Bài viết này tập trung đánh giá tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có tác động đến việc thực thi chính sách tiền tệ (CSTT) trong việc thực hiện các mục tiêu đạt ra trong năm 2018 về kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế để thấy được đâu là vấn đề cốt lõi quyết định tính hiệu quả của CSTT.
Năm 2018 tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao, phản ánh tính hiệu quả của dòng vốn tín dụng và sự phát triển cân đối, hợp lý hơn của thị trường tài chính
Mục tiêu điều hành Chính sách tiền tệ năm 2018 được đặt ra là kiểm soát lạm phát ở mức Quốc hội phê duyệt là 4%, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; đảm bảo thanh khoản cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, ổn định thị trường ngoại hối. Tính tới thời điểm này có thể nói, chính sách tiền tệ đã đạt được mục tiêu trong bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới diễn biến không mấy thuận chiều.
1. Kiểm soát lạm phát
Trong năm 2018, yếu tố bất lợi nhất trong điều hành CSTT thực hiện mục tiêu kiểm soát, đó là những diễn biến phức tạp của giá cả thế giới. Do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và bất ổn chính trị ở Trung Đông, khiến mặt hàng lương thực thực phẩm, giá dầu lúc tăng cao, lúc giảm sâu. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng đáng kể trong 9 tháng, đạt đỉnh trong tháng 4 với 91,71 điểm, sau đó liên tục giảm cho tới thời điểm kết thúc quý 3/2018 và tiếp tục đà giảm nhẹ trong tháng 9 đạt mức 84,77 điểm. Giá dầu sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm, tăng mạnh trở lại bắt đầu từ tháng 3/2018; giảm nhẹ trong tháng 8, dao động ở mức 73USD/thùng; và bật tăng vào ngày 25/9 lên mức 81,20 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014. Đặc biệt là trong 2 tháng gần đây, giá dầu thế giới chứng kiến sự biến động mạnh. Tính đến hết ngày 29/11/2018, giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt 33% và 30% so với mức trung bình năm 2017. Giá dầu năm 2018 có xu hướng tăng dần và đạt đỉnh vào ngày 03/10/2018 – mức cao nhất trong vòng 4 năm, tăng lần lượt 30% và 27% so với hồi đầu năm, song ngay lập tức sụt giảm dần, xuống còn mức thấp nhất từ đầu năm đến nay vào ngày 28/11/2018, giảm 32% và 34% chỉ trong vòng 8 tuần. Tính đến hết ngày 29/11/2018, giá dầu Brent và WTI đã giảm lần lượt 11% và 17% so với hồi đầu năm. Áp lực lạm phát đối với Việt Nam là không thể phủ nhận, tuy nhiên, NHNN đã kiểm soát được lạm phát ổn định trong năm, không có những cú sốc về giá cả, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm khoảng 3,5% đạt mức lạm phát mục tiêu do Quốc hội phê chuẩn.
Kiểm soát được lạm phát ổn định ở mức này, xét từ góc độ của CSTT có thể thấy, NHNN đã kiểm soát tốt cung tiền, chủ động trong việc điều chỉnh lượng cung tiền tác động đến lạm phát, điều này được phản ảnh bởi diễn biến lạm phát cơ bản được kiểm soát tương đối hợp lý, hài hòa với mức độ tăng/giảm giá hàng hóa do tác động bới các yều tố phi tiền tệ, đảm bảo kiểm soát được lạm phát ở mức mục tiêu. Hỗ trợ tích cực cho kiểm soát lạm phát ngoài việc điều tiết cung tiền hợp lý, thì việc kiểm soát nợ xấu, nâng cao hiệu quả sử dụng dòng tiền ( vốn tín dụng) cũng có tác động tốt đến kiểm soát lạm phát.(đồ thị 1)
2. Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế thế giới có sự phục hồi nhưng không mấy thuận lợi cho Việt Nam. Mặc dù tăng trưởng kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm có dấu hiệu chậm lại so với đầu năm, nhưng cả năm vẫn đạt mức tăng 3,9% (IMF dự báo). Tuy nhiên, mức độ phục hồi kinh tế của các nền kinh tế chủ chốt là không giống nhau: kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc cao hơn năm 2017, đạt mức khoảng 3,1%, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong nhiều năm nay (3,7%); Kinh tế Trung Quốc không có nhiều dấu hiệu khởi sắc, mà đang có dấu hiệu “hạ nhiệt” giữa bối cảnh Mỹ áp đặt các mức thuế thương mại mới đối với hàng hóa Trung Quốc, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, nhu cầu nội địa yếu đi, niềm tin vào kinh doanh giảm sút, biểu hiện ở doanh số bán lẻ chững lại. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2018 chỉ đạt mức 6,6%; Kinh tế khu vực châu Âu, mặc dù có những biến động về chính trị và sự kiện brexits, song vẫn cho thấy triển vọng khả quan, dự kiến tăng trưởng ở mức 2,2%. Tuy nhiên, áp lực về giá cả và việc làm ở khu vực nay vẫn cao; Kinh tế Nhật Bản do ảnh hưởng của thiên tai và suy giảm xuất khẩu nên tăng trưởng GDP trong quý 3 giảm so với quý trước và giảm đáng kể so với cùng kỳ (1,2%). Diễn biến kinh tế thế giới như vậy cũng ảnh hưởng bất lợi đến việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan. Theo thông báo của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP năm 2018 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2008 trở về đây, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác, giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,81%. Cán cân thương mại thặng dư ở mức kỷ lục 7,2 tỷ USD). Đáng chú ý, nhập siêu hàng hóa từ Hàn Quốc và Trung Quốc của Việt Nam sau 11 tháng đều giảm và xuất siêu sang Hoa Kỳ và EU đều tăng so cùng kỳ năm 2017; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Trong năm 2018, còn có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 1.113 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 4,25 tỷ USD và 5.383 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 5,64 tỷ USD.
Đạt được kết quả này không thể không có sự đóng góp tích cực của CSTT. Năm 2018, mặc dù tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ dưới 15%, nhưng dòng vốn được ưu tiên tập trung vào các ngành sản xuất, chế biến chế tạo, nông nghiệp nông thôn góp phần đáng kể vào việc cải thiện cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, việc kiểm soát lạm phát, giữ vững sự ổn định tiền tệ, tỷ giá trong bối cảnh đồng USD lên giá là động lực quan trọng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển sản xuất kinh doanh. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng “Ổn định tài chính, duy trì huyết mạch của nền kinh tế là điều kiện then chốt cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững”.
3. Ổn định thị trường tiền tệ
Năm 2018 phản ánh bức tranh "một thị trường tài chính tiền tệ ổn định" trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế cũng không ít những biến động khó lường, do CSTT của các nước trên thế giới điều hành có sự khác biệt, trái chiều giữa các nền kinh tế chủ chốt: Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, trong năm 2018, Fed 6 lần tăng lãi suất chỉ đạo, Fed tiếp tục chỉ đạo tăng lãi suất, cùng với chính sách giảm thuế mới khiến dòng vốn FDI có xu hướng dịch chuyển về Mỹ, đồng USD tiếp tục tăng giá trong những tháng cuối năm, chỉ số DXY từ mức 89,91 những ngày đầu tháng 2/2018 đã đạt mức 96,14 điểm ngày 18/12/2018; Chính sách tiền tệ của Trung Quốc thực hiện theo xu hướng nới lỏng hơn, mặc dù lãi suất chủ đạo không tăng, song PBOC có xu hướng bơm ròng tiền ra với kỳ hạn dài cho các NHTM để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong 5 tháng đầu năm đồng CNY có xu hướng mất giá đáng kể so với USD, PBOC đã thiết lập cơ chế mới quản lý tỷ giá hối đoái, hình thành giá trị trung điểm giao dịch hàng này và biên độ giao dịch không vượt quá 2%, theo đó, đến tháng 8/2018, CNY đã chấm dứt xu hướng mất giá trong 5 tháng liên tiếp trước đó và giữ ổn định dao động ở mức 1 USD = 6,8 CNY cho đến hết năm 2018; Xu hướng phục hồi dần theo hướng giảm sự nới lỏng CSTT của NHTW châu Âu chưa rõ nét, cung tiền vẫn có xu hướng tăng do ECB tiếp tục mua thêm tài sản, đồng thời vẫn giữ nguyên các mức lãi suất thấp kỷ lục (lãi suất tái cấp vốn, lãi cận biên cho vay, lãi suất tiền gửi lần lượt ở mức 0%, 0,25% và -0,4% không đổi cho ít nhất đến giữa năm 2019); NHTW Nhật Bản tiếp tục thực hiện CSTT nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng này cũng tuyên bố sẽ giữ các mức lãi suất rất thấp này trong một thời gian dài để đạt được lạm phát mục tiêu 2% đặt ra, lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lãi suất mục tiêu của TPCP 10 năm quanh ngưỡng 0%.
Mặc dù vậy, thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn giữ được ổn định. Lãi suất và tỷ giá như một hạn thị biểu phản ánh cung cầu vốn trên thị trường, cũng như phản ảnh tình hình ổn định của thị trường, một thị trường để xảy ra nhiều “cú sốc” về sự lên xuống thất thường của lãi suất và tỷ giá cho thấy một thị trường đang có sự bất ổn do sự kém điều hành của NHTW, sự yếu kém của các định chế tài chính trên thị trường. Trên thị trường tiền tệ Việt Nam năm 2018, lãi suất và tỷ giá đã giữ được ổn định, mặc dù Fed tăng lãi suất, nhưng tỷ giá VND về cơ bản giữ được ổn định, sự biến động của tỷ giá theo chiều hướng tăng phù hợp với sự tăng giá của đồng USD trên thị trường thế giới. Chỉ số đô la Mỹ, do sức mạnh đồng bạc xanh với các ngoại tệ chính đã tăng từ mức xấp xỉ 90 điểm những ngày đầu năm 2018 lên mức xấp xỉ 96 điểm những ngày cuối năm 2018, do trong năm 2018 Fed liên tục tăng lãi suất, tăng trưởng kinh tế Mỹ phục hồi. Tỷ giá VND trong năm tăng khoảng 2,4% nằm trong mục tiêu điều hành là tỷ giá dao động tăng từ mức 2-3% trong năm 2018; lãi suất VND nhìn chung ổn định, có xu hướng tăng nhẹ vào những tháng cuối năm, tính chung cả năm lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm. Lãi suất cho vay bình quân từ mức 8,86% năm 2017 lên khoảng 8,91%. Mặt bằng lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,6%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; Kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm. Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với lãi suất trái phiếu thường cao hơn lãi suất tiết kiệm, do thời hạn dài, đối tượng chọn lọc, có mục tiêu cụ thể… Nguyên nhân tăng lãi suất chủ yếu do lạm phát kỳ vọng tăng và các TCTD cơ cấu lại nguốn vốn để đáp ứng lộ trình thực hiện các tỷ lệ an toàn trong năm 2019 như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% và chuẩn bị tăng vốn cấp 2 theo Basel II. (Đồ thị 2)
Bên cạnh đó, dòng vốn luân chuyển trên thị trường tiền tệ thông suốt, hiệu quả: Theo báo cáo thường niên của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tốc độ tăng cung tiền M2 và tín dụng đều giữ xu hướng giảm. Tỷ lệ M2/GDP đến cuối năm 2018 ước khoảng 168%, tăng thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2012-2016. Tín dụng năm 2018 ước tăng 14-15%, thấp hơn 3-4 điểm phần trăm so với năm 2017. Đây cũng là mức thấp nhất từ năm 2015 đến nay. Tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 134%, tăng 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015. Cung tiền, tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.
Vấn đề tăng trưởng tín dụng thấp, mà tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mục tiêu, được đánh giá là điểm tích cực trong diễn biến thị trường tiền tệ năm nay. Nếu như những năm trước đây, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì đều dựa vào tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cao thường đi kèm với rủi ro tín dụng, đó là nợ xấu tăng cao, hậu quả là dẫn đến lạm phát cao vì dòng tiền bơm ra không tạo hiệu quả trong việc tạo ra giá trị sản phẩm mới, lạm phát cao dẫn đến bất ổn vĩ mô. Năm 2018 tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao, nó phản ánh tính hiệu quả của dòng vốn tín dụng và sự phát triển cân đối, hợp lý hơn của thị trường tài chính. Điều này sẽ càng thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam; Tốc độ tăng TPTTT chủ yếu không phải tác động từ yếu tố tín dụng, mà do việc tài sản có ngoại tệ, đồng nghĩa với việc NHNN mua được nhiều ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối, yếu tố này cũng tác động hạn chế đến lạm phát.
Thanh khoản của thị trường được đảm bảo: Hệ số LDR năm nay là 87,5 % thấp hơn một chút so với năm 2017 (87,8), với mức này thị trường luôn đảm bảo được khả năng thanh khoản. Điều này cho thấy, các TCTD đã nâng cao được khả năng quản trị nguồn vốn của mình cùng với việc hiệu quả điều tiết tiền tệ của NHNN, dòng vốn không bị để tồn đọng cao cho việc bảo đảm thanh khoản. Mặc dù những tháng cuối năm nhiều NHTM tăng lãi suất huy động vốn để huy động vốn, nó không phản ánh tính thanh khoản kém dồi dào, nó cho thấy tính chủ động của các TCTD trong việc cân đối nguồn vốn của mình sát với cung cầu vốn thị trường. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng phản ánh tương đối chính xác cung, cầu vốn trên thị trường. Năm 2018, trên thị trường liên ngân hàng lãi suất qua đêm VND tăng từ mức bình quân khoảng 1,53% trong đầu năm lên khoảng 3% trong nửa cuối năm 2018. Điều này cũng phản ánh tính thời vụ của thị trường tiền tệ trong năm.
Điều đáng nói ở đây, đó là CSTT đã hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu hệ thống các NHTM, như tái cơ cấu nguồn vốn, nâng cao chất lượng sử dụng nguồn vốn do các biện pháp thắt chặt tăng trưởng tín dụng và các yêu cầu về tăng tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn trong hoạt động, cũng như các biện pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các TCTD, theo đó, tạo điều kiện cho các TCTD tăng huy động vốn dài hạn, giảm tỷ trọng huy động vốn ngắn hạn, mở rộng đầu tư dài hạn hỗ trợ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thêm vào đó, kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá là điều kiện quan trọng để NHNN tăng được lượng dự trữ ngoại hối đạt được mức tích lũy cao ở mức kỷ lục trong năm 2018, điều này cho thấy lòng tin vào chính sách của Chính phủ và NHNN đã và đang được củng cố, hỗ trợ cho các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề cốt lõi đảm bảo cho CSTT đạt được mục tiêu đặt ra, đó là: (i) việc lựa chọn đúng mục tiêu điều hành cần hướng tới trên cơ sở dự báo chính xác nhân tố chính tác động đến mục tiêu của CSTT; (ii) cách thức điều hành cẩn trọng, linh hoạt, phối hợp tốt với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác đưa ra những giải pháp hữu hiệu điều tiết cung tiền, chất lượng dòng vốn hướng tới mục tiêu: Kiểm soát ở mức sát với mục tiêu đặt ra; ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất duy trì ở mức thấp, tỷ giá và thị trường vàng được duy trì ổn định, mặc dù đồng đô la lên giá nhưng tỷ giá vẫn kiểm soát trong phạm vi cho phép; giúp tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tăng dự trữ ngoại tệ, tạo lòng tin đối với các nhà đấu tư trong và ngoài nước…
Trong năm 2019, tình hình kinh tế - chính trị thế giới vẫn tiếp tục có những diễn biến khó lường, bất ổn, xu hướng điều hành CSTT của các nền kinh tế lớn cũng khó dự đoán. Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực sẽ tạo ra sức ép không nhỏ đối với ngành ngân hàng, khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu, rộng hơn và cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng trong nước, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá có thể sẽ gặp nhiều thách thức và chịu ảnh hưởng từ các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, sẽ có nhiều yếu tố khó lường khi chiến tranh thương mại leo thang, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed và nhiều Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới...; điều đó đòi hỏi NHNN tiếp tục nâng cao năng lực phân tích dự báo, tiếp tục cách thức điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác giải quyết các vấn đề mang tính cốt lõi và có tính lan tỏa của CSTT đến mục tiêu cần đạt được; kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đảm bảo tính hiệu quả, thông qua các giải pháp đảm bảo chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động của các TCTD; đảm bảo ổn định tỷ giá, kiểm soát tốt lạm phát là điều kiện quyết định thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, bên cạnh những giải pháp chính sách thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài của các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để tăng cường nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nhằm cải thiện tốt hơn kênh truyền tải của CSTT, qua đó đạt được hiệu quả cao trong điều hành CSTT.
Tài liệu tham khảo
- Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế xã hội năm 2018 của TCTK.
- Báo cáo Kinh tế vĩ mô 11 tháng năm 2018 của Trung tâm nghiên cứu BIDV.
- Báo cáo thường niên năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh
Nguồn: TCNH số 2+3/2019