Chính phủ điện tử thay đổi phương thức quản lý minh bạch hơn nhằm hướng đến việc cung cấp dịch vụ công tốt hơn đến người dân là một xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong quá trình đó, hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng ở các địa phương phải được tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách có ý nghĩa rất quan trọng.
Ảnh minh họa
Ông Tô Duy Lâm - Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, trước hết phải thực hiện các nhiệm vụ của NHTW giao trong quá trình tổ chức thực hiện Chính phủ điện tử với vai trò là đơn vị trực thuộc và tham mưu cho chính quyền địa phương. Trong đó, phải điều hành qua hệ thống văn bản điện tử, thư điện tử; cung cấp thông tin, dịch vụ cho các TCTD, doanh nghiệp qua mạng internet gắn với chương trình cải cách hành chính của NHTW. Bởi hiện tại TP.HCM đang có trên 2.500 TCTD là hội sở, chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn. Tiếp theo, phải hỗ trợ cung cấp dịch vụ thanh toán qua ngân hàng bằng các phương thức điện tử, nhằm giảm thiểu sử dụng tiền mặt của người dân trong dịch công trực tuyến. Cùng với đó ngân hàng phải đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cung ứng ứng dịch vụ, kết nối, đối thoại với doanh nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, cung cấp, xử lý văn bản trong hệ thống ngân hàng trong 3 năm qua đã nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và ngân hàng. Từ thực tế ở TP.HCM, nhận thấy kết quả quản lý qua ứng dụng điện tử hóa văn bản, giám sát kiểm soát tốt hơn hoạt động ngân hàng và nắm bắt nhanh hơn những khó khăn vướng mắc trên thị trường. Thấy rõ nhất trong việc điện tử hóa văn bản là tiết kiệm chi phí in ấn, thời gian lưu trữ, đảm bảo thông tin điều hành, thông tin quản lý, thông tin báo cáo… được chuyển đi, chuyển đến hoặc báo cáo nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Từ hiệu quả quản lý đó đã góp phần quan trọng trong cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thu chi ngân sách, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Hiện nay ngoài lĩnh vực thu thuế, các khoản chi ngân sách, chi thường xuyên: lương, chi tiêu công đã và đang thực hiện theo quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Các dịch vụ: điện, nước, bảo hiểm, y tế và giáo dục đang được ngành Ngân hàng TP.HCM phối hợp tổ chức. Trong đó, riêng lĩnh vực thu tiền điện, TP.HCM có trên 91% hộ gia đình thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các trung gian thanh toán. Góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các TCTD, doanh nghiệp. Đơn cử, từ đổi mới trình giao dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả quản lý đến hỗ trợ doanh nghiệp nhờ giảm chi phí cho doanh nghiệp về thời gian, thủ tục, về tiện ích và lãi suất…
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, với vai trò cơ quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và ngân hàng trên địa bàn trong thời gian tới phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chính phủ điện tử của ngành Ngân hàng và của chính quyền thành phố. Trong đó thực hiện tốt vai trò thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử của NHTW theo Quyết định 333/QĐ-NHNN. Với vai trò là sở ngành trực thuộc TP.HCM, phải tham mưu và chỉ đạo TCTD cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua hoạt động thanh toán các loại phí dịch vụ công không dùng tiền mặt, cung cấp sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân.
Ngoài ra, NHNN thành phố phải tạo điều kiện thuận lợi thuận lợi để các TCTD triển khai các hoạt động đầu tư, đổi mới ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý và phát triển dịch vụ ngân hàng. Trong đó, đặc biệt quan tâm quản lý các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, Internet Banking, Mobile Banking và các dịch vụ ví điện tử, QR Code… Quản lý ngân hàng điện tử trên tinh thần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và tạo lợi ích tối đa cho người sử dụng dịch vụ hiện đại và đảm bảo an toàn bảo mật.