Vai trò của kiểm tra sức chịu đựng trong hoạt động quản lý ngân hàng
07/06/2022 7.836 lượt xem
Tóm tắt:
 
Kiểm tra sức chịu đựng từ lâu đã được ứng dụng tại các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới như một công cụ hữu ích, góp phần đánh giá sức khỏe của hệ thống ngân hàng trong khủng hoảng. Gần đây nhất, kiểm tra sức chịu đựng một lần nữa chứng minh được tính thiết yếu và vai trò quan trọng qua cuộc suy thoái kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, kiểm tra sức chịu đựng đã trở thành một phần bắt buộc phải thực hiện tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trong quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) từ ngày 01/01/20211, đưa hệ thống ngân hàng trong nước tiến gần hơn với các thông lệ tốt nhất, đảm bảo thị trường tài chính phát triển ổn định và bền vững hơn. Bài viết nghiên cứu từ cơ sở lý luận tới thực tiễn của các hệ thống ngân hàng quốc tế về thực hiện kiểm tra sức chịu đựng nhằm xác định vai trò, các lợi ích của kiểm tra sức chịu đựng trong hoạt động quản lý ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bài viết cũng tập trung đánh giá thực trạng công tác kiểm tra sức chịu đựng tại Vietcombank, làm rõ các thuận lợi, thách thức, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của kiểm tra sức chịu đựng trong quản lý ngân hàng tại Việt Nam.
 
Từ khóa: Kiểm tra sức chịu đựng, Covid-19. 
 
THE ROLE OF STRESS TESTING IN BANKING MANAGEMENT DURING THE COVID-19 PANDEMIC
 
Abstract:
 
Stress testing has been applied in central banks around the world as a useful tool, contributing to assess the health of the banking system during a crisis. Most recently, stress testing has once again proven its essentiality and important role during the economic downturn caused by the Covid-19 pandemic. In Vietnam, stress testing has become a mandatory part of commercial banks in the Internal Capital Adequacy Assessment Process (ICAAP) from January 2021, bringing the banking system closer to best practices, making sure the financial market develops more stably and sustainably. This article researches from the theoretical basis to the practice of the international banking system on the implementation of stress testing, with its objective is to determine the role and benefits of stress testing in banking management, especially during a difficult economic period due to the impact of the Covid-19 pandemic. The article also focuses on assessing a current status of applying the stress testing in Vietcombank, clarifying advantages and challenges, and then proposing solutions to improve the effectiveness of stress testing in banking management in Vietnam.
 
Keywords: Stress test, Covid-19.
 
Từ năm 1996, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) đã khuyến nghị, các ngân hàng phải xây dựng một chương trình kiểm tra sức chịu đựng “lành mạnh và toàn diện”.  Kiểm tra sức chịu đựng lúc này đã là công cụ được sử dụng phổ biến tại các nền kinh tế phát triển, tuy nhiên, lại không phát huy được tác dụng do các kịch bản thử nghiệm không có tính thực tiễn cao. Vì lý do này, BCBS đã ban hành hướng dẫn cập nhật vào năm 2009 về các nguyên tắc thực hiện kiểm tra sức chịu đựng và công tác thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý, từ đó góp phần nâng cao vai trò của công cụ này trong thực tiễn. Bài viết trình bày những vấn đề lý luận cơ bản về kiểm tra sức chịu đựng, kinh nghiệm kiểm tra sức chịu đựng của một số ngân hàng trên thế giới, thực trạng việc áp dụng kiểm tra sức chịu đựng tại Vietcombank và một số đề xuất, khuyến nghị.  
 
1. Những vấn đề lý luận cơ bản về kiểm tra sức chịu đựng
 
1.1. Định nghĩa về kiểm tra sức chịu đựng
 
Theo hướng dẫn tại chuẩn mực Basel, kiểm tra sức chịu đựng là tập hợp các kỹ thuật và phương pháp được sử dụng để đánh giá khả năng chịu đựng rủi ro hay mức độ tổn thất của các tổ chức tài chính, ngân hàng trước những sự kiện, hoàn cảnh rất bất lợi. Trong đó, sự kiện rất bất lợi là sự kiện có tính chất cực độ, mang tính chất rất ngoại lệ, bất thường (extreme & exceptional) nhưng có khả năng xảy ra (plausible). (Hình 1)

Hình 1: Kiểm tra sức chịu đựng được đánh giá 
trong các sự kiện cực độ nhưng có khả năng xảy ra


Nguồn: Tác giả tổng hợp

Đối với kiểm tra sức chịu đựng về thanh khoản: Ngân hàng cần xây dựng phương pháp tính toán tác động của các giả định đảm bảo đánh giá được khả năng thực hiện các nghĩa vụ, cam kết và tuân thủ các hạn mức thanh khoản. Đối với kiểm tra sức chịu đựng về vốn: Ngân hàng lập kịch bản có diễn biến bất lợi với tối thiểu các giả định về lãi suất, tỷ giá, giá vàng, chất lượng tín dụng và có phương pháp tính toán tác động của các giả định đối với tỷ lệ an toàn vốn. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả tập trung vào khả năng chịu đựng trong dài hạn hay kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng về vốn (sau đây gọi tắt là kiểm tra sức chịu đựng). 
 
1.2. Quy trình thực hiện kiểm tra sức chịu đựng
 
Kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng là cầu nối giúp đánh giá tác động của khủng hoảng kinh tế đến bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, từ đó xác định được mức thiếu hụt vốn cần bù đắp và xây dựng lộ trình để đạt được tỷ lệ an toàn vốn mục tiêu. Quy trình thực hiện kiểm tra sức chịu đựng gồm 03 bước cụ thể như sau:
 
Bước 1: Xác định sự kiện và xây dựng kịch bản kinh tế vĩ mô: Trước tiên, cần xác định được sự kiện (cú sốc) từ đó kịch bản vĩ mô được xây dựng trên cơ sở số liệu trong quá khứ hoặc các kịch bản tự giả định. Các biến kinh tế vĩ mô thông thường bao gồm GDP, CPI, tỷ giá, giá vàng, lãi suất… Kịch bản vĩ mô thường được NHTW các nước xây dựng và công bố trước mỗi kỳ kiểm tra sức chịu đựng.
 
Bước 2: Đánh giá tác động của các kịch bản vĩ mô lên các tham số rủi ro trong ngân hàng bằng các mô hình định lượng (có thể kết hợp ý kiến chuyên gia nếu cần thiết). Các tham số rủi ro cần được xây dựng cho từng loại rủi ro trọng yếu. Ví dụ: PD (Probability of default - Xác xuất vỡ nợ), LGD (Loss given default - Tỷ lệ tổn thất ước tính), EAD (Exposure at default - Tổng dư nợ của khách hàng tại thời điểm vỡ nợ), ma trận chuyển nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu… là các tham số thường được sử dụng cho rủi ro tín dụng.
 
Bước 3: Trên cơ sở các mô hình tham số rủi ro, đánh giá tác động tới bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, dự báo tài sản có rủi ro (RWA), vốn tự có, hệ số an toàn vốn (CAR) và mức độ thiếu hụt vốn (nếu có) của ngân hàng. (Hình 2)

Hình 2: Quy trình thực hiện kiểm tra sức chịu đựng 
của ngân hàng theo thông lệ


Nguồn: BCBS, Supervisory and bank stress testing: range of practices, DEC, 2017.

1.3. Vai trò của kiểm tra sức chịu đựng đối với công tác quản lý ngân hàng
 
Ngân hàng là lĩnh vực rất quan trọng, nhạy cảm, có tính hệ thống và ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô của mỗi quốc gia. Vấn đề các ngân hàng có thể tồn tại hay không trong giai đoạn thị trường khắc nghiệt (khủng hoảng tài chính) đã trở thành mối quan tâm lớn đối với không chỉ bản thân từng ngân hàng mà còn đối với các cơ quan quản lý. 
 
Ở cấp từng ngân hàng, thực hiện kiểm tra sức chịu đựng giúp dự báo lượng vốn thiếu hụt trong điều kiện khủng hoảng và chủ động chuẩn bị thông qua ICAAP. Cùng với ICAAP, kiểm tra sức chịu đựng hỗ trợ các ngân hàng hoàn thiện công tác lập kế hoạch, trên cơ sở gắn kết kế hoạch kinh doanh với kế hoạch vốn, giữa lợi nhuận và rủi ro. (Hình 3)
 
Hình 3: Mối quan hệ giữa vốn, lợi nhuận và rủi ro

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Tại cấp độ cơ quan quản lý, kiểm tra sức chịu đựng giúp hoạch định các chính sách và đưa ra các công cụ điều hành một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung:
 
Thứ nhất, kết quả kiểm tra sức chịu đựng góp phần trong việc lập kế hoạch, hoạch định chính sách ứng phó với khủng hoảng. Các cơ quan quản lý cần cân nhắc liệu rằng các chính sách hiện tại có thể ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống ngân hàng trong điều kiện thị trường bất lợi? Sử dụng công cụ tài khóa và công cụ tiền tệ như thế nào để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế nếu khủng hoảng xảy ra?
 
Thứ hai, NHTW dùng kiểm tra sức chịu đựng để đánh giá tình hình sức khỏe của hệ thống ngân hàng trong khủng hoảng, từ đó đưa ra những cảnh báo và hành động can thiệp kịp thời. Các ngân hàng có thể được yêu cầu phải tự tăng vốn hoặc được hỗ trợ bơm thêm vốn để phòng tránh sự sụp đổ của cả hệ thống. 
 
Thứ ba, kiểm tra sức chịu đựng giúp tăng cường trao đổi và kết nối trong hệ thống ngân hàng. Trong suốt quá trình thực hiện kiểm tra sức chịu đựng, NHTW có thể nắm bắt được tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thông qua bước thu thập thông tin. Đồng thời, các ngân hàng cũng sẽ có cơ hội được trao đổi với các cấp quản lý để hiểu tình hình vĩ mô và các chính sách dự kiến có tác động tới nền kinh tế.
 
Mặc dù kiểm tra sức chịu đựng được nhìn nhận là một công cụ hữu ích trong công tác thanh tra, giám sát cũng như quản lý rủi ro, nhưng thực hiện rất phức tạp. Kiểm tra sức chịu đựng đòi hỏi cần kết hợp giữa việc dự báo kinh tế, ý kiến chuyên gia và phân tích các mô hình định lượng. Nếu không hiểu đúng và nhìn nhận những hạn chế của kiểm tra sức chịu đựng thì khó có thể sử dụng hiệu quả công cụ này:
 
Thứ nhất, kiểm tra sức chịu đựng có thể đưa ra ước tính tổn thất từ một sự kiện cụ thể nhưng không cho biết xác suất xảy ra tại mức tổn thất đó là như thế nào.
 
Thứ hai, thực hiện kiểm tra sức chịu đựng phải dựa trên nhiều quyết định chủ quan như lựa chọn sự kiện khủng hoảng, kịch bản vĩ mô… Do tính phức tạp của công cụ này, sẽ có nhiều nhóm tham gia thực hiện kiểm tra sức chịu đựng. Mỗi một nhóm tham gia có thể có những quyết định chuyên môn khác nhau và thậm chí khi diễn giải kết quả cũng có thể có sự khác biệt. Vì vậy, cần rất cẩn trọng khi diễn giải kết quả kiểm tra sức chịu đựng hay so sánh giữa các ngân hàng, nền kinh tế.
 
Thứ ba, kiểm tra sức chịu đựng đòi hỏi khối lượng lớn dữ liệu và các mô hình định lượng, vì vậy, khi diễn giải kết quả kiểm tra cần hiểu rõ những giả định của mô hình và nhược điểm của nó.
 
2. Kinh nghiệm thực hiện kiểm tra sức chịu đựng cấp hệ thống của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED)
 
2.1. Khái quát tình hình triển khai kiểm tra sức chịu đựng của một số NHTW trong giai đoạn Covid-19
 
Kiểm tra sức chịu đựng thường được thực hiện theo hai cách tiếp cận: Bottom-up hay đánh giá ở cấp độ ngân hàng và Top-down hay đánh giá trên toàn hệ thống. Đối với Top-down, dựa trên số liệu báo cáo của các ngân hàng, cơ quan giám sát sẽ áp dụng các kịch bản khác nhau để đánh giá mức độ tổn thất của hệ thống hoặc từng nhóm ngân hàng riêng biệt (còn gọi là phân tích nhóm đồng hạng). Ngược lại, phương pháp Bottom-up sẽ do từng ngân hàng tự thực hiện theo các kịch bản do cơ quan quản lý quy định hoặc các kịch bản đặc thù riêng. Ưu điểm của cách làm này là ngân hàng có thể tận dụng tốt các dữ liệu đặc thù trong danh mục đầu tư của mình. 
 
Cách tiếp cận Top-down nhằm xác định những nhóm rủi ro chung có thể gây mất ổn định hệ thống tài chính và nền kinh tế. Cách tiếp cận này cũng phức tạp và đòi hỏi mức độ tổng hợp cao hơn phương pháp Bottom-up. Theo đó, NHTW phải tổng hợp nhiều danh mục có sự đồng dạng tương đối và thường phải đưa ra những giả định, điều chỉnh để có thể tổng hợp hoặc so sánh các danh mục.
 
Theo các kết quả thống kê, hầu hết các NHTW sử dụng phương pháp Top-down hoặc sử dụng kết hợp với phương pháp Bottom-up, chỉ 7% trong số 45 quốc gia được điều tra sử dụng Bottom-up2. Đặc biệt trong khủng hoảng, các cơ quan giám sát thường bỏ qua phương pháp Bottom-up và chỉ thực hiện kiểm tra sức chịu đựng theo hướng Top-down nhằm rút ngắn thời gian thực hiện báo cáo. Điều này cho phép kết quả kiểm tra sức chịu đựng có thể được tính toán kịp thời, tác động và chuyển hóa chúng vào thành chính sách. (Bảng 1)

Bảng 1: Kiểm tra sức chịu đựng trong khủng hoảng đại dịch Covid-19 của một số NHTW
 


Nguồn: Stress-testing banks during the Covid 19 pandemic, BIS, Oct 2020

2.2. Kinh nghiệm thực hiện kiểm tra sức chịu đựng cấp hệ thống của FED
 
Kiểm tra sức chịu đựng đã được FED thực hiện định kỳ hàng năm cho giai đoạn 03 năm tiếp theo kể từ năm 2012, từ đó đưa ra các hành động điều chỉnh thích hợp đối với hệ thống ngân hàng. Bài viết tập trung vào kết quả kiểm tra sức chịu đựng gần nhất vào tháng 12/2020. 
 
Căn cứ vào quy mô tổng tài sản, FED chia các ngân hàng và định chế tài chính vào ba nhóm: Dưới 100 tỷ USD; từ 100 tỷ USD tới 250 tỷ USD; và trên 250 tỷ USD. Nhóm 1 và một số ngân hàng thuộc nhóm 2 sẽ được đánh giá theo tần suất 02 năm/lần, trong khi các định chế tài chính còn lại được thực hiện định kỳ hàng năm. FED đã lựa chọn và yêu cầu 33 định chế tài chính nộp các biểu bảng cân đối, kết quả kinh doanh và biến động vốn (theo US GAAP) tại thời điểm ngày 30/6/2020. Một số trường hợp cần cung cấp thêm các kết quả tài chính thời điểm tháng 11/2020.
 
Bước 1: Thiết lập các kịch bản vĩ mô
 
Ngày 17/12/2020, FED công bố ba kịch bản vĩ mô cho giai đoạn 2021 - 2023, bao gồm một kịch bản cơ sở và hai kịch bản căng thẳng dựa trên khả năng bùng phát của dịch Covid-19. FED sử dụng 28 biến số vĩ mô như tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng thu nhập bình quân, CPI, lãi suất/lợi suất trái phiếu chính phủ (“CP”), chỉ số Down Jones, giá nhà ở, giá bất động sản thương mại, giá hàng hóa, lãi suất… tại thị trường tài chính Mỹ và 04 biến vĩ mô (tăng trưởng GDP, lạm phát, tỷ giá với USD) cho 04 nền kinh tế lớn ngoài Mỹ là châu Âu, châu Á, Nhật và Anh. (Biểu đồ 1)
 
Biểu đồ 1: Tăng trưởng GDP các kịch bản


Nguồn: December 2020 stress test results, Board of Governors of the Federal reserve system

Bước 2: Đánh giá tác động của các biến vĩ mô tới tổn thất của ngân hàng
 
Kết quả kiểm tra sức chịu đựng cho thấy, 33 định chế tài chính sẽ phải chịu mức tổn thất lên tới 629 tỷ USD trong vòng 03 năm tới. Trong đó, 514 tỷ USD đến từ các khoản vay, 4 tỷ USD đến từ danh mục chứng khoán, 95 tỷ USD do rủi ro đối tác và 16 tỷ USD của các danh mục khác. 
 
Tổn thất từ các khoản tín dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 82% danh mục. Tỷ lệ lỗ trung bình (đo bằng tổng số lỗ chia dư nợ bình quân trong 03 năm) là 7,7%, biến động mạnh từ 1,7% tới 21,3% tùy từng ngân hàng. Điều này phản ánh mức độ rủi ro khác nhau của các danh mục tài sản cho vay tại các ngân hàng. Xét theo khía cạnh sản phẩm vay, tỷ lệ tổn thất cao nhất (22,3%) và thấp nhất (2,1%) lần lượt là thẻ tín dụng và khoản vay ưu tiên xử lý tài sản bảo đảm. Kết quả cho thấy sự khác biệt trong bản chất của loại hình cho vay cũng như tính nhạy cảm của hai sản phẩm này trong điều kiện kinh tế khủng hoảng. (Biểu đồ 2)
 
Biểu đồ 2: Chi tiết tổn thất danh mục vay theo sản phẩm


Nguồn: December 2020 stress test results, Board of Governors of the Federal reserve system

Đặc biệt, FED đã thực hiện một số điều chỉnh liên quan đến các biến động bất thường của số liệu trong quá trình thực hiện kiểm tra sức chịu đựng như sau:
 
Một là, nhờ các chính sách hỗ trợ cơ cấu, gia hạn nợ của Chính phủ mà rủi ro tín dụng đo lường được trong giai đoạn dịch Covid-19 không tăng lên so với thời điểm trước dịch Covid-19, dẫn tới mối tương quan giữa kết quả đo lường rủi ro tín dụng và các chỉ tiêu vĩ mô không còn hợp lý. Vì vậy, FED đã điều chỉnh tỷ lệ thất nghiệp và một số chỉ tiêu khác để có kết quả lỗ tín dụng lớn hơn, phù hợp với mức độ rủi ro thực tế hơn. Các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ như tăng tỷ lệ chi trả bảo hiểm thất nghiệp, chương trình bảo lãnh khoản vay, đều không nằm trong phạm vi kiểm tra sức chịu đựng mặc dù có thể có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống ngân hàng do FED đánh giá hầu hết các chương trình hỗ trợ Covid-19 sẽ kết thúc trong một vài tháng tới. 
 
Hai là, nhu cầu nghỉ dưỡng và bất động sản sụt giảm trầm trọng do lệnh giãn cách xã hội và cấm di chuyển dẫn tới sự tăng lên không kiểm soát của tỷ lệ trống phòng trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, ảnh hưởng tới chỉ số giá trị thu hồi tài sản bảo đảm trong các khoản vay đảm bảo bằng bất động sản kinh doanh. Vì vậy, FED đã điều chỉnh giảm tỷ lệ này xuống, khiến mức lỗ giảm xuống.
 
Bước 3: Đánh giá tác động tới bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và vốn của hệ thống ngân hàng
 
Thông qua các biểu được nộp bởi 33 định chế tài chính, FED thực hiện tổng hợp và xác định kết quả kinh doanh của toàn hệ thống tại thời điểm đánh giá, sau đó số liệu tổn thất dự kiến sẽ được kết nối với kết quả kinh doanh bằng chi phí dự phóng. (Bảng 2)
Bảng 2: Dự phóng kết quả kinh doanh 
giai đoạn từ quý III/2020 tới hết quý III/2023 

                                                                                                Đơn vị tính: Tỷ USD
Nguồn: December 2020 stress test results,
Board of Governors of the Federal reserve system
 
Lợi nhuận sau thuế sau khi được tính ra sẽ tiếp tục loại trừ lợi ích cổ đông thiểu số và thực hiện phân phối lợi nhuận (các khoản trích quỹ theo quy định). Khoản lợi nhuận giữ lại sau cùng được tổng cộng với các khoản mục khác của vốn chủ sở hữu như Thu nhập toàn diện khác (OCI), vốn điều lệ, các quỹ… Vốn năm sau được cộng lũy kế lên dần từ năm trước và điều chỉnh các khoản giảm trừ như quy định. FED giả định rằng không có nhiều thay đổi trong giá trị tài sản và cấp độ rủi ro tài sản của các ngân hàng như tại thời điểm đánh giá (bao gồm các tài sản chứng khoán, khoản vay, phái sinh, đều giữ nguyên) qua các giai đoạn dự báo. (Bảng 3)

Bảng 3: Kết quả dự phóng RWA và tỷ lệ an toàn vốn

                                                                                                   Đơn vị tính: Tỷ USD
Nguồn: December 2020 stress test results,
Board of Governors of the Federal reserve system

Kết quả trên cho thấy tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn vẫn duy trì được trên mức yêu cầu trong cả hai kịch bản căng thẳng. Thực tế, FED đã yêu cầu các ngân hàng hạn chế phân phối lợi nhuận và tăng cường sức khỏe tài chính thông qua tăng vốn ngay sau kỳ kiểm tra sức chịu đựng tại tháng 6/2020. Với kết quả kiểm tra sức chịu đựng tại tháng 12/2020 này, FED quyết định vẫn tiếp tục chính sách hạn chế các ngân hàng chi trả cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu quỹ bằng nguồn lợi nhuận giữ lại cho tới hết quý I/2022 hoặc lâu hơn tùy tình hình. Hành động này nhằm gia tăng nguồn dự trữ vốn tự có của các ngân hàng và tập trung ưu tiên đẩy tín dụng ra hỗ trợ nền kinh tế phục hồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
2.3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
 
Thông qua nghiên cứu trên, nhóm tác giả đánh giá một số điểm có ý nghĩa đối với phát triển công cụ kiểm tra sức chịu đựng tại hệ thống ngân hàng Việt Nam như sau:
 
Thứ nhất, việc kiểm tra sức chịu đựng cần được cơ quan giám sát ngân hàng thực hiện thường xuyên và toàn diện trong hệ thống ngân hàng. Hoạt động này giúp đánh giá mức độ rủi ro và nâng cao khả năng hoạt động bền vững của hệ thống ngân hàng. Việc đưa ra kịch bản kinh tế vĩ mô chung, thống nhất cách thực hiện và công bố các thông tin cho công chúng sẽ đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, cơ quan giám sát cần xem kết quả kiểm tra sức chịu đựng tại các ngân hàng như là một nội dung bắt buộc trong quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn.
 
Thứ hai, kiểm tra sức chịu đựng theo phương pháp Top-down giúp các cơ quan quản lý có cái nhìn tổng quát ở cấp độ hệ thống, thay vì tổng hợp dữ liệu từ các ngân hàng theo phương pháp Bottom-up sẽ có độ trễ và không đưa ra được các quyết định kịp thời. Kết quả kiểm tra sức chịu đựng tại tháng 12/2020 đã giúp FED lường trước được mức độ tổn thất và kịp thời đưa ra chính sách hạn chế các ngân hàng phân phối lợi nhuận làm ảnh hưởng tới vốn, qua đó củng cố năng lực tài chính và sức chịu đựng của toàn hệ thống. 
 
Thứ ba, kịch bản vĩ mô được thiết kế thống nhất, có sự nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành giúp cho việc thực hiện kiểm tra sức chịu đựng đạt kết quả tốt nhất. Trên thực tế, nhiều ngân hàng riêng lẻ không đủ năng lực để tự xây dựng kịch bản kinh tế vĩ mô theo đúng yêu cầu của cơ quan quản lý. Ngoài ra, mỗi ngân hàng có sự đánh giá riêng về kịch bản kinh tế vĩ mô theo các ý kiến chủ quan của ngân hàng đó. Do vậy, để thuận tiện cho NHTW đánh giá, so sánh kết quả kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng trong hệ thống, cần thiết phải có kịch bản kinh tế vĩ mô thống nhất.
 
Thứ tư, cơ quan giám sát cần đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng và kiến thức để xây dựng các kịch bản kinh tế vĩ mô cũng như đánh giá việc thực hiện kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng. Cần phải hiểu rằng, việc xây dựng các kịch bản, mô hình cần các chuyên gia chất lượng cao và cần có sự chỉ đạo hướng dẫn phối hợp giữa cơ quan giám sát và ngân hàng. Do vậy, việc đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực có kinh nghiệm chuyên môn vô cùng quan trọng trong việc triển khai kiểm tra sức chịu đựng.
 
3. Áp dụng kiểm tra sức chịu đựng tại Vietcombank - Thực trạng và một số đánh giá
 
Với hệ thống ngân hàng trong một nền kinh tế non trẻ như tại Việt Nam, kiểm tra sức chịu đựng là một khái niệm tương đối mới. Theo quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kiểm tra sức chịu đựng là một cấu phần trong ICAAP và được thực hiện tại cấp độ ngân hàng riêng lẻ bắt đầu từ năm 2021. Trên thực tế, NHNN chưa triển khai kiểm tra sức chịu đựng cấp độ toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, năm 2015, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách, thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) đã thực hiện kiểm tra sức chịu đựng đối với 13 NHTM, chiếm 68,5% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo 02 kịch bản vĩ mô về tăng trưởng GDP, lạm phát, lãi suất cho vay, VN-index. Theo đó, nếu như không có cú sốc nào bất thường, nền kinh tế sẽ diễn biến theo kịch bản cơ sở, thì hệ số an toàn vốn của các ngân hàng đều ở mức cao, thậm chí còn cao hơn nhiều so với hệ số an toàn vốn tối thiểu 9%. Nếu kịch bản kiểm tra sức chịu đựng thứ nhất xảy ra, thì kết quả chỉ có 4/13 ngân hàng có thể đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN (CAR > 9%). Và nếu như kịch bản kiểm tra sức chịu đựng thứ hai xảy ra thì sẽ không có ngân hàng nào đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của NHNN. Khi đó, NHNN sẽ phải bổ sung thêm vốn cho các ngân hàng này để tránh sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống. Theo tính toán của VEPR, chi phí tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng trong hai kịch bản sẽ lần lượt vào khoảng 1,50% và 2,97% GDP trong năm 2015.
 
Sau đây, nhóm tác giả tập trung phân tích, đánh giá về thực trạng áp dụng kiểm tra sức chịu đựng tại Vietcombank - một trong những ngân hàng tiên phong và điển hình trong việc thực hiện kiểm tra sức chịu đựng cũng như áp dụng Basel II trong hoạt động của mình, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho các NHTM tại Việt Nam.
 
3.1. Thực trạng áp dụng kiểm tra sức chịu đựng tại Vietcombank
 
Với mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất Việt Nam theo thông lệ quốc tế, Vietcombank luôn chủ động tiếp cận, nghiên cứu hướng tới việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại ngân hàng. Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2013, ngân hàng đã chủ động triển khai các dự án nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Năm 2014, khi được lựa chọn là một trong 10 ngân hàng trong nước áp dụng thí điểm tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam, Vietcombank đã thực hiện phân tích hiện trạng và xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể dự án Basel II, trong đó có sáng kiến Phát triển khuôn khổ, phương pháp và hệ thống kiểm tra sức chịu đựng về vốn.
 
Hiện tại, Vietcombank đã xây dựng quy trình thực hiện kiểm tra sức chịu đựng nói riêng và ICAAP nói chung theo đúng thông lệ quốc tế, bao gồm các bước: Thiết kế kịch bản kinh tế vĩ mô; dự báo B/S và P&L; dự báo vốn tự có; dự báo RWA (bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro tập trung đối với hoạt động cấp tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng đối tác, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, rủi ro tập trung đối với hoạt động tự doanh, rủi ro hoạt động); tổng hợp kết quả kiểm tra sức chịu đựng về vốn. (Hình 4)
 
Hình 4 : Quy trình thực hiện kiểm tra sức chịu đựng tại Vietcombank


Nguồn: Báo cáo ICAAP kỳ 2021-2023 của Vietcombank

Trước hết, Vietcombank xác định kịch bản vĩ mô được xây dựng trên cơ sở số liệu trong quá khứ hoặc các giả định. Tại kỳ thực hiện ICAAP năm 2019 và 2020, Ngân hàng nhận định diễn biến của dịch bệnh Covid-19 là sự kiện cơ sở cho việc xây dựng các kịch bản vĩ mô trong điều kiện hoạt động bình thường và điều kiện diễn biến bất lợi. Để thiết kế các chỉ số kinh tế như GDP, CPI, tỷ giá, lãi suất... trong hai kịch bản, Ngân hàng sử dụng mô hình định lượng kết hợp với tham khảo các nguồn tin từ các tổ chức nghiên cứu uy tín trong nước và nước ngoài nhằm tăng mức độ tin cậy của kết quả định lượng. Dữ liệu để xây dựng mô hình được lấy từ Tổng cục Thống kê và các đơn vị cung cấp thông tin chuyên nghiệp như Reuters. (Bảng 4)

Bảng 4: Mô tả bối cảnh kinh tế trong 
kiểm tra sức chịu đựng tháng 12/2020 của Vietcombank

Nguồn: Báo cáo ICAAP kỳ 2021 - 2023 của Vietcombank

Tiếp theo, Vietcombank thực hiện dự phóng một số chỉ tiêu định hướng kinh doanh quan trọng của ngân hàng như tăng trưởng tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng huy động vốn… thông qua các mô hình dự phóng tài chính nội bộ, từ đó thiết lập số liệu dự báo bảng cân đối và kết quả kinh doanh cho 03 năm tiếp theo. Tại bước này, Vietcombank cũng tích hợp kết quả tính tổn thất dự kiến của các rủi ro trọng yếu, đảm bảo xây dựng kế hoạch tài chính dựa trên rủi ro theo đúng thông lệ. (Bảng 5)
Đối với từng loại rủi ro trọng yếu, Vietcombank xây dựng phương pháp tính tài sản có rủi ro, thiết lập danh sách các tham số rủi ro và phương pháp dự báo các tham số rủi ro. Cùng với các thông tin và dữ liệu về kinh tế, tài chính đã có tại các bước trước, Ngân hàng thực hiện dự phóng tài sản có rủi ro cho các rủi ro trọng yếu, làm cơ sở xác định vốn mục tiêu theo yêu cầu tại Thông tư số 13/2018/TT-NHNN. Căn cứ vào chênh lệch giữa mức vốn mục tiêu và vốn tự có dự kiến, Vietcombank đã trình Đại hội cổ đông phê duyệt kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của ngân hàng tại thời điểm chào bán. Đây chính là kế hoạch vốn được xây dựng trên kết quả của kiểm tra sức chịu đựng cho giai đoạn 2021 - 2023.

Bảng 5: Mô tả các giả định vĩ mô trong 
kiểm tra sức chịu đựng tháng 12/2020 của Vietcombank

Nguồn: Báo cáo ICAAP kỳ 2021 - 2023 của Vietcombank

Trong năm 2021, Vietcombank tiếp tục chủ động nghiên cứu và triển khai Dự án nâng cao năng lực kiểm tra sức chịu đựng nhằm mục tiêu hoàn thiện phương pháp xây dựng kịch bản kinh tế vĩ mô, phương pháp luận đánh giá tác động chỉ tiêu vĩ mô lên các tham số rủi ro, xây dựng và gắn kết các ước lượng tổn thất của các rủi ro trọng yếu với bảng cân đối kế toán và kết quả hoạt động kinh doanh…
 
3.2. Một số đánh giá về thực hiện kiểm tra sức chịu đựng tại Vietcombank
 
Kết quả đạt được
 
Kiểm tra sức chịu đựng là một quy trình phức tạp và toàn diện đòi hỏi sự kết hợp giữa yếu tố định lượng và định tính, sự phối hợp từ nhiều phòng, ban tại Ngân hàng và định hướng cũng như giám sát từ quản lý cấp cao. Sự hiểu biết và nhất quán từ trên xuống về mục tiêu và lợi ích của kiểm tra sức chịu đựng trong ngân hàng góp phần quan trọng giúp Vietcombank bước đầu triển khai thành công cấu phần này. 
 
Vietcombank đã kiện toàn cơ cấu tổ chức thực hiện kiểm tra sức chịu đựng với sự tham gia từ cấp lãnh đạo đến các phòng, ban thuộc khối rủi ro, tài chính và kinh doanh. Vietcombank ban hành văn bản nội bộ về Khung kiểm tra sức chịu đựng quy định về mô hình tổ chức, quy trình cụ thể và phương pháp thực hiện, là cơ sở để triển khai công cụ này một cách khoa học và thống nhất tại ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng cũng hoàn thiện quy định về đánh giá rủi ro trọng yếu hướng dẫn nguyên tắc, quy trình xác định các rủi ro trọng yếu hàng năm để làm đầu vào cho thực hiện kiểm tra sức chịu đựng.
 
Ngân hàng đã xây dựng được một quy trình thực hiện kiểm tra sức chịu đựng theo đúng thông lệ, theo đó kịch bản kinh tế vĩ mô được kết nối với kế hoạch kinh doanh, từ đó dự báo được bảng cân đối kế toán, kết quả hoạt động kinh doanh và kế hoạch vốn của ngân hàng trong giai đoạn 03 năm tiếp theo. Mặc dù các mô hình định lượng và phương pháp tính vốn cho các rủi ro trọng yếu còn tương đối đơn giản, kiểm tra sức chịu đựng đang từng bước giúp Vietcombank hoàn thiện công tác lập kế hoạch, giúp ngân hàng gắn kết kinh doanh, rủi ro và vốn. 
 
Khó khăn, hạn chế
 
Thiếu các hướng dẫn cụ thể trong thời gian đầu áp dụng

Quy định về kiểm tra sức chịu đựng tại Thông tư số 13/2018/TT-NHNN chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện các giả định đầu vào xây dựng kịch bản vĩ mô, phương pháp tính vốn cho một số rủi ro trọng yếu như rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và rủi ro tập trung đối với hoạt động tự doanh. Điều này gây nhiều khó khăn cho các ngân hàng trong việc thực hiện, cũng như cho NHNN trong việc tổng hợp và so sánh kết quả kiểm tra sức chịu đựng do cơ sở tính toán của mỗi ngân hàng là khác nhau.
 
Các mô hình định lượng và phương pháp tính vốn cho các rủi ro trọng yếu đơn giản
 
Các mô hình định lượng sử dụng để dự báo kinh tế vĩ mô cũng như để chuyển dịch từ các kịch bản kinh tế sang các giả định tài chính còn tương đối đơn giản. Kết quả dự báo ảnh hưởng bởi các yếu tố định tính như ý kiến chuyên gia nhiều hơn định lượng. Vietcombank sử dụng phương pháp tiêu chuẩn để tính vốn cho rủi ro tín dụng và rủi ro thị trường, phương pháp Chỉ số kinh doanh cho rủi ro hoạt động theo hướng dẫn tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dẫn đến hệ số rủi ro được áp dụng chung nên có thể chưa phản ánh sát tính chất và mức độ rủi ro của từng tài sản như các phương pháp nâng cao. Tương tự, phương pháp tính vốn cho các rủi ro trọng yếu còn lại cũng đơn giản, trực quan, dễ thực hiện và cần tiếp tục được nâng cấp để đảm bảo tính chính xác và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Nhận thức được điều này, Vietcombank đang triển khai Dự án nâng cao năng lực kiểm tra sức chịu đựng trong năm 2021 để tiếp tục hoàn thiện các phương pháp luận thực hiện kiểm tra sức chịu đựng.
 
Chất lượng và số lượng của dữ liệu 
 
Thách thức lớn nhất đối với thực hiện kiểm tra sức chịu đựng là chất lượng và mức độ sẵn có của dữ liệu. Hiện tại, chưa xây dựng được một kho dữ liệu trung tâm để tất cả các NHTM cùng khai thác mà nằm “rải rác” ở một số đơn vị của NHNN. Dữ liệu có thể phân loại từ nguồn bên ngoài ngân hàng (các thông tin lãi suất, tỷ giá, giá vàng, giá bất động sản…) để thực hiện xây dựng kịch bản kinh tế vĩ mô và từ nguồn nội bộ của ngân hàng cho mục đích dự phóng bảng cân đối kế toán, kết quả kinh doanh và tính vốn cho các rủi ro trọng yếu. Theo Matthew T.Jones, Paul Hilbers and Graham Slack (2004), để kiến tạo một cú sốc hợp lý cần dữ liệu tối thiểu của 1 - 2 chu kỳ kinh tế, nghĩa là 10 - 12 năm. Tại thị trường tài chính còn non trẻ như Việt Nam, một số yếu tố như lãi suất và tỷ giá không phản ánh đầy đủ thực tế diễn ra trên thị trường do có sự can thiệp điều hành của Nhà nước. Điều này có nghĩa ngay cả có dữ liệu với độ dài đủ như yêu cầu thì kết quả tính toán vẫn không đảm bảo được yêu cầu “cực độ và có khả năng xảy ra” của kiểm tra sức chịu đựng. Đối với nguồn dữ liệu nội bộ của Vietcombank, độ dài dữ liệu ngắn và chưa đầy đủ dẫn đến việc tìm mối liên hệ giữa các biến kinh tế vĩ mô với các nhân tố rủi ro khó khăn, một số nhân tố rủi ro có mối liên hệ không rõ ràng với các biến vĩ mô nên giả định theo hướng thận trọng dựa trên dữ liệu lịch sử.
 
Thiếu nhân lực chất lượng cao
 
Nhân sự tham gia thực hiện kiểm tra sức chịu đựng cần đảm bảo có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn về kinh tế vĩ mô, am hiểu hoạt động tài chính ngân hàng và các mô hình định lượng. Do vậy, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang là thách thức không chỉ với Vietcombank nói riêng và với hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung, nhất là trong điều kiện kiểm tra sức chịu đựng là một nội dung mới tại Việt Nam.
 
4. Một số đề xuất, khuyến nghị áp dụng kiểm tra sức chịu đựng tại các NHTM Việt Nam
 
Kiểm tra sức chịu đựng là một công cụ hiệu quả để NHNN và các NHTM có thể nhận diện được tình hình sức khỏe, khả năng chống đỡ trước những cú sốc kinh tế, vì vậy, cần có những giải pháp hữu hiệu để áp dụng công cụ này vào trong hoạt động quản lý ngân hàng. Trên cơ sở nghiên cứu về mặt lý luận và thực tiễn triển khai, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị để áp dụng kiểm tra sức chịu đựng tại các NHTM Việt Nam như sau:
 
4.1. Về quy định, chính sách
 
Thông tư số 13/2018/TT-NHNN hiện nay chỉ đề cập đến việc cần xây dựng các kịch bản kinh tế vĩ mô và thực hiện kiểm tra sức chịu đựng. Việc ban hành hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý là rất cần thiết để định hướng cho các ngân hàng triển khai kiểm tra sức chịu đựng một cách thống nhất và thuận tiện. Vì vậy, trong tương lai gần, đề xuất cơ quan quản lý cần xem xét xây dựng và ban hành một khung hướng dẫn riêng về kiểm tra sức chịu đựng cho các ngân hàng.
 
Cơ quan quản lý cần xây dựng kịch bản kinh tế vĩ mô ở cấp hệ thống và công bố định kỳ. Việc xây dựng này đảm bảo chất lượng của kịch bản đồng thời cơ quan giám sát có thể dễ dàng so sánh cũng như tổng hợp kết quả cho toàn hệ thống. Đối với cách tiếp cận Bottom-up, các ngân hàng có thể dựa vào kịch bản chung này để đánh giá tác động đến bảng cân đối kế toán, kết quả hoạt động kinh doanh và vốn của riêng mình.
 
Ngoài ra, để giúp các ngân hàng có thể dễ dàng hơn trong việc tính vốn cho các rủi ro theo phương pháp nâng cao, đề xuất cơ quan quản lý sớm ban hành các quy định, hướng dẫn về phương pháp xếp hạng nội bộ (Internal Rating Based Approach) đối với rủi ro tín dụng, phương pháp chuẩn hóa (Standardized Approach) hoặc đo lường tiên tiến (Advanced Measurement Approach) đối với rủi ro hoạt động, phương pháp mô hình nội bộ (Internal Model Approach) đối với rủi ro thị trường và các phương pháp tính vốn cho các rủi ro trọng yếu khác theo thông lệ nhưng đồng thời đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
 
4.2. Về dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ
 
Các ngân hàng cần xây dựng và làm giàu nguồn dữ liệu, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ. Thực hiện kiểm tra sức chịu đựng đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu thông tin đầu vào và hệ thống công nghệ cho phép tích hợp các mô hình chuyên dụng đi kèm để xử lý (mô hình hồi quy, mô hình dự báo vĩ mô, mô hình phân tích tác động của các biến vĩ mô...), vì vậy, cần trang bị hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo có thể thực hiện xuyên suốt quy trình. Ngoài ra, cần xây dựng một kho quản lý dữ liệu tập trung tại cấp độ ngân hàng riêng lẻ nhằm chuẩn bị sẵn sàng nền tảng dữ liệu cho quá trình triển khai.
 
Cơ quan quản lý cần xây dựng một trung tâm cơ sở dữ liệu chung cho toàn hệ thống ngân hàng, trong đó có đầy đủ thông tin về vĩ mô, về ngành nghề kinh doanh, về đặc thù ngành Ngân hàng... Đồng thời có thể nghiên cứu kết hợp, chia sẻ với các nước trong khu vực để có nguồn dữ liệu dồi dào hơn về các sự kiện tổn thất, phục vụ cho việc xây dựng các cú sốc và thiết lập kịch bản vĩ mô trong kiểm tra sức chịu đựng.
 
4.3. Về nguồn nhân lực
 
Chất lượng nguồn nhân lực cần được nâng cao để phục vụ cho công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ năng như kiểm tra sức chịu đựng. Một hệ thống quản trị điều hành chuyên nghiệp và đội ngũ chuyên gia, cán bộ trực tiếp thực hiện có đầy đủ kiến thức chuyên môn và am hiểu thị trường là yêu cầu cần thiết đối với việc triển khai kiểm tra sức chịu đựng. Nguồn nhân lực trên thị trường am hiểu về Basel nói chung và kiểm tra sức chịu đựng nói riêng không nhiều, vì vậy, đòi hỏi các cơ quan chủ quản quan tâm phát triển các chương trình đào tạo chính quy, các ngân hàng cần có chính sách tuyển chọn, thu hút và đào tạo phù hợp.
 
Các ngân hàng cũng cần cân nhắc thành lập bộ phận chuyên trách về kiểm tra sức chịu đựng. Bộ phận thực hiện kiểm tra sức chịu đựng cần có những nhân sự chất lượng cao phụ trách thực hiện và thực hiện tăng cường gắn kết, trao đổi dữ liệu giữa cơ quan giám sát và các đơn vị, cơ quan khác.
 
5. Kết luận
 
Kiểm tra sức chịu đựng đã và đang đóng góp vai trò rất quan trọng trong môi trường quản lý rủi ro tiên tiến của hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng. Với những lợi ích mà công cụ này mang lại thì nhiều NHTW trên thế giới đều đang áp dụng hiệu quả kiểm tra sức chịu đựng. Các cơ quan quản lý, giám sát ngân hàng, tài chính của Việt Nam cũng sẽ không ngoại lệ, tiến tới thực hiện và ứng dụng kiểm tra sức chịu đựng trong quá trình giám sát an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và tư vấn hỗ trợ chính sách. Bài nghiên cứu hy vọng có thể đóng góp một phần kiến thức thúc đẩy quá trình phát triển các công cụ giám sát tài chính hiệu quả của cơ quan quản lý tại Việt Nam.
 
1 Được quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc NHNN.
2 Theo số liệu tại Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ngành “Phương pháp luận đánh giá sức chịu đựng của tổ chức tín dụng
 trước các cú sốc trên thị trường tài chính (Stress testing) của NHNN năm 2012.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Basel Committee on Banking Supervision (2006), “International Covergence of Capital Measurement an Capital Standards”, BIS June 2004.
2. Basel Committee on Banking Supervision (2009), “Enhancements to the Basel II framework”, BIS July 2009.
3. Basel Committee on Banking Supervision (2009), “Principles for sound Stress testing practices and supervision”, BIS March 2009.
4. Bernd Engelmann and Robert Rauhmeier (2011), “The Basel II Risk Parameters: Estimation, Validation, Stress Testing - with Applications to Loan Risk Management”, 2nd ed, Springer.
5. Beverly Hirtle and Andreas Lehnert (2014), “Supervisory Stress Tests”, Federal Reserve Bank of New York Staff Reports, no. 696”.
6. Board of Governors of the Federal Reserve System (2020), “December 2020 Stress Test Results”. Board of Governors of the Federal Reserve Syste, Washington, DC 20551.
7. Citi Bank (2020), “2020 Annual Stress Test Disclosure”. Citi Bank, Jume 2020.
8. Dimitri G. Demkas (2015), “Designing Effective Macroprudential Stress Tests: Progress So Far and the Way Forward”, IMF Working Papers, Vol 2015, Issue 146.
9. Trường Đại học Quốc gia Hà Nội (2013), Đề tài nghiên cứu của VEPR, công bố trong khuôn khổ công bố Báo cáo thường niên kinh tế năm 2015.
10. Franco Stragiotti, Michele Lenza (2015), “Stress testing profitability in US commercial banks: a dynamic factor model approach”, Louvain School of Management Reaearch Institute Working Paper, 2015.
11. Matthew T.Jones, Paul Hilbers and Graham Slack (2004), “Stress Testing Financial Systems: What to do when the Governor Calls”, IMF Working Paper WP/04/127.
12. NHNN (2018), Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
13. Nguyễn Thị Diễm Hương (2019), “Phương pháp luận quy trình kiểm định sức chịu đựng rủi ro thị trường tại NHTM”, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 208.
14. Nguyễn Thị Mai Huyên, Lê Hồ An Châu (2016), “Kiểm tra sức chịu đựng rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Mở, Hồ Chí Minh, Số 11.
15. Patrizia Baudino (2020), “Stress-testing banks during the Covid-19 pandemic”, FSI Brief, No 11, October 2020.
16. Patrizia Baudino, Roland Goetschmann, Jérômê Henry, Ken Taniguchi and Weisha Zhu (2018), “Stress-testing banks - a comparative analysis”, FST Insights No12, November 2018.
17. PwC (2020), ICAAP and Stress testing course. 
18. Phùng Đức Quyền (2013), “Kiểm tra sức chịu đựng các NHTM lớn ở Việt Nam”, Công trình nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2012 - 2013, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
19. Viecombank (2021), Báo cáo ICAAP kỳ 2021 - 2023 của Vietcombank.
 
TS. Lê Thị Huyền Diệu, ThS. Lưu Hải Yến, 
Phạm Thị Thanh Tâm, Trịnh Thị Thu Thủy
Vietcombank
 
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Phân loại trong xử lí nợ xấu tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Phân loại trong xử lí nợ xấu tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
01/04/2024 337 lượt xem
Nghiên cứu phân biệt ba nhóm doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, gồm: Doanh nghiệp không có nợ xấu, doanh nghiệp có nợ xấu còn hoạt động và doanh nghiệp có nợ xấu dừng hoạt động.
Tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty cho thuê tài chính trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty cho thuê tài chính trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
21/03/2024 1.124 lượt xem
Bài viết tập trung phân tích, đánh giá tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty cho thuê tài chính.
Bộ đệm vốn nghịch chu kì - Công cụ an toàn theo thông lệ Basel III
Bộ đệm vốn nghịch chu kì - Công cụ an toàn theo thông lệ Basel III
18/03/2024 493 lượt xem
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) (2010) đã thiết kế Bộ đệm vốn nghịch chu kì (CCyB) với mục tiêu an toàn vĩ mô ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng vượt mức có tính chu kì (được phản ánh qua sự tăng, giảm của chu kì tài chính) tiềm ẩn rủi ro hệ thống đối với khu vực ngân hàng.
Các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam
29/02/2024 1.631 lượt xem
Bài viết đánh giá mức độ tác động của các nhân tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Ảnh hưởng của biểu hiện vật chất tại các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến hành vi tiêu dùng của khách hàng
Ảnh hưởng của biểu hiện vật chất tại các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến hành vi tiêu dùng của khách hàng
19/01/2024 568 lượt xem
Hành vi tiêu dùng của khách hàng trong nghiên cứu này được tiếp cận theo hướng sự ủng hộ của khách hàng, được đo lường bằng 3 chỉ tiêu: Doanh số, lợi nhuận và tỉ lệ giữ chân khách hàng. Trên cơ sở kết quả khảo sát từ 238 nhân viên đang làm việc tại các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hiện nay
Tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hiện nay
29/12/2023 804 lượt xem
Tín dụng đầu tư là một hình thức hỗ trợ vốn của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế thông qua hoạt động cho vay trung và dài hạn để đầu tư vào các dự án thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư.
Đo lường khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại từ mô hình kì tới hạn trong quản lí rủi ro lãi suất
Đo lường khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại từ mô hình kì tới hạn trong quản lí rủi ro lãi suất
18/12/2023 1.443 lượt xem
Nghiên cứu này với mục đích cung cấp phương pháp đo lường về khả năng thanh toán dựa trên trạng thái vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua mô hình kì tới hạn (The Maturity Model) trong quản lí rủi ro lãi suất.
Giám sát rủi ro biến đổi khí hậu của ngân hàng trung ương các nước châu Âu và gợi ý cho Việt Nam
Giám sát rủi ro biến đổi khí hậu của ngân hàng trung ương các nước châu Âu và gợi ý cho Việt Nam
05/12/2023 1.229 lượt xem
Rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu đã làm phát sinh những rủi ro đáng kể cho sự ổn định tài chính ở mỗi quốc gia.
Tác động tràn của chính sách tiền tệ Mỹ đến thị trường tài chính Việt Nam
Tác động tràn của chính sách tiền tệ Mỹ đến thị trường tài chính Việt Nam
04/12/2023 2.479 lượt xem
Chính sách tiền tệ (CSTT) là một trong những chính sách quan trọng nhất trong hệ thống các công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước vì nó tác động trực tiếp vào lĩnh vực lưu thông tiền tệ.
Các tổ chức tài chính vi mô - Quá trình chuyển đổi tại Việt Nam
Các tổ chức tài chính vi mô - Quá trình chuyển đổi tại Việt Nam
01/12/2023 1.629 lượt xem
Quá trình chuyển đổi của các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam là một sự phát triển tất yếu theo quan điểm học thuật và thực tiễn quá trình hoạt động của TCVM trên thế giới.
Các nhân tố ảnh hưởng đến tỉ lệ tiền gửi không kì hạn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Các nhân tố ảnh hưởng đến tỉ lệ tiền gửi không kì hạn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Cần Thơ
30/11/2023 2.164 lượt xem
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tỉ lệ CASA của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Rủi ro đạo đức và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định gây ra rủi ro đạo đức của nhân viên trong bộ phận tín dụng của các ngân hàng thương mại
Rủi ro đạo đức và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định gây ra rủi ro đạo đức của nhân viên trong bộ phận tín dụng của các ngân hàng thương mại
29/11/2023 2.511 lượt xem
Nghiên cứu này tập trung vào vấn đề rủi ro đạo đức và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định gây ra rủi ro đạo đức của nhân viên trong bộ phận tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Khả năng sử dụng dịch vụ tài chính số của người trung niên tại Việt Nam - Cách tiếp cận từ dân trí tài chính
Khả năng sử dụng dịch vụ tài chính số của người trung niên tại Việt Nam - Cách tiếp cận từ dân trí tài chính
28/11/2023 1.750 lượt xem
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của dân trí tài chính dưới góc độ xem xét cả ba yếu tố: Kiến thức tài chính, thái độ tài chính và hành vi tài chính lên khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính số (Digital financial services - DFS) của người trung niên tại Việt Nam.
Hoạt động cho vay của ngân hàng Việt Nam trước ảnh hưởng của thị trường tập trung
Hoạt động cho vay của ngân hàng Việt Nam trước ảnh hưởng của thị trường tập trung
27/11/2023 2.537 lượt xem
Nghiên cứu phân tích tác động của cấu trúc thị trường tập trung đến khả năng mở rộng cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM).
Các nhân tố ảnh hướng đến nợ xấu của ngân hàng thương mại Việt Nam
Các nhân tố ảnh hướng đến nợ xấu của ngân hàng thương mại Việt Nam
21/11/2023 3.325 lượt xem
Nợ xấu là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trên thế giới như “Non - performing loans” (NPLs), “doubtful debt” chỉ các khoản nợ khó đòi (Fofack, 2005) hoặc các khoản vay có vấn đề (Berger và De Young, 1997) hoặc khoản nợ không trả được (defaulted loans) mà ngân hàng không thể thu lợi từ nó (Ernst và Young, 2004) hay các khoản cho vay bắt đầu được đưa vào nợ xấu khi đã quá hạn trả nợ gốc và lãi 90 ngày trở lên (Peter Rose, 2004; Mishkin, 2010).
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.800

83.800

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.800

83.800

Vàng SJC 5c

81.800

83.820

Vàng nhẫn 9999

74.800

76.700

Vàng nữ trang 9999

74.700

76.000


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,100 25,440 26,252 27,714 30,724 32,055 157.77 167.11
BIDV 25,130 25,440 26,393 27,618 30,763 32,067 158.12 166.59
VietinBank 25,090 25,443 26,504 27,799 31,154 32,164 160.64 168.59
Agribank 25,100 25,440 26,325 27,607 30,757 31,897 159.58 167.50
Eximbank 25,040 25,440 26,425 27,239 30,914 31,866 160.82 165.77
ACB 25,110 25,442 26,596 27,279 31,230 31,905 161.07 166.37
Sacombank 25,170 25,420 26,701 27,261 31,332 31,835 162.03 167.05
Techcombank 25,192 25,442 26,362 27,707 30,760 32,094 157.36 169.78
LPBank 24,960 25,440 26,088 27,611 30,970 31,913 158.36 169.76
DongA Bank 25,170 25,440 26,570 27,260 31,080 31,940 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?