Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Trà Vinh
16/05/2019 3.386 lượt xem
PGS.,TS Nguyễn Hồng Nga

1. Dẫn nhập

Đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với ​​tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới tháng 4.2018, Việt Nam vẫn còn 9 triệu người nghèo và 72% trong số đó là người dân tộc thiểu số, và phần lớn tại vùng cao.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam phát biểu: “Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ, và những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài».

Đến nay, tỷ lệ nghèo vùng dân tộc thiểu số chỉ còn 23%, so với 52% vào năm 2006 trước khi có Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay vốn phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đến giữa năm 2017, trong tổng dư nợ cho vay tất cả các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là 166.426 tỷ đồng, với trên 6,7 triệu khách hàng đang còn dư nợ thì có gần 1,5 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) (chiếm 22.4%) đang thụ hưởng với tổng dư nợ 40.418 tỷ đồng (chiếm 24.29 % tổng dư nợ của NHCSXH), dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt hơn 27 triệu đồng (trong khi bình quân chung là 25 triệu đồng/hộ).

Theo thống kê của NHCSXH, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS trong tổng số khách hàng vay vốn tại các vùng miền như sau: Đồng bằng Sông Hồng chiếm 1,6%, Trung du và Miền núi phía Bắc có tỷ lệ 54%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với tỷ trọng 18%, Tây Nguyên chiếm 14%, Đông Nam bộ: chiếm 1,8% và Tây Nam bộ có 10%/ tổng số khách hàng.

Đạt được kết quả khả quan trên có  một đóng góp không nhỏ của NHCSXH Việt Nam, nhất là đối với tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2007 đến nay, trong đó có phần đóng góp của chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh.

 2. Cơ sở lý thuyết về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường

Nhà nước là câu chuyện tuyệt vời mà ở đó, mỗi người đều tìm cách sống bằng chi phí do tất cả những người khác trả (1, trang 153). Đây là kết luận nổi tiếng của Claude Frederic Bastiat (1801 - 1850), một nhà kinh tế theo trường phái tự do.

Tại Mỹ, một quốc gia có nền kinh tế số 1 trên thế giới, nơi đề cao tự do và cạnh tranh, vai trò của nhà nước cũng được khẳng định rõ ràng: “Chúng ta thừa nhận những chân lý tự nhiên rằng, tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền không thể tước đoạt, đó là quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ» (2, trang 13).

Tại Việt Nam, ngay dòng đầu tiên trong Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn câu nói trên để làm nền tảng pháp lý cho Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Người. Như vậy, sự tồn tại của Nhà nước nhằm để bảo vệ người dân, các quyền của họ và làm cho xã hội thăng tiến thông qua sự phát triển của từng cá nhân trong xã hội.

Theo Benham, nhà nước phải theo đuổi bốn mục tiêu phụ trợ sau: Giúp đỡ việc đảm bảo sinh kế bằng cách bảo vệ công nhân và làm cho họ tin tưởng rằng, họ sẽ nhận được thành quả lao động của mình; giúp sản xuất ra thật nhiều của cải vật chất bằng cách đảm bảo rằng sẽ không có những cản trở về mặt chính trị đối với “những động cơ tự nhiên” của các cá nhân nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ thông qua lao động; khuyến khích tinh thần bình đẳng vì việc gia tăng tài sản vật chất không làm gia tăng tương ứng hạnh phúc của những người sở hữu số tài sản đó; và đảm bảo an toàn cá nhân (3, trang 145).

Theo Bastiat “Mục đích của chính phủ là đảm bảo quyền sống, quyền tự do và tài sản của các cá nhân”. Nếu không có sự bảo đảm như thế thì cuộc sống của con người luôn trong tình trạng sợ hãi, mất niềm tin, cướp bóc xảy ra thường xuyên và luôn chỉ lo tự vệ bản thân, lo đến cá nhân và quên đi mục tiêu công cộng và xã hội. Nếu chính phủ làm được việc bảo vệ các quyền chính đáng của con người thì xã hội sẽ phát triển hài hòa, yên bình sẽ ngự trị, niềm tin là vốn xã hội gia tăng và mọi người sẽ làm việc chăm chỉ, sáng tạo và hiệu quả để cải thiện đời sống của bản thân và xã hội, mối liên kết dọc ngang được hình thành thúc đẩy phân công lao động và thương mại.

Như vậy, nhà nước có thể vừa là giải pháp và vừa là vấn đề, vừa là thay thể vừa là bổ sung cho thị trường trong bất kỳ một nền kinh tế nào. Nhà nước là giải pháp khi nó hỗ trợ cho thị trường bằng cách giúp cho thị trường hoạt động hiệu quả và bảo vệ các quyền tự nhiên và chính đáng của người dân, và trong chừng mực nào đó, giảm thiểu khuyết tật của thị trường, đồng thời đảm bảo công bằng xã hội. Nhà nước là vấn đề khi nó can thiệp quá sâu vào nền kinh tế, cạnh tranh với tư nhân trên thị trường và khi nó lạm quyền dẫn tới vi phạm quyền lợi của các cá nhân. “Quyền lực có xu hướng dẫn tới đồi bại, quyền lực tuyệt đối thì có xu hướng đồi bại tuyệt đối”. Huân tước Acon (1887).

Theo quan điểm của lý thuyết Keynes, cầu của khu vực tư nhân thường không ổn định, do vậy, cần sự can thiệp mang tính chủ động của chính phủ. Hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên  và học sinh… là những đối tượng mà chính phủ có thể tác động thông qua cấp tín dụng, tín dụng và tín dụng nhằm tạo công ăn việc làm và tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

Các nước đang phát triển như Việt Nam cần phải hiểu và khai thác được sự tương tác hiệu quả giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong việc duy trì tăng trưởng. Đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, vốn con người, vào những thể chế tạo thuận lợi cho sự phổ biến và chuyển giao thông tin, và, trong nhiều trường hợp, vào nhà ở và bất động sản, có vai trò tối quan trọng trong sự tăng trưởng vì điều này làm cơ sở cho sự gia tăng lãi trên vốn đầu tư của khu vực tư nhân. (Spence, 2011).

Một trong những nguyên nhân nghèo đói ở các nước đang phát triển như Việt Nam là thiếu vốn và khả năng tích lũy vốn của người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, khi họ thiếu vốn làm ăn, thiếu vốn cho con đi học, thiếu vốn đầu tư vào sức khỏe và y tế…

 3. Giới thiệu sơ nét về tỉnh Trà Vinh và chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh

Tỉnh Trà Vinh có 03 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa, với dân số gần 1,1 triệu người (274.425 hộ), trong đó hộ dân tộc Khmer 88.289 hộ, chiếm tỷ lệ trên 32%. Cuối năm 2017, toàn tỉnh có 23.078 hộ nghèo, chiếm 8,41% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer 13.859 hộ, chiếm 15,70% so với tổng số hộ dân tộc Khmer (chiếm 60,05% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Hộ cận nghèo có 23.808 hộ, chiếm 8,68% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh, trong đó hộ cận nghèo dân tộc Khmer 11.894 hộ, chiếm 13,47% so với tổng số hộ dân tộc Khmer (chiếm 49,96% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh).

Sau hơn 25 năm tái lập, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh đã có những bước tăng trưởng và phát triển khá; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; các nguồn lực huy động phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được phát triển tốt hơn; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 2,41%; trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, Quốc phòng an ninh được giữ vững. Với những kết quả đã đạt được nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm. Nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua NHCSXH đã đóng góp không nhỏ vào mặt trận xóa đói giảm nghèo của tỉnh, nhất là đối với đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh.

NHCSXH được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ. NHCSXH được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.  

NHCSXH được thực hiện các nghiệp vụ: huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn uỷ thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội. 

NHCSXH là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội,  vì mục tiêu dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh.

Đến nay, NHCSXH đã thực hiện xong 3 chương trình tín dụng dành cho đồng bào DTTS:

(i) Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

 (ii) Chương trình cho vay hỗ trợ đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015 theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 và Quyết định 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

(iii) Chương trình cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 và Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

NHCSXH hiện nay đang thực hiện chương trình cho vay theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020.

Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, với các chính sách tín dụng ưu đãi như: Mức cho vay bằng mức cho vay tối đa của hộ nghèo; lãi suất cho vay bằng 1/2 lãi suất cho vay hộ nghèo từng thời kỳ; thời hạn cho vay tối đa là 10 năm.

Gần 16 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, từ 84 tỷ đồng dư nợ khi mới thành lập, đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại chi nhánh đạt 2.092 tỷ đồng, tăng 2.008 tỷ đồng so với năm 2003, bình quân tăng 22.25 % năm. Trong 16 năm qua, các chương trình tín dụng tại NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo hiệu quả.

 4. Thực trạng về thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Trà Vinh

4.1. Kết quả thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đến hết tháng 6/2018

Kể từ khi thành lập đến ngày 30/6/2018, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã cho vay 545.662 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số tiền cho vay 6.625 tỷ đồng, đã triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, trong đó doanh số cho vay hộ đồng bào DTTS là 2.092 tỷ đồng, với 191.727 lượt hộ vay, bình quân mỗi hộ vay khoảng 11 triệu đồng.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 30/6/2018 đạt 2.198 tỷ đồng, tăng 2.147 tỷ đồng so với năm 2003 và tăng bình quân hàng năm là 26,52%, 126.865 hộ vay, với 173.180 món vay còn dư nợ. Riêng hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, có 44.549 khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang còn dư nợ, chiếm 35% số hộ, dư nợ là 801 tỷ đồng, chiếm 36,47% tổng dư nợ, dư nợ bình quân hộ DTTS đạt hơn 12,6 triệu đồng/hộ (Bảng 1)
 

Kết quả cụ thể của một số chương trình vay lớn như sau:

Thứ nhất, cho vay hộ nghèo. Doanh số cho vay đạt 2.377 tỷ đồng, với 141.567 lượt hộ vay (bình quân là 16,79 triệu đồng một hộ); trong đó, doanh số cho vay hộ nghèo là người đồng bào DTTS 1.001 tỷ đồng (chiếm 42,11% tổng doanh số cho vay), với 43.890 lượt hộ vay (chiếm 31%), bình quân một hộ được vay là 22,81 triệu đồng, cao hơn 35.85% so với bình quân. Dư nợ gần 266 tỷ đồng, tăng 215 tỷ đồng so năm 2003, chiếm 12,09% tổng dư nợ, với 16.649 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ hộ nghèo là người đồng bào DTTS 129 tỷ đồng, với 8.371 hộ dư nợ, chiếm tỷ lệ 48,65% dư nợ hộ nghèo, dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 15,4 triệu đồng/hộ, thấp hơn so với dư nợ bình quân là 16 triệu đồng.

Thứ hai, cho vay hộ cận nghèo: được thực hiện từ tháng 5/2013 theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua nửa thập kỷ triển khai, doanh số cho vay đạt 622 tỷ đồng, với 58.439 lượt hộ vay vốn, trong đó doanh số cho vay hộ cận nghèo là người đồng bào DTTS 316 tỷ đồng (chiếm 50,1%), với 23.669 lượt hộ vay (chiếm 40,5%), mỗi hộ bình quân vay 23,11 triệu, hơn 2,7 lần so với mặt bằng chung. Dư nợ 281 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,79% tổng dư nợ, với 18.234 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ hộ cận nghèo là người đồng bào DTTS 110 tỷ đồng, với 7.298 hộ dư nợ, chiếm tỷ lệ 39,21% dư nợ hộ cận nghèo, dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 15,1 triệu đồng/hộ.

Thứ ba, cho vay hộ mới thoát nghèo: đây là chương trình tín dụng nhằm tạo điều kiện cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi đã thoát nghèo, thoát cận nghèo tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, đảm bảo thoát nghèo bền vững và lâu dài. Chương trình được triển khai từ tháng 9/2015 theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau gần 3 năm thực hiện: Doanh số cho vay đạt 712 tỷ đồng, với 107.179 lượt hộ vay, trong đó doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo là người đồng bào DTTS 180,4 tỷ đồng, với 37.621 lượt hộ vay. Dư nợ là 521 tỷ đồng, chiếm 23,72% tổng dư nợ, với 30.517 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ hộ mới thoát nghèo là người đồng bào DTTS 170 tỷ đồng, với 10.936 hộ dư nợ, chiếm tỷ lệ 32,57% dư nợ hộ mới thoát nghèo, dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 15,5 triệu đồng/hộ.

Thứ tư, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: doanh số cho vay đạt 415 tỷ đồng, với 32.968 lượt hộ vay, trong đó doanh số cho vay HSSV là người đồng bào DTTS 21,2 tỷ đồng, với 8.009 lượt hộ vay. Dư nợ 157 tỷ đồng, chiếm 7,15% tổng dư nợ, với 7.044 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ HSSV là người đồng bào DTTS 36 tỷ đồng, với 1.501 hộ dư nợ, chiếm tỷ lệ 22,93% dư nợ hộ nghèo, dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 22 triệu đồng/hộ.

Thứ năm, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg): Chương trình được thực hiện từ tháng 6/2007. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình đã giúp cho các hộ gia đình đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế, xã hội tại địa phương. Tính đến 30/6/2018, đã có 49.965 lượt hộ được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 443 tỷ đồng, trong đó có 16.929 lượt hộ đồng bào DTTS được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 122 tỷ đồng.

Dư nợ đạt 244 tỷ đồng, với 14.863 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay hộ sản xuất kinh doanh là người đồng bào DTTS 76 tỷ đồng, với 4.805 hộ dư nợ, chiếm  tỷ lệ 31,2% dư nợ chương trình này. Nguồn vốn này đã góp phần vào nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách bền vững. Đồng thời đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của một bộ phận hộ gia đình khó khăn vừa thoát nghèo chưa tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Thứ năm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Doanh số cho vay đạt 887 tỷ đồng, với 57.045 lượt hộ được vay, xây dựng và sửa chữa được trên 85 ngàn công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Trong đó, doanh số cho vay là hộ đồng bào DTTS đạt 109 tỷ đồng, với 17.378 lượt hộ được vay. Dư nợ 285 tỷ đồng, với 46.500 hộ dư nợ. Trong đó dư nợ cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là người đồng bào DTTS 72 tỷ đồng, với 12.013 hộ dư nợ, chiếm tỷ lệ 25,3% dư nợ của chương trình. Nguồn vốn đã giúp cho người đồng bào DTTS tại các vùng nông thôn có điều kiện đầu tư xây dựng và sửa chữa các công trình nước sạch, công trình vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Thứ sáu, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở: Triển khai từ năm 2009 theo Quyết định số 167/2009/QĐ-TTg và hiện nay đang thực hiện cho vay giai đoạn 2 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Doanh số cho vay đạt 334 tỷ đồng, với 57.505 lượt hộ được vay vốn, trong đó cho vay hộ nghèo về nhà ở là người đồng bào DTTS 163 tỷ đồng, với 31.649 lượt hộ vay với dư nợ 300 tỷ đồng và  29.522 hộ dư nợ. Dư nợ cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở là người đồng bào DTTS 154 tỷ đồng, với 14.188 hộ dư nợ, chiếm 51,62% số hộ dư nợ của chương trình. Chương trình này là một quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng nhà kiên cố cho hộ nghèo, nhất là hộ nghèo là người đồng bào DTTS, giúp cho hộ nghèo có nhà ở ổn định, yên tâm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo và góp phần xây dựng mô hình nông thôn mới của địa phương.

Thứ bảy, cho vay xuất khẩu lao động. Doanh số cho vay đạt rất thấp với 9,5 tỷ đồng. Tổng dư nợ là 16,6 tỷ đồng với 340 hộ vay, trong đó, dư nợ đối với đồng bào DTTS là 3,2 tỷ đồng với 83 hộ vay đi XKLĐ (chiếm gần ¼ tổng số hộ), bình quân mỗi hộ vay 38,55 triệu đồng, thấp hơn 10 triệu so với bình quân. Như vậy, chúng ta thấy đồng bào DTTS ít vay để đi XK lao động và cũng vay thấp hơn nhiều so với các đối tượng khác (52.9 triệu đồng). Đây là một hình thức xóa đói giảm nghèo được thực hiện tốt ở nhiều địa phương, nhất là khu vực phía Bắc và miền Trung.

NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương, Hội đoàn thể thiết lập được mô hình tổ chức quản lý và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, xây dựng được hệ thống Điểm giao dịch cố định tại 106 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với mạng lưới 3.111 tổ TK&VV đến 100% các ấp, khóm trên địa bàn tỉnh, cùng tương trợ, giúp đỡ nhau, cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng. Hoạt động tổ TK&VV trên địa bàn được củng cố thường xuyên và mang lại hiệu quả, là bộ phận nối dài của NHCSXH đến các thôn, làng, tổ dân phố nhằm đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục cho vay đơn giản phù hợp với trình độ của hộ, đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2011, NHCSXH tỉnh xây dựng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ quá hạn đến nay chỉ là 7,5 tỷ đồng, chiếm 0,39% trong tổng dư nợ, giảm hơn 43 tỷ đồng so với thời điểm xây dựng Đề án. Bên cạnh đó, chi nhánh đã tích cực thu hồi hết các khoản nợ bị chiếm dụng (đạt tỷ lệ 100%), trong thời gian thực hiện Đề án, toàn tỉnh không có phát sinh các khoản nợ bị chiếm dụng. Đối với dư nợ chưa đổi sổ phải tiếp tục xử lý, đến nay dư nợ chưa đổi sổ vay vốn của toàn tỉnh gần 2 tỷ đồng, giảm 8,9 tỷ đồng so với thời điểm xây dựng Đề án.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã tập trung củng cố hoạt động của Tổ TK&VV. Trong số 3.137 tổ, tổ xếp loại tốt đạt 2.536 (chiếm 80,8%), tăng 939 tổ so với thời điểm xây dựng Đề án; tổ xếp loại khá là 545 tổ (chiếm 17,4%), giảm 741 tổ, tổ xếp loại trung bình là 38 tổ (chiếm 1,2%), giảm 333 tổ và tổ xếp loại yếu là 18 tổ (chiếm 0,6%).

Mặt khác, chi nhánh chỉ đạo NHCSXH các huyện, thị xã thành phố tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức phân tích, đánh giá từng khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp; có kế hoạch chấn chỉnh, củng cố nề nếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ yếu kém, duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng để trao đổi kinh nghiệm sản xuất và bình xét công khai đối với các khoản vay mới, giám sát tốt việc sử dụng vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

4.2. Các chương trình đặc biệt dành cho hộ dân tộc thiểu số

Đến thời điểm hiện nay, đồng bào DTTS được vay vốn ở nhiều chương trình tín dụng (cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV, hộ nghèo về nhà ở, NS&VSMTNT, hộ gia đình SXKD vùng khó khăn (QĐ31/2007/QĐ-TTg)... Ngoài ra, các hộ gia đình DTTS còn được thụ hưởng những chính sách tín dụng riêng do Thủ tướng Chính phủ quy định tại một số quyết định, cụ thể:

Một là, Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay vốn phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Theo Quyết định này, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống đặc biệt khó khăn đang sinh sống tại vùng khó khăn được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất tối đa 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0%. Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg thay thế cho Quyết định 32/2007/QĐ-TTg, nâng mức cho vay ưu đãi đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn lên 8 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,1%/tháng. Qua hai giai đoạn triển khai, doanh số cho vay 15,2 tỷ đồng, với 280 lượt hộ vay. Dư nợ đến 30/6/2018, còn 1,4 tỷ đồng, với 222 hộ dư nợ, hiện nay, chương trình này hết thời gian thực hiện.

Hai là, chương trình cho vay theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2008 - 2010, với lãi suất cho vay 0%; năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg để tiếp tục thực hiện cho vay vốn đối với hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2013-2015. Qua hai giai đoạn triển khai cho vay, doanh số cho vay 121,9 tỷ đồng, với 6.587 lượt hộ vay. Dư nợ đến 30/6/2018 còn 33 tỷ đồng, với 3.159 hộ dư nợ, hiện nay chương trình này hết thời gian thực hiện

Ba là, chương trình cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, theo đó, Quyết định này có năm chính sách chính là hỗ trợ đất ở; hỗ trợ đất sản xuất; hỗ trợ nước sinh hoạt; hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư; hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Đây là những chính sách hết sức quan trọng và thiết yếu nhất đối với đồng bào DTTS hiện nay, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh và các ngành có liên quan xây dựng đề án. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1742/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg. Theo đó, đầu năm 2018,  chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh phân bổ vốn cho vay đối với chương trình này là 25 tỷ đồng, đến 30/6/2018 đã giải ngân được 6.6 tỷ đồng với 181 lượt hộ vay vốn.

 5. Đánh giá hiệu quả tín dụng chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh cho đồng bào dân tộc thiểu số

5.1. Một số kết quả đạt được

Tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng có thể giúp nông dân vùng cao thực hiện những khoản đầu tư cần thiết vào sản xuất nông nghiệp để đem lại thu nhập cao. Nâng cao khả năng tạo thu nhập có thể giúp thu hẹp bất bình đẳng giữa các nhóm dân tộc. Ví dụ, mức tiêu dùng bình quân đầu người của người DTTS chỉ còn thấp hơn người Kinh và người Hoa khoảng 45%. Hơn nữa, người nghèo đang phải đối mặt với khoảng cách ngày càng lớn về khả năng tiếp cận giáo dục trung học phổ thông, cải thiện nước sạch và vệ sinh môi trường.

Xác định rõ nguồn vốn tín dụng chính sách là cơ hội để giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vượt qua đói nghèo. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã khẩn trương triển khai tuyên truyền chủ trương chính sách và chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn được đầu tư cho hộ DTTS trên 1.650 tỷ đồng mua bò, dê, tăng đàn gia súc, gia cầm, khôi phục các ngành nghề truyền thống; 311 tỷ đồng cho việc mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, cây công nghiệp; 104 tỷ đồng cho việc mua sắm nông cụ, máy móc để làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Đa số các hộ vay đã được cải thiện đời sống nhờ nguồn vốn của các chương trình. Với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức Hội, đoàn thể đã giúp đỡ bà con cách sử dụng vốn hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trách nhiệm của người vay, do vậy, hầu hết hộ vay đều thực hiện trả lãi, trả gốc khi đến hạn. Đến 31/5/2018 nợ quá hạn các chương trình tín dụng đầu tư cho vay hộ DTTS chiếm 0,35% trong tổng dư nợ. Đây là một nỗ lực rất đáng khen của bà con nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính ưu đãi. Ngoài ra, những trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan đều được xử lý rủi ro kịp thời đúng quy định.

Trong hơn 15 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên toàn bộ địa bàn, nhất là các vùng có nhiều đồng bào DTTS, tập trung huy động nguồn vốn, kết hợp nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS. Đến nay, đã có trên 3.066 hộ DTTS vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách, 57 hộ vay có dư nợ trên 100 triệu đồng, đã giúp giải quyết những vấn đề thiết yếu của cuộc sống trong vùng đồng bào DTTS như nhà ở kiên cố, nước sạch và công trình vệ sinh, hỗ trợ kinh phí học tập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo đa chiều. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy được hiệu quả cao nhất đối với đồng bào DTTS do chính quyền địa phương, các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác và NHCSXH luôn quan tâm và thường xuyên phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép các nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án tại địa phương như: chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư và chuyển giao khoa học kỹ thuật; lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm. Điển hình như hộ Kim Thai, ấp Bến Trị, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, vay 15 triệu đồng đầu tư vào nuôi bò sinh sản, hiện có đàn bò 8 con, hộ Lâm Thị Tánh vay 16 triệu đồng hiện có 5 con bò nuôi...

Nhiều mô hình chuyển đổi vật nuôi cây trồng, làm ăn hiệu quả đang được tiếp tục triển khai nhân rộng trong đồng bào người dân tộc, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống cho người dân  như: mô hình trồng ớt, cải bẹ xanh, bắp lai ở ấp Trẹm, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, ở ấp Leng, xã An Quãng Hữu, huyện Trà Cú; mô hình nuôi heo sinh sản kết hợp trồng màu ở ấp Châu Hưng, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở thị trấn Định An, mô hình nuôi ba ba ở ấp Lưu Cừ 1, xã Lưu Nghiệp Anh; mô hình trồng môn sáp ở ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú… Ngoài ra, còn nhiều hộ Khmer sử dụng đồng vốn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo và giúp con em họ được vay vốn chương trình tín dụng học sinh sinh viên để đi học đại học, ra trường có việc làm ổn định. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho người DTTS vay vốn trên 165 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; có trên 36 ngàn hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm mới cho trên 49 ngàn lao động; gần 800 người đi lao động ở nước ngoài; trên 15 ngàn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng gần 40 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo gần 25 ngàn căn nhà.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với 100% các ấp, khóm trong tỉnh, đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện. Vốn vay không những giúp người DTTS làm quen với việc vay vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để  ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen và cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Đạt được kết quả như trên là do chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Ban đại diện HĐQT NHCSXH, sự phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể với NHCSXH triển khai hoạt động tín dụng chính sách, tập trung thực hiện củng cố, đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, đặc biệt là các huyện, xã vùng sâu xa, là những nơi đặc biệt khó khăn, có nhiều hộ nghèo, đảm bảo phục vụ nhân dân tốt hơn.

5.2. Một số vấn đề được đặt ra

Chính sách dân tộc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn là cả một vấn đề, trong đó, việc thực hiện đúng đắn và hiệu quả nguồn lực tín dụng còn bất cập.

Thứ nhất, đồng bào DTTS thường sinh sống và lao động sản xuất tại các vùng có điều kiện thiên nhiên khó khăn, vùng sâu và vùng xa, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện, nhất là thiên tai hay xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất. Điều này dẫn đến những tiềm ẩn rủi ro về tín dụng và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư và sử dụng tín dụng ưu đãi. Hơn nữa, một số hộ vay thường đi làm ăn xa nhà, làm cho việc giám sát và thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn là một lợi thế của đồng bào DTTS tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, vấn đề khuyến nông, khuyến ngư vẫn chưa được làm tốt và đồng bào vẫn chủ yếu nuôi thả trong môi trường tự do và việc môi trường biến đổi và dịch bệnh thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây cùng với mạng lưới thú y và hệ thống phòng dịch địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới việc rủi ro trong chăn nuôi và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ tín dụng ở một số địa bàn chưa cao.

Thứ ba, chính quyền địa phương các cấp, các ngành liên quan chưa có nhiều nỗ lực gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách cho đồng bào DTTS vào mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; và chưa thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư..., chuyển giao khoa học kỹ thuật, có định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm... để giúp hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình thoát nghèo. Trong đó, chưa quan tâm nhiều đến việc bao tiêu sản phẩm cho hộ dân để đồng bào yên tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Thứ tư, nguồn vốn của tỉnh còn nhiều hạn chế, việc triển khai và bố trí chậm làm cho thời gian vốn đến đối tượng cần điều chỉnh kéo dài ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả tín dụng. Hiệu quả công tác tuyên truyền đối với đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế và chưa được như mong muốn do việc chậm trễ trong việc thay đổi tư duy và tập quán sinh sống, đồng bào còn chưa mạnh dạn vay vốn phục vụ sản xuất và kinh doanh.

 6. Một số khuyến nghị

6.1. Đối với Chính phủ

Xem xét bố trí nguồn vốn sớm và kịp thời để triển khai cho vay các chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo điều kiện cho NHCSXH triển khai cho vay kịp thời theo lộ trình Đề án (đặc biệt là chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Nâng cao mức cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và vay hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg, cho vay mở rộng SXKD với lãi suất thấp hơn cho đối tượng là DTTS.

6.2. Đối với NHCSXH Việt Nam

Tiếp tục quan tâm và ưu tiên bố trí thêm ngồn vốn cho các chương trình tín dụng như cho vay hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Phát triển các sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác.

Mở các lớp tập huấn căn bản và nâng cao cho các đối tượng là đồng bào DTTS về các nghiệp vụ tín dụng vi mô tầm cấp ấp và xã.

6.3. Đối với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Trà Vinh

Tiếp tục quan tâm, hàng năm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn theo Chỉ thị số 40/CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và văn bản số 726-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng và tăng hàng năm ít nhất theo tỷ lệ lạm phát bình quân của cả nước.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tăng cường gia tăng hiệu quả các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ và ứng dụng vào SXKD với việc triển khai các dự án và chính sách tín dụng cho đồng bào DTTS. Tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh và thiên tai và đẩy mạnh việc tuyên truyền các chính sách đến các đối tượng liên quan, nhất là đồng bào DTTS.

7. Kết luận

Gần 16 năm qua, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là các chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS. Các chính sách tín dụng này đã phát huy hiệu quả đối với đồng bào DTTS tại tỉnh Sóc Trăng và góp phần vào việc giảm nghèo của cả tỉnh nói chung và đối với đồng bào DTTS nói riêng.

Chúng tôi hy vọng các kiến nghị được đề cập sẽ được thực hiện để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS, nhất là đối với Chính phủ.

Chúng tôi tin tưởng rằng, bằng nỗ lực của các cấp chính quyền của tỉnh với sự tham gia của đông đảo bà con, nhất là bà con DTTS, các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH Việt Nam sẽ được thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng, giảm chi phí giao dịch và đạt hiệu quả cao nhất và bền vững góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2011 - 2020.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bastiat Claude Frederic (2016). Luật pháp. NXB Tri thức. Hà Nội.

2. Nguyễn Đăng Dung (2008). Chế ước quyền lực nhà nước. NXB Đà Nẵng. Đà Nẵng.

3. David Held (2014). Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại. NXB Tri thức. Hà Nội.

4. Ngân hàng Chính sách xã hội. Báo cáo thường niên từ năm 2008 đến 2017.

5. Jeffrey D.Sach (2015). Thịnh vượng chung: Kinh tế học cho hành tinh đông đúc. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

6. Spence Michael (2012). Sự hội tụ kế tiếp. NXB Trẻ. TP.HCM

7. UBND tỉnh Trà Vinh (2018). Báo cáo Kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào Dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2003 - 2018

8. Trần Hữu Ý (2017). Tín dụng chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện và những vấn đề đặt ra. Tạp chí Ngân Hàng, số 18.2017.

(Tạp chí Ngân hàng số 9/2019)

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Agribank cùng ngành Ngân hàng đóng góp quan trọng vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước
Agribank cùng ngành Ngân hàng đóng góp quan trọng vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước
26/03/2024 178 lượt xem
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã nỗ lực quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng ngành Ngân hàng thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Phát huy lực lượng và tiềm năng của thế hệ trẻ từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Phát huy lực lượng và tiềm năng của thế hệ trẻ từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
25/03/2024 522 lượt xem
Đảng ta xác định “thanh niên giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người”. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về công tác thanh niên trong thời kì mới...
Tín dụng chính sách: Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Tín dụng chính sách: Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
12/03/2024 1.240 lượt xem
Trong quá trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phụ nữ; ban hành nhiều văn kiện, nghị quyết, chính sách, pháp luật, nghị định...
Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Trị dành nhiều ưu đãi hỗ trợ các đối tượng hưởng chính sách thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt
Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Trị dành nhiều ưu đãi hỗ trợ các đối tượng hưởng chính sách thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt
11/03/2024 2.207 lượt xem
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt và Công văn số 123/UBND-KGVX ngày 08/01/2024 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Trị về tăng cường thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh...
Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền - mục tiêu quan trọng và xuyên suốt của chính sách bảo hiểm tiền gửi
Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền - mục tiêu quan trọng và xuyên suốt của chính sách bảo hiểm tiền gửi
27/02/2024 2.500 lượt xem
Năm 2023 qua đi với những dấu ấn quan trọng của ngành Ngân hàng vào quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, đảm bảo thanh khoản và sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
26/02/2024 3.908 lượt xem
Qua hơn 20 năm hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách...
Tổ vay vốn - cầu nối gắn kết giữa Agribank và khách hàng
Tổ vay vốn - cầu nối gắn kết giữa Agribank và khách hàng
26/02/2024 2.661 lượt xem
Thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Thỏa thuận liên ngành giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)...
Tăng cường xây dựng khuôn khổ pháp lý trong công tác phòng, chống rửa tiền
Tăng cường xây dựng khuôn khổ pháp lý trong công tác phòng, chống rửa tiền
19/02/2024 2.540 lượt xem
Xây dựng khuôn khổ pháp lý trong công tác phòng, chống rửa tiền (PCRT) luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm trong quá trình thực hiện công tác PCRT ở Việt Nam. Trong năm 2023, nhiều văn bản hướng dẫn Luật PCRT năm 2022 được ban hành, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức báo cáo triển khai hiệu quả công tác PCRT.
Phát triển tín dụng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long: Kết quả, thách thức và một số khuyến nghị
Phát triển tín dụng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long: Kết quả, thách thức và một số khuyến nghị
16/02/2024 2.646 lượt xem
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đổi mới hoạt động, tích cực chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đổi mới hoạt động, tích cực chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động
14/02/2024 2.032 lượt xem
Năm 2023 là năm ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (NHVN) với các hoạt động, sự kiện nổi bật kỷ niệm 30 năm thành lập và đặc biệt đã tổ chức thành công Đại hội Công đoàn NHVN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tín dụng, góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng Việt Nam
Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tín dụng, góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng Việt Nam
12/02/2024 2.073 lượt xem
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đang quản lí Kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia với sự tham gia báo cáo thông tin của 100% các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động tại Việt Nam, hơn 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô cũng như các tổ chức khác trong và ngoài hệ thống ngân hàng, trên cơ sở cập nhật định kì, đột xuất dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và các giải pháp thu thập, xử lí thông tin tự động, tiên tiến.
Truyền thông chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Sáng tạo, đổi mới trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính
Truyền thông chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Sáng tạo, đổi mới trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính
11/02/2024 2.084 lượt xem
Truyền thông chính sách là vấn đề được quan tâm ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, những năm gần đây, truyền thông chính sách đã ngày càng khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới truyền thông chính sách, triển khai tích cực và thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên góp phần phát triển kinh tế địa phương
Hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên góp phần phát triển kinh tế địa phương
09/02/2024 1.761 lượt xem
Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên trên 3.500 km2, dân số trên 1,3 triệu người, trong đó có 71% dân số ở nông thôn, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% dân số. Có 09 đơn vị hành chính (03 thành phố và 06 huyện) với 176 xã, phường, thị trấn.
Kết quả và bài học kinh nghiệm trong thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng Thành phố  Hồ Chí Minh
Kết quả và bài học kinh nghiệm trong thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh
07/02/2024 1.498 lượt xem
Năm 2023, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của NHNN tại địa phương, tập trung thực hiện tích cực các giải pháp về chính sách tiền tệ, tín dụng để đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp.
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương
06/02/2024 1.388 lượt xem
Năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị, ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao...
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

78.000

80.000

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

78.000

80.000

Vàng SJC 5c

78.000

80.020

Vàng nhẫn 9999

68.000

69.300

Vàng nữ trang 9999

67.900

68.800


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,550 24,920 26,090 27,522 30,409 31,703 158.80 168.08
BIDV 24,625 24,935 26,276 27,495 30,531 31,832 159.54 168.07
VietinBank 24,512 24,932 26,321 27,616 30,837 31,847 160.42 168.37
Agribank 24,600 24,930 26,213 27,483 30,551 31,684 159.87 167.97
Eximbank 24,520 24,910 26,361 27,131 30,735 31,632 161.25 165.95
ACB 24,570 24,970 26,457 27,114 30,964 31,606 161.07 166.23
Sacombank 24,552 24,947 26,529 27,087 31,020 31,531 161.74 166.78
Techcombank 24,561 24,933 26,174 27,513 30,438 31,764 157.07 169.48
LPBank 24,380 25,100 26,095 27,625 30,866 31,814 159.15 170.67
DongA Bank 24,610 24,960 26,400 27,080 30,780 31,620 159.00 166.10
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?