Những lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong thực tiễn áp dụng công ước viên 1980
02/10/2019 19.748 lượt xem
Việc gia nhập Công ước Viên đã đánh dấu một mốc mới quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và sử dụng một khung pháp lý chung, công bằng và an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
 
Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cuối năm 2016, có tới 80 - 90% doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu về Công ước Viên, như vậy, chừng nào doanh Việt Nam còn chưa nhận thức rõ về sự tồn tại và thấu hiểu nội dung của Công ước Viên thì đối với họ, Công ước Viên không khác gì nguồn luật nước ngoài và bản thân doanh nghiệp sẽ vấp phải những khó khăn, rủi ro và bỡ ngỡ khi Công ước Viên được áp dụng. Bài báo này phân tích sự khác biệt giữa Công ước Viên và Luật Thương mại Việt Nam và đưa ra các lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng Công ước Viên cũng như các khuyến nghị đối với các ban, ngành nhà nước, các tổ chức Hiệp Hội trong việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về Công ước Viên.
 
1. Giới thiệu về Công ước Viên và phạm vi áp dụng
 
1.1. Khái quát về nội dung Công ước Viên
 
Công ước Viên 1980 về Hợp đồng Mua bán Hàng hóa Quốc tế (gọi tắt là Công ước Viên) được soạn thảo bởi Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) với mục tiêu hướng tới một nguồn luật chung trong tạo lập và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trên thế giới. Năm 1988, Công ước Viên bắt đầu được đưa vào sử dụng và có hiệu lực với 10 nước thành viên. Tính tới nay (2018), đã có 84 nước gia nhập Công ước này. Việt Nam đã phê duyệt việc gia nhập Công ước Viên vào ngày 18/12/2015 và Công ước Viên chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 1/1/2017.
 
Công ước Viên 1980 được trình bày gồm 101 điều, chia làm 4 phần với các nội dung chính sau đây: 
 
- Phần 1: Phạm vi áp dụng và các quy định chung (Điều 1- 13): quy định trường hợp nào Công ước Viên được áp dụng, các nguyên tắc trong việc áp dụng Công ước Viên đồng thời nhấn mạnh đến giá trị của các tập quán trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế.
 
- Phần 2: Xác lập hợp đồng (trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng) (Điều 14 - 24): quy định về các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Cụ thể đưa ra các vấn đề: nêu rõ đặc điểm chào hàng, phân biệt chào hàng với lời mời chào hàng, hiệu lực của chào hàng, thu hồi và hủy bỏ chào hàng, chấp nhận chào hàng, thời điểm hợp đồng có hiệu lực.
 
- Phần 3: Mua bán hàng hóa (Điều 25 - 88): quy định các vấn đề pháp lý trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, phần 3 được chia làm 5 chương: chương 1 (những quy định chung); chương 2 (nghĩa vụ của người bán); chương 3 (nghĩa vụ của người mua); chương 4 (chuyển rủi ro); và chương 5 (các điều khoản chung về nghĩa vụ của người bán và người mua).
 
- Phần 4: Các quy định cuối cùng (Điều 89 - 101): quy định về các thủ tục để các quốc gia ký kết, phê chuẩn, gia nhập Công ước Viên, các bảo lưu có thể áp dụng, thời điểm Công ước Viên có hiệu lực và một số vấn đề khác mang tính chất thủ tục khi tham gia hay từ bỏ Công ước Viên.
 
1.2. Phạm vi áp dụng của Công ước Viên
 
Phạm vi áp dụng Công ước Viên được quy định tại Điều 1, cụ thể như sau:
 
- Điều 1(1)a quy định khi 2 bên ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa có trụ sở tại 2 nước mà 2 nước này đều là thành viên của Công ước Viên thì Công ước Viên mặc nhiên được áp dụng.
 
- Điều 1(1)b quy định khi các quy tắc tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng  luật của một nước thành viên Công ước. Nói cách khác, khi hợp đồng quy định luật áp dụng là luật của nước thành viên Công ước Viên thì lúc này, Công ước Viên sẽ vượt lên trên luật quốc gia của nước thành viên và trở thành văn bản pháp lý được áp dụng ràng buộc các bên trong hợp đồng. 
 
Như vậy, bắt đầu từ ngày 1/1/2017 các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được ký kết mà một bên là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được điều chỉnh bởi Công ước Viên khi đối tác là doanh nghiệp thành viên của công ước Viên, đối tác không là thành viên của Công ước Viên nhưng theo các quy tắc tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của nước thành viên công ước (nước này không bảo lưu điều 1.(1)b, hoặc hai bên thỏa thuận Công ước Viên là nguồn luật điều chỉnh.
 

 
Nhìn vào danh sách thành viên của Công ước Viên, có thể thấy, đa số các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đều đã gia nhập Công ước Viên. Khi Việt Nam ký hợp đồng với các đối tác này, Công ước Viên sẽ tự động áp dụng như một khung pháp lý chung mà không mất thời gian, chi phí để đàm phán về việc luật nào được áp dụng trong hợp đồng. Như vậy có thể khẳng định, Công ước Viên chính là bệ đỡ giúp cho các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài tránh được việc phải áp dụng luật nước ngoài khi vị thế đàm phán không cao và giảm rủi ro pháp lý, đặc biệt trong trường hợp khi các doanh nghiệp không quy định luật áp dụng trong quá trình giao dịch. 
 
2. Sự khác biệt giữa Luật Thương mại của Việt Nam và Công ước Viên
 
Việt Nam hiện nay chưa có bộ luật dành riêng cho giao dịch thương mại quốc tế. Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ban hành ngày 14/6/2005 (gọi tắt là Luật Thương mại) là luật chuyên ngành điều chỉnh chung cho các hoạt động thương mại của Việt Nam, bao gồm thương mại nội địa và thương mại quốc tế. Trong trường hợp quan hệ thương mại không được đề cập trong Luật Thương mại thì sẽ được điều chỉnh bằng Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ban hành ngày 24/11/2015 (gọi tắt là Bộ luật Dân sự).
 
Luật Thương mại 2005 có nhiều nội dung tương thích với Công ước Viên, tuy nhiên còn có những điểm khác biệt cơ bản sau đây:
 
+ Về hình thức của hợp đồng: Theo khoản 2, Điều 27 Luật Thương mại quy định, đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Ngược lại, Công ước Viên công nhận nguyên tắc tự do về hình thức hợp đồng. Điều 11 quy định “Hợp đồng mua bán không cần phải được giao kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng nhân chứng”. Như vậy có thể thấy, việc quy định hình thức của hợp đồng bằng văn bản theo Luật Thương mại là hạn chế so với hình thức hợp đồng phong phú hiện nay, tuy nhiên điều này là cần thiết nhằm tạo sự chính xác, rõ ràng, tránh những rủi ro trong quá trình thỏa thuận, ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để giải quyết mâu thuẫn này, trong văn bản quyết định gia nhập Công ước Viên, thì Việt Nam đã thực hiện bảo lưu quy định về hình thức hợp đồng nêu tại Điều 11, Điều 29 và Phần II Công ước, phù hợp với quy định tại Điều 12 và Điều 96 của Công ước. Như vậy các Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, mà doanh nghiệp Việt Nam là một bên tham gia ký kết mà Công ước Viên là nguồn luật điều chỉnh thì hợp đồng phải được lập ở dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.  
 
+ Về các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng: Mặc dù căn cứ Điều 294 Luật Thương mại và Điều 79 Công ước Viên thì trường hợp miễn trách nhiệm bao gồm cả các trường hợp bất khả kháng và trường hợp lỗi của bên bị vi phạm, Điều 79 Công ước Viên còn quy định cụ thể về việc miễn trách nhiệm của bên thứ ba trong khi Luật Thương mại Việt Nam không có quy định cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó, tại khoản 1(d) Điều 294 Luật Thương mại, bên vi phạm được miễn trách nhiệm “do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”. Quy định này cũng có thể được coi là một trường hợp “bất khả kháng” nằm trong khoản 1 Điều 79 Công ước Viên. Như vậy, nhìn chung Công ước Viên thể hiện sự toàn diện và công bằng hơn khi quy định các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Ngày nay khi ngày càng nhiều dịch vụ giao nhận vận tải và logistics phát triển thì việc xuất hiện bên thứ 3 tham gia vào quy trình thực hiện hợp đồng là rất phổ biến trên thực tế. Xét riêng trên khía cạnh các trường hợp miễn trách thì Công ước Viên sẽ bảo đảm tính công bằng và an toàn hơn đối với các bên.
 
+ Về trách nhiệm buộc thực hiện hợp đồng: Điều 297, Luật Thương mại quy định trách nhiệm buộc thực hiện hợp đồng như sau: “việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”. Trong khi đó, Ðiều 46 của Công ước Viên quy định buộc thực hiện hợp đồng của người mua: “1. Người mua có thể yêu cầu người bán phải thực hiện nghĩa vụ, trừ phi người mua sử dụng một biện pháp bảo hộ pháp lý không thích hợp với yêu cầu đó. 2. Nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng thì người mua có thể đòi người bán phải giao hàng thay thế nếu sự không phù hợp đó tạo thành một sự vi phạm cơ bản hợp đồng và yêu cầu về việc thay thế hàng phải được đặt ra cùng một lúc với việc thông báo những dữ kiện chiếu theo Điều 39 hoặc trong một thời hạn hợp lý sau đó”. Điều 62, Công ước Viên quy định người bán “có thể yêu cầu người mua trả tiền, nhận hàng hay thực hiện các nghĩa vụ khác của người mua, trừ phi họ sử dụng một biện pháp bảo hộ pháp lý khác không thích hợp với các yêu cầu đó”. Như vậy, mặc dù cả Công ước Viên và Luật Thương mại đều quy định bên vi phạm hoặc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc phải thay thế hàng hóa nhưng Luật Thương mại đã không chỉ ra được căn cứ để áp dụng thay thế hàng hóa, mà chỉ quy định chung chung rằng biện pháp này được áp dụng khi hàng hóa vi phạm về chất lượng và bên vi phạm có thể dùng tiền để thay thế nếu bên bị vi phạm chấp nhận (Khoản 2 Điều 297, Luật Thương mại). Điều này có thể gây ra tranh cãi liên quan đến phạm vi vi phạm chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, theo Công ước Viên, điều kiện để bên bị vi phạm được áp dụng biện pháp thay thế hàng hóa khi sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành “vi phạm cơ bản”, còn trong các trường hợp khác bên bị vi phạm chỉ được áp dụng biện pháp sửa chữa hàng hóa, loại trừ khuyết tật của hàng hóa, và các trường hợp buộc thực hiện nghĩa vụ cụ thể khác tại Điều 47, 48. Quy định này của Công ước Viên rõ ràng hơn, có căn cứ hơn khi xét xử và do đó giảm thiểu những tranh cãi khi giải quyết xung đột.
 
+ Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những tổn thất mang tính chất tiền tệ: Khoản 1, Điều 302, Luật Thương mại quy định “1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. 2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm, phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Trong khi đó, theo Ðiều 74 Công ước Viên quy định: “Tiền bồi thường thiệt hại xảy ra do một bên vi phạm hợp đồng là một khoản tiền bao gồm tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ mà bên kia đã phải chịu do hậu quả của sự vi phạm hợp đồng. Tiền bồi thường thiệt hại này không thể cao hơn tổn thất và số lợi bỏ lỡ mà bên bị vi phạm đã dự liệu hoặc đáng lẽ phải dự liệu được vào lúc ký kết hợp đồng như một hậu quả có thể xảy ra do vi phạm hợp đồng, có tính đến các tình tiết mà họ đã biết hoặc đáng lẽ phải biết”. Như vậy, mặc dù Luật Thương mại và Công ước Viên đều thống nhất khoản thiệt hại được bồi thường bao gồm tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ mà một bên đã phải chịu do hậu quả của sự vi phạm hợp đồng của phía bên kia, nhưng Công ước Viên nhấn mạnh đến tính có thể dự đoán trước của thiệt hại đối với bên vi phạm, trong khi, Luật Thương mại nhấn mạnh những thiệt hại có tính “trực tiếp” và “thực tế”. Tuy nhiên, việc yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại dự đoán trước, có căn cứ để chứng minh rõ ràng là một đòi hỏi chính đáng về mặt kinh tế của bên bị vi phạm thay vì những thiệt hại “trực tiếp” và “thực tế” tại thời điểm vi phạm. Nói cách khác, Công ước Viên thể hiện sự công bằng hơn trong tính toán các khoản thiệt hại.
 
+ Về bồi thường thiệt hại đối với những tổn thất phi tiền tệ: Mặc dù cả Luật Thương mại và Công ước Viên không quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại đối với những tổn thất phi tiền tệ, ví dụ: tổn thất về thương hiệu, uy tín nhưng theo học giả Peter Schlechtriem (2007), Công ước Viên có hệ thống giải thích luật và các án lệ làm cơ sở giải quyết những thiệt hại phi tiền tệ như vậy. Theo TS. Đỗ Văn Đại (2010), không có giải thích của luật Việt Nam nào khẳng định những thiệt hại “trực tiếp” và “thực tế” mà Luật Thương mại nhắc đến chỉ là những tổn thất vật chất. Trong Điều 307 Bộ luật Dân sự có quy định về giải quyết các bồi thường thiệt hại về tinh thần. Tuy nhiên, những tổn thất phi tiền tệ trong thương mại quốc tế không chỉ giới hạn ở những tổn thất về tinh thần. Hơn nữa, tại tòa án Việt Nam, nơi không sử dụng các giải thích luật và án lệ trong giải quyết tranh chấp thì chỉ Điều 302, Luật Thương mại vẫn chưa đủ để làm cơ sở giải quyết những yêu cầu đòi bồi thường các tổn thất phi tiền tệ. Trong khi đó ở trường hợp này, Công ước Viên thể hiện tính ưu việt trong giải quyết tranh chấp.
 
+ Về thời hạn khiếu nại: Điều 318 Luật Thương mại Việt Nam quy định thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá và sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá trong khi Công ước Viên quy định thời hạn này không quá 2 năm kể từ ngày hàng hóa đã được giao cho người mua trừ phi thời hạn này trái ngược với thời hạn bảo hành quy định trong hợp đồng (Điều 39 khoản 2). Thời hạn khiếu nại dài hơn thể hiện sự bảo vệ người mua và tính công bằng, đặc biệt trong trường hợp hàng hóa là máy móc, có thể có những lỗi ẩn tỳ mà sau thời gian sử dụng lâu hơn 6 tháng mới phát hiện ra.
 
3. Những lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam
 
3.1. Không áp dụng toàn bộ hoặc một số điều khoản của Công ước Viên
 
Việt Nam gia nhập Công ước Viên không có nghĩa khi doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài có trụ sở tại một nước thành viên thì không có cách nào khác, Công ước Viên bắt buộc phải được áp dụng. Công ước Viên, mặc dù là sự cam kết giữa các quốc gia, nhưng vẫn đề cao tính pháp lý của sự thỏa thuận giữa người bán và người mua lên trên hết. Cụ thể, trong hợp đồng, bên bán và bên mua có quyền lựa chọn những phần nhất định của Công ước Viên để áp dụng thay vì áp dụng toàn bộ. Bên cạnh đó, nếu các bên đều có trụ sở tại nước thành viên của Công ước nhưng không muốn áp dụng Công ước này thì trong hợp đồng không thể chỉ đơn giản ghi tên một nguồn luật quốc gia nào đó bởi lúc này Công ước Viên có tính chất pháp lý vượt lên trên luật quốc gia sẽ vẫn được áp dụng khi giải quyết tranh chấp. Thay vào đó, hợp đồng cần ghi rõ “Luật của (tên nước) sẽ được sử dụng là luật của hợp đồng và Công ước Viên cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ không được áp dụng”.
 
Tuy nhiên, Công ước Viên được coi là khung pháp lý đồng nhất, hiện đại về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có sức ảnh hưởng rộng nhất trên toàn thế giới hiện nay. Việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên đồng nghĩa với việc Việt Nam truyền đi thông điệp đến các nước trên thế giới rằng chúng ta đang hòa mình vào sân chơi “thương mại quốc tế” và sẵn sàng áp dụng luật chung trong sân chơi đó. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam không nên cố gắng thuyết phục đối tác loại bỏ một phần hay toàn bộ Công ước Viên trong quá trình quy định luật hợp đồng bởi điều này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam tự đánh mất lợi thế cạnh tranh, sự hấp dẫn của thương vụ và tiềm năng phát triển mối quan hệ với các đối tác sau này.
 
3.2. Những vấn đề không được đề cập đến trong Công ước Viên
 
Theo Điều 4, Công ước Viên: “Công ước không liên quan tới tính hiệu lực của hợp đồng, hoặc bất kỳ điều khoản nào, hoặc bất cứ tập quán nào và ảnh hưởng của hợp đồng tới quyền sở hữu của hàng hóa đã bán”. Như vậy, các doanh nghiệp và những nhà quản lý tín dụng cần lưu ý rằng, Công ước Viên không giải quyết vấn đề liên quan tới việc thu hồi quyền sở hữu hàng hóa khi bên mua không trả tiền. Như vậy, khi sử dụng phương thức thanh toán ghi sổ, người bán sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn bởi họ không đòi lại được hàng khi người mua không thanh toán. Với những phương thức thanh toán khác như nhờ thu kèm chứng từ hay tín dụng chứng từ, người bán có thể kiểm soát hàng hóa thông qua các chứng từ có chức năng sở hữu như vận đơn hay hóa đơn kho hàng, qua đó, bảo vệ được lợi ích của mình gắn liền với hàng hóa. Tuy nhiên, một khi hàng hóa đã nằm trong tay người mua, người bán chỉ có thể có quyền đòi số tiền thanh toán chứ không có quyền đòi trả lại hàng. Nói cách khác, một khi người mua phá sản, bên bán cũng nằm trong danh sách các chủ nợ không có vật cầm cố để đòi tiền người mua.
 
Như vậy, khi áp dụng Công ước Viên, các bên phải lưu ý tới vấn đề này và để bảo vệ quyền lợi của mình, bên bán có thể viết thêm trong hợp đồng các nội dung liên quan tới việc thu hồi lại hàng hóa như “mặc dù hàng hóa đã được người mua nắm giữ nhưng bên bán vẫn có quyền sở hữu hàng hóa cho đến khi nào người mua trả đầy đủ tiền hàng”.
 
3.3. Hình thức của hợp đồng, chấp nhận chào hàng và các thông báo về sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng
 
Theo Quyết định số 2588/2015/QĐ-CTN về việc gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, mặc dù Việt Nam gia nhập Công ước nhưng bảo lưu quy định về hình thức hợp đồng nêu tại Điều 11, Điều 29 và Phần II của Công ước, phù hợp với quy định tại Điều 12 và Điều 96 của Công ước này. Cụ thể, theo Điều 11 Công ước Viên: Hợp đồng mua bán không cần phải được ký kết hay xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả lời khai của nhân chứng”. Bên cạnh đó, theo Điều 23, thuộc Phần II của Công ước Viên, một hợp đồng được xác lập khi chấp nhận chào hàng có hiệu lực và theo Điều 18 của Công ước này, chấp nhận chào hàng có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức: bằng văn bản, bằng lời nói hoặc hành động. Liên quan đến sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Điều 29 Công ước Viên có quy định: “Một hợp đồng có thể được sửa đổi hay chấm dứt bằng thỏa thuận đơn thuần giữa các bên”. Như vậy, quyết định bảo lưu quy định về hình thức hợp đồng nêu tại Điều 11, Điều 29 và Phần II của Công ước đồng nghĩa với việc khi xét xử các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế áp dụng Công ước Viên, tòa án Việt Nam hay trọng tải Việt Nam không bị ràng buộc bởi quy định về hình thức hợp đồng, chấp nhận chào hàng và các thông báo về sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng quy định trong Công ước Viên. Thay vào đó, quy định về hình thức hợp đồng trong Luật Thương mại Việt Nam sẽ được áp dụng trong đó quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc có giá trị pháp lý tương đương, đồng thời các thông báo về sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng cũng cần được viết thành văn bản. 
 
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý, nếu vụ tranh chấp được giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài nước thành viên mà nước này không có những bảo lưu tương tự liên quan đến hình thức hợp đồng thì các quy định về hình thức hợp đồng, hình thức chấp nhận chào hàng, về sửa đổi, chấm dứt hợp đồng trong Công ước Viên vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý.
 
4. Một số khuyến nghị
 
Nhằm hỗ trợ tăng cường hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về Công ước viên, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và các tổ chức Hiệp Hội doanh nghiệp, Hiệp Hội ngành nghề cần phối hợp xây dựng các đề án, chiến lược dài hạn, trong đó có thể áp dụng các biện pháp như:
 
- Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm phổ biến kiến thức về Công ước Viên trên phạm vi toàn quốc.
 
- Phát hành các ấn phẩm giới thiệu về Công ước Viên và cung cấp tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, hiện nay có rất ít sách, giáo trình nghiệp vụ xuất nhập khẩu hay giao dịch thương mại quốc tế cập nhật nội dung kiến thức về Công ước Viên. Việc rà soát và tái bản sách, giáo trình với nội dung mới nhất về Công ước Viên là vô cùng cần thiết.
 
- Đưa nội dung Công ước Viên áp dụng trong giảng dạy tại các trường đại học về kinh tế, các khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn.
 
Hiện nay, khi nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về Công ước Viên còn hạn chế, việc bảo lưu quy định về hình thức hợp đồng nêu tại Điều 11, Điều 29 và phần II của Công ước để sử dụng quy định về hình thức hợp đồng trong Luật Thương Mại sẽ phần nào giúp doanh nghiệp Việt không bị bỡ ngỡ và vướng phải những tranh chấp không đáng có do thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, xét về dài hạn, khi mà xác suất để đàm phán thành công việc lựa chọn tòa án Việt Nam hoặc trọng tài Việt Nam trong giải quyết tranh chấp là thấp do doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung có vị thế thấp hơn trong các giao dịch thương mại quốc tế thì việc làm quen dần với các hình thức hợp đồng phi văn bản là rất quan trọng. Đặc biệt ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp trên thế giới có xu hướng liên hệ giao dịch với nhau qua nhiều hình thức đơn giản, tiện lợi và nhanh chóng như điện thoại hay video call thì việc doanh nghiệp Việt cứng nhắc nhất nhất chỉ áp dụng hình thức văn bản vì sợ rủi ro pháp lý sẽ làm giảm tính linh hoạt và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, trong tương lai khi các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức đầy đủ về Công ước Viên, Chính phủ cần xem xét việc xóa bỏ quy định bảo lưu về hình thức hợp đồng này và để doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng với môi trường pháp lý chung khi giao dịch với các đối tác có trụ sở tại các nước thành viên.
 
Công ước Viên mặc dù ra đời được khá lâu nhưng có chứa những nội dung phản ánh tính công bằng, ưu việt và hài hòa nhất giữa nền tảng pháp lý về hợp đồng của các nước trên thế giới. Việc thay đổi Luật Thương mại theo hướng thích ứng và phù hợp với Công ước Viên cũng là một cách “làm quen” và “luyện tập” dần cho doanh nghiệp Việt Nam áp dụng tư duy của Công ước Viên ngay từ các giao dịch nội địa.
 
5. Kết luận 
 
Việc gia nhập Công ước Viên mang lại rất nhiều lợi ích tiềm năng dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. Những lợi ích này đã được phân tích rất rõ trong các nghiên cứu về Công ước Viên trước và sau khi Việt Nam gia nhập. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp Việt Nam giảm rủi ro và chi phí liên quan đến các vấn đề pháp lý và giải quyết tranh chấp đến đâu phụ thuộc lớn vào nhận thức và hiểu biết của họ về Công ước. Một mặt, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật và trang bị kiến thức của mình về Công ước Viên để tự tin tham gia vào các giao dịch thương mại quốc tế, mặt khác, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, ban ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng lộ trình thích hợp để nâng cao kiến thức của doanh nghiệp nước nhà về Công ước này.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Công ước Viên 1980 về Hợp đồng Mua bán Hàng hoá Quốc tế được soạn thảo bởi Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL).
2. Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ban hành ngày 24/11/2015.
3. Đỗ Văn Đại (2010), Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia 2010, tr.99.
4. Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ban hành ngày 14/6/2005.
5. Quyết định số 2588/2015/QĐ-CTN về việc gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
6. Trung tâm WTO, Những điểm bất cập của Công Ước Viên 1980 mà Việt Nam cần lưu ý , truy cập tại <http://trungtamwto.vn/vandedacbiet/cong-uoc-vien/nhung-diem-bat-cap-cua-cong-uoc-vien-1980-ma-viet-nam-can-luu-y> (truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2018).
7. Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC, Công ước viên năm 1980 (2016), Cơ hội cần Doanh nghiệp Việt Nam hiện thực hóa, truy cập tại < http://viac.vn/thu-vien/cong-uoc-vien-nam-1980:-co-hoi-can-doanh-nghiep-viet-nam-hien-thuc-hoa-a641.html > (truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2018).

TS. Nguyễn Thị Cẩm Thủy
ThS. Hoàng Phương Dung


Nguồn: TCNH số 1/2019
 
 
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/03/2024 344 lượt xem
Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán nội bộ NHNN phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định về kiểm toán nội bộ của Việt Nam, một trong những yêu cầu hiện nay là nghiên cứu, rà soát, ban hành Sổ tay Kiểm toán nội bộ NHNN nhằm tập hợp, hệ thống hóa các quy định chung về kiểm toán nội bộ của NHNN.
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
25/03/2024 872 lượt xem
Trong kỉ nguyên số, Chatbot đóng vai trò vô cùng quan trọng và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
22/03/2024 1.517 lượt xem
Trong thị trường kinh tế, giao dịch phái sinh là một dạng hợp đồng dựa trên giá trị các loại tài sản cơ sở khác nhau như hàng hóa, chỉ số, lãi suất hay cổ phiếu (giấy tờ có giá).
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
11/03/2024 2.139 lượt xem
Hiện nay, quyết liệt chuyển đổi số, tạo dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, tạo ra nền tảng phát triển bán lẻ, tăng doanh thu dịch vụ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng là xu hướng chủ đạo của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
07/03/2024 2.364 lượt xem
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Song, những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài của nền kinh tế làm cho nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là có thể.
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
07/03/2024 2.164 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia; thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 05 - 11/3/2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Vai trò, tầm quan trọng của ESG trong phát triển bền vững tại ngân hàng thương mại Việt Nam
Vai trò, tầm quan trọng của ESG trong phát triển bền vững tại ngân hàng thương mại Việt Nam
05/03/2024 2.996 lượt xem
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đang dần chú trọng hơn đến sự phát triển bền vững như một hướng đi quan trọng trong hoạt động kinh doanh.
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
21/02/2024 2.683 lượt xem
Mô hình Ba Nhà là một mô hình nổi tiếng nêu bật sự gắn liền chặt chẽ giữa đào tạo lí thuyết và đào tạo thực tế, thông qua mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và chính phủ với tiềm năng đổi mới và phát triển kinh tế trong một xã hội tri thức.
Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
20/02/2024 2.945 lượt xem
Chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, là ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Nỗ lực nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam
Nỗ lực nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam
19/02/2024 2.389 lượt xem
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021 đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024
16/02/2024 6.912 lượt xem
Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực FDI đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Riêng năm 2023, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm tốc (chỉ đạt 5,05% GDP so với 8% GDP năm 2022) do bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn FDI.
Nhìn lại công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2023 - Nhận định dư địa chính sách tiền tệ năm 2024
Nhìn lại công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2023 - Nhận định dư địa chính sách tiền tệ năm 2024
15/02/2024 3.328 lượt xem
Kinh tế thế giới năm 2023 cho thấy nhiều bất định đến từ căng thẳng địa chính trị cũng như áp lực về tăng trưởng và lạm phát, kéo theo sự điều chỉnh về chính sách tiền tệ (CSTT) của các quốc gia trên thế giới.
Việt Nam vững mạnh, vươn cao trong năm Rồng
Việt Nam vững mạnh, vươn cao trong năm Rồng
13/02/2024 2.279 lượt xem
Năm 2024, chúng ta có thể tin tưởng, những khó khăn nhất đã ở phía sau. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý IV/2023 đã phục hồi lên 6,72% so với cùng kì năm 2022, góp phần vào tổng mức tăng trưởng cả năm 2023 đạt 5,05%. Đóng góp cho đà hồi phục này là nhờ sự cải thiện về thương mại bắt đầu trong quý cuối cùng của năm 2023.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024: Kiên cường và đầy hứa hẹn trước những thách thức
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024: Kiên cường và đầy hứa hẹn trước những thách thức
12/02/2024 2.554 lượt xem
Nhìn chung, kinh tế thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19 và những biến động địa chính trị, tuy nhiên, vẫn còn chậm và chưa đồng đều.
Quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
17/01/2024 4.298 lượt xem
Quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngân hàng. Hiện nay, vấn đề quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định, điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các ngân hàng.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

79.300

81.300

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

79.300

81.300

Vàng SJC 5c

79.300

81.320

Vàng nhẫn 9999

68.500

69.750

Vàng nữ trang 9999

68.400

69.250


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,590 24,960 26,123 27,556 30,490 31,787 158.88 168.16
BIDV 24,645 24,955 26,329 27,558 30,623 31,921 159.49 167.99
VietinBank 24,545 24,965 26,353 27,648 30,916 31,926 160.45 168.4
Agribank 24,610 24,955 26,298 27,570 30,644 31,779 159.81 167.89
Eximbank 24,580 24,970 26,426 27,196 30,846 31,746 161.32 166.02
ACB 24,590 24,990 26,466 27,124 30,989 31,632 160.93 166.09
Sacombank 24,585 24,945 26,552 27,112 31,086 31,598 161.79 166.8
Techcombank 24,616 24,959 26,918 27,538 30,506 31,826 157.09 169.49
LPBank 24,400 25,100 26,147 27,684 30,958 31,917 159.21 170.66
DongA Bank 24,640 24,990 26,440 27,130 30,860 31,710 159.00 166.20
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?