Tác động của các gói hỗ trợ chống suy thoái do đại dịch Covid-19 và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
16/05/2022 16.640 lượt xem
Xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 đã lan nhanh trên toàn thế giới và hiện được xem là đại dịch nguy hiểm nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2. Dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng. Để chống lại đà suy thoái kinh tế, các nước đồng loạt tung ra các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ với quy mô lớn - điều này là cần thiết, nhưng nó cũng đang là thách thức đối với sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu, đòi hỏi các nhà quản lý phải có sự quan tâm đúng mức nếu như không muốn bị trả giá đắt. Bài viết này trên cơ sở đề cập khái quát các gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ tại một số nước và dự báo những tác động đối với thị trường tài chính, từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam trong thời gian tới.
 
1. Suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 và các gói hỗ trợ   
 
1.1. Khái quát về đại dịch Covid-19 
 
Cuối năm 2019, những ca nhiễm virus Corona bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng lan nhanh trên thế giới, với số lượng nhiễm và trường hợp tử vong liên tục tăng lên chóng mặt. Theo trang thống kê Worldometer.info, tính đến 22h ngày 26/4/2022 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 510,2 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có hơn 6,2 triệu ca tử vong1. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không chỉ đối với sức khỏe, sự tự do đi lại của con người, mà nó còn khiến nền kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng: Ban đầu nó chỉ liên quan đến một số nước bị dịch bệnh hoành hành, khiến một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ ở những nước này tạm thời bị ngưng trệ. Sau đó, nhiều nước do không dự liệu đúng những mối hiểm họa nên dịch bệnh lan rất nhanh trên toàn cầu, buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch vào ngày 11/3/2020. Khi virus lan nhanh, chuỗi sản xuất toàn cầu nhanh chóng bị đứt gãy do hầu hết các nước thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp buộc phải ngưng hoạt động, điều này đã khiến nguồn cung bị đứt gãy, hàng loạt lao động bị mất việc làm, không có thu nhập, khiến nhu cầu tiêu dùng bị sa sút nghiêm trọng hoặc là do không có thu nhập, hoặc là do dân chúng buộc phải tiết kiệm trong chi tiêu phòng ngừa rủi ro… 
 


Để chống lại đà suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, các nước trên thế giới đồng loạt tung ra
các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ với quy mô lớn

Ở Việt Nam: Ngày 23/01/2020 đã xác nhận có ca nhiễm dịch bệnh Covid-19 đầu tiên, nhưng nhờ có các biện pháp quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên trong giai đoạn đầu Việt Nam đã kiểm soát tương đối thành công dịch bệnh. Tuy vậy, dịch bệnh trên toàn cầu ngày càng phức tạp với biến chủng liên tục diễn biến khó lường. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 26/4/2022 thì tổng số mắc bệnh ở nước ta lên tới trên 10,6 triệu người và hơn 43 nghìn người tử vong. Với diễn biến như vậy sẽ khiến các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng cho dù Chính phủ luôn khẳng định quan điểm “chống dịch như chống giặc” nhưng không được làm “đứt gãy” các hoạt động kinh tế và để hiện thực hóa chủ trương này thì một chiến lược “ngoại giao vắc-xin” đã được triển khai mạnh mẽ, rất quyết liệt; cho đến nay, nước ta cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bao phủ tiêm chủng vắc-xin, tạo sự yên tâm cho việc mở cửa các hoạt động kinh tế.
 
1.2. Những hệ quả từ đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế 
 
Đối với nền kinh tế toàn cầu
 
Đại dịch đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng trong giai đoạn đầu với hầu hết các nước, hầu hết các nhà phân tích nhận định rằng, năm 2020 là năm “gục ngã” của nền kinh tế toàn cầu với GDP suy giảm tới 4,4% so với năm 2019, thậm chí, có nghiên cứu còn cho rằng, mức suy giảm có thể lên trên 5,2%. Thiệt hại nặng nề nhất là ở các nước phát triển, với mức suy giảm trong tăng trưởng thường ở mức từ 6% trở lên, thậm chí, một số nước như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha mức suy giảm trên 11% (Thúy Vi, 2020).  Để ngăn chặn đà suy thoái kinh tế sâu, hầu hết các nước tung ồ ạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ với quy mô rất lớn nên đà suy thoái ở nhiều nước được chặn lại, thậm chí, một số nước đạt được tốc độ tăng trưởng GDP khá ấn tượng như Mỹ đạt 5,7% (Lê Ánh, 2022), Anh đạt xấp xỉ 7,5% (Thanh Hương, 2022), Đức đạt 2,7% (Ngọc Trang, 2021), Pháp đạt 7% (Thu Hà, 2022), Nhật Bản đạt 1,7% (Nguyễn Thanh Nga, 2022), Trung Quốc đạt 8,1% (Thạch Bình, 2022)...
 
Đối với Việt Nam
 
Với nền kinh tế có mức độ mở cửa cao, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến chuỗi sản xuất toàn cầu bị đứt gãy, các hoạt động kinh tế của Việt Nam chịu các cú sốc cung cầu nghiêm trọng, với hệ quả tất yếu là tăng trưởng suy giảm rất mạnh, chỉ còn đạt mức 2,91% năm 2020. Tuy đây vẫn là mức tăng trưởng dương nhưng là mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đạt được “mục tiêu kép” vừa ngăn chặn đại dịch, vừa phát triển kinh tế. Thực tiễn cho thấy, những chủ trương và giải pháp được triển khai đã phát huy tác động tích cực trong hoạt động kinh tế với tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64% (Nhật Quang, 2021). Tuy vậy, do dịch bệnh bùng phát dữ dội tại hàng loạt các địa phương, đặc biệt là tại đầu tàu tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 3/2021 buộc Chính phủ phải tiếp tục thực thi giãn cách xã hội, hệ quả là cho dù các biện pháp tài khóa và tiền tệ đã được triển khai nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục bị suy giảm, chỉ đạt 2,58%.   
 
1.3. Các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ chống suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 
 
Nhằm ngăn chặn đà suy thoái kinh tế, hầu hết các nước đều tung ra các gói hỗ trợ bằng tài khóa với quy mô lớn hơn nhiều so với gói kích thích để ngăn chặn suy thoái kinh tế do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2009. 
 
Đối với Mỹ: Ngay từ tháng 3/2020 đã công bố Đạo luật cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES) với một gói chi tiêu lên tới 3.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19 (Việt An, 2020). Tuy vậy, các gói kích thích kinh tế này nhanh chóng bị “bay hơi”, tầng lớp trung lưu của nước này đang phải vật lộn với nhiều khó khăn, nghèo đói gia tăng (Trà My, 2020). Đầu tháng 10/2020, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã đề xuất gói cứu trợ mới trị giá 1.800 tỷ USD (Quỳnh Lê, 2020). Bước sang năm 2021, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất thêm gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD và đã được thông qua. Chưa dừng lại ở đó, tháng 11/2021, Tổng thống Joe Biden tiếp tục ký ban hành Luật cơ sở hạ tầng với gói hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nước này lên tới 1,2 nghìn tỷ USD. Như vậy có thể thấy, quy mô gói kích thích kinh tế Mỹ lên tới trên 6 nghìn tỷ USD, lớn hơn rất nhiều lần so với gói kích thích chống suy thoái kinh tế do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế bùng phát từ chính nước này vào năm 2007. Trong khi đó, để ngăn chặn suy thoái kinh tế do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009 nước Mỹ đã tung ra 02 gói kích thích: Gói lần 1 (năm 2008) trị giá 152 tỷ USD2, gói lần 2 (năm 2009) trị giá 825 tỷ USD3
 
Đối với các nước EU: Cuối tháng 7/2020 đã phê chuẩn gói cứu trợ 750 tỷ EUR (Thanh Tuấn, 2020). Sau đó khối này tiếp tục tung ra gói hỗ trợ 1.350 tỷ EUR thông qua chương trình mua vào trái phiếu (Lê Quân, 2020). Tính đến giữa tháng 5/2021, toàn khối EU đã tung ra các gói kích thích kinh tế lên đến khoảng 4,8 nghìn tỷ EUR (Thu Ngọc, 2021). Trong khi đó, gói kích thích kinh tế của EU năm 2008 là 200 tỷ EUR (khoảng 260 tỷ USD) tương đương 1,5% GDP của cả khối4. Như vậy, gói kích thích của EU năm 2008 chỉ bằng khoảng 8,55% so với gói kích thích của EU năm 2020. 
 
Đối với Nhật Bản: Để giảm thiểu tác động của đại dịch, ngay từ tháng 4/2020, nước này tung gói kích thích trị giá 108.000 tỷ JPY (khoảng 989 tỷ USD), tương đương 20% tổng GDP nước này nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngày 08/12/2020, gói kích thích kinh tế mới trị giá lên tới 73,6 nghìn tỷ JPY (khoảng 708 tỷ USD) tiếp tục được tung ra, kèm theo các biện pháp tài khóa bổ sung - bao gồm cho vay, đầu tư và chi tiêu - với trị giá 40 nghìn tỷ JPY (An Huy, 2020). Tổng giá trị của gói kích thích năm 2020 của Nhật Bản là 1.697 tỷ USD.  Trong khi đó, năm 2008, nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế nước này đưa ra 02 gói kích thích: Gói 1 được triển khai vào tháng 8/2008 với quy mô từ 18 - 27 tỷ USD5; gói 2 được công bố triển khai ngày 12/12/2008 với trị giá 255 tỷ USD6. Tổng trị giá của 02 gói kích thích năm 2008 của Nhật Bản là 282 tỷ USD - tức chỉ bằng khoảng 16,6% của gói kích thích năm 2020. 
 
Đối với Trung Quốc: Ngày 28/5/2020 nước này công bố gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ CNY (tương đương 559 tỷ USD) (Chí Thành, 2020). Trong khi đó, giai đoạn 2007 - 2009, nước này tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD kéo dài trong 02 năm (mỗi năm tương đương khoảng 7% GDP của nước này)7. Như vậy, gói kích thích của Trung Quốc trong giai đoạn 2008 - 2009 lớn hơn so với gói kích thích năm 2020. 
 
Bên cạnh đó, hàng loạt các nước khác cũng đồng loạt tung các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn đáng kể so với gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các gói kích thích lớn được các nước lớn đưa ra sẽ là tiền đề giúp ngăn chặn đà suy thoái kinh tế và thực tiễn chỉ ra rằng, các gói kích thích kinh tế đã cơ bản làm “tròn vai” với việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu được hồi phục và phát triển khá ấn tượng năm 2021 đạt khoảng 5,5% so với mức tăng trưởng -3,1% năm 2020 (Kiều Oanh, 2021).
 
Gói hỗ trợ tại Việt Nam
 
Nhận thức được những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như xuất phát từ quan điểm biến “nguy” thành “cơ” nên ngay từ tháng 3/2020, Chính phủ đã công bố một giải pháp tổng thể chống dịch Covid-19, bao gồm các gói chính sách tài khóa và tiền tệ.
 
Gói hỗ trợ tài khóa: 
 
(i) Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất: Ngày 08/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, được áp dụng rộng rãi cho hầu hết doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19.
 
(ii) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: Chính phủ đã có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, theo đó, áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; thuế suất 17% đối với doanh nghiệp nhỏ; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh và được áp dụng ngay từ  ngày 01/7/2020. Với việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như nội dung dự thảo, sẽ có khoảng 700 nghìn doanh nghiệp (chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước) được hưởng lợi. Ước tính Ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu mỗi năm khoảng 15,5 nghìn tỷ đồng.
 
(iii) Hoãn thanh toán thuế sử dụng đất nông nghiệp: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã thông qua việc hoãn thanh toán 05 tháng đối với thuế và phí sử dụng đất trị giá 180 nghìn tỷ đồng (khoảng 7,7 tỷ USD).
 
(iv) Điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân: Theo đó, điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng. 
 
(v) Miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu: Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-BTC ngày 07/02/2020 về danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, gồm các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang (vải không dệt, màng lọc kháng khuẩn, dây thun…), nước sát trùng, bộ trang phục phòng, chống dịch. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất với Chính phủ miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu (tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP) (Phạm Văn Thiện, 2020).
 
(vi) Hỗ trợ thu nhập cho các cá nhân và hộ gia đình: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ đã phê chuẩn một số biện pháp hỗ trợ trị giá 62 nghìn tỷ đồng (2,66 tỷ USD) để hỗ trợ người dân từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020 và các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong giai đoạn này. Tổng cộng 20 triệu người sẽ được hưởng lợi ích này, cụ thể là 500.000 đồng/tháng cho những người có công với Cách mạng, 1.000.000 đồng/tháng cho hộ gia đình ở mức nghèo trở xuống, 1.800.000 đồng/tháng cho những người lao động nghỉ phép không lương trong hơn 14 ngày, 1.000.000 đồng/tháng cho người lao động không được hưởng lợi từ bảo hiểm thất nghiệp. 
 
(vii) Từ ngày 13/4/2020, Bộ Công Thương đã cắt giảm 10% hóa đơn tiền điện cho các doanh nghiệp và hộ gia đình trong ba tháng (Hồng Thuận, 2020).
 
Gói hỗ trợ tiền tệ: 
 
(i) Ngày 17/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giảm mạnh lãi suất: Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND giảm 0,25% - 0,3%/năm, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm. Ngày 13/5/2020, NHNN đã giảm lãi suất lần thứ hai kể từ khi đại dịch bùng phát: Lãi suất tái cấp vốn từ mức 5% giảm xuống còn 4,5%, tỷ lệ chiết khấu từ 3,5% xuống 3%8.
 
(ii) NHNN chỉ đạo các TCTD cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất,  kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng). 
 
(iii) Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đối với khách hàng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch; khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của đại dịch (Hồng Thuận, 2020). NHNN cũng nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại trước sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế9
 
(iv) Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai cho các doanh nghiệp có khó khăn về tài chính được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.
 
Đứng trước các tác động rất tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế cũng như phòng ngừa nguy cơ “lệch pha” trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với thế giới, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV, Chính phủ tiếp tục thông qua gói kích thích bổ sung gần 347 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2022 - 2023, trong đó: Gói hỗ trợ tài khóa: (i) Hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách thông qua tăng bội chi 240 nghìn tỷ đồng; (ii) Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2021 hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động 6,6 nghìn tỷ đồng; (iii) Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp năm 2022 là 6 nghìn tỷ đồng và phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 38,4 nghìn tỷ đồng... Gói hỗ trợ tiền tệ khoảng 46 nghìn tỷ đồng: 
 
(i) Tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1% trong 02 năm; (ii) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất... Nhiều ý kiến cho rằng, gói kích thích kinh tế bổ sung này sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm tới.
 
2. Tác động của các gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 đến thị trường tài chính
 
Các tư liệu tổng hợp cho thấy, các nước đồng loạt tung ra các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn và kéo dài, khiến nền kinh tế toàn cầu “tràn ngập” tiền năm 2020 và đầu năm 2021, trong khi sản xuất,  kinh doanh bị ngưng trệ trong giai đoạn này, dẫn đến quan hệ cân đối hàng - tiền bị vi phạm rất nghiêm trọng trên diện rộng. Trong đó, các gói kích thích tài khóa được Chính phủ các nước tung ra với quy mô rất lớn trong điều kiện thu ngân sách nhiều nước bị suy giảm dẫn tới nợ công của nhiều nước gia tăng. Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), chỉ trong 3 quý đầu của năm 2020, nợ trên toàn cầu đã tăng thêm 15 nghìn tỷ USD, dự báo cuối năm 2020 nợ toàn cầu sẽ chạm mức 277 nghìn tỷ USD (Diệp Vũ, 2020), tương đương 365% GDP của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ gộp lại (Hoài Thu, 2020). Nợ gia tăng ở cả 3 khu vực của hầu hết các nước sẽ tiềm ẩn những bất ổn rất lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng sự ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Đặc biệt, tại những nước đang phát triển, việc duy trì kỷ luật tài khóa và tiền tệ lỏng lẻo có thể sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát lạm phát. Với bối cảnh bấp bênh như vậy rất cần có một sự dẫn dắt chung để thị trường tài chính toàn cầu vượt qua bất ổn, nhưng hầu như chưa có bất kỳ tiếng nói chung nào giữa các quốc gia, vai trò của các định chế tài chính toàn cầu trong giai đoạn đầu cũng khá mờ nhạt. Khi thị trường tài chính đã thực sự toàn cầu hóa nhưng các quốc gia lại có vẻ “đóng cửa” khi đưa ra các quyết sách thì nguy cơ về một sự bấp bênh của thị trường tài chính toàn cầu là khó tránh. Đặt trong bối cảnh tương lai kiểm soát dịch bệnh khá mơ hồ, thị trường tài chính toàn cầu lại đang bị chia cắt nghiêm trọng do chính sách cấm vận của các nước phương Tây đối với Nga lại càng khiến nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính hiện hữu nếu như mỗi nước hành xử thiếu trách nhiệm đối với thị trường tài chính, đặc biệt là vai trò của các nước lớn và các định chế tài chính toàn cầu cần phải được đề cao và thể hiện trách nhiệm to lớn đối với sự ổn định của thị trường tài chính.
 
Từ thực tế này, chúng tôi cho rằng một số vấn đề đặt ra hiện nay và trong tương lai gần các nước sẽ phải đối mặt đó là:
 
Thứ nhất, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đã có sự phục hồi khá ấn tượng năm 2021 nhưng còn thiếu vững chắc do đại dịch vẫn diễn biến rất phức tạp và có sự khác biệt về quan điểm nhìn nhận về nó giữa các nước: Trong khi không ít nước đã thực hiện mở cửa kinh tế thì vẫn còn một số nước duy trì chính sách “zero covid” bằng việc đóng cửa kinh tế, duy trì chính sách giãn cách xã hội nên chuỗi cung ứng rất khó kết nối. Sự khó kết nối chuỗi cung ứng sẽ gây khó khăn đặc biệt đối với những nước có mức độ mở cửa cao, năng lực ứng phó khủng hoảng hạn chế hoặc quy mô thị trường bên trong nhỏ. Thực tế, những năm qua cho thấy, bên cạnh những nước lớn thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế rất nhanh thì có không ít nước tăng trưởng kinh tế vẫn chậm, điều này đã được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo. Trong điều kiện dịch bệnh vẫn hoành hành, các gói chính sách tài khóa - tiền tệ vẫn chủ yếu nhằm giúp nền kinh tế - xã hội ứng phó với dịch bệnh hơn là hướng vào kích thích kinh tế. Nếu điều này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ mất cân đối hàng - tiền sẽ càng bị tích lũy và khởi phát các hệ lụy đối với thị trường tài chính sẽ càng khó dự báo. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), so với giai đoạn trước đại dịch, năm 2020 có khoảng 150 triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Con số này đã tăng lên đến khoảng 270 triệu người trong năm 2021. Chính sách cấm vận của phương Tây đối với Nga lại càng khiến khủng hoảng nghèo đói gia tăng do Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu lương thực chủ chốt.
 
Thứ hai, gánh nặng nợ nần trên toàn cầu gia tăng. Suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19 khiến các nước phải tung đồng loạt các gói hỗ trợ tài khóa lớn, trong khi thu ngân sách suy giảm do các hoạt động kinh tế hầu như bị ngưng trệ trong năm 2020 và đầu năm 2021 khiến nợ công gia tăng ở nhiều nước. Không những thế, nợ ở khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình cũng tăng lên nhanh chóng. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2020, nợ toàn cầu lên tới 226 nghìn tỷ USD trong khi các năm trước đó chỉ tăng chưa đến 30 nghìn tỷ USD. Dự báo các năm tiếp theo các khoản nợ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao kỷ lục, khoảng 100% GDP và chỉ giảm nhẹ từ sau năm 2026 (HL, 2021). Trong đó, một số nước và khu vực có mức độ nợ công rất cao, chẳng hạn: Mỹ trên 26,9 nghìn tỷ USD (Đức Quyền, Song Ngọc, 2021), Nhật Bản trên 11 nghìn tỷ USD (Hoài Hà, 2021), các nước EU 1,24 nghìn tỷ EUR (Lê Ánh, 2021), Trung Quốc 7,2 nghìn tỷ USD (Ý Nguyên, 2021)... Từ thực tế này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra cảnh báo tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công của các nước sẽ còn tiếp tục gia tăng nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài (Khánh Ly, 2021). Đối với các nước nghèo, mặc dù tỷ lệ nợ công cao nhưng do năng lực chống đỡ suy thoái kinh tế yếu, nên đại dịch Covid-19 cũng có thể gây ra khủng hoảng nợ tại các nước này10. Điều này đã và đang đặt ra một yêu cầu rất cấp thiết để ngăn chặn nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ quốc tế có thể xảy ra: Cơ cấu lại nợ cho các nước con nợ. Theo bà Kristalina Georgieva (Giám đốc điều hành IMF) thì việc hoãn thanh toán nợ cho các nước nghèo trong thời điểm hiện nay là vì lợi ích của tất cả mọi người, khi toàn nhân loại, không kể các quốc gia phát triển hay đang phát triển, đều đang phải chống chọi với đại dịch toàn cầu (Trần Ngọc, 2020). Các chuyên gia của WB và IMF khuyến cáo các nhà đầu tư cũng như Chính phủ một số nước chủ nợ nên có các hình thức nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho các nước nghèo, bao gồm cả việc xóa nợ sẽ phải được tính đến nhằm tránh một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu có thể tiếp tục xảy ra11. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã chính thức lên tiếng kêu gọi thế giới triển khai các biện pháp khẩn cấp và quyết liệt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ do dịch Covid-19 gây ra (Phương Oanh, Hương Giang, 2021).
 
Thứ ba, lạm phát toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Quan hệ cân đối tiền - hàng bị mất cân đối trên quy mô lớn và kéo dài gây bùng phát lạm phát. Các số liệu thống kê cho thấy, lạm phát đã bùng phát ở nhiều nước, như tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát lên tới 6,8%12 năm 2021 và tháng 02/2022 thì tỷ lệ này lên đến 7,9%13. Tại Anh, tỷ lệ lạm phát năm 2021 là 4,2%14 và tháng 01/2022 đã lên tới 5,5%15... Một số nước khác mặc dù tỷ lệ lạm phát chỉ khoảng xấp xỉ 3% nhưng đây được xem là tỷ lệ quá cao so với trước đó ở những nước này, chẳng hạn tại Đức, CPI khoảng 4,5%16, Pháp khoảng 2,1%17... Theo tính toán của IMF thì tỷ lệ lạm phát toàn cầu năm 2021 đạt khoảng 3,6% - đây là tỷ lệ chưa cao, nhưng tổ chức này cũng đưa ra cảnh báo “các Chính phủ cần cảnh giác trước nguy cơ lạm phát có thể là vô hại khi xem xét riêng lẻ nhưng khi kết hợp sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn nhiều so với dự báo”18.
 
Cần lưu ý rằng, mỗi nước có cách nhận diện lạm phát khác nhau do sử dụng chỉ tiêu đo lường lạm phát không giống nhau. Một số nước sử dụng CPI (Consumer Price Index - chỉ số giá hàng tiêu dùng) để đo lường mức độ lạm phát, thì một số nước khác lại sử dụng PPI (Producer Price Index - chỉ số giá sản xuất). Điều này dẫn đến hệ quả là, trong khi một số nước cho rằng lạm phát đang diễn biến phức tạp và đưa ra các công cụ chính sách nhằm ứng phó thì những nước khác lại chủ quan, lơ là do cho rằng lạm phát chưa xảy ra ở nước mình cho dù thực tế là giá cả đã tăng rất mạnh ở những nhóm hàng hóa không thuộc rổ đo lường lạm phát. Xét về nguyên lý, lạm phát là một biến số kinh tế vĩ mô rất quan trọng tác động đến tâm lý dân chúng, các nhà đầu tư, cũng như là một chỉ số cảnh báo để ngân hàng trung ương đưa ra các quyết sách nhằm kiểm soát lãi suất, từ đó hướng dòng tiền vào những thị trường mục tiêu. Để khắc phục bất cập này thì hiện nay, một số nước công bố cả CPI và PPI để đo lường lạm phát, chẳng hạn Ấn Độ hay Brazil  (CPI của Brazil và Ấn Độ vào cuối tháng 12/2021 là 36%, còn PPI đều khoảng là 80%)19.
 
3. Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
 
Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng, các gói kích thích kinh tế mà Chính phủ đưa ra thời gian qua nhìn chung sẽ không tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Chuyên gia đến từ Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom cho rằng, gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế của Việt Nam ít nguy cơ liên quan đến lạm phát, bởi lẽ gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng năm 2020 chỉ giúp “bôi trơn” để nền kinh tế vận hành thông qua việc gia hạn các khoản vay, giảm hoặc gỡ bỏ lãi suất, giảm các chi phí giao dịch, không phải hoặc có ít nguồn cung tiền mới được bơm ra thị trường. Gói 30 nghìn tỷ đồng cũng có ít khả năng gây ra lạm phát, bởi lẽ mục đích của khoản này là để giảm thuế hoặc giãn thời gian trả thuế và giúp các doanh nghiệp duy trì tính thanh khoản trong tài chính của họ20. Thực tiễn thời gian qua đã khẳng định những quan điểm trên đây là có độ tin cậy khi lạm phát của Việt Nam luôn ở mức khá thấp, chỉ ở mức 3,23% năm 2020 và 1,84% năm 202121. Tuy nhiên, do Việt Nam sử dụng CPI để đo lường mức độ lạm phát trong nền kinh tế và trong các nhóm hàng tiêu dùng đưa vào rổ để tính toán thì nhóm lương thực, thực phẩm chiếm trọng số rất cao (42,5%), dẫn đến một thực trạng là trong khi nhóm hàng hóa cho sản xuất với giá cả tăng nóng thì CPI lại khá thấp, chỉ 1,84% năm 2021 - thấp xa so với tỷ lệ lạm phát trung bình của thế giới. Chỉ số lạm phát thấp như vậy sẽ khiến các nhà quản lý yên tâm duy trì chính sách tiền tệ hiện hành và điều này cũng được nhiều ý kiến đồng thuận cho dù chúng ta đã tung ra gói hỗ trợ tài khóa khá lớn trong năm 2020 và tiếp tục bổ sung gói kích thích kinh tế đầu năm 2022, trong khi tăng trưởng kinh tế lại khá thấp trong các năm 2020 và 2021, cũng có nghĩa là, sự mất cân đối tiền - hàng ở nước ta là có thực và kéo dài. 
 
Cho dù còn có nhiều quan điểm khác nhau khi nhìn nhận lạm phát nhưng phải nhận thức được rằng, nếu tình trạng mất cân đối tiền - hàng kéo dài thì lạm phát thực sẽ bùng phát. Đặt trong bối cảnh thị trường tài chính bị đứt gãy nghiêm trọng do hàng loạt các nước phương Tây hùa nhau ồ ạt cấm vận kinh tế tài chính nước Nga thì chúng ta càng không thể tiếp tục “bình chân như vại”. Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng tiền tệ Đông Á 1997 - 1998 hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009 chỉ ra, đó là: Cho dù chúng ta có nhận thức được hay không thì nguy cơ bất ổn tài chính vẫn là hiện hữu và do vậy, nếu chúng ta nhận thức được và có các giải pháp ứng phó thì các bất ổn sẽ được kiểm soát và ngược lại, các bất ổn từ nội bộ nền kinh tế cũng như từ sự “nhập khẩu” có thể gây sốc đối với nền kinh tế.
 

1 https://baodongkhoi.vn/who-tuyen-bo-dai-dich-chua-ket-thuc-han-quoc-noi-long-du-dan-dau-the-gioi-19032022-a98125.html 
2 http://tax.cchgroup.com/legislation/2008-stimulus-package.pdf 
3 http://useconomy.about.com/od/candidatesandtheeconomy/a/obama_Stimulus.htm 
http://ec.europa.eu/commission_barroso/president/pdf/comm_20081126.pdf 
5 http://www.iht.com/articles/ap/2008/08/28/business/AS-Japan-Economic-Stimulus.php 
6 http://www.sfgate.com/cgi-bin/article.cgi?f=/n/a/2008/12/12/financial/f020330S70.DTL&feed=rss.business 
7 Keith Bradsher, China Plans to Bolster Its Slowing Economy  (đăng trên báo New York Time ngày 19/10/2008)  http://www.nytimes.com/2008/10/21/business/worldbusiness/21yuan.html?fta=y
8 https://www.oecd.org/coronavirus/en/policy-responses 
9 Tính đến ngày 29/5/2020, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 14%.
10 Zambia đã trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố vỡ nợ sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 (Hương Vũ, 2020). Gần đây nhất, Sri Lanka cũng tiềm tàng nguy cơ vỡ nợ khi các hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, dự trữ quốc tế quá nhỏ so với các nghĩa vụ trả nợ đến hạn của nước này (Minh Phương, 2021). 
11 Mới đây, các quan chức Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng ý hoãn việc thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất thế giới cho đến hết năm 2020 (Trần Ngọc, 2020).
12 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211211-lam-phat-o-my 
13 https://baotintuc.vn/the-gioi/lam-phat-cua-my-tang-manh-nhat-trong-40-nam-20220310220346762.htm 
14 https://vietstock.vn/2021/11/lam-phat-tai-anh-tang-len-42-cao-nhat-trong-10-nam-775-910434.htm 
15 https://baobinhphuoc.com.vn/news/0/130702/lam-phat-tai-anh-tang-len-muc-cao-ky-luc-trong-30-nam-qua 
16 https://bnews.vn/lam-phat-tai-duc-tiep-tuc-tang-cao/218877.html 
17 https://bnews.vn/lam-phat-tai-phap-tang-manh-hon-du-kien/210321.html 
18 https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/imf-du-bao-lam-phat-dat-dinh-vao-cuoi-nam-2021-593273.html 
19 https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ndrc-lam-phat-trung-quoc-du-kien-tang-vua-phai-vao-nam-2022-post290801.html 
20 http://finance.tvsi.com.vn/news/detailNews?newsid=513281. Truy cập 25/3/2020
21 https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/01/kiem-soat-lam-phat-thap-thanh-cong-cua-nam-2021-va-ap-luc-trong-nam-2022/ 

Tài liệu tham khảo:
 
1. Lê Ánh, 2021: Nợ công Eurozone tăng mạnh do tác động của đại dịch Covid-19. https://www.vietnamplus.vn/no-cong-eurozone-tang-manh-do-tac-dong-cua-dai-dich-covid19/707278.vnp  
2. Lê Ánh (2022): Kinh tế Mỹ năm 2021 tăng trưởng mạnh nhất trong gần 40 năm. https://baomoi.com/kinh-te-my-nam-2021-tang-truong-manh-nhat-trong-gan-40-nam/c/41628710.epi 
3. Thạch Bình, 2022: Kinh tế Trung Quốc: Thành tựu năm 2021 và thách thức năm 2022. https://bnews.vn/kinh-te-trung-quoc-thanh-tuu-nam-2021-va-thach-thuc-nam-2022/229964.html 
4. Hoài Hà, 2021: Nợ công của Nhật Bản tăng cao kỷ lục. https://dangcongsan.vn/thoi-su/no-cong-cua-nhat-ban-tang-cao-ky-luc-580229.html
5. Thu Hà, 2022: Kinh tế Pháp tăng trưởng mạnh nhất trong 50 năm.
https://baotintuc.vn/the-gioi/kinh-te-phap-tang-truong-manh-nhat-trong-50-nam-20220207081907031.htm
6. HL, 2021: Năm 2021, nợ toàn cầu dự báo tiếp tục cao kỷ lục. https://kinhtevadubao.vn/nam-2021-no-toan-cau-du-bao-tiep-tuc-cao-ky-luc-19968.html
7. An Huy, 2020: Nhật Bản công bố gói kích cầu 708 tỷ USD. https://vneconomy.vn/nhat-ban-cong-bo-goi-kich-cau-708-ty-usd-20201208084028776.htm
8. Kim Huyền, 2021: Đại dịch Covid-19 ‘tô đậm’ tình trạng nghèo đói toàn cầu. https://baoquocte.vn/dai-dich-covid-19-to-dam-tinh-trang-ngheo-doi-toan-cau-154943.html
9. Thanh Hương, 2022: Kinh tế Anh đạt tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục trong năm 2021. https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=772559
10. Keith Bradsher, 2008: China Plans to Bolster Its Slowing Economy  (Báo New York Time ngày 19/10/2008).
11. Khánh Ly, 2021: Chính sách tài khóa thời Covid-19 và tác động tới nợ công. https://www.vietnamplus.vn/chinh-sach-tai-khoa-thoi-covid19-va-tac-dong-toi-no-cong/757380.vnp
12. Trà My, 2020: Gói kích thích kinh tế mới của Mỹ: Người dân mong ngóng, Quốc hội vẫn ‘hững hờ’. https://baoquocte.vn/goi-kich-thich-kinh-te-moi-cua-my-nguoi-dan-mong-ngong-quoc-hoi-van-hung-ho-127569.html
13. Nguyễn Thanh Nga, 2022: Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,7% trong năm 2021. https://24hmoney.vn/news/kinh-te-nhat-ban-tang-truong-1-7-trong-nam-2021-c28a1349871.html?from=new-ui
14. Thu Ngọc, 2021: EU chuẩn bị tung gói cứu trợ trị giá gần 6 nghìn tỷ USD, tự tin đứng cạnh Mỹ. https://soha.vn/eu-chuan-bi-tung-goi-cuu-tro-tri-gia-gan-6-nghin-ty-usd-tu-tin-dung-canh-my-20210511164428443.html
15. Trần Ngọc, 2020: Liều thuốc nào giúp kinh tế thế giới ‘hàn gắn vết thương’ hậu Covid-19?. https://baoquocte.vn/lieu-thuoc-nao-giup-kinh-te-the-gioi-han-gan-vet-thuong-hau-covid-19-126183.html 
16. Ý Nguyên, 2021: Trung Quốc đang mắc nợ 7.200 tỷ USD. https://tuoitre.vn/trung-quoc-dang-mac-no-7-200-ti-usd-20210302214404551.htm
17. Kiều Oanh, 2021: Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2021.
https://vneconomy.vn/toan-canh-kinh-te-the-gioi-nam-2021.htm
18. Phương Oanh, Hương Giang, 2021: Liên hợp quốc và lãnh đạo nhiều nước hối thúc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ do Covid-19. https://baotintuc.vn/kinh-te/lhq-va-lanh-dao-nhieu-nuoc-hoi-thuc-giai-quyet-cuoc-khung-hoang-no-do-covid19-20210330105446612.htm
19. Minh Phương, 2021: Quốc gia trên bờ vực vỡ nợ vì Covid-19. https://dantri.com.vn/the-gioi/quoc-gia-tren-bo-vuc-vo-no-vi-covid19-20220104083128486.htm
20. Nhật Quang, 2021: Toàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021. https://vietstock.vn/2021/06/toan-canh-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-viet-nam-trong-quy-2-va-6-thang-dau-nam-2021-761-870192.htm 
21. Lê Quân, 2020: EU tung gói kích thích kinh tế 1.500 tỷ USD. https://baodautu.vn/eu-tung-goi-kich-thich-kinh-te-1500-ty-usd-d123645.html 
22. Đức Quyền, Song Ngọc, 2021: Những điều cần biết về trần nợ công, nguy cơ Mỹ vỡ nợ và màn kịch chính trị ở Washington. https://vietnambiz.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-tran-no-cong-nguy-co-my-vo-no-va-man-kich-chinh-tri-o-washington-20211001111715864.htm
23. Ngọc Trang, 2021: Đức tăng trưởng 2,7% năm 2021, đối mặt nguy cơ suy thoái. 
https://vneconomy.vn/duc-tang-truong-2-7-nam-2021-doi-mat-nguy-co-suy-thoai.htm
24. Thanh Tuấn, 2020: Về gói kích cầu kinh tế 750 tỷ Euro của Liên minh châu Âu. https://vietgiaitri.com/ve-goi-kich-cau-kinh-te-750-ty-euro-cua-lien-minh-chau-au-20200527i4965232/. 
25. Thúy Vi (2020): Kinh tế toàn cầu suy thoái tồi tệ nhất trong 100 năm qua. http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/kinh-te-toan-cau-suy-thoai-toi-te-nhat-trong-100-nam-qua-324258.html 

PGS.,TS. Kiều Hữu Thiện
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/03/2024 332 lượt xem
Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán nội bộ NHNN phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định về kiểm toán nội bộ của Việt Nam, một trong những yêu cầu hiện nay là nghiên cứu, rà soát, ban hành Sổ tay Kiểm toán nội bộ NHNN nhằm tập hợp, hệ thống hóa các quy định chung về kiểm toán nội bộ của NHNN.
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
25/03/2024 869 lượt xem
Trong kỉ nguyên số, Chatbot đóng vai trò vô cùng quan trọng và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
22/03/2024 1.514 lượt xem
Trong thị trường kinh tế, giao dịch phái sinh là một dạng hợp đồng dựa trên giá trị các loại tài sản cơ sở khác nhau như hàng hóa, chỉ số, lãi suất hay cổ phiếu (giấy tờ có giá).
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
11/03/2024 2.131 lượt xem
Hiện nay, quyết liệt chuyển đổi số, tạo dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, tạo ra nền tảng phát triển bán lẻ, tăng doanh thu dịch vụ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng là xu hướng chủ đạo của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
07/03/2024 2.356 lượt xem
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Song, những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài của nền kinh tế làm cho nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là có thể.
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
07/03/2024 2.160 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia; thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 05 - 11/3/2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Vai trò, tầm quan trọng của ESG trong phát triển bền vững tại ngân hàng thương mại Việt Nam
Vai trò, tầm quan trọng của ESG trong phát triển bền vững tại ngân hàng thương mại Việt Nam
05/03/2024 2.988 lượt xem
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đang dần chú trọng hơn đến sự phát triển bền vững như một hướng đi quan trọng trong hoạt động kinh doanh.
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
21/02/2024 2.682 lượt xem
Mô hình Ba Nhà là một mô hình nổi tiếng nêu bật sự gắn liền chặt chẽ giữa đào tạo lí thuyết và đào tạo thực tế, thông qua mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và chính phủ với tiềm năng đổi mới và phát triển kinh tế trong một xã hội tri thức.
Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
20/02/2024 2.942 lượt xem
Chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, là ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Nỗ lực nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam
Nỗ lực nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam
19/02/2024 2.386 lượt xem
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021 đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024
16/02/2024 6.889 lượt xem
Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực FDI đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Riêng năm 2023, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm tốc (chỉ đạt 5,05% GDP so với 8% GDP năm 2022) do bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn FDI.
Nhìn lại công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2023 - Nhận định dư địa chính sách tiền tệ năm 2024
Nhìn lại công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2023 - Nhận định dư địa chính sách tiền tệ năm 2024
15/02/2024 3.321 lượt xem
Kinh tế thế giới năm 2023 cho thấy nhiều bất định đến từ căng thẳng địa chính trị cũng như áp lực về tăng trưởng và lạm phát, kéo theo sự điều chỉnh về chính sách tiền tệ (CSTT) của các quốc gia trên thế giới.
Việt Nam vững mạnh, vươn cao trong năm Rồng
Việt Nam vững mạnh, vươn cao trong năm Rồng
13/02/2024 2.276 lượt xem
Năm 2024, chúng ta có thể tin tưởng, những khó khăn nhất đã ở phía sau. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý IV/2023 đã phục hồi lên 6,72% so với cùng kì năm 2022, góp phần vào tổng mức tăng trưởng cả năm 2023 đạt 5,05%. Đóng góp cho đà hồi phục này là nhờ sự cải thiện về thương mại bắt đầu trong quý cuối cùng của năm 2023.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024: Kiên cường và đầy hứa hẹn trước những thách thức
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024: Kiên cường và đầy hứa hẹn trước những thách thức
12/02/2024 2.552 lượt xem
Nhìn chung, kinh tế thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19 và những biến động địa chính trị, tuy nhiên, vẫn còn chậm và chưa đồng đều.
Quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
17/01/2024 4.297 lượt xem
Quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngân hàng. Hiện nay, vấn đề quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định, điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các ngân hàng.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

79.300

81.300

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

79.300

81.300

Vàng SJC 5c

79.300

81.320

Vàng nhẫn 9999

68.500

69.750

Vàng nữ trang 9999

68.400

69.250


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,590 24,960 26,123 27,556 30,490 31,787 158.88 168.16
BIDV 24,645 24,955 26,329 27,558 30,623 31,921 159.49 167.99
VietinBank 24,545 24,965 26,353 27,648 30,916 31,926 160.45 168.4
Agribank 24,610 24,955 26,298 27,570 30,644 31,779 159.81 167.89
Eximbank 24,580 24,970 26,426 27,196 30,846 31,746 161.32 166.02
ACB 24,590 24,990 26,466 27,124 30,989 31,632 160.93 166.09
Sacombank 24,585 24,945 26,552 27,112 31,086 31,598 161.79 166.8
Techcombank 24,616 24,959 26,918 27,538 30,506 31,826 157.09 169.49
LPBank 24,400 25,100 26,147 27,684 30,958 31,917 159.21 170.66
DongA Bank 24,640 24,990 26,440 27,130 30,860 31,710 159.00 166.20
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?