Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và vấn đề hoàn thiện khung pháp lý về Fintech ở Việt Nam
22/02/2022 4.633 lượt xem
Tóm tắt:
 
Ngày 06/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV năm 2021.
 
Mục tiêu của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường pháp lý thử nghiệm cho các công ty cung ứng giải pháp Fintech, qua đó, giúp cơ quan quản lý định hình được bản chất, quy trình cũng như các rủi ro tiềm ẩn của các loại hình dịch vụ Fintech, từ đó có thể ban hành được khuôn khổ pháp lý, quản lý chính thức cho lĩnh vực này. Thông qua bài viết, nhóm tác giả tập trung phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn quá trình xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech và rút ra một số kết luận trong việc áp dụng cơ chế này đối với Việt Nam trong thời gian tới.
 
Từ khóa: Fintech, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, hoàn thiện pháp luật.
 
Abstract: State Bank of Vietnam, in recent time, has submitted to the Government for the approval of the decree about the Regulatory Sandbox in financial technology (Fintech) in banking. The purpose of this Sandbox has been defined to promote creations, establish the trial legal framework for particularly companies providing Fintech solutions, that could assist authorities in conceiving essence, process as well as risks of Fintech services, a while later, the official legal framework can be issued. In this paper, the authors have focused on analyzing theoretical and practical issues in establishing the Regulatory Sandbox in Fintech, afterward, finalized some conclusions of applying this model in Vietnam by coming time.
 
Keywords: Fintech, regulatory sandbox, perfecting law.
 
1. Dẫn nhập
 
Theo Hội đồng Ổn định tài chính - FSB (2017), Finacial Technology - Fintech là “các đổi mới sáng tạo tài chính được thực hiện bởi công nghệ có thể dẫn đến các mô hình kinh doanh, các ứng dụng, quy trình hay sản phẩm mới với các ảnh hưởng quan trọng lên các thị trường và tổ chức tài chính và việc cung ứng các dịch vụ tài chính”. Hiểu theo nghĩa đơn giản hơn, Fintech được hiểu là “một ngành công nghiệp tài chính mới áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính” (Schueffel, Patrick, 2017).
 

 
Có thể thấy, Fintech là một trong những sản phẩm mang tính tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Làn sóng Fintech đang dần chiếm xu hướng chủ đạo, làm thay đổi diện mạo của tất cả các hoạt động tài chính trên thị trường những năm trở lại đây. Bất chấp những mối liên kết chặt chẽ đã được hình thành trên nền tảng của nền tài chính hiện đại, những công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn không ngừng nỗ lực để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, xóa bỏ những liên kết tài chính hiện hữu để tách ra thành những khu vực tài chính mới.
 
Không đứng ngoài cuộc đua công nghệ này, Việt Nam - quốc gia có dân số trẻ cộng với số lượng dân số sử dụng Smartphone là 61,3 triệu người (Statista, 2020) đã tạo nên dữ liệu khách hàng khổng lồ, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech. Trong những năm trở lại đây, cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Fintech. Theo Báo cáo Fintech Việt Nam 2020 của Fintech News Singapore: “Số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng hơn ba lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới 123 công ty ở thời điểm năm 2020. Các công ty này hoạt động trên nhiều lĩnh vực, mặc dù thanh toán vẫn là phân khúc thống trị với các công ty trong lĩnh vực đại diện cho 30% tổng số Fintech tại Việt Nam”. Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới của đại dịch Covid-19, số lượng công ty khởi nghiệp Fintech vẫn tăng gần 300% so với năm 2016 và hơn 179% so với năm 2017, giá trị giao dịch thị trường cũng tăng gần gấp đôi (7,8 tỷ USD) so với năm này (4,4 tỷ USD) (Innotech Vietnam Corporation, 2021).
 
Dựa trên nghiên cứu 44 thành phố được coi như là “cái nôi” Fintech trên thế giới, được thực hiện và xuất bản bởi Deloitte (2017), cho thấy, 04 nền tảng cơ bản cho sự phát triển hệ sinh thái Fintech gồm có: Nhu cầu của thị trường; khả năng tiếp cận vốn; nhân tài; hoạch định chính sách. Bên cạnh những bước phát triển nhanh chóng, không thể phủ nhận rằng Fintech trên thế giới còn tồn tại nhiều thách thức mà các doanh nghiệp và chính phủ phải vượt qua. Một trong những vấn đề đầu tiên và tiên quyết đó là khung pháp lý đối với hoạt động Fintech. Theo đó, quan điểm xây dựng khung pháp lý điều chỉnh đối với hoạt động Fintech tại các quốc gia trên thế giới là tương đối giống nhau khi “các chính sách, quy định pháp luật nhằm điều chỉnh Fintech cần đặt ra ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, đảm bảo các công ty sáng tạo có thể cạnh tranh và phát triển trên cơ sở đảm bảo cho người tiêu dùng luôn được sự bảo vệ của pháp luật” (Baker McKenzie, 2017).
 
Theo World Bank (2020), các cấp độ hoặc các biện pháp trong việc tiếp cận Fintech được phân chia thành: (1) Chờ đợi và theo dõi (Wait and See); (2) Thử nghiệm và học hỏi (Test and Learn); (3) Công cụ quản lý phát triển (Innovation Facilitators)1; và (4) Quy định cải cách mới (New Regulatory Reform). Trong các lựa chọn chính sách tiếp cận quản lý Fintech, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới chọn cấp độ 3 và 4, tập trung nhiều ở cấp độ 3. Theo đó, ở cấp độ 3, các công cụ quản lý phát triển có thể bao gồm: Trung tâm đổi mới; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; quy định hỗ trợ tăng tốc phát triển hoặc phòng thí nghiệm điều tiết (Regulatory Accelerators or Regtech Labs). Nhìn chung, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đang là lựa chọn ưu tiên với hàm ý là tạo dựng các quy định quản lý thử nghiệm cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong các lĩnh vực Fintech mà khung pháp lý hiện hành chưa có quy định điều chỉnh. Ứng với thực tế lập pháp hiện nay, Việt Nam đã bước đầu có những hoạt động trong quá trình xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech. 
 
2. Khái quát về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech
 
Trong lịch sử, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát lần đầu được áp dụng ở Anh vào năm 2015. Cơ quan Quản lý tài chính Vương quốc Anh (FCA) là tổ chức đi đầu đã áp dụng các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để quản lý hoạt động Fintech và đang ngày càng được các quốc gia phát triển áp dụng để xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động Fintech hiện nay.
 
Theo World Bank (2020), kể từ năm 2016 đến tháng 11/2020 đã có tổng cộng 73 cơ chế thử nghiệm có liên quan đến Fintech được công bố ở 57 quốc gia. Hơn một nửa trong số các cơ chế thử nghiệm này được tạo ra từ năm 2018 đến năm 2019 và 1/5 được thiết lập chỉ trong nửa đầu năm 2020, cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng trên toàn thế giới trong việc sử dụng các cơ chế thử nghiệm để thử nghiệm các đổi mới sáng tạo và quy định Fintech. 52 cơ chế thử nghiệm (khoảng 70%) đã được áp dụng ở các nước mới nổi và đang phát triển; phần còn lại là ở các nước phát triển. Một số quốc gia đã tạo ra nhiều hơn một cơ chế liên quan đến Fintech, như Hoa Kỳ (5), Thái Lan (5), Ấn Độ (3), Brazil (2), Indonesia (2), Singapore (2)... điều này phản ánh các ưu tiên và nguồn lực khác nhau của các cơ quan quản lý tài chính. Số lượng cơ chế thử nghiệm liên quan đến Fintech cao nhất đã được tạo ra ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tại khu vực Đông Nam Á, đã có 04 quốc gia xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đó là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia (World Bank, 2020).
 
Về định nghĩa, hiện nay một số tổ chức như FCA, WB, IMF, OECD... đưa ra nhiều nghiên cứu và khuyến nghị về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech nhưng chưa có một định nghĩa thống nhất nào được chấp nhận rộng rãi về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
 
Ở một nghĩa đơn giản, có thể hiểu: Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là một khuôn khổ thể chế thử nghiệm có thể nằm ngoài khung chính sách hiện hành với những hỗ trợ tùy chỉnh riêng biệt cho các đối tượng thử nghiệm. Cơ chế này do cơ quan quản lý nhà nước thiết lập, giám sát và quản lý chặt chẽ để các đối tượng tiến hành thử nghiệm trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới và nhiều tiềm năng trong những giới hạn nhất định về thời gian, không gian và phạm vi hoạt động.
 
Về bản chất, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là một cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc thiết lập một môi trường thực (live environment) để thử nghiệm các giải pháp Fintech với khách hàng thật nhưng chịu giới hạn, ràng buộc về không gian (như hạn mức giao dịch, lượng người dùng...), thời gian (từ 1 - 2 năm), không gian địa lý và phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý về tài chính - tiền tệ. Việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát thường hướng tới một số mục đích chính: (i) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính; (ii) Tăng cường hiệu quả và ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng; và (iii) Mở rộng phổ cập tài chính cho nhóm đối tượng không có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính (unbanked) và/hoặc đối tượng gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính (underbanked) (Ngô Văn Đức, 2021).  
 
Sự hình thành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát bắt nguồn từ lý do Fintech liên quan đến nhiều hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng với nhiều yêu cầu khắt khe hơn của các quy định pháp luật. Với những thay đổi liên tục của các Fintech, các quy định hiện hành này sẽ không phù hợp và là rào cản để chặn đứng hoặc kìm hãm sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới. Mặc dù Nhà nước có những khuyến khích rõ ràng đối với sự mở rộng của Fintech, tuy nhiên, để có thể yêu cầu cơ quan lập pháp xây dựng ngay các quy định dành cho mô hình kinh doanh mới này là điều bất khả thi, từ đó, tạo ra những khoảng trống mà các quy định pháp luật chưa thể kiểm soát được. Điều này sẽ tạo ra những rủi ro tiềm ẩn với tất cả các bên liên quan từ các công ty Fintech, người tiêu dùng, các nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước.
 
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (2021): “Để giải quyết mâu thuẫn này thì cơ chế thử nghiệm là một giải pháp. Nguyên lý cơ bản của cơ chế này là Nhà nước tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cần kiểm soát các nguy cơ gây ảnh hưởng đến lợi ích công cộng. Do đó, thay vì cơ quan Nhà nước đưa ra các quy định, các biện pháp bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện để bảo vệ lợi ích công cộng, thì chính các doanh nghiệp đề xuất các biện pháp này”. Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xây dựng cơ chế kiểm soát trên cơ sở đề án xin tham gia thử nghiệm của doanh nghiệp gửi tới cơ quan quản lý.
 
Trong khuôn khổ cơ chế thử nghiệm đã được ban hành trên thế giới, việc thử nghiệm của các công ty Fintech thường có giới hạn về số lượng khách hàng được thử nghiệm; thời gian thử nghiệm tối đa; cơ chế quản lý để theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả của giải pháp. Các tiêu chí lựa chọn được sử dụng để xác định công ty cung ứng giải pháp Fintech nào được tham gia thử nghiệm và các quy tắc họ cần phải tuân thủ khi được cơ quan quản lý phê duyệt, thông thường bao gồm: Phạm vi dịch vụ, đối tượng thử nghiệm dịch vụ, điều kiện được tham gia thử nghiệm, thời gian thử nghiệm, biện pháp quản lý rủi ro, kết quả thử nghiệm dự kiến... (NHNN, 2020).
 
Điểm nổi bật của cách tiếp cận này là các cơ quan quản lý đã tạo ra một cơ chế kiểm soát mà trong đó nhấn mạnh sự tương tác giữa cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp làm hạt nhân để phát triển. Bằng cơ chế này, cơ quan quản lý sẽ liên tục cung cấp thông tin và giải thích các chính sách về các quy định pháp lý đang được xây dựng và hướng dẫn các công ty về tác động của những quy định mới theo kế hoạch của họ, đồng thời tiếp tục để các công ty có đủ điều kiện tham gia thử nghiệm các quy định và mô hình mới trong môi trường thực tế được kiểm soát này. Thông tin phản hồi nhận về trong quá trình thử nghiệm từ các công ty sẽ cho thấy được những thành tựu, hạn chế của khung pháp lý hiện tại và những rủi ro sẽ phải đối mặt của những mô hình được thử nghiệm.
 
Một số lợi ích cơ bản trong việc xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các nhóm đối tượng có liên quan:
 
Một là, đối với cơ quan quản lý Nhà nước: Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát giúp phát triển một khung pháp lý “thông minh” và thân thiện với Fintech, đồng thời không làm mất đi các tiêu chuẩn cơ bản đã tồn tại trong các quy định của pháp luật như bảo vệ người tiêu dùng và môi trường. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ giúp các cơ quan quản lý tham gia vào cải cách quy định pháp luật hiện hành và gia tăng uy tín cũng như “sự thân thiện” của cơ quan quản lý Nhà nước với thị trường. 
 
Hai là, đối với doanh nghiệp Fintech tham gia cơ chế thử nghiệm: Cơ chế thử nghiệm cho phép giảm các rào cản gia nhập đối với các doanh nghiệp có sản phẩm mới để thúc đẩy việc gia nhập thị trường nhanh hơn, hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn. Việc đưa được sản phẩm, dịch vụ ra thị trường sớm hoặc thị trường mới để trở thành doanh nghiệp dẫn đầu là rất quan trọng, bởi chúng không chỉ có cơ hội phát triển ở thị trường trong nước mà còn là bước đệm để thâm nhập nhanh chóng vào thị trường nước ngoài. Ngoài ra, sau một thời gian áp dụng cơ chế thử nghiệm với những tín hiệu tốt, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng cao, điều này sẽ giúp gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư, giúp các doanh nghiệp có thể tăng khả năng tiếp cận các nguồn đầu tư hay tài trợ từ bên ngoài. Cuối cùng, cơ chế thử nghiệm có thể kích thích được các công ty mở rộng quan hệ đối tác trong lĩnh vực liên quan hoặc trong hệ sinh thái.
 
Bên cạnh những lợi ích đạt được, không thể không nhắc tới những rủi ro có thể xảy ra đối với việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech:
 
Thứ nhất, việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực: Xét về khía cạnh kinh tế, đôi khi các cơ quan quản lý có thể đưa ra các biện pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tạo động lực phát triển hoạt động kinh tế và tài chính thay vì xây dựng một cơ chế thử nghiệm đòi hỏi sự tập trung của tất cả những nguồn lực. Bên cạnh đó, vì các hoạt động đều mang tính mới, có thể phát sinh các chi phí không lường trước và trách nhiệm pháp lý do tác động tiêu cực có thể nảy sinh của các thử nghiệm. Các cơ quan quản lý cũng không thể lường trước được hết các yếu tố mới phát sinh nên khó thiết lập và thực thi các biện pháp bảo vệ hiệu quả cho khách hàng và những người tham gia thị trường với những vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh trong quá trình thử nghiệm.
 
Thứ hai, đối với nhận thức xã hội: Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát có thể tạo ra sự không công bằng nếu các tiêu chí lựa chọn người tham gia được xác định một cách mơ hồ hoặc thiếu minh bạch. Trong nhiều trường hợp, tạo ra nhận thức rằng cơ chế thử nghiệm là cánh cửa đầu vào duy nhất cho đổi mới sáng tạo bằng cách chỉ cho một nhóm hạn chế hưởng lợi từ cơ chế này. Cơ chế thử nghiệm cũng tạo ra nhận thức trong xã hội rằng các doanh nghiệp hoặc các sản phẩm, dịch vụ Fintech sau quá trình thử nghiệm sẽ không còn có rủi ro hoặc sẽ không có rủi ro khi được đưa ra thị trường lớn và được cơ quan có thẩm quyền đảm bảo. Những rủi ro trên cũng có thể gây tổn hại đến uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước.
 
Tóm lại, mục tiêu của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường pháp lý thử nghiệm cho các công ty cung ứng giải pháp Fintech, qua đó, giúp cơ quan quản lý định hình được bản chất, quy trình cũng như các rủi ro tiềm ẩn của các loại hình dịch vụ Fintech, từ đó có thể ban hành được khuôn khổ pháp lý, quản lý chính thức cho lĩnh vực này. Tuy tiềm ẩn một số rủi ro nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà cơ chế này mang lại cho toàn xã hội.
 
3. Thực trạng khung pháp lý về hoạt động Fintech ở Việt Nam
 
Trước xu thế phát triển mạnh mẽ và tất yếu của Fintech, Việt Nam đã triển khai một loạt các kế hoạch phát triển như: “Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020” (ban hành theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ); “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” (ban hành theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ); “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (ban hành theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (ban hành theo Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ)... Những động thái này đã giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các định chế tài chính, các nhà đầu tư cũng như công chúng có thêm hiểu biết về Fintech, tạo tiền đề phát triển cho lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.
 
Ở Việt Nam, về cơ bản, khung pháp lý về Fintech hiện nay là chưa đầy đủ và đồng bộ với các hoạt động Fintech trên thực tế. Các văn bản pháp lý điều chỉnh về lĩnh vực này nằm rải rác trong các văn bản như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/3/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động Ngân hàng, Thông tư số 18/2018/TT-NHNN ngày 21/8/2018 của Thống đốc NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng... Nhìn chung, các quy định pháp luật hiện nay chỉ đáp ứng một phần cho lĩnh vực Fintech trong các hoạt động của ngân hàng, chưa đề cập đến các lĩnh vực khác đang trở thành xu hướng của Fintech thế giới như: Hoạt động tín dụng, huy động vốn, tiền mã hóa... Cụ thể, các quy định về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech là chưa rõ ràng.
 
Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, sản phẩm tài chính và bảo vệ thông tin cá nhân về mặt định hướng, nguyên tắc đã có nhưng chưa cụ thể hóa. Bảo vệ dữ liệu cá nhân nói chung và bảo vệ thông tin người tiêu dùng nói riêng đã được pháp luật Việt Nam quy định và theo sát tiêu chuẩn quốc tế tại nhiều văn bản khác nhau như Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Tuy nhiên, có những nội dung chưa được làm rõ về đặc thù hoạt động của môi trường Fintech, dẫn đến việc tuân thủ quy định của các tổ chức ngoài ngân hàng còn lỏng lẻo, chưa xử lý được triệt để các thủ đoạn lợi dụng pháp luật và khó khăn trong phát hiện các trường hợp vi phạm.  
 
Việc tồn tại một khung pháp lý chưa hoàn chỉnh về quản lý Fintech trở thành một rào cản rất lớn đối với sự phát triển của Fintech tại Việt Nam khi gây ra tâm lý e ngại của những cá nhân, tổ chức khởi nghiệp, các nhà đầu tư trong, ngoài nước và công chúng. Những hạn chế, bất cập trong khung pháp lý về Fintech tại Việt Nam cũng dễ hiểu khi Fintech là lĩnh vực không ngừng đổi mới, sáng tạo nên xây dựng các quy định pháp luật thường sẽ không thể theo kịp so với sự vận động của thị trường.
 
Hiện nay, NHNN đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, đang trong quá trình tiếp nhận ý kiến đóng góp của các bên liên quan. NHNN cũng đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu một số lĩnh vực trọng tâm của Fintech, bao gồm: Công nghệ Blockchain/sổ cái phân tán (DLT); cho vay ngang hàng (P2P Lending); giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (e-KYC) dựa trên việc học hỏi, nghiên cứu các trường hợp điển hình trên thế giới. Đồng thời, NHNN đã có những bước tiến chủ động trong việc bổ sung, sửa đổi khuôn khổ pháp lý hiện hành để tháo gỡ các khúc mắc trong hoạt động của Fintech, bao gồm: Cho phép các tổ chức tín dụng tùy chọn phương án công nghệ để định danh khách hàng từ xa; phối hợp với Bộ Công an để kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ xác thực khách hàng qua phương tiện điện tử; ban hành tiêu chuẩn đặc tả kỹ  thuật về QR Code; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiền ảo, tiền điện tử, thanh toán trực tuyến, hoạt động đại lý thanh toán...
 
Ở khía cạnh thực thi pháp luật, một vấn đề dễ nhận thấy là việc cập nhật công nghệ còn chưa đồng bộ giữa các tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung cũng như giữa các tổ chức tài chính - ngân hàng nói riêng và ngay cả trong hệ thống tài chính, ngân hàng. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn hơn cho các Fintech khi muốn tận dụng hay phối hợp với các tổ chức tài chính để cung cấp sản phẩm dịch vụ. Theo báo cáo của Ciso (2019) thì mức độ áp dụng công nghệ và cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam hiện chỉ xếp thứ 79 và 93 của thế giới. Môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn xếp hạng thấp với thứ bậc 70/190 nền kinh tế thế giới. 
 
Nhìn chung, hệ sinh thái Fintech Việt Nam đang ở giai đoạn đầu hình thành và còn rất non trẻ. Với những điều kiện hiện tại, để thúc đẩy được sự phát triển của hệ sinh thái này rất cần những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ và thực chất của Nhà nước, trong đó, những cải thiện về khung pháp lý là một nhu cầu cấp bách đặt ra trong thời gian tới.
 
4. Một số kiến nghị, giải pháp 
 
Từ việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech cũng như thực trạng khung pháp lý về Fintech ở Việt Nam, nhóm tác giả xin đưa ra một số kiến nghị, giải pháp như sau:
 
Thứ nhất, NHNN sớm hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
 
Đây là một vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay do Quốc hội và Chính phủ đã xác định hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Fintech là một ưu tiên của trong giai đoạn hiện nay.
 
Thứ hai, trong trung và dài hạn, trên cơ sở cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech, cần xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh đối với Fintech bao trùm các quy định cụ thể về hoạt động dịch vụ Fintech và các quy định khác có liên quan. 
Các nội dung quan trọng nhất mà khung pháp lý về Fintech ở Việt Nam cần tập trung là:
 
Một là, quy định về mô hình kinh doanh của Fintech: Pháp luật cần có những quy định về các nội dung chính sau: (i) Điều kiện thành lập và hoạt động doanh nghiệp Fintech (điều kiện về cấp phép hoạt động, điều kiện về tài chính, tiêu chuẩn đối với các sáng lập viên, người quản lý doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp...); (ii) Quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp Fintech; (iii) Mô hình hoạt động của các doanh nghiệp Fintech...
 
Hai là, quy định về các sản phẩm, dịch vụ Fintech: Cần định danh các sản phẩm, dịch vụ Fintech với những quy định về thông tin miêu tả chi tiết sản phẩm, dịch vụ; bản chất của sản phẩm, dịch vụ; các tiêu chuẩn đối với từng sản phẩm, dịch vụ Fintech để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp. Bên cạnh những sản phẩm, dịch vụ đã có sẵn ở Việt Nam, các quy định pháp luật cần mang tính dự đoán xu hướng trên thế giới như: Công nghệ Blockchain, eKYC hay QR Code trong các lĩnh vực tài chính như: bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng... 
 
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan khi là một trong các quốc gia đi đầu trong việc xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát về thanh toán mã QR từ năm 2017. Với sự tham gia thử nghiệm của 06 tổ chức Fintech, mã QR hiện đã trở nên phổ biến ở Thái Lan. Theo Pisei, Hin (2019), đến cuối năm 2019, đăng ký PromptPay đã đạt 49,7 triệu và hơn 3,7 triệu người bán chấp nhận thanh toán QR PromptPay (so với 140.000 người bán chấp nhận thẻ với 480.000 thiết bị POS truyền thống). Kết quả của cơ chế thử nghiệm cũng giúp phát triển thanh toán QR xuyên biên giới, hiện có sẵn trong một số nước ASEAN. Các ngân hàng Thái Lan đã hợp tác với các ngân hàng nước ngoài - ví dụ, Krungsri với MUFG ở Nhật Bản, cho phép khách hàng Thái Lan sử dụng hệ thống QR Thái Lan của họ tại các cửa hàng nước ngoài (Krungsri, 2018). Ngoài ra, Ngân hàng Thái Lan và Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã ký kết một Biên bản ghi nhớ vào năm 2019 để tạo ra một hệ thống QR Campuchia - Thái Lan.
 
Ở Malaysia, Ngân hàng Negara đã đưa ra một cơ chế thử nghiệm tập trung cho công nghệ eKYC, được xuất phát từ các quy định về thông tin cá nhân đã có sẵn. Với cơ chế này, đã có 02 công ty và 07 ngân hàng tham gia, trong đó, MoneyMatch là công ty chuyển tiền quốc tế đã sử dụng công nghệ AI để xác minh định danh khách hàng và dựa vào cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để đánh giá tính hiệu quả của công nghệ này. Đến tháng 6/2019, qua đánh giá cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, MoneyMatch đã nhận được chứng nhận về việc triển khai và ứng dụng eKYC trên thị trường Malaysia (Wechsler, Perlman and Gurung, 2018). Một ứng dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát khác trong lĩnh vực đang rất được quan tâm cùng với sự xuất hiện của tiền ảo Bitcoin, đó chính là cơ chế thử nghiệm sản phẩm công nghệ Blockchain của ngân hàng Lithuania, ra đời từ tháng 02/2020 với tên gọi LBChain. Các công ty Fintech, bao gồm 06 công ty tại 03 quốc gia khác nhau tham gia thử nghiệm, đã nhận được sự tư vấn pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật và ứng dụng, đánh giá sản phẩm của mình trong cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với rất nhiều các hoạt động tài chính khác nhau. 
 
Ba là, quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với Fintech: Đảm bảo có các quy định về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ tiếp cận vốn, ưu đãi về chính sách thuế cho các công ty Fintech... Ví dụ như học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác: Tại Trung Quốc, Fintech được tính thuế ở mức 15% so với mức bình thường là 25%. Tại Malaysia, miễn thuế cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận các nguồn tài trợ, được huấn luyện và cố vấn, tạo điều kiện cho chi phí hoạt động thấp, xây dựng môi trường thân thiện và ổn định, tạo quyền tự do cho các công ty nước ngoài đầu tư. Tại Thái Lan, vào tháng 02/2017, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 05 năm cho các doanh nghiệp mới thành lập khi đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định... (Baker McKenzie, 2017).
 
Bốn là, quy định về quản lý, giám sát đối với Fintech: Quy định rõ các cơ quan có thẩm quyền quản lý, giám sát đối với hoạt động Fintech, cũng như xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý giám sát tài chính thuộc các lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm để phát hiện rủi ro hiện hữu và tiềm ẩn. Tại một số quốc gia, chính phủ có thể quy định cấm một vài hoạt động trong lĩnh vực Fintech, trong khi một số quốc gia thì lại có những phương pháp quản lý khác. Ví dụ: Theo Montaigne (2021), Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định cấm việc phát hành và kinh doanh các loại tiền kỹ thuật số không chính thức cũng như việc thành lập và vận hành các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số. Đối với các hoạt động tài chính khác, quốc gia này tăng cường quản lý và kiểm tra giám sát các doanh nghiệp và các nền tảng Internet lớn bằng cách quy định các điều kiện cơ bản để cung ứng dịch vụ, bảo mật thông tin, ứng dụng kỹ thuật... Trong khi đó, theo Ravi Menon (2016), tại Singapore, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) lại không đưa ra các lệnh cấm hoàn toàn các hoạt động Fintech kể cả trao đổi tiền điện tử, mà cơ quan này hướng đến việc đảm bảo giám sát các hoạt động Fintech theo đúng quy định của pháp luật và cung cấp đầy đủ thông tin cho các chủ thể liên quan. Với một số lĩnh vực nhạy cảm như tiền ảo, MAS đưa ra thông tin khuyến cáo, xác định đây là một sản phẩm không được quản lý nên khi đầu tư, các nhà đầu tư cần nhận biết về rủi ro liên quan đến nó. Qua những thực tế chính sách tại các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có thể áp dụng cho cơ chế thử nghiệm một cách phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.
 
Năm là, quy định về các vấn đề liên quan khác: Cần ban hành thống nhất các quy định pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng; phòng, chống rửa tiền; bảo mật thông tin cá nhân; quy định về trách nhiệm công bố thông tin, trách nhiệm về báo cáo đối với giao dịch liên quan. Đây là các quy định cần thiết để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động này, đảm bảo sự phát triển bền vững của Fintech trong nền kinh tế.
 
Thông qua việc áp dụng các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát một cách hợp lý, từ đó dần tạo dựng một khung pháp lý về Fintech rõ ràng, vấn đề tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa mục tiêu đảm bảo ổn định hệ thống tài chính và khuyến khích các sáng tạo mang tính đột phá có thể được giải quyết trong thời gian tới ở Việt Nam.
 
1 Các công cụ quản lý phát triển (Innovation Facilitators) có thể bao gồm: Trung tâm đổi mới (Innovation Hubs); cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandboxes) và quy định hỗ trợ tăng tốc phát triển hoặc Phòng thí nghiệm điều tiết (Regulatory Accelerators or Regtech Labs). Nguồn: World Bank (2020), How Regulators Respond to Fintech, p.38 - 39.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Baker McKenzie (2017), International Comparative Fintech Overview & Clipford Chance, The Fintech Market in Asia Pasific  - An Overview.
 
2. CISCO (2019), Digital Readiness Index and Report 2019.
 
3. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2018), Fintech - Làn sóng công nghệ làm thay đổi tài chính thế giới.
 
4. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (2020), Cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox): Từ lý thuyết đến thực tiễn áp dụng trên thế giới.
 
5. Deloitte (2017), A tale of 44 cities - Connecting Global FinTech: Interim Hub Review. 
 
6. Ngô Văn Đức (2021), Thông lệ ứng xử đối với lĩnh vực Fintech trên thế giới và phương thức tiếp cận pháp lý phù hợp với Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Vai trò của ngân hàng trong xây dựng hệ sinh thái Fintech, Tr. 53 - 61.
 
7. Fintech News Malaysia, 2018, Malaysian Fintech Startups are Well-Positioned for Regional Expansion, https://fintechnews.my/17548/regtech-fintech-regulation-malaysia/ekyc-malaysia/, truy cập 01/12/2021.
 
8. Fintech Singapore (2021), Vienam Fintech Report 2020.
 
9. FSB (2017), Các vấn đề đặt ra cho ổn định tài chính từ Fintech.
 
10. Innotech Viet Nam Corporation (2021), Tổng quan về báo cáo Fintech Việt Nam 2020, https://innotech-vn.com/tong-quan-ve-bao-cao-fintech-viet-nam-2020/, truy cập ngày 29/11/2021.
 
11. Institut Montaigne (2021), China’s Fintech: The End of the Wild West, Policy paper.
 
12. Krungsri (2019), “Krungsri-MUFG Team up to Drive Thai Financial Landscape Toward Global Arena; Launching Thai QR Code Payment in Japan for First Time”, News Release (October 16, 2018).
 
13. Monetary Authority of Singapore (2018), Guidelines on provision of digital advisory services. 
 
14. NHNN (2020), Tờ trình về việc đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng.
 
15. Pan Gongsheng (2021), How China is tackling fintech risk and regulation, https://www.ft.com/content/5209685c-aa8e-4f33-92d0-81f9c7a29b3c, truy cập ngày 08/12/2021.
 
16. Pisei, Hin (2019), “NBC Selects Three Banks for Pilot QR Code”, The PhenomPenh Post (June 18, 2019).
 
17. Ravi Menon (2016), Singapore’s Fintech Journey - Where We Are, What Is Next, Singapore Fintech Festival - Fintech Conference.
 
18. Schueffel, Patrick (2017), Taming the Beast: A Scientific Definition of Fintech, Journal of Innovation Management 4, Pp. 32 - 54.
 
19. Statista (2020), Digital Payments report 2020, https://www.statista.com/study/41122/fintech-report-digital-payments/, 
truy cập ngày 29/11/2021.
 
20. Đan Thanh (2019), Xây dựng khung pháp lý cho Fintech www.daibieunhandan.vn
 
21. VCCI (2020), Công văn góp ý dự thảo đề xuất xây dựng Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm Fintech của VCCI, http://vibonline.com.vn/bao_cao/vcci_gop-y-du-thao-de-xuat-xay-dung-nghi-dinh-quy-dinh-ve-co-che-thu-nghiem-fintech.
 
22. Wechsler, M; Perlman, L; and Gurung, N (2018), The State of Regulatory Sandboxes in Developing Countries, Research for Columbia University in New York.
 
23. Website of Bank of Lithuania, https://www.lb.lt/en/lbchain, truy cập ngày 01/12/2021.
 
24. World Bank (2020), Global Experiences From Regulatory Sandboxes.
 
25. World Bank (2020), How Regulators Respond to Fintech.
 
26. World Bank Group (2020), Digital Financial Services.
 
TS. Phan Đăng Hải
 
ThS. Nguyễn Kim Anh
 
Khoa Luật - Học viện Ngân hàng
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Ổn định tài chính trong bối cảnh lạm phát và rủi ro địa chính trị tăng cao
Ổn định tài chính trong bối cảnh lạm phát và rủi ro địa chính trị tăng cao
23/05/2023 299 lượt xem
Báo cáo cập nhật về ổn định tài chính toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá tình hình tài chính hiện nay trong bối cảnh lạm phát và rủi ro địa chính trị leo thang.
Khó khăn và thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ hiện nay
Khó khăn và thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ hiện nay
22/05/2023 386 lượt xem
Có thể nói, công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) hiện nay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức; đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải rất linh hoạt, chủ động thích ứng, kịp thời tham mưu để đề xuất các giải pháp điều hành nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau khi chịu tác động nghiêm trọng và nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu đã được luật hóa trong Luật NHNN là kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiếp lửa cho đà cải thiện môi trường kinh doanh
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: "Tiếp lửa" cho đà cải thiện môi trường kinh doanh
16/05/2023 601 lượt xem
Với vai trò huyết mạch tiền tệ và thanh toán của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn đi đầu trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia theo định hướng của Chính phủ với 3 trọng tâm đột phá: (i) Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; (ii) Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng, nâng cao độ phủ thông tin tín dụng; (iii) Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh
Điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh
11/05/2023 830 lượt xem
Thời gian qua, kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến kém tích cực do hậu quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, rủi ro bất ổn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine chưa thể kết thúc. Lạm phát vẫn duy trì ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến ngân hàng trung ương (NHTW) các nước giữ lãi suất điều hành ở mức cao và tiếp tục có xu hướng tăng.
Chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng dưới khía cạnh pháp lí - Thực trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện
Chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng dưới khía cạnh pháp lí - Thực trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện
03/05/2023 1.172 lượt xem
Chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là một trong những hoạt động cần thiết bởi điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo sự bình đẳng, trung thực và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, khung pháp lí điều chỉnh về vấn đề này chưa thật sự đầy đủ, thống nhất, do đó đã ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong việc kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng.
Kinh tế Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một số định hướng hoàn thiện
Kinh tế Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một số định hướng hoàn thiện
02/05/2023 1.780 lượt xem
Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới, việc tích cực đẩy mạnh tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào “sân chơi” mới, đưa những sản phẩm của Việt Nam đến gần hơn với thị trường thế giới.
Dự báo lạm phát Việt Nam và một số kiến nghị
Dự báo lạm phát Việt Nam và một số kiến nghị
28/04/2023 1.597 lượt xem
Năm 2022, lạm phát Việt Nam tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra, nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát bình quân 5 năm giai đoạn 2017 - 2021 (2,98%). Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng rất cao so với mức tăng bình quân 5 năm như giao thông, đồ uống, thiết bị đồ dùng gia đình, văn hóa giải trí; một số nhóm hàng giảm giá mạnh, chủ yếu là nhóm hàng thuộc quản lí của Nhà nước như y tế, giáo dục
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
18/04/2023 1.515 lượt xem
Năm 2023, Việt Nam có được những thuận lợi cơ bản từ đà phục hồi kinh tế ấn tượng của năm 2022. Đến nay, Việt Nam có nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới (đạt gần 740 tỉ USD), là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.
Phát hành cam kết bảo lãnh ngân hàng theo ISP98
Phát hành cam kết bảo lãnh ngân hàng theo ISP98
11/04/2023 1.917 lượt xem
Bảo lãnh ngân hàng là một sản phẩm tài chính có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Cùng với bảo lãnh độc lập (demand guarantee), thư tín dụng dự phòng (standby letter of credit) là một hình thức bảo lãnh ngân hàng được sử dụng tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đặc biệt khi có đối tác đến từ Hoa Kì.
Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
30/03/2023 4.328 lượt xem
Là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đang là chủ đề được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Mô hình tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường và khí hậu. Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng xanh cũng đã được triển khai thực hiện trong những năm gần đây và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
30/03/2023 2.479 lượt xem
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1813). Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1813, hoạt động TTKDTM đã đạt được những kết quả tích cực. Thời gian tới, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành trong xây dựng hành lang pháp lí và đẩy nhanh quá trình kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán số, chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Quản lí nhà nước đối với mô hình kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị
Quản lí nhà nước đối với mô hình kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị
29/03/2023 2.345 lượt xem
Phát triển kinh tế tập thể được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng như hiện nay và đây cũng chính là thành phần kinh tế quan trọng bên cạnh kinh tế nhà nước của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể hay mô hình hợp tác xã của nước ta ở thời điểm hiện tại chưa thực sự phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu, chính sách của Nhà nước.
Basel III: Quá trình thực hiện tại Việt Nam và một số khuyến nghị
Basel III: Quá trình thực hiện tại Việt Nam và một số khuyến nghị
27/03/2023 5.577 lượt xem
Hiện nay, bên cạnh Basel II, nhiều ngân hàng Việt Nam cũng đã áp dụng Basel III, IFRS 9. Đây là chuẩn mực quốc tế giúp các ngân hàng nâng cao quản trị rủi ro và cạnh tranh hơn so với các đối thủ cùng Ngành. Bên cạnh đó, điều này cũng góp phần giúp hệ thống tổ chức tín dụng nói chung phát triển hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng Basel III vẫn còn nhiều vướng mắc bởi Hiệp ước này có những yêu cầu cao hơn và khắt khe hơn.
Bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nợ trong giao dịch mua, bán nợ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam
Bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nợ trong giao dịch mua, bán nợ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam
22/03/2023 2.660 lượt xem
Xử lí nợ nhanh chóng và hiệu quả luôn được coi là một trong những mục tiêu cơ bản, quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Có nhiều phương thức khác nhau để TCTD xử lí nợ và trong những năm gần đây, TCTD có xu hướng lựa chọn nhiều hơn việc xử lí nợ thông qua mua, bán nợ với các chủ thể có nhu cầu trên thị trường.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

66.450

67.070

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

66.450

67.050

Vàng SJC 5c

66.450

67.070

Vàng nhẫn 9999

55.750

56.700

Vàng nữ trang 9999

55.600

56.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 23,270 23,640 24,575 25,951 28,261 29,466 163.78 173.39
BIDV 23,320 23,620 24,752 25,940 28,372 29,619 164.31 173.07
VietinBank 23,235 23,655 24,821 25,956 28,606 29,616 164.85 172.8
Agribank 23,270 23,635 24,830 25,832 28,510 29,336 165.92 172.71
Eximbank 23,250 23,630 24,854 25,531 28,548 29,326 165.67 170.18
ACB 23,200 23,700 24,861 25,488 28,689 29,295 165.51 169.86
Sacombank 23,280 23,685 25,018 25,532 28,788 29,304 166.23 171.78
Techcombank 23,310 23,655 24,609 25,935 28,217 29,502 161.45 173.73
LPBank 23,300 23,900 24,794 26,122 28,725 29,665 164.18 175.63
DongA Bank 23,330 23,660 24,880 25,550 28,610 29,320 163.5 170.7
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
4,60
4,60
5,10
5,80
5,80
7,20
7,20
BIDV
0,10
-
-
-
4,90
4,90
5,40
5,80
5,90
7,20
7,20
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
4,60
4,60
5,10
5,80
5,80
7,20
7,20
Cake by VPBank
1,00
-
-
-
6,00
-
6,00
8,90
-
9,00
9,00
ACB
-
0,50
0,50
0,50
4,60
4,70
4,80
6,40
6,60
6,80
6,90
Sacombank
-
-
-
-
5,30
5,40
5,50
7,30
7,40
7,60
7,90
Techcombank
0,10
-
-
-
5,40
5,40
5,40
7,10
7,10
7,10
7,10
LPBank
-
0,20
0,20
0,20
5,00
5,00
5,00
7,30
7,30
7,70
8,00
DongA Bank
1,00
1,00
1,00
1,00
5,50
5,50
5,50
7,90
7,95
8,00
8,30
Agribank
0,30
-
-
-
4,60
4,60
5,10
5,80
5,80
7,20
7,00
Eximbank
0,20
0,50
0,50
0,50
5,50
5,50
5,50
6,30
6,60
7,10
7,50

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?