Keywords: Digital transformation, ASEAN, ecommerce.
1. Thực trạng chuyển đổi số ở Đông Nam Á
Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục hồi ASEAN sau đại dịch và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực trong trung và dài hạn được xem là một trong năm chiến lược phục hồi chính của Khung phục hồi tổng thể ASEAN1. Trụ cột chính của chuyển đổi số là Hiệp định khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA). Kế hoạch chuyển đổi số của ASEAN với chiến lược đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Doanh thu tổng giá trị hàng hóa từ thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á đạt 174 tỷ USD (2021). Dự báo, thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lên 360 tỷ USD (2025). Trong đó, 03 quốc gia (Indonesia, Thái Lan, Philippines) có mức doanh thu thương mại điện tử tăng trưởng vượt bậc. Năm 2021, doanh thu thương mại điện tử của Indonesia đạt hơn 43 tỷ USD. Mặc dù lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam mới chỉ phát triển, song doanh thu đã đạt 14 tỷ USD (2020). Việt Nam đang là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới về thương mại điện tử xuyên biên giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.
Thương mại điện tử là lĩnh vực hàng đầu nhận được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất tại Thái Lan, là lĩnh vực khuyến khích được nhiều doanh nghiệp địa phương tăng khả năng cạnh tranh và đổi mới trong các lĩnh vực thương mại trực tuyến, công nghệ tài chính (Fintech) và trí tuệ nhân tạo (AI). Ưu tiên phát triển thương mại số đóng vai trò thiết yếu đối với quá trình hồi phục và tăng trưởng kinh tế của Indonesia, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch. Thương mại điện tử Indonesia đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số bởi thương mại điện tử đã thúc đẩy các hoạt động trực tuyến và sự chuyển dịch của các doanh nghiệp sang hoạt động kỹ thuật số.
Thương mại điện tử của Philippines tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch. Năm 2020, thương mại điện tử đã đóng góp 3,4% GDP của Philippines (tương đương 12 tỷ USD) và đặt mục tiêu tăng 5,5% GDP năm 2022. Philippines đứng thứ hai (sau Indonesia) về mức độ triển khai thương mại điện tử mạnh nhất khu vực ASEAN. Nhờ tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa nên tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Philippines thông qua những ứng dụng trên điện thoại di động rất lớn. Hiện Philippines đang lập ra những quy định và khuôn khổ mang tính chính sách để hỗ trợ hoạt động của kinh tế số, triển khai số hóa các dịch vụ quan trọng của Chính phủ. Năm 2022, lộ trình thương mại điện tử của Philippines đặt mục tiêu tạo ra hệ sinh thái thúc đẩy sự phát triển của Ngành, tạo nhiều việc làm và giúp nền kinh tế tăng trưởng toàn diện.
Thương mại điện tử đã giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam duy trì kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư năm 2021 và phục hồi kinh tế trong xu thế bình thường mới. Theo báo cáo e-Conomy 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, khoảng 71% người Việt Nam đã thực hiện ít nhất một giao dịch trực tuyến trong năm 2021. Trong đó, thương mại điện tử trở thành nhân tố phát triển chính của nền kinh tế số Việt Nam. Trụ cột quan trọng của chuyển đổi số là công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing). Chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây giúp xây dựng hệ sinh thái để các doanh nghiệp điện toán đám mây làm chủ công nghệ, cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ điện toán đám mây tiêu chuẩn để hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời kỳ Covid-19. Để thực hiện chuyển đổi số, ASEAN tập trung đầu tư vào dịch vụ điện toán đám mây AWS (Amazon Web Services -AWS) nhằm mục tiêu:
Thứ nhất, nâng cao độ ổn định của các tổ chức, đưa ra các mô hình hoạt động dựa trên đám mây để không bị ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách. Đặc biệt trong bối cảnh phải thực hiện lệnh giãn cách của đại dịch Covid -19.
Thứ hai, giảm chi phí đáng kể của công nghệ điện toán đám mây, như: Không phải chi trả khoản chi phí trả trước nào cho phần mềm và phần cứng để vận hành hệ thống. Không phải chi trả cho phần cứng đắt tiền và việc nâng cấp phần mềm ít tốn kém hơn.
Thứ ba, tạo khả năng mở rộng công suất hệ thống theo nhu cầu. Hệ thống lưu trữ trên đám mây nằm ở nhiều vùng địa lý khác nhau và có quy mô lớn. Do đó, khả năng xử lý dữ liệu và duy trì hoạt động đạt gần như 100%2.
Những điển hình ứng dụng điện toán đám mây của ASEAN phải kể đến nhà cung cấp dịch vụ Philippines đã chuyển sang môi trường điện toán đám mây để hạ thấp chi phí. Công ty bảo hiểm của Singapore cũng triển khai hệ thống trên nền tảng Amazon Connect để triển khai trung tâm dịch vụ khách hàng trên môi trường điện toán đám mây.
Singapore đàm phán những thỏa thuận hợp tác về kinh tế số với Chile, New Zealand, Australia, Hàn Quốc, Anh và đang dẫn đầu khu vực về thanh toán điện tử với giao dịch thời gian thực tăng mạnh. Các giao dịch giấy tờ thương mại và tài chính đã được “số hóa”, từ việc mở tài khoản ngân hàng, thanh toán hóa đơn điện tử đến đăng ký thành lập công ty đều được thực hiện trực tuyến chính xác và hiệu quả. Singapore trở thành quốc gia đầu tiên cấp giấy phép ngân hàng kỹ thuật số, cho phép các tổ chức phi ngân hàng chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính trực tuyến.
Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, ASEAN đã thực hiện triển khai các sáng kiến mới như:
Thứ nhất, xây dựng khung khổ về chuyển vùng di động quốc tế. Với sáng kiến “ASEAN - Roam Like at Home” (ASEAN - chuyển vùng như ở nhà) nhằm tăng cường kết nối khu vực ASEAN thông qua giảm mạnh cước chuyển vùng quốc tế thông tin di động, hướng tới mục tiêu người dân ASEAN chỉ phải trả phí chuyển vùng quốc tế trong phạm vi các nước ASEAN. Để hiện thực hóa mục tiêu này một cách thống nhất và có lộ trình, ASEAN cam kết thúc đẩy mạnh và tạo động lực để các nhà mạng di động tiến hành đàm phán giảm cước chuyển vùng. Sáng kiến chiến lược “ASEAN - Roam Like at Home” cung cấp nhiều gói cước ưu đãi giúp khách hàng khu vực ASEAN kết nối liền mạch, an toàn và tiện lợi hơn.
Thứ hai, hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp trong công tác giáo dục để hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 4.0. Các nước ASEAN thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp thành viên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF - World Economic Forum) - là một trong những Diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả để “Thành lập Đại học thực nghiệm ASEAN 4.0” (Digital ASEAN 4.0 University Model Labs). Đây sẽ là nơi các nước ASEAN thực nghiệm và thực hiện sử dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Thứ ba, xây dựng Mạng lưới trung tâm chia sẻ nguy cơ mất an toàn thông tin chung cho ASEAN. Trung tâm này sẽ là nền tảng kết nối các cơ quan, tổ chức liên quan của các quốc gia thành viên, cung cấp, chia sẻ thông tin hai chiều về nguy cơ, rủi ro tấn công mạng. Cùng nỗ lực chung tay bảo vệ chủ quyền không gian mạng của ASEAN để mọi hệ thống, mọi kết nối và mọi công dân được đảm bảo an toàn. ASEAN sẽ là nơi đầu tiên trên thế giới trở nên “phẳng” khi hiện thực hóa được ba sáng kiến này.
Chuyển đổi số khu vực ASEAN có nhiều đặc điểm rất thuận lợi, như: i) Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyển thông (ICT - Information Communication Technology) rất phát triển và đầy tính sáng tạo; ii) Tầng lớp trung lưu đang mở rộng. Việt Nam thuộc nhóm nước tăng số người thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất thế giới. Dự báo, với 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu năm 2030 (đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia với 75,8 triệu người và Philippines với 37,5 triệu người)3; iii) Kinh tế Internet đang phát triển nhanh chóng. Số người dùng Internet ở 06 quốc gia ASEAN4 lên hơn 440 triệu người (2021), trong đó 80% đã mua hàng trực tuyến.
Kinh tế Internet ở 06 quốc gia ASEAN dự đoán sẽ vượt 360 tỷ USD năm 2025 và đạt 700 tỷ USD đến 1 nghìn tỷ USD năm 20305; iv) Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tràn đầy năng lượng và dân số trẻ khổng lồ với hơn nửa trong số 648 triệu người dưới 30 tuổi khiến Đông Nam Á trở thành một khu vực đầy hứa hẹn để nhảy vọt trong làn sóng kỹ thuật số. ASEAN đang sẵn sàng cho mục tiêu số hóa nền kinh tế.
Chuyển đổi số của ASEAN được dự báo sẽ tạo thêm 1.000 tỷ USD vào GDP khu vực năm 2030. Đối với Việt Nam, GDP sẽ tăng 100 tỷ USD (2030) nhờ quá trình chuyển đổi số mang lại6.
2. Thách thức trong chuyển đổi số của ASEAN
Tiến trình chuyển đổi số của ASEAN còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do hạn chế về năng lực và mạng lưới kết nối mặc dù triển vọng chuyển đổi số của ASEAN rất sáng sủa. Truy cập Internet cũng như tiến trình số hóa ở Đông Nam Á vẫn chưa đồng nhất, vẫn còn sự phân chia trong tiến trình tiếp cận kỹ thuật số và nhiều vấn đề làm lu mờ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số khu vực. Những thách thức mà ASEAN đang phải đối diện trong tiến trình chuyển đổi số, đó là:
Thứ nhất, tồn tại khoảng cách phát triển kỹ thuật số trong khu vực. Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng kỹ thuật số nhanh song truy cập Internet cũng như tiến trình số hóa ở Đông Nam Á về tổng thể vẫn chưa đồng nhất, tồn tại sự phân chia trong tiếp cận kỹ thuật số giữa các nước thành viên ASEAN và ngay trong chính bản thân mỗi nước. Sự phân hóa kỹ thuật số thể hiện rõ ở các vùng nông thôn Đông Nam Á. Dân số nông thôn Đông Nam Á trải qua sự phân hóa kỹ thuật số đáng kể với đặc trưng là thiếu sự sẵn có và giảm sự lựa chọn. Sự phân hóa này là do mức chi phí đầu tư cần thiết để thiết lập cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc ở các vùng nông thôn cao hơn so với chi phí ở các thành thị. Chi phí truy cập Internet hiện vẫn còn quá cao đối với các gia đình có thu nhập thấp. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ cần thiết để sử dụng Internet phân bổ không đồng đều giữa các khu vực thành thị, nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Mất cân bằng giữa các quốc gia trong khu vực về việc tiếp cận Internet, cũng như tốc độ đường truyền và chi phí sử dụng Internet.
Thêm nữa, những rào cản về pháp lý khiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến, quá trình xây dựng Chính phủ điện tử trong khu vực còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc người dân, doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số và thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số.
Thứ hai, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Mặc dù tiến trình chuyển đổi số của ASEAN đạt nhiều triển vọng và tiềm năng, song tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những rào cản đối với tăng trưởng kinh tế số ở ASEAN, đặc biệt là các nước “tầm trung” trong khối.
Quá trình chuyển đổi số chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Thể chế và quy định pháp luật cho chuyển đổi số và các hoạt động kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là chậm hoàn thiện. Chưa ban hành chiến lược tổng thể quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Chưa có hành lang pháp lý cho việc thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tạo nên “xương sống” của nền kinh tế số ở ASEAN. Có tới 3/4 số doanh nghiệp trong khu vực xem xét nghiên cứu những cơ hội mà hội nhập kinh tế số đem lại, song chỉ có 16% số doanh nghiệp hoàn toàn làm chủ được công nghệ số.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu gặp nhiều khó khăn. Kết nối dữ liệu là bài toán khó đối với Việt Nam. Nhiều bộ, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu manh mún và phân tán, thiếu sự kết nối liên thông. Để những mô hình nền tảng dịch vụ về công nghệ, những mô hình dịch vụ công nghệ số triển khai tốt, đảm bảo thì rất cần có sự kết nối chia sẻ dữ liệu từ các cơ quan Nhà nước.
Nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt cũng là yếu tố thách thức, trở ngại đối với phát triển kinh tế số. Tiền mặt được sử dụng nhiều trong các giao dịch thương mại điện tử thể hiện sự thiếu niềm tin và tôn trọng lẫn nhau và làm giảm rất nhiều khả năng kết nối thành công các giao dịch.
Thứ ba, những quy định thương mại số ở các nước ASEAN vẫn mang tính chắp vá. Những quy định thương mại số ở các nước ASEAN nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung vẫn mang tính chắp vá. Các chính sách quan trọng như sự cởi mở dữ liệu và tính riêng tư vẫn chưa được phát triển ở các nước ASEAN.
Mặc dù ASEAN có Hiệp định thương mại tự do lớn nhất khu vực, đó là: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - Regional Comprehensive Economic Partnership) song những hiệp định thương mại số hiện mới đang bắt đầu hình thành, như Hiệp định Đối tác kinh tế số (DEPA - Digital Economic Partnership Agreement) và Hiệp định Kinh tế số (DEA - Digital Economic Agreement). Hiệp định Đối tác Kinh tế số (DEPA) đã có hiệu lực tại Chile năm 2021. DEPA là Hiệp định đi đầu trong phát triển kinh tế kỹ thuật số nhằm thiết lập hệ sinh thái kỹ thuật số chung dựa trên các nguyên tắc hiện đại nhất của thương mại điện tử cũng như bao gồm các khía cạnh mới liên quan đến cách mạng kỹ thuật số, như trí tuệ nhân tạo hoặc nhận dạng kỹ thuật số.
DEPA khu vực phức tạp hơn rất nhiều so với DEA song phương. Vì vậy, rất cần khoảng thời gian dài để nghiên cứu DEPA, chưa nói đến việc bắt đầu đàm phán7. Điều đó cho thấy còn có nhiều thách thức. Tuy nhiên, DEPA sẽ là bước tiến quan trọng để ASEAN thực hiện những tham vọng về kỹ thuật số. Đây là hai hiệp định thương mại tự do mới liên quan đến những vấn đề kinh tế số mang tính tổng thể và những vấn đề mang tính xuyên suốt như dòng chảy dữ liệu và công nghệ mới nổi.
Thứ tư, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và chuyển đổi số là nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin. Thiếu hụt nhân lực là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng chuyển đổi số của ASEAN và Việt Nam bởi nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của nền kinh tế số. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng, trong khi giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển như vũ bão của kinh tế số. Thương mại điện tử đóng góp chính cho sự phát triển kinh tế số nhưng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đòi hỏi lao động vừa có kiến thức về công nghệ, vừa phải hiểu biết về thương mại để nắm bắt kịp thời các xu hướng mới, ứng dụng một cách hiệu quả nhất, an toàn nhất. Tuy vậy, các kỹ năng này đều là điểm yếu của lao động của các nước ASEAN và Việt Nam. Các kỹ năng chuyên ngành công nghệ thông tin mà thương mại điện tử khó tuyển dụng gồm kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử kỹ năng quản trị, kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai dự án, kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu.
Việt Nam có khoảng 900.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong đó có số lượng lớn kỹ sư về trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, khoa học dữ liệu. Mặc dù, số người được cấp chứng chỉ nhiều, chất lượng có được cải thiện. Tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn xếp hạng trung bình khá về chất lượng, về lao động chuyên môn cao và năng lực sáng tạo trong kinh tế số khi so với thế giới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tay nghề chỉ đạt 60%, vẫn còn khoảng cách xa so với yêu cầu chuyển đổi số. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin về cả số lượng và chất lượng được xem là một trong những mối thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế số của không chỉ Việt Nam mà cả khu vực ASEAN.
Thứ năm, thách thức về an ninh mạng, bảo mật an toàn thông tin. Ngoài những vấn đề liên quan đến chính sách và quy định, vấn đề về tiêu chuẩn tương tác bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là rào cản. Kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, Internet luôn chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số. Mặc dù nhóm 06 nước phát triển hơn trong ASEAN có những luật lệ cụ thể về vấn đề này, song mỗi nước lại có những tiêu chuẩn rất khác biệt khi áp dụng. Tại Singapore, các tổ chức phải thông báo cho người sử dụng bất kỳ sự vi phạm nào nếu sự vi phạm này gây ra “thiệt hại đáng kể”. Ngược lại, Philippines coi “thiệt hại đáng kể” chỉ là ngưỡng thông báo cao hơn.
Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên bị tấn công và cũng dễ bị tổn thương khi bị tấn công mạng. Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới với tổng cộng 10 nghìn vụ tấn công mạng Internet, gây thất thoát 12.300 tỷ VND (2018). Chỉ tính riêng thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 20.892 tỷ VND, tương đương 902 triệu USD (2019). Hơn 1,8 triệu máy tính bị mất dữ liệu do sự lan tràn của các loại mã độc, mã hóa dữ liệu tống tiền, trong đó có nhiều máy chủ chứa dữ liệu, gây đình trệ hoạt động của nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Nếu không bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin sẽ cản trở mục tiêu đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế.
Chuyển đổi số vẫn là một quá trình không hề dễ dàng với các doanh nghiệp khi gặp những thách thức như khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ; khả năng kết nối với các giải pháp trên thị trường; khả năng tiếp cận các nguồn vốn. Các chỉ số về thanh toán điện tử, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số tại Việt Nam còn thấp. Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều quy định liên quan đến chuyển đổi số đang được xây dựng, hình thành như tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan. Bảo đảm an ninh mạng là những thách thức quan trọng đối với các nước đang phát triển có nguồn lực và khả năng bị hạn chế.
3. Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số của ASEAN
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế số - nền kinh tế của tương lai, giúp cho phép kinh doanh hiệu quả hơn, phát triển đồng đều hơn, mở rộng cơ hội việc làm với cách thức làm việc hoàn toàn mới, tăng năng suất, hiệu quả và tăng thu nhập, đồng thời, để đạt mục tiêu trở thành một trong 05 nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025, ASEAN đang tập trung vào những giải pháp mở rộng phát triển kinh tế số, đó là:
Thứ nhất, mở rộng kết nối không gian mạng - xương sống của nền kinh tế số. ASEAN có những điều kiện, cơ sở để thực hiện tham vọng về phát triển kinh tế số trong khu vực với hơn 90% số người dưới 30 tuổi tiếp cận với Internet. Thị trường Internet ASEAN phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2017, có khoảng 330 triệu người dùng Internet, tăng hơn 70 triệu người dùng mới kể từ năm 2015 - tương đương với mức bình quân trên toàn cầu. ASEAN là thị trường Internet phát triển nhanh nhất trên thế giới. Với 125.000 người dùng mới truy cập Internet mỗi ngày, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN dự kiến sẽ phát triển đáng kể, bổ sung ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD vào GDP khu vực trong 10 năm tới. Riêng Việt Nam có 68,17 triệu người sử dụng Internet (tháng 01/2020), chiếm 70% dân số. Trong đó, số người lên mạng trên điện thoại di động lên đến 3,6 giờ mỗi ngày, cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Thời gian sử dụng Internet và tỷ lệ người sử dụng Internet cao sẽ được nâng lên khi ASEAN có chính sách và hành động nhằm giảm giá thành, tăng tốc độ và tăng độ phủ sóng Internet băng thông rộng đáng tin cậy đến các khu vực chưa được phục vụ. Tại các quốc gia thu nhập trung bình trong khu vực, chỉ có 2 trong số 5 người được tiếp cận Internet di động tốc độ cao (mạng 4G), trong khi ở các quốc gia thu nhập thấp, tỷ lệ đó chỉ là 1 trong số 5 người. Vì vậy, ASEAN cần sự phối hợp chủ động giữa khu vực công và tư cũng như phương thức quản lý nhà nước chủ động để khơi thông những khoản đầu tư cần thiết về hạ tầng số và nâng cao tính cạnh tranh trong ngành viễn thông.
Các nước ASEAN tích cực đầu tư vào nhiều dự án phát triển thông tin, truyền thông với khoảng 100 tỷ USD năm 2015. Nổi bật trong đó là các sáng kiến tạo ra một ASEAN phẳng, không chuyển vùng quốc tế, thành lập trường đại học về công nghệ thông tin và truyền thông của ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thành lập Trung tâm chia sẻ thông tin an ninh mạng ASEAN.
Thứ hai, khuyến khích thanh toán số. Thanh toán số là một trong những trụ cột căn bản để tạo nên nền kinh tế số. Tuy nhiên, thanh toán số vẫn chưa phát triển ở Đông Nam Á so với những nơi khác trên thế giới. Ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt.
Đông Nam Á vẫn phụ thuộc vào tiền mặt nhưng số lượng người dân thanh toán bằng tiền mặt đã giảm xuống 34% (năm 2020) từ 40% (năm 2019). Để tạo môi trường thuận lợi về tài chính số, ASEAN tiếp tục triển khai các hệ thống định danh số hiện đại cùng với hàng loạt những quy định. Đồng thời, các khoản chi trả của chính phủ, lương hưu, hỗ trợ tài chính có điều kiện và các chương trình xã hội khác cũng được áp dụng công nghệ số.
Giá trị của các giao dịch không dùng tiền mặt ở châu Á dự kiến sẽ tăng từ 96,2 tỷ USD năm 2017 lên 352,8 tỷ USD năm 20228. Malaysia là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về xu hướng sử dụng ví điện tử với tỷ lệ là 40% người tiêu dùng, tiếp đến Philippines (36%), Thái Lan (27%) và Singapore (26%). Philippines, Thái Lan và Singapore cũng có tỷ lệ sử dụng tiền mặt giảm lần lượt 67%; 64% và 59%9 khi người dân chuyển sang các phương thức thanh toán không tiếp xúc.
Thứ ba, nâng cao kiến thức về đồng tiền kỹ thuật số và kỹ năng mềm cho người lao động. Đồng tiền kỹ thuật số chung cho khu vực ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích, làm giảm đáng kể thời gian và chi phí thực hiện các giao dịch và thanh toán xuyên biên giới. Việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ diễn ra giữa người dân và doanh nghiệp của các quốc gia trong khu vực sẽ thuận lợi hơn khi sử dụng chung một loại tiền tệ để thanh toán thay vì phải quy đổi ra tiền tệ của đối tác như hiện nay.
Hệ thống giáo dục cần linh hoạt hơn trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết để vận hành trong nền kinh tế kỹ thuật số. Những kỹ năng bao gồm: kiến thức máy tính cơ bản, kỹ năng nâng cao như mã hóa và phân tích dữ liệu. Kỹ năng mềm như hợp tác và giao tiếp cũng rất cần thiết. Kỹ năng của lực lượng lao động trong khu vực ASEAN được bắt nhịp cùng với chuyển đổi công nghệ số đang diễn ra ở tất cả các ngành kinh tế và giáo dục có vai trò chính trong việc phát triển kiến thức kỹ thuật và kỹ năng mềm của nền kinh tế số đầy tính cạnh tranh. Khi công nghệ đang thay đổi với tốc độ nhanh, khả năng thích ứng và học trọn đời càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa khu vực công và khu vực tư. Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, ASEAN cần có cam kết hơn nữa về phát triển nguồn nhân lực số và tạo điều kiện di chuyển lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao trong khu vực.
Thứ tư, phát triển ngành dịch vụ hậu cần Logistics. Kinh tế số ở Đông Nam Á không thể chỉ phụ thuộc vào những nền tảng ảo. Hậu cần vẫn là một rào cản trong thương mại điện tử và việc đưa sản phẩm đến được điểm đến với chi phí hiệu quả và đáng tin cậy là một trong những thách thức lớn nhất. Ngành Logistics vận hành tốt là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế số, đặc biệt là thương mại điện tử. Các lô hàng thương mại điện tử phải đối mặt với các thủ tục hải quan - là lĩnh vực hoạt động yếu nhất trong lĩnh vực hậu cần của khu vực ASEAN. Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Logistics được thể hiện thông qua giảm chi phí Logistics và cải thiện chất lượng dịch vụ. Hợp lý hóa thủ tục hải quan có thể tạo điều kiện để vận chuyển nhanh hơn, rẻ hơn, dễ đoán biết hơn.
Hậu cần Logistics phát triển góp phần hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ trong kinh doanh quốc tế. Hậu cần cung cấp các dịch vụ đa dạng, trọn gói có tác dụng giảm rất nhiều các loại chi phí giấy tờ, chứng từ trong buôn bán quốc tế. Cùng với việc phát triển hậu cần điện tử (Electronic Logistics) khiến cho chi phí giấy tờ, chứng từ trong lưu thông hàng hóa càng được giảm tới mức tối đa, chất lượng dịch vụ hậu cần ngày càng được nâng cao sẽ thu hẹp hơn nữa mọi cản trở về không gian và thời gian trong dòng lưu chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa. Các quốc gia sẽ xích lại gần nhau hơn trong hoạt động sản xuất và lưu thông. Các dịch vụ hậu cần hiệu quả sẽ làm giảm mức chi phí đầu vào của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong khối ASEAN. Nhờ đó, hoạt động thương mại, đầu tư và liên kết ASEAN tăng lên, bảo đảm chống lại sự dao động giá cả trong khu vực, tạo ra thị trường khu vực ngày càng phát triển. Giảm chi phí từng khâu trong dịch vụ hậu cần là phương pháp cạnh tranh tối ưu nhất của ASEAN.
Thứ năm, mở rộng liên kết hội nhập khu vực. Đại dịch Covid-19 đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN nhìn nhận, cân nhắc những hướng đi mới trong tương lai, khẳng định sự cần thiết gắn kết giữa các quốc gia trong khu vực để nâng cao phát triển con người cũng như kinh tế. ASEAN đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về công nghệ thông tin với Hàn Quốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế số trong khu vực bởi hợp tác với Hàn Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Để mở rộng và kết nối hội nhập khu vực, ASEAN đưa ra các quy định và tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các quốc gia Đông Nam Á nhằm tạo ra một thị trường số tích hợp đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khu vực. ASEAN hỗ trợ và thúc đẩy sự hợp tác với khu vực tư nhân trong việc ban hành các chính sách. Bởi chỉ có hợp tác với khu vực tư nhân mới giúp gây dựng được lòng tin vững chắc, là cách tiếp cận tốt hơn với kinh tế số. Tham gia hợp tác khu vực sẽ đảm bảo Đông Nam Á có vị thế tốt hơn để khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số.
Thứ sáu, ban hành các quy định và tiêu chuẩn hóa nhằm xử lý rủi ro liên quan đến chuyển đổi số. Các nước Đông Nam Á có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số. Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục hồi trong ASEAN là một trong năm chiến lược phục hồi chính của Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai sau dịch bệnh Covid-19. Để thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số, ASEAN đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các chính sách khu vực, bao gồm khuôn khổ thanh toán xuyên biên giới, kế hoạch thúc đẩy sản xuất thông minh và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái 5G; triển khai Sáng kiến ASEAN số nhằm góp phần vào quá trình chuyển đổi. Cùng với tốc độ chuyển đổi, đầu tư cơ sở hạ tầng số và đầu tư kỹ năng số sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh.
Đông Nam Á tập trung ưu tiên các quy định và tiêu chuẩn hiệu quả cho giao dịch điện tử, lưu chuyển dữ liệu qua biên giới, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng. Tăng cường hợp tác an ninh mạng và nâng cao năng lực sẽ đặt dưới sự điều phối của Ủy ban điều phối an ninh mạng ASEAN (ASEAN Cybersecurity Coordination Committee). Các biện pháp thực chất trong lĩnh vực bảo đảm chuyển đổi số là thiết yếu để xây dựng lòng tin với những nền tảng trực tuyến, hình thành nên các nền kinh tế số an toàn và bền vững.
Tóm lại, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 đang tái định hình môi trường kinh tế số năng động của thế giới, khu vực ASEAN với hơn 400 triệu người dùng Internet sẽ là môi trường giàu tiềm năng mang lại cơ hội đặc biệt cho phát triển kinh tế số. Chuyển đổi số ASEAN được xem như cách thức thoát khỏi khủng hoảng Covid-19, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tăng cường kết nối, nâng cao vị thế của ASEAN. Xét về dư địa, kinh tế số có tiềm năng phát triển vô cùng to lớn, bởi hiện nay kinh tế số mới chỉ chiếm tỷ trọng 7% GDP trong khu vực ASEAN, so với mức 16% ở Trung Quốc, 27% ở châu Âu và 35% ở Mỹ.
Với quy mô khu vực, nền kinh tế số ASEAN sẽ rút ngắn được khoảng cách với những thị trường phát triển hơn về tỷ lệ đóng góp vào GDP. Phát triển kinh tế số sẽ giúp cộng đồng ASEAN gắn kết chặt chẽ hơn, là cơ hội để các quốc gia ASEAN thay đổi vị thế, tăng năng suất lao động và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2025, Đông Nam Á có tiềm năng trở thành một trong năm nền kinh tế số lớn nhất thế giới. Hiện nay tất cả quốc gia thành viên đã ký kết nhiều thỏa thuận nhằm thúc đẩy khu vực hướng tới cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dự báo, nền kinh tế số khu vực ASEAN sẽ tăng gấp 3 lần, chạm mức 300 tỷ USD, trong đó kinh tế số Việt Nam có triển vọng bứt phá lên 43 tỷ USD (2025).
1 Năm chiến lược phục hồi của ASEAN gồm: 1) Tăng cường hệ thống y tế; 2) Bảo đảm an ninh con người; 3) Thúc đẩy thị trường và liên kết nội khối; 4) Đẩy mạnh chuyển đổi số; 5) Phát triển bền vững.
2 Điện toán đám mây giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí như thế nào? (bizflycloud.vn).
3 Phiên An (2021), Thêm 23,2 triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu vào 2030 (VnExpress.net).
4Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
5 Việt Dũng (2021), Con đường đi đến nền kinh tế Internet trị giá 1 nghìn tỷ USD của ASEAN (congthuong.vn).
6 Chuyển đổi số quốc gia: Mỗi doanh nghiệp và tổ chức cần xây dựng kịch bản riêng | Khoa học công nghệ | Báo Sài Gòn Giải Phóng (sggp.org.vn).
7 Những nghiên cứu về việc thực hiện DEFA sẽ được bắt đầu vào năm 2023.
8 ASEAN’s Digital Economy Not Growing Fast Enough; ASEAN’s Digital Economy Not Growing Fast Enough | The ASEAN Post
9 Thị trường ví điện tử đang lên tại Đông Nam Á, https://ictvietnam.vn/thi-truong-vi-dien-tu-dang-len-tai-dong-nam-a-20200904170526531.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Hạ Vũ (2018), 3 sáng kiến về chuyển đổi số trong ASEAN (tapchicongthuong.vn)
2. Bắc Hà (2019), Tích hợp kinh tế số - Cơ hội nằm trong tay các nước ASEAN, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tich-hop-kinh-te-so-co-hoi-nam-trong-tay-cac-nuoc-asean-68420.htm
3. Huyền Anh (2022), Cơ hội chuyển đổi số nhanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ Đông Nam Á - VnExpress.
4. Hà Ngọc (2021), Triển vọng chuyển đổi kinh tế số ASEAN - Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn)
5. Trọng Đạt (2020), Kinh tế số ASEAN đạt 100 tỷ USD, Việt Nam dẫn đầu khu vực, https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/kinh-te-so-asean-dat-100-ty-usd-viet-nam-dan-dau-khu-vuc-573758.html
6. Thế Vũ (2020), Triển vọng một đồng tiền kỹ thuật số cho ASEAN (bnews.vn)
7. Growing ASEAN’s Digital Economy, (2020) IGNITE-Digital-Economy-fact-sheet-Aug2020.pdf (usmission.gov)
8. Jeff Paine (2020), The significance of the ASEAN digital economy in a post-pandemic world (vir.com.vn)
9. ASEAN’s Digital Economy Not Growing Fast Enough | The ASEAN Post
10. Djalante R (2020), COVID-19 and ASEAN responses: Comparative policy analysis, Progress in Disaster Science Vol 8, December 2020.
11. Abigail.N (2020), Vietnam’s outlook is ‘one of the brightest’ in Asia; Asia Economy; https://www.cnbc.com/2020/07/08/vietnams-outlook-is-one-of-the-brightest-in-asia-ubs-says.html
12. Jayant Menon (2020), Assessing the economic impacts of COVID-19 on ASEAN countries, East Asia Forum March 2020.
13. Vietnam’s GDP expected to grow 2.8 pct in 2020 with improved situation: World Bank; Xinhua.net; http://www.xinhuanet.com/english/2020-07/30/c_139252304.htm
14. Digital Transformation in the ASEAN region (asean2021.bn).
15. Keita OIKAWA (2021), The Impact of COVID-19 on Business Activities and Supply Chains in the ASEAN Member States and India; ERIA Discussion Paper Series No. 384.