Chính sách tiền tệ của Mỹ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
15/10/2021 10.005 lượt xem
Chính sách tiền tệ (CSTT) là một công cụ quan trọng được sử dụng để điều hành và quản lý kinh tế vĩ mô tại mọi quốc gia...
 
Tóm tắt:
 

Chính sách tiền tệ (CSTT) là một công cụ quan trọng được sử dụng để điều hành và quản lý kinh tế vĩ mô tại mọi quốc gia. Đại dịch Covid -19 và những nỗ lực nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác động mà đại dịch gây ra đã tạo thành một cuộc khủng hoảng có ảnh hưởng nặng nề nhất tới nền kinh tế Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã triển khai nhiều biện pháp truyền thống và phi truyền thống của CSTT để đưa nền kinh tế Mỹ trở lại trạng thái ổn định. Bài viết có mục tiêu phân tích các giải pháp mà FED đã thực hiện trong giai đoạn vừa qua, trên cơ sở so sánh với những biện pháp đã triển khai tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số khuyến nghị chính sách. 
 
Từ khóa: CSTT, dịch Covid-19, FED. 
 
1. Đặt vấn đề 
 
Diễn biến nhanh chóng và phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều tác động bất lợi cho nền kinh tế thế giới. Bên cạnh thiệt hại về con người, do phải cách ly và phong tỏa xã hội, dịch bệnh đã làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu; các giao dịch xuyên biên giới sụt giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột ngột, làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung cũng như đẩy kinh tế toàn cầu tới bờ suy thoái. Không chỉ dòng hàng hóa, dòng lao động mà cả dòng dịch vụ và tài chính tưởng như miễn nhiễm với dịch bệnh nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng bị chặn đứng bởi nỗi lo sợ dịch bệnh bao trùm. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, nền kinh tế thế giới cùng một lúc phải chịu đựng cả cú sốc cung lẫn cú sốc cầu trên phạm vi toàn cầu, từng quốc gia, thành phố cho đến cộng đồng dân cư và hộ gia đình. Việc thay đổi thói quen chi tiêu, đi lại của người tiêu dùng dẫn đến sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng, kéo theo nguy cơ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp và tâm lý lo ngại rủi ro, thậm chí hoảng sợ của các nhà đầu tư tài chính, đặc biệt là tại các nước phát triển. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế toàn cầu năm 2020 thu hẹp 3,5% là mức sụt giảm lớn hơn so với mức 0,1% của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.
 


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
 
Đại dịch Covid-19 và những nỗ lực nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác động mà dịch bệnh gây ra đã tạo thành một cuộc khủng hoảng có ảnh hưởng nặng nề nhất tới nền kinh tế Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Trong quý II năm 2020, hàng loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô của Mỹ đồng loạt giảm sút ở mức kỷ lục so với cùng kỳ năm 2019, báo hiệu nền kinh tế Mỹ đã chính thức rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 (NBER, 2021). Tính riêng trong giai đoạn này, GDP của Mỹ giảm trên 30% là mức giảm sâu nhất của một quý kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, chính thức xóa sạch thành quả tăng trưởng kinh tế trong 5 năm gần nhất, sản lượng công nghiệp giảm 42,6% cũng là mức giảm theo quý lớn nhất đối với lĩnh vực công nghiệp Mỹ kể từ năm 1947, trong đó lĩnh vực chế tạo giảm lớn nhất, tới 47%; xuất khẩu giảm 13% so với năm 2019.
 
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, việc hơn 22 triệu việc làm bị mất chỉ trong hai tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng đã tăng tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm là 3,5% vào tháng 2 lên tới mức đỉnh là 14,7% vào tháng 4/2020 cũng tạo gánh nặng lớn cho kinh tế Mỹ (U.S. Bureau of Labor Statistics, 2020). Sự gián đoạn các hoạt động kinh tế đã thắt chặt đáng kể các điều kiện tài chính, làm suy yếu dòng tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Hoa Kỳ dẫn tới đầu tư giảm 27%, đồng thời với việc người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu tới 34,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đây là yếu tố đóng góp đến 2/3 GDP của Mỹ. Tình trạng này khiến tổng cầu sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng bất lợi cho nền kinh tế Mỹ.
 
Để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, FED đã hành động một cách quyết liệt, vận dụng các công cụ truyền thống cũng như áp dụng hàng loạt các biện pháp mới để hỗ trợ dòng tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, tổng giá trị các gói hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế được Quốc hội Mỹ thông qua là gần 5,8 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP Mỹ. Những điều chỉnh của FED trong thực thi CSTT đặc biệt là những biện pháp trực tiếp phi truyền thống đã đem lại những kết quả khả quan trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại Mỹ. Do đó, việc nhìn nhận lại những chính sách mà FED đã tiến hành để đối chiếu với các biện pháp đã áp dụng tại Việt Nam trong cùng giai đoạn, qua đó rút ra một số hàm ý chính sách mang tính chất tham khảo cho thời gian tới là cần thiết.
 
2. Thực trạng CSTT của Mỹ giai đoạn đại dịch Covid-19
 
Với mục tiêu chung là ngăn chặn đà suy giảm kinh tế bằng việc đảm bảo hoạt động xuyên suốt của hệ thống tài chính và tạo điều kiện cho dòng vốn tín dụng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp, các biện pháp thuộc CSTT của FED nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể được chia thành bốn nhóm lớn gồm: (i) Các biện pháp CSTT truyền thống; (ii) Các hình thức cung cấp thanh khoản và tài trợ để hỗ trợ thị trường tiền tệ hoạt động; (iii) Các khoản hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, doanh nghiệp, chính quyền các cấp; (iv) Các điều chỉnh về chính sách và quy định nhằm khuyến khích và thúc đẩy các ngân hàng hỗ trợ dòng tín dụng cho khách hàng. Chúng ta có thể phân tích các biện pháp này cụ thể như sau:
 
a) Các biện pháp CSTT truyền thống 
 
Điều chỉnh lãi suất là một biện pháp truyền thống của CSTT được FED vận dụng để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 tới kinh tế Mỹ. Cụ thể, vào ngày 03/3/2020, FED đã hạ lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2018. Đây là lần đầu tiên FED quyết định hạ lãi suất không phải sau cuộc họp chính thức kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 và là lần giảm lãi suất khẩn cấp thứ năm trong vòng 50 năm qua. Tiếp đó, vào ngày 15/3/2020, FED thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan ra nhiều bang tại Mỹ (Federal Reserve System, 2020). Theo đó, FED hạ lãi suất một điểm phần trăm xuống biên độ mục tiêu 0 - 0,25%, trước lo ngại dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và triển vọng của nền kinh tế Mỹ.
 
Để ngăn chặn tình trạng đóng băng của thị trường tài chính, FED liên tiếp thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở để mở rộng nguồn cung vốn ngắn hạn hỗ trợ các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời trong bối cảnh chi phí huy động vốn từ các nguồn khác đang tăng mạnh. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 09/3/2020, theo chỉ thị từ Ủy ban Thị trường mở liên bang (Federal Open Market Committee - FOMC), Bộ phận Thị trường mở của Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực New York (Open Market Desk - DESK) đã tăng quy mô và số lượng các giao dịch repo qua đêm và repo có kỳ hạn, trong đó bao gồm việc áp dụng các nghiệp vụ repo mới có kỳ hạn theo tuần và theo quý (Federal Reserve Bank of New York, 2020a) cũng như cung cấp các khoản vay được bảo đảm bằng các trái phiếu có rủi ro thấp. Ngoài ra, FED cũng cho các tổ chức nhận tiền gửi vay tiền trên cơ sở sử dụng tài sản thế chấp là chứng chỉ do các quỹ thị trường tiền tệ phát hành. 
 
Đi đôi với các biện pháp điều chỉnh lãi suất và các chương trình mua tài sản, FED cũng đồng thời đưa ra những cam kết làm rõ định hướng tương lai của CSTT là nhằm đưa lạm phát quay lại tỷ lệ mục tiêu trong dài hạn cũng như cải thiện thị trường lao động để có được số lượng việc làm tối đa. Gần đây nhất, trong cuộc họp của FOMC vào tháng 6/2021, FED đã công bố những thay đổi đáng kể về triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2021 theo hướng tích cực hơn cả về việc làm và lao động. Cụ thể, FED khẳng định lạm phát vẫn có thể tăng trong những tháng tới và nâng dự báo lạm phát trong năm 2021 từ 2,4% lên 3,4%. Tiếp đó, FED cũng đưa ra nhận định là thị trường lao động Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi tốt hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, FED cũng nhấn mạnh là mức phục hồi vẫn còn xa với mức toàn dụng. Do đó, FED vẫn không thay đổi định hướng điều hành CSTT của mình. Có thể nói, những cam kết và hướng dẫn mà FED đưa ra thông qua các kỳ họp của FOMC đã góp phần ổn định và tạo niềm tin cho thị trường.
 
b) Các biện pháp hỗ trợ thanh khoản
 
Ổn định thị trường tài chính bằng cách cung cấp các khoản vay ngắn hạn đáp ứng nhu cầu thanh khoản của thị trường là một biện pháp quan trọng khác mà FED đã triển khai trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua. Sự gia tăng mạnh về nhu cầu tiền mặt và các tài sản lưu động khác vào giữa tháng 3/2020 đã gây ra sự căng thẳng trên nhiều thị trường tài chính, làm gián đoạn dòng tín dụng cần thiết để doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động quan trọng của mình. Để giảm bớt khó khăn cho các thành viên chính trên thị trường, FED đã triển khai các biện pháp hỗ trợ thanh khoản truyền thống, khuyến khích các tổ chức nhận tiền gửi sử dụng cửa sổ chiết khấu để đáp ứng nhu cầu tín dụng của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Để hỗ trợ mục tiêu này, FED đã thông báo từ ngày 16/3/2020 giảm lãi suất cho vay cơ sở xuống 0,25%, qua đó thu hẹp mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay cơ sở với mặt bằng chung của lãi suất qua đêm nhằm khuyến khích các tổ chức nhận tiền gửi đáp ứng các nhu cầu vay vốn đột xuất của khách hàng. Thêm vào đó, để nâng cao hơn nữa vai trò của cửa sổ chiết khấu như một công cụ hữu ích cho các ngân hàng trong việc giải quyết áp lực về nguồn vốn, FED cho phép các tổ chức nhận tiền gửi có thể vay theo hình thức này với kỳ hạn tối đa lên tới 90 ngày. Ngoài ra, FED cũng cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0% từ ngày 26/3/2020 và khuyến khích các tổ chức nhận tiền gửi sử dụng hình thức vay trong ngày từ các Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ gia đình và doanh nghiệp cũng như sự vận hành trơn tru của hệ thống thanh toán (Board of Governors, 2020a).
 
Để hỗ trợ những khoản lỗ tiềm tàng của hệ thống dự trữ, FED đã kết hợp với Bộ Tài chính công bố chương trình tài trợ thương phiếu (Commercial Paper Funding Facility - CPFF) vào ngày 17/3/2020 và chương trình hỗ trợ thanh khoản thị trường tiền tệ (Money Market Mutual Fund Liquidity Facility - MMLF) vào ngày 18/3/2020, với nguồn vốn ban đầu là 10 tỷ USD cho mỗi chương trình trên cơ sở tham chiếu các sáng kiến tương tự đã được triển khai trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Ngoài ra, một biện pháp khác là cấp tín dụng cho các thành viên chính của thị trường (Primary Dealer Credit Facility - PDCF) đã được công bố và đi vào hoạt động ngày 20/3/2020, với mục đích cung cấp những khoản vay có bảo đảm bằng tài sản thế chấp cho các trung gian tài chính quan trọng trên thị trường vốn ngắn hạn, đảm bảo sự vận hành thông suốt cho thị trường này nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp và hộ gia đình. Việc triển khai các chương trình này đã góp phần ổn định thị trường tài chính, khắc phục tình trạng thiếu thanh khoản trên thị trường, hỗ trợ dòng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. 

Các biện pháp hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ mà FED đã triển khai cũng đóng một vai trò quan trọng nhằm giảm bớt căng thẳng trên thị trường ngoại hối. Thực tế cho thấy, dù USD được sử dụng rộng rãi trong hoạt động thương mại, tài trợ và đầu tư trên toàn thế giới nhưng các tổ chức tài chính nước ngoài rất hạn chế trong việc tiếp cận các khoản tiền gửi của Mỹ hoặc các nguồn tài trợ bằng USD ổn định khác, do đó phải phụ thuộc vào thị trường tài trợ bán buôn. Tình trạng khan hiếm thanh khoản trên các thị trường này vào giữa tháng 3/2020 đã ảnh hưởng trực tiếp tới các tổ chức tài chính nước ngoài dẫn tới việc các tổ chức này cắt giảm hoạt động cho vay bằng USD đối với những người đi vay nước ngoài làm trầm trọng thêm sự gián đoạn trên thị trường tài chính toàn cầu, cũng như giảm hoạt động cho vay đối với người đi vay Mỹ. Việc các tổ chức tài chính nước ngoài thanh lý hàng loạt các tài sản để đổi lấy đồng USD cũng gây nên một số tác động bất lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Để giải quyết tình trạng này, FED đã tuyên bố giảm chi phí và kéo dài thời gian đáo hạn các chương trình hoán đổi với các ngân hàng trung ương (NHTW) đã ký kết hợp đồng hoán đổi với FED. Mặt khác, đối với các quốc gia thiếu hụt USD mà không thuộc đối tượng được tham gia vào nghiệp vụ hoán đổi với FED thì được FED cho vay đồng USD với tài sản thế chấp là trái phiếu kho bạc Mỹ. 
 
c) Các biện pháp hỗ trợ trực tiếp 
 
Các quy định giãn cách, cách ly và phong tỏa do dịch Covid-19 đã trực tiếp tác động đến khu vực sản xuất, sau đó lan truyền và tạo nên những biến động bất lợi trên thị trường tài chính Mỹ. Do đó, chi phí đi vay tăng mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu đô thị và chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản đi kèm với khó khăn trong việc phát hành chứng khoán mới trên thị trường tài chính Mỹ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Mỹ chủ yếu dựa vào đi vay ngân hàng phải đối mặt với áp lực tài chính đáng kể do tác động của dịch Covid-19 buộc họ phải đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động. Điều này làm gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Mỹ, buộc các ngân hàng phải thắt chặt tín dụng. Vì vậy, một đặc điểm nổi bật trong CSTT đối phó với dịch Covid-19 của FED là sử dụng các giải pháp hỗ trợ trực tiếp nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng cho các đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó có các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính quyền các cấp. Một số giải pháp mà FED đã áp dụng, cụ thể là: Chương trình cho vay chứng khoán đảm bảo bằng tài sản có kỳ hạn (Term AssetBacked Securities Loan Facility - TALF) bắt đầu hoạt động vào ngày 17/6/2020, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành các khoản vay mua ô tô, cho thuê thiết bị, cho vay thẻ tín dụng và các khoản vay khác được gộp thành chứng khoán đảm bảo bằng tài sản và được bán cho các nhà đầu tư. Hoạt động của TALF đã góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư, khơi thông dòng chảy tín dụng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ. 
 
Tiếp theo, vào ngày 23/3/2020, FED công bố chương trình tín dụng doanh nghiệp thị trường sơ cấp (Primary Market Corporate Credit Facility - PMCCF) và chương trình tín dụng doanh nghiệp thị trường thứ cấp (Secondary Market Corporate Credit Facility - SMCCF) được thiết kế đồng thời vận hành nhằm hỗ trợ dòng vốn tín dụng cho các tập đoàn có xếp hạng tín nhiệm cao của Mỹ để họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh dưới những tác động bất lợi của dịch Covid-19.
 
Chương trình hỗ trợ thanh khoản chính quyền đô thị (Municipal Liquidity Facility - MLF) cũng được công bố ngày 09/4/2020 và đi vào hoạt động ngày 26/5/2020 để hỗ trợ trực tiếp cho chính quyền tiểu bang và địa phương quản lý tốt dòng tiền nhằm phục vụ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của họ. Việc MLF sẵn sàng mua các khoản nợ ngắn hạn từ chính quyền các tiểu bang, chính quyền thành phố và doanh nghiệp công đã cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của các tổ chức này cũng như bình ổn thị trường trái phiếu đô thị. 
 
FED đã công bố Chương trình cho vay Main Street (Main Street Lending Program) vào ngày 23/3/2020 để hỗ trợ dòng vốn tín dụng cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chương trình đã mua lại từ các tổ chức nhận tiền gửi 95% các khoản vay của các doanh nghiệp có dưới 15.000 nhân viên và doanh thu hàng năm từ 5 tỷ USD trở xuống. Chương trình cho vay Main Street được FED thiết kế để bổ sung cho PMCCF và SMCCF hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp quá nhỏ để được hưởng lợi trực tiếp từ hai chương trình nói trên. Hoạt động của chương trình cho vay Main Street trực tiếp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, đồng thời gián tiếp hỗ trợ hoạt động cho vay ngoài chương trình bằng cách mở rộng năng lực của các tổ chức nhận tiền gửi. Mặc dù có nhiều khó khăn phát sinh trong việc xây dựng và điều hành chương trình (English, B., N. Liang, 2020) cũng như chương trình mới chỉ sử dụng một phần nhỏ là 17,5 tỷ USD trong tổng nguồn vốn 600 tỷ USD (Bräuning, F., T. Paligorova, 2021), tuy nhiên đã có 1.830 khoản vay của chương trình cho vay Main Street đã đến tay 2.453 người vay mà 99% trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong các ngành và địa phương bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
 
d) Các biện pháp điều chỉnh chính sách
 
Một hệ thống ngân hàng ổn định có khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng của các hộ gia đình và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 - 2009, nên vào những năm gần đây, FED đã tập trung củng cố năng lực của các ngân hàng để những tổ chức này có thể đảm bảo vai trò là nguồn cung cấp tín dụng và đáp ứng nhu cầu thanh khoản thị trường trong những giai đoạn suy thoái hay khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát thì tình trạng của hệ thống ngân hàng Mỹ khả quan hơn rất nhiều so với khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 - 2009. Cụ thể, hệ thống ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu tiền mặt gia tăng đáng kể của các doanh nghiệp, tài trợ được phần lớn trong số 500 tỷ USD các khoản vay PPP (Paycheck Protection Program - chương trình bảo vệ tiền lương) nâng tổng số các khoản vay thương mại và công nghiệp lên đến 715 tỷ USD trong giai đoạn đầu khủng hoảng từ ngày 26/02/2020 và đến đỉnh điểm là vào ngày 13/5/2020 (Federal Financial Institutions Examination Council,2020). Ngoài ra, các ngân hàng cũng đồng ý gia hạn thanh toán lãi và gốc đối với các khoản vay của hàng triệu hộ gia đình đang gặp khó khăn. Thêm vào đó, nhờ triển khai nhiều biện pháp khác nhau nên chỉ tính riêng trong quý III/2020, hệ thống ngân hàng Mỹ đã huy động được khoảng 2,5 nghìn tỷ USD tiền gửi từ các nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm phương thức đầu tư an toàn trước sự biến động của nền kinh tế dưới tác động của đại dịch Covid-19.
 
Với tư cách là tổ chức giám sát hệ thống ngân hàng, FED đã thực hiện một số điều chỉnh chính sách tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hoạt động thuận lợi hơn trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng. Cụ thể, FED đã công bố nới lỏng quy định về dự trữ bắt buộc, khuyến khích các ngân hàng làm việc trực tiếp với khách hàng để điều chỉnh các quy định của khoản vay hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn của dịch bệnh (The National Law Review, 2020). 
 
Đối với các định chế lớn thì FED đã điều chỉnh khung khổ kiểm tra sức chịu đựng để xác định rõ hơn những tác động tiềm tàng của dịch Covid-19 tới tình trạng vốn của các ngân hàng này. Ngoài ra, FED còn yêu cầu các ngân hàng lớn nhất phải gửi lại kế hoạch vốn, FED cũng áp đặt các giới hạn mới về phân bổ vốn và đưa ra các kịch bản mới được sử dụng cho vòng kiểm tra sức chịu đựng thứ hai được tiến hành vào tháng 12/2020. FED cũng ban hành vào tháng 4/2020 quy chế tạm thời xóa bỏ quy định về trái phiếu kho bạc và tiền gửi tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực đối với tỷ lệ đòn bẩy bổ sung của các công ty sở hữu ngân hàng lớn. Quy chế này đã giúp giảm bớt căng thẳng trên thị trường trái phiếu kho bạc và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền gửi của khách hàng vào các ngân hàng gia tăng mạnh kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. FED phối hợp với các cơ quan quản lý khác ra quyết định cho phép các tổ chức ngân hàng giảm tỷ lệ dự phòng rủi ro tạo điều kiện các ngân hàng hỗ trợ cho vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
 
Để hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng nhỏ, FED đã đưa ra các biện pháp điều chỉnh tạm thời đối với tỷ lệ đòn bẩy của ngân hàng, về thời hạn báo cáo theo quy định và các yêu cầu thẩm định khoản vay cũng như sắp xếp hợp lý hơn các đợt kiểm tra đối với các ngân hàng nhỏ. Những thay đổi trong quy định quản lý này của FED đã giúp các ngân hàng nhỏ có thêm thời gian và nguồn lực để điều chỉnh hoạt động của mình nhằm ưu tiên đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng và cộng đồng của họ, đồng thời, hỗ trợ các ngân hàng này đóng vai trò quan trọng trong việc cho vay các doanh nghiệp nhỏ thông qua chương trình PPP.
 
Có thể nói, thông qua việc thực thi kịp thời hàng loạt các biện pháp truyền thống và phi truyền thống của CSTT với quy mô và tốc độ chưa từng có tiền lệ, FED đã góp phần ổn định thị trường tài chính, khơi thông dòng tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm bớt những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 để hỗ trợ bình ổn nền kinh tế Mỹ năm 2020 cũng như tạo tiền đề cho sự phục hồi kinh tế trong năm 2021.
 
3. So sánh CSTT của Mỹ với Việt Nam trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và một số khuyến nghị 
 
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát qua 2 lần bùng phát vào tháng 3/2020 và tháng 7/2020, nền kinh tế Việt Nam cũng đã có dấu hiệu phục hồi. Nếu như quý I/2020, tốc độ tăng trưởng đạt 3,82% và quý II/2020 giảm còn 0,39% thì quý III/2020 đã tăng trở lại và đạt 2,62%, đưa con số tăng trưởng của 9 tháng đầu năm 2020 lên 2,12% và giúp cho nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng chung 2,91% cho cả năm 2020. Mặc dù đây là tỷ lệ thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020 của Việt Nam, tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới tăng trưởng âm thì cũng là một thành tích đáng kể. Sang tới năm 2021, dù mức tăng trưởng kinh tế trong nước 7 tháng đầu năm được đánh giá là đang trên đà phục hồi, nhưng việc đạt được mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đề ra thì tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm phải đạt 7,1% là điều vô cùng khó khăn khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trong quý III/2021, theo thông báo của Tổng cục Thống kê, GDP của nước ta giảm 6,17% (tăng trưởng âm) so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, chúng ta cần tiếp tục sự phối hợp đồng bộ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp an sinh xã hội kết hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có sự góp mặt quan trọng của CSTT.
 
Nhìn nhận lại quá trình điều hành CSTT của Việt Nam năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, chúng ta thấy được nhiều nét tương đồng với CSTT mà FED đã triển khai. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai CSTT chủ động, linh hoạt nhằm bảo đảm nguồn cung tín dụng cho thị trường, hỗ trợ các lĩnh vực bị tác động mạnh do dịch bệnh, đồng thời kiềm chế lạm phát nhằm đóng góp vào mức tăng trưởng dương của Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu mà CSTT của FED hướng tới. Sự tương đồng trong điều hành CSTT cũng thể hiện trong các biện pháp cụ thể mà NHTW của hai nước đã triển khai, cụ thể như sau:
 
Về các biện pháp CSTT truyền thống
 
Tương tự như FED, NHNN cũng sử dụng kênh lãi suất của CSTT để tác động tới nền kinh tế. Ngày 16/3/2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 418/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng và Quyết định số 423/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020 về mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại NHNN. Đến ngày 13/5/2020, một đợt cắt giảm lãi suất điều hành mới đã được NHNN thực hiện theo các Quyết định số 918/QĐ-NHNN ngày 12/5/2020 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng và Quyết định số 920/QĐ-NHNN ngày 12/5/2020 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
 
Có thể nói, NHNN là một trong số các NHTW có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực với tổng mức giảm tới 1,5 - 2,0%/năm lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi, giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay trung bình và giảm tới 4,5% mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Các biện pháp điều chỉnh lãi suất kịp thời mà NHNN thực hiện đã có tác dụng hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19 hiện nay. 
 
Về các biện pháp hỗ trợ thanh khoản
 
Để đảm bảo thanh khoản cho thị trường, NHNN đã điều hành CSTT bám sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để dự báo, đánh giá tình hình và kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, ngày 13/3/2020, Thống đốc NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Tiếp nối những quy định này là hàng loạt các biện pháp hỗ trợ kịp thời khác đã đảm bảo thanh khoản của hệ thống TCTD thông suốt trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, góp phần nâng tổng phương tiện thanh toán M2 cuối năm 2020 tăng 12,83% so với cùng kỳ năm 2019 và tiếp tục tăng 3,96% tính đến ngày 15/6/2021. Mặt khác, NHNN trực tiếp chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho cho doanh nghiệp và người dân trong vay vốn tín dụng ngân hàng. Kết quả của những biện pháp này là tín dụng toàn nền kinh tế vào cuối năm 2020, tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước và tính đến ngày 15/6/2021, tăng 5,1% so với cuối năm 2020.
 
Tương tự như FED, NHNN cũng luôn theo dõi sát diễn biến thị trường để chủ động điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong 2 tuần cuối của tháng 3/2020. Tuy nhiên, NHNN đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp điều chỉnh để tỷ giá USD/VND quay trở lại trạng thái ổn định với xu hướng giảm trong quý II/2020, quý III/2020 và tới cuối năm 2020 thì tỷ giá trung tâm ở mức 1 USD = 23.131 VND, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2019, tỷ giá bình quân liên ngân hàng khoảng 23.090 VND = 1 USD, giảm 0,35% so với cuối năm 2019. Thị trường ngoại tệ duy trì ổn định trong những tháng đầu năm 2021 với tỷ giá trung tâm ở mức 1 USD = 23.204 VND, tăng 0,32% so với mức cuối năm 2020, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 23.051 VND = 1 USD, giảm 0,17% so với cuối năm 2020. Những nỗ lực điều hành của NHNN đã đảm bảo thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Thêm vào đó, việc NHNN tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước cũng giúp gia tăng tiềm lực tài chính và củng cố uy tín quốc gia của Việt Nam.
 
Về các biện pháp hỗ trợ trực tiếp
 
Hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 là trọng tâm các biện pháp hỗ trợ trực tiếp của cả FED và NHNN. Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mà nổi bật trong đó là chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại nợ cho khách hàng bao gồm thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dưới sự chỉ đạo của NHNN, đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ ngày 23/01/2020 khoảng 520.000 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/8/2021, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 quy định tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Thông tư số 12/2020/TT-NHNN ngày 11/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2020/TT-NHNN. Đến ngày 17/9/2021, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền hơn 392 tỷ đồng để trả lương cho 112.397 lượt người lao động. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố. Những giải pháp này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm áp lực về nguồn tiền trả nợ đến hạn để doanh nghiệp tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Về các biện pháp điều chỉnh chính sách
 
Điều chỉnh chính sách quản lý điều hành hệ thống ngân hàng là những biện pháp mà cả FED và NHNN đã vận dụng trong giai đoạn vừa qua. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã luôn theo sát các diễn biến của nền kinh tế vĩ mô để kịp thời ban hành nhiều văn bản pháp luật hỗ trợ hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng như tạo khung khổ pháp lý để các TCTD có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua các khó khăn mà dịch bệnh gây nên. 
 
Ngày 07/9/2021, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 
 
So với Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN), Thông tư số 14/2021/TT-NHNN có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng. Cụ thể, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN cho phép TCTD tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Quy định của Thông tư số 03/2021/TT-NHNN chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước 10/6/2020. Như vậy, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đã mở rộng đối tượng được cơ cấu nợ tới cả các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 mà Thông tư số 03/2021/TT-NHNN chưa bao phủ tới. Tiếp đó, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 30/6/2022 (quy định theo Thông tư số 03/TT-NHNN là kéo dài đến ngày 31/12/2021). Cùng với cơ cấu nợ, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN cũng cho phép TCTD miễn, giảm phí cho khách hàng đến ngày 30/6/2022. So với Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN còn bổ sung thêm khoản d, Điều 4. Theo đó, TCTD được cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 07/9/2021. Quy định này tạo điều kiện để TCTD cơ cấu nợ cho cho cả khách hàng có khả năng trả nợ nhưng lại không thể đến ngân hàng trả nợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN cũng sửa đổi, bổ sung Điều 5 về miễn, giảm lãi, phí. Cụ thể, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
 
Có thể nói, về điều hành CSTT của FED và NHNN trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua có nhiều điểm tương đồng. Những tác động tích cực mà CSTT được hai NHTW thực hiện thời gian qua đối với nền kinh tế của hai quốc gia cho thấy sự hiệu quả của chính sách này. Do đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau: 
 
Một là, hoạt động điều hành CSTT nên được tiếp tục triển khai trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để có thể khắc phục những tác động bất lợi mà dịch Covid-19 gây ra, hỗ trợ đà phục hồi kinh tế nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là “vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”. Do các yếu tố về lạm phát, thanh khoản, lợi tức trái phiếu vẫn đang khá thuận lợi, nên NHNN có thể tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
 
Hai là, cần tiếp tục vận dụng linh hoạt các công cụ CSTT nhằm đảm bảo và duy trì thanh khoản hệ thống, đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của đại dịch Covid-19. Trong năm 2020, lãi suất cơ bản được NHNN điều hành linh hoạt trên nền tảng 3 lần giảm lãi suất và lãi suất trong 7 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp. Giữa tháng 7/2021, 16 ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Có thể nói, việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên hoặc chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 sẽ hỗ trợ cho những khu vực này có thể nhanh chóng ổn định và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, NHNN có thể cân nhắc tiếp tục các biện pháp hỗ trợ lãi suất cho các TCTD để khuyến khích các TCTD cho vay khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực này. Thông qua những kênh truyền dẫn của CSTT, NHNN sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. 
 
Ba là, NHNN nên tiếp tục xem xét điều chỉnh linh hoạt các quy định quản lý giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng trên cơ sở bám sát các diễn biến vĩ mô. Cụ thể như tăng quyền chủ động cho các TCTD trong các quyết định cho vay với khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thông tư số 14/2021/TT-NHNN vừa ban hành đã tạo điều kiện cho các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều này đã giúp các khách hàng doanh nghiệp cơ cấu lại dòng tiền, hỗ trợ nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại. Thông qua việc cơ cấu lại nợ, các TCTD có thể đề xuất phương án hỗ trợ khách hàng cụ thể, kịp thời hơn, qua đó có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chưa có gì đảm bảo chắc chắn sau 12 tháng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Do đó, NHNN có thể cân nhắc cho phép các TCTD chủ động xác định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ căn cứ dựa trên đánh giá nguồn thu, dòng tiền thực tế của khách hàng.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Board of Governors. (2020a, March 27). Agencies Announce Two Actions to Support Lending to Households and Businesses,. Retrieved from https://www.federalreserve.gov/newsevents/pressreleases/bcreg20200327a.htm.
 
2. Bräuning, F., T. Paligorova. (2021). “Uptake of the Main Street Lending Program,” Current Policy Perspectives, 2021 Series. Bostom: Federal Reserve Bank of Boston.
 
3. English, B., N. Liang . (2020). “Designing the Main Street Lending Program: Challenges and Options,” Hutchins Center Working Papers Series 64. Washington: Brookings Institution.
 
4. Federal Financial Institutions Examination Council . (2020, August 3). “Federal Financial Institutions Examination Council Issues Statement on Additional Loan Accommodations Related to COVID-19,” press release. Retrieved from https://www.ffiec.gov/press/pr080320.htm
 
5. Federal Reserve Bank of New York. (2020a, March 9). Statement regarding Repurchase Operations,. Retrieved from https://www.newyorkfed.org/markets/opolicy/operating_policy_200309
 
6. Federal Reserve Bank of New York. (2020b, April 13). Statement regarding Repurchase Operations,. Retrieved from https://www.newyorkfed.org/markets/opolicy/operating_policy_200413.
 
7. Federal Reserve System. (2020, March 15). Federal Reserve Issues FOMC Statement. Retrieved from https://www.federalreserve.gov/newsevents/pressreleases/monetary20200315a.htm
 
8. Li, Lei, Yi Li, Marco Macchiavelli, and Xing (Alex) Zhou. (2020). (2020). “Liquidity Restrictions, Runs, and Central Bank Interventions: Evidence from Money Market Funds, working paper, December. 
 
9. NBER. (2021, July 19). US Business Cycle Expansions and Contractions. Retrieved from https://www.nber.org/research/data/us-business-cycle-expansions-and-contractionsml
 
10. The National Law Review. (2020, April 17). Covid-19 Pandemic: Streamlining Financial Institution Regulation to Encourage Lending. Retrieved from https://www.natlawreview.com/article/covid-19-pandemic-streamlining-financial-institution-regulation-to-encourage-lending
 
11. U.S. Bureau of Labor Statistics. (2020, May13). Unemployment Rate Rises to Record High 14.7 Percent in April 2020. Retrieved from https://www.bls.gov/opub/ted/2020/unemployment-rate-rises-to-record-high-14-point-7-percent-in-april-2020.htm?view_full
 
12. Một số tài liệu tham khảo khác.

TS. Trần Thị Vân Anh 

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
16/04/2024 792 lượt xem
Chính sách tín dụng nông thôn (tín dụng nông thôn) ở Brazil là các chương trình cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, năng suất và đầu tư; nâng cao thu nhập của các trang trại và doanh nghiệp; nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
04/04/2024 2.141 lượt xem
Bài viết phân tích, đánh giá một số kinh nghiệm quốc tế về cơ cấu thu NSNN bền vững thông qua bốn loại thuế, gồm: Thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện cơ cấu thu NSNN bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
21/03/2024 4.067 lượt xem
Hệ thống hưu trí là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với hai hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí tự nguyện. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp ở các nước trên thế giới rất quan trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
19/03/2024 8.446 lượt xem
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm.
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
07/03/2024 5.663 lượt xem
Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, đặc biệt là xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức và rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
03/03/2024 7.769 lượt xem
Sau gần hai năm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ về gần lạm phát mục tiêu là 2%, trong năm 2024, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
15/02/2024 6.397 lượt xem
Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro.
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
13/02/2024 6.329 lượt xem
Nhìn lại năm 2023, trên khắp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/2023, Mizuho đã hỗ trợ Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tại Tokyo cùng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các định chế tài chính khác.
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
26/01/2024 7.625 lượt xem
Sau những cú sốc mạnh trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2023.
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
15/01/2024 8.049 lượt xem
Chuyển đổi số và sự bùng nổ công nghệ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của khách hàng và hoạt động kinh doanh. Xu hướng thay đổi này dẫn đến quá trình số hóa trong các lĩnh vực như sản xuất, chuỗi cung ứng, tài chính và các dịch vụ phụ trợ khác.
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
05/01/2024 8.838 lượt xem
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ sụp đổ của những ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng, điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính chất dễ đổ vỡ của ngân hàng. Việc một ngân hàng đổ vỡ thể hiện kỉ luật thị trường đối với những ngân hàng có hoạt động kinh doanh thiếu an toàn, lành mạnh nhưng lại tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng và người gửi tiền.
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
21/12/2023 10.248 lượt xem
Sự chuyển dịch nhanh chóng của hệ thống tiền tệ số toàn cầu đã khiến chính phủ các nước có phần lúng túng trong việc thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi chi tiêu và đầu tư của người dân.
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
20/12/2023 9.476 lượt xem
Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bài viết này tóm lược sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước châu Phi trong thời gian hơn một thập kỉ vừa qua và việc Trung Quốc sử dụng lĩnh vực ngân hàng hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
16/11/2023 10.602 lượt xem
Bài viết khái quát quá trình triển khai huy động dòng vốn toàn cầu thông qua tiền mã hóa của Chính phủ Ukraine và Liên bang Nga; từ đó, đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán xuyên biên giới, nguy cơ sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động rửa tiền, khủng bố và đưa ra hàm ý cho Việt Nam.
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
06/11/2023 10.457 lượt xem
Hoạt động huy động vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phương thức này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, hoạt động huy động vốn theo hình thức cổ phần (Equity - based Crowdfunding - ECF) là hình thức gọi vốn được các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất ưa chuộng. Với ECF, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ cộng đồng thông qua một nền tảng trên Internet.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?