Tám tháng đầu năm 2022, nhờ hàng loạt cơ chế, chính sách được Chính phủ, các bộ, ngành ban hành kịp thời như điều chỉnh giảm giá xăng dầu, miễn giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp…, tạo điều kiện cho nền kinh tế cả nước nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh sau dịch. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh với chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn đã tích cực, chủ động, làm tốt công tác tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế chính sách của Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo, điều hành về chính sách tiền tệ của NHNN đến các TCTD, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần ổn định tình hình an sinh, xã hội trên địa bàn.
Tập trung nguồn vốn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch
NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đã tích cực triển khai các nội dung Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022 tới các TCTD, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Về huy động vốn, NHNN Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD, chi nhánh các NHTM tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế. Tính đến ngày 24/8/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 200.203 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2021; trong đó, tiền gửi của tổ chức đạt 100.217 tỷ đồng, tăng 9,3%, đạt 50,1%; tiền gửi của cá nhân đạt 97.723 tỷ đồng, tăng 0,8%, đạt 48,8%; nguồn vốn huy động khác (bao gồm vốn tài trợ ủy thác đầu tư, tiền gửi của các TCTD khác, tiền gửi của các định chế tài chính…) đạt 1,1%. Tính đến hết tháng 8/2022, tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 201.500 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cuối năm 2021.
Mặt bằng lãi suất huy động biến động gia tăng ở các kỳ hạn, tuy nhiên chủ yếu từ các đơn vị NHTM cổ phần ngoài nhà nước. Về phía các chi nhánh NHTM cổ phần nhà nước, trong tháng 8/2022 đã có một số đơn vị triển khai tăng lãi suất nhẹ như Chi nhánh NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Bắc Ninh, Chi nhánh NHTM cổ phần Ngoại thương Bắc Ninh, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh.
Về hoạt động tín dụng, đến ngày 24/8/2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 142.768 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 97.619 tỷ đồng, tăng 18,1% so cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 68,4%; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 45.149 tỷ đồng, tăng 11,3%, chiếm 31,6%. Cơ cấu tín dụng duy trì theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp và người dân, phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỷ trọng dư nợ các lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp xây dựng - thương mại dịch vụ tương ứng là 5,7% - 33,2% - 61,1%. Đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ cho vay dự kiến đạt 141.500 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với cuối năm 2021.
Lãi suất cho vay VND đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên duy trì ở mức 4,5%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường khác lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến dao động trong khoảng 7 - 9,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn dao động phổ biến trong khoảng 9,5 -10,5%/năm.
Các TCTD, chi nhánh NHTM trên trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của NHNN tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021. Kết quả, tổng giá trị nợ được miễn, giảm lãi vay lũy kế đạt 10.420 tỷ đồng, số lãi đã miễn, giảm lũy kế là 61 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.214 khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 4.288 tỷ đồng; doanh số cho vay mới đạt 110.827 tỷ đồng với 3.427 khách hàng còn dư nợ.
Về hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã cho vay 142 người sử dụng lao động với mục đích: Trả lương ngừng việc; trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh; trả lương phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tổng số tiền hỗ trợ là 459,6 tỷ đồng với 117.428 lượt người lao động.
Các TCTD trên địa bàn đã tập trung dành nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho các ngành, lĩnh vực, chương trình tín dụng trọng điểm theo tinh thần chỉ đạo của NHNN và của tỉnh. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 42.238 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ, với 120.248 khách hàng còn dư nợ; dư nợ chương trình cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 51,3 tỷ đồng; dư nợ đối với ngành chăn nuôi lợn là 1.805,5 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 đạt 40 tỷ đồng với 327 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 18.921 tỷ đồng, chiếm 13,4%, với 2.075 doanh nghiệp còn dư nợ.
Bên cạnh tín dụng thương mại, các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp tục triển khai hiệu quả. Đến ngày 24/8/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt 3.453 tỷ đồng, tăng 443 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường là 1.105 tỷ đồng, đạt 31,99% tổng dư nợ; cho vay ưu đãi hộ nghèo là 187 tỷ đồng, đạt 5,42%; cho vay hộ cận nghèo là 256 tỷ đồng, đạt 7,4%; cho vay hộ mới thoát nghèo là 271 tỷ đồng, đạt 7,85%; cho vay nhà ở xã hội là 257 tỷ đồng, đạt 7,44%; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 794 tỷ đồng, đạt 23%,...
Về chất lượng tín dụng, các chi nhánh ngân hàng, TCTD trên địa bàn tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN và của Hội sở chính trong triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, thu hồi, cũng như ngăn ngừa rủi ro nợ xấu. Dự kiến đến hết ngày 31/8/2022, tỷ lệ nợ xấu là 0,66%/tổng dư nợ cho vay.
Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tiếp tục theo dõi, nắm bắt, quản lý hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng trên địa bàn, đảm bảo duy trì hoạt động được an toàn, ổn định; tháng 8/2022, đã xác nhận đăng ký 22 khoản vay, trả nợ nước ngoài, xác nhận thay đổi 22 khoản vay, trả nợ nước ngoài và phúc đáp 01 đơn đăng ký khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp.
NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh cũng đã đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát tình hình hoạt động của các TCTD trên địa bàn; tiếp tục triển khai Phương án củng cố, cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2023 của một số quỹ tín dụng nhân dân, xử lý các quỹ tín dụng yếu kém; tăng cường giám sát tình hình hoạt động và phương án tái cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đối với một số chi nhánh NHTM cổ phần trên địa bàn theo chỉ đạo của NHNN; thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, tội phạm, tiêu cực trong ngành Ngân hàng theo đúng quy định.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN về đẩy mạnh chuyển đổi số, cùng với việc triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025; thí điểm mô hình dịch vụ thanh toán Mobile-Money về dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, công tác thông tin, truyền thông cũng được quan tâm, chú trọng. NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi các TCTD, chi nhánh NHTM trên địa bàn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của NHNN hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh để tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin về cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về vay vốn, về lãi suất, về triển khai tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… góp phần đưa chính sách đi vào thực tiễn, triển khai có hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng.
Nhiệm vụ đặt ra những tháng cuối năm
Trong những tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; Kết luận của Thống đốc NHNN tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; Kế hoạch của ngành Ngân hàng tỉnh Bắc Ninh triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; đồng thời, triển khai có hiệu quả về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Thống đốc NHNN.
NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh tiếp tục theo dõi, giám sát các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, của NHNN; triển khai tích cực và hiệu quả hệ thống chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; cấp tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng, chống ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, triển khai cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan đến TCTD yếu kém; tăng cường quản lý hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn; đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ngành; tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về chính sách tiền tệ - tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế của ngành Ngân hàng.
Các chi nhánh NHTM, TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu được giao năm 2022 và các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của NHNN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; tiếp tục tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ và cho vay lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; triển khai thực hiện có hiệu quả về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN; chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, các quy định về an toàn kho quỹ, về thu chi tiền mặt, đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng thời, triển khai hiệu quả chỉ đạo của NHNN và Hội sở chính về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Ngọc Minh (NHNN)