.PNG)
Hệ thống ngân hàng tỉnh Tây Ninh thường xuyên kịp thời xử lí, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn vay ngân hàng thực hiện hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Tín dụng phục vụ cho vay phát triển kinh tế
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng tỉnh Tây Ninh đã có những đóng góp quan trọng giúp dòng vốn tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng không bị gián đoạn, phục vụ hiệu quả quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tây Ninh Nguyễn Xuân Hiền, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 44 tổ chức tín dụng (TCTD) bao gồm 23 chi nhánh NHTM, 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), 01 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã, 01 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 18 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với tổng cộng 127 điểm giao dịch.
Năm 2023, hệ thống ngân hàng tỉnh Tây Ninh tập trung các giải pháp tín dụng phục vụ cho vay phát triển kinh tế; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát bình quân khoảng 4,5%. Kế hoạch tăng trưởng năm 2023 của hệ thống ngân hàng tỉnh Tây Ninh vốn huy động tăng 12 - 14% so năm 2022, dư nợ tín dụng tăng từ 13 - 15% so với năm 2022, tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3%, với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương trên tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã về các chính sách của ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp.
Đáng chú ý, hoạt động ngân hàng tỉnh Tây Ninh đến cuối tháng 3/2023 có kết quả vốn huy động đạt 61.900 tỉ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm và tăng 8,9% so với cùng kì. Trong đó, vốn huy động trên 12 tháng đạt 6.040 tỉ đồng, chiếm 9,8% tổng nguồn vốn huy động. Có được nguồn vốn, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã cho vay đạt tổng dư nợ tín dụng là 88.900 tỉ đồng, tăng 3,5% so đầu năm và tăng 10,7% so cùng kì năm trước.
Về dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn gồm: Cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 11.120 tỉ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 1.971 tỉ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 8.276 tỉ đồng. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng chính sách đạt 3.495 tỉ đồng, tăng 2% so đầu năm. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 đạt 52.900 tỉ đồng, tăng 1,8% so đầu năm, tăng 6,6% so cùng kì và chiếm 59,5% tổng dư nợ.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành kịp thời và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chính sách như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021; giảm phí thanh toán; gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ; các TCTD cũng tự giảm lãi suất cho khách hàng hiện hữu. Giám đốc NHNN Chi nhánh Tây Ninh Nguyễn Xuân Hiền cho biết, các TCTD trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho 2.978 khách hàng với tổng dư nợ gốc 3.145 tỉ đồng, dư nợ còn đến ngày 31/12/2022 là 52,8 tỉ đồng với 284 khách hàng (chương trình hỗ trợ kết thúc ngày 30/6/2022).
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN, tính đến ngày 31/12/2022, số tiền lãi đã hỗ trợ là 855 triệu đồng/doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất là 495 tỉ đồng. Dư nợ cho vay là 464 tỉ đồng (16 khách hàng). Hiện nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tiếp tục triển khai quyết liệt chương trình đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đủ điều kiện theo quy định.
Sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có 3.672 khách hàng được tiếp cận nguồn vốn với tổng dư nợ cho vay đạt trên 195 tỉ đồng để phát triển sản xuất, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là một trong những giải pháp tạo thêm động lực và sức bật cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho đời sống người dân, người lao động, các nhóm người yếu thế, người nghèo, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội. Trong năm 2023, NHCSXH tỉnh Tây Ninh tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách, không bỏ sót đối tượng thụ hưởng.
Song hành triển khai các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, từ năm 2022 đến nay, NHCSXH tỉnh Tây Ninh thực hiện hiệu quả Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm cho hơn 42.000 khách hàng, với số tiền hỗ trợ là 13,7 tỉ đồng.
Nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới
NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh tập trung triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của NHNN về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đồng thời kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tây Ninh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng trên địa bàn thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, thực hiện tốt công tác thanh toán, tiền tệ kho quỹ và quản lí ngoại hối, vàng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo giao dịch tiền mặt thông suốt và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giá trị và cơ cấu cho TCTD, Kho bạc Nhà nước; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra công tác ngoại hối, công tác an toàn kho quỹ năm 2023.
Hai là, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh Tây Ninh.
Ba là, chỉ đạo các TCTD thực hiện tốt định hướng hoạt động tín dụng năm 2023 của NHNN, tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục cải cách thủ tục, đơn giản hóa quy trình cấp tín dụng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng; triển khai thực hiện quyết liệt chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN; duy trì hoạt động của đường dây nóng, kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vướng mắc của chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn để tháo gỡ hoặc kiến nghị tháo gỡ.
Bốn là, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra năm 2023, tập trung vào những nội dung theo đúng định hướng của NHNN; chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực thu hồi, xử lí nợ xấu và thực hiện kiến nghị, cảnh báo qua công tác thanh tra, giám sát.
Năm là, tiếp tục giám sát các QTDND thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; hướng dẫn và phê duyệt “Phương án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” của các QTDND và giám sát việc thực hiện.
Sáu là, thực hiện tốt công tác tín dụng theo định hướng của NHNN và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023; cải tiến quy trình, thủ tục cấp tín dụng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trong vay vốn; tiếp tục triển khai quyết liệt, nghiêm túc, hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN.
Bảy là, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh mới. Các TCTD có tỉ lệ nợ xấu cao tập trung thực hiện các giải pháp xử lí và thu hồi nợ xấu; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lí tài sản đảm bảo.
Tám là, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; tích cực thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản chỉ đạo của NHNN, UBND tỉnh Tây Ninh. Chủ động và tăng cường tiếp cận, kết nối với các ngành, lĩnh vực để mở rộng, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các đơn vị trong lĩnh vực y tế, giáo dục và trung tâm hành chính công.
Chín là, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phòng, chống, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; đối với các QTDND xây dựng và thực hiện tốt “Phương án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Các TCTD chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về hoạt động đại lí bảo hiểm; giải thích, tư vấn khách hàng về việc tự nguyện mua bảo hiểm và đặc biệt là không được “ép” khách hàng vay mua bảo hiểm. Tăng cường giám sát, quản lí cán bộ nhân viên đơn vị, kịp thời phát hiện xử lí nghiêm túc cán bộ hoạt động cho vay đáo nợ.
Tóm lại, trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thường xuyên nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lí, tháo gỡ, làm rõ thông tin, nguyên nhân các trường hợp không tiếp cận được vốn vay; xử lí, trả lời rõ ràng đối với việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể. Mặt khác, hệ thống ngân hàng tỉnh Tây Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.
Trần Giáp