. Một dấu hai chấm bị thiếu, một mã dịch vụ sai chính tả có thể khiến yêu cầu chuyển tiền 200 triệu USD bị từ chối và thực hiện quá muộn hoặc chỉ được thực hiện vào ngày hôm sau. Ngoài ra, trong một số trường hợp, hoạt động chuyển đổi xảy ra giữa một ngày làm việc và ngày tiếp theo, tạo ra một “vụ nổ lớn” tại hàng trăm ngân hàng và các bên liên quan khác, bao gồm cả doanh nghiệp, vào cùng một lúc. Kết hợp lại, các yếu tố này có nghĩa là số lượng lớn, tính đa dạng và phức tạp của các chương trình chuyển đổi sang ISO 20022 được liệt kê ở trên sẽ là những thách thức lớn đối với các tổ chức tài chính trên toàn cầu, và đặc biệt là những tổ chức kết nối với nhiều hệ thống thanh toán trong nước và xuyên biên giới. Cập nhật môi trường cơ sở hạ tầng ngân hàng quan trọng để xử lý định dạng mới có thể yêu cầu chương trình thay thế hệ thống cũ kéo dài nhiều năm, vì những hệ thống này thường không phù hợp để được nâng cấp dựa trên công nghệ cũ. Trong nhiều trường hợp, phạm vi đầy đủ của các thay đổi cần thiết sẽ chỉ trở nên rõ ràng sau khi phân tích kỹ lưỡng các khác biệt, nghĩa là cần hiểu sâu hơn về thông số kỹ thuật của ISO 20022.
Ưu tiên ban đầu với các ngân hàng là nên có tầm nhìn dài hạn, đầu tư chiến lược vào việc phân tích kỹ lưỡng ngay bây giờ để sàng lọc khả năng xử lý thanh toán cốt lõi của họ và làm việc với các nhà cung cấp phần mềm thanh toán (nếu có) để bắt đầu lộ trình chuyển đổi sớm.
Bước tiếp theo, các ngân hàng cần đảm bảo họ thực sự hiểu được lợi ích của ISO 20022 và tận dụng chúng bằng cách phát triển các quy trình hợp lý, sản phẩm mới và dịch vụ nâng cao cho khách hàng của họ. Định dạng mới cung cấp các lợi ích của việc quản lý đối chiếu tài khoản nostro, xử lý ngoại lệ, báo cáo thanh toán và kiểm tra chống rửa tiền (AML) với hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, để nhận ra những cơ hội này, các ngân hàng sẽ cần thích nghi hơn nữa và cải thiện cơ sở hạ tầng rộng hơn và đầu tư đáng kể vào các quy trình để xử lý khối lượng lớn dữ liệu thanh toán ISO 20022 với tốc độ nhanh hơn.
Với các doanh nghiệp, việc chuyển đổi sang ISO 20022 cũng có những tác động sâu rộng, đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực một cách nghiêm túc. Sau khi chuyển sang ISO 20022, các công ty có thể giữ lại tùy chọn sử dụng các định dạng khác nhau để khởi tạo thanh toán. Tuy nhiên, việc chuyển sang ISO 20022 không chỉ là một dự án khác của ngân hàng. Chẳng hạn, bất kể định dạng được chọn, nội dung thông tin tài khoản của công ty vẫn có thể bị ảnh hưởng. Ví dụ: Điện thanh toán ISO 20022 sắp tới sẽ mang nhiều thông tin hơn hoặc khác nhau, chẳng hạn như dữ liệu chuyển tiền có cấu trúc và thông tin chi tiết của các bên cuối cùng. Sau khi nhận được, thông tin mới phải tìm thấy vị trí của nó trong sao kê tài khoản cũ, có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tự động đối chiếu và có khả năng dẫn đến việc xử lý ngoại lệ.
Ngoài ra, từ tháng 11/2021, mọi khoản thanh toán xuyên biên giới được gửi qua ISO 20022 đều yêu cầu thông tin về tất cả các bên phải được cung cấp ở định dạng dữ liệu có cấu trúc với thông tin bổ sung. Điều này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp nâng cấp hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) hoặc hệ thống quản lý ngân quỹ (TMS), cải thiện dữ liệu tĩnh của riêng họ và quan trọng hơn là có được và hoàn thiện dữ liệu đối tác của họ với địa chỉ đầy đủ.
Vì vậy, các công ty nên bắt đầu tham gia vào các cuộc thảo luận trong ngành và bắt đầu đối thoại với các đối tác ngân hàng, các nhà cung cấp hệ thống quản lý ngân quỹ và quản trị nguồn lực doanh nghiệp để hiểu các sản phẩm thanh toán và thông tin tài khoản của họ có thể bị ảnh hưởng như thế nào. Tùy thuộc vào tác động này là gì, họ có thể cần đầu tư vào các giải pháp của mình để đảm bảo họ có thể đáp ứng các yêu cầu thay đổi của định dạng mới. Tương ứng với điều đó, ưu tiên thứ ba cho các nỗ lực chuyển đổi sang ISO 20022 của các ngân hàng là giáo dục, quản lý, theo dõi và đưa khách hàng doanh nghiệp của họ tham gia các thử nghiệm từ đầu đến cuối. Một yếu tố thúc đẩy có thể nằm ở cơ hội cho phép các doanh nghiệp được hưởng lợi từ ISO 20022, thông qua các cải tiến bao gồm tiêu chuẩn hóa thanh toán, tiền mặt và hoạt động ngân quỹ tại nhiều đơn vị kinh doanh trên toàn cầu, chi phí bảo trì và công nghệ thông tin thấp hơn, cải thiện tỷ lệ xử lý điện thanh toán xuyên suốt (STP) và chuyển tiền quốc tế mượt mà hơn.
Tóm lại, chương trình chuyển đổi ISO 20022 cần được hỗ trợ mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo cao nhất, cùng với sự tham gia tích cực từ các bộ phận vận hành và công nghệ và các nhóm dự án. Nếu xem nó như là dự án CNTT đơn thuần khác có nghĩa là đánh giá thấp các thành phần chính và tầm quan trọng chung của việc chuyển đổi, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả triển khai.
Trong vài năm tới, các cơ sở hạ tầng thị trường lớn (MI) của thế giới - bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Cơ quan thanh toán bù trừ Hoa Kỳ (The Clearing House), cơ quan quản lý tiền tệ của khu vực đồng Euro (Eurosystem), EBA Clearing (nhà cung cấp cơ sở hạ tầng thanh toán toàn Châu Âu thuộc sở hữu hoàn toàn của các cổ đông bao gồm các ngân hàng lớn của Châu Âu) và dịch vụ thanh toán tổng thể theo thời gian thực của Ngân hàng Anh - sẽ chuyển sang ISO 20022. Việc chuyển sang ISO 20022 tạo nền tảng cho xử lý thanh toán hiệu quả và khả năng tương tác cao hơn, cải thiện trải nghiệm khách hàng, hợp lý hóa quy trình tuân thủ và nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ mới. Việc chuẩn bị của các MI hiện đang được tiến hành, với hầu hết các ngân hàng, tập đoàn và các bên liên quan khác. Phạm vi của quá trình chuyển đổi này là rất lớn, vì vậy nó sẽ không thể xảy ra nhanh chóng hoặc không có thách thức.
Đã có rất nhiều động thái để giúp các ngân hàng vượt qua những thách thức này. Trong suốt năm 2019, một số bước tiến đã được thực hiện, với việc phát hành nhiều hướng dẫn sử dụng cũng như phát triển các công cụ Swift mới để giúp tạo điều kiện cho việc chuyển đổi. Trong hai năm qua, một loạt các hướng dẫn ISO 20022 đã được phát triển, bao gồm High Value Payments Plus (HVPS+); thanh toán và báo cáo xuyên biên giới (CBPR+); thông số kỹ thuật chức năng chi tiết cho người dùng hay còn gọi là UDFS (trong thị trường đồng Euro địa phương).
Song song với những động thái đó, Swift đã bắt đầu phát triển các công cụ khác nhau để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi. Ví dụ: Những người tham gia thị trường sẽ cần kiểm tra cách giải thích của họ về hướng dẫn sử dụng CBPR+ và do đó phải có phương tiện để dịch các thông điệp Swift Fin truyền thống sang các thông điệp ISO 20022 và ngược lại. Để đáp ứng nhu cầu đó, Swift đã phát triển một cổng dịch thuật: Phiên bản beta đầu tiên xuất hiện vào tháng 6/2019 và cổng dịch thuật đã đi vào hoạt động tháng 1/2020. Ngoài ra, trong trường hợp cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng ISO 20022, các điện thanh toán đến sẽ phải được dịch từ định dạng mới sang định dạng Fin cũ để có thể xử lý. Swift đã phát triển một dịch vụ dịch thuật trong giai đoạn các loại điện thanh toán đến khác nhau cùng tồn tại, với ba mô hình: Dịch thuật tập trung tự động, dịch thuật tập trung qua API và dịch thuật cục bộ.
Áp dụng ISO 20022 tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc
Châu Á - Thái Bình Dương được coi là khu vực đổi mới nhất thế giới về công nghệ thanh toán, với thị trường hàng đầu là Trung Quốc. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố kế hoạch di chuyển ISO 20022 của mình từ năm 2011. Hơn thế, năm 2013, hệ thống thanh toán của nước này, bao gồm cả thanh toán RTGS và ACH, được gọi là CNAPS2 (Hệ thống thanh toán quốc gia nâng cao Trung Quốc), đã sử dụng ISO 20022 với nhiều loại điện. Một lợi thế đặc biệt của việc sử dụng ISO 20022 ở Trung Quốc là định dạng có thể mang các ký tự tượng hình tiếng Quan thoại thay vì các chữ cái La Mã. Thông thường, các định dạng thanh toán truyền thống như tin nhắn Swift FIN MT chỉ sử dụng các chữ cái La Mã.
Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới Trung Quốc (CIPS) cũng sử dụng ISO 20022. CIPS ra mắt năm 2015 như một hệ thống thanh toán liên ngân hàng trên toàn thế giới để khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ, giúp giảm chi phí và thời gian xử lý. Thời điểm giới hạn (cut-off time) trễ hơn giúp kéo dài thời gian hoạt động của CIPS, giúp các ngân hàng ở Châu Âu thực hiện thanh toán cùng ngày dễ dàng hơn. Hơn 800 ngân hàng từ khoảng 90 quốc gia đã tham gia CIPS, với tư cách là người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp. Hệ thống thanh toán đó đặc biệt phổ biến với các ngân hàng từ các quốc gia chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các quốc gia Châu Phi đang hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
CIPS là một công cụ thay đổi cuộc chơi, cung cấp quyền truy cập xuyên biên giới có kiểm soát vào hệ thống thanh toán bù trừ nhân dân tệ nội địa CNAPS2. Sự kiểm soát này làm cho CIP trở thành một cột mốc quan trọng trong việc làm cho nhân dân tệ dễ sử dụng hơn trên toàn cầu. Hệ thống thanh toán thời gian thực giá trị thấp của Trung Quốc, được gọi là Hệ thống thanh toán ngân hàng Internet (IBPS), đã sử dụng ISO 20022 và đã được áp dụng nhanh chóng với hơn 200 ngân hàng sử dụng hệ thống này. Cùng với việc sử dụng rộng rãi ISO 20022 cho thanh toán, Hệ thống Ngoại hối Trung Quốc (CFETS) đã phát triển các thông điệp ISO 20022 bao gồm các hoạt động ngoại hối sau giao dịch.
Điều đáng chú ý là, mặc dù các hệ thống thanh toán của Trung Quốc rất tiên tiến trong việc áp dụng ISO 20022, nhưng họ không sử dụng mạng nhắn tin Swift cho hệ thống thanh toán của mình. Người ta cho rằng điều này là do Trung Quốc muốn giảm thiểu sự phụ thuộc vào Swift, nơi việc quản trị bị chi phối bởi các ngân hàng Mỹ và Châu Âu. Do đó, Trung Quốc lựa chọn quản lý mạng truyền tin điện độc quyền của mình, mặc dù vẫn sử dụng tiêu chuẩn quốc tế hiện đại, ISO 20022.
Ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác cũng được hưởng các lợi ích của việc áp dụng sớm ISO 20022, ví dụ như Ấn Độ và Thụy Sĩ. Hơn nữa, chương trình SEPA của EU đối với chuyển khoản tín dụng và ghi nợ trực tiếp cũng sử dụng ISO 20022. Nhìn chung, các hệ thống thanh toán của Trung Quốc khá tiên phong trong việc áp dụng ISO 20022, trong khi các hệ thống thanh toán RTGS khác ở Châu Âu và Bắc Mỹ mới chỉ ở giai đoạn lập kế hoạch. Ngoài mảng thanh toán thông thường, trong ngành chứng khoán, Trung tâm Lưu ký và Thanh toán bù trừ Trung Quốc (CCDC) đang khám phá việc áp dụng ISO 20022, trong khi Swift và ngành chứng khoán toàn cầu vẫn chưa thống nhất được thời hạn bắt buộc chuyển đổi sang ISO 20022.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, định hướng trong việc chấp nhận chuẩn chung ISO 20022 cho thị trường. Dự kiến, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) sẽ hoàn thành áp dụng ISO 20022 vào năm 2020. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo nghiên cứu, áp dụng ISO 20022 vào hệ thống bù trừ điện tử (ACH) cũng như các hệ thống khác phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tài liệu tham khảo:
-https://www.fintechfutures.com/2020/01/iso-20022-stepping-in-the-right-direction/
- https://www.swift.com/standards/iso-20022-programme/timeline
-https://www.swift.com/news-events/news/swift-translation-portal-makes-iso-20022-message-translation-fast_simple-and-intuitive.
-https://auspaynetsummit.com.au/wp-content/uploads/2019/11/Swift_Paper_ISO20022.pdf
-https://www.accesspay.com/knowledge-hub/payments/what-is-iso-20022/
-https://bankingblog.accenture.com/iso-20022-watershed-moment-payments-industry?lang=en_US
-https://www.fintechfutures.com/2020/03/china-leads-the-way-in-adoption-of-iso-20022-for-payments/.
ThS. Nguyễn Hoàng Việt
Theo Chuyên đề THNH số 3/2020