Mô hình ngân hàng bền vững đang được thực hiện ngày càng nhiều ở các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt sau cuộc khoảng tài chính năm 2008, các nhà quản lý ngân hàng tin rằng phát triển bền vững có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thành công của ngân hàng trong tương lai. Họ cũng tin tưởng vào sự cần thiết của việc gắn các vấn đề môi trường và xã hội trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Tại Việt Nam, phát triển ngân hàng bền vững đang ở giai đoạn đầu, một số ngân hàng đang quan tâm và từng bước lồng ghép vấn đề môi trường trong cho vay, thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội thông qua liên kết quốc tế. Bài viết khảo sát 250 nhà quản lý ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm đánh giá thực tiễn kinh doanh bền vững và đề xuất các kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển tính bền vững của các NHTM Việt Nam.
Các NHTM Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề môi trường trong hoạt động tín dụng
1. Phát triển ngân hàng bền vững trên thế giới
1.1. Ngân hàng bền vững kết hợp kinh doanh truyền thống
Mô hình ngân hàng bền vững kết hợp với kinh doanh truyền thống có đặc trưng là ngân hàng cung cấp các sản phẩm truyền thống vừa tạo ra các tác động tích cực cho môi trường và xã hội, mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận và tích hợp vấn đề môi trường và xã hội trong hoạt động. Với mô hình này, cấu trúc thu nhập của ngân hàng là từ hoạt động cho vay truyền thống và cho vay các dự án có lợi cho môi trường và cộng đồng. Tầm nhìn của ngân hàng là tìm kiếm lợi nhuận và các cơ hội đầu tư vào vấn đề môi trường. Ngân hàng tích hợp kinh doanh các sản phẩm truyền thống với các điều khoản ràng buộc với vấn đề môi trường trong hoạt động cho vay và đầu tư. Khách hàng vay vốn phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội của ngân hàng, các khách hàng có nguy cơ gây hại đến môi trường sẽ không được vay vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có những chính sách hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng giảm nhẹ các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Ngân hàng cho vay các dự án có lợi cho môi trường có thời gian hoàn trả vốn đáp ứng yêu cầu và mức độ rủi ro hợp lý. Các hoạt động cho vay này của ngân hàng ngẫu nhiên có thể bền vững nhưng không phải là luôn luôn mang tính bền vững. Theo tầm nhìn ở mô hình này, ngân hàng đã chủ động, sáng tạo tiếp cận cũng như tích hợp vấn đề môi trường trong hoạt động.
Tại Đức, nhiều ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng bền vững kết hợp với kinh doanh truyền thống, các ngân hàng này có vai trò quan trọng đóng góp vào giảm lượng cacbon của các ngành công nghiệp, hướng đến nền kinh tế xanh của nước Đức. Trong đó, có một nhóm ngân hàng (năm 2015, có 13 NHTM) đang tiên phong và có những đóng góp tích cực đối với cải thiện môi trường và các vấn đề xã hội. Chiến lược kinh doanh của các ngân hàng này hướng đến cung cấp các sản phẩm truyền thống kết hợp với tính bền vững nhằm tạo ra các tác động bên ngoài tích cực cho môi trường và xã hội. Cho đến nay, các ngân hàng này đã cung cấp nhiều phương pháp tốt nhất cho tài chính xanh vì các ngân hàng có nguồn lực tài chính cũng như kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này. Nguồn vốn để đầu tư vào tính bền vững bao gồm một phần huy động của khách hàng và cùng với các khoản đầu tư trực tiếp của các ngân hàng.
1.2. Ngân hàng bền vững chuyên biệt
Mô hình ngân hàng bền vững chuyên biệt có đặc trưng là tất cả các hoạt động của ngân hàng đều xem xét các tác động đến môi trường và xã hội và là cơ sở ra quyết định ở tất cả các cấp của ngân hàng. Ngân hàng thiết lập các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhằm đạt được hiệu quả về tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Ngân hàng bền vững chỉ cung cấp các sản phẩm cho khách hàng có xem xét đến tác động môi trường và xã hội trong hoạt động, có những giải pháp khuyến khích, thúc đẩy khách hàng kinh doanh bền vững.
Mô hình này thường được thực hiện nhiều ở các nước phát triển, nơi các ngân hàng được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững nhờ vào hệ thống pháp lý được thiết kế tốt và có nhiều sáng kiến về tính bền vững được tạo dựng. Ngân hàng bền vững ở các nước này có mối liên hệ chặt chẽ và được trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ về các sáng kiến môi trường và các vấn đề xã hội nhằm cung cấp các sản phẩm tài chính bền vững. Ngân hàng bền vững xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn nhằm đánh giá, phân loại rủi ro tác động đến môi trường và xã hội của khách hàng vay vốn, bao gồm cả bộ tiêu chuẩn nhằm đánh giá tác động đến môi trường của từng ngành nghề khác nhau, trong đó, các ngành nhạy cảm có tiềm năng tác động tiêu cực đến môi trường. Ngân hàng bền vững hoàn thiện về mô hình quản trị, thực hiện các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhằm cân bằng lợi ích của nhiều bên liên quan, bao gồm lợi ích cho các cổ đông và mở rộng hơn là lợi ích cho cả cộng đồng.
Tại Hà Lan, các NHTM được chứng nhận là ngân hàng bền vững khi có từ 80% tổng nguồn vốn trở lên đầu tư vào các dự án đạt tính bền vững, (Vikas và cộng sự, 2014). Cơ quan quản lý của nước này cũng phân loại và chứng nhận các dự án đạt tính bền vững, do vậy, các ngân hàng thuận lợi khi cho vay khách hàng. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này có chính sách giảm thuế thu nhập cho các khoản gửi tiết kiệm nhằm mục đích đầu tư các dự án xanh, do vậy, khuyến khích khách hàng gửi tiền vào các quỹ đầu tư cho các dự án xanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng xanh.
Mô hình ngân hàng bền vững xuất hiện nhiều ở các nước phát triển với nền tảng công nghệ hiện đại, có nguồn lực tài chính lớn và có nhiều sáng kiến về tính bền vững. Mô hình ngân hàng bền vững ở các nước phát triển có mối liên quan chặt chẽ và có trách nhiệm với cộng đồng, hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu của cả ngân hàng và cộng đồng địa phương. Ngân hàng bền vững đáp ứng nhu cầu tài chính của các cộng đồng địa phương và khu vực bằng cách tài trợ cho các doanh nghiệp bền vững nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Ở các nước này, có hệ thống tiêu chuẩn nhằm hướng dẫn, hỗ trợ và phân loại tính bền vững của các công ty, các dự án đủ tiêu chuẩn về môi trường, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong việc đánh giá các khách hàng giúp cho việc ra quyết định tín dụng và đầu tư được chính xác hơn.
2. Phát triển ngân hàng bền vững tại Việt Nam
2.1. Khảo sát các ngân hàng thương mại Việt Nam
Khảo sát 250 nhà quản lý tại 22 NHTMCP, lãnh đạo của các NHTM từ cấp phó điểm giao dịch trở lên được chọn mẫu để đánh giá tính bền vững của hệ thống NHTM, đây là những người tham gia lập chính sách, chiến lược và tổ chức thực hiện phát triển bền vững của ngân hàng. (Bảng 1)
2.2. Phát triển bền vững ngân hàng thương mại Việt Nam
a) Khung pháp lý ngày càng hoàn thiện
Khung pháp lý cho phát triển bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam đang từng bước được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, tạo động lực cho toàn ngành Ngân hàng thực hành phát triển bền vững: Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiến tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, với mục tiêu nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Thông tư số 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài góp phần thúc đẩy các ngân hàng hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn.
b) Cam kết và biện pháp hướng đến phát triển bền vững
Một số NHTM Việt Nam đã có cam kết và thực hiện các biện pháp hướng đến phát triển bền vững.
Trong năm 2016, Sacombank đã có nội dung báo cáo phát triển bền vững bao gồm 58 nội dung theo hướng dẫn của GRI. Trong đó, ESMS (hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội) được triển khai với sự kết hợp của các yếu tố sau: Chiến lược, mô hình quản trị, chính sách E&S tích hợp vào quy trình cấp tín dụng, bộ công cụ bằng Excel gồm bảng câu hỏi thẩm định tác động E&S đối với khách hàng, thành lập nhóm ESMS tại Hội sở.
Techcombank là ngân hàng tích cực tham gia liên kết trong các lĩnh vực tín dụng xanh, hỗ trợ các dự án hiệu quả năng lượng. Techcombank hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong dự án tiết kiệm năng lượng thí điểm, dự án năng lượng tái tạo, dự án hiệu quả năng lượng Việt Nam dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Năm 2015, Ngân hàng tham gia Chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh dành cho các dự án đầu tư về sử dụng năng lượng hiệu quả thể hiện cam kết phát triển bền vững của Techcombank.
Năm 2016, BIDV đã có nội dung báo cáo phát triển bền vững theo hướng dẫn lập báo cáo phát triển bền vững của GRI. Nội dung của báo cáo phát triển bền vững bao gồm: Tổng quan về Báo cáo phát triển bền vững, thông điệp của Ban lãnh đạo về phát triển bền vững, tăng trưởng bền vững về kinh tế, đầu tư phát triển cộng đồng, đóng góp cải thiện môi trường. (Biểu đồ 1)
Những năm gần đây, các NHTM Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề môi trường trong hoạt động tín dụng. Có 62,4% cán bộ quản lý ngân hàng đồng ý rằng ngân hàng đã tích hợp một phần tính bền vững vào chiến lược kinh doanh tổng thể. Một số ngân hàng báo cáo các dự án nguy hại nghiêm trọng đến môi trường sẽ bị từ chối cấp tín dụng. Có 78,4% cán bộ quản lý nhận định rằng việc triển khai kinh doanh bền vững sẽ mang lại những lợi ích về tài chính và phi tài chính. Những lợi ích tài chính về trung, dài hạn là ngân hàng sẽ tiết kiệm các chi phí về quản lý rủi ro E&S, do khách hàng tuân thủ các tiêu chuẩn của ngân hàng về vấn đề môi trường và xã hội. Những lợi ích phi tài chính như nâng cao uy tín và danh tiếng của ngân hàng, do hoạt động của ngân hàng vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa tích hợp vấn đề môi trường và xã hội, đem lại lợi ích cho các bên liên quan và rộng hơn là cả cộng đồng.
c) Các tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững chưa được áp dụng phổ biến tại các NHTM Việt Nam
Các tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững như: Tiêu chuẩn hiệu suất bền vững của IFC, các nguyên tắc xích đạo (EPs), Sáng kiến tài chính toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (UNEP-FI), Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (International Organization for Standardization - ISO14001, ISO26000), Chỉ số bền vững Dow Jones (DJSI)... được xem là những tiêu chuẩn vàng trong đánh giá tính bền vững của một tổ chức, trong đó, tiêu chuẩn của IFC và EPs, DJSI được các ngân hàng áp dụng nhiều, mặc dù được xây dựng bởi các tổ chức khác nhau nhưng các tiêu chuẩn này đều chú trọng các giá trị cốt lõi của tính bền vững như hiệu quả về kinh tế, môi trường và lợi ích của cộng đồng.
Trong đó, các nguyên tắc xích đạo được sử dụng khoảng 80% nguồn vốn của thị trường tài chính toàn cầu tài trợ cho các dự án trên toàn thế giới. Các nguyên tắc này giúp giám sát những rủi ro xã hội và môi trường của các dự án đầu tư vượt quá 10 triệu USD. Các EPs cung cấp một khuôn khổ cho các NHTM nhằm quản lý các vấn đề xã hội và môi trường liên quan đến các dự án mà họ tài trợ ở bất cứ đâu trên thế giới và cho tất cả các ngành công nghiệp, bao gồm khai thác mỏ, dầu khí và lâm nghiệp. (Bromund, 2014).
Có 36% cán bộ trả lời ngân hàng có áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng chính sách quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động kinh doanh nhằm quản lý, đo lường và đánh giá các rủi ro E&S của hoạt động nội bộ, cho vay và đầu tư. 64% các cán bộ quản lý ngân hàng trả lời ngân hàng không áp dụng tiêu chuẩn quốc tế nào về tính bền vững. Tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững cho phép các NHTM quản lý rủi ro môi trường và xã hội (E&S) đầy đủ, minh bạch và toàn diện bao gồm đánh giá các rủi ro E&S và rủi ro tiềm năng tác động đến môi trường, các phương án giảm thiểu, các biện pháp giảm nhẹ các tác động động đến môi trường, kiểm soát các vấn đề xã hội bao gồm vấn đề nhân quyền, lao động, chống tham nhũng... (Biểu đồ 2)
d) Cần sự hỗ trợ trong thời gian tới để phát triển ngân hàng bền vững
Phát triển theo mô hình bền vững, cần phải có sự tham gia và liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan của ngân hàng để thực thi chiến lược bền vững đạt hiệu quả. Sự ủng hộ của quản lý cấp cao có ý nghĩa quan trọng khi kinh doanh theo mô hình bền vững. Các chiến lược phát triển bền vững trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phải được tích hợp vào thực tiễn hoạt động của ngân hàng, làm cơ sở ra quyết định tín dụng, đầu tư, huy động vốn ở các cấp của ngân hàng. Theo kết quả khảo sát, để thực thi kinh doanh bền vững cần có thêm sự ủng hộ của các nhà điều hành. (Biểu đồ 3)
Các cơ quan quản lý có vai trò quan trọng trong việc hướng hệ thống NHTM thực thi kinh doanh bền vững, bao gồm các quy định bắt buộc về khung quản lý ESMS cho toàn hệ thống ngân hàng, cơ chế giám sát, điều hành triển khai các chính sách E&S đồng bộ của NHTM, công khai các ngân hàng thực hiện tốt mô hình bền vững và có biện pháp xử lý nghiêm các ngân hàng không tuân thủ các quy định về vấn đề E&S. Các nhà quản lý đánh giá sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý có ý nghĩa quan trọng trong việc thực thi kinh doanh bền vững của hệ thống ngân hàng.
Tham gia liên kết với các tổ chức quốc tế về tính bền vững nhằm cung cấp các sản phẩm xanh giúp các NHTM Việt Nam gắn kết với khách hàng, nâng cao uy tín, trách nhiệm đối với môi trường và xã hội. Các nhà điều hành và cán bộ tín dụng nâng cao nhận thức, khả năng đánh giá các vấn đề về môi trường, xã hội của dự án, các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch… Bên cạnh đó, tăng cường liên kết quốc tế về tính bền vững còn giúp các các công ty là khách hàng vay vốn, hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. (Biểu đồ 4)
Hiện nay, một số ngân hàng đã xây dựng những nền tảng để phát triển bền vững trong thời gian tới như: Nâng cao tiềm lực vốn tự có và quản lý rủi ro nhằm đáp ứng Basel II, một số ngân hàng có hệ thống ESMS nhằm đánh giá, phân loại các dự án về rủi ro môi trường và xã hội, thành lập nhóm chuyên trách quản lý rủi ro E&S, tham gia liên kết quốc tế về tính bền vững…
Các nhà quản lý cho biết mô hình ngân hàng bền vững theo đuổi trong 5 năm tới là mô hình ngân hàng bền vững kết hợp với kinh doanh truyền thống. Chiến lược của các ngân hàng là tiếp tục duy trì phương thức kinh doanh truyền thống, bên cạnh đó, tích hợp vấn đề môi trường và xã hội trong hoạt động cho vay và đầu tư. Điều này phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, có mục tiêu là tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển mô hình ngân hàng xanh, góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2025, tăng tỷ trọng vốn cho tín dụng xanh, lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng.
3. Một số kiến nghị phát triển ngân hàng bền vững tại Việt Nam
3.1. Đối với các cơ quan quản lý
- Xây dựng khung chính sách quốc gia về phát triển bền vững, bắt buộc thực thi cho các doanh nghiệp, ngân hàng. Khung chính sách môi trường và xã hội quốc gia bao gồm: yêu cầu các tổ chức kinh doanh thực thi các chính sách quản lý rủi ro môi trường và xã hội dựa trên khung chính sách quốc gia về tính bền vững. Bao gồm các kế hoạch, biện pháp quản lý rủi ro trong hoạt động nội bộ, quản lý rủi ro trong cho vay khách hàng và các đối tác kinh doanh. Có biện pháp hạn chế và giảm thiểu các rủi ro môi trường và xã hội, bộ tiêu chuẩn đánh giá rủi ro bao gồm rủi ro tiềm ẩn của từng ngành và lĩnh vực khác nhau.
- Có các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tính bền vững của hệ thống ngân hàng, tạo hành lang pháp lý về huy động nguồn vốn xanh.
- Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của mô hình ngân hàng bền vững điển hình.
- Có cơ chế giám sát, thanh tra việc thực thi ESMS, xử phạt các chủ thể vi phạm vấn đề E&S.
- Đánh giá mức độ bền vững của từng ngân hàng, công bố thông tin và quảng bá rộng rãi.
- Tăng liên kết quốc tế về tính bền vững, thúc đẩy việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững.
3.2. Đối với ngân hàng thương mại
- Nâng cao tính lành mạnh, hiệu quả và bền vững về kinh tế: tăng năng lực về vốn tự có, nâng cao chất lượng tài sản, quản trị hiệu quả, nâng cao thu nhập phi tín dụng. Để thực thi chiến lược bền vững, trước tiên, ngân hàng phải có năng lực tài chính lành mạnh và hiệu quả, có tiềm lực vốn nhằm đầu tư và hoàn thiện hệ thống ESMS.
- Xây dựng hệ thống ESMS trong nội bộ và đáp ứng các điều kiện thực thi hiệu quả hệ thống này. Đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong quản lý khách hàng; khởi tạo vấn đề môi trường trong hoạt động ngân hàng, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong xét duyệt các dự án vay vốn. Xây dựng hợp đồng tín dụng có các điều khoản ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường và xã hội. Có các giải pháp hỗ trợ khách hàng thực thi các quy định về môi trường và các hỗ trợ khách hàng giảm thiểu các tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường.
- Tăng cường quảng bá tính bền vững, tạo sự ủng hộ của các bên liên quan, nâng cao hình ảnh của ngân hàng. Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các ngân hàng cần phải quảng bá rộng rãi, nâng cao nhận thức của khách hàng về tính bền vững, nhằm tạo sự ủng hộ của các bên liên quan, gắn kết với khách hàng, tăng cường các lợi ích về tài chính và phi tài chính.■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ngân hàng Nhà nước (2018), Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, ban hành ngày 07 tháng 08 năm 2018.
2. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 986/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ban hành ngày 8 tháng 8 năm 2018.
3. Bromund, V. (2014), Proposition for a Definition of Sustainable Finance in Indonesia. Jakarta: GIZ, BAPPENAS and OJK.
4. IFC BANKING ON SUSTAINABILITY (2007), ‘Financing Environmental and Social Opportunities in Emerging Markets’.
5. ISO 26000, (2010) Guidance on social responsibility. INTERNATIONAL STANDARD .
6. The equator principles (2013), A financial industry benchmark for determining, sessing.
7. Schäfer, H., (2017), Green Finance and the German banking system.
8. UNEP Finance Initiative (2007), CEO Briefing: Green Financial Products & Services: Current State of Play and Future Opportunities.
9. UN Global Compact, The Ten Principles of the UN Global Compact, https://www.unglobalcompact.org/what-is-gc/mission/principles.
10. Vikas.N & Nitin.N & Ankit.G (2014). Green Banking Practices – A Review, International Journal of Research in Business Management (IMPACT: IJRBM) ISSN(E): 2321-886X; ISSN(P): 2347-4572 Vol. 2, Issue 4, Apr 2014, 45-62.
ThS. Bùi Khắc Hoài Phương
TCNH Số 18/2020