Đo lường tác động vòng 2 từ giá dầu thế giới tới lạm phát tại Việt Nam
08/12/2022 2.398 lượt xem
Tóm tắt: Kiểm soát lạm phát luôn là mục tiêu quan trọng, định hướng cho việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Trong thời gian qua, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, các xung đột địa chính trị leo thang căng thẳng đã dẫn tới giá cả nhiều hàng hóa thế giới tăng cao, trong đó đặc biệt là giá dầu, đã có những tác động lan truyền, gây ra áp lực tới lạm phát trong nước và đặt ra những thách thức nhất định trong điều hành CSTT. Ngoài tác động trực tiếp, giá dầu thế giới biến động mạnh còn gây ra tác động vòng 2 tới lạm phát chung và lạm phát cơ bản tại Việt Nam, việc thiết lập các mô hình định lượng những tác động này là vô cùng cần thiết để có thể xây dựng những kịch bản điều hành CSTT phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững. 
 
Từ khóa: Tác động vòng 2, CSTT, lạm phát, giá dầu.
 
MEASURING A SECOND ROUND EFFECT OF GLOBAL OIL PRICE ON INFLATION IN VIETNAM
 
Abstract: Controlling inflation has always been an important goal for the monetary policy implementation of the State Bank of Vietnam (SBV). Recently, in the context of complicated global economic development, escalating geopolitical conflicts have led to remarkably high prices of global commodities, especially oil price, causing pressure on domestic inflation and posing significant challenges in monetary policy management. In addition to the direct impact, the volatility of global oil price also causes a second round effect on headline inflation and core inflation in Vietnam and the establishment of quantitative models to measure these effects is necessary for policy makers to have appropriate monetary policy management scenarios aimed to achieve the goals of controlling inflation, stabilizing macroeconomics and supporting a sustainable economic recovery.
 
Keywords: Second round effect; monetary policy; inflation; oil price.
 
1. Diễn biến lạm phát thế giới và trong nước
 
Tính đến hết tháng 9/2022, lạm phát đã trở thành một hiện tượng toàn cầu với mức lạm phát ở nhiều quốc gia chạm ngưỡng cao nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Lạm phát chung tại Mỹ có lúc đạt 9,1%, tại Anh có lúc vượt 10% là mức kỷ lục trong khoảng 40 năm trở lại đây. Tại châu Âu, lạm phát tháng 9/2022 ở mức 10% đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi thành lập mà lạm phát chạm ngưỡng 2 chữ số. Bên cạnh đó, rất nhiều quốc gia phát triển chứng kiến lạm phát tăng vọt như Úc, Canada, Pháp, Hàn Quốc… Ở một số quốc gia đang gặp khủng hoảng đặc thù như Argentina hay Thổ Nhĩ Kỳ, lạm phát còn trở nên trầm trọng hơn khi đạt mức hơn 80% so với cùng kỳ và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. 
 
Nguyên nhân của lạm phát trên toàn cầu xuất phát từ cả phía cung và phía cầu nhưng động lực chính vẫn là đến từ các cú sốc lạm phát chi phí đẩy. Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo theo hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với Nga đã khiến giá năng lượng tăng chóng mặt. Nếu cách đây hơn 02 năm, vào ngày 20/4/2020, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ (WTI) thậm chí có lúc giảm về mức - 37 USD/thùng khi nhu cầu sụt giảm mạnh thì đến ngày 23/3/2022, giá dầu đã có thời điểm vượt trên mức 120 USD/thùng khi xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine chính thức nổ ra. Dù đã có xu hướng giảm nhiệt, nhưng tính chung bình quân 9 tháng năm 2022, giá dầu vẫn tăng 51% so với cùng kỳ, giá gas cũng tăng 53,53%. Không chỉ giá năng lượng, giá lương thực thực phẩm cũng tăng đột biến, tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới khi Nga là quốc gia lớn xuất khẩu lương thực và phân bón. Theo Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), giá lương thực thế giới bình quân đã tăng gần 20% so với cùng kỳ. Những cú sốc nguồn cung là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát nhưng cũng không thể không kể đến áp lực từ lạm phát cầu kéo khi các quốc gia mở cửa trở lại nền kinh tế và thị trường lao động, tiền lương được cải thiện. 
 
Một trong những nguyên nhân nữa cũng được nhiều nhà kinh tế nhận định đó là sự chủ quan của các ngân hàng trung ương (NHTW) trong đánh giá áp lực lạm phát xuất phát từ các cú sốc giá năng lượng và hàng hóa. Theo các bài đăng chính thức trên trang chủ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trong khoảng thời gian từ tháng 5/2021 tới tháng 02/2022, các quan chức của Fed liên tục trấn an dư luận rằng lạm phát của Mỹ là một vấn đề “tạm thời” gây ra bởi các vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ và lạm phát sẽ giảm trở lại khi các vấn đề này được giải quyết. Theo thống kê, có 19 lượt phát biểu của các quan chức trong Ủy ban Thị trường Mở về vấn đề này. Nhưng chính sự “tự tin” này của Fed đã dẫn tới những quyết định trì hoãn thắt chặt CSTT kéo theo hệ quả là lạm phát của Mỹ tăng nhanh, và đáng quan tâm hơn là lạm phát cơ bản của Mỹ cũng tăng nhanh, duy trì ở mức cao. Fed đã phải trả giá cho sự chậm trễ trong điều hành CSTT phản ứng với lạm phát bằng việc tăng lãi suất nhanh và mạnh hơn, bán trái phiếu để hút tiền về và để nền kinh tế Mỹ đứng trước viễn cảnh “hạ cánh cứng” với một kịch bản suy thoái trong năm 2023 tới đây. 


 
Cần theo dõi sát diễn biến và dự báo giá cả các mặt hàng quan trọng, xây dựng các kịch bản giá và lạm phát tương ứng để sẵn sàng có các phản ứng chính sách phù hợp
 
Tại Việt Nam, mặc dù áp lực lạm phát liên tục gia tăng trong những tháng gần đây, nhưng nhìn chung, về cơ bản, lạm phát hiện vẫn đang được kiểm soát khá tốt. Lạm phát toàn phần bình quân 10 tháng đầu năm 2022 là 2,89% - thấp hơn mức mục tiêu 4%, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát cơ bản bình quân là 2,14%, thấp hơn đáng kể so với lạm phát chung phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do lạm phát nhập khẩu (đặc biệt là nhóm nhiên liệu). Trong các nguyên nhân đóng góp vào mức tăng 2,89% lạm phát trong nước 10 tháng đầu năm 2022, sự tăng giá xăng dầu có đóng góp lớn nhất (giá xăng dầu trong nước tăng 36,01% làm tăng CPI chung 1,3%), tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (đóng góp 0,46%), nhóm ăn uống ngoài gia đình (đóng góp 0,4%) và giá gas (đóng góp 0,22%). Nhìn chung, lạm phát chi phí đẩy do tác động từ giá hàng hóa thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu vẫn là động lực chính cho áp lực lạm phát trong nước thời gian qua.
 
2. Tác động vòng 2 từ cú sốc giá hàng hóa lên lạm phát 
 
Lạm phát trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu 4% nhưng áp lực lạm phát, đặc biệt là lạm phát cơ bản đang có dấu hiệu tăng dần. Lạm phát bình quân vẫn trong tầm kiểm soát nhưng so với cùng kỳ đã đạt mức 3,94%, rất sát so với mục tiêu 4% và có thể sẽ vượt vào những tháng cuối năm 2022, gây ra áp lực rất lớn đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023. Đáng chú ý hơn, lạm phát cơ bản tháng 9/2022 so với cùng kỳ cũng đạt mức 3,82%. Đối với những nhà điều hành CSTT, mức tăng nhanh của lạm phát cơ bản là tín hiệu đáng quan tâm vì nó thể hiện sự biến động “dai dẳng” của sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong dài hạn. Thông thường, CSTT sẽ không phản ứng với các biến động “tạm thời” của lạm phát gây ra bởi các mặt hàng nhạy cảm với giá (như nhiên liệu hay lương thực, thực phẩm) vì 3 lý do: Thứ nhất, sự biến động của các mặt hàng này mang tính tạm thời và thường sẽ quay trở lại xu hướng chung; Thứ hai, nguyên nhân gây ra những sự biến động này nằm ngoài khả năng tác động của CSTT (ví dụ như thiên tai, chiến tranh…) khiến cho việc sử dụng CSTT để phản ứng lại với các cú sốc ngoại sinh này rất phức tạp, đôi khi có thể gây ra những hiệu ứng không mong muốn; Thứ ba, việc phản ứng với các cú sốc kiểu này sẽ dẫn tới việc đảo chiều liên tục trong điều hành CSTT, làm suy giảm khả năng định hướng thị trường và uy tín của NHTW. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản là chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi mức giá chung mang tính chất dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi mang tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của lạm phát chung và thường được gọi là lạm phát do yếu tố tiền tệ. Áp lực tăng nhanh, liên tục của lạm phát cơ bản trong thời gian qua đã cho thấy mặt bằng giá trong nền kinh tế thực sự đã hình thành xu hướng tăng trong dài hạn và cần phải có phản ứng CSTT phù hợp để hạn chế và kiểm soát xu hướng này. 
 
Sự tăng nhanh của lạm phát cơ bản tại Việt Nam trong thời gian qua đến từ hai nguyên nhân chính: Sự phục hồi kinh tế trong nước và tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới. Lý do thứ nhất là rất rõ ràng khi kinh tế trong nước bắt đầu bước vào tiến trình phục hồi từ năm 2022 nhờ việc kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 và mở cửa trở lại của nền kinh tế. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục, thị trường lao động được cải thiện đã giúp tình hình tài chính của doanh nghiệp và các hộ gia đình trở nên tốt hơn. Kết quả tất yếu là nhu cầu tiêu dùng đối với các hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng sẽ được cải thiện và làm gia tăng áp lực lên lạm phát chung và lạm phát cơ bản. Tuy nhiên, nếu chỉ có sức ép từ phía cầu thì áp lực sẽ không thể dai dẳng, thậm chí gia tăng liên tục trong một thời gian dài vì nền kinh tế mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình hồi phục, tổng cầu trong nước tuy có tăng nhưng chưa cao (tăng trưởng kinh tế quý II/2022 và quý III/2022 ấn tượng có đóng góp của yếu tố nền thấp trong năm 2021). Theo tính toán của một số tổ chức quốc tế như IMF hay AMRO cũng như tính toán dựa trên số liệu thực tế của nhóm tác giả thì thậm chí chênh lệch sản lượng của Việt Nam vẫn đang ở mức âm, hay nói cách khác là nền kinh tế vẫn đang hoạt động dưới mức tiềm năng và chưa gây ra áp lực lạm phát. Điều này dẫn tới sự cần thiết của việc đánh giá về mức độ ảnh hưởng của giá hàng hóa thế giới tăng cao thông qua tác động vòng 2 tới lạm phát cơ bản và lạm phát chung tại Việt Nam. 
 
Trước hết, cần làm rõ hơn về khái niệm “tác động vòng 2” của giá hàng hóa thế giới tác động tới lạm phát. Khi giá một hàng hóa thế giới tăng lên, chi phí nhập khẩu (chưa tính đến tác động của tỷ giá) cũng sẽ tăng, kết quả là chi phí tiêu dùng và lạm phát cũng sẽ tăng lên dù mức độ ít hay nhiều còn phụ thuộc vào quyền số của mặt hàng đó trong rổ hàng hóa tiêu dùng được sử dụng để tính toán lạm phát. Đây là tác động trực tiếp hay có thể được coi là tác động vòng 1 của giá hàng hóa thế giới thay đổi tới lạm phát trong nước. Trong kinh tế học vĩ mô, tác động vòng 2 có thể được thể hiện thông qua vòng xoáy giá cả - tiền lương (wage-price spiral) khi áp lực lạm phát tăng sẽ dẫn đến áp lực tăng lương và khi tiền lương thực sự tăng lên cũng sẽ khiến tổng cầu tăng lên và quay trở lại tác động làm tăng giá. Đã có rất nhiều nghiên cứu khẳng định về tác động vòng 2 dưới dạng vòng xoáy giá cả - tiền lương này ở các quốc gia phát triển và gần đây nhất là trong cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu như Borio và cộng sự (BIS, 2021), Baba và Lee (IMF, 2022) và Battisni và cộng sự (ECB, 2022). Ngoài ra, tác động vòng 2 tới lạm phát còn có thể thông qua kênh sản xuất, đặc biệt khi sự tăng giá xảy ra đối với các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho quá trình sản xuất. Khi giá các mặt hàng này tăng lên, chi phí sản xuất tăng sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm tăng và cuối cùng, làm tăng chi phí tiêu dùng. Tác động này là rất khác biệt tùy vào tầm quan trọng trong chi phí sản xuất và khả năng thay thế của từng mặt hàng. Nếu mặt hàng này có mặt hàng thay thế hoàn hảo hoặc gần như hoàn hảo thì tác động vòng 2 thông qua kênh này sẽ không lớn và ngược lại. Bên cạnh đó, sự cứng nhắc của giá cả hay nói cách khác là khả năng thay đổi giá nhanh chóng của người sản xuất trong nền kinh tế cũng rất khác nhau giữa các mặt hàng khiến tác động vòng 2 dạng này cũng rất khác nhau giữa từng mặt hàng và giữa các quốc gia.  
 
Những đánh giá ban đầu về tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tới lạm phát tại Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở về mặt lý thuyết kinh tế. Để kiểm chứng những đánh giá trên, một mô hình kinh tế lượng áp dụng lý thuyết về sự hoàn nguyên giữa lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản sẽ được sử dụng. Cecchetti và Moesssner (2008) đã sử dụng phương pháp này để xác định xem liệu có đủ cơ sở về mặt thống kê để cho thấy có tồn tại tác động vòng 2 tới lạm phát hay không. Theo đó, nếu lạm phát tổng thể trở về với xu hướng của lạm phát cơ bản có nghĩa là sự tăng lên trong các nhóm hàng hóa biến động mạnh không nằm trong lạm phát cơ bản chỉ có tác động tạm thời, không gây ra áp lực lạm phát dai dẳng và NHTW sẽ không cần thiết phải phản ứng với các cú sốc kiểu này. Mô hình được sử dụng sẽ có dạng:
 
 
Trong đó πheadline là lạm phát tổng thể so với cùng kỳ tại thời điểm t, πtcore là lạm phát cơ bản so với cùng kỳ tại thời điểm t. Theo đó, nếu lạm phát tổng thể thực sự trở lại xu hướng của lạm phát cơ bản thì hệ số β được dự kiến sẽ mang dấu âm. Thực hiện hồi quy mô hình (1) cho Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 01/2000 tới tháng 9/2022 cho kết quả hệ số β là -1,61 và có ý nghĩa thống kê cao (Phụ lục 1).
 
Kết quả này tương đồng với nhiều quốc gia khác như Cecchetti và Moesssner (2008) đã tìm thấy ở 19 nước châu Âu hay Gelos (2011) thực hiện cho 91 quốc gia trên thế giới. Trong dài hạn, tác động từ các cú sốc giá hàng hóa sẽ bị triệt tiêu và lạm phát sẽ trở lại xu hướng dài hạn là kết quả phù hợp với cả thực tiễn và lý thuyết kinh tế. Nếu thực hiện hồi quy phương trình (1) cho 2 giai đoạn từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2011 và từ tháng 01/2012 đến tháng 9/2022 sẽ được kết quả của β lần lượt là -1,47 và -1,89 cho thấy tốc độ hoàn nguyên của lạm phát tổng thể về xu hướng dài hạn nhanh hơn trong giai đoạn kể từ năm 2012 trở đi. Điều này có thể được giải thích nhờ công tác điều hành CSTT linh hoạt và hiện đại hơn đã góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và neo giữ kỳ vọng lạm phát ở mức phù hợp, hạn chế biến động quá mức của lạm phát trước tác động của các cú sốc. 
 
Tuy nhiên, sự hoàn nguyên của lạm phát tổng thể về xu hướng dài hạn chỉ là một phần của vấn đề. Phần còn lại là sự cần thiết trong đánh giá sự hoàn nguyên của lạm phát cơ bản về xu hướng lạm phát. Trong trường hợp lạm phát cơ bản không trở về xu hướng của lạm phát thì nó sẽ chỉ ra rằng các cú sốc đối với lạm phát, chẳng hạn như những nguyên nhân do giá hàng hóa tăng đột biến, sẽ dẫn đến lạm phát kỳ vọng và sự điều chỉnh giá cả - tiền lương, gây áp lực lên lạm phát cơ bản và là tín hiệu cảnh báo đáng lưu tâm cho các nhà hoạch định chính sách. Để kiểm định vấn đề này tại Việt Nam, một mô hình tương tự cho lạm phát cơ bản cũng được thiết lập như sau:
 
 
Trong mô hình này, các nhà hoạch định CSTT sẽ quan tâm tới kết quả của hệ số δ. Nếu δ = 0 có nghĩa là lạm phát cơ bản không có xu hướng hoàn nguyên về lạm phát tổng thể hay nói cách khác tồn tại tác động vòng 2 từ các cú sốc lạm phát tới lạm phát cơ bản. Thực hiện hồi quy mô hình (2) cho Việt Nam trong giai đoạn tương tự từ tháng 01/2000 tới tháng 9/2022 thu được kết quả của δ là 0,43 và có ý nghĩa thống kê. Điều này đã bác bỏ kết luận rằng trong cả giai đoạn nghiên cứu thì lạm phát cơ bản không có xu hướng hoàn nguyên. Tuy nhiên, nếu thực hiện hồi quy trong 3 giai đoạn nhỏ hơn là từ tháng 01/2001 đến tháng 7/2008, từ tháng 02/2009 đến tháng 7/2014 và từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2022 tương ứng với 3 xu hướng tăng của giá dầu thế giới trong trung và dài hạn thì có 2 giai đoạn cho kết quả  δ = 0 (01/2001 - 7/2008 và 4/2020 - 9/2022) cho thấy những dấu hiệu nhất định của tác động vòng 2 từ giá dầu thế giới tới lạm phát cơ bản trong nước. Kết quả của các mô hình được trình bày tại Phụ lục 1. 
 
3. Đo lường tác động vòng 2 từ giá dầu tới lạm phát tại Việt Nam 
 
Đánh giá và dự báo lạm phát là nguồn thông tin đầu vào cực kỳ quan trọng đối với công tác điều hành CSTT của các NHTW. Việc đánh giá diễn biến lạm phát quá khứ bao gồm phân tích, tìm ra các nguyên nhân của lạm phát là rất cần thiết nhưng việc dự báo xu hướng lạm phát trong trung hạn và tác động của nó tới nền kinh tế mới lại là căn cứ để các nhà hoạch định chính sách thay đổi vị thế CSTT. Trong năm 2022, lạm phát Việt Nam có thể vẫn được kiểm soát tốt ở dưới mức mục tiêu 4% nhưng áp lực ngày một tăng nhanh trong những tháng cuối năm, báo hiệu những khó khăn rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023. Nhóm giao thông là nhóm có mức đóng góp lớn nhất vào biến động lạm phát 9 tháng đầu năm 2022 gây ra bởi giá dầu thế giới tăng cao kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng. Tác động trực tiếp từ giá dầu thế giới tới lạm phát trong nước đã rất rõ ràng, tuy nhiên, qua biến động lạm phát cơ bản và những kiểm nghiệm được trình bày ở trên, chúng ta cũng thấy được dấu hiệu tác động vòng 2 từ giá dầu thế giới tới lạm phát trong nước. Xăng dầu là mặt hàng vô cùng đặc biệt vì 2 thuộc tính: (i) Là yếu tố đầu vào của hầu hết mọi hoạt động kinh tế; và (ii) Không có hàng hóa thay thế. Do đó, tác động vòng 2 của giá dầu thế giới tới lạm phát trong nước cần phải được lượng hóa cụ thể. Đây sẽ là bằng chứng khoa học quan trọng để khi kết hợp với các kịch bản dự báo giá dầu trong tương lai sẽ cho ra kết quả về những kịch bản lạm phát khác nhau và từ đó, có những phản ứng chính sách phù hợp. 
 
Mục đích nghiên cứu trên đã được thực hiện tại rất nhiều NHTW trên thế giới và ở nhiều giai đoạn biến động khác nhau của giá dầu thế giới. Một số nghiên cứu trước thế kỷ 21 đáng chú ý như của Hafer (1983), Garner (1985), Defina (1988), Webb (1989) hay Furlong (1989). Sau khi các NHTW trên thế giới có những bước tiến trong việc cải thiện cơ chế điều hành CSTT và kiểm soát lạm phát, một số nghiên cứu đã cho thấy tác động vòng 2 từ giá dầu tới lạm phát và lạm phát cơ bản không quá nghiêm trọng. Choi và cộng sự (2017) nghiên cứu dữ liệu từ 72 quốc gia và đã tìm ra, nếu giá dầu tăng 10% thì lạm phát trong nước tăng trung bình 0,4% và triệt tiêu sau 2 năm. Conflitti và Luciani (2017) nghiên cứu cho Mỹ và châu Âu đã thấy rằng giá dầu thực tăng 10% chỉ làm tăng lạm phát cơ bản ít hơn 0,1% dù hiệu ứng này duy trì tới 4 năm sau cú sốc. Tác động vòng 2 từ giá dầu tới lạm phát tại các quốc gia đang phát triển dường như lớn hơn. Mija và cộng sự (2013) tại NHTW Moldova đã phát hiện thấy, giá dầu giảm 0,7% sẽ giúp làm giảm 0,33% lạm phát cơ bản. Gelos (2012) cũng tìm ra bằng chứng về các đặc điểm kinh tế của các quốc gia đang phát triển như môi trường lạm phát cao, tỷ trọng lương thực cao trong rổ hàng hóa, sự độc lập thấp của NHTW… cũng giúp khuếch đại và làm dai dẳng hơn tác động từ giá hàng hóa quốc tế tới lạm phát trong nước. Xét về cách tiếp cận, hai phương pháp hiện đại và phổ biến nhất gồm việc sử dụng mô hình Vector Autoregression (Hledik (2003), Blanchard và Gali (2007)) hoặc sử dụng mô hình hồi quy đơn phương trình, thường là phương trình về quy tắc Taylor mở rộng (Gelos (2012), Forbes và Gagnon (2021), BIS(2022)). 
 
Áp dụng cho trường hợp Việt Nam, một mô hình quy tắc Taylor mở rộng được xây dựng như sau: 
 
 
Tác động của giá dầu tới lạm phát được đo lường bằng
 
 
Trong đó: πt là lạm phát tổng thể so với cùng kỳ và được giải thích bằng diễn biến lạm phát trong quá khứ πt-i , sự vận động của chu kỳ kinh tế yt-i, sự biến động của tỷ giá REER_devt-i và tác động từ giá dầu thế giới Oil_devt-i . 
 
Sự vận động của chu kỳ kinh tế là một cấu phần không thể thiếu trong quy tắc Taylor và thể hiện áp lực từ phía bên cầu lên lạm phát. Trong quy tắc Taylor tiêu chuẩn, biến số này được biểu hiện bằng chênh lệch sản lượng (sản lượng thực tế so với sản lượng tiềm năng), chênh lệch sản lượng dương sẽ gây ra áp lực lạm phát và ngược lại. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát được thu thập theo tần suất tháng trong khi dữ liệu về sản lượng chỉ được thu thập theo quý nên biến số tổng mức hàng hóa bán lẻ, dịch vụ được sử dụng như một đại diện của sản lượng. Thực tế, xét theo phía cầu, tiêu dùng luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng (trên 60%) và tổng mức hàng hóa bán lẻ cũng được sử dụng như đại diện của sản lượng trong nhiều mô hình mà dữ liệu theo tần suất tháng tại Việt Nam. Ngoài áp lực từ phía cầu, để phản ánh tốt hơn biến động của lạm phát với đặc điểm Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, mô hình có sử dụng biến động của tỷ giá thực hiệu dụng (Real effective exchange rate - REER) để đo lường tác động của lạm phát nhập khẩu tới lạm phát tổng thể. Theo đó, mô hình đã cố gắng mô tả áp lực tỷ giá thông qua cả 3 kênh: Lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát nhập khẩu, phù hợp với đặc điểm của một nền kinh tế nhỏ, có độ mở kinh tế cao. Cuối cùng, biến động giá dầu thế giới được sử dụng để ước lượng tác động của giá dầu tới lạm phát. Mô hình đánh giá tác động từ biến động giá dầu tới lạm phát cơ bản cũng được thiết lập tương tự khi thay lạm phát tổng thể bằng lạm phát cơ bản. 
 
Dữ liệu được sử dụng trong mô hình được tổng hợp trong giai đoạn từ tháng 01/2013 đến tháng 9/2022 để đảm bảo tính cập nhật những diễn biến mới nhất. Một vài nghiên cứu đã cho thấy, trong môi trường lạm phát cao, các ước lượng thường có ý nghĩa giải thích kém hơn do tác động của yếu tố kỳ vọng. Do đó, mô hình lựa chọn giai đoạn kể từ năm 2013 là năm mà lạm phát bắt đầu được kiểm soát tốt. Dữ liệu kinh tế vĩ mô gồm lạm phát và tổng mức hàng hóa bán lẻ được tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, dữ liệu về tỷ giá thực hiệu dụng được tính toán bởi nhóm tác giả trên cơ sở 20 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, dữ liệu về giá dầu được tổng hợp từ nguồn dữ liệu của EIA - Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng của Mỹ. Mô hình sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS) có hiệu chỉnh theo phương pháp HAC Newey-West trong ước lượng ma trận phương sai. Các biến trễ trong mô hình được lựa chọn theo tiêu chí AIC. 
 
Kết quả từ các mô hình cho thấy, tác động từ giá dầu tới lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản lần lượt đạt 0,012 và 0,016 và kéo dài 01 tháng. Nói cách khác, giá dầu thế giới tăng 10% sẽ làm tăng lạm phát tổng thể 0,12% và làm tăng lạm phát cơ bản 0,16%. Hầu hết các hệ số đều có ý nghĩa thống kê và dấu phù hợp với lý thuyết kinh tế. Các mô hình đã được kiểm nghiệm và không phát hiện sự vi phạm các giả thuyết quan trọng (Phụ lục 2). Có thể thấy, các kết quả là bằng chứng của tác động vòng 2 của giá dầu thế giới tới lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản trong nước. Kết quả này cho thấy, tác động vòng 2 từ giá dầu tới lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản tại Việt Nam tương đối lớn nếu so với các quốc gia phát triển. Lý do là vì Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, tỷ trọng các mặt hàng cơ bản trong rổ hàng hóa tiêu dùng như năng lượng, lương thực, thực phẩm vẫn còn lớn nên tác động từ giá xăng dầu trong nước tới hành vi thiết lập giá và tiêu dùng của nền kinh tế sẽ lớn hơn so với các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, dù lớn hơn các quốc gia phát triển nhưng đây là một kết quả tương đối phù hợp và là thành quả của sự kết hợp các chính sách kinh tế vĩ mô: CSTT, chính sách tài khóa và các chính sách về hỗ trợ giá xăng dầu cũng như việc sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế sự biến động của giá dầu thế giới tới giá xăng dầu trong nước.
 
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vấn đề còn có thể gây tranh cãi về những kết quả trên. Thứ nhất, độ dai dẳng của tác động vòng 2 này thấp, chỉ tồn tại 01 tháng sau biến động giá dầu và có những mâu thuẫn nhất định với quan sát thực tế tại Việt Nam. Thứ hai, mô hình hoàn toàn sử dụng các biến số hiện tại và trong quá khứ mà chưa bao gồm cấu phần lạm phát kỳ vọng, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro tới việc kiểm soát lạm phát trong nước. Thứ ba, tác động vòng 2 thông qua vòng xoáy tiền lương - giá cả chưa thực sự được phản ánh trong mô hình này. Nhìn chung, những vấn đề này hoàn toàn có thể được xử lý trong tương lai khi mở rộng mô hình một cách phù hợp theo hướng bổ sung cấu phần về tiền lương và lạm phát kỳ vọng với nguồn dữ liệu chính thức. 
 
4. Hàm ý chính sách
 
Thông qua 2 mô hình được trình bày ở trên, chúng ta có cơ sở để kết luận về sự tồn tại của tác động vòng 2 của giá dầu tới lạm phát trong nước. Trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị trên thế giới, đặc biệt là xung đột quân sự Nga - Ukraine, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn được dự báo tiếp diễn trong thời gian tới, giá dầu và giá nhiều hàng hóa thế giới sẽ tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động mạnh, từ đó gây sức ép lên mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước vốn trở nên rất khó khăn trong năm 2023. Để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, nhóm tác giả nêu một số khuyến nghị sau:
 
Một là, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, thích ứng linh hoạt với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường trong nước, quốc tế nhằm kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Trong đó, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định lãi suất cho vay, khi điều kiện thuận lợi thì giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều hành tỷ giá linh hoạt, kết hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác, đảm bảo phù hợp với điều kiện thị trường, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. NHNN chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân; đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và phát triển.
 
Hai là, cần theo dõi sát diễn biến và dự báo giá cả các mặt hàng quan trọng, đặc biệt là giá dầu, xây dựng các kịch bản giá và lạm phát tương ứng để sẵn sàng có các phản ứng chính sách phù hợp, tránh bị động trong điều hành CSTT.
 
Ba là, NHNN chỉ đạo các TCTD đảm bảo nguồn vốn tín dụng phục vụ cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, sẵn sàng nguồn ngoại tệ đáp ứng các nhu cầu về nhập khẩu xăng dầu, hỗ trợ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thiểu sự lan truyền từ biến động giá dầu thế giới tới giá xăng dầu trong nước và tác động vòng 2 tới lạm phát. 
 
Bốn là, tiếp tục đổi mới hoạt động truyền thông chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm nâng cao tính minh bạch thông tin, đáp ứng yêu cầu đối với hoạt động cung cấp thông tin của NHNN và thực hiện các cam kết quốc tế; bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN để chủ động kịp thời thông tin, truyền thông về các giải pháp điều hành của NHNN. Tăng cường hợp tác trong hoạt động truyền thông, đẩy mạnh xây dựng triển khai các chương trình phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng.
 
Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 dưới mức mục tiêu là khả thi nhưng thách thức trong năm 2023 là rất lớn dưới sức ép từ cả lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát nhập khẩu. Việc đánh giá và lượng hóa, dự báo tác động vòng 2 từ giá dầu tới lạm phát trong nước có thể được sử dụng bên cạnh các công cụ dự báo khác để xây dựng một kịch bản điều hành chi tiết, phù hợp với các biến động của thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu chung kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hiệu quả và bền vững.
 
PHỤ LỤC 1: KẾT QUẢ KIỂM ĐỊNH DẤU HIỆU TÁC ĐỘNG VÒNG 2 CỦA LẠM PHÁT 
 
1. Mô hình sự hoàn nguyên của lạm phát tổng thể 
 
a/ Toàn bộ giai đoạn nghiên cứu
 
Dependent Variable: D_HEADLINE
 
Method: Least Squares
 
Sample (adjusted): 2000M01 2022M09
 
Included observations: 273 after adjustments
 
 
b/ Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2011
 
Dependent Variable: D_HEADLINE
 
Method: Least Squares
 
Sample (adjusted): 2000M01 2011M12
 
Included observations: 144 after adjustments
 
 
c/ Giai đoạn từ năm 2012 đến nay
 
Dependent Variable: D_HEADLINE
 
Method: Least Squares
 
Sample: 2012M01 2022M09
 
Included observations: 129
 
 
2. Mô hình sự hoàn nguyên của lạm phát cơ bản
 
a/ Toàn bộ giai đoạn nghiên cứu 
 
Dependent Variable: D_CORE
 
Method: Least Squares
 
Sample (adjusted): 2000M01 2022M09
 
Included observations: 273 after adjustments
 
 
b/ Giai đoạn từ tháng 01/2001 đến tháng 7/2008
 
Dependent Variable: D_CORE
 
Method: Least Squares
 
Sample: 2001M01 2008M07
 
Included observations: 91
 
 
c/ Giai đoạn từ tháng 02/2009 đến tháng 7/2014 
 
Dependent Variable: D_CORE
 
Method: Least Squares
 
Sample: 2009M02 2014M07
 
Included observations: 66
 
 
d/ Giai đoạn từ tháng 4/2002 đến nay
 
Dependent Variable: D_CORE
 
Method: Least Squares
 
Sample: 2020M04 2022M09
 
Included observations: 30
 

 
PHỤ LỤC 2: KẾT QUẢ MÔ HÌNH ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VÒNG 2 CỦA GIÁ DẦU TỚI LẠM PHÁT VÀ LẠM PHÁT CƠ BẢN
 
1. Mô hình đánh giá tác động vòng 2 của giá dầu tới lạm phát tổng thể
 
a. Kết quả 
 
Dependent Variable: INF_YOY
 
Method: Least Squares
 
Sample: 2013M01 2022M09
 
Included observations: 117
 
 
b. Kiểm định
 
 
2. Mô hình đánh giá tác động vòng 2 của giá dầu tới lạm phát cơ bản

a. Kết quả
 
Dependent Variable: CORE_YOY
 
Method: Least Squares
 
Sample: 2013M01 2022M09
 
Included observations: 117
 

b. Kiểm định
 
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Baba and Lee (2022), “Second-Round Effects of Oil Price Shocks Implications for Europe’s Inflation Outlook”, IMF Working Paper, 9/2022. 
2. Battisni N. et al (2022), “Wage share dynamics and second-round effects on inflation after energy price surges in the 1970s and today”, ECB Economic Bulletin, 5/2022. 
3. Blanchard Olivier and Jordi Gali, 2007, The Macroeconomic Effects of Oil Shocks: Why Are The 2000s So Different From the 1970s? NBER WP 13368. 
4. Borio C. et al (2021), “Second-round effects feature less prominently in inflation dynamics”, BIS Quarterly Review, 9/2021.
5. Cerisola, Martin and Gaston Gelos, 2009, “What Drives Inflation Expectations in Brazil? - An Empirical Analysis,” Applied Economics, May 2009.
6. Chen, Shiu-Sheng, 2009, “Oil Price Pass-Through into Inflation,” Energy Economics, Vol. 31, pp. 126-33. 
7. Choi, Sangyup, Davide Furceri, Prakash Loungani, Saurabh Mishra, Marcos Poplawski-Ribeiro, 2017, Oil Prices and Inflation Dynamics: Evidence from Advanced and Developing Economies, IMF WP/17/196.
8. Clark, T (2001): “Comparing measures of core inflation”, Federal Reserve Bank of Kansas City Economic Review, Vol. 86, No 2, pp 5-31.
9. Conflitti, Cristina and Matteo Luciani, 2017, Oil price pass-through into core inflation, Finance and Economics Discussion Series 2017-085. Washington: Board of Governors of the Federal Reserve System. 
10. Gaston Gelos, Yulia Ustyugova, Inflation responses to commodity price shocks - How and why do countries differentiate? Journal of International Money and Finance, Volume 72, 2017, Pages 28-47.
11. Hledik, Tibor. (2003). Modelling the Second-Round Effects of Supply-Side Shocks on Inflation. Czech National Bank, Research Department, Working Papers.
12. Mija, Simion & Slobozian, Dorin & Cuhal, Radu & Stratan, Alexandru. (2013). How core inflation reacts to the second round effects. Romanian Journal of Economic Forecasting. 16. 98-118.

Đào Minh Thắng, Nguyễn Thùy Linh
Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Thực hiện tăng trưởng xanh - Tiền đề cho phát triển bền vững của Việt Nam
Thực hiện tăng trưởng xanh - Tiền đề cho phát triển bền vững của Việt Nam
12/04/2024 568 lượt xem
Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai, theo đó tăng trưởng xanh với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chính là tiền đề để thực hiện mục tiêu này.
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
10/04/2024 603 lượt xem
Bài viết đề xuất một số khuyến nghị về xây dựng, thực thi chính sách tín dụng liên kết bền vững để góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam...
Thực tiễn triển khai ESG tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Thực tiễn triển khai ESG tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
05/04/2024 915 lượt xem
Nghiên cứu trình bày về tầm quan trọng của ESG (Environmental - môi trường, Social - xã hội, Governance - quản trị) trong quá trình phát triển bền vững của ngân hàng, thực tiễn triển khai các hoạt động về ESG, các kết quả đạt được và thách thức, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai ESG trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Tác động của minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
Tác động của minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
03/04/2024 848 lượt xem
Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu tác động của tính minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR) đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng.
Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
02/04/2024 839 lượt xem
Bài viết dựa trên cơ sở tổng quan về giám sát tài chính, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để rút ra một số bài học và khuyến nghị đối với công tác giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước tại Việt Nam hiện nay.
Kinh nghiệm thực thi chính sách tài chính khí hậu trên thế giới và một số khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm thực thi chính sách tài chính khí hậu trên thế giới và một số khuyến nghị cho Việt Nam
01/04/2024 903 lượt xem
Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đó là việc thiếu nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu, hay còn gọi là tài chính khí hậu...
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/03/2024 996 lượt xem
Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán nội bộ NHNN phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định về kiểm toán nội bộ của Việt Nam, một trong những yêu cầu hiện nay là nghiên cứu, rà soát, ban hành Sổ tay Kiểm toán nội bộ NHNN nhằm tập hợp, hệ thống hóa các quy định chung về kiểm toán nội bộ của NHNN.
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
25/03/2024 1.390 lượt xem
Trong kỉ nguyên số, Chatbot đóng vai trò vô cùng quan trọng và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
22/03/2024 2.074 lượt xem
Trong thị trường kinh tế, giao dịch phái sinh là một dạng hợp đồng dựa trên giá trị các loại tài sản cơ sở khác nhau như hàng hóa, chỉ số, lãi suất hay cổ phiếu (giấy tờ có giá).
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
11/03/2024 2.447 lượt xem
Hiện nay, quyết liệt chuyển đổi số, tạo dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, tạo ra nền tảng phát triển bán lẻ, tăng doanh thu dịch vụ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng là xu hướng chủ đạo của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
07/03/2024 3.197 lượt xem
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Song, những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài của nền kinh tế làm cho nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là có thể.
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
07/03/2024 2.326 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia; thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 05 - 11/3/2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Vai trò, tầm quan trọng của ESG trong phát triển bền vững tại ngân hàng thương mại Việt Nam
Vai trò, tầm quan trọng của ESG trong phát triển bền vững tại ngân hàng thương mại Việt Nam
05/03/2024 4.034 lượt xem
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đang dần chú trọng hơn đến sự phát triển bền vững như một hướng đi quan trọng trong hoạt động kinh doanh.
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
21/02/2024 2.818 lượt xem
Mô hình Ba Nhà là một mô hình nổi tiếng nêu bật sự gắn liền chặt chẽ giữa đào tạo lí thuyết và đào tạo thực tế, thông qua mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và chính phủ với tiềm năng đổi mới và phát triển kinh tế trong một xã hội tri thức.
Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
20/02/2024 3.356 lượt xem
Chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, là ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.600

83.800

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.600

83.800

Vàng SJC 5c

81.600

83.820

Vàng nhẫn 9999

74.600

76.500

Vàng nữ trang 9999

74.500

75.800


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,840 25,210 25,979 27,404 30,388 31,680 158.15 167.39
BIDV 24,900 25,210 26,203 27,415 30,548 31,831 158.92 167.39
VietinBank 24,820 25,240 26,238 27,533 30,851 31,861 159.86 167.81
Agribank 24,830 25,180 26,104 27,377 30,482 31,615 158.96 166.90
Eximbank 24,830 25,220 26,288 27,038 30,716 31,593 160.73 165.32
ACB 24,870 25,250 26,372 27,023 30,957 31,594 160.38 165.49
Sacombank 24,860 25,250 26,466 26,999 31,022 31,540 161.14 166.17
Techcombank 24,887 25,239 26,076 27,427 30,445 31,761 156.36 168.78
LPBank 24,620 25,200 25,957 27,489 30,806 31,749 158.37 169.79
DongA Bank 24,910 25,240 26,310 26,970 30,780 31,600 158.40 165.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?