Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW), những năm qua, nguồn vốn chính sách được khơi thông, trải đều khắp trên cao nguyên Lâm Đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chủ động huy động nguồn vốn, thực hiện phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”; tăng cường biện pháp ứng phó trước những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, tích cực giúp người dân vay vốn thuận lợi, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Cả hệ thống chính trị chăm lo cho người nghèo
Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên với 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 147 đơn vị hành chính cấp xã và 1.564 thôn, tổ dân phố; trong đó, có 35 xã, 77 thôn đặc biệt khó khăn. Dân số của tỉnh trên 1,26 triệu người với 43 dân tộc, trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) trên 300 nghìn người, chiếm trên 24%, sinh sống tập trung tại 468 thôn, tổ dân phố thuộc 96 xã, phường, thị trấn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn.
Ông Võ Văn Thanh, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng cho biết, xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã lãnh đạo triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW với việc ban hành văn bản số 4777-CV/TU, ngày 23/01/2015 chỉ đạo cấp ủy Đảng các cấp tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 2470/KH-UBND ngày 11/5/2016, đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với nhiều giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW.
Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua bản tin thông báo nội bộ và công tác sinh hoạt định kỳ của các tổ chức tại cơ sở.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội để cung cấp thông tin chính xác, phản ánh kịp thời các hoạt động triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW; các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước; hướng dẫn tiêu chí bình xét đối tượng vay vốn, thủ tục vay vốn, phối hợp lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo; qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
.JPG)
Người dân thành phố Bảo Lộc nuôi tằm nhờ vốn tín dụng chính sách
Hiệu quả từ nguồn vốn nhân văn
Đồng vốn tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, làm thay đổi nhận thức và cải biến phương thức sản xuất của bà con, nhất là đồng bào các DTTS. Hàng nghìn hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nguồn vốn tín dụng. Năm 2021, địa phương đã chuyển ủy thác qua NHCSXH 73.200 triệu đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 40.000 triệu đồng, MTTQ tỉnh 600 triệu đồng, ngân sách huyện, thành phố 31.600 triệu đồng, MTTQ cấp huyện 1.000 triệu đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Cũng trong năm 2021, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho 814 hộ nghèo, 5.662 hộ cận nghèo và 4.783 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 4.087 lao động, tạo điều kiện cho 3.754 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, giúp 10.588 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh; 13 doanh nghiệp vay vốn trả lương cho 1.527 lao động/2.528 lượt lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2021 còn 1,02%, trong đó hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm còn 3,08%, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nguồn vốn đã được những người làm tín dụng chính sách ở Nam Tây Nguyên chuyển tải kịp thời về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đến từng hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS nghèo. Đặc biệt, ngay giữa mùa dịch Covid-19 hiện nay, nguồn vốn chính sách vẫn không ngừng được giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Điểm nổi bật có thể thấy rõ đó là từng điểm giao dịch xã ở Lâm Đồng hiện nay đã được sắp xếp, phân chia thời gian giao dịch cụ thể, phù hợp với từng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), đồng thời, thông báo chính xác thời gian giao dịch đến các tổ TK&VV và khách hàng biết, tạo sự chủ động về thời gian đến giao dịch. NHCSXH các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với UBND xã thực hiện đầy đủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế trong suốt quá trình giao dịch, qua đó không những hạn chế được việc lây nhiễm dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng giao dịch mà còn tạo điều kiện cho ngân hàng chuyển vốn nhanh đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Với những kết quả hoạt động trên, năm 2021, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng được Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam tặng Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và dẫn đầu phong trào thi đua trong các đợt thi đua ngắn ngày do NHCSXH tổ chức; 10 Phòng giao dịch và Chi nhánh NHCSXH tỉnh được biểu dương, khen thưởng trong thực hiện chỉ tiêu nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương. Đặc biệt, với những thành tích đạt được trong những năm qua, năm 2021, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Mục tiêu, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng Võ Văn Thanh cho biết, thời gian tới, Lâm Đồng phấn đấu dư nợ tăng trưởng từ 9% trở lên, hoàn thành 100% kế hoạch được giao; tỷ lệ nợ quá hạn nhỏ hơn 0,1%/tổng dư nợ; không phát sinh nợ chiếm dụng; tỷ lệ tổ TK&VV xếp loại tốt trên 95%, không có tổ TK&VV xếp loại kém; tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt trên 96%; chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại 12 huyện, thành phố đều đạt loại tốt.
Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, NHCSXH Lâm Đồng tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Tiếp tục tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Lâm Đồng nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của hệ thống NHCSXH để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao như: quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; xác nhận đúng đối tượng vay vốn; chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn…
Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH các cấp
Xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát của thành viên Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện. Chú trọng kiểm tra, giám sát đến tổ TK&VV, hộ vay; phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên HĐQT cấp huyện là Chủ tịch UBND cấp xã trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Chỉ đạo tổ chức hiệu quả việc thực hiện đối chiếu phân loại nợ định kỳ, thực hiện cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Hoàn thành các chỉ tiêu huy động vốn, tăng trưởng dư nợ năm 2022; phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn nhỏ hơn 0,1%/tổng dư nợ.
Thứ ba, làm tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo
Thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận đúng đối tượng thụ hưởng của từng chương trình tín dụng chính sách. Lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay của NHCSXH; theo dõi, giúp đỡ người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng hạn. Duy trì hoạt động hộp thư, đường dây nóng để giải đáp các ý kiến, vướng mắc về tín dụng chính sách của Nhân dân.
Thứ tư, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác
Thực hiện tốt văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội đã ký với NHCSXH; tổ chức bình xét cho vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến công hướng dẫn hộ vay cách thức làm ăn, định hướng sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật; phối hợp lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các nguồn vốn đầu tư khác để hộ vay tập trung phát triển sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cơ sở tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và NHCSXH về các chương trình tín dụng chính sách để Nhân dân, đoàn viên, hội viên được biết thực hiện và giám sát.
ThS. Nguyễn Văn Hân
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương