Xu hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số
18/07/2022 19.779 lượt xem
Tóm tắt:
 
Bài viết tập trung phân tích xu hướng chuyển đổi số và những công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tác động đến sự phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Trên cơ sở các kịch bản dự kiến về mô hình hoạt động ngân hàng trong tương lai, bài viết chỉ ra 07 xu hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số. 
 
Từ khóa: CMCN 4.0, chuyển đổi số, Fintech, Big Tech, Neo-Bank…
 
1. Đặt vấn đề
 
Khái niệm Industry 4.0 hay là cuộc CMCN 4.0 (The Fourth Industrial Revolution - FIR) được hình thành trên nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba - cuộc Cách mạng kỹ thuật số, sử dụng các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin để tự động hóa hơn nữa quá trình sản xuất (Larry Hatheway, 2016). CMCN 4.0 không chỉ giới hạn ở tự động hóa, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn bao trùm phạm vi rộng lớn bao gồm các làn sóng phát triển của những đột phá trong các lĩnh vực khác nhau: Từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, in 3D, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử (Roland Berger, 2014, p10). Trong cuộc cách mạng này, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới trên diện rộng được khuếch tán nhanh hơn và rộng rãi hơn so với những cuộc cách mạng trước, làm thay đổi căn bản, toàn diện cách thức chúng ta sản xuất, sinh sống, làm việc và tương tác lẫn nhau. Theo GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, các công nghệ của CMCN 4.0 cho phép tùy biến sản phẩm để phù hợp với khách hàng và tạo ra các mô hình hoạt động mới1. Mặc dù không nằm trong 09 lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của CMCN 4.02, nhưng với vị trí đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, CMCN 4.0 đã và đang làm thay đổi sâu sắc hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng nói chung, đặc biệt là quá trình cung ứng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng nói riêng.
 
Chuyển đổi số và những công nghệ mới tác động đến sự phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng
 
Theo Demirkan và cộng sự (2016), chuyển đổi số (Digital transformation) là sự chuyển đổi sâu sắc và nhanh chóng các hoạt động kinh doanh, quy trình, năng lực và mô hình kinh doanh để tận dụng những thay đổi và cơ hội do tiến bộ kỹ thuật số mang lại cho xã hội. Hess và cộng sự (2016) lại định nghĩa chuyển đổi số liên quan đến những thay đổi trong công nghệ kỹ thuật số có thể mang lại mô hình kinh doanh mới cho các công ty, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới hoặc thay đổi cơ cấu tổ chức sang hình thức tự động hóa các quy trình. Những thay đổi này có thể được quan sát thấy trong nhu cầu ngày càng tăng đối với các phương tiện truyền thông dựa trên Internet, dẫn đến những thay đổi của toàn bộ mô hình kinh doanh. 
 
Micic (2017) định nghĩa chuyển đổi số là việc “Tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh dẫn đến những thay đổi trong hoạt động kinh doanh và cung cấp giá trị cho khách hàng”. Theo tác giả, chuyển đổi số cũng đề cập đến những chuyển đổi được kích hoạt bởi việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất, xử lý, chia sẻ và chuyển giao thông tin. Nó được xây dựng dựa trên sự phát triển của nhiều công nghệ: Mạng viễn thông, công nghệ điện toán, kỹ thuật phần mềm và sự lan tỏa từ việc sử dụng chúng. Còn Igniger Anna (2017) lại cho rằng, chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là việc số hóa, tạo ra dữ liệu số hoặc việc ứng dụng công nghệ thông tin (công nghệ số) vào các hoạt động. Thực tế, chuyển đổi số có sự khác biệt với số hóa (digitization) và số hóa hoạt động (digitalization).
 
Như vậy, có thể hiểu chuyển đổi số là sự chuyển đổi sâu sắc và tăng tốc các hoạt động, quy trình, năng lực và mô hình kinh doanh để tận dụng triệt để những thay đổi và cơ hội của công nghệ số và tác động của chúng trên toàn xã hội theo cách chiến lược và ưu tiên. 
 
Ngày nay, công nghệ số đã dẫn đến một cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Theo đó, công nghệ số đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong nhiều quy trình, hoạt động của ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, bán lẻ, bảo hiểm, quản lý tài sản...; đồng thời, mang tới những lợi ích cho ngân hàng trong việc quản lý dữ liệu. Hệ quả của xu thế này là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng. Trong tương lai xa, có thể giao tiếp của con người sẽ hoàn toàn thay đổi khi có công nghệ thực tế ảo và hình ảnh ba chiều. Các kỹ thuật khai thác dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn giúp các ngân hàng hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng, kết hợp với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) và học máy (Machine Learning - ML) để phân tích hành vi khách hàng và giúp tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, sát với nhu cầu thực tế của khách hàng, mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích, trải nghiệm mới, mỗi sản phẩm, dịch vụ được cá thể hóa cao cho từng khách hàng.
 
Điện toán đám mây (Cloud Computing)
 
Cloud Computing là một thuật ngữ để chỉ một hệ thống điện toán dựa trên Internet bao gồm một lượng lớn các máy tính và thiết bị khác, trong đó gồm có cơ sở hạ tầng máy tính, khả năng truy xuất đến các ứng dụng, phần mềm, sức mạnh xử lý... được chia sẻ thông qua Internet. Với Cloud Computing, doanh nghiệp không phải mua và duy trì hàng trăm, hàng nghìn máy tính/phần mềm mà chỉ cần tập trung vào kinh doanh lĩnh vực riêng của mình. Đại bộ phận hạ tầng cơ sở của Cloud Computing hiện nay là sự kết hợp của những dịch vụ đáng tin cậy được phân phối thông qua các trung tâm dữ liệu (data center) được xây dựng trên những máy chủ với những cấp độ khác nhau. Những dịch vụ này có thể được truy cập từ bất kỳ đâu trên thế giới, trong đó đám mây là một điểm truy cập duy nhất cho tất cả các máy tính có nhu cầu của khách hàng. 
 
Các ngân hàng truyền thống sử dụng Cloud Computing để phát triển các giải pháp mới mà không phải đầu tư trang thiết bị, triển khai, nâng cấp, bảo trì, từ đó tiết giảm chi phí. Theo đó, các ngân hàng thường sẽ sử dụng các dịch vụ Cloud Computing từ nhà cung cấp (Public Clound) thay vì đầu tư ứng dụng Cloud Computing riêng (Private Cloud). Đối với việc sử dụng các dịch vụ Cloud Computing từ nhà cung cấp, cho dù tất cả các hoạt động có được thuê ngoài, các ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm quản lý rủi ro và giám sát mọi hoạt động. Do đó, lo ngại về an toàn và bảo mật (khó khăn trong việc kiểm soát, bảo đảm an toàn thông tin mạng, bảo vệ dữ liệu, nguy cơ bị tấn công mạng gia tăng...) là một rào cản ngăn các ngân hàng sử dụng Cloud Computing như một cơ sở hạ tầng chủ đạo.
 
Vì vậy, để cân bằng lợi ích và rủi ro, các ngân hàng có xu hướng vừa sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin của riêng mình để đảm bảo an toàn cho các nghiệp vụ ngân hàng quan trọng, vừa khai thác các dịch vụ đám mây từ nhà cung cấp cho các nghiệp vụ không thường xuyên, ít có yêu cầu về an ninh và bảo mật dữ liệu. Điều này giải thích lý do vì sao ngày càng nhiều định chế tài chính sử dụng ứng dụng phần mềm SaaS3 cho các cấu phần xử lý kinh doanh được xem là không phải cốt lõi trong hoạt động của mình. 
 
Tự động hóa quy trình bằng Robot (R.P.A - Robotic Process Automation) và AI
 
R.P.A được phát minh và ứng dụng để tự động hóa các quy trình, giúp cho việc quản lý, tìm kiếm thông tin, dữ liệu, xử lý các giao dịch và giao tiếp với các hệ thống số khác được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả và thống nhất.
 
AI là lĩnh vực mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người bằng máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính. Các quá trình bao gồm học tập (thu thập các thông tin và quy tắc sử dụng thông tin), lập luận (sử dụng các quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hay xác định) và tự điều chỉnh. Các ứng dụng đặc trưng của AI bao gồm: Hệ thống chuyên gia, các hệ thống tự điều khiển hay các hệ thống tương tác tự động.
 
Trên thực tế, việc ứng dụng các Robot vào dịch vụ ngân hàng đã được tiến hành từ lâu. Các ATM chính là Robot đời đầu. Chúng rất đơn giản và là những Robot được tạo ra cho một mục đích nhất định, cung cấp dịch vụ cho khách hàng một cách ổn định, thuận tiện, chi phí thấp và ngày càng được tin cậy. Nguyên lý này đồng thời được áp dụng cho các dịch vụ tài chính khác, tinh vi hơn như việc áp dụng quy trình quản lý tài sản bằng các Robot được lập trình sẵn, áp dụng tại các quầy giao dịch để giao tiếp, tư vấn được với khách hàng... Đối với việc sử dụng Robot thay thế cho các giao dịch viên ngân hàng, một số khả năng sau sẽ được xem xét đưa vào ứng dụng: (i) Nhận biết - khả năng Robot nắm bắt, thông hiểu, lên kế hoạch và hành động trong một thế giới thực: Khả năng nhận thức tốt hơn nghĩa là Robot có thể làm việc một cách tự động trong một môi trường đa dạng, năng động và phức tạp hơn; (ii) Thao tác - khả năng kiểm soát chính xác và khéo léo thao tác vật thể trong môi trường: Với sự cải thiện về khả năng thao tác, các Robot có thể làm được nhiều công việc đa dạng hơn và được sử dụng trong nhiều trường hợp; (iii) Tương tác - khả năng học hỏi và cộng tác với con người: Những tiến bộ gần đây, như hỗ trợ giao tiếp qua đối thoại hoặc không đối thoại, quan sát và sao chép hành vi con người, đã khiến cho Robot ngày càng có khả năng làm việc cùng con người. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu cao và việc kiểm soát, vận hành hệ thống để không phát sinh các rủi ro do hệ thống tự động tạo ra là thách thức trong quá trình ứng dụng công nghệ này.
 
Việc ứng dụng AI đã và đang thay đổi cục diện ngân hàng do ứng dụng này giảm thiểu tối đa công sức lao động của con người, giảm thiểu chi phí, tăng trải nghiệm người dùng; hỗ trợ tích cực trong việc hiện đại hóa và số hóa các ngân hàng truyền thống thông qua việc sử dụng công cụ phân tích dữ liệu tiên tiến để nghiên cứu về nhu cầu khách hàng, phân phối dịch vụ tức thời và tăng cường quản lý rủi ro (một số ngân hàng đã sử dụng AI để phát hiện gian lận trong thanh toán, phát hiện hành vi bất thường để xác định các giao dịch lạm quyền và trục lợi). 
 
Công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT)
 
Big Data là thuật ngữ để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể đảm đương được. Triển khai dữ liệu lớn sẽ đồng thời giải quyết các thách thức về phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truy vấn, truyền nhận dữ liệu trực tuyến và tính riêng tư. Các công nghệ sử dụng trong Big Data có thể được chia thành hai nhóm: Xử lý hàng loạt (batch processing) dùng để xử lý những dữ liệu có khối lượng lớn và xử lý theo luồng (stream processing), chú trọng đến tốc độ xử lý của dữ liệu, dữ liệu được phát sinh và truyền tải liên tục, được xử lý trong khoảng thời gian nhỏ, đáp ứng tính thời gian thực của dữ liệu.
 
Trong lĩnh vực ngân hàng, Big Data đang được quan tâm và ứng dụng. Các nguồn Big Data mới có thể hỗ trợ cho các dịch vụ như các nguồn dữ liệu từ các sàn giao dịch, các giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng, dữ liệu ngân hàng di động, các hồ sơ liên quan đến các hệ thống thanh quyết toán chứng khoán, thanh toán bù trừ và phái sinh cũng như các giao dịch thương mại và bán lẻ. Các ngân hàng cũng có thể dựa vào IoT thêm nguồn dữ liệu mới để đánh giá tín dụng, công nghệ cảm biến mới có thể cách mạng hóa việc theo dõi dữ liệu cho vay thế chấp và bảng cân đối kế toán cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các tập đoàn. Điều này sẽ giúp các nghiệp vụ ngân hàng có khả năng vận hành tự động và thực hiện báo cáo gần như theo thời gian thực.
 
Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)
 
Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó (Narayanan & cộng sự, 2016). 
 
Về bản chất, Blockchain là một loại sổ cái phân tán (Distributed ledger technology - DLT), chứa đựng các thông tin, giao dịch ghi lại bằng kỹ thuật số, chống sửa đổi, được đưa vào các gói gọi là khối (blocks) thay vì ghi chép chúng trên từng bản riêng lẻ. Mỗi khối đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối liền trước đó, sử dụng ký số mật mã. Điều này cho phép chuỗi khối được sử dụng như là một cuốn sổ cái, trong đó thông tin được truy cập và chia sẻ đồng nhất tới bất cứ ai có quyền truy cập tới chuỗi khối đó.
 
Hiện nay, công nghệ Blockchain đang được các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm ứng dụng trong một số phạm vi hoạt động như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, tài trợ thương mại hay định danh khách hàng (KYC)... Đối với việc định danh khách hàng, phương pháp KYC ứng dụng Blockchain có nhiều ưu thế hơn so với phương pháp truyền thống (mỗi ngân hàng tự xác định thông tin khách hàng hợp lệ và lưu vào cơ sở dữ liệu riêng của ngân hàng đó, gây bất tiện cho khách hàng nếu có nhu cầu mở tài khoản tại nhiều ngân hàng và làm gia tăng chi phí cho chính các ngân hàng này). Khi một khách hàng mới đăng ký tài khoản tại ngân hàng, ngân hàng đó sẽ kiểm tra thông tin trên cơ sở dữ liệu Blockchain chung của hệ thống và sẽ nhập thông tin khách hàng mới này lên hệ thống Blockchain nếu chưa có thông tin về khách hàng này. Bất cứ khi nào khách hàng phát sinh một thông tin mới tại một ngân hàng nào đó (là thành viên của hệ thống Blockchain), thông tin của khách hàng sẽ được cập nhật vào một khối (block) mới trên hệ thống. Theo đó, dần dần sẽ tạo lập một hồ sơ tín dụng đầy đủ của bất cứ khách hàng nào mà không nhất thiết phải thu thập thông tin của từng ngân hàng mà khách hàng đó đăng ký tài khoản.
 
Ngoài các ứng dụng trên, ứng dụng công nghệ DLT của Blockchain được xem là một công nghệ đang nổi, có tiềm năng ứng dụng cho nhiều mục đích khác nhau dù mức độ phức tạp hơn so với các công nghệ khác, chẳng hạn như hỗ trợ cho các giao dịch chuyển tiền giữa các bên mà không cần qua trung gian (như các đối tác trung tâm hoặc trung tâm lưu ký chứng khoán), cho vay nhóm, bù trừ repo, lưu trữ và xử lý phái sinh. Ứng dụng DLT trong giao dịch chuyển tiền có thể rẻ hơn nhiều so với các nền tảng cổng platform hiện tại bởi chúng loại bỏ hoàn toàn các cấu phần cần thiết để xác thực giao dịch do việc xác thực được tiến hành một cách đồng thời bởi mỗi thành viên trong mạng lưới. Quá trình “đồng thuận” này loại bỏ nhu cầu phải có các trung gian tài chính tham gia vào giao dịch (bao gồm có người trung gian chuyển tiền, xét hợp đồng, giao dịch thuế, lưu trữ thông tin...) và do đó tiết kiệm phí giao dịch. Trong tương lai, ngoài giao dịch chuyển tiền, còn có thể có các giao dịch chuyển nhượng tài sản kỹ thuật số và tài sản vật chất, quyền sở hữu trí tuệ và xác thực chuỗi lưu ký (Chain of custody) cũng sẽ sử dụng ứng dụng DLT. Một số giải pháp DLT khác còn chú trọng vào các hoạt động nội bộ ngân hàng, thúc đẩy chia sẻ thông tin để tăng hiệu quả trong quá trình xử lý kinh doanh của các ngân hàng hoặc đẩy mạnh sự tự động hóa thông qua việc ứng dụng các hợp đồng thông minh. 
 
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, an ninh, an toàn bảo mật được chú trọng thì việc ứng dụng công nghệ Blockchain hay DLT có khả năng chống gian lận cao nhằm bảo vệ và xác thực hầu như mọi loại giao dịch sẽ có tác động như một cuộc cách mạng đối với ngành dịch vụ tài chính. Tuy vậy, cho đến nay DLT cũng như Blockchain vẫn chưa được chấp nhận trên quy mô lớn do thiếu những chuẩn mực về dữ liệu riêng tư và thống nhất trong ngành. Những lợi ích thực sự của công nghệ Blockchain cần có thời gian trải nghiệm để được minh chứng, từ đó mới tạo được lòng tin để chuyển đổi mô hình công nghệ từ tập trung hóa và đối tác trung tâm sang mô hình phân tán. 
 
Giao diện chương trình ứng dụng (Application Programming Interface - API)
 
API là giao diện chương trình ứng dụng cung cấp giao diện để các bên thứ ba có thể truy cập vào dữ liệu hoặc chức năng của hệ thống một cách an toàn, có kiểm soát và hiệu quả về chi phí. Trường hợp API chỉ có thể được truy cập trong phạm vi một tổ chức thì được gọi là “API đóng” (closed API) hoặc “API riêng” (private API); ngược lại, API được truy cập bởi các bên thứ ba (ngoài phạm vi của tổ chức) thì được gọi là API mở (open API). Trong phạm vi bài viết này, chỉ đề cập đến trường hợp API mở do liên quan trực tiếp đến việc mở rộng hệ sinh thái số của ngân hàng. 
 
Hiện nay, trên thế giới có 02 xu hướng chính trong việc triển khai API mở: (i) Bắt buộc thực hiện như ở Anh, châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông,...; (ii) Khuyến khích thực hiện trên tinh thần tự nguyện như Singapore, New Zealand... Theo đó, trong quá trình triển khai API mở, các quốc gia đều chú trọng đến việc ban hành các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng và hướng dẫn triển khai API mở nói chung (trong đó quy định cụ thể: Phạm vi áp dụng; phân loại các hàm API và khung thời gian triển khai; các tiêu chuẩn kỹ thuật; các biện pháp để quản trị, phát triển hệ sinh thái API). Kể cả các quốc gia bắt buộc thực hiện, lộ trình chính thức đưa API vào thực tế cũng khá dài (thường từ 2 - 3 năm); chia thành nhiều giai đoạn dựa trên mức độ rủi ro, nhạy cảm của dữ liệu hoặc/và quy mô của các ngân hàng.
 
2. Những kịch bản dự kiến về mô hình hoạt động ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số
 
Kịch bản 1: Hiện đại hóa và số hóa các dịch vụ hiện hành trong mô hình ngân hàng truyền thống (Better Bank)
 
Các ngân hàng hiện hành sẽ số hóa và hiện đại hóa bản thân, đổi mới công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh nhằm giữ mối quan hệ với khách hàng và các dịch vụ ngân hàng lõi. Các công nghệ mới (bao gồm Cloud Computing, Big Data, AI và DLT) được đưa vào ứng dụng rộng rãi để cải thiện các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động ngân hàng hiện hành; điều mà nền tảng cơ sở hạ tầng hiện tại không thể làm được. Theo đó, các ngân hàng truyền thống có thể ứng dụng các xu hướng công nghệ sau:
 
(i) Ứng dụng các công nghệ mới như sinh trắc học, Video, Chatbots hoặc AI có thể giúp các ngân hàng đủ năng lực duy trì mối quan hệ khách hàng từ xa, trong khi vẫn bảo mật các giao dịch, giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố.
 
(ii) Đổi mới dịch vụ thanh toán, mở rộng các dịch vụ thanh toán di động với sự hợp tác của bên thứ ba, tích hợp với nền tảng công nghệ hiện có của ngân hàng. 
 
(iii) Cung ứng các dịch vụ tư vấn tự động hoàn toàn hoặc một phần do Robot đảm nhận, các công cụ quản lý tài sản số hóa và các dịch vụ bổ sung cho khách hàng nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trên các thị trường ngân hàng bán lẻ, giữ chân khách hàng cũ và hấp dẫn những người mới.
 
(iv) Số hóa quy trình cho vay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về thời gian, sự thuận tiện và chi phí khi ra quyết định cấp tín dụng. Việc số hóa đòi hỏi phải có giao diện, công cụ xử lý hiệu quả hơn, tích hợp với hệ thống cũ cùng hệ thống quản lý văn bản, cũng như các công cụ xác thực khách hàng và ngăn ngừa giả mạo. Điều này có thể thực hiện được thông qua sự phát triển nền tảng cho vay của bản thân ngân hàng, mua một hệ thống hiện có, hoặc thuê bên thứ ba cung ứng dịch vụ.  
 
Kịch bản 2: Phát triển ngân hàng theo mô hình mới thay thế ngân hàng truyền thống (New Bank)
 
Các ngân hàng theo mô hình truyền thống không thể trụ được trước làn sóng công nghệ mới sẽ bị thay thế bằng một loại hình ngân hàng mới chịu sự chi phối của công nghệ, chẳng hạn như các Neo-bank, hoặc ngân hàng do các công ty công nghệ lớn (Big Tech) thành lập, với nền tảng ngân hàng số hóa cho toàn bộ dịch vụ. Các ngân hàng loại mới này ứng dụng những công nghệ tiên tiến để cung ứng các dịch vụ ngân hàng theo cách thức hiện đại với chi phí thấp. Những người chơi mới có thể xin cấp phép hoạt động ngân hàng theo các quy định cũ hiện hành và tự sở hữu mối quan hệ với khách hàng, hoặc có thể trở thành đối tác của các ngân hàng truyền thống. 
 
Neo-bank có thể sử dụng công nghệ nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho khách hàng thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh (Smartphone) hoặc trên nền tảng Internet giúp giảm chi phí cung ứng dịch vụ một cách đáng kể so với các ngân hàng truyền thống. Theo đó, các Neo-bank sẽ tìm kiếm chỗ đứng vững chắc trong khu vực ngân hàng với mô hình quan hệ khách hàng được hiện đại hóa và số hóa, thoát khỏi mô hình lấy chi nhánh làm trung tâm theo truyền thống. Các Neo-bank không bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng cũ và có khả năng đưa công nghệ vào ứng dụng với chi phí thấp hơn, nhanh chóng hơn và trên nền tảng hiện đại hơn.
 
Các Neo-bank thường hướng tới khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ cung ứng các dịch vụ ngân hàng từ dịch vụ tài khoản vãng lai, thấu chi cho tới các dịch vụ rộng hơn như tài khoản tiền gửi thanh toán và tài khoản doanh nghiệp, thẻ tín dụng, tư vấn tài chính và cho vay. Họ mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng của mình thông qua các nhà cung ứng dịch vụ Cloud Computing hay các hệ thống dựa trên giao diện chương trình ứng dụng API để tương tác tốt hơn thông qua nền tảng mạng trực tuyến, mạng di động hay mạng xã hội. Mô hình thu nhập sẽ dựa trên doanh thu từ phí và, ở một mức độ thấp hơn, là lãi suất, cùng với việc giảm thiểu chi phí và các phương thức khác nhau trong việc tiếp thị sản phẩm thông qua công nghệ Big Data hoặc các phương thức phân tích dữ liệu tiên tiến. 
 
Ở nhiều quốc gia, các quy định pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng cởi mở hơn đã hỗ trợ cho sự phát triển của loại hình ngân hàng này. Ở châu Âu, các ngân hàng điện tử sẽ sớm có thể được phép truy cập dữ liệu khách hàng từ các ngân hàng truyền thống. Nhiều ngân hàng bán lẻ trên thế giới đã từ bỏ mô hình ngân hàng chi nhánh truyền thống để phát triển thành mô hình ngân hàng cung cấp dịch vụ trực tuyến thông qua các ứng dụng trên Smartphone. Ngân hàng điện tử thuần túy Ally lần đầu tiên được ra mắt ở Mỹ vào năm 2008, trong vài năm gần đây đã có hàng loạt ngân hàng gia nhập vào xu thế này như ngân hàng Tandem, N26 và Fidor ở châu Âu, Digibank ở Ấn Độ và B1NK ở Kazakhstan. Các ví dụ khác về loại hình ngân hàng này còn có Atom Bank và Monzo Bank ở Anh, Binq ở Hà Lan, WeBank ở Trung Quốc...
 
Kịch bản 3: Phân tán một số dịch vụ ngân hàng truyền thống sang cho các công ty Fintech chuyên biệt thực hiện (Distributed Bank)
 
Các dịch vụ ngân hàng sẽ được phân thành từng phần, trong đó ngân hàng truyền thống nắm giữ các dịch vụ cốt lõi để tồn tại. Các Fintech hay Big Tech sẽ là người “lắp đặt và vận hành” giao diện khách hàng kỹ thuật số mà bản thân các giao diện này lại có thể thuộc sở hữu của người chơi khác trên thị trường. Một số doanh nghiệp mới xuất hiện cung cấp những dịch vụ đặc biệt mà không có ý định trở thành các ngân hàng đa năng hay ngân hàng bán lẻ. Họ chú trọng hơn vào các dịch vụ chuyên biệt mà không cố gắng cạnh tranh để giành toàn bộ mối quan hệ khách hàng. Việc sở hữu mối quan hệ khách hàng để cung ứng các dịch vụ ngân hàng lõi sẽ thuộc lĩnh vực cạnh tranh của ngân hàng cùng những người chơi khác trên thị trường.
 
Trong kịch bản này, các ngân hàng và công ty Fintech sẽ trở thành các đối tác. Để giữ chân khách hàng, các ngân hàng cũng sẽ đưa vào áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại do các nhà dịch vụ bên thứ ba cung ứng. Khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ tài chính của nhiều nhà cung ứng thay vì gắn kết với một nhà cung ứng dịch vụ tài chính duy nhất. Với kịch bản này, việc sử dụng giao diện chương trình ứng dụng mở sẽ ngày càng tăng, theo đó, những xu hướng chính sẽ là:
 
(i) Đối tác cho vay chia sẻ các cổng platform của mình với các ngân hàng để tiếp thị các sản phẩm tín dụng, cũng như quy trình chấp thuận, cấp vốn và quản lý tuân thủ. Các cổng platform cho vay có thể cũng xin cấp phép, cho phép họ tiến hành kinh doanh mà không cần phải hợp tác với ngân hàng.
 
(ii) Các dịch vụ thanh toán mới ra đời trong mối liên doanh, hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech. Các ngân hàng chủ yếu hướng đến các giải pháp thanh toán di động cũng như các giải pháp kinh doanh khác dựa trên công nghệ DLT để thúc đẩy quy trình xử lý chuyển tiền giữa các ngân hàng trong hệ thống.
 
(iii) Các dịch vụ tư vấn tự động hoặc tư vấn đầu tư tự động được các công ty Fintech cung ứng thông qua một ngân hàng như một phần của hoạt động liên doanh, hợp tác với ngân hàng.



Ngân hàng trực tuyến của Đức - N26 được thành lập vào năm 2013 bởi Valentin Stalf và Maximilian Tayenthal với mục tiêu hoạt động là thâm nhập và thiết kế lại hệ thống ngân hàng bán lẻ hiện tại ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới. Đến năm 2015, N26 chính thức hoạt động và cung ứng sản phẩm đầu tiên của mình là tài khoản ngân hàng miễn phí N26 và thẻ tín dụng MasterCard N26 tại Đức và Áo. 
 
Mới bước vào hoạt động, N26 đã trở nên thu hút và gây được tiếng vang lớn nhờ sản phẩm đầu tiên của mình (mở tài khoản ngân hàng miễn phí trong vòng 10 phút và thẻ tín dụng áp dụng gần như bất kỳ đâu với phí 0 đồng). Cùng năm này, N26 cũng định hình lại chiến lược và hướng đến đối tượng khách hàng cá nhân ở mọi lứa tuổi với nhiều loại hình dịch vụ để cạnh tranh với các ngân hàng đang cung ứng dịch vụ Smartphone trên thị trường. 
 
Ban đầu, doanh thu của N26 chỉ từ dịch vụ ngân hàng di động (Mobile Banking). Tiếp đó, đến năm 2016, khi có được giấp phép hoạt động ngân hàng (của châu Âu) thì bắt đầu cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng và phức tạp nhưng theo hướng nhu cầu khách hàng và ứng dụng công nghệ tiên tiến để đơn giản hóa quy trình giao dịch, cung ứng dịch vụ tức thì đến khách hàng. 
 
Tính từ khi N26 bắt đầu đi vào hoạt động chính thức vào năm 2015 đến năm 2019, số lượng khách hàng đã tăng lên 2,5 triệu ở 24 quốc gia châu Âu nhờ sự đóng góp của 700 chuyên gia đến từ 50 quốc tịch và 3 văn phòng đại diện tại Berlin, New York và Barcelona (N26 GmbH 2019). Tầm nhìn của N26 lúc đó là cung ứng các dịch vụ ngân hàng hiện có với mục tiêu 5 triệu khách hàng vào năm 2020 (www.netguru.com, ngày 18/3/2019). Tính đến năm 2019, N26 đã huy động được 2,7 tỷ đô la từ các nhà đầu tư mạo hiểm khác nhau và các nhà đầu tư lớn (N26 GmbH 2019). Đến năm 2021, N26 đã có số lượng khách hàng vượt qua mốc 7 triệu trên 25 thị trường khác nhau, với đội ngũ hơn 80 quốc tịch tại các văn phòng đại diện ở Berlin, Barcelona, Madrid, Milan, Paris, Vienna, New York và São Paulo.
Có thể nói, N26 là ngân hàng kỹ thuật số hoàn toàn với khách hàng mục tiêu là khách hàng cá nhân thông qua ứng dụng di động của mình. N26 không có chi nhánh ngân hàng nhưng có thể rút tiền mặt từ bất kỳ cửa hàng bán lẻ nào và nhiều loại ATM. 
 
Rõ ràng sự kết hợp hoạt động ngân hàng với Fintech đã giúp N26 cung cấp dịch vụ tài chính đa dạng theo những cách thức sáng tạo. Cũng chính nhờ sự kết hợp này, N26 đã ứng dụng nhiều công nghệ mới, nhiều chiến lược mới, cải thiện các kỹ thuật quản lý, hỗ trợ đổi mới quản lý chuỗi cung ứng, giúp N26 đạt được lợi thế cạnh tranh mà ít ngân hàng truyền thống có thể có.
 

 
Kịch bản 4: Ngân hàng thu hẹp hoạt động (Relegated Bank)
 
Trong kịch bản ngân hàng thu hẹp hoạt động, các ngân hàng truyền thống hiện hành trở thành các nhà cung ứng dịch vụ được thương mại hóa và chuyển giao các mối quan hệ khách hàng trực tiếp cho các nhà cung ứng dịch vụ tài chính khác như các công ty Fintech hoặc Big Tech. 
 
Theo đó, các công ty Fintech hoặc Big Tech sử dụng nền tảng công nghệ để tiếp cận khách hàng nhằm cung ứng các loại dịch vụ tài chính khác nhau từ những nhóm nhà cung ứng dịch vụ khác nhau. Ngoài ra, các công ty Fintech và Big Tech có thể sử dụng các ngân hàng truyền thống để cung ứng các dịch vụ ngân hàng lõi như cho vay, nhận tiền gửi và những hoạt động ngân hàng khác (do các ngân hàng có giấy phép hoạt động ngân hàng). Ngân hàng thu hẹp có thể có hoặc không có rủi ro của các hoạt động này trên bảng cân đối tài sản, tùy theo mối quan hệ hợp đồng với công ty Fintech.
 
Một số ví dụ về các dịch vụ tài chính được chia thành nhiều phần, theo đó ngân hàng phải thu hẹp hoạt động của mình và chỉ cung ứng các dịch vụ chuyên biệt cho những người chơi khác đang sở hữu mối quan hệ khách hàng, cụ thể:
 
(i) Sự gia tăng các cổng thanh toán dẫn đến sự ra đời của các loại hình ngân hàng cung ứng các hoạt động ngân hàng nội bộ hỗ trợ. Theo đó, các công ty Fintech sẽ trực tiếp tham gia vào các mối quan hệ khách hàng và quản lý sản phẩm; các ngân hàng sẽ thực hiện xác thực khách hàng để cho phép hoặc không cho phép họ tiếp cận với tiền trong các thẻ thanh toán và tài khoản.
 
(ii) Các nhà vận hành cổng platform cho vay trực tuyến đã trở thành các nhà cung ứng dịch vụ tài chính thông dụng và có thể mở rộng phạm vi dịch vụ vượt ra ngoài việc cho vay thông thường để trở thành một trung gian tài chính mới giữa khách hàng và ngân hàng. Theo đó, cạnh tranh giữa các định chế tài chính gia tăng và khách hàng sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm có chất lượng được cung ứng với giá rẻ hơn. Các ngân hàng truyền thống sẽ rời bỏ thị trường để chỉ cung ứng cơ chế hoạt động và tài chính.  
 
(iii) Các ngân hàng trở nên thuần túy là một trong các phương tiện tài chính mà ở đó các Robot tư vấn (Robo-advisor) hướng dẫn khách hàng đầu tư và giải quyết nhu cầu tài chính.    
 
(iv) Tận dụng dữ liệu khách hàng của bên thứ ba để cung ứng các sản phẩm tài chính thiết kế phù hợp với các khách hàng (ngân hàng khi đó cũng sẽ là một khách hàng); ngân hàng khi đó thu hẹp phạm vi và chú trọng vào việc quản lý sản phẩm và rủi ro. Ví dụ như WeBank của Tập đoàn Talent là một nền tảng hoạt động ngân hàng được cấp phép kết nối với ứng dụng WeChat (chuyển tải thông điệp tức thời, tận dụng dữ liệu khách hàng của bên thứ ba để cung ứng sản phẩm tài chính) để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ của bên thứ ba.
 
Kịch bản 5: Ngân hàng phi trung gian (Disintermediated Bank)
 
Các ngân hàng truyền thống không còn là người chơi quan trọng trong kịch bản này, bởi nhu cầu về một trung gian tài chính độc lập đáng tin cậy như ngân hàng không còn nữa. Các ngân hàng bị thay thế bởi các cổng platform và các công nghệ đảm bảo việc kết nối trực tiếp với khách hàng cuối cùng căn cứ trên nhu cầu tài chính của họ (như cho vay, thanh toán hoặc huy động vốn...).
 
Trong kịch bản này, các khách hàng có thể trực tiếp lựa chọn về dịch vụ và nhà cung ứng mà không phải tìm kiếm các dịch vụ như vậy thông qua ngân hàng nhưng đồng nghĩa với việc họ phải tự chịu trách nhiệm cao hơn về các rủi ro có thể xảy ra trong các giao dịch. Chẳng hạn như trong giao dịch cho vay ngang hàng (P2P Lending), mỗi khách hàng có thể được coi như một người cho vay (những người sẽ phải chịu rủi ro tín dụng) và là người đi vay (những người sẽ phải đối mặt với rủi ro gia tăng xuất phát từ những người cho vay nằm ngoài sự quản lý của cơ quan nhà nước và có thể không nhận được tư vấn tài chính hoặc hỗ trợ trong trường hợp gặp phải vấn đề).
 
Hiện tại, kịch bản này chưa thực tế nhưng đã có một số yếu tố có thể dự đoán về xu hướng này:
 
(i) Cổng platform P2P Lending có thể thu hút một số khá lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ tiềm tàng để đáp ứng nhu cầu về vốn đối với một số yêu cầu tín dụng nhất định. Hiện nay, thị phần của P2P Lending vẫn còn khá nhỏ và chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh. Theo đó, ở nhiều nơi, cổng platform P2P Lending có xu hướng chuyển sang, hoặc nhập vào các mô hình kinh doanh qua cổng platform lớn, với nhiều dịch vụ đa dạng từ các nhà đầu tư định chế và các quỹ thay vì chỉ dựa vào việc cấp vốn từ các nhà đầu tư nhỏ, lẻ. 
 
(ii) Sự phát triển của tiền ảo sử dụng công nghệ DLT để thực hiện thanh toán hoặc chuyển nhượng mà không cần có sự tham gia của ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, việc chấp nhận rộng rãi tiền ảo cho các mục đích giao dịch chung vẫn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự biến động lớn về giá cả, giao dịch ẩn danh, kéo theo sự gia tăng nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. 
 
3. Các xu hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng 
 
Dưới tác động của chuyển đổi số và những xu hướng công nghệ của CMCN 4.0, các ngân hàng sẽ có thể lựa chọn một trong 04 kịch bản được đề cập tại mục 2 của bài viết để thích ứng với bối cảnh mới; theo đó, hoạt động ngân hàng và các sản phẩm, dịch vụ cũng sẽ thay đổi theo 07 xu hướng chính như sau:
 
Một là, thay đổi mô hình kinh doanh
 
Xu hướng phát triển mô hình ngân hàng số ngày càng rõ nét. Sự cạnh tranh từ tổ chức tài chính phi ngân hàng và những người tham gia mới như các công ty Fintech, đặc biệt là áp lực từ các công ty tài chính công nghệ (Techfins)  đã tạo nên những thách thức đối với mô hình kinh doanh ngân hàng truyền thống và đại dịch Covid-19 càng đẩy nhanh tốc độ phát triển của xu hướng này. Theo báo cáo của Công ty Exton Consulting (2020), tính đến cuối năm 2020, trên toàn thế giới có khoảng 256 ngân hàng số, tăng gấp 4 lần so với năm 20184
 
Các ngân hàng truyền thống cũng đều nỗ lực đẩy mạnh hoạt động số hóa trong ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô trung bình sẽ bị ảnh hưởng vì họ không thể có đủ chi phí đầu tư công nghệ thông tin - là yếu tố quan trọng trong môi trường mới. Để đầu tư vào hệ thống công nghệ nhằm đáp ứng việc chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng số, các ngân hàng sẽ phải bỏ ra những khoản chi phí khổng lồ. Đặc biệt là hệ thống công nghệ ngân hàng vốn là một hệ thống phức tạp, cấu trúc lớn và đòi hỏi tính an toàn cao. Điều này có thể thúc đẩy các ngân hàng có quy mô nhỏ và trung bình thực hiện sáp nhập để đạt được quy mô lớn hơn.
 
Bên cạnh đó, sự phát triển của thế hệ người tiêu dùng 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng phải chuyển đổi mô hình hoạt động của mình từ mô hình hướng nội (bán thứ mình có) sang mô hình hướng ngoại (bán thứ khách hàng cần), lấy khách hàng làm trung tâm cho các hoạt động của ngân hàng. Thế hệ người tiêu dùng 4.0 muốn có nhiều đầu mối tương tác trong khi vẫn đảm bảo tính nhất quán và dễ dàng khi sử dụng dịch vụ. Khảo sát của McKinsey & Company tại khu vực châu Á (2020) cho thấy 83% khách hàng sử dụng ít nhất 05 kênh khác nhau để nghiên cứu về sản phẩm/dịch vụ ngân hàng mới và khoảng 1,8 kênh để sử dụng sản phẩm/dịch vụ đã mua, khách hàng trẻ tuổi (từ 20 - 35) sử dụng nhiều kênh hơn khách hàng lớn tuổi (trên 55); khách hàng sử dụng nhiều kênh có xu hướng sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ hơn khách hàng sử dụng ít kênh. Do đó, các ngân hàng cần nghiên cứu và phát triển được các mô hình cung cấp dịch vụ kết hợp đa kênh, kết hợp cả kênh truyền thống và kênh hiện đại.
 
Hai là, thay đổi phương thức cạnh tranh 
 
Việc giao dịch trực tuyến phổ biến qua ngân hàng đã khiến cho thị trường mục tiêu của ngân hàng cùng những lợi thế cạnh tranh không còn được xác định bởi sự hiện diện vật chất dưới hình thức chi nhánh hay phòng giao dịch, mà bằng sức mạnh công nghệ, giá thành và sự đa dạng, linh hoạt của các sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình cung ứng dịch vụ phi truyền thống (Fintech, Big Tech, công ty viễn thông...) với lợi thế công nghệ, ít bị kiểm soát, giám sát bởi các quy định an toàn hoạt động khiến áp lực cạnh tranh của các ngân hàng trong việc giữ chân khách hàng là không hề nhỏ.
 
Theo đó, các ngân hàng có thể thay đổi phương thức cạnh tranh theo 03 hướng chính: (i) Tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ để tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất; (ii) Khai thác tốt nền tảng khách hàng hiện có, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ việc bán chéo sản phẩm; (iii) Phát triển và mở rộng tệp khách hàng mới thông qua các kênh cung ứng dịch vụ hiện đại...
 
Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng sâu sắc và giữa một hệ sinh thái dịch vụ bao quanh người dùng, các ngân hàng cần tạo lập cho mình “điểm khác biệt, không thể thay thế”. Chẳng hạn như ưu thế trong việc hiểu và duy trì niềm tin với khách hàng thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu và các mô hình phân tích đã được xây dựng và hoàn chỉnh trong nhiều năm. Lợi thế về dữ liệu khách hàng cần được tận dụng một cách triệt để trên cơ sở các ngân hàng ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của dữ liệu và nâng cao chất lượng của hoạt động quản trị quan hệ khách hàng dựa trên các giải pháp mới về dữ liệu lớn. Các ngân hàng cũng thường được xem là nhóm các doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong nền kinh tế, với nhiều đóng góp cho môi trường và xã hội trong nhiều năm, từ đó hình thành nên mối quan hệ bền chặt giữa ngân hàng và cộng đồng. Đặc biệt là các thế hệ tiêu dùng hiện nay, họ không ngừng nâng cao trách nhiệm xã hội, có nhu cầu khẳng định bản thân thông qua sự đóng góp và hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng, bảo vệ môi trường sống. Những khách hàng này cũng có nhu cầu lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ có cùng tâm ý giống họ.
 
Ba là, phát triển kênh phân phối hiện đại, giảm mạng lưới vật lý
 
Sự xuất hiện của Smartphone đã thay đổi hoàn toàn cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng. Kênh bán hàng qua Internet, Mobile Banking, Tablet Banking, mạng xã hội (Social media), phát triển ngân hàng số và giao dịch không giấy tờ đã, đang và sẽ tiếp tục là xu thế phát triển mạnh5.
 
Việc duy trì chi nhánh với chi phí cố định cao sẽ không còn phù hợp và các ngân hàng buộc phải nhanh chóng tái cơ cấu lại mạng lưới của mình, giảm số lượng chi nhánh và chỉ giữ lại những chi nhánh hiệu quả nhất với chi phí ít tốn kém nhất, đồng thời thử nghiệm những hình thức hiện diện mới. Hình thức chi nhánh sẽ được thay thế bằng các trung tâm thông tin, tư vấn, chuyên cung cấp dịch vụ giáo dục, tư vấn tài chính, nâng cao năng lực tự phục vụ cùng các dịch vụ cộng đồng khác, hoặc các ki-ốt thông minh cung cấp dịch vụ, bán hàng, dịch vụ tiền mặt và có thể kết nối qua video với các chuyên gia tư vấn. Nghiên cứu của Pricewaterhouse Coopers (PwC) năm 2020 thống kê cho thấy, ít nhất 20% các chi nhánh bị cắt giảm ở các thị trường dịch vụ ngân hàng đã phát triển rộng khắp như Mỹ và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng. 
 
Bốn là, phát triển sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, tùy biến theo nhu cầu của khách hàng
 
Thế hệ người tiêu dùng 4.0 sẽ chiếm gần 40% dân số toàn cầu và đóng góp hơn 50% tổng mức tiêu dùng hằng năm trên toàn thế giới. Họ có những đặc tính khác biệt so với các thế hệ trước như: Thành thạo sử dụng các thiết bị công nghệ; coi trọng “trải nghiệm”; dựa nhiều vào những đánh giá từ cộng đồng trước khi mua sản phẩm; ưa thích mua sắm đa kênh; đề cao tính cá nhân hóa và lòng trung thành với thương hiệu thường không bền vững. Theo khảo sát của PwC (2020), 1/3 số người thế hệ Y tại Mỹ có thể thay đổi ngân hàng trong vòng 90 ngày và một tỷ lệ tương tự tin rằng họ thậm chí sẽ không cần ngân hàng trong tương lai.
 
Vì vậy, các ngân hàng cần cung ứng, thiết kế các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với mức độ cá nhân hóa cao hơn, thông minh hơn, đem lại những trải nghiệm lớn hơn cho khách hàng. 
 
Trên thực tế, các công nghệ như AI, ML, phân tích khách hàng... đang được các ngân hàng và định chế tài chính sử dụng nhiều hơn trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là với các sản phẩm, dịch vụ cần tính cá nhân hóa cao. Nhiều ngân hàng tại Mỹ thử nghiệm tư vấn khách hàng dựa trên AI và công nghệ này đảm nhiệm hoàn toàn từ khâu hướng dẫn sản phẩm, lịch sử cuộc gọi, hướng dẫn chính sách và quy trình, hơn nữa còn cung cấp dịch vụ dựa trên hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể của từng khách hàng. Theo đó, các ngân hàng nhanh nhạy ngoài việc đảm bảo duy trì tính liên tục, tức thời của các giao dịch, sản phẩm, dịch vụ, cần phát triển những hình thức tương tác mới có khả năng hòa nhập với cuộc sống của khách hàng. Thông tin sẽ được thu thập một cách thông minh từ dữ liệu về thói quen, lựa chọn và sở thích của khách hàng.


Ngân hàng HDFC của Ấn Độ thuê ngoài toàn bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngân hàng của mình (toàn bộ hệ thống phần mềm quản lý điều hành (hệ điều hành, software), Core Banking, hệ thống máy chủ (servers), hệ thống thiết bị ngoại vi (desktop devices), hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống hạ tầng mạng lưới viễn thông). Các hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngân hàng và phát triển các phần mềm tương thích, phù hợp với hoạt động ngân hàng của HDFC cũng được thuê ngoài. Vì vậy, khác với các ngân hàng khác, HDFC không có bất kỳ nhân viên nào liên quan đến hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin ngân hàng. Việc lựa chọn thuê công ty công nghệ ngân hàng chuyên biệt (Aegis BPO) đã giúp HDFC không chỉ cung ứng những dịch vụ/sản phẩm ngân hàng tốt hơn đến khách hàng mà còn giảm chi phí quản lý, đầu tư vào công nghệ, giúp tăng cường hiệu quả quản lý chi phí hoạt động. 
 

 
Năm là, ứng dụng rộng rãi sinh trắc học (vân tay, nhận diện giọng nói) trong phê chuẩn và xác thực giao dịch
 
Công nghệ sinh trắc học sẽ trở nên phổ biến trong việc xác thực khách hàng, nhưng chúng vẫn sẽ được sử dụng kèm theo một thiết bị vật lý khác cầm tay Smartphone. Dữ liệu sinh trắc vốn là duy nhất và không thay đổi nhưng vẫn có thể được chụp và sao chép lại. Do đó, để đảm bảo tính bảo mật, vẫn sẽ có thêm yếu tố hỗ trợ bổ sung (như vân tay và điện thoại của cá nhân) để nhận diện cùng với sinh trắc học khi thực hiện việc phê duyệt hoặc cấp phép thanh toán. 
 
Sáu là, xây dựng hệ sinh thái kết nối với các liên minh và đối tác trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ và phát triển sản phẩm, dịch vụ 
 
Một số ngân hàng với quy mô lớn sẽ có xu hướng thuê ngoài toàn bộ hoặc một phần việc vận hành hệ thống công nghệ của mình và trở thành nhà cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng khác. Từng nhóm ngân hàng có thể hợp tác với nhau để tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô, đồng thời tìm ra các phương thức tốt nhất liên kết các cơ sở hạ tầng của họ dưới hình thức liên doanh (như việc tận dụng mạng lưới ATM và POS sẵn có của các ngân hàng trong cùng hệ thống thay vì lắp mới). Một số ngân hàng cũng có xu hướng gia tăng thiết lập hoặc tham gia vào một mạng lưới các công ty đối tác để hình thành một hệ sinh thái dịch vụ. Rõ nét nhất là sự kết hợp của các NHTM với các công ty Fintech, hệ thống các tập đoàn bán lẻ. Các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng công nghệ sẽ tiếp tục mở rộng đáng kể phạm vi dịch vụ mà họ cung cấp bao gồm cả việc xác thực khách hàng, kiểm tra gian lận, xử lý thanh toán, tài khoản và định danh khách hàng (KYC)...
 
Bảy là, tăng cường an ninh, an toàn bảo mật 
 
Sự phát triển ngày càng sâu rộng của công nghệ số kéo theo sự gia tăng lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho sự gia tăng tội phạm công nghệ cao và tin tặc (hackers). Theo hãng Kaspersky Lab (2020), Việt Nam đứng thứ 2 trong nhóm đối tượng nhận thư rác mang tính độc hại với tỷ lệ 6%, trong đó, ngành Ngân hàng đang là mục tiêu số một của tội phạm công nghệ. Đặc biệt, khi hệ thống máy tính ứng dụng nghiệp vụ và thiết bị di động người dùng ngày càng kết nối, tăng tương tác theo thời gian thực thì mức độ, quy mô rủi ro ngày càng lớn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới như Open API, định danh khách hàng điện tử (eKYC), Cloud Computing... hay hợp tác giữa ngân hàng và Fintech tạo ra nhiều rủi ro về an ninh thông tin liên quan đến bí mật, tính riêng tư của thông tin cá nhân khách hàng, các nguy cơ truy cập bất hợp pháp. Theo đó, khi ứng dụng các giải pháp công nghệ vào hoạt động, các ngân hàng cần đảm bảo xây dựng môi trường kiểm soát và áp dụng các quy trình quản lý rủi ro đầy đủ và toàn diện. Sự an toàn, lành mạnh và ổn định của ngân hàng có thể được tăng cường bằng cách thực hiện các chương trình giám sát để đảm bảo rằng ngân hàng có cơ cấu quản trị hiệu quả, cùng các quy trình quản lý rủi ro rõ ràng, qua đó quản lý và giám sát một cách thích hợp những rủi ro phát sinh liên quan đến ứng dụng công nghệ.
 
Liên quan đến rủi ro bên thứ ba, các ngân hàng cần áp dụng những thông lệ quản lý rủi ro phù hợp và xử lý mọi hoạt động được thuê ngoài hoặc hỗ trợ bởi bên thứ ba, bao gồm cả các công ty Fintech, và các biện pháp kiểm soát đối với các dịch vụ thuê ngoài được duy trì theo cùng tiêu chuẩn như các hoạt động mà ngân hàng tự tiến hành. Các quy trình và thực tiễn liên quan bao gồm thẩm định, quản lý rủi ro hoạt động, giám sát liên tục việc thực hiện hợp đồng của các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba và quyền kiểm toán.
 
4. Kết luận
 
Sự phát triển, quá trình chuyển đổi số và những tiến bộ của công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 đã và đang có những tác động không nhỏ tới lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt là sự phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, cách thức tiếp cận các nguồn vốn tín dụng trở nên đơn giản hơn với chi phí thấp hơn; dòng vốn dịch chuyển giữa các khu vực địa lý từ phạm vi trong một quốc gia tới giữa các quốc gia, giữa các châu lục dễ dàng hơn. Đối với hoạt động thanh toán, các giải pháp sáng tạo đang thay đổi nhanh chóng giữa người tiêu dùng tham gia vào các giao dịch tài chính, giúp giao dịch giữa các cá nhân (đôi khi là giữa các nền kinh tế) trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và rẻ hơn so với trước đây. Xuất hiện thêm những hình thức cho vay và huy động vốn mới như P2P Lending, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding). Các hoạt động tài chính, ngân hàng khác như đầu tư, tư vấn cũng được tự động hóa và ứng dụng phân tích Big Data để phân tích hành vi khách hàng, đưa ra quyết định nhanh và hiệu quả. 
 
Trong những làn sóng công nghệ tràn qua ngành Ngân hàng, làn sóng công nghệ đầu tiên tập trung vào việc tối ưu hóa các sản phẩm và dịch vụ hiện hành; làn sóng tiếp theo chú trọng tới việc tăng cường thu thập và phân tích dữ liệu để cải thiện dịch vụ khách hàng hiện có. Những tiến bộ trong bảo mật và xác thực cho phép thực hiện hiệu quả tất cả các phương thức bán hàng, giao hàng có thể tiến hành trực tuyến. Công nghệ giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc rời bỏ ngân hàng này để chuyển sang ngân hàng khác, khiến cho mối quan hệ gắn bó giữa khách hàng và ngân hàng trở nên lỏng lẻo hơn. Điều này sẽ thúc đẩy làn sóng thứ ba: Các ngân hàng và đối tác của họ sẽ cùng tạo lập và phát triển những hồ sơ chi tiết về mỗi khách hàng của mình dựa trên Big Data. Sự đổi mới sẽ còn tiếp tục tăng tốc và các ngân hàng đi đầu sẽ là ngân hàng tận dụng được tối đa sự đổi mới này để có được lợi thế cạnh tranh trong công cuộc chuyển đổi số, bứt phá thành công trên thị trường dịch vụ tài chính, ngân hàng đầy sôi động.

1 Klaus Schwab (2016), The Fourth Industrial Revolution, World Economic Forum.
2 Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016, 09 lĩnh vực này bao gồm: (i) Bán lẻ; (ii) Các nhà máy sản xuất; (iii) Ngành công nghiệp sản xuất phương tiện vận chuyển; (iv) Nhà ở; (v) Văn phòng; (vi) Nơi làm việc; (vii) Các thành phố; (viii) Môi trường sống; (ix) Yêu cầu về năng lực của nguồn nhân lực - một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất.
3 Phần mềm dịch vụ SaaS (Software-as-a-Service) là một dạng phần mềm chạy trên nền Web có thể truy cập từ xa (như máy tính, Smartphone...), cho phép người dùng mua dịch vụ và sử dụng mà không cần phải duy trì một bộ phận công nghệ thông tin. Thường gặp nhất là Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management, CRM), hệ thống Email Marketing, hệ thống quản trị nội dung (Content Management System, CMS), hệ thống HelpDesk,... Thông thường những dịch vụ này sẽ được “nằm trên mây” (on the Cloud), tức là đưa vận hành và lưu trữ tập trung một cách trực tiếp từ Cloud Computing.
4 Exton Consulting (2021), Neobanks 2021 - Shifting from Growth to Profitability?, https://extonconsulting.com/wp-content/uploads/2021/01/Report-Neobanks-2021.pdf
5 Theo báo cáo, Mobile Banking được thực hiện bởi KPMG tháng 7/2021, Mobile Banking đang là xu thế bùng nổ nhất và là kênh lớn nhất, chiếm khối lượng giao dịch nhiều nhất. Ngày càng có nhiều khách hàng chuyển sang sử dụng máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh để tiến hàng các giao dịch ngân hàng. Internet và Cloud Computing là xu hướng để giao dịch dễ dàng.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Klaus Schwab 2016: The Fourth Industrial Revolution, 2016.
2. Larry Hatheway, Mastering the Fourth Industrial Revolution, Project Syndicate, 2016.
3. Hermann, Pentek, Otto, 2015: Design Principles for Industrie 4.0 Scenarios, 2015.
4. Mike Gault, Forget Bitcoin - What Is the Blockchain and Why Should You Care?, 2015.
5. Deloitte, Industry 4.0 - Only One-Tenth of Germany’s High-Tech Strategy, 2015.
6. Roland Berger, Think Act Industry 4.0, 2014.
7. Bill Lydon, Industry 4.0 - Only One-Tenth of Germany’s High-Tech Strategy, 2014.
8. Brett King: Bank 3.0, 2014.
9. PwC 2016, Blurred lines: How Fintech is shaping financial services, Global Fintech Report.
10. Zetzsche, Dirk A., Ross P. Buckley, Douglas W. Arner and Janos Nathan Barberis. 2017. “Regulating a Revolution: From Regulatory Sandboxes to Smart Regulation”. Fordham Journal of Corporate and Financial Law, Forthcoming; European Banking Institute Working Paper Series 2017 - No. 11.
11. Committee on Payment and Market Infrastructure, Central Bank digital Currencies, March 2018.

TS. Nguyễn Thị Hòa
Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Nâng cao hiệu quả quản lý gian lận số tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nâng cao hiệu quả quản lý gian lận số tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
24/04/2024 217 lượt xem
Thời gian qua, quá trình số hóa diễn ra liên tục và mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và đã mang lại những lợi ích đáng kể cho sự ổn định của khu vực tài chính nói riêng, sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Nhờ quá trình này mà các tổ chức tài chính có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính, ngân hàng với chi phí thấp hơn, giúp nâng cao trải nghiệm và khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của khách hàng, tăng cường minh bạch trong giao dịch tài chính và phản ứng nhanh chóng với các cuộc khủng hoảng.
Chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức, doanh nghiệp - định hướng  phát triển trong thời đại 4.0
Chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức, doanh nghiệp - định hướng phát triển trong thời đại 4.0
23/04/2024 218 lượt xem
Dữ liệu đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp. Việc chia sẻ dữ liệu mở ra những cơ hội mới, tạo thêm nhiều giá trị, đồng thời góp phần bồi đắp kho dữ liệu hiện có, khai phá tiềm năng tối ưu hóa và đổi mới mô hình kinh doanh.
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đám bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đám bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
19/04/2024 0 lượt xem
Do nhu cầu tài chính phục vụ cho quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp ngày càng cao nên thị trường tín dụng liên kết bền vững toàn cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy và mở rộng hoạt động cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ở đa dạng ngành, nghề thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Thực hiện tăng trưởng xanh - Tiền đề cho phát triển bền vững của Việt Nam
Thực hiện tăng trưởng xanh - Tiền đề cho phát triển bền vững của Việt Nam
12/04/2024 1.035 lượt xem
Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai, theo đó tăng trưởng xanh với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chính là tiền đề để thực hiện mục tiêu này.
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
10/04/2024 1.077 lượt xem
Bài viết đề xuất một số khuyến nghị về xây dựng, thực thi chính sách tín dụng liên kết bền vững để góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam...
Thực tiễn triển khai ESG tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Thực tiễn triển khai ESG tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
05/04/2024 1.359 lượt xem
Nghiên cứu trình bày về tầm quan trọng của ESG (Environmental - môi trường, Social - xã hội, Governance - quản trị) trong quá trình phát triển bền vững của ngân hàng, thực tiễn triển khai các hoạt động về ESG, các kết quả đạt được và thách thức, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai ESG trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Tác động của minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
Tác động của minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
03/04/2024 1.251 lượt xem
Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu tác động của tính minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR) đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng.
Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
02/04/2024 1.142 lượt xem
Bài viết dựa trên cơ sở tổng quan về giám sát tài chính, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để rút ra một số bài học và khuyến nghị đối với công tác giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước tại Việt Nam hiện nay.
Kinh nghiệm thực thi chính sách tài chính khí hậu trên thế giới và một số khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm thực thi chính sách tài chính khí hậu trên thế giới và một số khuyến nghị cho Việt Nam
01/04/2024 1.142 lượt xem
Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đó là việc thiếu nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu, hay còn gọi là tài chính khí hậu...
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/03/2024 1.223 lượt xem
Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán nội bộ NHNN phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định về kiểm toán nội bộ của Việt Nam, một trong những yêu cầu hiện nay là nghiên cứu, rà soát, ban hành Sổ tay Kiểm toán nội bộ NHNN nhằm tập hợp, hệ thống hóa các quy định chung về kiểm toán nội bộ của NHNN.
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
25/03/2024 1.621 lượt xem
Trong kỉ nguyên số, Chatbot đóng vai trò vô cùng quan trọng và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
22/03/2024 2.370 lượt xem
Trong thị trường kinh tế, giao dịch phái sinh là một dạng hợp đồng dựa trên giá trị các loại tài sản cơ sở khác nhau như hàng hóa, chỉ số, lãi suất hay cổ phiếu (giấy tờ có giá).
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
11/03/2024 2.617 lượt xem
Hiện nay, quyết liệt chuyển đổi số, tạo dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, tạo ra nền tảng phát triển bán lẻ, tăng doanh thu dịch vụ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng là xu hướng chủ đạo của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
07/03/2024 3.654 lượt xem
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Song, những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài của nền kinh tế làm cho nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là có thể.
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
07/03/2024 2.474 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia; thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 05 - 11/3/2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?