Quản lý dịch vụ ví điện tử
23/06/2020 09:33 14.761 lượt xem
Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2010 đã định nghĩa dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) là hoạt động làm trung gian kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán (khoản 10 Điều 6). Hiện nay, hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), Thông tư số 39/2014/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và một số văn bản liên quan khác. Theo đó, hiện có 06 loại hình dịch vụ TGTT được NHNN cấp phép, trong đó có dịch vụ Ví điện tử.
 
1. Hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử
 
1.1. Về cơ sở pháp lý
 
Dịch vụ Ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT lập trên vật mang tin (như chíp điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán (TKĐBTT) của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử theo tỷ lệ 1:1. 
 
Theo các quy định quản lý hiện hành, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được: (i) Phát hành hơn một Ví điện tử cho một tài khoản thanh toán của khách hàng tại một ngân hàng; (ii) Cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử. Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải có công cụ để NHNN kiểm tra, giám sát theo thời gian thực tổng số tiền của khách hàng trên các Ví điện tử và tổng số tiền trên TKĐBTT của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử tại các ngân hàng. Việc nạp tiền vào Ví điện tử, rút tiền ra khỏi Ví điện tử của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng. 
 
1.2. Về tình hình hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử
 
Hơn 10 năm trước, dịch vụ Ví điện tử đã được NHNN bắt đầu cho phép triển khai thí điểm. Kể từ khi Thông tư số 39/2014/TT-NHNN có hiệu lực (ngày 01/3/2015)  đến 30/6/2019, NHNN đã tiếp nhận Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT của 82 tổ chức và đã thực hiện cấp giấy phép cho 31 tổ chức, trong đó có 27 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử. Đến cuối Quý I/2019, có 25/27 tổ chức được cấp giấy phép đã triển khai cung ứng 10,5 triệu Ví điện tử ra thị trường với tổng số dư khoảng 1.258,17 tỷ đồng. Trong quý I/2019, tổng số lượng giao dịch bằng Ví điện tử đạt gần 77.454  nghìn giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt gần 29,5 nghìn tỷ đồng (tăng 55,5% về số lượng và tăng 77,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018), bình quân khoảng 380.864 đồng/giao dịch; số lượng giao dịch bình quân của 01 Ví điện tử là khoảng 2,54 giao dịch/tháng, giá trị giao dịch bình quân của 01 Ví điện tử là khoảng hơn 966.000 đồng/tháng.
 

 
Trong thời gian qua, dịch vụ Ví điện tử đã đạt được những kết quả nhất định, khẳng định được những ưu điểm về tính năng, sự tiện lợi, an toàn, nhanh chóng với chi phí hợp lý. Nhìn chung, dịch vụ Ví điện tử được khách hàng đánh giá cao, bước đầu khẳng định được lòng tin đối với khách hàng và ngày càng nhận được sự quan tâm từ các ngân hàng và đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa. 
 
1.3. Một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
 
Trong quá trình triển khai cung ứng dịch vụ Ví điện tử thời gian qua cũng có những khó khăn, hạn chế, do một số nguyên nhân, như sau:
 
Một là, một số quy định pháp lý hiện hành cần được quy định rõ hơn và có hướng dẫn cụ thể hơn: 
 
Cơ sở pháp lý hiện hành về hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử còn mang tính tổng quan, chưa quy định và hướng dẫn cụ thể; các quy định mới tập trung chủ yếu vào điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục cấp giấy phép, định nghĩa dịch vụ Ví điện tử, TKĐBTT cho dịch vụ Ví điện tử, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan. Dịch vụ Ví điện tử ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng công nghệ thông tin và sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước. Do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý cấp phép vẫn còn là một thách thức, khó khăn đối với Việt Nam. 
 
Theo quy định hiện hành, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; tuy nhiên, hiện nay đối tượng báo cáo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền không bao gồm tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT, nên các tổ chức cung ứng Ví điện tử gặp khó khăn trong quá trình triển khai, tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền. 
 
Tại Việt Nam, thuật ngữ tiền điện tử (e-money) đã xuất hiện và xâm nhập vào đời sống kinh tế - xã hội; tuy nhiên, do chưa được định nghĩa, khái niệm cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất; khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa làm rõ bản chất của tiền điện tử để có cơ sở xác định phạm vi và đối tượng chịu sự quản lý.
 
Hai là, một số khó khăn của hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử 
 
Các tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử còn gặp khó khăn trong việc phát triển dịch vụ, nhất là cho các đối tượng không có tài khoản tại ngân hàng, những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 
 
Đối với dịch vụ Ví điện tử, các quy định cụ thể về phân loại, áp dụng tài khoản ngân hàng/tài khoản Ví điện tử theo cấp độ (với các tiêu chí phân loại cấp độ như: tài khoản cơ bản; hạn mức giao dịch; chức năng giao dịch, mục đích sử dụng và mức độ cung cấp thông tin xác thực của khách hàng) cần được nghiên cứu, áp dụng trong thực tế, tạo thuận lợi hơn cho dịch vụ Ví điện tử phát triển.
 
Ba là, một số rủi ro liên quan đến Ví điện tử cần phòng ngừa:
 
Hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử hiện nay tại Việt Nam là lĩnh vực mới, còn khá phức tạp và thách thức trong việc kiểm tra, giám sát. Do được phát triển, ứng dụng trong môi trường công nghệ thông tin, viễn thông, trong khi tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, do đó, dịch vụ Ví điện tử có thể phát sinh những rủi ro hoạt động, thanh khoản, hay bị lợi dụng vào các mục đích phi pháp.
 
Mặc dù đã có những quy định quản lý khá chặt chẽ, qua công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra vừa qua cho thấy, sự tuân thủ các quy định của một số tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử còn chưa cao; còn tình trạng cho phép mở và kích hoạt các Ví điện tử không gắn với tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng, cho phép Ví điện tử được gắn và nạp tiền từ thẻ tín dụng của khách hàng hoặc bằng các hình thức khác...
 
Cùng với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ là sự xuất hiện của nhiều loại hình dịch vụ mới do các tổ chức không phải là ngân hàng cung cấp, có đặc điểm tương tự như các dịch vụ Ví điện tử hiện nay. Trên thị trường xuất hiện một số loại ví nhưng không đúng bản chất dịch vụ và không được NHNN cấp phép, nhưng vẫn cung ứng trên thị trường, như ví không được liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng, không chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động này sẽ dẫn đến những rủi ro hoạt động, rủi ro thanh khoản, dễ bị lợi dụng vào các hoạt động bất hợp pháp và gây khó khăn trong công tác quản lý. 
 
2. Kinh nghiệm quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử 
 
Ví điện tử tại Việt Nam về bản chất tương tự như hình thức phương tiện thanh toán trả trước - tiền điện tử (e-money) trên thế giới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khái niệm, bản chất và hình thái biểu hiện của tiền điện tử mang các đặc tính cơ bản sau: Tiền điện tử là giá trị tiền tệ được lưu trữ trên thiết bị/phương tiện điện tử và có các đặc tính như: (i) được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi theo tỷ lệ 1:1 tại ngân hàng; (ii) được thể hiện bằng quyền truy đòi đối với tổ chức cung ứng tiền điện tử; (iii) được thể hiện dưới dạng thẻ trả trước do ngân hàng cung ứng và Ví điện tử do tổ chức TGTT cung ứng; và (iv) được sử dụng như phương tiện thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán. Hiện các quốc gia đã cụ thể hóa các quy định về tiền điện tử thành văn bản luật, chỉ thị, hướng dẫn phù hợp tại từng quốc gia và hoạt động này chịu sự giám sát và quản lý chặt chẽ của ngân hàng trung ương.
 
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước cho thấy, quan điểm và cách thức quản lý dịch vụ Ví điện tử (một trong các loại hình tiền điện tử) tại các quốc gia có nhiều điểm khác nhau về việc: yêu cầu Ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng; các kênh cho phép để thực hiện việc nạp vào/rút tiền ra từ Ví điện tử; quy định về phân loại Ví điện tử; nhận diện, xác thực khách hàng (KYC). 
 
Tùy theo tình hình thực tế, mức độ rủi ro, mục tiêu và định hướng quản lý của từng quốc gia dẫn tới quan điểm khác nhau về quản lý Ví điện tử, như: (i) Kiểm soát chặt chẽ hoạt động Ví điện tử, quy định Ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng và yêu cầu các tổ chức cung ứng Ví điện tử phải thực hiện các cách thức, biện pháp xác thực khách hàng khác nhau để đưa ra hạn mức cho từng cấp độ Ví điện tử; tăng cường công tác KYC với việc đưa ra quy định phân loại tài khoản Ví điện tử theo cấp độ tài khoản nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch của khách hàng; (ii) Không yêu cầu Ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng; (iii) Cho phép việc rút tiền mặt tại các đại lý. 
 
2.1. Tại Trung Quốc
 
Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, các chính sách, biện pháp quản lý dịch vụ Ví điện tử, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng Ví điện tử cho các hoạt động bất hợp pháp; cấp phép, theo dõi, giám sát các tổ chức không phải là ngân hàng (Non-bank Payment Institutions - NPIs) cung ứng dịch vụ Ví điện tử được Ngân hàng Nhân dân Trung  Quốc (PBOC) đánh giá là những yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc quản lý hoạt động Ví điện tử.
 
Thứ nhất, quy định về phân loại Ví điện tử của các NPIs
 
Năm 2015, PBOC ban hành Thông báo số 43 quy định các biện pháp quản lý thanh toán trực tuyến đối với các NPIs; trong đó, yêu cầu các NPIs phải thiết lập một hệ thống quản lý tên thật, thực hiện các nguyên tắc về KYC, xác minh khách hàng đăng ký mở Ví điện tử và áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng liên tục trong suốt quá trình giao dịch sau này. Những yêu cầu này nhằm đảm bảo NPIs xác minh chính xác danh tính thực của khách hàng và ngăn chặn việc mở tài khoản vô danh hoặc sử dụng bí danh cũng như ngăn việc trốn tránh thực hiện các biện pháp KYC của một số khách hàng thông qua sử dụng nhiều tài khoản khác nhau cùng một lúc.
 
Ngoài ra, tài khoản (thanh toán) Ví điện tử cũng được tách biệt với tài khoản ngân hàng. Tiền trong Ví điện tử không được coi là tiền gửi và các NPIs không được phép mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức tài chính hoặc các tổ chức khác nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay, tài trợ vốn, các hình thức tín dụng, quản lý tài sản, bảo lãnh, dịch vụ ủy thác, dịch vụ ngoại hối hoặc gửi và rút tiền mặt. Đây chính là rào cản PBOC đặt ra đối với các NPIs so với hệ thống ngân hàng truyền thống.
 
Thứ hai, quy định về cấp độ tài khoản Ví điện tử
 
Thông báo số 43 nêu trên quy định tài khoản Ví điện tử (có tính năng thanh toán, chuyển tiền như tài khoản thanh toán của các ngân hàng) do các NPIs cung ứng được chia thành 03 cấp độ dựa trên mức độ xác thực khách hàng, cụ thể:
 
Về hạn mức: Cấp độ 1 - Ví điện tử với doanh số thanh toán, chi tiêu lũy kế không quá 1.000 CNY (khoảng 3,4 triệu VND) trong suốt vòng đời sử dụng sản phẩm từ khi Ví điện tử được mở; Cấp độ 2 - Ví điện tử có doanh số thanh toán, chi tiêu lũy kế cả năm không quá 100.000 CNY/năm (khoảng 340 triệu VND/năm); Cấp độ 3 - Ví điện tử có hạn mức lũy kế cả năm không quá 200.000 CNY/năm (khoảng 680 triệu VND/năm).
 
Về cách thức và mức độ xác thực khách hàng: Cấp độ 1 - Việc mở và sử dụng Ví điện tử (khi khách hàng lần đầu tiên giao dịch) không đòi hỏi phải gặp mặt trực tiếp khách hàng; việc xác định danh tính khách hàng thực hiện thông qua 01 kênh định danh hợp lệ; Cấp độ 2 - Thực hiện thông qua gặp mặt trực tiếp hoặc xác định danh tính khách hàng không gặp mặt trực tiếp qua xác thực chéo với ít nhất 03 kênh định danh hợp lệ; Cấp độ 3 - Thực hiện thông qua gặp mặt trực tiếp hoặc định danh không gặp mặt trực tiếp thông qua xác thực chéo với ít nhất 05 kênh định danh hợp lệ. 
 
Về chức năng thanh toán: Ví điện tử cấp độ 1 chỉ được sử dụng để thanh toán tiêu dùng và chuyển tiền; Ví điện tử cấp độ 2 được sử dụng để thanh toán tiêu dùng và chuyển tiền; Ví điện tử cấp độ 3 được sử dụng để thanh toán tiêu dùng, chuyển tiền và đầu tư vào các tài sản, sản phẩm tài chính.
 
Thứ ba, quy định về cấp phép và quản lý sau cấp phép đối với các NPIs
 
Các NPIs  phải được cấp phép của PBOC mới được cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến qua mạng Internet và thiết bị di động, điện thoại cố định và truyền hình kỹ thuật số tương tác ra thị trường, bao gồm cả Alipay và WechatPay. Các NPIs bị giới hạn hơn so với ngân hàng khi chỉ được phép cung ứng các dịch vụ thanh toán nhanh chóng, thuận tiện cho các giao dịch thanh toán nhỏ lẻ, phục vụ sinh hoạt hàng ngày với giá trị thấp. 
 
Về hạn mức ký quỹ của các NPIs, PBOC quy định tổng số dư trên tất cả các tài khoản Ví điện tử của khách hàng mà các NPIs đã nhận phải được giữ trong tài khoản ký quỹ mở tại PBOC theo tỷ lệ quy định bắt buộc để phòng ngừa, kiểm soát việc NPIs (nhất là các tổ chức có số lượng khách, số dư các Ví điện tử của khách hàng lớn như  Ví Alipay, Ví Wechat Pay) sử dụng sai mục đích nguồn tiền đối ứng cho số tiền khách hàng nạp vào Ví điện tử;  cũng như để giới hạn hoạt động của các NPIs.
Thứ tư, quy định về giám sát, đánh giá sau cấp phép đối với các NPIs.
 
Tháng 4/2016, PBOC đã ban hành Thông báo về cơ chế, nguyên tắc để phân loại và đánh giá các NPIs; theo đó, định kỳ các NPIs sẽ được PBOC đánh giá, phân loại theo 5 nhóm lớn với 11 cấp độ; các tổ chức được đánh giá xếp hạng A sẽ được áp dụng cơ chế giám sát thông thoáng hơn và ngược lại, các tổ chức xếp loại kém sẽ bị áp dụng cơ chế giám sát chặt chẽ.
 
2.2. Tại Thái Lan
 
Nghị định của Hoàng gia Thái Lan ban hành về quản lý kiểm soát và giám sát kinh doanh dịch vụ thanh toán điện tử B.E. 2559 quy định, tiền điện tử là một hình thức thẻ điện tử được phát hành bởi nhà cung cấp dịch vụ cho người sử dụng. Tiền điện tử bao gồm thẻ trả trước và Ví điện tử không liên kết với tài khoản ngân hàng được phân loại theo 3 loại, cụ thể:
 
- Dịch vụ loại A chỉ yêu cầu phải thông báo với Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) trước khi bắt đầu triển khai dịch vụ, bao gồm: Các dịch vụ tiền điện tử được sử dụng để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ nhất định và chỉ chấp nhận thanh toán tại một đơn vị chấp nhận thanh toán (tương tự như các loại thẻ closed-loop).
 
- Dịch vụ loại B yêu cầu phải đăng ký với BOT trước khi triển khai dịch vụ, bao gồm: Các dịch vụ tiền điện tử được sử dụng để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ nhất định và có thể chấp nhận thanh toán tại một số đơn vị chấp nhận thanh toán hoạt động trong cùng một hệ thống hoặc một chuỗi kênh phân phối.
 
- Dịch vụ loại C phải được cho phép của BOT trước khi triển khai dịch vụ, bao gồm: Các dịch vụ thanh toán điện tử thông qua bất kỳ một thiết bị hoặc mạng lưới; dịch vụ thanh toán hóa đơn; dịch vụ tiền điện tử được sử dụng để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ nhất định và được chấp nhận thanh toán tại tất cả các đơn vị chấp nhận thanh toán mà không có bất kỳ giới hạn nào về địa điểm hay kênh phân phối.
 
Tại Thái Lan, Ví điện tử không yêu cầu phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Liên quan đến quy định về việc nạp tiền, rút tiền từ Ví điện tử, các tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải đáp ứng yêu cầu của BOT khi đăng ký triển khai dịch vụ của họ, trong đó phải làm rõ quy trình, thủ tục để thực hiện nạp tiền, rút tiền mặt từ Ví điện tử tại các đại lý.
 
2.3. Tại Indonesia
 
Năm 2016, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) ban hành Quy chế về hoạt động xử lý giao dịch thanh toán quy định, tổ chức cung ứng tiền điện tử phải có Giấy phép từ BI trong trường hợp lượng người sử dụng dịch vụ đạt đến hoặc có kế hoạch đạt được ít nhất 300.000 người; các tổ chức cung ứng có số lượng khách hàng ít hơn 300.000 người sử dụng chỉ cần báo cáo với BI về các hoạt động của mình.
 
Năm 2018, BI ban hành Quy chế mới về tiền điện tử (thay thế Quy chế ban hành năm 2009), trong đó đưa ra một số quy định giới hạn đối với tiền điện tử, như: 
 
Thứ nhất, tiền điện tử được phân thành 2 loại: (i) Thanh toán đơn mục đích (closed loop) là tiền điện tử chỉ được sử dụng để thanh toán cho nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chính là người phát hành tiền điện tử; (ii) Thanh toán đa mục đích (open loop) là tiền điện tử được sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại bất kỳ đơn vị chấp nhận thanh toán không phải là tổ chức phát hành tiền điện tử. 
 
Thứ hai, các dịch vụ thanh toán của các tổ chức không phải là ngân hàng được phép cung cấp có thể bao gồm: chuyển tiền, thanh toán, Ví điện tử.
 
Thứ ba, hạn mức tổng giá trị giao dịch một tháng của tiền điện tử là 20 triệu Rupi (tương đương  1.422 USD) và các tổ chức phát hành tiền điện tử chỉ có thể cung cấp các tính năng nạp tiền, thanh toán cho việc mua sắm, thanh toán hóa đơn nhưng đối với giao dịch chuyển tiền và rút tiền mặt chỉ được phép thực hiện đối với các tổ chức phát hành tiền điện tử thanh toán đa mục đích đã được BI cấp phép.
 
3. Một số khuyến nghị về quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử 
 
Trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử hiện nay, kinh nghiệm quản lý của một số nước, một số giải pháp tăng cường quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử trong thời gian trước mắt được xác định như sau:
 
3.1. Rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy định về Ví điện tử
 
Thứ nhất, duy trì cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử:
 
Dịch vụ Ví điện tử về bản chất có liên quan đến huy động tiền của các tổ chức, cá nhân, nên có thể phát sinh những rủi ro hoạt động, thanh khoản và lợi dụng dịch vụ để tham gia vào các giao dịch bất hợp pháp. Do đó, việc tiếp tục duy trì cấp phép cho hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức có nhu cầu hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý, hoạt động an toàn, bền vững. 
 
Thứ hai, ban hành các quy định liên quan đến tiền điện tử:
 
Tiền điện tử tại Việt Nam hiện được thể hiện dưới dạng thẻ trả trước do ngân hàng cung ứng và Ví điện tử do tổ chức TGTT cung ứng. Tiền điện tử không phải là một loại tiền tệ mới mà chỉ là hình thái biểu hiện của đồng tiền pháp định dưới dạng công cụ hoặc phương tiện thanh toán được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán và được đảm bảo theo tỷ lệ 1:1 của đồng tiền pháp định. 
 
Do đó, việc nghiên cứu bổ sung các quy định về tiền điện tử là cần thiết; trong đó làm rõ khái niệm, bản chất, hình thái biểu hiện của tiền điện tử và các vấn đề liên quan đến tiền điện tử trong văn bản pháp lý, thẩm quyền cấp phép, điều kiện cung ứng tiền điện tử; quy trình quản trị, kiểm soát rủi ro đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin giao dịch của khách hàng, cũng như tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước, theo xu hướng phát triển của kỹ thuật công nghệ và thông lệ quốc tế.
 
Đồng thời, xác định phạm vi và đối tượng cung ứng tiền điện tử để ban hành quy định quản lý phù hợp; xác định tiền điện tử là phương tiện thanh toán giúp cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn các công cụ không được xem là phương tiện thanh toán hợp pháp sử dụng để thanh toán đa mục đích hoặc quy đổi ra tiền mặt. 
 
Thứ ba, nghiên cứu ban hành một số quy định quản lý đối với hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử, đảm bảo hoạt động này là an toàn, hiệu quả và thực chất, giảm thiểu các rủi ro, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng Ví điện tử vào các hành vi vi phạm pháp luật; trong đó bao gồm:
 
(i) Tiếp tục quy định Ví điện tử gắn với tài khoản ngân hàng của khách hàng và việc nạp/rút tiền từ Ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng; 
 
(ii) Thiết lập hạn mức giao dịch Ví điện tử phù hợp với thực tiễn thị trường Việt Nam.
 
Việc cho phép nạp tiền mặt vào Ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng hiện tại là chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, như: rủi ro trong việc định danh, xác thực khách hàng; rủi ro trong công tác phòng, chống rửa tiền; rủi ro trong công tác kho quỹ, an toàn kho quỹ đối với các điểm giao dịch nhận tiền mặt; rủi ro phát sinh từ giao dịch tiền mặt; rủi ro thanh khoản, đạo đức, nhân sự; rủi ro từ điểm giao dịch do các tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử có thể không có đủ năng lực, thiếu cơ chế và biện pháp quản lý, xử lý vi phạm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cung ứng dịch vụ của các điểm giao dịch; và phát sinh chi phí kinh doanh, nguồn lực khá lớn cho các tổ chức cung ứng Ví điện tử, khi phải phát triển và duy trì mạng lưới điểm giao dịch rộng rãi để khách hàng có điểm tiếp cận thực hiện giao dịch.
 
Thứ tư, quy định mở rộng, linh hoạt hơn việc nạp/rút tiền từ Ví điện tử nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, giúp các tổ chức cung ứng dịch vụ có thể mở rộng tiện ích, nâng cao khả năng trải nghiệm, cũng như tính hấp dẫn đối với người sử dụng, như: 
 
(i) Cho phép nạp tiền vào Ví điện tử được thực hiện thông qua việc nhận tiền từ Ví điện tử khác (do cùng tổ chức cung ứng Ví điện tử mở hoặc do tổ chức cung ứng Ví điện tử khác mở).
 
(ii) Cho phép sử dụng Ví điện tử để chuyển tiền cho Ví điện tử khác (do cùng tổ chức cung ứng Ví điện tử mở hoặc do tổ chức cung ứng Ví điện tử khác mở); thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; rút tiền ra khỏi Ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng đã liên kết với Ví điện tử.
 
(iii) Không hạn chế số lượng tài khoản thanh toán/thẻ ghi nợ của khách hàng được liên kết với Ví điện tử; chủ Ví điện tử có thể lựa chọn tài khoản, thẻ để liên kết với Ví điện tử, tạo sự linh hoạt và điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình sử dụng Ví điện tử. 
 
(iv) Bổ sung các quy định cụ thể về mở Ví điện tử của khách hàng (hồ sơ mở Ví, các thông tin, tài liệu cần thiết, biện pháp xác thực thông tin khách hàng, liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán (hoặc thẻ ghi nợ) tại ngân hàng.
 
Thứ năm, dịch vụ Ví điện tử tại Việt Nam hiện nay chủ yếu phục vụ cho các khách hàng có tài khoản tại ngân hàng tại khu vực thành thị, vì một số yêu cầu chặt chẽ từ NHNN. Do đó, dịch vụ Ví điện tử cần được xem xét thiết kế phù hợp hơn để có thể cung ứng cho các đối tượng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người chưa có tài khoản ngân hàng nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện. 
 
Thứ sáu, bổ sung, làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử, ngân hàng và các bên liên quan, đặc biệt trong việc quản lý các đơn vị chấp nhận thanh toán, trong mô hình kết nối giữa các tổ chức cung ứng Ví điện tử với các bên, nhằm tăng cường hơn trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ, ngân hàng khi phát triển dịch vụ thanh toán đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán, hạn chế các rủi ro từ các đơn vị chấp nhận thanh toán gian lận hoặc có hành vi cung cấp hàng hóa/dịch vụ trái quy định pháp luật.
 
3.2. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phòng chống rửa tiền trong hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử 
 
Các cơ quan chức năng tăng cường công tác điều tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (tránh việc lợi dụng dịch vụ Ví điện tử để thực hiện các hành vi bất hợp pháp); sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến phòng, chống rửa tiền, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ TGTT.
 
Đồng thời, nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ quản lý, giám sát (RegTech) mới, tiên tiến vào hoạt động cung ứng ví điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát trong bối cảnh phát triển mạnh của công nghệ thông tin và viễn thông.
 
3.3. Xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ tiên tiến, hiện đại 
 
Kết nối liên thông hạ tầng thanh toán của ngân hàng và tổ chức cung ứng ví điện tử, giúp cho các giao dịch ví điện tử được xử lý nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm được chi phí và nguồn lực cho các ngân hàng và các tổ chức cung ứng ví điện tử khi triển khai kết nối dịch vụ đến một đầu mối thay vì từng ngân hàng, tổ chức cung ứng ví điện tử thực hiện các kết nối riêng lẻ.

ThS. Lê Văn Tuyên

(Theo: TCNH số 18/2019)
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân và dữ liệu sinh trắc học: Bảo mật tài khoản và an toàn giao dịch trực tuyến
Cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân và dữ liệu sinh trắc học: Bảo mật tài khoản và an toàn giao dịch trực tuyến
21/11/2024 13:30 226 lượt xem
Theo NHNN, sau khoảng 3 tháng triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345, số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng cá nhân và số lượng tài khoản khách hàng cá nhân có phát sinh nhận tiền lừa đảo đã giảm đáng kể.
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh: Triển vọng cho ngành Ngân hàng
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh: Triển vọng cho ngành Ngân hàng
15/11/2024 08:11 533 lượt xem
Ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đang trải qua sự chuyển mình đáng kể nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI - GenAI).
Ngân hàng mở và giao diện lập trình ứng dụng mở trong hoạt động ngân hàng
Ngân hàng mở và giao diện lập trình ứng dụng mở trong hoạt động ngân hàng
13/11/2024 08:22 563 lượt xem
Ngân hàng mở thể hiện sự thay đổi trong ngành tài chính, ngân hàng, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Ngày Pháp luật Việt Nam: Lịch sử, ý nghĩa và vai trò quản lý bằng pháp luật đối với hoạt động ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số
Ngày Pháp luật Việt Nam: Lịch sử, ý nghĩa và vai trò quản lý bằng pháp luật đối với hoạt động ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số
09/11/2024 18:30 1.005 lượt xem
Ngày 20/6/2012, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó đã quy định rõ: “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Tác động của chuyển đổi số tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại
Tác động của chuyển đổi số tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại
07/11/2024 08:10 1.059 lượt xem
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông, các nền kinh tế trên thế giới đang bước vào giai đoạn mới, nơi mà các hoạt động kinh tế, từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng đều được số hóa một cách toàn diện.
Zero Trust - Công cụ hiệu quả cho các giải pháp an ninh, bảo mật
Zero Trust - Công cụ hiệu quả cho các giải pháp an ninh, bảo mật
05/11/2024 08:30 757 lượt xem
Mô hình Zero Trust (tạm dịch “Không tin bất kỳ ai”) là phương pháp bảo mật mạng và hệ thống thông tin mà mọi yêu cầu truy cập vào tài nguyên nội bộ được xem xét và xác minh một cách cẩn thận, thay vì tin tưởng vào các nguồn truy cập nội bộ.
Đánh giá các công nghệ Big Data cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Đánh giá các công nghệ Big Data cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng
01/11/2024 09:15 1.186 lượt xem
Thông qua việc phân tích các trường hợp ứng dụng thực tế, bài viết cung cấp một đánh giá về các công cụ hỗ trợ trong việc lưu trữ, xử lý, phân tích Big Data góp phần thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững trong ngành tài chính, ngân hàng.
Quản trị rủi ro trong Fintech: Kinh nghiệm quốc tế và một số bài học cho Việt Nam
Quản trị rủi ro trong Fintech: Kinh nghiệm quốc tế và một số bài học cho Việt Nam
22/10/2024 08:24 1.456 lượt xem
Với tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các sản phẩm công nghệ mới đang trở thành nền tảng để công nghệ tài chính (Fintech) phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.
Chuẩn hóa về hạ tầng kết nối và an toàn thông tin để phát triển mô hình ngân hàng mở
Chuẩn hóa về hạ tầng kết nối và an toàn thông tin để phát triển mô hình ngân hàng mở
15/10/2024 09:09 1.427 lượt xem
Ngân hàng mở đang trở thành một xu hướng nổi bật trong ngành tài chính, mang đến nhiều cơ hội phát triển và cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua sự kết nối giữa ngân hàng và bên thứ ba.
Tác động của sự phát triển Fintech đến ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của sự phát triển Fintech đến ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam
14/10/2024 14:51 3.184 lượt xem
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ, Fintech bùng nổ đã làm thay đổi toàn bộ ngành dịch vụ tài chính.
Hoàn thiện pháp lý và chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật: Tạo nền tảng thúc đẩy số hóa ngân hàng
Hoàn thiện pháp lý và chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật: Tạo nền tảng thúc đẩy số hóa ngân hàng
10/10/2024 16:58 1.307 lượt xem
Với những giải pháp và nỗ lực của cả hệ thống, chuyển đổi số ngân hàng đã gặt hái nhiều “trái ngọt”. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức cản trở quá trình số hóa ngân hàng.
Tăng tốc và nâng tầm chuyển đổi số ngành Ngân hàng với trí tuệ nhân tạo
Tăng tốc và nâng tầm chuyển đổi số ngành Ngân hàng với trí tuệ nhân tạo
10/10/2024 16:09 1.348 lượt xem
Ngành Ngân hàng đang trải qua công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ.
Ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng  - Thách thức và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng - Thách thức và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
04/10/2024 16:27 2.109 lượt xem
Điện toán đám mây đang trở thành yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, mang lại nhiều lợi ích vượt trội về hiệu suất, bảo mật và đặc biệt là tăng lợi thế cạnh tranh.
Một số khuyến nghị trong việc tăng cường các quy định pháp luật về tội phạm công nghệ cao
Một số khuyến nghị trong việc tăng cường các quy định pháp luật về tội phạm công nghệ cao
20/09/2024 13:52 2.761 lượt xem
Việc bùng nổ của công nghệ số và sự phát triển nhanh chóng của không gian mạng đã tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng đồng thời đặt ra những thách thức to lớn về an ninh mạng.
Ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động ngân hàng - Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động ngân hàng - Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
17/09/2024 11:29 9.015 lượt xem
Blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

Vàng SJC 5c

83,700

86,220

Vàng nhẫn 9999

83,700

85,600

Vàng nữ trang 9999

83,600

85,200


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,150 25,502 26,092 27,523 31,263 32,592 158.81 168.04
BIDV 25,190 25,502 26,295 27,448 31,648 32,522 160.63 167.55
VietinBank 25,198 25,502 26,307 27,507 31,676 32,686 160.27 168.02
Agribank 25,200 25,502 26,225 27,408 31,448 32,511 160.54 168.04
Eximbank 25,160 25,502 26,287 27,168 31,543 32,559 161.12 166.54
ACB 25,170 25,502 26,309 27,212 31,642 32,598 160.68 167.03
Sacombank 25,180 25,502 26,294 27,267 31,555 32,708 160.81 167.32
Techcombank 25,184 25,502 26,134 27,486 31,274 32,605 157.32 169.76
LPBank 25,190 25,502 26,591 27,484 31,928 32,590 162.28 169.38
DongA Bank 25,230 25,500 26,300 27,150 31,600 32,550 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?