Việc thực thi hiệu quả CPTPP được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực hỗ trợ kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói riêng phục hồi và phát triển tốt hơn trong năm 2022 và trung hạn
Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên chính thức của nhiều tổ chức kinh tế, tài chính toàn cầu cũng như tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam và cũng là một trong những hiệp định thương mại tự do hàng đầu trên thế giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài đã và đang là nguy cơ đe dọa sự hồi phục tăng trưởng toàn cầu, việc thực thi hiệu quả CPTPP được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực hỗ trợ kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói riêng phục hồi và phát triển tốt hơn trong năm 2022 và trung hạn. Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết kinh tế quốc tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng cũng đặt ra không ít thách thức đối với sự ổn định của khu vực tài chính.
Trên cơ sở đó, bài viết sẽ đi sâu phân tích triển vọng và thách thức đối với sự ổn định tài chính tại Việt Nam trong quá trình hội nhập, thực thi CPTPP, qua đó đưa ra một số hàm ý về chính sách.
1. Tổng quan về CPTPP và các cam kết trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba trên thế giới hiện nay, gồm 11 thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, với quy mô dân số lớn (khoảng 500 triệu người) và có vị thế kinh tế quan trọng (chiếm khoảng 13,5% GDP và 14% tổng thương mại toàn cầu). Việc tham gia, ký kết Hiệp định này được kỳ vọng mở ra kỷ nguyên mới cho các nước thành viên trong phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy quản lý hiệu quả, tăng cường tính minh bạch, cải thiện phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường.
CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. CPTPP gồm 30 chương và 9 phụ lục, trong đó Chương 11 quy định về dịch vụ tài chính, ngân hàng. Các cam kết thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng của CPTPP nhằm hướng tới tăng cường phát triển thị trường dịch vụ tài chính ở các quốc gia thành viên, bao gồm: (i) Mở rộng thị trường đối với các dịch vụ tài chính thuộc phạm vi được phép cung cấp; (ii) Môi trường pháp lý và bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư; (iii) Cam kết về thanh toán, chuyển tiền, bảo vệ cán cân thanh toán, các cam kết khác liên quan đến quá trình điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp an toàn vĩ mô nhằm mục tiêu ổn định tài chính. Nhìn chung, mức độ tự do hóa tài chính trong khuôn khổ CPTPP là cao nhất so với các hiệp định thương mại tự do trước đây chúng ta đã ký kết1. Mức độ tác động của CPTPP đối với hệ thống tài chính của Việt Nam sẽ tùy thuộc vào sự chuẩn bị và khả năng khai thác tính hai mặt trong quá trình triển khai.
2. Triển vọng và thách thức đối với ổn định tài chính tại Việt Nam trong quá trình hội nhập, thực thi CPTPP
2.1. Triển vọng
Thứ nhất, tăng cường hội nhập sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong nước
Trong những năm gần đây, hệ thống ngân hàng trong nước đã có những bước tiến đáng kể; tuy nhiên, quy mô và trình độ phát triển còn tương đối khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài được kỳ vọng là một kênh huy động vốn quan trọng giúp cho các ngân hàng tại Việt Nam nâng cao khả năng thanh khoản cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh. Với việc CPTPP được thông qua, cơ hội để các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ rộng mở hơn, đặc biệt là dòng vốn từ các nước phát triển vốn là các đối tác lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Australia...
Cụ thể, khi thực thi CPTPP, Việt Nam cần thực hiện các cam kết trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; trong đó, có quy định cho phép các nhà đầu tư, ngân hàng nước ngoài mua cổ phần của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước. Ngược lại, các ngân hàng trong nước có thể tiếp cận với nguồn vốn quốc tế thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các đối tác chiến lược và ngân hàng nước ngoài. Trước khi tham gia CPTPP, một số ngân hàng ở Việt Nam như Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, BIDV có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chiếm từ 15% trở lên2. Sau khi Hiệp định được thực thi, Việt Nam có thể kỳ vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng tăng cao hơn nữa, giúp cho thị trường trong nước tiếp cận nguồn lực tài chính dồi dào hơn để mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng hoạt động.
Thứ hai, hội nhập giúp cho các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước tiếp thu công nghệ và năng lực quản trị, điều hành theo chuẩn mực quốc tế
Mở cửa thị trường tài chính sẽ tạo ra cơ hội kết nối giữa các ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài. Các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế có thể tham gia thị trường trong nước dưới hình thức góp vốn hoặc mở chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam. Việc tham gia sâu rộng của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần tạo điều kiện mở rộng hợp tác cũng như nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa.
Bên cạnh việc tiếp thu kinh nghiệm về chuyên môn và năng lực quản trị, điều hành, các ngân hàng trong nước có thể nhận chuyển giao các công nghệ tài chính tiên tiến, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế và áp dụng vào quá trình vận hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Mặt khác, hệ thống tài chính, ngân hàng trong nước đối mặt với áp lực phải thay đổi để nâng cao khả năng cạnh tranh khi nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính nước ngoài xuất hiện trên thị trường với công nghệ hiện đại cùng kinh nghiệm và kỹ năng quản lý vượt trội. Do đó, CPTPP có thể thúc đẩy hơn nữa quá trình đổi mới lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong nước, với xu hướng áp dụng các công nghệ hiện đại hiện nay như công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
Thứ ba, hội nhập mang lại cơ hội đầu tư và mở rộng ra thị trường nước ngoài
CPTPP bao phủ thị trường rộng lớn với 500 triệu dân và GDP khoảng 10 nghìn tỷ USD, chiếm tới 12,9% GDP toàn cầu và 14,9% tổng thương mại toàn cầu vào năm 2019. Tối đa 95% các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên CPTPP sẽ được miễn thuế. Đây là một cơ hội lớn giúp thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam và tạo ra lợi thế đáng kể với các khu vực khác trên thế giới. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) ước tính việc tham gia CPTPP làm tăng GDP thực tế của Việt Nam thêm 0,66% tính đến năm 2030 (tương đương khoảng 1,44 tỷ USD) so với trường hợp Việt Nam không tham gia CPTPP, phúc lợi kinh tế được dự báo tăng thêm khoảng 1,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, CPTPP có tác động tích cực tới thương mại của Việt Nam. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đến năm 2030 có thể tăng thêm 1,6%. Xuất khẩu sang các nước tham gia CPTPP sẽ tăng ở mức 14,3%, trong khi xuất khẩu sang các nước ngoài CPTPP chỉ tăng thêm 1,7%.
Các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng lợi thế này để mở rộng hoạt động xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP. Khi đó, các ngân hàng trong nước có cơ hội tăng cường cung cấp tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, việc dỡ bỏ các hàng rào đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng giúp cho các ngân hàng trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ tài chính ra nước ngoài cũng như mở rộng thêm mạng lưới hoạt động thông qua việc thành lập các văn phòng và chi nhánh ngân hàng ở nước ngoài3. Trước CPTPP, các ngân hàng Việt Nam đã có hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới nhiều hình thức. Cụ thể, cho đến đầu năm 2020, các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam có 39 văn phòng đại diện, công ty con, chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài và ngân hàng 100% vốn4; tuy nhiên, địa bàn chủ yếu là các nước đang phát triển (Lào, Campuchia, Myanmar). Trường hợp đáng chú ý là Vietinbank mở văn phòng đại diện và chi nhánh tại Đức vào năm 2010. Với việc tham gia vào CPTPP, thị trường tiềm năng của Việt Nam sẽ bao gồm nhiều quốc gia phát triển, là cơ hội để hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam vươn ra biển lớn.
Như vậy, việc mở rộng tiếp cận thị trường trong lĩnh vực tài chính không chỉ cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài được hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính trong nước thâm nhập thị trường quốc tế và mở rộng hoạt động kinh doanh. Hội nhập mở ra cơ hội cho hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam trong việc tiếp cận vốn, tăng cường thanh khoản, tiếp thu công nghệ và năng lực quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh tăng cường minh bạch trong công tác quản lý và hoàn thiện hơn nữa các chính sách về cạnh tranh. Thông qua cơ chế khuyến khích cạnh tranh, hội nhập mang lại lợi ích cho cả bên cung ứng dịch vụ và khách hàng. Các tổ chức tài chính sẽ có động lực đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn; trong khi đó, người dân có cơ hội lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tài chính chất lượng, uy tín.
2.2. Thách thức
Bên cạnh những triển vọng và cơ hội phát triển, việc thực thi CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam.
Thứ nhất, tăng cường hội nhập quốc tế có thể gia tăng mức độ cạnh tranh
Bên cạnh những tác động tích cực tới ổn định tài chính (cạnh tranh giúp khắc phục được những hạn chế của thị trường độc quyền), sự gia tăng mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng được xem là một trong những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn đối với ổn định tài chính. Keeley (1990) cho rằng, cạnh tranh có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với ổn định tài chính thông qua việc làm giảm giá trị điều lệ (charter value) cũng như lợi nhuận biên của ngân hàng. Giá trị điều lệ được hiểu là giá trị thu nhập ròng hiện tại, hay giá trị chiết khấu của thu nhập tương lai kỳ vọng của một ngân hàng, dựa trên uy tín, thị phần và khách hàng của ngân hàng đó (Acharya, 1996). Vì vậy, giá trị điều lệ được ví như “tài sản vô hình” của ngân hàng. Giá trị điều lệ càng lớn thì chi phí phá sản của ngân hàng càng lớn. Do đó, trong môi trường ít cạnh tranh, các ngân hàng ít có động cơ tiến hành các hoạt động có tính rủi ro cao; thay vào đó, họ sẽ áp dụng các biện pháp an toàn và dự phòng rủi ro nhiều hơn5. Ngược lại, khi có nhiều ngân hàng tham gia thị trường, mức độ cạnh tranh tăng lên, dẫn tới quyền lực thị trường của ngân hàng giảm; qua đó, hạ thấp giá trị điều lệ của ngân hàng và giảm chi phí phá sản của ngân hàng. Các ngân hàng vì thế chấp nhận thực hiện các hoạt động rủi ro cao hơn và chính điều này làm tăng nguy cơ phá sản của ngân hàng, gây nên bất ổn cho hệ thống tài chính.
Trong thực tế, quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng diễn ra sâu rộng trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước và cả với các ngân hàng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dưới tác động của hội nhập, đặc biệt kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khu vực tài chính, ngân hàng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự gia tăng đáng kể của dòng vốn ngoại. Hoạt động trên thị trường tài chính, tiền tệ diễn ra sôi động với việc thành lập nhiều ngân hàng/chi nhánh ngân hàng trong nước và nước ngoài. Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường tất yếu dẫn tới hoạt động chạy đua về lãi suất để tranh giành thị phần. Chính điều này sẽ tạo ra nguy cơ tích lũy tổn thương và có khả năng tạo ra rủi ro hệ thống đối với khu vực tài chính, ngân hàng. Cần chú ý rằng, việc tăng cường cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập tài chính toàn cầu không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra rủi ro hệ thống; thay vào đó, những hạn chế về trình độ phát triển và quản lý trong lĩnh vực dịch vụ tài chính cùng sự thiếu vắng cơ chế giám sát hiệu quả có thể gia tăng nguy cơ bất ổn.
Ngoài ra, cạnh tranh ngân hàng có thể xuất hiện trên cả thị trường tiền gửi và cho vay. Các ngân hàng cố gắng thu hút người gửi tiền bằng cách đưa ra một mức lãi suất hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung nhằm thu hút khách hàng. Cạnh tranh dưới hình thức này làm giảm lợi nhuận ngân hàng (trong trường hợp ngân hàng muốn duy trì thị phần) và khi sự cạnh tranh trở nên gay gắt, các ngân hàng chạy đua về lãi suất. Điều này có thể mang lại lợi ích cho khách hàng; tuy nhiên, lại khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận và có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn.
Chính vì vậy, khi tham gia hiệp định thương mại tự do có độ mở cao như CPTPP, hệ thống ngân hàng của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều thách thức tới từ những tác động tiêu cực của cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Điều này đòi hỏi cần có một cơ chế quản lý cạnh tranh hiệu quả để phát huy được những lợi thế của các ngân hàng trong nước và giảm thiểu nguy cơ phát sinh các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của hệ thống tài chính tại Việt Nam.
Thứ hai, quá trình thực thi các cam kết quốc tế có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro hệ thống đối với khu vực tài chính, ngân hàng
Có thể nói, CPTPP là một bước tiến dài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong quá trình đó, hệ thống tài chính, ngân hàng trong nước không chỉ đối mặt với rủi ro từ thị trường nội địa, mà còn đối mặt với nhiều rủi ro từ những biến động lớn trên thị trường tài chính quốc tế. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 để lại bài học sâu sắc cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam về những rủi ro mà hệ thống tài chính gặp phải khi hội nhập quá sâu vào thị trường quốc tế. Với sự liên kết ngày càng sâu rộng, sự bất ổn của một ngân hàng hay tổ chức tài chính có tầm quan trọng hệ thống có thể dẫn tới rủi ro có tính lan truyền với quy mô lớn, làm tăng nguy cơ đổ vỡ cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Chính vì vậy, kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc nhận diện và giám sát rủi ro hệ thống tài chính trở thành vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ các nước. Tại Việt Nam, vấn đề này không phải là mới nhưng chỉ bước đầu được quan tâm trong một vài năm trở lại đây. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), rủi ro hệ thống có những đặc điểm cơ bản sau: (i) Rủi ro hệ thống có tác động vào một phần lớn của hệ thống tài chính, từ đó gây ra những nguy cơ đối với toàn bộ hệ thống tài chính; (ii) Rủi ro hệ thống có thể xuất phát từ rủi ro của một tổ chức có tác động lan truyền đến các tổ chức khác và ngược lại, điều này hàm ý rằng, trong việc đo lường rủi ro cần tập trung vào những cách thức mà các cú sốc gây ảnh hưởng bất lợi đến một hoặc một vài tổ chức có thể lan truyền đến toàn bộ hệ thống tài chính (tức là xem xét đến mối liên kết giữa các tổ chức); (iii) Rủi ro hệ thống thường có những tác động đến kinh tế vĩ mô nếu không có những chính sách ứng phó nhanh chóng và mạnh mẽ.
Theo IMF (2011), nguyên nhân của rủi ro hệ thống xuất phát từ khía cạnh thời gian hay tính thuận chu kỳ và khía cạnh liên kết (cấu trúc) giữa các khu vực. Tính thuận chu kỳ xuất phát từ hành vi thuận chu kỳ của các tổ chức tài chính. Một chu kỳ tài chính thông thường bao gồm pha phục hồi và pha suy thoái, có đỉnh và đáy thể hiện thời điểm bùng nổ và khủng hoảng một cách tương ứng. Ở chiều lên của chu kỳ, biểu hiện thông thường là kinh tế tăng trưởng tốt, doanh thu và lợi nhuận đều khả quan, thanh khoản dồi dào, các tổ chức tài chính ít quan tâm tới vấn đề dự phòng thanh khoản và người đi vay có xu hướng đánh giá thấp rủi ro. Điều này, sẽ khiến cho giá tài sản và các hoạt động đầu tư tăng lên; đồng thời, cũng khiến cho tình trạng mất cân đối tài chính ngày càng tích tụ bởi việc sử dụng đòn bẩy quá cao trong các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và hộ gia đình, dẫn tới nguy cơ hình thành các bong bóng tài sản. Sự tích tụ đó khi đạt đỉnh sẽ bắt đầu rơi vào thoái trào, thể hiện ở chiều đi xuống của chu kỳ, khi kinh tế bắt đầu suy yếu và đi vào suy thoái, điều kiện tín dụng bị thắt chặt, giá tài sản lao dốc, gây ra các bất ổn đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Tính liên kết (cấu trúc) giữa các khu vực được hiểu là tồn tại mối liên kết giữa các khu vực của hệ thống tài chính, sự bất ổn ở một tổ chức tài chính có thể nhanh chóng lan sang các tổ chức tài chính và các khu vực khác, dẫn đến sự đổ vỡ hàng loạt của cả hệ thống tài chính. Nói cách khác, các cú sốc thị trường tài chính hoặc diễn biến kinh tế vĩ mô bất lợi có thể ảnh hưởng đến một loạt các trung gian tài chính và thị trường cùng một lúc và sau đó, có thể lan truyền sang các khu vực khác.
Thực tiễn cho thấy, trong giai đoạn 2007 - 2011, hai nhóm rủi ro tài chính mang tính hệ thống điển hình nhất trên thế giới cũng xuất hiện rõ ràng tại Việt Nam. Sau khi gia nhập WTO, sự gia tăng ồ ạt của các dòng vốn quốc tế, trong khi thiếu sự chuẩn bị năng lực hấp thụ cũng như cơ chế giám sát và đánh giá rủi ro hiệu quả đã khiến cho một phần không nhỏ nguồn vốn đổ vào những lĩnh vực có tính chất đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản và một số tài sản tài chính khác. Kết quả là tín dụng tăng trưởng quá nóng trong giai đoạn cuối 2007 - 2009 (biểu hiện rõ nhất là chỉ số độ lệch tín dụng/GDP - một chỉ tiêu quan trọng đánh giá tăng trưởng tín dụng quá mức hay không - đã tăng lên đáng kể, vượt xa ngưỡng an toàn theo Basel III), khiến nhiều ngân hàng rơi vào trạng thái thiếu hụt thanh khoản, mất vốn. Những hệ quả đó cùng với sự đa dạng và phức tạp ngày càng tăng cũng như tính đan xen, liên kết giữa các tổ chức tài chính trong hệ thống là nguồn gốc của những rủi ro mang tính lan truyền trong giai đoạn 2010 - 2011, biểu hiện rõ ràng nhất là căng thẳng thanh khoản hệ thống cùng với lãi suất liên ngân hàng tăng vọt và tỷ lệ nợ xấu cao trong thời gian này.
Nhằm từng bước tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, xử lý nợ xấu, xóa bỏ những yếu kém của các tổ chức tín dụng, đồng thời hướng tới mục tiêu giữ vững ổn định hệ thống, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” (ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” (ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Cho tới nay, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mặc dù đạt được những kết quả đáng kể, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như quy mô thị trường vốn còn nhỏ, thanh khoản chưa mạnh; quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn; tồn tại tình trạng mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, quá trình xử lý nợ xấu còn khó khăn; thiếu cơ chế pháp lý về quản lý cạnh tranh, giám sát và đánh giá rủi ro một cách đồng bộ và hiệu quả.
Việc tham gia Hiệp định thương mại có mức độ tự do hóa cao như CPTPP có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro hệ thống do: (i) Tăng cường hội nhập và mở cửa cũng tiềm ẩn rủi ro trong việc thực hiện mở cửa thị trường vốn và điều tiết dòng luân chuyển vốn trên thị trường tài chính; (ii) Sự liên thông giữa khu vực tài chính, ngân hàng với các khu vực khác của nền kinh tế cũng như sự liên thông giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế khi thực hiện tự do hóa tài chính với bên ngoài tạo ra các rủi ro mang tính lan truyền; (iii) Việc cho phép các ngân hàng nước ngoài được cung ứng các dịch vụ, sản phẩm tài chính có thể tăng thêm rủi ro nhất định cho hệ thống tài chính do có sự chênh lệch về mức độ phát triển thị trường tài chính cũng như năng lực quản trị, giám sát thị trường giữa các quốc gia thành viên.
Ngoài ra, nguy cơ rủi ro hệ thống tiềm ẩn đối với ổn định tài chính có thể nảy sinh từ quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư kéo theo sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ tài chính hiện nay đang khiến cho thị trường tài chính thay đổi sâu sắc bao giờ hết. Tương quan giữa khu vực tài chính với các khu vực khác được mở rộng ra nhờ các liên kết về công nghệ thông tin. Thế giới ngày càng “phẳng” hơn là nơi ươm mầm cho các sản phẩm công nghệ tài chính nở rộ, nhận được sự quan tâm và đầu tư không chỉ của các quỹ đầu tư mạo hiểm mà còn của các ngân hàng; tuy nhiên, cũng làm nảy sinh các nguy cơ rủi ro hệ thống do các quy định quản lý chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ6.
3. Một số hàm ý chính sách
Để thành công trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo ổn định tài chính, trước hết cần đảm bảo ổn định hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, bởi đây là yếu tố có vai trò chủ chốt đối với ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, góp phần quan trọng trong ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng để lành mạnh hóa toàn hệ thống, hình thành các ngân hàng mạnh, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng và tổ chức tài chính của các nước thành viên CPTPP. Cùng với đó, cần tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Theo đó, cần hoàn thiện và áp dụng các quy định quản trị về rủi ro phù hợp với chuẩn mực, nguyên tắc của Ủy ban Basel, cũng như các quy định quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế. Các chính sách về cạnh tranh cũng cần được củng cố và hoàn thiện để hạn chế những tác động tiêu cực của cạnh tranh đối với ổn định tài chính.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng còn chứa đựng rủi ro từ các tác nhân bên trong và bên ngoài hệ thống, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ quản lý, giám sát trên cơ sở tiếp cận chuẩn mực quốc tế về an toàn tài chính nhằm đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa hội nhập và ổn định tài chính, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách an toàn vĩ mô - chính sách chủ đạo để kiểm soát rủi ro hệ thống và duy trì trạng thái ổn định của hệ thống tài chính.
Khái niệm về công cụ an toàn vĩ mô còn khá mới tại Việt Nam và chủ yếu chỉ được đề cập trong các nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế. Có thể hiểu rằng, công cụ chính sách an toàn vĩ mô giúp thực hiện các mục tiêu của chính sách an toàn vĩ mô; tuy nhiên, trên thực tế, các công cụ của chính sách an toàn vĩ mô chưa được ban hành theo góc độ an toàn vĩ mô, mà các mục tiêu của chính sách an toàn vĩ mô hiện nay được thực hiện một cách gián tiếp, chủ yếu thông qua các công cụ chính sách tiền tệ và việc tuân thủ các quy định tỷ lệ an toàn đối với các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Chính vì vậy, việc thiết lập một khung khổ giám sát an toàn vĩ mô hiệu quả là cần thiết tại Việt Nam; trong đó, làm rõ các vấn đề về cấu trúc thể chế, cơ chế phối hợp và thẩm quyền của các đơn vị liên quan trong xây dựng và điều hành chính sách an toàn vĩ mô. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu mô hình và phân tích chuyên sâu để nhận diện, đánh giá rủi ro hệ thống một cách chính xác nhất, làm cơ sở đầu vào cho việc lựa chọn công cụ thực thi chính sách an toàn vĩ mô. Ngoài ra, hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ và chất lượng về an toàn vĩ mô, ổn định tài chính là các yếu tố cần thiết giúp cho một khung khổ giám sát an toàn vĩ mô hiệu quả, đây chính là tiền đề vững chắc để Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn vào thị trường tài chính quốc tế.
1 Trước CPTPP, Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức hợp tác kinh tế khu vực và toàn cầu (ASEAN, WTO, APEC…) cũng như tham gia vào 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs).
2 Nguồn: Fireant.vn
3 Điều 11.6 Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Chương 11: Dịch vụ tài chính.
4 Đầu tư ra nước ngoài của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 13/2019.
5 Xem Berger, Klapper và Turk-Ariss (2008).
6 Cho vay ngang hàng (Peer-to-peer lending) là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Acharya(1996).Charter value, minimum bank capital requirement and deposit insurance pricing in equilibrium. Journal of Banking and Finance 20, 351-375.
2. Basel Committee on Banking Supervision (2010). Guidance for national authorities operating the countercyclical capital buffer. Bank for International settlements, Dec 2010.
3. Allen Berger, Leora Klapper và Rima Turk-Ariss (2009): Bank Competition and Financial Stability. Journal of Financial Services Research 2009, vol. 35, issue 2, 99-118.
4. Dijkman, M. (2010). A Framework for Assessing Systemic Risk. Policy Research Working Paper 5282, World Bank.
5. Hà Tú Anh và cộng sự (2019). Mối quan hệ giữa cạnh tranh và ổn định hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2008 - 2016: Nghiên cứu thực nghiệm. Đề tài nghiên cứu khoa học, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2019.
6. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chương 11: Dịch vụ tài chính, Tháng 3/2018.
7. Drehmann. M., Borio. C. and Tsatsaronis. K (2012). Characterising the financial cycle: don’t lose sight of the medium term. BIS 14th Annual Conference, 2012.
8. Đỗ Việt Hùng (2017). Tăng cường giám sát rủi ro hệ thống - giải pháp cho những nguy cơ bất ổn tài chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tạp chí Ngân hàng 1+2/2017.
9. IMF (2014). Staff guidance note on macroprudential policy - detailed guidance on instruments.
10. IMF (2011). Macroprudential Policy: What Instruments and How to Use Them. IMF Working Paper, Oct 2010.
11. Keeley, M. C. (1990). Deposit Insurance, Risk, and Market Power in Banking. The American Economic Review, 80(5), 1183-1200.
12. Phạm Thị Hoàng Anh và cộng sự (2016). Điều hành chính sách giám sát an toàn vĩ mô: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học, Học viện Ngân hàng, 2016.
ThS. Hoàng Lan Hương
Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, NHNN