Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe chủ động - Bí quyết cân bằng cuộc sống”.
Chương trình sẽ được phát sóng trực tiếp vào lúc 20h thứ Sáu, ngày 18/10/2024 trên Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống https://suckhoedoisong.vn, YouTube, fanpage, TikTok của Báo Sức khỏe và Đời sống và Fanpage Công đoàn Ngân hàng Việt Nam https://www.facebook.com/VNUBW.
Tọa đàm sẽ mang đến những kiến thức bổ ích cùng các biện pháp thiết thực về chăm sóc sức khỏe tâm thần, giải quyết các vấn đề tâm lý và lối sống của phụ nữ trong ngành Ngân hàng hiện đại. Những chủ đề như áp lực công việc, ảnh hưởng của mạng xã hội, áp lực gia đình và các dấu hiệu trầm cảm nơi công sở cũng sẽ được đề cập. Ngoài ra, chương trình cũng tập trung vào các phương pháp chăm sóc sức khỏe chủ động, phòng chống bệnh tật và giảm căng thẳng để duy trì một cuộc sống cân bằng và khỏe mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như căng thẳng, lo âu và trầm cảm đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2022, WHO ước tính rằng khoảng 1/8 người trưởng thành trên toàn cầu phải đối mặt với tình trạng lo âu và căng thẳng kéo dài. Tại Việt Nam, một khảo sát của Bệnh viện Tâm thần Trung ương năm 2023 cho thấy khoảng 20% người trưởng thành gặp phải các vấn đề tâm lý, đặc biệt là căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Nguyên nhân chính bao gồm áp lực công việc, tài chính và các vấn đề trong quan hệ gia đình. Những thách thức này đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm dân số dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ và thanh niên.
Trong ngành Ngân hàng, phụ nữ hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực, từ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách đến vai trò kinh doanh và tác nghiệp tại các ngân hàng thương mại. Dù ở vị trí nào, họ đều thể hiện xuất sắc vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp quan trọng vào thành công của đơn vị và toàn Ngành. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng phụ nữ phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực hơn so với nam giới.
Một trong những thách thức lớn đối với phụ nữ trong ngành Ngân hàng là mức độ tiếp cận với cơ hội học tập, phát triển chuyên môn và thăng tiến vẫn còn hạn chế. Điều này trở nên rõ rệt hơn khi phụ nữ thường bị giới hạn bởi các rào cản xã hội và gia đình. Áp lực từ công việc đòi hỏi cao về hiệu suất và sự cống hiến, kết hợp với trách nhiệm gia đình, khiến họ dễ bị căng thẳng và lo âu hơn, khó khăn hơn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề này và tìm kiếm các giải pháp thiết thực, nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe chủ động - Bí quyết cân bằng cuộc sống”. Mục tiêu của chương trình là giúp chị em phụ nữ, cán bộ, đoàn viên, và người lao động trong ngành Ngân hàng hiểu rõ hơn các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đồng thời cung cấp những giải pháp thiết thực để tạo dựng một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc. Đây là cơ hội quan trọng để người tham dự trang bị thêm kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe tinh thần trong cuộc sống hiện đại.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu:
- PGS., TS., BS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam kiêm Trưởng phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM - một nhà khoa học và giảng viên cao cấp trong lĩnh vực y học. Ông có nhiều nghiên cứu và đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực liên quan đến dinh dưỡng, y tế dự phòng và sức khỏe cộng đồng. Ông đã tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu về dinh dưỡng lâm sàng, đặc biệt là liên quan đến các giải pháp dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn.
- TS. Tâm lý thực hành Vera Hà Anh, Trưởng bộ môn Nghiên cứu, thực hành đào tạo và tham vấn tâm lý Tình yêu - Hôn nhân gia đình, Viện Nghiên cứu ứng dụng Việt Nam bách nghệ thực hành - là diễn giả có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn hạnh phúc, hôn nhân, gia đình.
- ThS. BS nội trú Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E - là một bác sĩ giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm khám chữa và điều trị các bệnh tâm lý; giảng viên Bộ môn Tâm thần và Tâm lý lâm sàng, Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cán bộ, đoàn viên, người lao động có thể gửi câu hỏi về Ban Tổ chức Chương trình ngay từ bây giờ theo địa chỉ:
Email: tuyengiaocdnhvn@gmail.com
toasoan@suckhoedoisong.vn
Hoặc gọi theo số 0904.852.222 trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia trong thời gian diễn ra chương trình.