Nếu diễn biến dịch Covid -19 tiếp tục theo chiều hướng xấu đi, khách hàng sẽ cần hỗ trợ nhiều hơn thì cần có sự trợ lực từ ngân sách Nhà nước. Nhưng dù nguồn lực đó là từ ngân sách hay từ sự chia sẻ của các TCTD như lúc này thì vẫn phải lấy hiệu quả làm trọng. Vốn hỗ trợ phải được đưa đến đúng lúc, đúng chỗ, sử dụng đúng mục đích…
Vừa qua, ngày 3/3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các TCTD cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng)…
Một gói khác từ các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng sẽ được Bộ Tài chính đề xuất để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội… Thông tin này khiến người dân, doanh nghiệp rất vui mừng bởi tác động từ Covid-19 đang ngày càng nặng nề.
Ảnh minh họa
Về gói hỗ trợ tín dụng, phát biểu tại cuộc họp với các TCTD hôm 2/3, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, các TCTD đã xây dựng và triển khai nhiều gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất, với tổng giá trị tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng. Các gói tín dụng này đều có lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% đến 1,5% so với cho vay thông thường.
Đơn cử, BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng DN hiện hữu và một gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, Vietcombank giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch có dư nợ hiện hữu với ước tính quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng… Hay Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho các DNNVV vay với lãi suất từ 6,99%/năm. Thời gian tới, NH này sẽ triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm các DN lớn...
Trong các gói tín dụng này, phần hỗ trợ qua giảm lãi suất hay giãn, hoãn nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 là hoàn toàn do các NHTM phải chủ động tính toán, cắt giảm chi phí, hy sinh lợi nhuận chứ không phải hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đơn cử, tại Vietcombank với dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn thuộc diện được hỗ trợ, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với DN vào khoảng 300 - 450 tỷ đồng.
Thủ tướng khẳng định: Chúng ta chưa gọi đây là gói kích thích kinh tế. Tinh thần là có hiệu lực ngay để hỗ trợ đến DN và người dân. Cấm tư tưởng xin, cho, không minh bạch… Do đó, các đối tượng thụ hưởng cần nắm rõ việc hỗ trợ cho khách hàng nào, khoản vay nào sẽ do các NHTM xem xét, quyết định và hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đây là tín dụng thương mại (có vay, có trả) với lãi suất thấp hơn nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chứ không phải gói tín dụng chính sách (mà đôi khi bị khách hàng hiểu nhầm là nhà nước “cho không” như đã từng diễn ra ở một số chương trình hỗ trợ trước đây). Việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ này không chỉ là sự chia sẻ, hy sinh lợi nhuận mà còn là thách thức không nhỏ đối với NHTM.
Bởi, thứ nhất ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu không chỉ đối với khoản cho vay hiện hữu mà có thể phát sinh cả trong gói tín dụng hỗ trợ cho vay mới này. Tính tại thời điểm đầu tháng 3/2020 dự kiến mức độ ảnh hưởng khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Theo hai kịch bản về tác động của dịch Covid-19 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, NHNN dự tính: Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và chấm dứt trong quý I/2020 thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và đã thực hiện phân loại nợ sẽ ở mức từ 2,9%-3,2%; nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối quý II/2020 mới chấm dứt thì tỷ lệ nợ xấu sẽ gần 4% vào cuối năm 2020. Dịch bệnh có thể sẽ qua đi trong một vài tháng tới nhưng để xử lý nợ xấu phát sinh do dịch bệnh là một quá trình dài, khó khăn. Các TCTD sẽ phải nỗ lực giải quyết, tự chịu trách nhiệm mà khó tìm được sự chia sẻ hay hỗ trợ trong vấn đề này.
Vấn đề thứ hai, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý I/2020, CPI bình quân năm 2020 sẽ tăng 3,96% so với năm 2019. Ở kịch bản hai, nếu dịch bệnh kéo dài thêm, cộng thêm các yếu tố bất lợi khác thì CPI bình quân năm 2020 có thể tăng tới 4,86%. Như vậy ngành Ngân hàng sẽ phải rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát lạm phát mà quốc hội, Chính phủ giao. Chưa kể, lâu nay người dân luôn được hưởng lãi suất tiết kiệm thực dương. Dù giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng nhưng các TCTD sẽ khó giảm lãi suất huy động với bước giảm tương ứng.
Do đó, nếu diễn biến dịch Covid -19 tiếp tục theo chiều hướng xấu đi, khách hàng sẽ cần hỗ trợ nhiều hơn thì cần có sự trợ lực từ ngân sách Nhà nước. Nhưng dù nguồn lực đó là từ ngân sách hay từ sự chia sẻ của các TCTD như lúc này thì vẫn phải lấy hiệu quả làm trọng. Vốn hỗ trợ phải được đưa đến đúng lúc, đúng chỗ, sử dụng đúng mục đích…
Kiều Vân
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/goi-tin-dung-ho-tro-tam-the-nguoi-trong-cuoc-98778.html