Thặng dư cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số khuyến nghị
12/09/2022 32.109 lượt xem
Tóm tắt: Cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payment - BoP) là một chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng phản ánh bức tranh kinh tế quốc tế tổng thể của một quốc gia. Theo Điều 3, Nghị định số 16/2014/NĐ-CP ngày 03/3/2014 của Chính phủ về quản lý BoP của Việt Nam, BoP của Việt Nam là báo cáo thống kê tổng hợp các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú trong một thời kỳ nhất định. Quan sát biến động BoP gần đây có thể thấy, tại Việt Nam, BoP đã liên tục thặng dư, ngay cả khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Thặng dư trong BoP của Việt Nam đã nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam, nhưng lại gây áp lực tăng giá đồng nội tệ và có thể là cả áp lực lên kinh tế vĩ mô trong tương lai. Dựa trên phương pháp thống kê mô tả, so sánh, phân tích và tổng hợp, bài viết này phân tích thực trạng thặng dư trong BoP của Việt Nam và nêu một số khuyến nghị đối với Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian tới, Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên trong chính sách là ổn định tỷ giá hối đoái hay độc lập chính sách tiền tệ trong điều kiện ngày càng tự do hóa tài khoản vốn.
 
Từ khóa: BoP, tài khoản vãng lai, tài khoản tài chính, Việt Nam, thặng dư.
 
SURPLUSES IN THE BALANCE OF PAYMENT OF VIETNAM AND RECOMMENDATIONS
 
Abtract: The Balance of Payment (BoP) is an important macroeconomic indicator that reflects the overall international economic picture of a country. According to Article 3, Decree 16/2014/ND-CP dated 3/3/2014 of the Government on the management of the BoP of Vietnam, the BoP of Vietnam is a statistical report summarizing transactions between residents and non-residents for a certain period of time. Observing the recent BoP fluctuations, in Vietnam, the BoP has continuously been seen in surplus, even when heavily affected by the Covid-19 pandemic. The surplus in Vietnam's BoP has enhanced Vietnam's external position. Nevertheless, it has put pressure on the domestic currency and possibly, the macroeconomics in the future. Based on descriptive, comparative, analytical and synthesis statistical methods, this article analyzes the surplus situation in Vietnam's BoP and makes some recommendations for Vietnam. In particular, in the coming time, Vietnam needs to clearly define the priority goal in it’s policy either to stabilize the exchange rate or to have an independent monetary policy in the context of increasingly liberalizing the capital account. 
 
Keywords: BoP, current account, financial account, Vietnam, surplus. 

1. Giới thiệu chung
 
BoP là bảng thống kê các giao dịch kinh tế giữa người cư trú của một nước với người cư trú của nước khác trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Để theo dõi và so sánh số liệu về BoP giữa các nước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ban hành Cẩm nang hướng dẫn lập BoP vào năm 1948. Cùng với sự phát triển không ngừng của các giao dịch kinh tế quốc tế theo thời gian, Cẩm nang hướng dẫn lập BoP đã được chỉnh sửa, bổ sung và cập nhật nhiều lần. Phiên bản hiện nay được các nước thành viên IMF sử dụng là Phiên bản thứ 6, ban hành vào năm 2009 (IMF, 2013a).
 
Là một thành viên của IMF, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện việc lập BoP theo hướng dẫn của IMF. Tuy nhiên, đến năm 2014 thì việc lập BoP mới chính thức được thực hiện theo Hướng dẫn lập BoP phiên bản 6 của IMF thông qua việc ban hành Nghị định số 16/2014/NĐ-CP. Từ đó đến nay, số liệu về BoP đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố hằng quý trên trang web của mình.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, cán cân tổng thể (gồm có cán cân vãng lai; cán cân vốn và tài chính; hạng mục lỗi, sai sót) của Việt Nam thường xuyên thặng dư. Đỉnh điểm là vào năm 2019, mức thặng dư cán cân tổng thể của Việt Nam lên tới hơn 23,25 tỷ USD, tương đương 8,88% GDP của năm. Năm 2020 và 2021, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng Việt Nam vẫn có được mức thặng dư cán cân tổng thể lên tới hơn 16,6 tỷ USD và 14,3 tỷ USD tương ứng (Hình 1).
 
Hình 1: Thặng dư cán cân tổng thể (đơn vị tính: triệu USD) 
và %GDP (giá trị cột phải) ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021
 

Nguồn: NHNN, Tổng cục Thống kê, 2022

2. Tổng quan nghiên cứu về BoP của Việt Nam
 
Nghiên cứu về thực trạng BoP của Việt Nam chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước. Thực trạng BoP của Việt Nam thường chỉ được đề cập ngắn gọn và chung chung trong các báo cáo kinh tế vĩ mô của các tổ chức nghiên cứu hay cơ quan nghiên cứu kinh tế của Việt Nam. Chính vì vậy, chỉ có thể kể đến một số công trình nghiên cứu tổng thể về BoP của Việt Nam như: Tô Trung Thành (2012), Nguyễn Thị Vũ Hà (2017, 2018) và Nguyễn Văn Song (2020).
 
Trên góc độ lý thuyết, Nguyễn Văn Song (2020) đã phân tích các trạng thái của BoP và ảnh hưởng của một số yếu tố chính (lãi suất ngân hàng, giá hàng hóa nội địa và tỷ giá hối đoái) tới cán cân thanh toán và tới thu nhập của nền kinh tế thông qua việc sử dụng mô hình toán học. Kết quả cho thấy, BoP có vai trò quan trọng tới thu nhập quốc dân, dự trữ ngoại hối của một quốc gia. BoP bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố cơ bản là: Lãi suất ngân hàng; giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước; độ co giãn của xuất khẩu hàng hóa với giá hàng hóa, dịch vụ trong nước và tỷ giá hối đoái. Bằng phương pháp thống kê mô tả, Tô Trung Thành (2012) đã phân tích những rủi ro từ thặng dư BoP và gia tăng dự trữ ngoại hối từ góc nhìn bộ ba bất khả thi ở Việt Nam. Tác giả đã đưa ra các cảnh báo về rủi ro mà Việt Nam có thể gặp phải khi can thiệp vào thị trường ngoại hối mà không có các biện pháp trung hòa hóa hiệu quả. Trên cơ sở đó, tác giả đã gợi ý một số chính sách mà Việt Nam có thể áp dụng đến năm 2020 như có cơ chế kiểm soát vốn hiệu quả để ổn định tỷ giá cùng với gia tăng dự trữ ngoại hối đủ lớn và nâng cao hiệu quả các biện pháp trung hòa hóa. Cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, Nguyễn Thị Vũ Hà (2017, 2018) đã nghiên cứu và tìm hiểu về biến động cán cân thanh toán của Việt Nam từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến năm 2017. Tác giả tìm thấy mở cửa và hội nhập có ảnh hưởng lớn đến các cán cân bộ phận trong BoP của Việt Nam.
 
Nghiên cứu tổng thể về BoP không nhiều nhưng nghiên cứu về các cán cân cụ thể của BoP Việt Nam thì lại thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Các nghiên cứu thường tập trung phân tích mối quan hệ của cán cân vãng lai của Việt Nam với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Bằng việc phân tích thực trạng, kết hợp với nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa cán cân vãng lai và tăng trưởng kinh tế Việt Nam bằng mô hình VECM, Nguyễn Đức Trung và Lê Hoàng Anh (2021) đã tìm thấy bằng chứng cho thấy cán cân vãng lai có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, tác động tích cực này được lý giải thông qua vai trò của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong mối quan hệ giữa hai biến số vĩ mô này. Nguyễn Thị Liên Hoa và Lê Ngọc Toàn (2016) tìm hiểu mối quan hệ giữa tiết kiệm, vị thế tài sản nước ngoài ròng và sự biến động của tài khoản vãng lai tại 44 quốc gia phát triển và đang phát triển giai đoạn 1980 - 2013, trong đó có Việt Nam. Trần Thị Cẩm Tú (2018) tìm hiểu về các thành phần của BoP tác động đến cân đối ngân sách nhà nước tại 10 quốc gia đang phát triển ở châu Á. Bằng cách sử dụng hồi quy bình phương tối thiểu tổng quát GLS, tác giả tìm thấy tác động của cán cân tài khoản vãng lai, FDI đến cân đối ngân sách nhà nước là cùng chiều. Nghĩa là khi cán cân tài khoản vãng lai, FDI tăng thì cân đối ngân sách nhà nước sẽ được cải thiện.
 
Từ các nghiên cứu trên có thể thấy, nghiên cứu về thặng dư trong BoP của Việt Nam chưa được chú trọng nhiều, mặc dù BoP của Việt Nam đã liên tục thặng dư trong nhiều năm gần đây và bắt đầu xuất hiện các hệ lụy đến nền kinh tế. Thêm vào đó là sự gia tăng nhu cầu chuyển đổi cơ chế tỷ giá khi theo cam kết với WTO, tài khoản vãng lai và tài khoản vốn của Việt Nam sẽ phải được tự do hóa và mở cửa vào năm 2018 (Thành, 2012). Chính vì vậy, việc tìm hiểu về thặng dư BoP và các ảnh hưởng của nó tới các chỉ số kinh tế vĩ mô khác là rất cần thiết hiện nay. 
 
Bằng cách thu thập số liệu từ NHNN, Tổng cục Thống kê và các cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), IMF, Trademap, bài viết này sẽ xem xét, phân tích, so sánh, đánh giá thực trạng và biến động thặng dư trong các cán cân bộ phận của BoP. Trên cơ sở phân tích này, tác giả đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong thời gian tới.
 
3. Phân tích các cán cân bộ phận BoP của Việt Nam
 
3.1. Cán cân thương mại
 
Cán cân thương mại của Việt Nam liên tục thặng dư từ năm 2016 đến năm 2021. Đặc biệt, cán cân hàng hóa của Việt Nam luôn luôn thặng dư (trừ Quý II/2021 do ảnh hưởng nặng nề của các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19) còn cán cân dịch vụ thì luôn thâm hụt. Điều này hàm ý rằng, Việt Nam có lợi thế so sánh trong việc cung cấp hàng hóa cho người không cư trú và kém lợi thế so sánh trong việc cung cấp dịch vụ cho người không cư trú. Thặng dư trong cán cân hàng hóa tăng từ 11,94 tỷ USD năm 2016 lên gần 30,59 tỷ USD năm 2020, khiến mức đóng góp của cán cân hàng hóa trong GDP tăng từ 5,82% GDP năm 2016 lên 11,35% GDP vào năm 2020 (World Bank Data & NHNN, 2022). Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thặng dư năm 2021 đã giảm hơn 42% so với năm 2020. Thặng dư trong cán cân hàng hóa đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho người cư trú trong nước đặc biệt trong các năm 2020, 2021 khi Việt Nam cũng như toàn thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thặng dư này cũng chỉ ra quy mô dư thừa cung hàng hóa của nền kinh tế Việt Nam hiện nay và làm gia tăng mức độ phụ thuộc kinh tế của Việt Nam vào thế giới. 
 
Cán cân dịch vụ của Việt Nam luôn thâm hụt nhưng ở quy mô nhỏ do giá trị xuất nhập khẩu dịch vụ nhỏ hơn nhiều so với giá trị hàng hóa. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam và làm giảm giá trị xuất khẩu dịch vụ hơn 5 lần từ 19,92 tỷ USD năm 2019 xuống 3,64 tỷ USD năm 2021. Vì vậy, thâm hụt cán cân dịch vụ của Việt Nam đã tăng vọt lên 15,76 tỷ USD vào năm 2021, lớn hơn khoảng 3,58 lần so với mức thâm hụt năm 2016. Kết quả là cán cân thương mại của Việt Nam năm 2021 chỉ đạt mức thặng dư 1,93 tỷ USD, bằng 1/10 so với mức thặng dư trong năm 2020.
 
Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thặng dư hàng hóa 80,1 tỷ USD vào năm 2021, gấp 6,82 lần mức thặng dư hàng hóa của Việt Nam và chiếm gần 22% GDP của Việt Nam trong năm 2021 (Tổng cục Thống kê, 2022). Ở chiều ngược lại Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với thâm hụt thương mại là 54 tỷ USD vào năm 2021 (Tổng cục Thống kê, 2022). 
 
Về cán cân thương mại theo sản phẩm, các mặt hàng may mặc;  phụ kiện quần áo, giày, dép và những thứ tương tự; máy móc, thiết bị điện và linh kiện là những yếu tố đóng góp đáng kể vào thặng dư cán cân hàng hóa của Việt Nam. Một điểm đáng mừng là nhập khẩu hàng may mặc và quần áo, giày dép chiếm tỷ trọng rất nhỏ, hàm ý rằng khả năng nội địa hóa và lợi thế sản xuất các sản phẩm này của Việt Nam hiện nay đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, thiết bị điện và linh kiện, những mặt hàng này lại do các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào nhập khẩu nhóm hàng này và đối mặt với rủi ro bị các doanh nghiệp nước ngoài chi phối. Nhựa và các sản phẩm bằng chất dẻo; nhiên liệu khoáng, khoáng chất và các sản phẩm chưng cất của chúng; chất bitum là nhóm hàng có mức nhập siêu lớn nhất ở Việt Nam vào năm 2020 và là nhóm hàng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam (Trademap, 2022).
 
3.2. Cán cân thu nhập
 
Cán cân thu nhập của Việt Nam chia thành hai hướng rõ nét, cụ thể: Cán cân thu nhập sơ cấp thì luôn thâm hụt còn cán cân thu nhập thứ cấp thì luôn thặng dư. Điều này cho thấy các khoản thanh toán cho đầu tư ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với khoản thu nhập nhận được từ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (gấp gần 13 lần trong cả giai đoạn). Mức thanh toán cho đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 là hơn 101,2 tỷ USD và dao động trong khoảng 16,87 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, mức thu nhập từ đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam chỉ đạt 7,64 tỷ USD cho cả giai đoạn và khoảng 1,27 tỷ USD trung bình mỗi năm. Chính vì vậy, cán cân thu nhập sơ cấp của Việt Nam luôn bị thâm hụt với mức 15,6 tỷ USD mỗi năm. Mức thâm hụt này đã khiến thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam giảm xuống khá nhiều.
 
Ngược lại với trạng thái của cán cân thu nhập sơ cấp thì cán cân thu nhập thứ cấp hay còn gọi là dịch chuyển đơn phương ròng của Việt Nam luôn thặng dư với  mức trung bình khoảng 9 tỷ USD mỗi năm. Điều này có được là do lượng kiều hối hằng năm đổ về Việt Nam khá lớn. Xét trong cả giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam đã nhận được hơn 66,63 tỷ USD dịch chuyển đơn phương vào và số lượng dịch chuyển đơn phương ra khỏi Việt Nam là 12,3 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cán cân thu nhập thứ cấp của Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng so với các năm trước, đạt gần 10,3 tỷ USD. 
 
3.3. Cán cân vãng lai
 
Biến động cán cân thương mại và cán cân thu nhập kể trên đã định hình sự biến động cán cân vãng lai trong giai đoạn 2016 - 2021. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2020 với giá trị 12,95 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai giảm mạnh và đảo chiều vào năm 2021 với giá trị - 3,94 tỷ USD (Hình 2a). Thặng dư cán cân vãng lai đã đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế và bù đắp chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư trong nước ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ duy nhất có năm 2017, khi cán cân vãng lai thâm hụt thì tiết kiệm trong nước mới nhỏ hơn đầu tư trong nước còn các năm khác, cán cân vãng lai đều thặng dư, phản ánh tiết kiệm lớn hơn đầu tư trong nước (Hình 2b). Điều đó có nghĩa là, một phần tiết kiệm trong nước đã được sử dụng để đầu tư ra nước ngoài. Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách thường mong muốn tiết kiệm trong nước sẽ được dành để đầu tư trong nước hơn là để đầu tư ra nước ngoài bởi lợi tức từ các khoản đầu tư trong nước có thể dễ dàng bị đánh thuế hơn so với các khoản thu  nhập từ tài sản ở nước ngoài. Thêm vào đó, việc bổ sung vào nguồn vốn đầu tư trong nước từ tiết kiệm quốc gia có thể làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập quốc dân và tạo ra tác động lan tỏa về công nghệ đến các các nhà sản xuất nội địa (Paul Krugman và cộng sự, 2018, trang 269).

Hình 2a: Cán cân vãng lai của Việt Nam 
giai đoạn 2016 - 2021 (triệu USD)



Hình 2b: Cán cân vãng lai và chênh lệch 
giữa tiết kiệm và đầu tư (% GDP)


Nguồn: NHNN, IMF, 2022

Một điểm đáng lưu ý là các quốc gia có thặng dư cán cân vãng lai lớn có thể trở thành mục tiêu bị áp các rào cản phân biệt đối xử nhập khẩu từ các đối tác thương mại có thâm hụt. Mỹ, một cường quốc kinh tế, luôn theo dõi thực trạng cán cân thương mại và cán cân vãng lai với các nước đối tác để làm căn cứ đưa ra phân biệt đối xử nhập khẩu với các quốc gia này. Theo Đạo luật 2015 của Mỹ, có 3 tiêu chí để xác định một quốc gia thao túng tiền tệ là thặng dư thương mại song phương với Mỹ lớn hơn 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai lớn hơn 2% GDP của nước đó và can thiệp một chiều dai dẳng vào tỷ giá. Căn cứ vào các tiêu chí này thì Đức, Nhật, Italia, Malaysia là các nước thỏa mãn 2 tiêu chí về thặng dư hàng hóa và cán cân vãng lai trong khoảng thời gian từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2021. Riêng với Việt Nam, giai đoạn từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019 và năm 2021 không thỏa mãn tiêu chí thặng dư cán cân vãng lai chiếm 2% GDP. Ngoài ra, mặc dù Việt Nam có mức thặng dư thương mại song phương với Mỹ lớn nhất và hiện là nước xuất khẩu ròng hàng hóa lớn thứ ba vào Hoa Kỳ (Bộ Tài chính Mỹ, 2022) nhưng mức thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam, nhìn chung là còn thấp so với một số nước đối tác thương mại của Mỹ. (Bảng 1)

Bảng 1: Thặng dư hàng hóa và cán cân vãng lai giữa Mỹ và các nước 
theo Báo cáo Kinh tế đối ngoại của Mỹ


Nguồn: Bộ Tài chính Hoa Kỳ, 2019, 2020, 2021, 2022a , 2022b
 
3.4. Cán cân tài chính 
 
Trong các dòng vốn đầu tư quốc tế thì dòng vốn đầu tư trực tiếp (DI) có sự ổn định và thể hiện rõ xu hướng tăng dần qua các năm. Cán cân DI thặng dư từ mức 11,6 tỷ USD năm 2016 lên đến mức hơn 15,66 tỷ USD năm 2021 và trong giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam đã nhận được gần 90 tỷ USD vốn FDI. Đây là nguồn vốn có đóng góp tích cực tạo việc làm do khu vực FDI đóng góp khoảng 20,13% GDP của Việt Nam năm 2020 và thúc đẩy xuất khẩu tại Việt Nam (chiếm 73,6% giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2021) (Tổng cục Thống kê, 2022). Dòng vốn DI chỉ giảm nhẹ trong thời gian Việt Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19, nhưng đã tăng lên sau đó. Chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và chỉ bị ảnh hưởng một phần vào năm 2021 (Tổng cục Thống kê, 2022).
 
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài với tổng giá trị gần 3,2 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2021. Các dự án FDI ra nước ngoài chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai thác và khai thác đá, nông, lâm, ngư nghiệp, thông tin và truyền thông. Việt Nam đã đầu tư vào 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, các nhà đầu tư Việt Nam chủ yếu đầu tư vào Australia, Lào, Đức, Mỹ, Nga và Campuchia (Tổng cục Thống kê, 2022).
 
Sự không cân đối trong FDI vào Việt Nam và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam (FDI vào Việt Nam gấp 26 lần so với FDI Việt Nam ra nước ngoài) chính là một trong những nguyên nhân khiến cho thu nhập nhận được từ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều so với khoản thanh toán cho đầu tư mà Việt Nam phải trả cho người không cư trú.
 
Khác với sự ổn định trong DI, cán cân đầu tư gián tiếp (PI) nước ngoài tại Việt Nam có sự biến động tương đối lớn. Trong giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam đã nhận được 7,36 tỷ USD vốn PI nước ngoài ròng. Tuy nhiên, giai đoạn này lại chứng kiến sự rút vốn PI của người cư trú Việt Nam về nước, mặc dù giá trị còn nhỏ. Tổng giá trị  vốn PI mà nhà đầu tư Việt Nam đã rút về nước trong cả giai đoạn là 194 triệu USD, tập trung chủ yếu vào năm 2016 với tổng giá trị là 187 triệu USD.
 
Trong giai đoạn 2016 - 2021, đã có 8 quý mà nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng giá trị lên tới 2,87 tỷ USD (chiếm 39% tổng vốn PI nước ngoài vào Việt Nam). Đặc biệt là trong quý 1/2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, làm dấy lên những lo ngại về nền kinh tế Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 1,33 tỷ USD ra khỏi Việt Nam (NHNN, 2022). Tuy nhiên, do niềm tin của nhà đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán nên chỉ số VN-Index trong những tháng đầu năm 2021 có xu hướng tăng ở Việt Nam. (Hình 3).

Hình 3: Cán cân PI và biến động VN-Index tại Việt Nam
giai đoạn Q1/2016 - Q4/2021


Nguồn: NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2022

Cũng giống như cán cân PI, cán cân đầu tư khác (OI) ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 cũng có sự biến động rất mạnh cả bên phía nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lẫn bên phía nhà đầu tư nước ngoài đầu tư khác vào Việt Nam. Tính trong cả giai đoạn, nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư khác ra nước ngoài với giá trị gần 43,26 tỷ USD. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư khác vào Việt Nam với giá trị gần 46,4 tỷ USD (xấp xỉ 51,67% so với FDI). Có thể thấy, đây là khoản mục duy nhất mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài gần như tương đương với nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (chênh lệch 3,13 tỷ USD cho cả giai đoạn 2016 - 2021) (NHNN, 2022).
 
Hầu hết OI ra nước ngoài của Việt Nam là dưới hình thức tiền và tiền gửi ở nước ngoài trong đó khu vực ngân hàng chiếm khoảng 33,1%, khu vực tư nhân chiếm 66,9% giá trị tiền và tiền gửi ở nước ngoài. Mặc dù chiếm tỷ trọng lớn về giá trị cho cả giai đoạn nhưng dòng vốn tư nhân OI ra nước ngoài dưới hình thức tiền và tiền gửi có xu hướng giảm và không biến động mạnh như dòng vốn của khu vực ngân hàng. Dòng vốn OI ra nước ngoài của khu vực ngân hàng có những giai đoạn còn đổ ngược lại về Việt Nam (năm 2016 và năm 2021 với tổng giá trị là 4,17 tỷ USD). Điều này thể hiện mức độ hội nhập và kết nối của hệ thống ngân hàng Việt Nam với các thị trường tài chính quốc tế ngày càng tăng và do đó, sẽ ngày càng nhạy cảm với biến động của thị trường toàn cầu.
 
Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện OI ở Việt Nam chủ yếu dưới hình thức cho vay (chiếm tới gần 61,4% tổng giá trị) và gửi tiền vào hệ thống ngân hàng Việt Nam (35,1%). Hoạt động gửi tiền vào hệ thống ngân hàng Việt Nam chủ yếu là từ khu vực ngân hàng nước ngoài (chiếm 95,24%), khu vực tư nhân tham gia rất ít. Dòng vốn vay vào Việt Nam chủ yếu dưới hình thức là vốn trung và dài hạn (chiếm 80,75% với tổng giá trị là hơn 23 tỷ USD). Dòng vốn ngắn hạn chiếm khoảng 19,25% với tổng giá trị là khoảng 5,48 tỷ USD cho cả giai đoạn 2016 - 2021. Tuy nhiên, xét từng thành tố trong vốn vay ngắn hạn và dài hạn thì chúng ta lại thấy có sự biến động tương đối lớn. Cụ thể, đối với vốn vay ngắn hạn, xét trong cả giai đoạn 2016 - 2021 thì số tiền mà Việt Nam vay từ nước ngoài lên đến hơn 145,89 tỷ USD (lớn gấp 1,62 lần tổng vốn FDI giải ngân và gần 2 lần vốn vay dài hạn giải ngân cùng giai đoạn). Tuy nhiên, số nợ gốc mà Việt Nam phải trả cho nước ngoài trong cùng giai đoạn cũng lên tới gần 140,41 tỷ USD. Cán cân vốn vay ngắn hạn của Việt Nam có sự biến động mạnh, có năm thặng dư, có năm thâm hụt. Một điểm cần lưu ý là nếu Việt Nam vay tiền ngắn hạn để trả nợ ngắn hạn thì sẽ gây áp lực lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. (Hình 4)
 
Hình 4: Cán cân vốn vay Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 (tỷ USD)


Nguồn: NHNN, 2022

Ngược lại, với biến động trong cán cân vốn vay ngắn hạn, cán cân vốn vay dài hạn thường xuyên thặng dư. Tổng giá trị giải ngân dòng vốn này cho giai đoạn 2016 - 2021 là khoảng 74,88 tỷ USD, trong đó chủ yếu giải ngân cho khu vực tư nhân (chiếm 78,41%). Tổng số tiền trả nợ gốc vốn vay dài hạn trong giai đoạn nghiên cứu là gần 51,87 tỷ USD, trong đó khu vực Nhà nước chiếm tỷ trọng khoảng 19,24% còn khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng gần 80,76%. Cán cân vốn vay dài hạn thường nằm trong trạng thái thặng dư là một phần nguyên nhân dẫn tới sự thâm hụt trong cán cân thu nhập sơ cấp như đã phân tích ở phần trên. Một điểm đáng lưu ý là số tiền trả nợ gốc cả vốn vay ngắn hạn và dài hạn đều có xu hướng ngày càng tăng lên.
 
Trong những năm gần đây, cán cân tài chính liên tục thặng dư ở mức trung bình hơn 16 tỷ USD mỗi năm, gấp hơn 3,4 lần so với mức thặng dư trong cán cân vãng lai trong cùng giai đoạn. Điều này cho thấy mức độ hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn quốc tế trong những năm gần đây đặc biệt là dòng vốn FDI. Tuy nhiên, các dòng vốn quốc tế vào Việt Nam còn nhiều biến động nên mức thặng dư trong cán cân tài chính không ổn định và nhất quán theo một xu hướng mà có sự dao động từ 8,2 tỷ USD đến hơn 30 tỷ USD mỗi năm.  
 
Thông thường thặng dư trong cán cân vãng lai sẽ bị triệt tiêu bởi thâm hụt trong các cán cân đầu tư nhưng ở Việt Nam, các cán cân này đều thặng dư. Điều này sẽ tạo áp lực lớn đến tỷ giá hối đoái ở Việt Nam và buộc NHNN phải đưa ra các biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối nếu không muốn giá trị VND bị biến động quá mức. Thêm vào đó, thặng dư trong các cán cân đầu tư đặc biệt là PI và OI có thể sẽ tạo ra các gánh nặng nợ đối với người cư trú nếu như mức vay nợ nước ngoài vượt quá ngưỡng an toàn. Theo IMF (2013b), ngưỡng cảnh báo sớm về nợ nước ngoài đối với các quốc gia thuộc nền kinh tế mới nổi là 60% GDP đối với tỷ lệ nợ công nắm giữ bởi chủ thể không cư trú; 80% tổng dư nợ đối với tỷ lệ nợ công bằng ngoại tệ và 20% GDP đối với nhu cầu vay nước ngoài. Tại Việt Nam, nợ nước ngoài so với GDP trong giai đoạn 2016 - 2020 có xu hướng tăng để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển. Đến cuối năm 2020, nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức 47,2% GDP, sát với ngưỡng 50% được Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, chỉ tiêu này đã tiến sát giới hạn 50%, gây áp lực lên chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia (nợ nước ngoài quốc gia năm 2017 ở mức 49,0% GDP) (Võ Hữu Hiền và cộng sự, 2021). 
 
Ngoài ra, các biến động trong cán cân PI và OI có thể sẽ khiến nước tiếp nhận vốn gặp phải rủi ro khi các dòng vốn nước ngoài đảo chiều hoặc suy giảm đột ngột. Tại Việt Nam, thặng dư trong cán cân tài chính chủ yếu đến từ thặng dư trong cán cân DI. Do đó, khi điều kiện kinh tế nước ngoài kém thuận lợi hoặc môi trường kinh tế Việt Nam không ổn định (ví dụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ khi Chính phủ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19), dòng vốn này có thể biến động lớn và sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
 
3.5. Cán cân giao dịch dự trữ chính thức
 
Cán cân giao dịch dự trữ chính thức ghi nhận các giao dịch can thiệp vào thị trường ngoại hối của Ngân hàng Trung ương (NHTW). Cán cân này thâm hụt hàm ý NHTW đã mua ngoại tệ vào và làm tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia. Xét từ năm 2016 đến năm 2021, NHNN đã mua vào hơn 81,14 tỷ USD, chiếm khoảng 65% tổng mức thặng dư trong cán cân vãng lai và cán cân tài chính của Việt Nam. Có thể thấy, NHNN đã có sự can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ ổn định tỷ giá. Trong các thời kỳ dư thừa ngoại tệ, NHNN liên tục mua vào, còn trong các thời kỳ thiếu hụt thì lại bán ra, ví dụ như quý 4/2018, NHNN đã bán ra hơn 1,9 tỷ USD dự trữ (đây chính là thời điểm mà cả cán cân vãng lai và cán cân tài chính của Việt Nam thâm hụt. Quý 4/2016, NHNN cũng đã bán ra hơn 1,26 tỷ USD dự trữ để tài trợ cho thâm hụt cán cân vãng lai trong thời điểm này (NHNN, 2022). 
 
Cũng cần lưu ý, khi NHNN thực hiện các nghiệp vụ mua ngoại tệ mà không trung hòa hóa sẽ khiến cho cung tiền trong nước tăng, tạo áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Chính vì vậy, NHNN đã liên tục thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở để giảm áp lực lên cung tiền và lạm phát. Tổng giá trị chào bán tín phiếu NHNN trong giai đoạn 2016 - 2020 được NHNN thực hiện là gần 3,88 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, thặng dư cán cân vãng lai và cán cân tài chính đạt đỉnh thì NHNN đã bán ra gần 1,52 nghìn tỷ đồng tín phiếu NHTW, năm 2020 khi tổng thặng dư cán cân vãng lai và cán cân tài chính giảm thì tổng giá trị chào bán cũng suy giảm (Báo cáo thường niên NHNN từ 2016 đến 2020). Thêm vào đó, tỷ lệ Tài sản nước ngoài ròng/Tổng lượng tiền mặt trong lưu thông luôn tăng dần từ mức 1.11 năm 2016 đến 1.93 năm 2020. Theo Tô Trung Thành (2012), nếu tỷ lệ này lớn hơn 1 thì có nghĩa là dư thừa thanh khoản ở Việt Nam chủ yếu là do thay đổi dữ trữ ngoại hối ròng. (Hình 5)
 
Hình 5: Nghiệp vụ thị trường mở của NHNN giai đoạn 2016 - 2020


Nguồn: NHNN

Tổng dự trữ của Việt Nam đến cuối năm 2021 đạt khoảng 108,3 tỷ USD, tương đương khoảng 4 tháng nhập khẩu, gần 39% GDP và khoảng 70% tổng nợ quốc gia vào năm 2021 (tính toán từ NHNN, 2022). Đây là mức dự trữ có thể đảm bảo an toàn cho các nhà nhập khẩu Việt Nam và giúp Việt Nam tránh được những cú sốc kinh tế. 
 
3.6. Cán cân tổng thể
 
Theo nguyên tắc bút toán kép, BoP luôn trong trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, người ta vẫn đề cập đến thặng dư hay thâm hụt BoP của một quốc gia. Đó chính là đề cập đến thặng dư và thâm hụt cán cân tổng thể của một nước. Cán cân tổng thể ghi nhận tất cả các giao dịch giữa người cư trú của một nước với người cư trú của nước khác ngoại trừ các giao dịch liên quan đến hoạt động can thiệp của NHTW vào thị trường ngoại hối. Trong giai đoạn 2016 - 2021, cán cân tổng thể của Việt Nam luôn luôn thặng dư với giá trị lên tới gần 81,14 tỷ USD. Chính vì vậy, vị thế đối ngoại của Việt Nam đã mạnh hơn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể hàm ý có những yếu kém của khu vực trong nước so với khu vực xuất khẩu và đầu tư khu vực tư nhân chưa được chú trọng (Bộ Tài chính Mỹ, 2021). 
 
Có một điểm đáng lưu ý là mức sai số và bỏ sót trong BoP của Việt Nam là khá lớn. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng giá trị sai số đạt -44,47 tỷ USD, tương đương 54,8% tổng giá trị thặng dư của cán cân tổng thể. Trong số đó các giá trị chảy vào không được ghi nhận hoặc bỏ sót trong cả giai đoạn là gần 8,95 tỷ USD còn giá trị chảy ra không được ghi nhận là gần 53,42 tỷ USD. Ngoài ra, số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ có liên quan đến rửa tiền mà NHNN nhận được cũng ngày càng tăng từ mức 1.300 báo cáo năm 2016 tăng lên 2.000 báo cáo năm 2019 và 1.811 năm 2020. Đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
 
4. Kết luận và một số khuyến nghị
 
Khảo cứu thặng dư trong BoP của Việt Nam trong những năm gần đây có thể thấy:
 
Thứ nhất, thặng dư trong cán cân vãng lai ở Việt Nam chủ yếu là do thặng dư trong cán cân thương mại. Điều này thể hiện lợi thế so sánh của Việt Nam trong việc cung cấp hàng hóa. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam lại chủ yếu đến từ khu vực FDI, do đó bất kỳ biến động nào trong cán cân DI sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu của Việt Nam. Xét trong cán cân thu nhập, Việt Nam mặc dù nhận được nguồn kiều hối dồi dào nhưng số tiền mà Việt Nam phải thanh toán cho các nhà đầu tư nước ngoài luôn lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà Việt Nam kiếm được từ việc đầu tư ra nước ngoài. Xét về tổng thể, cán cân vãng lai của Việt Nam thường trong trạng thái thặng dư. Điều này đã tạo áp lực nâng giá VND khiến NHNN phải can thiệp để ổn định tỷ giá. Trong tương lai, Việt Nam cần xác định rõ mức độ ưu tiên trong chính sách của mình là ổn định tỷ giá hay có được một chính sách tiền tệ độc lập trong bối cảnh tài khoản vốn ngày càng được tự do hóa.
 
Thứ hai, thặng dư trong cán cân tài chính ở Việt Nam chủ yếu là do Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn vốn FDI vào trong nước. Do đó, khi điều kiện kinh tế nước ngoài kém thuận lợi hoặc môi trường kinh tế Việt Nam chưa đủ hấp dẫn, dòng vốn này có thể biến động mạnh và gây rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam. Thêm vào đó, thặng dư trong cán cân tài chính của Việt Nam là chưa bền vững vì ngoài FDI, vốn OI vào và ra khỏi Việt Nam với mức độ dao động lớn. Cụ thể là dòng vốn vay biến động rất mạnh, cả vốn vay ngắn hạn và vốn vay dài hạn. Mặc dù mức độ thặng dư trong cán cân vốn vay dài hạn lớn hơn mức độ thâm hụt trong cán cân vốn vay ngắn hạn nhưng tổng vốn vay ngắn hạn lại lớn hơn gần gấp 2 lần so với vốn vay dài hạn. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc quản lý các dòng vốn nước ngoài ở Việt Nam và có thể tạo ra rủi ro về sự đảo chiều dòng vốn tại Việt Nam. Hiện nay, công tác quản lý các giao dịch vốn được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong khi quản lý chặt chẽ, thận trọng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Theo Paul Krugman (2018, trang 270), Trung Quốc và Đài Bắc Trung Hoa, thường duy trì kiểm soát vốn và có thặng dư tài khoản vãng lai trong thời kỳ trước khủng hoảng, đã không bị ảnh hưởng nhiều trong cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, theo cam kết với WTO, Việt Nam cần phải tự do hóa cán cân tài chính vào năm 2018. Do đó, việc kiểm soát vốn nên điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hình mới, tiến tới gỡ bỏ trong tương lai.
 
Thứ ba, thặng dư trong BoP của Việt Nam đã nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam, tuy nhiên, nó có thể phản ánh mức độ kém hiệu quả của khu vực kinh tế trong nước trong việc cung cấp các hàng hóa xuất khẩu hoặc có tồn tại các ràng buộc trong khu vực đầu tư tư nhân trong nước. Tích lũy dư thừa dự trữ ngoại hối có thể tạo áp lực tăng lạm phát và dẫn tới bùng nổ tín dụng trong tương lai. Thêm vào đó, chi phí trung hòa hóa ở Việt Nam là khá cao (Thành, 2012), do đó, việc tiếp tục can thiệp và trung hòa hóa tác động tới cung tiền và lạm phát khó có thể kéo dài mãi. Ngoài ra, với Việt Nam, cần xem xét hỗ trợ và cải thiện hơn nữa đầu tư tư nhân.
 
(Nghiên cứu này được tiến hành trong khuôn khổ đề tài QG.21.46 “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021: Xác định lại vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu” của Đại học Quốc gia Hà Nội).
 
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. IMF (2013a). Hướng dẫn lập BoP cập nhật lần thứ 6, https://www.imf.org/external/pubs/ft/bop/2007/bopman6.htm 
2. IMF (2013b). Staff guidance note for public debt sustainability analysis in market-access countries https://www.imf.org/external/np/pp/eng/2013/050913.pdf 
3. IMF (2022). IMF Country Report No. 21/42: Vietnam 2020 Article IV Consultation - Press Release; Staff Report; And Statement By The Executive Director For Vietnam, https://www.imf.org/en/Publications/CR/Issues/2021/02/24/Vietnam-2020-Article-IV-Consultation-Press-Release-Staff-Report-and-Statement-by-the-50121 
4. NHNN (2022), Thống kê BoP, https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/en/menu/trangchu/tk/ccttqt?
5. Nguyễn Đức Trung và Lê Hoàng Anh (2021). Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và cán cân vãng lai tại Việt Nam: Một hiện tượng đặc biệt của các quốc gia đang phát triển. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 226 - Tháng 3 năm 2021. 
6. Nguyễn Thị Liên Hoa và Lê Ngọc Toàn (2016). Mối quan hệ giữa tiết kiệm, vị thế tài sản nước ngoài ròng và sự biến động của tài khoản vãng lai. Tạp chí Phát triển Kinh tế, 27(11), 04-26.
7. Nguyễn Thị Vũ Hà (2017). “Chu chuyển vốn quốc tế ở Việt Nam giai đoạn 2006 - 2015”. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam. ISSN 1013-4328, số 2 (111) -2017, Tr. 11-18.
8. Nguyễn Thị Vũ Hà (2018). BoP của Việt Nam từ năm 2007 đến nay, Tạp chí Khoa học Xã hội, tháng 11-2018.
9. Nguyễn Văn Song (2020). Cân bằng BoP: Các yếu tố ảnh hưởng cơ bản. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 3 (502), tháng 3 năm 2020. 
10. Paul R. Krugman, Maurice Obstfeld, Marc Melitz (2018), International Finance: Theory and Policy, 11th Edition, Pearson.
11. Tô Trung Thành (2013), Thặng dư BoP và Gia tăng dự trữ - Rủi ro nhìn từ bộ ba bất khả thi, Tài liệu Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2013, tr. 253-274.
12. Tổng cục Thống kê (2021). Niên giám thống kê 2020, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/07/nien-giam-thong- ke-2021/ 
13. Tổng cục Thống kê (2022). Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2021, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2021/ 
14. Trademap (2022), Số liệu về xuất nhập khẩu của Việt Nam, lấy tại https://www.trademap.org/Index.aspx?nvpm 
15. Trần Thị Cẩm Tú (2018). Các thành phần của BoP tác động đến cân đối ngân sách nhà nước tại 10 quốc gia đang phát triển ở châu Á.
16. US Department of The Treasury Office Of International Affairs - Bộ Tài chính  Mỹ (2019), Report on Macroeconomic and Foreign Exchange Policies of Major Trading Partners of the United States May 2019, https://home.treasury.gov/system/files/206/2019-05-28-May-2019-FX-Report.pdf
17. US Department of The Treasury Office Of International Affairs, Report on Macroeconomic and Foreign Exchange Policies of Major Trading Partners of the United States December 2020, https://home.treasury.gov/system/files/206/December-2020-FX-Report-FINAL.pdf  
18. US Department of The Treasury Office Of International Affairs, Report on Macroeconomic and Foreign Exchange Policies of Major Trading Partners of the United States April 2021, https://home.treasury.gov/news/press-releases/jy0131 
19. US Department of The Treasury Office Of International Affairs, Report on Macroeconomic and Foreign Exchange Policies of Major Trading Partners of the United States December 2021, https://home.treasury.gov/system/files/206/December-2021-FXR-FINAL.pdf 
20. US Department of The Treasury Office Of International Affairs, Report on Macroeconomic and Foreign Exchange Policies of Major Trading Partners of the United States June 2022, https://home.treasury.gov/system/files/136/FINAL_Spring_2022_FXR.pdf 
21. World Development Indicators (2021), lấy tại https://data.worldbank.org/country/vietnam
22. Võ Hữu Hiền và cộng sự (2022), Xác định giới hạn cảnh báo chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 6/2021, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM222821 

TS. Nguyễn Thị Vũ Hà
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội


Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đám bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đám bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
19/04/2024 0 lượt xem
Do nhu cầu tài chính phục vụ cho quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp ngày càng cao nên thị trường tín dụng liên kết bền vững toàn cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy và mở rộng hoạt động cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ở đa dạng ngành, nghề thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Thực hiện tăng trưởng xanh - Tiền đề cho phát triển bền vững của Việt Nam
Thực hiện tăng trưởng xanh - Tiền đề cho phát triển bền vững của Việt Nam
12/04/2024 768 lượt xem
Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai, theo đó tăng trưởng xanh với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chính là tiền đề để thực hiện mục tiêu này.
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
10/04/2024 800 lượt xem
Bài viết đề xuất một số khuyến nghị về xây dựng, thực thi chính sách tín dụng liên kết bền vững để góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam...
Thực tiễn triển khai ESG tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Thực tiễn triển khai ESG tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
05/04/2024 1.079 lượt xem
Nghiên cứu trình bày về tầm quan trọng của ESG (Environmental - môi trường, Social - xã hội, Governance - quản trị) trong quá trình phát triển bền vững của ngân hàng, thực tiễn triển khai các hoạt động về ESG, các kết quả đạt được và thách thức, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai ESG trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Tác động của minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
Tác động của minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
03/04/2024 1.009 lượt xem
Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu tác động của tính minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR) đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng.
Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
02/04/2024 967 lượt xem
Bài viết dựa trên cơ sở tổng quan về giám sát tài chính, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để rút ra một số bài học và khuyến nghị đối với công tác giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước tại Việt Nam hiện nay.
Kinh nghiệm thực thi chính sách tài chính khí hậu trên thế giới và một số khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm thực thi chính sách tài chính khí hậu trên thế giới và một số khuyến nghị cho Việt Nam
01/04/2024 971 lượt xem
Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đó là việc thiếu nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu, hay còn gọi là tài chính khí hậu...
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/03/2024 1.057 lượt xem
Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán nội bộ NHNN phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định về kiểm toán nội bộ của Việt Nam, một trong những yêu cầu hiện nay là nghiên cứu, rà soát, ban hành Sổ tay Kiểm toán nội bộ NHNN nhằm tập hợp, hệ thống hóa các quy định chung về kiểm toán nội bộ của NHNN.
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
25/03/2024 1.444 lượt xem
Trong kỉ nguyên số, Chatbot đóng vai trò vô cùng quan trọng và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
22/03/2024 2.154 lượt xem
Trong thị trường kinh tế, giao dịch phái sinh là một dạng hợp đồng dựa trên giá trị các loại tài sản cơ sở khác nhau như hàng hóa, chỉ số, lãi suất hay cổ phiếu (giấy tờ có giá).
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
11/03/2024 2.489 lượt xem
Hiện nay, quyết liệt chuyển đổi số, tạo dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, tạo ra nền tảng phát triển bán lẻ, tăng doanh thu dịch vụ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng là xu hướng chủ đạo của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
07/03/2024 3.343 lượt xem
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Song, những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài của nền kinh tế làm cho nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là có thể.
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
07/03/2024 2.355 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia; thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 05 - 11/3/2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Vai trò, tầm quan trọng của ESG trong phát triển bền vững tại ngân hàng thương mại Việt Nam
Vai trò, tầm quan trọng của ESG trong phát triển bền vững tại ngân hàng thương mại Việt Nam
05/03/2024 4.209 lượt xem
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đang dần chú trọng hơn đến sự phát triển bền vững như một hướng đi quan trọng trong hoạt động kinh doanh.
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
21/02/2024 2.852 lượt xem
Mô hình Ba Nhà là một mô hình nổi tiếng nêu bật sự gắn liền chặt chẽ giữa đào tạo lí thuyết và đào tạo thực tế, thông qua mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và chính phủ với tiềm năng đổi mới và phát triển kinh tế trong một xã hội tri thức.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.800

83.800

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.800

83.800

Vàng SJC 5c

81.800

83.820

Vàng nhẫn 9999

74.800

76.700

Vàng nữ trang 9999

74.700

76.000


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,100 25,440 26,252 27,714 30,724 32,055 157.77 167.11
BIDV 25,130 25,440 26,393 27,618 30,763 32,067 158.12 166.59
VietinBank 25,090 25,443 26,504 27,799 31,154 32,164 160.64 168.59
Agribank 25,100 25,440 26,325 27,607 30,757 31,897 159.58 167.50
Eximbank 25,040 25,440 26,425 27,239 30,914 31,866 160.82 165.77
ACB 25,110 25,442 26,596 27,279 31,230 31,905 161.07 166.37
Sacombank 25,170 25,420 26,701 27,261 31,332 31,835 162.03 167.05
Techcombank 25,192 25,442 26,362 27,707 30,760 32,094 157.36 169.78
LPBank 24,960 25,440 26,088 27,611 30,970 31,913 158.36 169.76
DongA Bank 25,170 25,440 26,570 27,260 31,080 31,940 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?