Chính sách tiền tệ trong bối cảnh Covid-19 ở một số nước phát triển và Việt Nam
14/01/2021 46.460 lượt xem
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đến nay đã lan rộng ra toàn cầu và chưa có dấu hiệu kết thúc. Tác động của dịch bệnh đến kinh tế toàn cầu là vô cùng lớn khi các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý I/2020.
 
Để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế, ngân hàng trung ương (NHTW) các nước đều nhanh chóng đưa ra những chính sách mạnh mẽ, như cắt giảm lãi suất, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, thậm chí là hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù có sự khác nhau về công cụ mà NHTW các nước sử dụng nhưng nhìn chung, chính sách tiền tệ đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
 
1. Giới thiệu
 
Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 là một cú sốc với quy mô và tính chất chưa từng có. Giải pháp chính được thực hiện cho đến nay để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh là phong tỏa và cách ly ở quy mô toàn cầu, điều này đã dẫn đến sự ngưng trệ của các nền kinh tế. Người lao động sụt giảm thu nhập, đặc biệt đối với lao động thời vụ, không có nguồn thu ổn định, làm phía cầu vốn bị sụt giảm nghiêm trọng do các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này làm tăng nguy cơ nợ quá hạn đối với các khoản thế chấp và vay tiêu dùng. Các doanh nghiệp đối mặt với vấn đề suy giảm các hoạt động sản xuất và giảm dòng tiền, nhất là trong các lĩnh vực như ô tô, bán lẻ và du lịch. Những vấn đề về thanh khoản của hộ gia đình và doanh nghiệp, cùng với sự bất ổn ngày càng tăng cao đã tác động tiêu cực đến sự hoạt động của thị trường tài chính.
 
Tác động của dịch bệnh đến thị trường tài chính thế giới hiện nay là vô cùng lớn: Chứng khoán được hỗ trợ bằng tài sản và các khoản thế chấp đã đóng băng ở nhiều quốc gia; Thị trường giấy tờ thương mại đã gặp nhiều khó khăn ở các thị trường như Mỹ, Canada và khu vực sử dụng đồng Euro (nhóm các nước thành viên của Liên minh châu Âu sử dụng đồng Euro làm đơn vị tiền tệ chính thức) do những rủi ro không được thanh toán tăng cao; Thị trường vốn cổ phần (Equity market) gặp nhiều khó khăn, biến động ở hầu hết các loại tài sản; Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đã trải qua một đợt bán tháo mạnh, dẫn đến tăng đột biến lãi suất dài hạn (Schaleighf, Shin và Sushko (2020); Thị trường trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) chịu nhiều áp lực và những chênh lệch chủ quyền lan rộng đáng kể trong khu vực sử dụng đồng Euro. 
 
Với những biến động tiêu cực trên khắp các thị trường tài chính, các NHTW đã phản ứng nhanh chóng và quyết liệt, thực hiện đúng nhiệm vụ và vai trò của họ, để duy trì hoạt động có hiệu quả của thị trường tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ hiệu quả. Bài viết đánh giá phản ứng của NHTW ở một số quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Anh, Canada và khu vực đồng Euro. Bên cạnh đó, đánh giá phản ứng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để thấy sự khác nhau trong việc đối phó với khủng hoảng giữa NHTW nước đang phát triển và NHTW các nước phát triển.

2. Phản ứng của các NHTW ở một số nước phát triển 
 
Phản ứng nhanh chóng và quyết liệt
 
Mục tiêu quan trọng nhất của các NHTW trong giai đoạn hiện nay là ngăn chặn suy giảm kinh tế bằng việc đảm bảo hoạt động xuyên suốt của hệ thống tài chính và tạo điều kiện cho dòng vốn tín dụng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp. 
 
NHTW các nước phát triển đã thực hiện vai trò truyền thống của mình trong khủng hoảng với tư cách là người cho vay cuối cùng đối với lĩnh vực tài chính. Bên cạnh việc hỗ trợ thanh khoản cho khu vực tài chính thì trong cuộc khủng hoảng lần này, các NHTW còn cung cấp thanh khoản cho cả khu vực phi tài chính tư nhân. Từ tháng 3 đến tháng 4/2020, NHTW của các quốc gia phát triển nêu trên đã triển khai toàn bộ các chính sách quản lý khủng hoảng. Các NHTW này đều cung cấp các hoạt động cho vay mới hoặc mở rộng các chương trình mua bán tài sản sẵn có hoặc chương trình mua bán tài sản mới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve System - Fed), NHTW Canada và Ngân hàng Anh (NHTW của Vương quốc Anh) cũng cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, ở quy mô nhỏ hơn, Ngân hàng Trung ương châu Âu (European Central Bank - ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (NHTW của Nhật Bản) thông qua các nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ với các NHTW khác để cung cấp đồng tiền của mình cho các quốc gia khác.
 
Những kinh nghiệm có được từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 (Global Financial Crisis - GFC) đã giúp các NHTW đưa ra các giải pháp nhanh chóng. Các chính sách được thực hiện trong giai đoạn 2007-2015, chỉ mất vài tuần để triển khai ứng phó với đại dịch. Chính sách truyền thống khi có khủng hoảng, chính sách đầu tiên được các NHTW áp dụng là giảm lãi suất chính sách để giảm chi phí vay vốn và hỗ trợ tổng cầu. Ngoại trừ ở Nhật Bản và khu vực đồng Euro, nơi lãi suất chính sách đã thực sự âm và hạ xuống mức thấp nhất chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, nhanh hơn nhiều so với giai đoạn xảy ra GFC.
 
Nghiệp vụ cho vay cũng được các NHTW nhanh chóng thực hiện. Các khoản cho vay ngắn hạn được các NHTW thực hiện nhằm hỗ trợ các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời và để ngăn chặn tình trạng đóng băng thị trường. Fed, NHTW Canada và Ngân hàng Nhật Bản đã tăng số lượng các giao dịch mua lại đồng thời kéo dài thời gian đáo hạn của các giao dịch này. Fed cũng khuyến khích sử dụng cửa sổ chiết khấu và thường xuyên can thiệp để giảm thiểu những khó khăn cho các thành viên chính trên thị trường, bằng cách cung cấp các khoản vay được bảo đảm bằng các trái phiếu có rủi ro thấp. Đối với các quỹ thị trường tiền tệ, Fed cho vay đối với các tổ chức nhận tiền gửi mà tài sản thế chấp là những tài sản mua từ những quỹ này. Ngân hàng Anh và Ngân hàng Canada lần đầu tiên kích hoạt các nghiệp vụ Repo kỳ hạn (Contingent Term Repo Facilities - CTRF) của họ kể từ khi thiết lập vào năm 2014 và 2015.
 
Một đặc điểm cơ bản trong chính sách của NHTW đối phó với khủng hoảng là việc triển khai rộng rãi các biện pháp cho vay dài hạn để hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình và các tập đoàn phi tài chính. Fed, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Anh đã thiết lập các chương trình cho vay có mục tiêu được thiết kế để cung cấp vốn cho các ngân hàng với kỳ hạn phù hợp, có điều kiện mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Fed đã kích hoạt lại nghiệp vụ cho vay có kỳ hạn với chứng khoán có tài sản bảo đảm, nghiệp vụ được sử dụng lần đầu tiên vào cuối năm 2008 để hỗ trợ phát hành chứng khoán bảo đảm bằng tài sản. Trong khu vực đồng Euro, ECB đã tăng quy mô của nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn mục tiêu thêm hai phần ba và giảm chi phí. ECB cũng cung cấp thêm các hoạt động tái cấp vốn dài hạn khẩn cấp đại dịch để cung cấp cho các ngân hàng các khoản tiền dài hạn bất kể mô hình cho vay của họ. Ngân hàng Canada kéo dài thời gian của các nghiệp vụ cho vay Repo lên tới 2 năm.
 
Các chương trình mua tài sản cũng đóng vai trò quan trọng trong các chính sách quản lý khủng hoảng, mặc dù mục tiêu các chương trình của các NHTW là khác nhau. Ở Mỹ, mua tài sản của khu vực công là công cụ để đảm bảo hoạt động trơn tru của thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ và duy trì vai trò trong việc định giá tài sản tài chính. Một mục đích khác của các chương trình mua tài sản là để khôi phục niềm tin và tạo điều kiện cho sự phục hồi tổng cầu khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ. Fed và Ngân hàng Nhật Bản đã công bố chính sách mua trái phiếu chính phủ không giới hạn, trong khi Ngân hàng Canada lần đầu tiên tham gia chương trình mua tài sản. ECB đã mở rộng chương trình mua tài sản hiện tại bằng cách cam kết mua thêm 120 tỷ Euro tài sản tư nhân và tài sản công đến cuối năm 2020. Sau giai đoạn này ECB đưa ra một chương trình mua tài sản tư và công trị giá 1,35 nghìn tỷ Euro với tên gọi là Chương trình mua bán khẩn cấp đại dịch (PEPP). Fed và NHTW Canada cũng lần đầu tiên thực hiện các chương trình mua tài sản phát hành bởi chính quyền địa phương.
Các NHTW trên cũng kích hoạt các chương trình mua tài sản của khu vực tư nhân được thiết kế để hỗ trợ tín dụng trực tiếp cho các công ty phi tài chính. Các NHTW này đều tăng quy mô hoặc thiết lập mới chương trình mua bán trái phiếu thương mại và trái phiếu doanh nghiệp, trong khi ECB bổ sung đối tượng tham gia là các tổ chức thương mại phi tài chính. Fed lần đầu tiên mua trái phiếu đầu tư và sau đó là mua cả trái phiếu bị mất giá một cách trực tiếp hoặc thông qua các quỹ giao dịch (ETF). Ngân hàng Nhật Bản tăng gấp bốn lần mua giấy thương mại và trái phiếu doanh nghiệp, trong khi Ngân hàng Anh tuyên bố rằng ít nhất 10% trong số 200 tỷ bảng thuộc chương trình mua bán tài sản (APF) sẽ được sử dụng để mua trái phiếu.
 
Các biện pháp thanh khoản ngoại hối đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt các căng thẳng trên thị trường ngoại tệ. Tăng nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD, cùng với việc đồng USD tăng giá, khiến thị trường vốn bằng đồng USD chịu áp lực mạnh mẽ (Avdjiev, Eren và McGuire (2020). Fed đã phản ứng bằng cách giảm chi phí và kéo dài thời gian đáo hạn của các chương trình hoán đổi với các NHTW khác. Sau đó, Fed đã thực hiện lại các chương trình hoán đổi với 9 quốc gia khác, là những nước đã tham gia chương trình hoán đổi trong giai đoạn GFC. Một biện pháp khác để giúp các quốc gia gặp khó khăn về đồng USD mà không thuộc đối tượng được tham gia vào nghiệp vụ hoán đổi với Fed là Fed cho phép các quốc gia này vay USD với tài sản thế chấp là trái phiếu kho bạc Mỹ.
 
Cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp phi tài chính
 
Đặc điểm nổi bật trong chính sách của các NHTW đối phó với Covid-19 là sử dụng các giải pháp để cung cấp tín dụng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp phi tài chính. Các chính sách được thực hiện một cách trực tiếp và sâu rộng hơn so với các chính sách thực hiện trong giai đoạn GFC. Trái ngược với giai đoạn GFC, khi các NHTW tập trung hỗ trợ cho lĩnh vực tài chính, thì trong đại dịch Covid-19 lần này, chính sách của các NHTW lại tập trung vào các hộ gia đình và doanh nghiệp. Sự khác biệt này một phần phản ánh bản chất khác nhau của hai cuộc khủng hoảng. GFC tấn công thị trường tài chính trước tiên và sau đó từ từ lan truyền sang khu vực sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin và thắt chặt điều kiện tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Ngược lại, trong đại dịch Covid-19 do các quy định cách ly và phong tỏa, khu vực sản xuất bị tác động đầu tiên, sau đó mới lan truyền sang lĩnh vực tài chính.
 
Trong bối cảnh này, ngoại trừ NHTW Canada, các NHTW khác đều có các chương trình tài trợ cho vay trong đại dịch Covid-19. Fed với chương trình cho vay Main Street đã cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chương trình này sẽ cho các công ty có tình hình tài chính tốt trước khi khủng hoảng xảy ra vay vốn với thời hạn lên đến 4 năm. Lần đầu tiên Fed và NHTW Canada công bố chương trình mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù một số chính sách chưa được thực hiện nhưng số tiền đã thông báo đến cuối năm 2020 lớn hơn nhiều so với giai đoạn GFC. Ngân hàng Nhật Bản đã thông báo mua 20 nghìn tỷ yên giấy tờ thương mại và trái phiếu doanh nghiệp, gấp đôi số tiền đã mua trong GFC, trong khi chương trình tương tự của Ngân hàng Anh lớn hơn khoảng 10 lần. Nhìn chung, các biện pháp được thiết kế để cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân phi tài chính trong đại dịch Covid-19 sẽ làm tăng bảng cân đối của các NHTW lên trung bình khoảng 6,3% GDP, cao hơn nhiều so với khoảng 2,5% trong giai đoạn GFC.
 
Cho vay thanh khoản khẩn cấp đối với các ngân hàng là chức năng cho vay truyền thống của các NHTW, cho đến nay, có quy mô nhỏ hơn so với giai đoạn GFC. Nếu như vào tháng 11/2008, Fed hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng lên đến 5,1% GDP thì ở thời điểm tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, khoản hỗ trợ thanh khoản của Fed chỉ là 2,2% GDP và tiếp tục giảm cho đến nay. Chỉ riêng NHTW Canada, các khoản hỗ trợ thanh khoản tăng lên khoảng 6,4% GDP.
 
Sự phối hợp của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa
 
Tác động mạnh mẽ của đại dịch đối với khu vực sản xuất đã buộc các quốc gia phải thực hiện cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Hai chính sách vĩ mô quan trọng được thực hiện một cách độc lập nhưng bổ trợ lẫn nhau (Alberola, Arslan, Cheng và Moessner 2020). Chính phủ, Bộ Tài chính các nước đã hỗ trợ NHTW thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong một số trường hợp, chính phủ đã hỗ trợ tài chính cho các chính sách mới của NHTW. Kho bạc Mỹ đã hỗ trợ cho các chương trình khác nhau của Fed với tổng số tiền là 454 tỷ USD (195 tỷ USD đã được giải ngân), tương đương 2,1% GDP. Kho bạc Anh cung cấp bảo lãnh 100% khối lượng giấy tờ thương mại được mua bởi Ngân hàng Anh thông qua chương trình tài chính doanh nghiệp Covid (CCFF). Chính phủ cũng mở rộng bảo lãnh cho các khoản vay khu vực phi tài chính tư nhân. Trong một số trường hợp, khi kết hợp với các chính sách mở rộng điều kiện thế chấp, các khoản bảo lãnh này của chính phủ đã gián tiếp hỗ trợ cho các hoạt động cho vay và giúp các NHTW mở rộng cấp tín dụng. Chẳng hạn, bằng cách mở rộng điều kiện thế chấp bao gồm các khoản vay được chính phủ bảo lãnh, ECB cho phép các ngân hàng cung cấp các khoản vay mà trong điều kiện bình thường sẽ không đủ điều kiện để vay vốn. Nhìn chung, bằng cách giải quyết các mối lo ngại về rủi ro tín dụng, chính sách tài khóa đã hỗ trợ cho chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tín dụng cho khu vực phi tài chính tư nhân.
 
Ngược lại, các NHTW lại hỗ trợ gián tiếp cho chính sách tài khóa mở rộng của chính phủ. Cắt giảm lãi suất, cho vay và thực hiện các chương trình mua bán tài sản công đều là những công cụ hỗ trợ cho chính sách tài khóa. Những biện pháp này đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu chính phủ quy mô lớn mà không ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu.
 
3. Chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
 
Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Khi đại dịch xảy ra, nền kinh tế chịu những tác động nặng nề và NHNN đã nhanh chóng có những giải pháp để hỗ trợ thị trường tiền tệ. 
 
Ngày 06/8, NHNN đã giảm thêm một số lãi suất điều hành với mức điều chỉnh 0,2 - 0,5% một năm. Đây là lần thứ ba trong năm 2020, NHNN giảm các loại lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất áp dụng cho tiền gửi dự trữ bắt buộc và vượt dự trữ bắt buộc tiền đồng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 0,5% một năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
 
Bên cạnh việc cắt giảm các mức lãi suất điều hành, NHNN cũng hướng dẫn các ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản cho vay, giảm lãi, và hoãn nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh. Trên cơ sở đó, hệ thống ngân hàng thương mại đã dành khoản tiền 300 nghìn tỷ đồng để cho vay với lãi suất thấp và hỗ trợ 920.000 khách hàng dưới hình thức cơ cấu lại nợ, hoãn, miễn, và giảm lãi suất. Các tổ chức tài chính cũng giảm và miễn các khoản phí.
 
Các công ty bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) để trả lương cho công nhân của họ, những người tạm thời nghỉ việc mà không phải trả lãi. Tổng giá trị khoản vay ước tính là 16,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 0,2% GDP).
 
Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực giảm tiền thưởng và tiền lương, cắt giảm chi phí hoạt động khác, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh kịp thời (bao gồm không trả cổ tức bằng tiền mặt) và sử dụng các nguồn lực tiết kiệm để giảm lãi. NHNN tuyên bố rằng họ sẵn sàng bơm thanh khoản thông qua các cửa sổ tái cấp vốn cho VBSP và các TCTD khác để thực hiện các chương trình của Chính phủ và giúp các TCTD giải quyết nợ xấu. NHNN đã ban hành thông tư tái cấp vốn cho VBSP lên tới 16 nghìn tỷ đồng với lãi suất 0%.
 
Ngay khi đại dịch xảy ra và có dấu hiệu tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ tài chính trị giá 279 nghìn tỷ đồng (3,7% GDP) để hỗ trợ nền kinh tế. Các biện pháp bao gồm trả chậm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và phí thuê đất trong 5 tháng, hoãn trả thuế thu nhập cá nhân đến cuối năm (số tiền thanh toán trả chậm là 180 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,4% GDP). Các biện pháp mới được phê duyệt bao gồm hoãn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước, giảm tiền thuê đất, cắt giảm hoặc miễn các loại phí và lệ phí khác nhau, cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và tăng khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
 
Một số biện pháp khác như: Miễn thuế cho thiết bị y tế; giảm phí đăng ký kinh doanh có hiệu lực từ ngày 25/2 (miễn thuế một năm của các thuế đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp hộ gia đình mới thành lập; miễn thuế đăng ký kinh doanh 3 năm đầu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ); cho phép các công ty và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội (tối đa 12 tháng) mà không bị phạt lãi (tổng đóng góp chậm được ước tính là 9,5 nghìn tỷ đồng hoặc 0,1% GDP). Chính phủ cũng đã thực hiện trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt trị giá 65 nghìn tỷ đồng cho các công nhân và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hơn 10% dân số ước tính sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Chính phủ cũng đang thúc đẩy mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trị giá 686 nghìn tỷ đồng hoặc gần 9% GDP (trong đó 225 nghìn tỷ đồng được thực hiện từ các năm trước).
 
Cho đến nay, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, còn quá sớm để có thể đánh giá được hết những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, với những giải pháp về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức 3,82% trong quý I và 0,36% trong quý II năm 2020. Đây là mức tăng trưởng khá giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát và nhiều nước trên thế giới ghi nhận tăng trưởng âm.
 
4. Kết luận 
 
Có thể thấy, chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh Covid-19 khác với chính sách của NHTW các nước phát triển. Chính sách của NHNN Việt Nam chủ yếu mang tính chất gián tiếp thông qua các công cụ chính sách tiền tệ truyền thống và mang tính chất hành chính như cắt giảm lãi suất chính sách, chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong khi đó, chính sách của NHTW ở các nước phát triển, bên cạnh việc cắt giảm lãi suất chính sách thì nhiều chính sách được thiết kế để cung cấp thanh khoản trực tiếp cho các tổ chức tín dụng hay gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua chấp nhận mua bán trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành.
 
Mặc dù có sự khác nhau về công cụ thực hiện chính sách tiền tệ, nhưng có thể thấy chính sách tiền tệ của các NHTW trên thế giới đang rất có hiệu quả trong việc giúp nền kinh tế chống chọi với những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Alberola, E, Y Arslan, G Cheng and R Moessner (2020): “The differential fiscal response to the coronavirus crisis in advanced and emerging market economies”, BIS Bulletin, forthcoming.
- Avdjiev, S, E Eren and P McGuire (2020): “Dollar funding costs during the Covid-19 crisis through the lens of the FX swap market”, BIS Bulletin, no 1, 1 April.
- Schrimpf, A, H S Shin and V Sushko (2020): “Leverage and margin spirals in fixed income markets during the Covid-19 crisis”, BIS Bulletin, no 2.

TS. Bùi Duy Hưng

Tạp chí Ngân hàng số 16/2020
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
21/03/2024 1.859 lượt xem
Hệ thống hưu trí là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với hai hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí tự nguyện. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp ở các nước trên thế giới rất quan trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
19/03/2024 3.410 lượt xem
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm.
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
07/03/2024 3.358 lượt xem
Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, đặc biệt là xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức và rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
03/03/2024 4.516 lượt xem
Sau gần hai năm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ về gần lạm phát mục tiêu là 2%, trong năm 2024, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
15/02/2024 4.651 lượt xem
Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro.
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
13/02/2024 4.688 lượt xem
Nhìn lại năm 2023, trên khắp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/2023, Mizuho đã hỗ trợ Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tại Tokyo cùng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các định chế tài chính khác.
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
26/01/2024 6.075 lượt xem
Sau những cú sốc mạnh trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2023.
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
15/01/2024 6.531 lượt xem
Chuyển đổi số và sự bùng nổ công nghệ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của khách hàng và hoạt động kinh doanh. Xu hướng thay đổi này dẫn đến quá trình số hóa trong các lĩnh vực như sản xuất, chuỗi cung ứng, tài chính và các dịch vụ phụ trợ khác.
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
05/01/2024 7.399 lượt xem
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ sụp đổ của những ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng, điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính chất dễ đổ vỡ của ngân hàng. Việc một ngân hàng đổ vỡ thể hiện kỉ luật thị trường đối với những ngân hàng có hoạt động kinh doanh thiếu an toàn, lành mạnh nhưng lại tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng và người gửi tiền.
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
21/12/2023 8.594 lượt xem
Sự chuyển dịch nhanh chóng của hệ thống tiền tệ số toàn cầu đã khiến chính phủ các nước có phần lúng túng trong việc thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi chi tiêu và đầu tư của người dân.
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
20/12/2023 8.009 lượt xem
Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bài viết này tóm lược sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước châu Phi trong thời gian hơn một thập kỉ vừa qua và việc Trung Quốc sử dụng lĩnh vực ngân hàng hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
16/11/2023 9.154 lượt xem
Bài viết khái quát quá trình triển khai huy động dòng vốn toàn cầu thông qua tiền mã hóa của Chính phủ Ukraine và Liên bang Nga; từ đó, đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán xuyên biên giới, nguy cơ sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động rửa tiền, khủng bố và đưa ra hàm ý cho Việt Nam.
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
06/11/2023 9.077 lượt xem
Hoạt động huy động vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phương thức này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, hoạt động huy động vốn theo hình thức cổ phần (Equity - based Crowdfunding - ECF) là hình thức gọi vốn được các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất ưa chuộng. Với ECF, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ cộng đồng thông qua một nền tảng trên Internet.
Phát triển ngân hàng hợp kênh: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam
Phát triển ngân hàng hợp kênh: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam
20/10/2023 10.285 lượt xem
Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và việc sử dụng ngày càng nhiều điện thoại thông minh và máy tính bảng, xu hướng hợp kênh đã dần trở nên quan trọng đối với tập hợp đa dạng các dịch vụ ngân hàng. Hoạt động ngân hàng hợp kênh cung cấp đường dẫn đến các dịch vụ tài chính, ngân hàng thông qua nhiều kênh khác nhau (như chi nhánh ngân hàng, ATM, tổng đài điện thoại, eBanking, Internet Banking và Mobile Banking) một cách hợp nhất dựa trên ý tưởng “mọi thứ đều có thể được làm trên mọi kênh”.
Quản trị rủi ro số tại các ngân hàng thương mại: Kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương Đức và một số khuyến nghị
Quản trị rủi ro số tại các ngân hàng thương mại: Kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương Đức và một số khuyến nghị
04/10/2023 14.397 lượt xem
Khi thế giới ngày càng trở nên số hóa và kết nối, cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày một gia tăng, tạo động lực cho các ngân hàng thích ứng và thực hiện chuyển đổi số. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối... đang hỗ trợ và đẩy nhanh tốc độ của quá trình chuyển đổi số, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày một cao của khách hàng.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

78.000

80.000

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

78.000

80.000

Vàng SJC 5c

78.000

80.020

Vàng nhẫn 9999

68.000

69.300

Vàng nữ trang 9999

67.900

68.800


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,550 24,920 26,090 27,522 30,409 31,703 158.80 168.08
BIDV 24,625 24,935 26,276 27,495 30,531 31,832 159.54 168.07
VietinBank 24,512 24,932 26,321 27,616 30,837 31,847 160.42 168.37
Agribank 24,600 24,930 26,213 27,483 30,551 31,684 159.87 167.97
Eximbank 24,520 24,910 26,361 27,131 30,735 31,632 161.25 165.95
ACB 24,570 24,970 26,457 27,114 30,964 31,606 161.07 166.23
Sacombank 24,552 24,947 26,529 27,087 31,020 31,531 161.74 166.78
Techcombank 24,561 24,933 26,174 27,513 30,438 31,764 157.07 169.48
LPBank 24,380 25,100 26,095 27,625 30,866 31,814 159.15 170.67
DongA Bank 24,610 24,960 26,400 27,080 30,780 31,620 159.00 166.10
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?